Chương 29: Hội Chứng Truman Show - Việt Kiều
huyến bay Paris – Hà Nội AF213 được thông báo là sẽ bắt đầu trong 40 phút nữa.
Cuộc nói chuyện với cô B đêm hôm trước đã gây một cơn động đất trong gia đình chúng tôi. Cô em út của cha đang sống ở Texas gửi email cho tôi. Các cô và các bác trách cô B đã đem hết chuyện kể cho tôi. Cô út kịch liệt phản đối: “Cô không bao giờ khuấy tro cũ để làm cháy nhà. Quá khứ là quá khứ”. Tất cả gia đình bên nội đều biết sự hiện diện của người con trai và người con gái kia. Còn chị em chúng tôi thì lại không hề.
Trong bộ film The Truman Show, một người đàn ông do Jim Carrey thủ vai tin rằng anh ta có một cuộc sống bình thường cho tới ngày biết rằng mình thường xuyên bị quay phim. Bạn bè và gia đình anh ta là những diễn viên được trả tiền để đóng vai của họ, thành phố mà anh ta đang sống là một trường quay khổng lồ. Tất cả đều giả. Từ khi mới sinh, anh ta đã là diễn viên cho một bộ phim khủng của truyền hình thực tế. Mọi người đều biết. Trừ anh ta.
Hội chứng Truman Show
Chứng bệnh tâm lý, không có tên trong danh sách bệnh của DMS. Các nhà tâm lý học và thần kinh học Joel và Daniel Gold của bệnh viện Bellevue Hospital Center (New York) đã tách riêng những triệu chứng của căn bệnh này trong một nghiên cứu tuyệt vời xuất bản năm 2008. Hai anh em Gold đã gặp gỡ 12 bệnh nhân, ở họ chứng bệnh này được thể hiện bởi hoang tưởng bị truy hại. Một trong số những người bệnh đó đã từng chạy trốn và xin tị nạn trong một tòa nhà của tiểu bang. Bệnh nhân này tin rằng anh ta bị các camera đi theo và đó là cách duy nhất để trốn khỏi trò chơi truyền hình thực tế đã ép anh ta tham gia trước đó. Một bệnh nhân khác miêu tả hoàn cảnh của mình như sau: “Tôi nhận ra rằng gia đình tôi và tất cả những người tôi quen đều là diễn viên trong một kịch bản đã được viết sẵn”.
Hà Nội. Phố cổ. Cảm thấy làn gió ấm buổi tối, ngồi sau xe máy nổ tành tạch. Ăn một bát phở, ngấu nghiến bánh, húp nước, xé nhỏ mùi và húng. Hòa mình trong tiếng Việt – âm nhạc của tuổi thơ. Ngôn ngữ riêng tư, ngôn ngữ ở nhà, ngôn ngữ của ông bà tôi, của cha mẹ tôi, của những bài đồng dao và những lời ru với ngữ điệu rên rỉ xé ruột. Theo thời gian, tôi đã quên nó, ngôn ngữ mà tôi không thể còn bảo là ngôn ngữ của tôi, nhưng nó vẫn chìm lấp đâu đó trong vô thức, như một kỷ niệm êm dịu từ một quá khứ mờ ảo tựa những giấc mơ. Nó vang lên tại đây, khắp nơi xung quanh tôi, và tôi lắng nghe nó, choáng váng.
Ở Hà Nội, khuôn mặt tôi và tên riêng của tôi đã đủ kể lại lai lịch của tôi. Lai lịch của một Việt kiều, một người Việt hải ngoại. Ở Pháp, đất nước của tôi thì người ta lại nhìn tôi như nhìn người ngoại quốc (kiểu lịch sự: “Cô có nói được tiếng Pháp không?”, kiểu khó chịu: “Nỉ hảo”). Ở Việt Nam, nơi rất xa với tôi, người ta nhận ra tôi là người Việt, mặc dù tôi không nói hoặc nói rất kém tiếng Việt. Bị hỏi dồn dập, tôi phải liên tục kể lể về đời sống của tôi, căn cước của tôi, lý lịch của cha mẹ tôi. Ðôi khi tôi thử nói dối: “Sorry, I don’t speak Vietnamese. I’m Japanese!”. Rối loạn vì không ngừng bị bắt quay trở lại với cái tôi đúp ấy. Việt kiều.
Ở quầy cảnh sát sân bay, trong khách sạn, tắc-xi, bất cứ lúc nào tôi cũng nhả câu trả lời kỳ diệu mà tôi đã học thuộc lòng. Em đến Việt Nam làm gì? Du lịch, công tác, hay thăm nhân? Không đâu, đi thăm mộ. Tôi đến đây để tảo mộ tổ tiên.
Nghe xong, người đối diện với tôi thở dài mê mẩn và đầy vẻ tôn trọng. Gật đầu và vỗ tay. Ðúng lắm, em ơi, tốt lắm, em làm thế là đúng, nhớ về tổ tiên là rất quan trọng. Còn tôi, tôi tiếp tục bốc phét, tự hào là được tôn trọng dù cho có lúc phần thưởng cũng không được nhiều lắm. Tôi quen rồi. Khi còn nhỏ, tôi bốc phét mình theo đạo Thiên chúa rồi đọc kinh Kính mừng Cha ở nhà thờ; lớn hơn, tôi bắt chước lũ bạn gái cùng lớp ở trường trung học; lớn hơn nữa tôi khoác áo nhà báo: người Pháp chẳng ra người Pháp, người Việt chẳng ra người Việt, tôi đóng một vai, tôi đóng nhiều vai, và càng theo thời gian, các mặt nạ càng chồng chéo lên nhau, một con búp bê Nga với nụ cười trơ cứng chứa trong bụng một con búp bê khác bé hơn, rồi một con khác nữa, bé hơn nữa… cho tới con cuối cùng, bé tí ti, mở ra và… chẳng còn gì nữa. Rỗng. Bịp. Nhưng tất cả chúng ta không phải là những tên bịp của chính cuộc đời chúng ta hay sao? Và động lực của vở hài kịch nhân gian chẳng phải là bịa?
Ở trò chơi ảo giác này, Việt kiều là những người giỏi hơn cả, nửa diễn viên xiếc thăng bằng, nửa kỳ nhông. Trong tập truyện tranh Lucky Luke, lão thợ giặt châu Á thật bí hiểm, với nước da vàng như chanh, chiếc nón nhọn, nụ cười muôn thưở và đôi mắt xếch. Người Á gian và chăm. Gian? Có thể: chúng ta học cách giấu mình, làm ra vẻ như người Pháp. Cộng đồng nước ngoài vô hình nhất trong những cộng đồng vẫn thấy, cộng đồng tự xóa khỏi cái câu đã thành khẩu hiệu: Nước Pháp Ðen – Trắng – Ả[66]. Chúng ta tẩy họ và tên, có những người còn đổi thành Marcel hay Stéphanie, chúng ta quên tiếng mẹ đẻ, chúng ta vứt bỏ những khác biệt của mình như vứt bỏ quần áo rách: chúng ta là những “di dân tốt”.
Ðể hòa nhập, chúng ta đã tự hòa tan. Chúng ta tha thiết muốn trở thành người Pháp. Chúng ta học cách uống rượu vang đỏ, phân biệt các loại phó-mát, đọc Rabelais và Céline và Proust, nấu món thịt nhừ trộn kem tươi, ủng hộ đội bóng Pháp, hát quốc ca La Marseillaise, tôn sùng thể chế cộng hòa, nhưng vô ích mà thôi: như chạy theo bóng. Căn cước Pháp, ảo ảnh tuyệt đẹp ấy, vẫn không sao đạt được. Thế là chúng ta tìm cách xây một cộng đồng thay thế, khác xa nguồn cội nhất, tự hỏi tại sao chúng ta lại khinh thường nguồn cội của mình như thế. Chúng ta đả kích chủ thuyết cộng đồng theo kiểu Mỹ và những anh em họ của chúng ta ở California chỉ vì đã tự hào là người Mỹ Á. Em Bùi 2 của tôi mơ được trở thành người Do Thái, được sống trong một kibboutz[67], cậu bạn Stéphane của tôi tưởng tượng mình là người gốc Ả Rập, giống như bạn bè của cậu. Họ lần lượt rời nước Pháp: cảm thấy mình là người Pháp ở nơi khác thì đơn giản hơn nhiều. Và tôi nghĩ tới cậu thanh niên gốc Việt bị xử trong một vụ án về khủng bố. Sau khi đã cải đạo Hồi, cậu ta chỉ có một ám ảnh: hồi hương về xứ Hồi giáo, sống bên cạnh những người anh em Hồi giáo. Cậu ngồi đó, mỉm cười trên ghế bị cáo, với bộ râu được xén tỉa kỹ càng. Cứ xem khả năng kém cỏi về râu theo gien di truyền thì hiểu là cậu hẳn đã phải cực khổ lắm để nuôi bộ râu đó. Ngồi ở ghế quần chúng, tôi nhìn cậu chằm chằm, cố khiến cậu ta nhìn lại mình, tôi muốn lao đến lay người cậu ta, cho mấy cái bạt tai, đồ khốn, tỉnh dậy đi, đừng thử nói với chúng tao về hijra, tha cho bọn tao nỗi thống khổ của các anh em Palestin của mày, thế các anh em Việt Nam thì sao? Ðấy là trò dở hơi, cứt mèo, còn cha mẹ mày, đức Khổng Tử, tôn trọng tổ tiên, đi thăm mộ, mày quên sạch rồi sao? Tôi bối rối: với cái đầu trọc lốc, cậu ta trông giống H, một người bạn Việt kiều của tôi. Trong một thời gian dài, H đã mày mò tìm đường đi cho bản thân mình. Năm 20 tuổi, H sang Việt Nam. Rồi sang Ấn Ðộ sống trong một ngôi đền. H trở thành một nhà sư Phật giáo.
Ðó có thể là cái giá phải trả. Cái giá của sự im lặng. Tin là đã làm đúng, cha mẹ chúng ta tự cấm họ truyền đạt văn hóa của chính mình và câm lặng trước câu chuyện của bản thân họ. Tôi tìm ra không biết bao nhiêu bí mật trong các gia đình gốc Á, những bí mật chồng chéo trong các chuyến tha hương. Ðây thì một người con nuôi mà người ta đã giấu tiệt nguồn gốc. Còn H, người bạn sau trở thành sư ở Ấn Ðộ, đã không mở miệng nói cho bất kỳ ai về cái chết của mẹ đẻ khi H mười bảy tuổi: các bạn thời thơ ấu của H đã bất ngờ khám phá ra chuyện ấy, bốn năm sau. Và cả cặp vợ chồng đã bịt hết manh mối về vụ tự tử của cậu con trai. Họ kể đi kể lại với tất cả người quen rằng cậu đã chuyển sang Mỹ sinh sống.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng