Mẫu Thượng Ngàn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 29 -
ột hôm, ông đầu bếp già kiêm giáo sư người Tầu gặp Philippe. Hắn vui vẻ hỏi đùa ông:
- Thế nào, ngài xem bây giờ tôi đã đạt được tới chỗ âm dương điều hòa hay chưa?
Ông đầu bếp già cười một cách hiền triết:
- Thế này cũng vẫn chưa tốt, chưa phải đạo.
- Vậy thế nào mới tốt?
- Ông chủ phải lấy vợ, rồi đẻ con mới là tốt. Người Á Đông chúng tôi cho rằng chưa có con là chưa tròn đạo làm người. Lời nói tuy mang tính chất đùa bỡn nhưng cũng làm Philippe phải suy nghĩ. Pierre cũng tán thành ý kiến ấy:
- Ba anh em ta đều chưa có vợ. Em và Julien thì còn trẻ. Còn anh đã đến lúc phải kết hôn. Hay là, anh về Pháp vài tháng, tìm một người...
Buổi trưa hôm ấy, Philippe nằm trên chiếc võng ngoài hiên, đưa kẽo kẹt, vắt tay lên trán suy nghĩ. Cái nóng nung người khủng khiếp, làm mồ hôi vã ra nhơm nhớp, Philippe muốn suy nghĩ nhưng không suy nghĩ được. Mắt cứ díp lại, song Philippe cố cưỡng. Có nhiều bác sĩ khuyên người âu ở vùng Đông Dương không nên ngủ trưa, hoặc có ngủ thì chỉ nên ngủ ít thôi. Nếu giấc ngủ trưa kéo dài hơn một tiếng, khi trở dậy, ta sẽ rơi vào trạng thái đờ đẫn rất có hại. Nếu giấc ngủ trưa dài quá, người châu âu sẽ dần dần không thích ứng nổi, kéo theo là những rối loạn không thể lường trước. Cuối cùng, sẽ là sự sụp đổ cả thể xác lẫn tinh thẩn. Philippe tự nghĩ không biết mình đã sụp đổ chưa? Về mặt thể xác, chắc chưa đến nỗi. Nhưng về mặt tinh thần thì sao? Bây giờ ông mới nhận ra mình cô đơn khủng khiếp. Phải chăng sự vật lộn với cái nóng, sự vật lộn với cái xa lạ, sự vật lộn để thích ứng mà không thích ứng nổi đã bắt ông phải tìm đến những người đàn bà. Ban ngày ông làm việc cật lực, tất cả những suy nghĩ được quên đi. Nhưng ban đêm, những đêm trằn trọc ở xứ nhiệt đới, ông làm sao xua đuổi được chúng đi. Sự cô đơn của một người châu Âu chỉ một thân một mình giữa đám người châu Á, khác hẳn mình mọi mặt, làm cho Philippe cảm thấy mình như một kẻ lưu đày. Những người bạn của ông, có người lao vào uống rượu, có người nghiện thuốc phiện, còn ông tìm đến đàn bà. Nhưng nỗi cô đơn nào có nguôi ngoai. Những người đàn bà ấy đến với ông đâu phải vì tình yêu. Xác thịt thì thỏa mãn đến mức mệt mỏi. Còn tâm hồn thì vẫn cứ buồn phiền, vì thực ra những cuộc đụng chạm ấy cũng hoàn toàn xa lạ lạc lõng. Có lúc ông có cảm nghĩ như mình chỉ hành động như con thú vật. Sự kiêu hãnh, sự tự cao nòi giống đã che khuất ý nghĩa hành động của ông cho đến hôm nay ông mới thực suy nghĩ sâu về chuyện đó. Ôi chao! Thì ra đây là sự trả thù của cái xứ sở mà ta đến chinh phục. Kẻ yếu không chống lại nổi thì đất đai, rừng núi, khí hậu của họ đã trả thù hộ. Cả những người đàn bà của xứ sở họ cũng trả thù bằng cách vắt kiệt thể xác ta.
Có bác sĩ nói rằng xứ nhiệt đới là đất phồn thực. Nó kích thích tình dục rất mạnh. Hương đất, hương cây cỏ, hương hoa ở đấy đều kích thích sự giao phối và sinh nở. Chả thế mà ở đây mọi vật đều sinh sôi tràn lan, ê hề. Người châu Âu lúc mới sang tưởng rằng nòi giống của mình là giống siêu đẳng cho nên sinh lực mạnh mẽ. Có người còn phát triển lý thuyết đến độ nói rằng: Sự đi chinh phục xứ lạ chẳng qua là những con đực mạnh đến chiếm đoạt những con cái của xứ sở bị đánh chiếm. Song nghĩ kỹ lại, thì sự hùng mạnh đực tính ban đầu ấy chỉ giả tạo Tình trạng ấy chẳng kép được dài. Tiếp theo đó tính đực suy giảm. Cái kích thích thì còn đấy mà ta vẫn thèm khát khôn nguôi. Ôi! Sức lực của ta, ngươi biến đi đâu rồi. Có nhà sinh học còn nói: "Thú vui tình dục đã giết chết những người Pháp còn nhiều hơn những tệ nạn khác ở Đông Dương".
Lời nói của ông Lệnh thế mà hay. Nó chợt làm Philippe suy nghĩ và tỉnh ngộ, đã dẫn dắt hắn quay trở về với lương tri. Philippe nghĩ hắn là một người Pháp khỏe mạnh, đầu óc thực tế, quân bình. Hắn đâu phải kẻ bất đắc chí. Hắn tự nguyện ở lại xứ sở này. Hắn có mục đích, hắn muốn làm giàu. Vậy thì cần phải sống có nề nếp. Đúng là hắn cần có một gia đình.
Nhà dân tộc học René đến chơi với Pierre, biết ý định Philippe muốn lập gia đình, khuyên không nên cưới một người bản xứ, bởi vì sự khác biệt văn hóa dễ gây ra bi kịch hoặc những bất tiện mà ta không lường trước nổi. Ông nói hiện ở Paris có "Hiệp hội di cư phụ nữ sang thuộc địa". Nó được thành lập nhằm chuyển sang đây những cô gái học hành tử tế, nhưng chưa có việc làm ở Pháp. Đưa các cô tới để làm những nghề như gia sư, thư ký, kế toán, y tá, quản gia, v.v... Rồi trong môi trường có đàn bà, những nhà thuộc địa mới có điều kiện tìm hiểu và thành lập gia đình. Như thế sẽ tránh được những cuộc hôn phối không hợp lý giữa những người đàn ông thuộc địa với những cô gái bản xứ. Cha Colombert cũng ngả theo ý kiến ấy. Ông chỉ lưu ý thêm là nên tìm một cô gái nào ngoan đạo. Philippe viết thư về Pháp. Một ông chủ gửi thư sang nói chẳng cần đến hiệp hội di cư làm gì. Gia đình đã nhắm được một cô gái tên là Hélène. Cô này đã 27 tuổi chưa lập gia đình. Cô làm thợ may nhưng vẫn không thích đời sống thành phố, vẫn nhớ nhung và yêu thích đồng quê. Rất ngoan đạo. Lại hay đọc sách. Thích những cuốn như Graziella của Lamartine, Ao ma của George Sang, Những lá thư từ cối xay gió của Daudet, v.v... Hélène nghe nói Đông Dương là bó hoa đẹp của đế chế Pháp, lại nghe tả về đồn điền Messmer rất lãng mạn, nên có thể đồng ý về cuộc hôn nhân lý trí nhưng trữ tình với Philippe. Thế rồi hai phía thư qua thư lại với nhau. Hélène gửi ảnh sang. Còn Philippe thì nhờ ông em họa sĩ vẽ cho một bức chân dung. Pierre hì hục vẽ một tuần lễ bức chân dung của anh. Lẽ dĩ nhiên phải sửa đi sửa lại, có thêm bớt tô điểm đôi chút để cuối cùng cho ra một bức họa mà Philippe gật đầu lia lịa. Đó là bức vẽ một sĩ quan Pháp vận đồ nhà binh bằng dạ đen, với hàng khuy đồng bóng loáng cài kín đến cổ, đội mũ sĩ quan, vẻ mặt nghiêm trang nhưng tươi tắn và nhất là đầy vẻ hiên ngang của một tu mi nam tử.
Cuối cùng, Hélène đã là vợ của Philippe. Nàng vượt biển hàng tháng trời mới đến được Cổ Đình để làm bà chủ đồn điền Messmer.
Từ đó, trong ngôi nhà trước kia lúc nào cũng lặng lẽ, bỗng có tiếng nói thánh thót của Hélène vang lên như tiếng chim hót. Người đàn bà ấy có giọng véo von như hát:
- Philippe! Anh ở đâu?
- Philippe thương yêu! Anh ở đâu?
- Philippe bé nhỏ! Anh ở đâu?
Philippe hài lòng thấy ngôi nhà lúc nào cũng tưng bừng vì dáng dễ thương của người vợ trẻ. Nàng như con họa mi. Nàng hát, nàng cười, nàng biến ngôi nhà thuộc địa của hắn thành một thiên đường. Nàng luôn luôn bám theo Philippe như hình với bóng. Phải nói, lúc đầu sự bám dính ấy là mềm hạnh phúc, là sự hãnh diện của ông chủ đồn điền. Nhưng Philippe là người hoạt động, hắn không thể suốt ngày đêm nâng niu người đàn bà của mình, và để cho công việc đồn điền bê trễ. Dần dần, sự bám dính ấy gây nên sự khó chịu trong hắn, tuy nhiên hắn không bao giờ thể hiện điều đó ra.
- Philippe! Đã có gì xảy ra trong anh?
Rồi có lúc:
- Philippe! Anh không còn yêu em nữa phải không?
- Ôi Hélène! Sao em lại nghĩ thế? Bao giờ anh chả yêu em.
Philippe cố gắng làm hết sức để vừa lòng vợ, tuy nhiên Hélêne là người nhạy cảm, cô nhận ngay ra sự gượng gạo. Sự nhạy cảm ấy có lúc đã lên tới cực điểm. Có khi, chỉ vì một chuyện không đâu, cô đã bưng mặt khóc. Hỏi sao thì trả lời:
- Em không biết nữa. Nhưng Philippe ơi dạo này em thấy buồn lòng quá.
Thời kỳ trăng mật thiên đường bỗng qua đi, cả hai bên đều cố níu kẻo nhưng nó vẫn trượt đi không tài nào giữ lại được. Sáu tháng qua đi. Bây giờ suốt ngày Hélène nằm trên võng. Hélène đâu có biết con người giao hòa cùng với con người, nhưng nó còn giao hòa cả với thiên nhiên. Cái thiên nhiên nhiệt đới này phong phú thật, mới gặp nó cô thấy ngỡ ngàng thích thú, nhưng khi cái thích thú ban đầu qua đi, thì cái xa lạ đến thù nghịch lại ập đến. Nóng gì mà nóng gớm ghiếc cứ như thể ta bị đưa vào nồi hấp. Mưa gì mà mưa lắm thế, mưa thối đất thối cát. Côn trùng gì mà đông đúc thế, ban tối cứ bật đèn lên là đủ thứ loài bọ có cánh bay qua cửa sổ xông vào. Mà tắt đèn đi thì muỗi. Muỗi vo ve thường dễ hàng nghìn con khiến Hélène run sợ cứ phải núp trong chiếc màn nóng bức. Hélène nằm trên võng. Chiếc võng kẽo kẹt. Cả tiếng kẽo kẹt ấy nữa! Mới nghe lần đầu thấy nó lạ tai êm như điệu hát ru, còn bây giờ tiếng kẽo kẹt đó lại như một lời than van đều tẻ và nhàm chán. Philippe hiểu bệnh của vợ, đó là chứng buồn nản của những người mới sang thuộc địa lần đầu. Hắn nhẹ nhàng hỏi:
- Hélène thân yêu? Em đang nghĩ gì vậy?
- Em đang nghĩ về quê nhà.
- Về xứ Savoie hả em.
- Ở đấy sao mà núi nhiều thế?
- Ở đây cũng có núi.
- Em thích núi ở quê mình hơn. Núi ở quê hiền dịu.
- Còn núi ở đây?
- Em sợ núi ở đây. Sao mà lắm con vật bé nhỏ hút máu thế. Em sợ cả hổ. Lại nhiều loài rắn độc...
Philippe lặng im, chẳng biết nói với vợ ra sao nữa. Ông Lệnh thầy Tầu bắt mạch cho bà chủ. Ông tươi nét mặt nói với Philippe:
- Ông chủ đừng lo. Bà chủ đã có tin mừng.
- Tôi sắp làm bố sao?
- Đàn bà có mang mệt mỏi, hay buồn vui thất thường.
Philippe hỏi vợ. Chuyện ấy được xác nhận. Hắn vui mừng khôn xiết và ra sức chăm sóc, chiều chuộng Hélène. Từ nay, nàng không phải động chân tay vào bất cứ việc gì. Lúc nào cũng có một đầy tớ gái cặp kè phục vụ. Philippe bỏ việc đồn điền, ra tận Hà Nội sắm sửa mọi thứ, mua thật nhiều vải vóc và đồ trang sức cho nàng. Lại trang bị cả hoa sen và bộ phận bơm nước trong cái phòng "thủy trị liệu”. Mỗi khi nàng tắm, cô đầy tớ lại đứng ngoài ra sức kéo cái cần bơm nước. Philippe lại gửi mua tận Pháp những lọ nước hoa đắt tiền nhất, thời thượng nhất để cho Hélène xức vào mớ tóc vàng óc tuyệt diệu của nàng. Tuy nhiên, dù Philippe ra sức ân cần chiều chuộng, Hélène vẫn cứ buồn bã. Philippe hỏi em trai.
- Chị dâu em mắc bệnh gì?
Pierre trả lời:
- Chị ấy mắc bệnh không thích ứng nổi, hoặc là chị sẽ tìm giải tỏa phiền muộn bằng sa đọa, hoặc là sẽ phải chết.
Philippe rùng mình khi nghe Pierre nói.
Mùa hè năm ấy, suốt ngày cô hầu gái phải cầm quạt phe phẩy cho Hélène. Suốt đêm, thằng bé con phải ngồi kẻo chiếc quạt trần khi nàng nằm trên võng. Vậy mà Hélène vẫn như kẻ mất hồn. Mỗi ngày, Hélène ngâm mình trong bể tắm ba, bốn lần. Có đêm nóng quá, nàng mê sảng gào lên "Tuyết! Tuyết!". Nàng mơ thấy tuyết, gọi tuyết, nhưng tuyết chẳng bao giờ tới. Đáp lại, chỉ có tiếng lũ ve sầu râm ran, ra rả ca khúc nhạc buồn đều tẻ. Bác sĩ bảo nàng ngâm mình nhiều lần như vậy không có lợi cho sức khỏe. Còn một điều tồi tệ nữa là suốt ngày nàng chỉ muốn ngủ. Ông Lềnh, người đầu bếp Tầu bảo với Philippe:
- Ông chủ đừng có gan. Không tốt đâu. Đứa bé trong bụng bà ấy rất quan trọng. Ông chủ nên đưa bà ấy trở về Pháp đi.
- Sao lại thế Tôi muốn có một gia đình tại đây.
Ông Lềnh không tiện nói với Philippe. Một bận sau buổi học chữ Nho, ông bảo Pierre nên khuyên anh mình đưa Hélène về Pháp. Ông giải thích.
- Những người Pháp sang xứ An Nam dù thế nào cũng vẫn là những người xa lạ. Ở đất này, người Nam sống đã ngàn đời. Tổ tiên ông bà họ chết đều chôn ở đây. Nghĩa là có ngàn vạn vong linh người xưa vẫn đi lại nơi đây mà ta không trông thấy. Có những vong linh chỉ chờ dịp để trở lại dương thế. Bà Hélène thực ra đang vật lộn với cuộc đầu thai ấy. Hoặc là bà ấy sẽ chết, hoặc là sẽ sinh con. Và nếu sinh con ra thì phần nhiều đứa trẻ ấy mang xác người Tây, nhưng hồn cất sẽ là người bản xứ.
Cái lý thuyết vong linh đầu thai ấy của ông Lềnh, nghe Pierre nói, Philippe không tin, nhưng cũng làm cho lòng ông vô cùng bối rối. Còn Pierre thì thuyết phục anh bằng những lý lẽ hoàn toàn trần thế.
- Chúng ta là những nhà thuộc địa tự nguyện, đến xứ sở này với mục đích chiếm đất, khai hóa cho những người bán khai. Chúng ta là những người đàn ông giàu ý chí, muốn làm vinh quang cho nước Pháp. Do thế, chúng ta có thể chịu đựng tất cả, thậm chí chấp nhận cái chết. Còn chị Hélène, chị ấy sang đây chẳng hề vì mục đích thuộc địa, mà chỉ vì mục đích gia đình. Hà cớ gì buộc chị phải chịu lưu đày cùng với chúng ta. Anh còn có nhiều thứ. Còn chị ấy chỉ có độc một thứ: đó là anh. Thế mà tất cả đều thù nghịch với chị ấy. Nóng ẩm ư? Mưa bão ư? Bệnh tật, côn trùng ư? Tất cả đều rình rập, chỉ chực đưa chị xuống mồ. Ở đây, tất cả với chị đều xa lạ. Chị Hélène hầu như cô độc, tuyệt vọng. Sự cô đơn phiền muộn đã làm chị gần như hóa điên. Cả hòn máu trong bụng chị ấy cũng đang lâm nguy. Ta không thể để cho giọt máu của nhà Messmer bị chết. Tốt hơn hết, phải gấp rút đưa Hélène về Pháp.
Những ý kiến của Pierre hoàn toàn xác đáng. Cuối cùng lý trí đã thắng. Philippe đưa Hélène hồi hương. Quả nhiên, khi trở về Pháp, sức khỏe Hélène hồi phục ngay. Mấy tháng sau, có thư từ Paris sang. Hélène báo tin đã sinh cho Philippe một thằng con trai đặt tên là André Messmer. Lá thư vừa vui, vừa buồn. Vui vì đứa trẻ ra đời, còn buồn vì Hélène nói rằng nàng khiếp hãi lắm rồi; sẽ không bao giờ nàng đặt chân trở lại cái xứ sở đầy hấp dẫn ấy, nhưng đối với nàng, nó là nỗi kinh hoàng.
Mẫu Thượng Ngàn Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh Mẫu Thượng Ngàn