Chương 26
uối cùng, Huệ xuất hiện. Huệ mặc quần đen, áo sơmi xanh lơ, tóc cũng tết đuôi sam nhưng chỉ một dải. Cái đuôi sam dài đến quá lưng. Cái đuôi sam rất óng, rất đen. Các cô gái thường cắt tóc ngang lưng rồi tết thành hai đuôi sam. Tóc Huệ rất mượt, rất dài. Mớ tóc óng ánh sức sống, ai cũng khen. Lúc về chùa ăn giỗ, hình như Huệ búi tóc. Búi tóc tròn to như quả bưởi con treo sau gáy, để lộ ra cái cổ cao trắng ngần. Màu tóc đen nhánh, càng làm cái cổ, cái gáy thêm nõn nà. Huệ tiếc mớ tóc đẹp nên không nỡ cắt ngang lưng.
An nhìn thấy mớ tóc ấy, khi Huệ xây lưng lại phía anh. An nhìn thấy cái gáy nõn nà và nhận ngay ra bạn. Anh gọi:
- Huệ.
Nghe âm thanh, Huệ cũng nhận ngay ra người gọi. Cô quay lại, mắt sáng lên, nhìn anh bộ đội trẻ và kêu lên:
- Anh An.
Tiếng kêu khe khẽ thôi, nhưng âm sắc vui mừng của nó thì không giấu được. Những người bạn gái phát hiện ngay ra cái khác lạ trong tiếng kêu ấy. Họ đổ dồn những con mắt lên chàng bộ đội cao cao gầy gầy, mắt rất sáng và môi rất đỏ. Anh chàng lính đẹp trai đấy chứ. Họ nhìn An rồi lại nhìn Huệ như để đánh giá so sánh. Có chút vui vui nhưng cũng có một thoáng ghen tị thì phải. Họ thì thầm vào tai nhau:
- Con Huệ tẩm ngẩm thật. Nói với ai cũng bảo em chưa có người yêu. Thế rồi đánh đùng một cái, lại xuất hiện chàng bộ đội này.
An và Huệ sánh đôi đi giữa rừng thông dưới những con mắt tò mò, đôi lúc trầm trồ.
- Đẹp đôi quá đi thôi. Chàng bộ đội rõ xinh mà cái Huệ cũng quá xinh. Con ranh nó giấu người yêu kỹ thế.
Họ đã ra khỏi tầm nhìn của mọi người. Chung quanh họ bây giờ chỉ là rừng thông yên tĩnh. Chiều đang xuống dần. Tiếng một đôi chích choè gọi nhau thiết tha. Từ sườn đồi nhìn xuống thung lũng thấp bên cạnh, một đàn chim bay chập chờn thành những đường cầu vồng loang loáng trong nắng nhạt. Từ lúc gặp nhau, Huệ thỉnh thoảng lại nhìn An và mủm mỉm. Họ cứ im lặng mãi. Huệ là người đầu tiên phá sự im lặng ấy:
- Trông anh An lạ hẳn đi.
-Lạ?
- Đến cả em, lúc đầu cũng ngớ ra. Trông vừa quen, vừa lạ.
- Thế nghĩa là làm sao?
- Cái đầu lạ chứ sao. Lúc mới gặp, anh lật chiếc mũ tai bèo ra sau lưng. Mớ tóc bị gió thổi hất ngược ra sau gáy...
- Thì ra là mớ tóc. - An bùi ngùi nói - Thực ra chẳng bao giờ tôi soi gương. Cũng chẳng hiểu trông nó ra sao nữa.
- Nó đẹp An ạ... Em mừng đấy.
- Sao lại mừng?
- Anh có nhớ hôm ở chùa, em nói em sợ cho anh. Em sợ khi ra môi trường mới, anh không hòa được với mọi người.
Huệ vừa nói vừa tìm lời. Cô sợ những chữ có thể làm cho An suy nghĩ. Còn An, từ khi gặp lại Huệ, không hiểu vì sao anh bỗng thấy yên tâm và tin cậy. Y như hồi hai đứa còn đi học. An có cảm giác sự tin cậy ấy bị gián đoạn mất mười năm, song nó vẫn toàn vẹn, không hề suy suyển. Ý nghĩ ấy có thể là ngô nghê, song trực giác mách bảo anh như vậy. Và có lẽ Huệ cũng cảm nghĩ như An. Anh tin như thế. Người ta bảo đó là tình bạn thuần túy hay một thứ tình cảm gì khác nữa... An không cần biết. Chỉ có điều là tình cảm ấy cho phép anh có thể bộc lộ hết những điều anh giấu kín trong lòng. Bởi vì anh là người tư lự, người cô đơn. Mà giống người này thì rất thèm, rất ao ước có một người tri kỷ. Và thế là anh nói:
- Huệ ạ, cô có biết tại sao người tu hành, khi vào chùa lại cắt bỏ mớ tóc đi không. Các cụ theo đạo Nho bảo rằng mớ tóc ấy là phần thân thể của cha mẹ để lại cho ta. Nếu ta có hiếu thì phải biết trân trọng giữ gìn nó, không được hủy hoại nó. Nhưng đi tu tức là xuất thế gian. Lúc này tâm hồn thể xác ta đều thuộc về Đạo. Ta đành giã từ gia đình, để lại phần thế tục ấy sau lưng. Bộ tóc còn là phần trang điểm cho người nam, người nữ. Ta cũng đành phải từ bỏ cái phần đẹp đẽ diễm lệ ấy. Nó còn là một biểu tượng, luôn nhắc nhở ta hàng ngày hàng giờ, nhắc ta những giới luật, nhắc ta phải vững bước luôn đặt chân trên con đường chánh đạo...
An dừng nói một lát, như để sắp xếp lại ý nghĩ rồi mới tiếp:
- Tôi đã hứa với thầy tôi rồi. Nhưng cuối cùng mình cũng phải để tóc lại.
- Cũng phải thôi - Huệ nhẹ nhàng bảo - sống thế tục ta phải hòa cùng thế tục. Sao An cứ phải nghĩ đến chuyện đó nhiều như vậy.
- Huệ có biết không, mấy tháng đầu ở bộ đội, tôi cũng nghĩ đơn giản. Nhưng sau mới biết, cái đầu trọc của mình như một sự đánh dấu. Đánh dấu rằng mình là một kẻ khác, một kẻ ngoại lai. Lẽ dĩ nhiên, một kẻ khác nhập vào bầy sẽ bị xua đuổi. Sao thế nhỉ? Một người tử tế là phải chấp nhận được những kẻ khác mình. Thế nhưng hầu như chẳng bao giờ những kẻ khác được yên dưới con mắt mọi người. Họ chẳng làm gì nên tội nhưng lại bị coi như một tội nhân. Người ta chế giễu cái đầu trọc của mình. Người ta gán cho mình những biệt danh nào sư hổ mang ư, sư phá giới ư. Rồi những trò tinh nghịch quậy phá cho đến lúc mình phải để tóc mới thôi.
- Bởi vậy, khi xưa em mói nói là lo cho anh. Anh sợ phải không?
- Đúng là sợ. Tôi chẳng ngờ, ra thế tục lại phiền nhiễu thế.
- Có oán hận không?
- Được cái là không oán hận.
- Thế thì mừng rồi. Đỡ lo cho anh rồi... Mấy lại anh thử soi gương mà xem. Cũng được đây chứ... Em nói là anh để tóc rất đẹp... Rất hiền hòa...
Lúc ấy hai người ngồi dưới một gốc thông. Huệ nói, và chỉ với giọng nói thôi, nó đã an ủi An rất nhiều. Giọng nói của Huệ rất đặc biệt. Thứ giọng nói trong cổ họng. Nó không to. Nó mềm mại. Như nhung vậy. Nói một câu rồi lại khúc khích. Khúc khích và thủ thỉ. Thứ giọng nói không dùng nhiều chữ. Thứ giọng nói an ủi bằng cách kiệm lời, có thể nói vô ngôn.
Đến chiều, Huệ đưa An về nhà bà cụ mà cô ở trọ. Huệ nói:
- Hôm nay em cắt cơm tập thể. Em sẽ nấu cơm cho anh ăn. Đây là nhà mẹ nuôi của em. Gia đình liệt sĩ. Cụ ở một mình Chủ nhật em vẫn ăn với cụ. Chả phiền phức gì đâu. Em đãi anh những món ăn ngày xưa mà mẹ em vẫn cho chúng mình ăn.
- Món gì?
- Trạch và búp khoai sọ kho tương. Có thích không?
- Thích. Gì nữa?
- Cà bát muối xổi chấm tiêu ớt. Thích không?
- Thích... Nhưng hình như còn thiếu... một món tôi thích nhất.
Huệ ớ người ra, nhưng rồi à một tiếng:
- Gớm! Nhưng mà làm nũng quá đấy. Được rồi! Có cả món ấy.
Huệ nói xong chợt cảm thấy như mình quá lời. Cô đỏ bừng mặt lên. Thực ra, cái món mà An khẩn khoản yêu cầu có là cao lương mỹ vị gì đâu. Chỉ là món cơm nắm. Ngày xưa An vẫn thích ngồi xem Huệ nắm cơm. Một vuông vải phin trắng tinh. Một chậu thau đồng nước mưa. Đôi bàn tay búp măng xinh xinh hồng hào. Cơm vừa chín tới xới ra. Huệ nắm cơm trên chiếc mâm đồng ngoài hè. Nắm cơm được nhào nắm, lăn tròn rồi mở ra đặt trên hai chiếc đũa ngáng trên chiếc bát lớn. Để đến khi nguội mới cắt ra thành những lát mỏng hình bầu dục. Những lát cơm mịn màng rất nhuyễn ấy chấm với muối vừng thật tuyệt.
Những lát cơm nắm ấy ngon, hay những ngón tay hồng hào búp măng kia tạo ra cái ngon, hay những kỷ niệm xa lắc xa lơ ấy cũng ngon, nào ai biết được!
Trong bữa cơm, Huệ nhìn An ăn cơm nắm tóp tép ngon lành, cô cứ mủm mỉm cười và bảo:
- Em còn nắm thêm một nắm để dành cho mai anh mang đi. À, mà sáng mai em không tiễn anh được đâu.
- Sao thế?
- Vì sáng mai có buổi học về kỹ thuật phẩu thuật bụng. Em không thể bỏ được.
Câu chuyện cắt ngang bỗng làm cho bữa cơm vui chợt chùng xuống. Bà cụ chủ nhà cười móm mém nói một câu bâng quơ.
- Ôi chao! Con gái tôi nắm cơm khéo quá. Ai mà sau này lấy được con gái tôi, chắc là đứa phải tu đến chín kiếp.
Buổi tối, bà cụ chủ nhà trải chiếu ra hè ngồi nói chuyện với An, Huệ. Khoảng chín giờ thì bà cụ cáo từ vào buồng nằm.
Hai người bạn ngồi yên trong đêm tĩnh lặng. Cái tĩnh lặng sâu hun hút. Trời lặng gió nên không cả tiếng lá thông reo.
Im lặng rợn người, hầu như tuyệt đối. Sao lại có những phút trời đất lạ kỳ đến vậy. An nghe rõ cả tiếng thở của Huệ. Hình như trời đất muốn thố lộ một điều gì đó mà không nói ra lời. Lúc ấy trời đất còn chìm trong bóng tối nhờ nhờ...
Rồi bỗng nhiên có một tiếng dế cất lên ở gần đấy. Ở quả đồi bên cạnh lại có một tiếng dế thứ hai đáp lại. Tiếp theo đó ran ran tiếng dế. Có thể có hàng vạn, hàng triệu triệu ức ức con dế ở khắp núi đồi chung quanh cất lên. Theo sau đó là tiếng ve ở những ngọn thông. Dế và ve hợp ca thành một bản hòa tấu ngút trời.
Huệ và An im lặng ngồi nghe khúc nhạc bí ẩn của trời đất trong bóng đêm nhập nhoạng. Trời sáng dần lên. Họ quay sang nhìn nhau. Đã rõ những nét mặt. Huệ cười. Hàm răng bắt ánh trăng sáng lóa. Thì ra trăng đã mọc tự lúc nào không hay. Cái cảnh họ vừa trải qua là siêu không gian, thời gian. Có lẽ một cảnh từ thời hồng hoang.
Một tiếng động chợt vang lên kéo họ trở về hiện tại. Tiếng phản lực ì ì lẫn khuất trên bầu trời đầy mây mù mầu sữa. Một tốp phản lực Mỹ bay qua bầu trời họ ở, bay tới vùng xa xa, có lẽ là vùng Hà Nội.
Tiếng phản lực dứt, nhưng núi đồi thì vẫn mơ màng. Còn hai người thì đã hoàn toàn bừng tỉnh. Nhất là khi phía bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc. Người mẹ ru hời nhưng thằng bé không nín. Nó cứ ra rả như tiếng một con mèo. Bà cụ trong buồng đập chiếc quạt mo. - Khốn khổ! Thằng bé khóc dạ đề đấy mà. Bảo cúng giải vía cho nó mà chị ấy chẳng làm. Để thằng bé khóc rạc cả hơi.
Ở ngoài hiên, Huệ và An lại thầm thì chuyển sang câu chuyện khóc dạ đề. Huệ giải thích:
- Dạ là đêm. Đề là kêu khóc. Khóc dạ đề là bệnh khóc của trẻ nhỏ sơ sinh. Nó ra khỏi bụng mẹ. Chưa phân biệt nổi giữa đêm và ngày. Nó chưa thích ứng kịp với hoàn cảnh mới, nên nó khóc.
- Có thuốc gì chữa khỏi không?
- Không. Ngày xửa ngày xưa, chúa Trịnh Cương cũng khóc dạ đề. Làm thế nào cũng không khỏi. Ai bế cũng khóc. Chỉ có bà dì ruột làm vú nuôi bế, nhà chúa mới chịu nín.
- Câu chuyện nghe hay nhỉ - An nói, rồi bùi ngùi - Này, Huệ có biết không, ngày xưa, lúc mới sinh, mình cũng khóc dạ đề. Mẹ thì ốm liệt giường không sữa. Bố thì vụng về, lóng ngóng. Chỉ có mình chị Nguyệt ôm mình. Một giờ đêm bắt đầu khóc. Rồi khóc ròng cho đến sáng. Chị Nguyệt ôm mình đi vòng tròn quanh sân. Rồi cả chị, cả em đều mệt quá. Có sáng bố mình tìm thấy hai chị em ngủ gục ở chân đống rơm. Tiết thu lạnh. Chị mình kéo rơm làm chăn, phủ lên hai chị em chỉ thò ra đôi bàn chân.
- Thế khóc mấy tháng?
- Ba tháng ròng rã mới khỏi. Lạ một điều, càng khóc càng lớn...
- Mình ngẫm nghĩ mãi chuyện ấy cũng thấy thật lạ. Trẻ con nào chào đời chả cất tiếng khóc. Song chỉ khóc một lúc thì thôi. Đằng này khóc luôn cho ba tháng.
- Chả trách.
- Chả trách là sao?
- Anh An đúng là đứa trẻ khóc dạ đề. Thế này nhé... Người ta bảo đứa trẻ khóc dạ đề sau này lớn lên dễ trở thành người nóng nảy cáu bẳn... Đấy là trường hợp người nuôi nó không chịu đựng được liền dằn dỗi quát mắng nó, bỏ mặc nó, hay có khi ngược đãi nó. Đừng tưởng trẻ sơ sinh không biết gì đâu. Nó cũng tủi thân cũng giận hờn. Chỉ có điều nó nén trong lòng để về sau lớn lên mới bật ra.
- Còn trường hợp người nuôi nấng nâng niu nó, âu yếm, khóc lóc mà dỗ dành nó thì sao?
- Trường hợp chị Nguyệt đã nuôi anh chứ gì. Trường hợp ấy khi trẻ lớn lên, nó không hung bạo, và sẽ hiền lành, nhạy cảm, dễ xúc động và...
- Và gì?
Huệ bỗng đột ngột đứng lên. Trăng chiếu vào mắt cô long lanh. Cô bảo “Thôi em về đây” rồi lặng lẽ ra ngõ. An chạy theo:
- Và gì nữa?
Huệ đứng lại cười:
- Và chắc chắn đứa trẻ ấy hay làm nũng. Có đúng không nào?
An đã đuổi kịp. Anh nắm lấy hai tay Huệ. Một cử chỉ mạnh bạo chưa từng xảy ra với An. Anh chợt thấy tay mình run lên. Còn Huệ thì dịu dàng bảo:
- Anh vào ngủ đi mai còn đi sớm. Nhớ mang cơm nắm em đã để ở rá. Có lẽ em chả tiễn được anh. Sáng mai, chúng em cũng phải đi thật sớm đến thực tập ở bệnh viện A. Nhớ những điều em dặn. Mai rồi sẽ gặp nhau.
An chẳng biết Huệ đã dặn mình những điều gì, nhưng anh cũng gật đầu. An còn run lên hơn nữa khi Huệ kiễng chân lên rồi hôn nhẹ vào má anh. Tối hôm ấy, An không ngủ một phút nào. Anh nằm thao thức nghe đứa trẻ nhà bên khóc dạ đề.
* * *
Hành trình về phép của Tiến hoàn toàn ngược hướng với An. An đi về vùng yên tĩnh trung du, nơi người ta sơ tán. Còn Tiến, anh đi vào vùng máy bay Mỹ thường xuyên bắn phá. Hơn năm mươi cây số đường đấy. Thời gian nghỉ phép hai ngày rưỡi. Nếu tích cực cuốc bộ và thông đồng bén giọt thì ít nhất đi phải một ngày mà về cũng phải mất một ngày cật lực. May mắn thay, nhà ông chính trị viên đại đội ở gần đấy, ông cảm thông và thương tình Tiến, liền cho mượn chiếc xe đạp.
Tiến mừng rơn sửa soạn hành lý lên đường ngay. Xe của chính trị viên là xe phượng hoàng nam, luôn được chủ nhân nó lau chùi chăm sóc dầu mỡ nên đi rất bon. Mặc dù ngược gió, nhưng Tiến rạp mình cắm cổ đạp nên tốc độ vẫn khá nhanh. Đoạn đường rất yên ắng không có tiếng máy bay Mỹ, trời lại mát mẻ nên Tiến phải cố sức tranh thủ đạp. Anh tính, với tốc độ này chỉ xế trưa là đã về đến nhà. Khoảng mười giờ, mặt trời đã lên cao, Tiến sắp ra đến đường số Một. Đến đây tình hình đã hoàn toàn khác hẳn. Đã nghe thấy tiếng bom nổ ình ình xa xa. Đã nghe tiếng phản lực ù ù bay trên đầu. Đã trông thấy những chiếc Thần Sấm, Con Ma bắt nắng trắng xóa trên bầu trời. Tốp máy bay Mỹ đang bay ngay phía trước mặt, dọc theo bờ biển. Tiến nhìn lũ máy bay thầm nghĩ: chúng nó vừa bay qua trên đầu làng mình đấy.
Quê Tiến ở làng An Hải, một làng ven biển. Dân sống nửa bằng nghề biển, nửa bằng nghề nông và một phần nhỏ bằng nghề buôn bán vặt. Gia đình nhà nội xưa kia chỉ có hơn hai mươi mẫu ruộng đã được xếp vào loại cự phú. Sau cải cách ruộng đất, tuy thành phần địa chủ, bà Tư và Tiến cũng đươc chia bảy sào ruộng. Ruộng vùng này pha cát không màu mỡ, nhưng nhờ bà Tư chăm chỉ bới đất nhặt cỏ nên hai mẹ con cũng đủ bát ăn. Năm Tiến học lớp 10, bà Tư bảo:
- Mẹ phải lo vợ cho mày thôi Tiến ạ. Mẹ già rồi. Nhà chỉ có hai mẹ con, vắng tiếng trẻ con, mẹ buồn lắm.
- Mẹ chỉ lẩm cẩm. Con mới mười chín lại đang đi học, lấy vợ sao được.
- Mẹ nghĩ thế này. Mình thành phần địa chủ, con có học xong lớp 10, mà có học giỏi chăng nữa, thì phần vào đại học cũng chẳng bao giờ đến lượt mình. Chi bằng con lấy vợ là hơn. An phận làm ruộng, có vợ có chồng, biết bảo ban nhau chí thú làm ăn thì cũng có thể may ra mở mày mở mặt được con ạ.
- Con sẽ đi bộ đội. - Tiến đáp.
- Chắc gì người ta nhận con cái địa chủ.
Nhưng xã bảo rằng con thành phần không rõ ràng chứ có phải địa chủ đâu.
- Ôi dào! Sao mà con hão huyền! Người ta nói thế là để an ủi mình thôi. Chứ thành phần không rõ ràng và địa chủ có khác gì nhau. Cũng là thứ thành phần cải tạo cả thôi. Đấy con thử nghĩ mà xem, con học lớp 10 hẳn hoi, mặt mũi lại sáng sủa hẳn hoi, thế mà có đứa con gái nào ở làng này đến chơi nhà ta đâu. Họ ngại dây với địa chủ đấy con ạ. Lại thử nhìn thằng Huy con ông phó chủ tịch thì rõ. Nó thua con đứt đuôi. Học thì dốt. Người thì bé loắt choắt như cái kẹo. Nó bằng tuổi con đấy. Thế mà tháng mười này nó cưới cái Cúc đấy. Cái Cúc xinh nhất làng.
Bà Tư nói đến Cúc làm Tiến thấy nhoi nhói trong lòng. Tiến để ý đến Cúc và Cúc cũng có chút cảm tình với Tiến. Thế mà Cúc lại sắp lấy Huy. Tiến ngẫm nghĩ mấy hôm, dần dần thấy mẹ Tư nói cũng có lý. Đúng là các cô gái trong làng có ý lảng tránh anh thật. Sao thế nhỉ? Mà nghĩ cho cùng, cũng phải thôi. Người ta phải tìm đến những chốn đỏ như miếng vông, đông như miếng tiết, chứ dại gì lại tìm đến những người thất thế như mình. Làm sao trách được người ta. Lúc ấy, bà Tư lại thủ thỉ với con:
- Đừng có lo. Mẹ tính cả rồi. Làm tài trai phải tìm cách đổi đời mình đi là đúng. Con vào bộ đội cũng là con đường tìm cách đổi đời. Thì con cứ đi, mẹ đâu có ngăn cản. Song, lấy vợ cũng là một cách đổi đời. Có người đàn bà bầu bạn, đàn ông mới thành ra đàn ông, con ạ. Mẹ đã quyết: Con lấy vợ trước, rồi đi bộ đội sau. Mẹ cam đoan, vợ con đẹp hơn cái Cúc.
Tết năm ấy, bà Tư dẫn con trai về quê mình tận Nam Định. Cuộc về ăn Tết quê ngoại ấy cũng là cuộc đi hỏi vợ cho Tiến. Bà Tư có người em con ông chú. Ông này là người lanh lợi, làm ăn rất táo bạo. Ông lăn lộn làm nghề buôn bè chẳng may bị thua lỗ sạt nghiệp. Lúc ấy vào thời Tầy cai trị. Bà Tư dành dụm được ít tiền, liền dốc cả ra cho ông em vay. Ông này xoay ra buôn muối, rồi có lúc làm nghề mở lò ấp trứng vịt. Nhờ thế, ông xây dựng lại được cơ đồ. Hồi cải cách ruộng đất, vì ông không tậu ruộng nên lúc đầu không bị quy địa chủ. Ở quê, ông nhiều nhà, nhiều tiền nên người ta phải tìm hết cách để nâng thành phần ông lên. Người ta phát hiện ra có lúc ông đem tiền cho vay. Người ta bèn quy định ông vào thành phần bóc lột khác, về sau, lại phát hiện thêm ông mua cho người em hai mẫu ruộng, liền quy cho ông việc phân tán tài sản, nên cuối cùng ông là địa chủ cho vay nặng lãi. Mục đích cuối cùng là tịch thu toàn bộ tài sản.
Cho nên hai ông bà bị bao vây suýt chết đói. Người con gái lớn là người con hiếu thảo. May cho cô, gia đình nhà chồng cô là gia đình một ông giáo, không bị dính líu cải cách ruộng đất. Cô chưa có con. Cô liền lạy sống bố mẹ chồng.
- Xin thầy mẹ thương gia đình con chẳng may gặp đại nạn. Con về làm dâu con thầy mẹ từ xưa đến nay chẳng có điều tiếng gì. Với chồng, con cũng một lòng kính yêu. Nhưng vạn bất đắc dĩ, con phải cúi lạy, xin thầy mẹ cho con được ly dị với chồng, để về nhà báo hiếu. Thầy mẹ chẳng cho thì thầy u con, các em con sẽ đành chết đói. Thật là vạn bất đắc dĩ nhưng con chẳng làm sao khác được... Ra đi thế này, con đứt từng khúc ruột. Con thương chồng con lắm chứ, song chẳng lẽ để cha mẹ con chết đói. Dù sao, chồng con cũng vẫn còn trẻ. Con mong anh ấy lấy được người đàn bà khác tốt hơn con để phụng dưỡng thầy mẹ và con đàn cháu lũ.
Ông bà giáo cũng phải rớt nước mắt thương và tiếc người con dâu hiếu nghĩa có một không hai trên đời, và đành lòng thuận tình cho chị dứt áo về nhà cha mẹ đẻ.
Người chị cả ấy tên là Hường, ba đứa em là Lan, Tâm và Mai. Nhờ có cô Hường mang thúng gạo về nhà nên cha mẹ không chết đói. Sau đó, tình hình yên ả trở lại, Hường cũng không quay về nhà chồng nữa. Bởi vì tài sản thì hết, hai ông bà sau đận ấy lại ốm đau hết sức lao động. Hường đành tự hy sinh hạnh phúc riêng, lăn lóc đầu hôm sớm mai chợ búa, tần tảo nuôi cha mẹ và đàn em để chờ thời gây dựng lại cho gia đình. Lan lớn lên xinh đẹp, Hường mối lái gả em cho một người ở Hà Nội. Cậu Tầm học hết lớp 10, Hường cũng cho ra Hà Nội học nghề, theo con đường vào xưởng máy. Còn cô út Mai xinh đẹp nhất nhà, lại rất tháo vát. Học xong lớp 7, Mai nhất định không đi học nữa, xin theo chị làm nghề buôn bán. Mai lanh lợi quá làm Hường thấy sợ. Cô chị rất lo cho tương lai cô út. Đúng lúc ấy, thì bà Tư về quê, đến nhà xin cái Mai cho thằng Tiến. Hường lưỡng lự hỏi bố mẹ:
- Thầy u ạ. Nhà mình địa chủ. Nhà bác ấy cũng địa chủ. Không biết về sau có ảnh hưởng gì đến em con không?
Ông cụ chưa kịp trả lời, Mai đã bảo:
- Nhà mình cành vàng lá ngọc gì mà chị nói thế. Con địa chủ lấy con địa chủ, thế chẳng môn đăng hộ đối sao. - Nói xong Mai cười.
Ông cụ xem chừng con gái ưng thuận bèn nói thêm vào:
- Thằng Tiến trông hiền lành, lại sáng sủa. Nó hơn con Mai một tuổi, học hơn con Mai ba lớp. Thầy xem thế là tốt. Vả lại nhà mình chịu ơn nhà bác Tư rất lớn. Cũng nhân dịp này, bố mong trả lại cái ơn xưa. Mà xem chừng cái Mai cũng bằng lòng rồi. Mai nhà ta làm mâm cơm cúng các cụ, thầy sẽ kính cáo gia tiên cho chúng nó thành vợ thành chồng. Thế là xong. Nhà ta là địa chủ cũng chẳng nên bày vẽ làm gì cho phiền...
Đám cưới thật quá đơn giản, về đến nhà, bà Tư cũng làm một mâm cơm kính cáo tổ tiên bên nội. Hôm ấy, mâm cỗ tuy gọi là cỗ cưới nhưng đạm bạc thôi. Một bát canh bí, một cái chân giò luộc thái mỏng, một đĩa trứng tráng.
Tiến còn đang mơ màng về đám cưới của mình, thì bỗng có tiếng người quát ầm ầm:
- Này, cái anh bộ đội kia! Hồn vía để đâu rồi? Điếc hả? Không nghe thấy tiếng máy bay nó lượn trên đầu hay sao?
Một tiếng nói khác ra lệnh, chỉ dẫn:
- Xuống xe mau! Vứt xe đấy! Chạy thật nhanh xa khỏi vệ đường. Coi chừng: Bà già nó sắp bắn đấy.
Tiến mải nghĩ như đang mơ ngủ, chợt bừng tỉnh. Thì ra anh đang đi trên con đường thiên lý. Lúc này anh mới nhận ra trên đầu mình một chiếc cánh bằng đang bay dọc theo con đường quốc lộ. Tiến vội vã nhảy xuống, quẳng chiếc xe nằm trên mặt đường rồi cắm cổ chạy ra xa xuống ruộng. Chạy xa chừng hai trăm mét, anh nằm xuống, nấp sau một bờ ruộng cao. Ở đấy đã có người trú ẩn. Một người đàn ông theo dõi đường bay của chiếc phi cơ. Ông ta bảo:
- Ở đây khác ngoài Bắc. Ở ngoài ấy có đủ loại súng canh giữ bầu trời, nhất là ở thành phố và quanh thành phố. Tầm thấp đã có súng trường, tầm cao hơn có súng máy, cao hơn nữa là cao xạ pháo, ở tít trên mây thì có tên lửa. Tầng tầng lớp lớp như vậy thành thử máy bay Mỹ phải rất dè dặt... Còn ở đây ư? Súng phải tập trung ở các khu vực trọng điểm. Còn ở các vùng bình thường, ta phải đánh chúng theo kiểu du kích. Biết vậy, nên ở đây chúng rất ngang nhiên. Chúng dùng cả những chiếc cánh bằng chậm chạp để tấn công ta... Kìa kìa! Chiếc bà già đang lượn đấy. Vòng này thì chúng sẽ bắn. Chúng dùng súng máy bắn vãi đạn xuống hai bên vệ đường. Chả là chúng biết ta hay đào hố cá nhân ở hai bên đường...
Người đàn ông hay chuyện vừa nói dứt thì tiếng súng từ chiếc máy bay vang lên. Đúng như lời ông ta nói, khẩu liên thanh vãi đạn xuống bên lề con đường nhựa. Hai người rạp đầu xuống khi chiếc máy bay lướt qua. Chẳng biết trên máy bay họ có nhìn thấy Tiến và ông bạn đường không, chứ Tiến thì nhìn thấy rõ cả tên phi công cầm lái. Có lẽ chúng có thể nhìn thấy khi tới gần, nhưng chưa kịp chuyển hướng bắn nên hai người chẳng hề gì. Khi chiếc phi cơ vừa bay khỏi, Tiến và ông bạn đường nhỏm cả dậy và di chuyển tiếp, tránh xa khỏi con đường. Hai người tranh thủ chạy khi chiếc máy bay lượn vòng. Nhất định nó sẽ bắn phá lần thứ hai. Quả nhiên như vậy. Lần thứ hai, chiếc cánh bằng dùng súng máy bắn hơi xa con đường một chút. Nhưng họ đâu còn ở chỗ cũ nữa.
Khi chiếc máy bay mất hút ra phía biển, Tiến lại lên đường. Anh đã đi được già nửa đường. Người đàn ông hay chuyện cũng đi xe đạp cùng đường với anh. Ông ta tỏ ra thông thuộc vùng này. Đoạn đường có cây ven đường. Bóng cây vừa che nắng vừa ngụy trang cho khách bộ hành, thành thử hai người đạp xe rất ung dung. Đến cuối đoạn đường có bóng mát, người bạn đường vui tính bảo Tiến dừng lại nghỉ và giải thích:
- Ta phải dừng chân ở đây, chờ đến chiều. Trước mặt chúng ta là đoạn đường nguy hiểm. Giờ này máy bay Mỹ hoạt động mạnh. Tuy nhiên, đến chiều chúng sẽ ngừng nghỉ. Có lẽ phi công Mỹ ở ngoài hạm đội làm việc theo giờ hành chính.
Tiến ngồi dưới bóng một cây xà cừ rậm rạp, ăn cơm nắm và đưa mắt nhìn ra quãng đường phía trước. Quãng đường trơ trụi không một bóng cây. Gọi là một con đê, hay một con đập thì đúng hơn. Con đê vắt ngang một thung lủng khá rộng. Xưa kia chắc nơi đây mọc đầy lau lách nay đã biến thành ruộng trũng. Khoảng giữa thân đê người ta xây hai cái cống để giữ và thoát nước, cống khá to và dài nên dân vẫn gọi là cầu xi măng. Quãng đường này nguy hiểm vì không có cây che. Đường thì rộng, đủ tiêu chuẩn, nhưng hai bền lề đường lại hẹp. Ra khỏi lề đường là triền đường và ruộng sâu cách mặt đường đến hai mét. Đoạn đường ấy lại dài hơn một cây số. Vậy giả thử khi đi tới nửa đường ta gặp máy bay thì sao? Nhảy xuống vệ đường thì rơi xuống ruộng sâu. Đi thẳng theo đường thì làm mục tiêu cho súng đạn. Quân Mỹ nắm được địa hình nên vẫn cho máy bay cánh bằng khống chế đoạn đường này. Rồi, những máy bay phản lực đi ném bom những mục tiêu nằm sâu trong đất liền, khi trở về hạm đội, qua đây, thừa bom liền trút xuống cái cống xi măng. Vì mục tiêu không đáng kể, lại có rặng núi che khuất tầm ngắm, nên phi công Mỹ không chúc xuống mà cứ thả bom từ tầm cao cho nên bom không trúng mục tiêu mà phần lớn rơi xuống cánh đồng trũng, được nhân dân đặt tên là cánh đồng túi bom. Thực ra, để tránh đoạn đường nguy hiểm này, xe tải của ta vẫn đi theo một con đường vòng khác, chỗ rẽ ở cách đây rất xa. Tuy có con đường vòng, nhưng về thực chất, đêm đêm vẫn có xe của ta đi về phía Nam qua con đường này. Việc ấy không lọt được qua mắt bọn Mỹ. Người Mỹ đã tính toán và quân ta cũng tính toán.
Bề ngoài quân Mỹ vẫn tỏ ra bình thường. Nghĩa là họ vẫn hoạt động theo phong cách hành chính. Sáng thì cho một chiếc cánh bằng lượn lờ, có lúc chiếc cánh bằng là sát ngọn tre để mấy chú chó sợ hết hồn, chạy bán sống bán chết vừa chạy vừa kêu ăng ẳng. Có lúc cánh bằng lại lia vu vơ mấy loạt đạn xuống vệ đường khiến cho quãng đường trở nên vắng tanh vắng ngắt, khiến cho dân trong vùng phải ra đồng ban đêm và khiến cho những khách đi đường phải nôn nao đợi chờ trong tức giận. Rồi, cuộc đụng đầu mà mọi người biết chắc chắn sẽ xảy ra, đã xảy ra. Bằng một nguồn tin quân sự nào đó, quân ta biết ý đồ của địch, nên đã cho một đại đội cao xạ pháo về bí mật lập trận địa ở một đầu đoạn đường.
Mười giờ sáng ngày 25 tháng trước, trên bầu trời bỗng đột ngột xuất hiện những máy bay Thần Sấm, Con Ma của Mỹ. Lần này chúng không thả bom từ trên cao mà bổ nhào rồi mới trút bom. Quân Mỹ tưởng nắm được yếu tố bất ngờ sẽ không bị hao tổn gì... Nào ngờ, ở dưới đất một lưới lửa đủ các tầng dày đặc đan lên trời. Hết tốp phản lực này đến tốp khác lao tới. Bom đạn vang lên. Đất rung chuyển. Khói lửa từ những căn nhà cháy cuộn lên trời ngùn ngụt. Chim chóc muông thú bạt hồn kinh vía. Nhân dân không hề gì vì được lệnh đã đi sơ tán hết. Kết quả cái cống xi măng bị sạt một nửa. Con đê bị ba hố bom. Bên Mỹ bị hạ hai máy bay. Một cái rơi tại chỗ. Một chiếc rơi xuống biển. Bên ta hai tử sĩ, ba thương binh. Hôm sau máy bay Mỹ lại tới, mục tiêu của họ lần này là tiêu diệt trận địa pháo. Tuy nhiên, quân ta đã di chuyển. Máy bay Mỹ chỉ bắn được những trận địa giả, trận địa nghi binh.
Cuối cùng quân Mỹ cũng phá được chiếc cống. Bây giờ xe tải không qua đây được nữa. Còn người đi bộ và xe đạp qua đấy thì phải leo lên leo xuống và giẫm lên những tảng xi măng, những tấm ván bấp bênh. Còn chiếc máy bay cánh băng thì vẫn không quên nhiệm vụ tuần tra. Có hôm một lần, có hôm hai, ba lần, chiếc cánh bằng vẫn cần mẫn bay lượn hàng ngày.
Chẳng lẽ nó bay như vậy chỉ để dọa khách bộ hành thôi ư? Chẳng lẽ nhiệm vụ quân sự của nó chỉ đơn giản là vậy. Tiến trải ni lông nằm dưới gốc xà cừ, chờ đợi và tức giận. Thời gian sao mà chậm. Mà ai có thể hiểu, đối với Tiến thời gian quý biết chừng nào. Tiến cởi áo sơ mi trùm lên đầu cố tranh thủ ngủ. Anh thầm tính toán: ‘Chắc đêm nay mình không ngủ được. Tình hình này, chắc ngày mai lại phải đạp suốt ngày để trở về. Thôi, Tiến ơi! Hãy cố. tranh thủ mà ngủ để lấy sức”. Tiến tự nhủ, tự dỗ dành mình như vậy.
Chiếc máy bay bà già không ngó ngàng gì tới đoạn đường có cây che phủ. Lúc này nó chỉ bay lượn ngó nghiêng tới quãng đường trống trải, vắng tanh của chiếc cầu. Nó cũng chẳng bắn nữa. Bởi vì làm gì có sinh vật nào xuất hiện ở đây mà bắn. Lúc nãy Tiến có trông thấy một con bò vàng trên một quả đồi tít xa. Lúc này con bò cũng biến đâu mất rồi. Có lẽ tiếng súng khi nãy đã báo động cho chú mục đồng dắt bò tránh đi rồi chăng? Nhìn ra con đường vắng ngắt trước mặt bây giờ, Tiến chỉ còn thấy nắng đổ lửa xuống mặt đường. Không khí bị nung biến thành một tấm kính trong suốt, dày đặc. Tấm kính ấy hình như nhòa nhòa, hình như chuyển động. Nó rung rinh, chập chờn. Chiếc máy bay cánh bằng đột nhiên biến đâu mất. Bây giờ lại thêm cái im lặng. Im lặng cộng thêm cái nóng nung người làm Tiến cảm thấy ngột ngạt vì bức. Tiến bảo người đồng hành:
- Yên thế này! Hay ta lên đường.
- Đừng tưởng yên. Coi chừng đấy.
Tiến nhìn lên bầu trời cao vút không một đám mây. Chợt có tiếng ì ì ở xa. Người bạn cười và nói: “Thấy chưa”. Tiến nhìn về phía tiếng động. Trên bầu trời đã thấy xuất hiện một tốp phản lực. Chúng bay về phía hai người. Rồi tiếng máy bay ầm ầm. Tiếp theo đó Tiến nhìn thấy chúng cắt bom. Một hai... bốn năm. Trông thấy rõ năm quả bom lao xuống. Người đồng hành vui tính chăm chú rồi nói:
- Trượt! Trượt ráo! Chúng rơi cả xuống cánh đồng túi bom.
Tốp phản lực nhanh chóng xuất hiện, rồi lại nhanh chóng biến đi về phía biển khơi. Lập tức, Tiến hiểu ngay rằng không thể nôn nóng, anh lặng lẽ trải chiếc ni lông ra đất rồi nằm xuống, đậy chiếc mũ lên mặt.
Tiến nằm nghĩ vơ vẩn. Hình ảnh Mai, người vợ trẻ lập tức hiện về trong tâm tưởng... Mai là một cô gái rất hồn nhiên và rất ý chí. Hôm đầu tiên ngủ ở nhà chồng, cô bảo Tiến:
- Anh đừng mơ tưởng hão về chuyện thành phần. Đừng có tự ru ngủ rằng mình một ngày nào đó sẽ được đổi thành phần. Phải xác định thành phần không rõ ràng của anh tức là thành phần địa chủ.
- Thì anh cũng có hy vọng gì đâu?
- Sự thực anh vẫn hão huyền. Cứ cho là mình ở hoàn cảnh xấu thậm tệ đi. Có như thế mói tiến lên được. Em nghĩ con địa chủ lấy con địa chủ, điều ấy quá tốt. Cả anh và em đều cao ráo sáng sủa, lại có chút học vấn. Chẳng hề đui què mẻ sứt, chẳng hề tí chút đần độn. Vậy thì cớ gì vợ chồng mình chẳng khấm khá lên. Hà cớ gì vợ chồng mình không được hạnh phúc. - Cô vợ trẻ của Tiến càng nói càng có lý. Trước kia, Tiến âm thầm chịu đựng một mình, âm thầm cố gắng một mình, bên cạnh một bà mẹ chẳng mấy khi nói, quanh năm suốt tháng, chỉ biết nai lưng ra trên mảnh ruộng. Còn bây giờ, Tiến có Mai, cô ấy ngoài vai trò người vợ, còn là người bạn. Chẳng biết học được từ ai, cô gái sôi nổi ấy biết nâng người chồng của mình lên. Tiến bảo Mai:
- U anh nói: Làm tài trai phải có chí đổi đời. Anh không muốn bị người ta khinh rẻ như bây giờ. U cũng bảo: Thằng con trai lấy vợ cũng là một cách để đổi đời. Nghe em nói, anh mới biết U anh đúng. Xem ra, gặp em, anh sắp đổi đời thật rồi.
- Chứ sao! - Mai vênh cái mặt vừa xinh vừa đáo để của mình lên - Em tính thế này anh thử nghe xem sao. Em không làm ruộng. Em sẽ đi buôn. Bây giờ cả xã hội đều khinh đi buôn. Ai buôn thì gọi là thành phần không cơ bản. Buôn to thì gọi là tư bản. Buôn nhỏ thì gọi là con phe. Thành phần địa chủ là xấu nhất thời nay, thì vợ chồng mình đang đeo trên cổ như một cái huân chương. Vậy nếu ta có đeo thêm một cái tiếng con phe cũng chẳng xấu thêm tẹo nào. Không xấu mà còn có lợi. Bởi vì ai cũng xô vào việc tiến thân bằng con đường chính thức của xã hội, nên đi buôn dễ dàng hơn.
- Buôn gì?
- Buôn nhì nhằng thôi. Em đã ra chợ xem rồi. Ở đây có thể buôn sợi ni lông đan lưới. Buôn dép lốp. Dây cao su, đá lửa, kim chỉ... Em biết nguồn hàng, em đã theo chị em ra Hà Nội. Ở đấy cái gì cũng có. Vào đúng lò thì rẻ hơn đây nhiều.
Nói xong, làm liền. Từ khi có Mai gánh hàng ra chợ, đời sống gia đình Tiến khá lên trông thấy. Mai lại là người biết đằng ăn ở, đối xử nên gia đình có thể nói là hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều đêm Mai cứ thấy Tiến thở dài. Hỏi tại sao, lúc ấy Tiến mới bảo:
- U cũng bảo anh rằng đi bộ đội cũng là cách đổi đời tiến thân. Câu nói ấy làm Mai nghĩ mất mấy hôm. Rồi, một đêm Mai nói với chồng:
- Em nghĩ kỹ rồi. Không cần anh phải đi bộ đội.
- Vì sao?
- Vì mình là địa chủ.
- Song, anh là người đàn ông.
Tiến giữ chặt hai tay Mai, nhìn sâu vào mắt vợ và nói như vậy. Mai cụp mắt xuống, cố tránh tia nhìn của chồng, cô như hiểu đôi mắt Tiến định nói gì. Và cô yếu ớt hỏi:
- Đàn ông ư? Đàn ông thì làm sao?
Tiến cũng chợt quay đi. Đến lượt anh không muốn nhìn vào đôi mắt vợ. Đôi mắt như cầu khẩn những điều cô chẳng muốn nói ra. Đôi mắt mà những người chồng nhìn vào dễ bị xiêu lòng. Cả hai đều không muốn nói ra những điều mình nghĩ. Cuối cùng Tiến chỉ nói nhẹ nhàng. Cái nhẹ nhàng quyết liệt:
- Em hiểu đấy... Người đàn ông nào cũng có hai việc phải làm. Thứ nhất là bổn phận đối với người đàn bà mà mình yêu. Thứ hai là bổn phận đối với đất Mẹ... Anh chả cần nói nhiều chắc em cũng hiểu.
Vừa nói Tiến vừa ôm lấy tấm thân tròn lẳn của Mai. Cô gái rất nhiều lý sự lúc này chẳng thốt một lời. Cô úp mặt vào ngực Tiến. Cô thở mạnh. Có lẽ cô hít hà - Cái mùi ngầy ngậy, hăng hắc của người đàn ông làm cô như ngây ngất. Lúc bấy giờ cô mới ngẩng mặt lên nói nhỏ:
- Em bảo này... Anh nói là phải có bổn phận đối với em... phải không?... Anh công nhận chứ... được rồi... Vậy, bao giờ anh làm xong bổn phận đối với em... lúc đó tha hồ cho anh đi.
- Thế là làm sao?
- Thế là... cố lên - Cô cười khúc khích...
- Cố lên thế nào?
- Ngốc ạ!... Lại còn giả vờ... Nghĩa là bao giờ trong bụng em có đứa con, em sẽ cho anh đi...
Thế là từ hôm ấy, Tiến cố sức chiều vợ. Tối nào, anh cũng phải ngủ ở nhà. cố sức quá đến nỗi mặt mũi anh trở nên hốc hác. Sự cố sức ấy cuối cùng cũng được đền đáp. Hơn một tháng sau, Mai tuyên bố Tiến đã làm tròn bổn phận. Cũng lúc ấy Tiến trích tay lấy máu, ký vào lá đơn tình nguyện lên đường đánh giặc.
Tiến nhập ngũ được ba tháng thì nhận được thư vợ. Lá thư báo tin Mai bị ngã, đã sẩy thai. Mấy tháng sau, nhận được lá thư thứ hai. Mai viết:
“Anh Tiến ơi.
Em nhớ cái đêm xưa, hai vợ chồng mình thủ thỉ với nhau. Anh bảo rằng người đàn ông nào cũng phải có hai bổn phận. Nay, anh đang làm bổn phận với Bà Mẹ vĩ đại. Còn em, người đàn bà nhỏ bé mà anh yêu quý, người đàn bà mà anh thề thốt rằng mình phải có bổn phận, thì hình như đã bị quên rồi. Liệu có phải thế không anh? Tiến ơi! Ngày thì chẳng sao. Chứ ban đêm thì đêm nào cũng vậy, em nhớ anh vô cùng. Nhớ đến thắt cả ruột gan...”.
Cũng chính khi nhận được thư ấy, lại xảy ra vụ diễn kịch. Nhưng Tiến là người rất trách nhiệm. Cho nên, anh đã nhận được kỳ phép đặc biệt này. Chả trách, trong giấc ngủ chập chờn dưới gốc cây, Tiến toàn nhớ đến chuyện xưa. Tiến toàn mơ thấy hình bóng của Mai. Mơ thấy Mai, anh cứ tủm tỉm hoài. Ông bạn đường lúc ấy bỗng vỗ lưng Tiến.
- Này! Tủm tỉm cái gì? Dậy đi! Dậy đi! Nó đi rồi.
Tiến vươn vai nhỏm dậy:
- Bác bảo ai đi đâu?
- Thằng “bà già” chứ ai. Nó chuồn rồi. Nhân dân vùng này đã tìm ra quy luật: Thằng “bà già” chỉ xuất hiện ba lần lúc quá trưa. Chắc giờ này bọn phi công đã ngồi vào bàn ăn ngoài hạm đội. Nào, anh em ta tranh thủ vượt đường...
Tám giờ tối Tiến mới về đến nhà. Bà Tư ra đón, mừng con về đến chảy nước mắt. Tiến nhìn quanh chưa thấy Mai đâu. Chưa hỏi thì bà cụ đã nói:
- Vợ con lên xóm Thượng cất hàng. Chắc còn lâu hắn mới viền. Thế kỳ này con đi phép được mấy ngày?
- Chỉ được đến sáng mai thôi U ạ.
- Chi mà gấp rứa. Vội vội, vàng vàng. Rõ khổ!
- Có thành tích đặc biệt mới được tranh thủ hai ngày. Thương U và cũng thương nhà con quá nên con cố về nhà. Phải đi ngay sáng sớm mai, bởi vì muộn là không đi qua nổi quãng cống xi măng. Đường thì hẹp, ruộng thì sâu. Mà chiếc cánh bằng ngày nào cũng trấn thủ chỗ ấy ngăn cản qua lại.
Bà Tư thở dài:
- Mẹ nói thế thôi. Cũng đành vậy chứ sao. Để mẹ đi nấu cơm cho con. Cơm tẻ hãy còn nhưng nguội. Mẹ sẽ thổi nồi cơm nếp. Nhân tiện, gói cho con một nửa mai đi ăn đường.
Có tiếng gà quéc quéc. Bà cụ thịt cả gà đãi con. Chỉ một tiếng sau mâm cơm tươm tất đã được dọn lên. Hai mẹ con ngồi bên mâm nói chuyện. Tiến chọn những miếng thịt ngon nhất, nạc nhất gắp cho mẹ, nhưng rồi bà cụ lại trút tất cả vào bát con. Bà Tư kể chuyện cho con nghe với vẻ tiếc nuối:
- Cái hôm nó vấp ngã ngoài ngõ, rồi sảy thai, con vợ mày nó như đứa rồ làm mẹ vừa thương lại vừa sợ. Cái thai ba tháng chỉ như cục thịt đỏ hỏn. Vợ mày lấy chiếc nồi đất đặt vào, đậy vung lại, đem ra chôn ngoài vườn. Lại đắp cái nấm xinh xinh. Xong rồi nó khóc. Khóc tỉ tê thảm thiết. Nó bỏ ăn hai ngày, nằm dài tấm tức trong buồng. Dỗ thế nào nó cũng không ra ăn. Sáng hôm thứ ba nó mới dậy. Nó lại bình tĩnh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thật là lạ. Hỏi thì nó trả lời: “Đêm qua thằng bé nó về báo mộng cho con U ạ”. - “Nó báo mộng gì?”. - “Nó bảo U cứ yên tâm, đừng nhịn ăn nữa kẻo ốm. Nó bảo con thương U lắm. Thằng bé rất xinh trai U ạ”, U thấy vợ mày khác lạ cứ tưởng nó nghĩ quá hóa dại rồi. Nhưng may mà sau đấy nó vẫn bình thường, chẳng hề gì. Thế là U mừng.
Nghe mẹ nói, Tiến lại càng thương vợ. Mãi gần 12 giờ đêm, Mai mới đi cất hàng trở về. Cô vào ngay trong buồng, ôm lấy chồng, rúc vào nách Tiến như một đứa trẻ. Mai cuồng nhiệt quá làm Tiến ngài ngại.
- Hãy yên nào. Lát nữa hãy hay. Nói to thế U nghe thấy đấy.
- Kệ! U chứ ai mà sợ. Chúng mình càng lục đục thế này U càng mừng. Này anh tắm rồi à.
- Rồi! Sạch sẽ rồi.
- Tiếc nhỉ.
- Sao tiếc?
- Thì em... em... thích cái mùi mồ hôi của anh.
- Điên không đấy?
- Thật mà. Nó chua chua, hăng hắc, ngai ngái, ngầy ngậy... Nhớ nó lắm. Nhớ suốt đời...
Đêm ấy họ ân ái với nhau rất đằm thắm. Người đàn bà cuồng si kể với chồng:
- Chắc U nói với anh cái chuyện con chúng mình về báo mộng cho em rồi chứ gì?
- Rồi. Nhưng thằng bé ba tháng đã thành hình người đâu mà báo mộng.
- Thành hình người rồi. Thằng bé rất kháu. Em giơ tay ra nó sà vào tay em ngay. Còn một chuyện này, em giấu kín không nói với U. Tại sao em chịu ăn cơm, rồi bình thường trở lại anh có biết không?... Lúc ấy, em đã chán lắm rồi... Chắc nếu thằng bé không nói một câu, thì còn lâu em mới hồi lại.
- Nó nói gì?
- Nó bảo: “U cứ yên trí. Rồi một ngày gần đây thầy con sẽ về nhà. Và con sẽ đầu thai, lại trở lại làm con thầy U. Thật đấy. Con chỉ thích làm con thầy U thôi”.
Thật hoang đường! Nhưng nghe Mai nói, Tiến càng thấy thương vợ hơn. Đúng là Mai đang điên rồ vì thèm khát một đứa con. Một hạnh phúc quá bình thường, nhưng là một người lính, anh rất khó đem lại cho cô được. Mà Mai có rồ đâu. Thực ra cô ấy rất tỉnh táo. Mai nói:
- Em sạch kinh được bảy ngày rồi. Không hiểu sao em cứ tin rằng đêm nay vợ chồng mình chắc chắn sẽ có con.
Người đàn bà yên tâm. Người đàn bà no nê. Người đàn bà sung sướng gối đầu lên tay anh, rồi rúc vào nách anh để hít hà cái mùi chua chua, hăng hắc, ngầy ngậy từ nách anh tỏa ra, cái mùi mà cô cho là rất đặc biệt, sẽ làm cho cô nhớ suốt đời.
Mai ngủ rất say, nhưng cũng rất thích. Khoảng ba giờ sáng, khi gà vừa mới gáy, cô đã choàng dậy ngay. Tiến chào từ biệt mẹ. Trước khi đi, Mai kéo anh ra vườn, chỉ cái nấm nhỏ nơi cô chôn chiếc nồi đất đựng cái thai mới thành hình:
- Anh thắp cho con một nén hương. Hãy khấn rằng bố rất yêu con và cũng mong con sẽ là con bố. Em nhất quyết rồi, và cũng tin chắc rồi. Nhất định hôm nay, con chúng mình lại về lại với chúng mình.
Người đàn bà cứ đinh ninh như vậy. Người đàn bà cứ khát khao như vậy. Cái rồ dại mong muốn của chị làm người chồng thương vô cùng mà cũng yêu chị vô cùng. Chị khoác chiếc ba lô của chồng tiễn anh một quãng đường rất xa. Bảo thế nào cũng không chịu quay về:
- Cho em tiễn mình thêm quãng nữa. Đến lùm phi lao kia thì em mới về.
- Đằng nào rồi cũng phải chia tay. Chẳng lẽ cứ bịn rịn mãi cho đến sáng à. Còn quãng đường thót cổ chai, anh phải vượt trước bảy giờ.
- Anh yên tâm. Mới ba giờ sáng. Bảo đảm kịp. Em hứa mà. Đến rặng phi lao em sẽ quay về ngay.
Sóng biển xô bờ oàm oạp. Họ đi trên bãi cát. Một bên là biển, một bên là rừng phi lao. Tiếng rì rầm của biển, tiếng rì rào của phi lao hòa vào nhau. Đêm đen kịt. Họ đi theo màu trắng của bãi cát. Gió từ biển thổi vào mát rượi. Chẳng có con mắt nào nhìn thấy họ cả. Cái vắng lặng của bờ biển đêm làm Mai bạo dạn hẳn lên. Cô đi bên chồng, rồi khoác tay chồng, nép sát vào người chồng, như thể cố níu giữ cái hơi hướng của người đàn ông mà chỉ lát nữa thôi, sẽ xa rời cô, chẳng biết khi nào mới gặp lại.
Có những tiếng bung bung đều đặn ở trên trời, phía trước mặt. Cứ mỗi tiếng bung lại kèm một chớp lóe sáng. Và làm nền cho những chớp nổ ấy là tiếng máy bay ầm ĩ. Tiến hỏi:
- Không biết bọn Mỹ làm trò gì vậy?
- Chúng nó chụp ảnh bờ biển, để theo dõi tình hình biến động của bên ta.
Hai người vội chạy dạt về phía rặng phi lao. Ngẩng đầu lên chỉ thấy kín mít tán lá. Tiến hỏi:
- Có phải đây là lùm phi lao rậm mà em bảo anh khi nãy?
- Phải. Chỉ lát nữa thôi, vợ chồng mình chia tay... Anh dựng xe đạp vào cây đi... Vào đây, mình vào đây cho kín.
- Sợ gì. Chúng làm sao trông thấy chúng mình được.
- Thì cứ vào đây nào... Chúng sắp thả... pháo sáng đấy.
Ở rừng phi lao lúc mới ra khỏi làng, cây thưa thớt. Còn ở đây cây rậm rịt. Những cây phi lao non tơ đâm nhánh tua tủa. Um tùm và kín như bưng. Cả lá phi lao già rụng xuống ở đây cũng nhiều hơn. Trẻ chăn trâu gom lá trải thành cái nệm khô dày dặn ấm áp. Người vợ kéo người chồng xuống cái nệm thơm ngát ấy. Cô ôm lấy anh. Và đôi môi nóng hổi của cô, bàn tay nóng hổi của cô, chợt làm Tiến hiểu ra tại sao Mai lại nói rằng đến cái lùm cây này cô mới chịu chia tay. Cô thì thầm:
- Chúng mình yêu nhau lần nữa đi. Cần phải thật chắc chắn. Nhất định em phải có con với mình đêm nay. Lúc nãy, em lại nằm mơ thấy con... Lúc nãy anh cũng đã thắp hương cho con... Chúng nó thả pháo sáng ư? - Thây kệ chúng nó.
Vợ chồng Tiến Mai đã yêu nhau như thế đó. Yêu nhau trong rừng phi lao, dưới đèn pháo sáng. Mới đầu chỉ một hai quả ở xa, ánh sáng từ biển hắt vào yếu ớt nhưng cũng đủ để Tiến chiêm ngưỡng tấm thân mỹ miều của vợ. Một niềm kiêu hãnh thầm kín mà anh sẽ chẳng bao giờ nói ra. Đợt pháo sáng đầu tiên tắt lịm. Cái thân hình diễm ảo của nàng biến vào đêm đen. Rồi đợt pháo sáng thứ hai lóe lên, rộ lên. Lần này pháo sáng nhiều hơn, và nằm ngang trên đỉnh đầu. Ánh sáng không lọt qua vòm cây nhưng từ ngoài hắt vào cũng đủ để Tiến nhìn thấy cả cái núm vú hồng hồng của vợ, nhìn thấy cả cặp nhũ hoa của nàng. Ôi! Cái màu trắng ngọc ngà! Chúng là thứ màu ngà voi tinh khiết nõn nà. Giặc bắn tên lửa ầm ầm rất gần. Song hai vợ chồng quên hết. Họ không thấy một chút sợ hãi.
Trước khi người chồng chia tay lên đường, người vợ bảo rằng:
- Thật hoàn toàn khác hẳn. Kỳ này em thấy trong lòng rung động. Như là sét đánh vậy. Em như bay lên chín tầng mây. Cám ơn mình. Em chắc chắn rồi. Lần này nhất định chúng mình sẽ có con.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa