Chương 28: Vùng Xoáy Của Thất Vọng
Ở cái tuổi mới lớn ấy, khi mà tinh thần tự tôn và sự tự ý thức về hình ảnh của bản thân trở nên rất quan trọng, tôi đã để cho nỗi lo lắng và sợ hãi lấn át mình. Tất cả những ý nghĩ tiêu cực về bản thân áp đảo mọi ý nghĩ tích cực.
Mình thật thiệt thòi, kém may mắn. Mình sẽ chẳng bao giờ có được một cuộc sống bình thường, một công việc bình thường, chẳng bao giờ có vợ, có con được! Mình sẽ luôn là gánh nặng cho những người xung quanh.
Tôi chưa bao giờ thực sự tàn tật cho đến khi tôi mất hy vọng. Hãy tin tôi đi, mất hy vọng còn tồi tệ hơn cả mất chân tay. Nếu bạn đã từng trải nghiệm cảm giác đau khổ và suy sụp tinh thần, thì bạn chắc hẳn biết rõ sự thất vọng tồi tệ đến mức nào. Khi ấy tôi cảm thấy tức giận, bị tổn thương và bối rối hơn bao giờ hết.
Tôi cầu nguyện và hỏi Chúa rằng, tại sao Người lại không thể cho tôi những gì mà Người có thể cho những người khác. Tôi đã làm gì sai chăng? Và vì thể mà Người không đáp lại lời cầu nguyện của cha mẹ tôi, lời cầu xin có chân, có tay mà tôi đau đầu thực hiện mỗi ngày? Tại sao Người không cứu giúp chúng tôi? Tại sao Người lại bắt tôi phải chịu đựng buồn tủi như thế này?
Cả Chúa lẫn các bác sĩ đều không thể giải thích được tại sao tôi lại sinh ra không có chân tay. Không có bất cứ lời giải thích nào cả, thậm chí cả một lời giải thích về mặt khoa học cũng không và điều đó chỉ càng khiến tôi cảm thấy tồi tệ hơn. Tôi cứ tiếp tục nghĩ rằng nếu có một lý do nào đấy, liên quan đến tâm linh, khoa học hay bất cứ gì khác, thì có lẽ tôi sẽ đương đầu với hoàn cảnh dễ dàng hơn. Nếu có một lý do nào đó giải thích cho việc tôi không có chân tay, có lẽ nỗi đau của tôi không ghê gớm đến thế.
Nhiều lúc chán nản đến mức tôi không chịu đến trường. Trước đó, cảm giác tủi thân không phải là một vấn đề đối với tôi. Tôi đã không ngừng cố gắng để vượt lên khuyết tật, để sống và sinh hoạt bình thường như bao người, để vui chơi như những đứa trẻ khác. Hầu như lúc nào tôi cũng tạo được ấn tượng với cha mẹ, với thầy cô giáo và bạn học bằng chính lòng quyết tâm và tinh thần tự lực. Tuy nhiên, tôi giấu kín một nỗi buồn ở trong lòng.
Tôi được nuôi nấng như một đứa trẻ thiên về đời sống tinh thần. Tôi chăm chỉ đi lễ nhà thờ và tin vào sự cầu nguyện cũng như sức mạnh của Chúa. Tôi tin vào sự hiện diện của Chúa Jesus đến mức khi ăn tối, tôi mỉm cười, nghĩ rằng Chúa đang ở bên chúng tôi ngay tại bàn ăn, đang ngồi ở chiếc ghế trống trong khi chúng tôi ăn. Tôi cầu nguyện để có được chân tay như bao người. Trong một thời gian, tôi cứ mong
Một buổi sáng nào đó, khi thức dậy, tôi thấy mình có chân có tay. Mỗi lần cầu nguyện tôi chỉ cầu mình có được một tay hoặc một chân thôi. Tôi mong mãi mà chẳng thấy mình có chân tay, và thế là tôi đâm ra giận Chúa.
Tôi nghĩ rằng tôi hiểu Chúa sáng tạo ra tôi với mục đích gì. Người tạo ra tôi như một cộng sự của người để tạo ra điều kỳ diệu, để thế giới thừa nhận rằng có Chúa trên đời này. Tôi thường cầu nguyện: “ Lạy Chúa, nếu Người cho con tay và chân, con sẽ đi vòng quanh thế giới và chia sẻ điều kỳ diệu đó với mọi người. Con sẽ lên truyền hình và kể cho tất cả mọi người biết điều gì đã xảy ra, và qua câu chuyện của con thế giới sẽ thấy được sức mạnh của Người”. Tôi nới với Chúa rằng tôi đã hiểu mục đích của Người và tôi sẵn sàng phụng sự múc đích đó. Tôi nhớ mình đã cầu nguyện: “ Lạy Chúa, con biết Người tạo ra con như thế này để Người có thể cho con chân tay và điều kỳ diệu đó sẽ chứng minh cho mọi người thấy sức mạnh và tình yêu của Người”.
Khi còn nhỏ, tôi đã biết Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách. Tôi cảm thấy Người có thể trả lời tôi bằng cách đặt một cảm xúc vào trái tim tôi. Nhưng tôi chỉ thấy sự im lặng mà thôi. Tôi chẳng thấy gì hết.
Cha mẹ tôi thường nói: “Chỉ có Chúa mới biết tại sao con sinh ra như thế này”. Khi đó tôi đã hỏi Chúa, và Người không nói gì cho tôi biết hết. Những lời cầu xin khẩn khoản không được thoã mãn và những câu hỏi không được trả lời khiến tôi buông lòng lắm bởi vì trước đó tôi cảm thấy mình rất gần gũi với Chúa.
Tôi cũng phải đương đầu với những thách thức khác. Dạo đó gia đình tôi chuyển lên vùng duyên hải Queensland ở phía bắc, cách xa chỗ ở cũ tới 1.000 dặm, xa họ hàng thân thuộc. Cái kén bảo vệ của các cô dì chú bác và hai mươi sáu anh chị em họ bị tháo bỏ. Sự căng thẳng của việc chuyển nơi ở bao trùm lên cha mẹ tôi. Mặc dù có sự quả quyết, tình yêu và sự hỗ trợ, nâng đỡ của cha mẹ, tôi vẫn không thể nào rũ bỏ được cái cảm giác mình là một gánh nặng lớn.
Cứ như thế tôi đã phủ tấm khăn màu đen lên cuộc đời mình để ngăn không cho mình nhìn thấy một chút ánh sáng nào. Tôi không thể thấy được mình còn có ích cho một ai. Tôi cảm thấy tôi chỉ là một lỗi sai, một sản phẩm dị dạng của tạo hóa, một đứa con bị lãng quên của Chúa. Cha mẹ đã cố gắng hết sức để nói với tôi điều ngược lại. Họ đọc Kinh Thánh cho tôi nghe. Họ đưa tôi đến nhà thờ. Những giảng viên giảng đạo dạy tôi rằng Chúa yêu tất cả mọi người. Nhưng tôi không thể vượt ra ngoài nỗi đau khổ và tức giận được.
Hồi ấy tâm trạng tôi cũng có những lúc tươi sáng hơn. Ở trường học giáo lý, tôi cảm nhận được niềm vui khi cùng bạn học hát vang những ca khúc thánh ca, “ Chúa Jesus yêu hết thảy thiếu nhi trên thế gian; không phân biệt em da vàng, da nâu, da trắng, da đen, trong mắt Người, các con đều đáng yêu. Chúa yêu thương tất thảy đàn con thiếu nhi trên thế gian”.
Sống giữa những người luôn yêu thương và giúp đỡ, tôi ghi sâu bài thánh ca đó trong tim. Nó an ủi tôi nhiều lắm. nhưng khi cảm thấy mệt mỏi hoặc ốm yếu, những ý nghĩ u ám lại xâm chiếm tâm trí tôi. Tôi ngồi trên xe lăn trong sân chơi, tự hỏi: Nếu Chúa thực sư yêu tôi như những đứa trẻ khác, tại sao Người lại không cho tôi có chân tay?
Thầy dạy giáo lý dạy tôi rằng Chúa yêu tất cả mọi người. Người rất quan tâm tới chúng ta. Tôi muốn tin vào điều đó, nhưng rồi vào thời ấy, trong tôi lại hiện lên câu hỏi: Nếu Chúa thực sự yêu tôi như yêu những đứa trẻ khác, tại sao Người lại tạo ra tôi khác với những đứa trẻ khác?
Những ý nghĩ đó bắt đầu xâm nhập vào đầu óc tôi ngay cả ban ngày, cả trong lúc tôi có chút niềm vui. Một hôm tôi đang ngồi trên một chiếc bàn quầy rất cao ở trong bếp nhìn mẹ nấu bữa tối – một thói quen giúp tôi tìm thấy sự an ủi và thư giãn – thì những ý nghĩ tiêu cực bỗng ập đến, tôi muốn ném mình xuống khỏi mặt bàn. Tôi nhìn xuống bên dưới, nghĩ rằng mình sẽ lao xuống, nhưng rồi nỗi sợ hãi lấn át sự tuyệt vọng nên tôi ngừng lại. Lúc bấy giờ tôi đang vật lộn với cảm giác tuyệt vọng, rằng cuộc đời tôi rồi đây sẽ vô cùng khó khăn. Chúa dường như không đáp lại lời cầu nguyện của tôi. Nhìn mẹ tôi làm việc trong nhà bếp, tôi bỗng nhiên không muốn trở thành gánh nặng của bà. Thế là ý định quăng mình xuống lại tiếp tục tấn công tôi. Tôi loay hoay tính toán xem mình nên lao xuống phía nào, để đảm bảo rằng tôi sẽ gãy cổ và chết ngay tức thì. Nhưng rồi tôi tự bảo mình rằng tôi không nên làm thế, chủ yếu bởi vì nếu ném mình xuống mà không chết thì tôi sẽ phải giải thích tại sao tôi lại thất vọng đến nhường ấy. Cái lần tôi suýt nữa tự hủy hoại mình đó quả là đáng sợ. Đáng lẽ nên nói cho mẹ biết tôi đang nghĩ gì, nhưng tôi ngại. Tôi không muốn làm mẹ hoảng sợ.
Khi ấy tôi còn nhỏ, và mặc dù được sống giữa những người yêu thương mình, tôi đã không tìm đến họ để tâm sự về nỗi lòng của mình. Tôi có những nguồn giúp đỡ và sẻ chia, nhưng tôi đã không sử dụng những người ấy, và đó là một sai lầm.
Nếu bạn cảm thấy mình bị lấn át bởi tâm trạng thất vọng, thì bạn không phải đương đầu với nó một mình đâu bạn ạ. Những người yêu thương bạn sẽ không cảm thấy bạn là gánh nặng đâu. Họ muốn giúp bạn. nếu bạn cảm thấy không thể tâm sự với người thân, thì hãy tìm đến những chuyên gia tư vấn tại trường, ở nơi làm việc, ở cộng đồng. Bạn không hề đơn độc. Tôi không đơn độc. giờ đây tôi đã hiểu được điều đó và tôi không muốn bạn cũng giống tôi trước kia đã từng suýt phạm phải sai lầm chết người.
Nhưng lúc đó trong lòng tôi tràn ngập tuyệt vọng. Khi ấy tôi đã quyết định rằng để chấm dứt mọi nỗi đau khổ, tôi nhất định phải kết thúc cuộc sống của mình.
Cuộc Sống Không Giới Hạn Cuộc Sống Không Giới Hạn - Nick Vujicic Cuộc Sống Không Giới Hạn