Hồi Thứ Hai Mươi Bảy - Hiền Đức Phu Nhân Lòng Ngay Thẳng.
ấy giờ Địch Thanh hay tin Trương Văn đưa mẹ mình đến Ngũ Vân trấn rồi liền sắm sửa đến thăm viếng.
Cuộc gặp gỡ rất vui vẻ. Mẹ con, chị em đoàn tụ với những mở tiệc vui vầy, chuyện trò không ngớt.
Còn vợ Lý Thành là Trầm thị lập tâm quyết về Biện Lương tìm cách báo thù cho chồng con mình. Khi đến nơi vào ra mắt anh mình là Quốc Thanh, khóc lóc kể hết sự việc.
Quốc Thanh nghe xong suy tính một lúc rồi nói với Trầm thị:
- Em ơi! Ấy là tại chồng em muốn mạo công, cho nên phải bỏ mạng, bây giờ biết mưu chi mà trả thù cho được.
Trầm thị nói:
- Đại ca ơi! Tuy chồng em làm như vậy nhưng cũng chưa đến nỗi phải xử tử. Đây là Địch Thanh cậy thế Dương Nguyên soái mà xử oan. Còn Địch Thanh mang tội làm mất chinh y thì Dương Tôn Bảo lại bỏ qua, có phải là bất công hay không?.
Trầm Quốc Thanh hỏi:
- Việc Địch Thanh làm mất chinh y thế nào em kể lại cho anh nghe.
Trầm thị liền thuật hết mọi việc. Trầm Quốc Thanh nói:
- Vậy thì em phải chờ anh đến bàn tính với Bàng Thái sư mà toan liệu mới được. Song Bàng Thái sư có tính hay ăn hối lộ, nếu em muốn trả thù chồng thì phải lo lót mới được.
Trầm thị nói:
- Xin đại ca chớ lo, miễn là trả được thù chồng dù phải tốn hao bao nhiêu em cũng chịu.
Trầm Quốc Thanh nói:
Vậy thì để anh qua đó lo liệu xem sao.
Nói rồi liền khiến gia đinh dọn tiệc rồi đi qua dinh Bàng Hồng ra mắt. Bàng Hồng hay tin liền rước vào trà nước.
Trầm Quốc Thanh liền thuật hết mọi việc em mình cho Bàng Hồng nghe.
Bàng Hồng nghĩ thầm:
"Lâu nay ta có ý hại Địch Thanh, song chưa có dịp may, nay nhân cơ hội này thì cũng dễ hại nó, lại cũng có cớ mà hại Dương Tôn Bảo nữa".
Nghĩ như vậy nên Bàng Hồng nói với Trầm Quốc Thanh:
- Việc này thật khó làm vì Dương Tôn Bảo là người ở trong Thiên Ba phủ, lại là Nguyên soái trấn Tam Quan binh quyền rất mạnh, ta e hại nó không được mà còn mang họa vào thân.
Trầm thị nói:
- Như vậy đại ca đành chịu thua sao?
Trầm Quốc Thanh nói:
- Duy chỉ có cách này thì mới tiện. Phải có một người có gan dạ, liều mạng nhào vô trước sân triều kêu oan thì ta mới có thể can thiệp được.
Trầm thị hỏi:
- Phải kêu oan như thế nào?
Trầm Quốc Thanh nói:
- Cứ kêu oan là Dương Tôn Bảo vì bênh vực Địch Thanh và Tiêu Đình Quý mà giết oan Lý Thành và Lý Đại là chồng con tôi. Tuy vậy tờ cáo trạng ta không làm nổi, phải nhờ đến
Bàng Thái sư thì mới được.
Trầm thị vâng lời xin làm theo y kế.
Trầm Quốc Thanh liền sang dinh Bàng Hồng nhờ vả.
Bàng Hồng cười rằng:
- Ta làm quan đại thần, chỉ lo việc quốc gia đại sự hơi đâu mà xen vào chuyện cá nhân.
Trầm Quốc Thanh biết ý Bàng Hồng muốn đòi vàng bạc bèn sai quân tùy tùng lấy quả vàng bạc mà dâng cho Bàng Hồng.
Bàng Hồng thấy lễ vật mừng rỡ nói:
- Ta không phải là có ý đòi hỏi gì, song chỉ sợ lưu lại những khó khăn về sau. Nay túc hạ đã hết lời thỉnh cầu thì ta cũng phải gắng sức giúp cho.
Quốc Thanh mừng rỡ liền từ tạ trở về thuật lại mọi việc cho Trầm thị hay.
Trầm thị suốt đêm rầu rĩ, lo lắng không ngủ được. Quốc Thanh thấy thế hỏi:
- Sao chừng này mà phu nhân chưa an giấc?
Trầm thị nói:
- Mấy hôm nay phu nhân của đại ca có ý không bằng lòng tôi đến đây nương nhờ đại ca nên tôi buồn lắm.
Trầm Quốc Thanh nghe nói biết ý vợ mình không bằng lòng cho em mình vì chồng con mà trả thù Dương Tôn Bảo nhưng tình anh em không biết nói sao, đành làm thinh than thở.
Tối hôm đó Quốc Thanh nói chuyện với vợ là Y thị:.
- Thánh thượng sai Dương Tôn Bảo ra trấn Tam Quan tốn kém rất nhiều, vậy mà Tôn Bảo lại hành khắc quân gia, mỗi việc đều xử chém, làm cho quân sĩ thán oán. Còn em ta bị giết mất chồng con, không lẽ an tâm mà chịu.
Y thị nghe chồng nói thì hỏi lại:
- Vậy chớ Tướng công tính kế chi mà rửa cái hận ấy?
Trầm Quốc Thanh nói:
- Việc ấy ta đã thương nghị với Bàng Thái sư rồi, ngài cung chịu giúp, song phải tốn một muôn lượng bạc mới được.
Nay Thái sư đã làm xong tờ cáo trạng để mai em ta vào giữa triều mà kêu oan chuyện ấy.
Y thị nói:
- Nếu làm như vậy chẳng là quấy làm sao. Vả Dương Tôn Bảo là một người tôi lương đống của triều đình, tính nết lại ngay thẳng, còn Lý Thủ Bị là một người hèn hạ, không liên can gì. Nay Tướng công vì tình riêng, muốn trả thù cho một người hèn hạ, toan hại trung thần, thì chẳng phải là bất trung với triều đình hay sao. Tôi e làm không xong việc mà mang hại vào thân.
Trầm Quốc Thanh nói:
- Bổn phận đàn bà thì biết theo phận đàn bà chớ có xen vào việc lớn trong thiên hạ.
Y thị thấy chồng nói như vậy thì làm thinh, vào phòng mà an giấc.
Còn Bàng Hồng từ khi nhận lãnh một muôn lượng bạc của Trầm Quốc Thanh thì trong lòng cảm khoái, liền dặn bọn quân canh." Mai đây có người đàn bà nào cầm cáo trạng vào triều kêu oan thì đừng cản trở".
Huỳnh môn quan thưa:
- Đã có lời Thái sư dạy bảo, chúng tôi đâu dám làm sai.
Ngày hôm sau vua tâm trào, Huỳnh môn quan vào tâu:
Nay có một người đàn bà xưng là Trầm thị muốn vào dâng cáo trạng kêu oan.
Vua nghe tâu liền phán:
- Người đó kêu oan cho ai vậy?
Huỳnh môn quan tâu:
- Người ấy tố cáo Dương Nguyên soái
Vua phán:
- Dương Tôn Bảo là người chánh trực, coi việc binh cơ có can dự gì đến việc dân sự mà liên can đến đàn bà?
Bàng Hồng nghe vua phán như vậy liền quỳ tâu:
- Theo ý tôi tưởng, nếu không có oan lớn thì đàn bà đâu dám đến giữa triều mà tố cáo. Thế khi Dương Tôn Bảo đã ỷ quyền mà giết oan tướng sĩ chi đây, cho đến nỗi đàn bà mới
phải liều mình đến giữa triều kêu oan. Xin Bệ hạ cho vào đây xem thử sự việc ra sao.
Vua nói:
- Trẫm biết Dương Tôn Bảo là một người trung trực không lẽ ỷ quyền mà áp bức người ngay, chắc là có ai ganh ghét.
Bàng Hồng tâu:.
- Xưa nay đàn bà ai cũng nhút nhát, nay có người dám liều lĩnh như vậy thì chắc có việc quan trọng, xin Bệ hạ chớ bỏ qua.
Vua nghe Bàng Hồng nói lắm nên cũng vị tình nhận lời.
Lời bàn.
Thường tình trong xã hội, khi một nước đang hưng thịnh thì tôi thần chung sức nhau lo việc xây dựng non sông làm cho dân giàu nước mạnh, còn một nước có hiện tượng suy yếu thì tôi thần chống đối nhau, chỉ tranh giành quyền lợi để hưởng thụ.
Một triều chính mà gian thần có thế lực thì thế lực ấy trước tiên cấu tạo bằng chức vị, sau đó mới dựa vào quyền hành mà tiêu diệt lẫn nhau.
Một ông vua gọi là minh quân khi chấp chánh phải luôn luôn đề phòng sự phát sinh của tình trạng ấy.
Vua nước Tống sở dĩ thiếu minh mẫn bắt nguồn từ sự thiên vị Thái sư Bàng Hồng, mà Bàng Hồng sở dĩ có thế lực trong triều là nhờ ở Bàng Quý phi là một người có sắc đẹp lại được vua nuông chiều.
Thế lực của đàn bà khi đã xâm nhập vào cung vua thì trở thành một sức mạnh không thể xem thường được.Sức mạnh đàn bà dựa vào sắc đẹp, mà sắc đẹp lại dựa vào những kẻ có quyền lực ham mê đó. Kẻ có quyền lực đã ham mê sắc đẹp thì sắc đẹp trở thành vũ khí khống chế mọi lúc, mọi nơi, làm cho kẻ có quyền lực không còn minh mẫn, không còn đủ sức mạnh để tự chủ lấy mình nữa.
Lời xưa nói:
“ Một mai nghiêng nước nghiêng thành.
Sắc đành đòi một tài đành đòi hai".
Vạn Huê Lầu Diễn Nghĩa Vạn Huê Lầu Diễn Nghĩa - Khuyết Danh