Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
[2]
ắn đi ra cửa và tiếp cả thế giới trong bộ đồ của Adam. Có lẽ phải tổng thống đến gõ cửa hắn mới thèm để ý. “Sal!” hắn ngạc nhiên thực sự. “Tôi không ngờ ông lại làm thế thật. Cuối cùng ông cũng đến với tôi.”
“Ừ,” tôi nói, “trong tôi mọi thứ đều đổ vỡ hết rồi. Còn ông thì sao?”
“Không tốt lắm, không tốt lắm. Nhưng ta có hàng triệu điều cần nói với nhau. Sal, cuối cùng đã đến lúc ta chuyện trò cùng nhau, đến lúc bàn đến điều đó. “Chúng tôi nhất trí là đã đến lúc ấy rồi và đi vào trong nhà. Việc tôi tới đây như sự xuất hiện của một bóng ma độc ác trong nhà một đám cừu trắng như tuyết. Chúng tôi nghe thấy tiếng nức nở ở tầng trên, trong lúc Dean và tôi đang sôi nổi chuyện trò ở trong bếp. Tôi nói câu gì, Dean cũng “Đúng!” một cách điên rồ, thì thào, run rẩy. Camille đã biết chuyện gì sắp xảy ra. Dean xem ra đã cơm lành canh ngọt được vài tháng, giờ thì bóng ma ấy đã quay lại và hắn lại sắp lên cơn điên. “Cô ấy làm sao thế nhỉ?” tôi hỏi nhỏ.
Hắn nói, “Cô ấy mỗi ngày một tệ thêm, trời ạ, cứ khóc lóc la hét ầm nhà, không cho tôi đi lại với Slim Gaillard, phát điên lên mỗi khi tôi về muộn, thế rồi khi tôi nằm nhà, cô ấy lại không nói câu nào với tôi ngoài bảo tôi là thằng súc sinh.” Hắn chạy lên gác để dỗ nàng. Tôi nghe thấy tiếng Camille gào lên, “Anh là đồ nói dối, nói dối, nói dối!” Tôi nhân cơ hội này đi thăm thú ngôi nhà tuyệt vời của họ. Một căn nhà gỗ hai tầng, cũ kỹ, ọp ẹp nằm giữa một khu đất trên đỉnh Đồi Nga nhìn xuống vịnh; nhà gồm bốn phòng, ba ở tầng trên, tầng dưới là một gian bếp rất rộng. Cửa ra vào dưới bếp thông ra một cái sân cỏ mọc um tùm, có dây phơi quần áo. Đằng sau bếp là nhà kho nơi vẫn giữ đôi giày cũ bám đến hai phân rưỡi bùn Texas của Dean từ cái đêm chiếc Hudson bị sa lầy ở sông Brazos. Tất nhiên cái Hudson đã bay đi từ lâu rồi, Dean không đủ tiền trả góp tiếp. Giờ thì hắn chẳng còn cái ô tô nào nữa. Đứa con thứ hai của họ hoàn toàn do chẳng may. Nghe tiếng Camille nức nở thật khủng khiếp. Chúng tôi chịu không thấu nên phải ra ngoài mua bia đem vào bếp uống. Cuối cùng, Camille mệt quá nên đi ngủ, hoặc có thể nàng vẫn thức cả đêm thẫn thờ nhìn vào bóng tối. Tôi thật không hiểu đã xảy ra chuyện gì, ngoài việc đích thị Dean đã làm nàng phát điên.
Sau chuyến tôi vừa đi khỏi Frisco lần trước, hắn đâm ra càng mê Marylou tợn và hàng tháng trời cứ đến rình mò trước cửa nhà nàng ở Divisadero. Mỗi đêm nàng tiếp một thủy thủ khác nhau, hắn nhìn trộm qua khe bỏ thư, có thể thấy rõ giường nàng. Ở đó hắn đã chứng kiến nàng ngả ngớn với một thằng nhóc. Hắn theo dõi nàng khắp thành phố. Hắn muốn có những bằng chứng tuyệt đối về việc nàng chỉ là một con điếm. Hắn yêu nàng thật lòng, hắn điên lên vì nàng. Cuối cùng, hắn dính vào một loại hàng xanh tồi tệ, đó là cách người ta gọi thứ đó khi mua bán - hàng xanh, cần sa tươi - hoàn toàn tình cờ và đã hút quá nhiều.
Hắn nói, “Ngày đầu tiên, tôi cứ nằm cứng đơ như một khúc gỗ ở trên giường, không động đậy được, không cả nói được; cứ nhìn thẳng trước mặt, hai mắt mở thao láo. Tôi thấy đầu kêu o o, nhìn thấy mọi ảo ảnh huy hoàng sặc sỡ và thấy trong người rất dễ chịu. Ngày thứ hai, mọi thứ đã đến với tôi, MỌI THỨ tôi từng làm, từng biết, từng nghe, từng ước đoán đều hiển hiện ra rõ ràng ở trong đầu, theo một trình tự logic hoàn toàn mới mẻ, và cũng bởi tôi không thể nghĩ về điều gì khác khi ấy, trong nỗi lo nội tại làm sao để nắm giữ và nuôi dưỡng khoảnh khắc đó cho đến khi cảm thấy tột độ ngạc nhiên và biết ơn ngây ngất, tôi chỉ biết luôn miệng nói, ‘Đúng, đúng, đúng, đúng.’ Không nói to. Chỉ ‘đúng’ rất khẽ một mình. Những ảo ảnh xanh nọ kéo dài sang tận ngày thứ ba. Cuối cùng, mọi thứ đều trở nên sáng tỏ, cả cuộc đời tôi đã được quyết định. Tôi biết tôi yêu Marylou. Tôi biết là phải tìm bằng được ông bố, dù ông ấy ở đâu và cứu lấy ông, tôi biết ông là chiến hữu của tôi và mọi thứ, tôi biết Carlo thật là vĩ đại. Tôi biết một ngàn chuyện về mỗi người dù cho người ấy ở đâu. Sang ngày thứ ba, tôi bắt đầu gặp ác mộng mộng du, chúng cực kỳ kinh khủng, rùng rợn, ma quái đến mức tôi chỉ biết nằm đó gập đôi người lại, tay ôm chặt đầu gối, rên rỉ, ‘Ôi, ôi, ôi, ôi, ôi, ôi’. Hàng xóm nghe thấy liền gọi bác sĩ. Camille xách con về thăm họ hàng. Cả khu nhà tôi phát hoảng. Họ xô vào nhà và nhìn thấy tôi đang nằm chết dí trên giường, hai tay dang ra. Sal ạ, tôi chơi một ít trà rồi tìm đến chỗ Marylou. Và ông biết không, chuyện y hệt lại diễn ra. Cũng những ảo ảnh ấy, cũng cái logic ấy, cũng quyết định cuối cùng về mọi chuyện ấy, sự am tường chân lý tụ lại thành một khối, đẩy nàng vào những cơn ác mộng và sự đau khổ... Ôi! Thế là tôi đã hiểu ra, tôi yêu nàng đến mức muốn giết chết nàng. Tôi chạy về nhà đập đầu vào tường. Tôi chạy đến chỗ Ed Dunkel, hắn đã quay về Frisco cùng với Galatea; tôi đến hỏi thăm hắn về một gã mà chúng tôi đều biết là có một khẩu súng, tôi đến gặp gã, tôi lấy súng, tôi chạy đến nhà Marylou, tôi nhìn qua chỗ bỏ thư, nàng đang ngủ với một gã, tôi rút lui. Ngập ngừng mãi, một tiếng sau lại quay lại, phá cửa nhảy vào, nàng chỉ có một mình... tôi bèn đưa súng cho nàng, bảo nàng hãy bắn chết tôi đi. Nàng cầm súng trên tay rất lâu. Tôi xin nàng một cái chết êm ái. Nhưng nàng không muốn vậy. Tôi nói, một trong hai chúng ta phải chết. Nàng nói, không. Tôi lại đập đầu vào tường. Trời ơi, tôi mất trí rồi. Nàng sẽ kể ông nghe chuyện này, cuối cùng, nàng đã thuyết phục được tôi.”
“Thế sau đó thì sao?”
“Cách đây nhiều tháng rồi, sau khi ông đi, cuối cùng nàng đi lấy một thằng cha buôn ô tô cũ, một gã cô hồn thề là sẽ giết tôi nếu gặp. Nếu cần thì tôi phải bảo vệ đời mình, giết hắn rồi đến San Quentin *nằm tại đó suốt đời... Với tôi, thế là hết rồi. Tay tôi hỏng rồi và thế là hết.” Hắn chìa bàn tay ra cho tôi xem. Tôi không để ý trước, rằng hắn đã bị một tai nạn ghê gớm ở tay. “Tôi đấm vào mắt Marylou ngày hai mươi sáu tháng Hai vào lúc sáu giờ chiều - đúng ra là vào lúc sáu giờ mười, bởi vì tôi còn nhớ là phải đáp chuyến tàu hàng sau đó đúng một tiếng hai mươi phút - lần cuối cùng bọn tôi gặp nhau và lần cuối cùng bọn tôi quyết định mọi chuyện. Bây giờ thì hãy nghe đây: ngón tay cái của tôi chạm nhẹ vào lông mày nàng, không có vệt tím bầm và nàng còn bật cười, nhưng ngón tay cái của mình lớ ngớ thế nào lại bị gãy và tay bác sĩ lang bâm đã nối lại chỗ gãy bằng ba lần bó bột liên tục, vị chi là mình phải mất đi đúng hai mươi ba tiếng đồng hồ tê đít chờ trên các ghế băng cứng đơ, vân vân và vân vân, đến lần bó bột cuối cùng mình còn bị một mẩu ghim xuyên qua rồi mắc kẹt ở đầu ngón tay cái gãy đó, nên đến tháng Tư, khi tháo bột thì cái ghim han gỉ đã nhiễm vào xương, tôi bị viêm tủy xương đến giai đoạn mãn tính, và sau một cuộc phẫu thuật thất bại cộng thêm một tháng bó bột, kết quả là tôi vẫn phải cắt bỏ một phần ngón tay cái.”
Hắn tháo băng ra và chìa tay cho tôi xem. Dưới móng hụt hẳn đi phần thịt khoảng nửa inch.
“Tình hình cứ ngày một tồi tệ hơn. Tôi phải nuôi cả Camille lẫn Amy nên phải làm việc cật lực ở Firestone, lắp lốp xe rồi khênh những cái lốp nặng muốn sụm lưng từ sàn lên trần toa - chỉ sử dụng được một tay, nhưng thỉnh thoảng vẫn đụng phải bàn tay hư, đau nhói, lại làm gãy, lại bó bột, lại nhiễm trùng, lại sưng phồng lên. Nên giờ tôi phải trông con cho Camille đi làm. Ông thấy không? Điên thật, tôi - thằng Moriarty nhất hạng, luôn săn lùng niềm vui giờ chổng mông chờ vợ hàng ngày tiêm penicillin cho ngón tay cái, đau chết người, vì hắn bị dị ứng. Hàng tháng hắn phải xài tới sáu mươi ngàn đơn vị cái món nước ngọt của lão Fleming này. Tháng này, cứ mỗi giờ hắn phải uống một viên thuốc để chiến đấu với chứng dị ứng chính món thuốc đó. Hắn phải uống codein aspirin để giảm đau ngón cái. Hắn phải phẫu thuật chân vì một cái nhọt. Thứ Hai tới hắn phải thức dậy lúc sáu giờ sáng mà đánh răng. Hắn phải đi bác sĩ hai lần một tuần. Đêm nào hắn cũng phải uống xi rô ho. Hắn phải xì mũi, khụt khịt liên tục mới thở được, mũi hắn đã yếu đi sau một cuộc phẫu thuật thất bại mấy năm trước, rồi hỏng hẳn, không tránh được. Hắn mất ngón cái của bàn tay ném bóng. Hắn, thằng ném bóng xa nhất và mạnh nhất trong lịch sử trại cải tạo bang New Mexico ngày xưa... Thế mà... thế mà tôi chưa bao giờ thấy tốt hơn, thấy hài lòng với cuộc đời, được nhìn thấy lũ trẻ xinh xắn chơi đùa trong nắng và tôi rất mừng được gặp ông, Sal, chiến hữu tuyệt hảo của tôi, tôi biết chứ, biết là mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Đến mai ông sẽ gặp con bé, đứa con gái xinh xắn đáng yêu kinh khủng của tôi, nó đã tự đứng được khoảng ba mươi giây rồi. Nó nặng mười cân, cao gần bảy mươi tư phân. Tôi vừa được biết rằng, nó có ba-mươi-mốt-phẩy-hai-mươi-lăm-phần-trăm máu Ăng lê, hai-mươi-bảy-phẩy-năm-phần-trăm máu Alien, hai-mươi-lăm-phần-trăm máu Đức, tám-phẩy-bảy-mươi-lăm-phần-trăm máu Hà Lan, bảy phẩy năm phần trăm máu Êcốt, một trăm phần trăm tuyệt vời.” Hắn thân ái khen ngợi cuốn sách tôi mới hoàn thành và được nhà xuất bản đồng ý cho in. “Chúng ta hiểu đời, Sal, cả hai ta đều đang già đi, từng chút một, và ta đang đến chỗ nhận biết được mọi thứ. Những gì ông đã kể về đời ông, tôi hiểu rất rõ, tôi vẫn luôn nghiên cứu cảm xúc của ông và giờ thì quả là ông đã đủ chín chắn để cặp với một cô gái thực sự diễm lệ nếu ông có thể tìm được cô nàng, dạy dỗ nàng, để tâm trí nàng trở thành tâm hồn ông, như tôi đã khổ công với mấy con mụ chết giẫm của mình. Cứt, cục cứt, cứt!” hắn lại gào lên.
Ngay sáng hôm ấy, Camille tống cổ cả hai chúng tôi ra khỏi nhà, kèm theo hành lý và mọi thứ. Mọi chuyện bắt đầu khi chúng tôi phôn cho Roy Johnson, thằng bạn già Roy ở Denver, rủ hắn đến làm chầu bia, trong khi Dean bận trông con nhỏ, rửa bát đĩa và giặt giũ quần áo ở ngoài sân nhưng vì quá phấn khích trước vụ bia bọt nên chỉ quấy quá cho qua. Johnson đồng ý đưa chúng tôi đến Mill City gặp Remi Boncoeur. Camille từ một phòng khám nơi nàng làm việc trở về, nhìn chúng tôi bằng cặp mắt buồn của người đàn bà bị người khác quấy rầy cuộc sống. Tôi cố chứng minh cho người phụ nữ bị ám ảnh này hiểu rằng tôi không định phá hoại cuộc sống gia đình nàng bằng cách chào nàng và nói chuyện thân mật nhất có thể. Nhưng nàng biết đó chỉ là bài của tôi và có thể do chính Dean dạy, nên chỉ đáp lại bằng một nụ cười miễn cưỡng. Sáng hôm ấy diễn ra một cảnh tượng khủng khiếp: nàng cứ nằm trên giường mà nức nở còn tôi thì đột nhiên cần vào nhà tắm, và muốn như vậy thì bắt buộc phải đi qua phòng nàng. “Dean, Dean,” tôi gọi ầm lên. “Quán rượu gần nhất ở đâu?”
“Quán rượu à?” Hắn ngạc nhiên. Hắn đang rửa tay trong bếp dưới nhà. Hắn tưởng tôi muốn đi uống. Tôi nói ra tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình và hắn nói, “Cứ vào mà dùng, cô ấy bao giờ cũng cứ vậy thôi.” Không, tôi làm thế sao được. Tôi chạy vội ra đường tìm một quán rượu, đi tới đi lui suốt bốn khối nhà khu Đồi Nga và chỉ thấy những hiệu giặt tự động, hàng bán máy hút bụi, tiệm soda, tiệm sửa sắc đẹp. Tôi đành quay về nhà. Họ đang hét vào mặt nhau khi tôi bước vào, cố nặn ra một nụ cười nhợt nhạt rồi chui tọt vào buồng tắm. Lát sau, Camille vứt hết đồ của Dean xuống sàn phòng khách và bảo hắn cuốn gói. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy một tấm chân dung sơn dầu vẽ Galatea Dunkel đặt trên sofa. Tôi bỗng hiểu những người đàn bà này đã cùng nhau trải qua những ngày tháng cô đơn và yếu đuối, bàn tán với nhau về sự điên rồ của đàn ông. Tôi nghe thấy những tiếng cười như điên của Dean vang khắp nhà, kèm theo tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé. Rồi tôi nhìn thấy hắn lướt quanh nhà kiểu Groucho Marx, giơ cao cái ngón tay gãy bó băng trắng bốp lên cao như ngọn hải đăng bất động giữa cuồng nộ sóng gió. Một lần nữa tồi lại nhìn thấy cái hòm thảm hại cũ nát đầy những tất rách và đồ lót bẩn của hắn. Hắn cúi xuống đấy, quẳng mọi thứ tìm được vào. Rồi lấy va li ra, cái va li thảm hại nhất Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nó làm bằng giấy bồi với những hình họa trên mặt để giả da, có một cái gì đấy như cái khóa gắn vào. Nắp va li rách toạc, Dean phải lấy dây thừng buộc túm lại. Rồi hắn vớ lấy cái túi to bằng vải bạt nhét đồ vào. Tôi cũng cầm lấy cái túi thổ tả của mình trong lúc Camille nằm trên giường vẫn lảm nhảm, “Đồ nói dối, nói dối, nói dối!” Chúng tôi nhảy ra khỏi nhà, ì ạch đi đến chỗ tàu điện gần nhất - lù lù một đống người và hành lý cùng cái ngón tay to tướng cuốn băng ấy cứ dựng đứng lên trời.
Ngón tay cái này trở thành biểu tượng của Dean vào thời kỳ cuối này. Hắn chẳng còn bận tâm đến điều gì hết (cũng như trước kia) nhưng giờ đây hắn lại quan tâm đến mọi thứ theo nguyên tắc; nghĩa là mọi thứ trên đời với hắn đều như nhau cả, hắn thuộc về cuộc đời và chả làm gì được để thay đổi điều đó. Hắn giữ tôi lại giữa phố.
“Ông này, giờ thì tôi biết là ông đang cáu, ông vừa chân ướt chân ráo đến đây và người ta đã tống chúng ta ra khỏi cửa ngay từ ngày đầu tiên. Ông tự hỏi mình đã làm gì để đến nỗi này, vân vân - cùng với đống đồ kinh khủng này - hi-hi-hi! - nhưng nhìn tôi này, đi, tôi van ông đấy, Sal, nhìn tôi đi.”
Tôi nhìn hắn. Áo phông cộc tay, quần rách và tụt xuống đến dưới bụng, giày tơi tả, râu không cạo, tóc tai bù xù, mắt đỏ vằn, ngón tay cái to tướng băng bó kỳ dị được giữ yên giữa không trung ngang tầm ngực (hắn phải giữ ngón tay như thế), trên mặt là nụ cười ngớ ngẩn nhất tôi từng thấy. Hắn cứ đi thành vòng tròn, vấp ngã, con mắt láo liên.
“Con ngươi tôi nhìn thấy gì nhỉ? A - một bầu trời xanh. Chiến hữu lâu năm!” Hắn đu đưa người và chớp mắt. Hắn dụi mắt. “Thế còn những khung cửa sổ - đã bao giờ ông ngắm những khung cửa sổ chưa? Giờ hãy nói về những khung cửa sổ đi. Tôi từng nhìn thấy những cửa sổ kỳ quặc hết sức, chúng biết nhăn mặt với tôi, và mấy cái còn biết nheo mắt khi buồn.” Hắn móc trong cái túi bạt ra cuốn Bí ẩn thành Paris của Eugène Sue, sửa sang lại cái áo phông và bắt đầu làm ra vẻ mô phạm đọc sách ngay trên góc phố. “Giờ thì ta phải khám phá mọi thứ ngoài đường phố, Sal ạ...” Rồi hắn chợt quên phắt điều đó và thẫn thờ nhìn quanh. Tôi thấy mừng vì đã đến đây, giờ hắn thấy cần tôi.
“Sao Camille lại đuổi ông ra khỏi nhà? Ông định thế nào?”
“Hả?” Hắn nói. “Hả? Hả?” Chúng tôi phải xới tung đầu óc lên để biết được sẽ đi đâu và làm gì. Tôi hiểu là chuyện đó giờ lại phụ thuộc vào tôi. Dean tội nghiệp, tội nghiệp - hắn chưa từng xuống dốc đến thế; dở người, có một ngón tay cái nhiễm trùng, giữa đống hành lý hạng bét của cuộc đời côi cút, vật vờ từ đầu này sang đầu kia nước Mỹ đến ngàn lần, một chú chim lạc bầy. “Ta sẽ đi bộ đến New York,” hắn nói, “và nhòm ngó mọi thứ diễn ra ở dọc đường - chính thế.” Tôi móc tiền ra, đếm lại, chìa ra cho hắn thấy.
“Tôi có ở đây,” tôi nói, “tổng cộng là tám mươi ba đô và mấy đồng lẻ. Nếu ông muốn đi cùng tôi thì ta sẽ đến New York, sau đó là Ý.”
“Ý?” Mắt hắn sáng rực. “Ý, đúng thế - nhưng đi như thế nào đây, anh bạn?”
Tôi trầm ngâm. “Tôi sẽ kiếm tiền, tôi sẽ có một ngàn đô nhờ xuất bản cuốn sách. Ta sẽ thưởng thức tất cả đám phụ nữ cuồng nhiệt ở Rome, ở Paris, ở tất cả những chỗ đó; sẽ ngồi cà phê vỉa hè; sẽ ngủ trong các nhà chứa. Sao lại không đi Ý chứ?”
“Tại sao?” Dean nói rồi chợt nhận ra tôi đang nghiêm chỉnh, hắn liếc nhìn tôi qua khóe mắt, bởi trước nay tôi chưa hề khẳng định điều gì mà không quan tâm tới sự tồn tại phiền toái của hắn, và cái nhìn này là cái nhìn của một người đang tính toán may rủi vào phút chót trước khi cá cược. Ánh mắt hắn có cái gì đó vừa đắc thắng vừa ngạo mạn, một ánh mắt chẳng lấy gì làm tốt đẹp cứ chĩa mãi vào tôi. Tôi nhìn lại hắn, đỏ mặt lên.
Tôi nói, “Sao vậy?” Tôi thấy rất thảm hại khi hỏi câu đó. Hắn không đáp mà tiếp tục nhìn tôi, vẫn bằng cái liếc mắt ngạo mạn cảnh giác ấy.
Tôi cố nhớ lại mọi việc hắn từng làm trong đời xem thử trong dĩ vãng đã có chuyện gì khiến hắn phải ngờ vực thời hiện tại. Tôi nhắc lại một cách cương quyết và dứt khoát, “Hãy đi New York với tôi, tôi có tiền đây.” Tôi nhìn hắn, mắt ướt nhòe vì bối rối và vì nước mắt. Hắn vẫn nhìn tôi chằm chặp. Giờ thì cặp mắt ấy như vô hồn và nhìn thấu tôi. Có lẽ đó là giờ phút quan trọng nhất trong tình bạn chúng tôi khi hắn hiểu rằng tôi thực sự đã dành ra nhiều giờ nghĩ đến hắn, đến những bất hạnh của đời hắn, và cố xếp điều đó vào cùng chỗ với những thứ thuộc tinh thần vô cùng phức tạp và đau khổ của hắn. Có cái gì đó đang nảy ra trong chúng tôi. Với tôi đó là một nỗi lo lắng bất chợt cho con người kém tôi những năm tuổi này, người mà số phận đã gắn bó với số phận tôi suốt mấy năm gần đây. Với hắn tôi chỉ có thể xác định được qua những gì hắn làm sau này. Hắn trở nên hết sức vui vẻ và tuyên bố là mọi việc đã xong. “Ánh mắt của ông nghĩa là sao?” tôi hỏi. Hắn buồn khi thấy tôi nói vậy. Hắn nhíu mày. Thảng hoặc lâu lắm mới thấy Dean nhíu mày. Có điều gì đó khiến cả hai chúng tôi bỗng thấy khó hiểu, bất an. Chúng tôi đang đứng trên đỉnh đồi vào một ngày nắng đẹp trời ở San Francisco, bóng đổ xuống vỉa hè. Từ căn hộ cạnh nhà Camille thấy đi ra mười một người Hy Lạp, cả đàn ông lẫn đàn bà, họ xếp hàng trên vỉa hè đầy nắng, trong khi ở bên kia con phố hẹp một người cầm máy ảnh đang đứng quay mặt lại phía họ và mỉm cười. Chúng tôi cứ há hốc mồm ra mà nhìn những con người cổ lỗ ấy làm lễ cưới cho một trong số các cô con gái của họ, có thể là người con thứ một ngàn của một thế hệ không hề bị tổn thương luôn tươi cười dưới nắng. Họ ăn mặc rất đẹp và trông thật lạ kỳ. Với Dean và tôi, thì điều này đáng giá một chuyến đi sang Cyprus. Từng đàn hải âu bay lượn trên đầu chúng tôi giữa bầu trời sáng trưng.
“Thế nào, ta đi chứ?” Dean nói bằng một giọng ngượng nghịu và dịu dàng.
“Ừ,” tôi nói. “Ta sẽ đi Ý.” Thế là chúng tôi vơ lấy đống hành lý, hắn nhấc va li lên bằng bàn tay lành lặn, còn bao nhiêu tôi xách hết, rồi hai thằng lảo đảo ra bến xe điện; chỉ lát sau chúng tôi đã xuống đồi, bước đi xiêu vẹo ra lề đường. Chúng tôi, hai người hùng thất trận của đêm miền Tây.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường