Nhím Thanh Lịch epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5: Một Ấn Tượng Dễ Chịu
hưng Manuela không cảm nhận được bước chân của phụ nữ Nhật, nên đã lướt đến những vùng đất mới.
- Bà Rosen làm to chuyện vì không có được hai cái đèn giống nhau, - cô ấy nói.
- Thật thế sao? - tôi ngơ ngác hỏi.
- Vâng, đúng thế, - Manuela đáp. - Vì sao à? Ở nhà Rosen, thứ gì cũng có hai cái, vì họ sợ thiếu. Chị có biết câu chuyện yêu thích của bà ấy không?
- Không, - tôi nói và đã bị câu chuyện lôi cuốn.
- Trong chiến tranh, ông của bà ấy dự trữ đủ thứ trong hầm và đã cứu cả gia đình bằng cách giúp đỡ một tên lính Đức đang tìm cuộn chỉ để khâu lại cúc trên quân phục của hắn. Nếu không có cuộn chỉ thì ôi thôi, mọi thứ đi tong. Chị tin hay không tin cũng được, trong các tủ và trong tầng hầm của bà ấy, thứ gì cũng có hai cái. Như thế bà ấy có sung sướng hơn không? Và liệu người ta có nhìn rõ hơn vì trong phòng có hai cái đèn giống nhau không?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này, - tôi nói. - Đúng là chúng ta trang trí nội thất nhà mình quá rườm rà.
- Quá là thế nào? - Manuela hỏi.
- Quá nhiều thứ trùng lặp, giống như ở nhà Arthens. Hai cái đèn và hai cái bình giống nhau trên lò sưởi, hai cái ghế bành giống hệt nhau ở hai bên ghế dài, hai cái tủ đầu giường giống nhau, hàng loạt lọ tương tự như nhau trong bếp...
- Bây giờ, khi chị làm tôi nghĩ đến chuyện này, thì đúng không chỉ là chuyện về đèn đóm, - Manuela nói tiếp. - Thật ra, không hề có hai thứ gì giống nhau trong nhà ông Ozu. Vâng, tôi phải nói như thế, vì điều này đem lại một ấn tượng dễ chịu.
- Dễ chịu như thế nào?
Manuela ngẫm nghĩ một lát, trán nhăn lại.
- Dễ chịu như sau ngày lễ hội, lúc tất cả mọi người đi hết. Chồng tôi và tôi đi vào bếp, tôi nấu món canh rau tươi, tôi thái nấm tươi rất mỏng, và chúng tôi ăn món canh có cả nấm. Chúng tôi có cảm tưởng như vừa thoát khỏi một cơn bão và cuộc sống bình yên trở lại.
- Chúng ta không sợ thiếu nữa. Chúng ta sung sướng với thời điểm hiện tại.
- Chúng ta cảm thấy ăn là việc rất tự nhiên, đương nhiên như thế.
- Chúng ta có thể tận dụng cái mà mình không có, không có gì khác cạnh tranh. Hết cảm giác này đến cảm giác khác.
- Vâng, chúng ta có ít hơn nhưng chúng ta tận dụng được nhiều hơn.
- Ai có thể ăn nhiều thứ cùng một lúc?
- Ngay cả ông Arthens đáng thương cũng không.
- Tôi có hai cái đèn tương tự như nhau đặt trên hai cái tủ đầu giường giống hệt nhau, - tôi nói khi bỗng nhiên nhớ đến sự việc.
- Tôi cũng thế, - Manuela nói.
Cô ấy gật gật đầu.
- Có lẽ chúng ta bị bệnh rồi, vì có quá nhiều.
Manuela đứng dậy, ôm hôn tôi và quay trở lại nhà Pallìeres tiếp tục công việc nô lệ hiện đại của mình. Sau khi cô ấy đi, tôi vẫn ngồi trước chén trà đã uống hết. Còn lại một món tráng miệng, vốn tính háu ăn, tôi gặm nhấm nó bằng răng cửa, như một con chuột. Thay đổi cách ăn cắn sâu vào trong, cũng giống như thưởng thức một món ăn mới.
Và tôi trầm tư tận hưởng cuộc chuyện trò không đúng lúc này. Bạn đã bao giờ biết chuyện bà giúp việc và bà gác cổng cùng bàn luận thân mật trong giờ nghỉ về ý nghĩa văn hóa của trang trí nội thất chưa? Bạn sẽ bất ngờ về câu chuyện của những kẻ nghèo hèn. Họ thích các câu chuyện hơn học thuyết, thích các giai thoại hơn khái niệm, thích hình ảnh hơn các ý niệm. Điều đó không hề ngăn cản họ bàn về triết học. Như vậy, có phải chúng ta là những nền văn minh bị sự trống rỗng gặm nhấm đến mức chúng ta chỉ sống trong nỗi lo thiếu thốn? Có phải chúng ta chỉ hưởng thụ tài sản và cảm giác của mình khi được đảm bảo rằng sẽ được hưởng thụ nhiều hơn nữa? Có lẽ người Nhật biết rằng người ta thưởng thức một thú vui chỉ vì biết rằng nó phù du và duy nhất, và trên cả hiểu biết đó, họ đủ khả năng dùng nó để dệt nên cuộc sống của mình.
Mệt mỏi. Khi sự lặp lại buồn tẻ và vĩnh viễn lại một lần nữa kéo tôi ra khỏi suy ngẫm của mình - một ngày nào đó sự đều đều tẻ nhạt sẽ sinh ra phiền muộn -, thì có người bấm chuông phòng tôi.
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch