Ngày Đầu Tiên epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Hydra
hật may dì con đã sang tiệm thực phẩm khô gọi nhờ điện thoại để báo mẹ biết là con vừa cập cảng. Con muốn mẹ ngưng tim hay sao?
Đó là những lời đầu tiên của mẹ khi tôi bước vào nhà. Đó là cách chào đón tôi của riêng bà, và cũng là cách trách cứ tôi về những tháng dài đằng đẵng vắng nhà.
- Mắt dì con còn tinh lắm, mẹ không chắc sẽ nhận ra được con nếu tình cờ gặp trên phố! Đứng ra chỗ sáng để mẹ ngắm con nào. Trông con gầy đi và sắc mặt xấu quá.
Tôi vẫn chờ thêm hai hay ba lời nhận xét nữa trước khi mẹ dang rộng vòng tay ôm tôi vào lòng.
- Hành lý của con có vẻ không nặng, mẹ đoán là con chỉ ở lại chừng vài ngày?
Khi tôi thổ lộ mong muốn được lưu lại trên đảo nhiều tuần, mẹ tôi cuối cùng cũng thư thái trở lại và âu yếm ôm hôn tôi. Tôi nói bà không hề thay đổi chút nào, bà vỗ nhẹ vào má tôi, bảo tôi chỉ giỏi khoác lác, nhưng vẫn nhận lời khen. Rồi bà hối hả vào bếp, điểm lại xem còn bao nhiêu bột, đường, sữa, trắng, thịt và rau.
- Con có thể biết là mẹ đang làm gì được không? Tôi hỏi.
- Cứ hình dung là mẹ có một cậu con trai vừa đến thăm mà không báo trước, sau hơn hai năm biệt tích, vì cậu con trai đó đã khéo xoay xở để xuất hiện vào cuối ngày, mẹ chỉ còn chưa đầy tiếng đồng hồ để chuẩn bị một bữa tiệc.
- Con chỉ muốn ăn tối cùng mẹ thôi, để con đưa mẹ ra cảng dùng bữa.
- Còn mẹ muốn trẻ lại ba chục tuổi và không bao giờ bị làm phiền bởi chứng viên khớp!
Mẹ bẻ đôm đốp các ngón tay rồi đưa ra phía sau để xoa lưng.
- Con thấy đấy, lưng mẹ không ổn, mẹ quyết định là hôm nay ước nguyện của chúng ta sẽ không được thực hiện. Vậy thì mẹ con ta sẽ tổ chức một bữa tiệc xứng danh tiếng của gia đình này nhé; nếu con nghĩ không ai biết con đã có mặt trên đảo này!
Như thường lệ, cố gắng thuyết phục mẹ cũng vô ích. Lẽ ra dân làng nên hiểu rằng chỉ cần hai mẹ con tôi ăn tối cùng nhau, nhưng đối với mẹ, việc ăn mừng tôi về thăm rất quan trọng, và tôi không dành lòng tước đoạt của mẹ niềm vui thích ấy.
Hàng xóm mang rượu vang, phô mai và ôliu tới, phụ nữ lo bày biện bàn ăn, cánh đàn ông chỉnh lại dây nhạc cụ. Chúng tôi uống rượu, nhảy múa và hát hò cho tới tận khuya và tôi đã nói chuyện riêng với dì để cảm ơn bà vì đã không kín tiếng. Bà thề là không hiểu tôi đang nhắc tới chuyện gì.
Ngày hôm sau khi tỉnh giấc, tôi thấy rõ là mẹ đã dậy được một lúc lâu. Mọi thứ đã được sắp xếp gọn gàng và ngôi nhà tìm lại được dáng vẻ thường ngày của nó.
- Con định làm gì ở đây trong nhiều tuần liền? mẹ hỏi khi mang ra cho tôi một tách cà phê.
Tôi bắt mẹ ngồi xuống bên mình.
- Không phục vụ con từ sáng đến tối sẽ là một khởi đầu tốt đẹp mẹ ạ. Con về đây để chăm sóc mẹ chứ không phải ngược lại.
- Con chăm sóc mẹ ấy à? Việc to tát nhỉ! Đã bao năm nay mẹ quen tự chăm sóc bản thân rồi; ngoại trừ dì Elena sang phơi quần áo vải vóc, mà mẹ cũng ra cửa hàng giúp lại dì ấy, mẹ chẳng cần đến ai cả.
Không có dì Elena, mẹ tôi sẽ cảm thấy cô đơn hơn nhiều. Và trong khi dùng bữa sáng, tôi nghe thấy tiếng mẹ đang dỡ hành lý của tôi ra và cất quần áo đồ dùng vào tủ.
- Mẹ nhìn thấy con đang nhún vai đấy nhé! Bà đứng bên cửa sổ phòng tôi nói vọng ra.
Tôi dành ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ để đi thăm thú lại cảnh vật trên đảo. Chú lừa của lão Kalibanos dẫn tôi theo những lối mòn trải dài. Tôi dừng chân trước một vũng khuất, tranh thủ lúc vắng vẻ để nhào lặn dưới đó rồi nhanh chóng lên bờ vì nhiễm cái lạnh như băng của nước biển. Tôi ăn trưa cùng mẹ và dì trên cảng rồi nghe hai người thay nhau kể chuyện gia đình, những kỷ niệm được kể đi kể lại không biết chán. Phải chăng cuộc đời sẽ đến một lúc khi hạnh phúc đã trôi qua và người ta không còn chờ đợi điều gì nữa? Phải chăng như thế gọi là già đi? Khi hôm nay chỉ nhắc lại chuyện hôm qua, khi hiện tại chỉ còn là một nét hoài niệm được giấu kỹ sau những tràng cười?
- Làm gì mà con nhìn chúng ta ghê vậy? dì tôi vừa hỏi vừa lau khô hai mắt.
- Không có gì ạ... Có phải khi con quay về Luân Đôn, hai người sẽ lại cùng nhau ăn trưa bên chiếc bàn này để nhắc đến bữa ăn ngày hôm nay như ôn lại một kỷ niệm đẹp?
- Dĩ nhiên! Tại sao con lại đặt ra một câu hỏi ngốc nghếch đến thế nhỉ? Dì Elena hỏi.
- Bởi vì con cũng đang tự hỏi tại sao hai người không tận hưởng cái ngày đẹp đẽ này thay vì chờ lúc con ra đi?
- Thằng con chị cớm nắng lâu quá rồi, dì Elena nói với mẹ tôi. Tôi không hiểu được lấy một từ trong những lời nó nói.
- Tôi thì có, mẹ nói và mỉm cười với tôi, và tôi tin là thằng bé không hề nhầm lẫn chút nào. Chúng ta hãy ngừng nhắc chuyện cũ và bàn về tương lai đi. Dì có kế hoạch nào chưa, Elena?
Dì tôi nhìn chúng tôi, hết mẹ lại sang con.
- Cuối tháng này tôi sẽ sơn lại cửa hàng, ngay trước khi vào mùa du lịch, dì thông báo với vẻ trịnh trọng. Màu xanh da trời bị nhạt đi nhiều rồi, hai người không thấy sao?
- Có chứ, tôi vừa nhủ như vậy xong, chắc là kế hoạch này sẽ khiến Adrianos thích mê đấy, mẹ nói thêm và quay sang nháy mắt với tôi.
Lần này, dì Elena tự hỏi liệu chúng tôi có đang chế giễu gì không, và tôi thề với dì là không hề có chuyện đó. Chúng tôi đã bàn về việc nên chọn màu xanh da trời nào cho mặt tiền cửa hàng của dì suốt hai tiếng đồng hồ. Mẹ tôi thậm chí còn đi dựng ông hàng sơn đang ngủ trưa dậy để tịch thu của ông một thang màu; và trong khi chúng tôi áp từng thang màu len tường để chọn ra màu thích hợp nhất, tôi thấy gương mặt mẹ tươi tắn trở lại.
Đã hai tuần trôi qua, chúng tôi sống thuận theo vầng mặt trời tôi đã thiếu thốn lâu đến thế, thuận theo cái nóng đang gia tăng từng ngày. Tháng Sáu chậm rãi lướt qua và chúng tôi chào đón những khách du lịch đầu tiên trong năm.
Tôi vẫn nhớ buổi sáng hôm đó, như thể chỉ vừa mới hôm qua, hôm đó là thứ Sáu. Mẹ bước vào căn phòng nơi tôi đang đọc sách, tận dụng bóng mát của những cánh cửa chớp che nắng nóng. Tôi phải đặt quyển sách đang dọc dở xuống vì mẹ đang đứng đó trước mặt tôi, tay khoanh trước ngực. Mẹ nhìn tôi đăm đắm mà không nói gì; với vẻ mặt khó hiểu, mỗi lúc một khó hiểu hơn.
- Có chuyện gì thế mẹ?
- Không có gì, bà đáp.
- Mẹ xuống dưới này chỉ để nhìn con đọc sách à?
- Mẹ mang khăn trải giường xuống thay cho con.
- Nhưng tay mẹ có cầm gì đâu!
- Chắc mẹ để quên đâu đó trên đường xuống đây rồi.
- Kìa mẹ?
- Adrian, con đeo những thứ vòng cổ này từ bao giờ vậy?
Khi mẹ gọi tôi là Adrian, nghĩa là đang có chuyện gì đó nghiêm trọng khiến bà lo lắng không yên.
- Đừng giả bộ không biết gì! Bà nói thêm.
- Con không hiểu mẹ đang nói về cái gì.
- Mẹ đang nói với con về thứ mẹ đã tìm thấy tỏng va li của con và cất vào ngăn kéo đó.
Tôi mở ngăn kéo ra và thấy chiếc mặt dây mà Keira đã bỏ quên tại Luân Đôn; tại sao tôi lại mang nó theo nhỉ? Chính tôi cũng không biết nữa.
- Chỉ là một món quà thôi mà mẹ!
- Bây giờ người ta lại còn tặng con vòng cổ cơ đấy? Và không phải bất cứ thứ vòng cổ gì nhé. Quà như thế này khá độc đáo. Ai mà hào phóng với con như vậy?
- Một cô bạn gái. Con đã đến đây được hai tuần, sao bỗng nhiên mẹ lại quan tâm đến chiếc dây đeo cổ này ạ?
- Trước tiên hãy kể cho mẹ nghe về cô bạn này đã, cô bạn chọn tặng đồ trang sức cho một người đàn ông, có lẽ mẹ sẽ thôi không quan tâm đến chiếc vòng cổ của con nữa.
- Đây không thực sự là một món quà, cô ấy đã bỏ quên ở nhà con.
- Vậy thì tại sao con lại nói đó là một món quà, nếu chỉ là một vật bỏ quên? Còn chuyện gì khác con quên nói với mẹ không?
- Nhưng mẹ ơi, mẹ muốn dẫn chuyện này đến đâu ạ?
- Con có thể giải thích cho mẹ ai là kẻ điên cuồng vừa mới xuống tàu du lịch Athene đã vội dạo một vòng các hàng quán trên cảng để hỏi thăm tin tức của con chứ?
- Kẻ điên cuồng nào ạ?
- Con định trả lời từng câu hỏi của mẹ bằng một câu hỏ khác sao? Nói cho cùng, làm vậy sẽ gây khó chịu đấy.
- Con không biết mẹ đang nói đến ai.
- Con không biết chiếc vòng cổ thuộc về ai, con không biết miêu tả cho mẹ nghe cô gái thoạt tiên tặng nó cho con, nhưng cuối cùng lại bỏ quên nó tại nhà con, và con cũng không biết cái gã thám tử Sherlock Holmes mặc quần soóc trên bến cảng là ai nốt, ai đang nốc đến vại bia thứ năm và hỏi tất cả những người qua đường không sót một ai xem họ có quen con không? Đây là lần thứ không biết bao nhiêu người ta gọi cho mẹ để kể lại chuyện này và con hãy hình dung rằng chính mẹ đây, mẹ cũng không biết phải nói sao nữa!
- Một gã Sherlock Holmes mặc quần soóc?
- Mặc quần soóc vải flanen, sơ mi cộc tay và mũ lưỡi trai kẻ carô, chỉ thiếu mỗi chiếc tẩu thuốc nữa thôi!
- Walter!
- Vậy ra con biết gã đó!
Tôi mặc áo sơ mi, vội vã ra bến cảng, cầu Trời phù hộ để chú lừa của tôi không gặm đứt cái dây thừng đang buộc nó vào thân cây trước nhà; con vật đã nhiễm cái thói tệ hại này từ đầu tuần, để đi dạo thỏa thích trong vườn nhà hàng xóm và tán tỉnh một cô lừa cái đang không có gì để làm với phần nhô ra của mình.
- Walter là một đồng nghiệp, con không hề biết là anh ấy lại định tới thăm mẹ con ta.
- Mẹ con ta ư? Chớ kéo mẹ vào chuyện này, xin con đấy, Adrian!
Tôi thực sự không hiểu gì về thái độ căng thẳng của mẹ tôi, người thường ngày vốn hiếu khách nhất trong giới nữ; cũng không hiểu cái phản ứng mẹ đang dành cho tôi, thế nên tôi khép cửa nhà lại: "Vợ cũ của tôi cũng là một nữ đồng nghiệp đấy!"
Đúng là Walter đã có mặt trên đảo cách đây một tiếng và hắn đang ngồi trong sân hiên của một nhà hàng kế bên tiệm của dì Elena.
- Adrian! Hắn gọi toáng lên khi nhìn thấy tôi.
- Anh làm gì ở đây hả Walter?
- Như tôi đã nói với bà chủ quán duyên dáng đây, vắng anh Học viện không còn ra Học viện nữa. Tôi nhớ anh quá đi mất, bạn thân mến!
- Anh đã nói với chủ quán này là anh nhớ tôi hả?
- Chính xác, và đó là sự thật trăm phần trăm.
Tôi bật cười. Tôi đã mắc sai lầm, vì Walter coi đó là dấu hiệu cho thấy tôi hài lòng khi nhìn thấy hắn tại đây, lại thêm năm hay sáu vại bia gì đó giúp sức, hắn đứng dậy để vòng tay ôm tôi. Tôi thấy qua vai hắn rõ ràng dì Elena đang bấm số gọi lại cho mẹ tôi.
- Walter, tôi không nghĩ lại gặp anh...
- Tôi cũng thế, tôi không nghĩ mình lại tìm tới đây. Trời thì mưa, mưa mãi, mưa không ngừng từ khi anh đi; tôi đã nếm đủ cảnh âm u rồi, vả lại tôi cần lời khuyên của anh, nhưng chúng ta sẽ nói chuyện này sau. Vậy nên, tôi tự nhủ: Tại sao không tới đây tận hưởng vài ngày nắng ấm? Tại sao luôn là những người khác ra đi mà không phải là tôi? Lần này, tôi lắng nghe bản thân, tôi bắt gặp quảng cáo khuyến mại dán trên cửa kính của một hãng lữ hành rồi tôi có mặt tại đây!
- Trong bao lâu?
- Khoảng một tuần, nhưng không có chuyện áp đặt tôi đâu, nói để anh yên tâm, tôi đã chuẩn bị đâu vào đấy rồi. Khuyến mãi bao gồm phòng nghỉ trong một khách sạn nhỏ xinh, đâu đó gần đây thôi, tôi cũng không rõ ở đâu nữa, hắn hổn hển kết luận rồi chìa cho tôi giấy chứng nhận đặt phòng.
Tôi đi cùng Walter qua các con phố nhỏ của thành phố cổ kính, thầm nguyền rủa cái bữa trưa khi tôi phạm lỗi bất cẩn là nói cho hắn biết tên hòn đảo nơi mình ẩn náu.
- Quê anh phong cảnh đẹp thật đấy, Adrian, đơn giản là tuyệt đẹp. Những bức tường trắng này, những cánh cửa nhỏ màu xanh da trời này, bờ biển này, ngay đến những con lừa cũng tuyệt vời!
- Lúc này đang giờ ngủ trưa, Walter, nếu anh không nhỏ giọng hơn một chút, những con phố nhỏ này sẽ ồn ĩ kinh khủng.
- Nhưng dĩ nhiên rồi, hắn đổi giọng thì thào, đồng ý.
- Và tôi có thể gợi ý để anh thay quần áo không?
Walter ngắm mình từ dưới lên trên, vẻ ngạc nhiên.
- Có gì không ổn sao?
- Đặt va li của anh xuống đây rồi lo việc đó cho xong nào.
Tôi không biết rằng trong khi tôi giúp Walter tìm ra một bộ trang phục kín đáo hơn tại chợ chính của cảng, dì Elena gọi lại cho mẹ tôi để báo rằng tôi đang đi mua sắm cùng anh bạn.
Dân Hy Lạp bản tính rất hiếu khách, tôi sẽ không làm trái phong tục này: tôi mời Walter vào thành phố dùng bữa tối. Tôi còn nhớ Walter đã xin tôi vài lời khuyên. Tại sân hiên của nhà hàng, tôi hỏi liệu có thể giúp gì cho hắn.
- Anh có biết gì về loài chó không? Hắn hỏi.
Rồi hắn kể cho tôi nghe buổi đi dạo ngắn ngủi cùng cô Jenkins tại công viên Hyde cách đây vài tuần.
- Cuộc gặp gỡ này đã thay đổi nhiều chuyện, bây giờ, mỗi lần chúng tôi chào nhau, tôi đều hỏi thăm cô ấy tin tức của Oscar, đó là tên của chú chó chăn cừu giống Berne của cô ấy, và mỗi lần cô ấy đều nói để tôi an tâm là chú ta khỏe; nhưng trong chuyện tình cảm, chúng tôi vẫn giậm chân tại chỗ.
- Tại sao anh không mời cô ấy đi xem hòa nhạc hay buổi diễn tạp kỹ? Những vở kịch của Covent Garden cho anh hàng tá lựa chọn ấy chứ.
- Sao một ý nghĩ sáng suốt như thế lại không đến với tôi nhỉ?
Walter ngắm biển hồi lâu rồi thở dài.
- Tôi không bao giờ biết phải hành động thế nào!
- Anh cứ làm thế đi, hãy ngỏ lời, cô ấy sẽ rất cảm động, tin tôi đi.
Walter lại đăm đăm nhìn biển và lại thở dài.
- Thế nếu cô ấy từ chối?
Dì Elena đến, bà đứng như trời trồng trước chúng tôi, chờ tôi giới thiệu hai người với nhau. Walter mời bà ngồi vào bàn cùng chúng tôi. Dì Elena không cần mời nhiều bèn ngồi xuống luôn, trước khi tôi kịp nhấc ghế mời bà. Dì Elena tỏ ra hóm hỉnh không ngờ khi không đi cùng mẹ tôi. Dì tranh phần nói và không nhường lại cho ai nữa, dì kể gần hết cuộc đời mình cho Walter nghe. Chúng tôi chỉ ra về khi nhà hàng đóng cửa. Tôi đưa anh bạn về khách sạn rồi cưỡi lừa trở về nhà. Mẹ tôi vẫn thức, đang lau chùi những thứ bát đĩa bằng bạc ở sân trong, vào lúc một giờ sáng!
Ngày hôm sau, chuông điện thoại réo vang và khoảng bốn giờ chiều. Mẹ ra sân hiên tìm tôi, đầy ngờ vực, bà báo tin anh bạn tôi đang chờ trên điện thoại.
Walter rủ tôi đi dạo vào cuối buổi chiều; tôi muốn đọc cho xong cuốn sách nên đã mời hắn buổi tối đến thăm hai mẹ con. Tôi xuống làng mua sắm vài thứ rồi thu xếp với Kalibanos để lão ghé qua khách sạn đón Walter vào lúc chín giờ rồi đưa hắn đến nhà chúng tôi. Mẹ tôi không nói lời nào, bằng lòng với việc bày biện bàn ăn và mời dì tôi đến dự cái bữa tối có vẻ đang khiến bà phật ý.
- Mẹ sao thế ạ? Tôi hỏi trong lúc giúp bà bày bàn ăn.
Mẹ đặt chồng đĩa xuống rồi khoanh tay trước ngực, hành động báo trước điềm chẳng lành.
- Suốt hai năm trời biệt tích con chẳng cho mẹ hay biết tin tức gì cả, vậy mà người duy nhất con giới thiệu với mẹ lại là chàng Sherlock Holmes này sao? Rốt cuộc là bao giờ con mới nghĩ đến việc theo đuổi một cuộc sống bình thường đây?
- Mọi chuyện còn tùy thuộc vào quan niệm của mẹ về cái gọi là bình thường?
- Mẹ muốn có nỗi lo duy nhất là các cháu của mẹ không tự làm mình đau khi chơi trên các mỏm đá.
Mẹ tôi chưa bao giờ thể hiện một khát khao như vậy. Tôi đưa cho bà chiếc ghế để bà ngồi xuống đó rồi pha cho bà một ly rượu anis, đúng kiểu bà thích, không pha thêm nước với duy nhất một viên đá. Tôi âu yếm nhìn bà, cân nhắc hai lần những gì sắp nói với bà.
- Bây giờ mẹ muốn có cháu rồi ạ? Mẹ đã luôn ủng hộ con làm ngược lại cơ mà, mẹ thường bảo nuôi dạy con khôn lớn là đủ rồi, mẹ không muốn trở thành một trong những phụ nữ bằng mọi giá muốn diễn lại vai người mẹ trong phục trang của người bà, khi con cái đã trưởng thành rời khỏi tổ.
- Sao nào, mẹ đã trở thành một trong đám phụ nữ ấy, chỉ có những kẻ ngốc mới không bao giờ đổi ý, phải không? Cuộc đời trôi qua nhanh quá, Adrianos, con cứ thong thả chơi đùa với các cô bạn gái của con. Giờ không phải lúc để mơ mộng về ngày mai. Ở tuổi con, ngày mai chính là ngày hôm nay; và ở tuổi mẹ, như con đã nhận thấy rồi đấy, ngày hôm nay đã trở thành ngày hôm qua.
- Nhưng con có vội gì đâu! Tôi chống chế.
- Không ai đợi đến lúc rau xà lách héo rồi mới đem ra chợ!
- Con không biết mẹ đang lo lắng chuyện gì, cũng không rõ tại sao mẹ lại chuốc lo vào người, nhưng con dám chắc là một ngày kia sẽ gặp được người phụ nữ lý tưởng.
- Mẹ trông giống một phụ nữ lý tưởng sao? Và dĩ nhiên bố con và mẹ đã cùng nhau chung sống vô cùng hòa thuận suốt bốn mươi năm. Để được như thế không cần người đàn ông hay người đàn bà phải lý tưởng mà là cái họ muốn chia sớt cùng nhau. Một chuyện tình vĩ đại, đó là cuộc gặp gỡ của hai người biết cho. Đời con đã tìm ra điều đó chưa?
Tôi đành thú nhận là chưa. Mẹ đưa tay vuốt má tôi rồi mỉm cười với tôi.
- Mà con đã tìm kiếm nó chưa thế?
Bà đứng dậy mà không động vào ly rượu rồi quay vào bếp, để lại một mình tôi trên sân hiên.
Ngày Đầu Tiên Ngày Đầu Tiên - Marc Levy Ngày Đầu Tiên