Chương 26 - Quá Trình Phát Triển Của Phi Đạn Hành Trình (Trích Từ Bài Viết Của Tiến Sĩ David M. Hardy Cho Viện Phân Tích Chiến Lược Quốc Gia)
ới quả tên lửa V-1, nỗ lực phát triển bom bay của Không quân Đức, Luftwaffe đã tách rời hoàn toàn khỏi khung máy bay cánh quạt và hệ thống điều khiển từ xa của các thiết kế trước kia. Vũ khí mới của Đức là một rô-bô tự kiểm soát, sử dụng những thiết bị điều khiển tự động được lắp bên trong, thay vì cần một người điều khiển từ xa. Thiết kế mới này không dùng động cơ cánh quạt, mà một động cơ ‘phản lực xung’ đơn sơ nhưng hữu hiệu, chỉ gồm có một phòng đốt nhiên liệu có hình dáng như một cái ống.
Vũ khí này mang tên chính thức là Fiesler Fi-103, nhưng guồng máy tuyên truyền của Đức Quốc Xã gọi nó là Vergeltungswaffe Einz (Vũ Khí Phục Thù số 1), một cái tên sớm được gọi tắt là V-1.
Khác với các thế hệ máy bay không người lái và ngư lôi bay trước kia, chiếc V-1 nhìn không giống như một chiếc máy bay truyền thống thời bấy giờ. Thân nó làm bằng những tấm thép mỏng, có dáng thuôn dài, đầu nhọn, làm nó nhìn giống như một mũi phi tiêu. Đôi cánh ngắn thẳng như thập tự giá, được bọc bằng ván ép để giảm trọng lượng và chi phí. Và động cơ hình ống nơi đuôi làm nó trông như thứ trong truyện tranh khoa học giả tưởng vậy.
Quả thật, toàn bộ hình dáng của chiếc V-1 trông như trong truyện tranh hơn là sự thật, nhưng V-1 không phải là vật trong huyền thoại. Nó có thật và nó cực kỳ nguy hiểm.
Cho đến lúc ấy, hơn 30 năm cố gắng và hao tốn chỉ đem lại vài trăm món vũ khí bay không người lái. Không một chương trình nào hơn mức tạm thành công trong thực chiến cả. Ngược lại, Đức Quốc Xã sản xuất gần 30.000 quả tên lửa V-1, hằng ngàn quả được sử dụng trong thực chiến, đạt được sự hữu hiệu tàn khốc.
Với tầm hoạt động 250 km, V-1 không thể bay trực tiếp từ Đức qua Anh quốc được. Không quân Đức, Luftwaffe vượt qua hạn chế này bằng cách xây dựng 96 địa điểm phóng ở vùng bắc nước Pháp bị Đức chiếm đóng, trong tầm bắn đến London.
Cuộc tập kích V-1 đầu tiên diễn ra vào ngày 13 tháng 4, 1944, một tuần sau cuộc đổ bộ D-day của quân Đồng Minh vào Âu châu. Quả tên lửa bay đến cuối lộ tuyến của nó và đâm xuống gần một cây cầu cho xe lửa ở khu East End của London. Tám thường dân thiệt mạng trong vụ nổ.
Vài quả V-1 được phóng đi trong ngày hôm sau, trước khi đợt tấn công nghiêm trọng đầu tiên bắt đầu. Từ chiều ngày 15 tháng 6 đến nửa đêm 16 tháng 6, Trung Đoàn Phòng Không 155 của Đức đã phóng 244 V-1 về hướng London. Khoảng 90 trong số này không vượt qua được lãnh thổ nước Anh do có vấn đề xảy ra khi phóng hay ngay sau khi phóng. Khoảng 50 quả rơi vào những khu không người phía nam của thành phố mục tiêu và 22 quả khác bị lực lượng phòng không Anh quốc bắn hạ. Số 73 quả còn lại đánh vào London, gây thiệt hại nhà cửa đáng kể và làm hàng trăm người thiệt mạng, phần đông là thường dân.
Cái âm thanh vù vù kỳ lạ của động cơ ‘phản lực xung’ của V-1 làm nhiều nhân chứng nghĩ đến tiếng vo-ve của côn trùng. Âm thanh đặc thù này khiến cho người ta gọi nó là “con bọ con” hay “bom vo-ve”. Mặc dù có những âm thanh và tên gọi buồn cười như vậy, V-1 không có gì là khôi hài cả. Chẳng qua bao lâu người dân nước Anh đã liên kết cái âm thanh côn trùng này với sự hủy diệt và chết chóc.
Được kiểm soát bởi một hệ thống bay tự động sử dụng con quay hồi chuyển từ tính, một cái phong kế để tính toán khoảng cách đã bay và một thiết bị quả lắc để điều chỉnh góc cao thấp, hệ thống điều khiển của V-1 này không đủ chính xác để đánh vào những mục tiêu nhỏ. Nhưng hệ thống đơn sơ này đã đủ chính xác để nhắm vào những mục tiêu lớn như thành phố rồi; mà như vậy đã đủ để thỏa mãn nhu cầu chiến thuật của Luftwaffe.
Theo một bản báo cáo của viên tướng Mỹ Clayton Bissell, nước Đức đã phóng khoảng 8.025 quả V-1 vào những mục tiêu bên nước Anh chỉ trong vòng 9 tuần lễ năm 1944. Hơn 1 triệu căn nhà hay các kiến trúc khác bị hư hỏng hay tiêu hủy, và hàng chục ngàn người thiệt mạng.
Tuy nước Anh là mục tiêu chánh của chương trình này, thành phố Antwerp của nước Bỉ cũng bị 2.500 quả V-1 đánh trúng.
Tháng 3 năm 1945, dàn phóng V-1 cuối cùng ở nước Pháp bị các quân đoàn Đồng Minh đánh chiếm, chỉ năm tuần rưỡi trước khi Đế Chế thứ Ba của Đức Quốc Xã sụp đổ và đầu hàng. Vũ Khí Phục Thù số 1 của Hitler sẽ không còn che kín bầu trời hai nước Anh và Bỉ nữa. Sự thống trị của bom vo-ve đã chấm dứt, nhưng di sản của nó chỉ vừa bắt đầu thôi.
Những cứ điểm V-1, bao gồm hàng trăm quả đạn chưa được sử dụng, rơi vào tay nước Mỹ, Pháp và Liên Bang Sô Viết. Cả ba quốc gia bắt đầu nghiên cứu thiết kế của V-1 và sản xuất phiên bản vũ khí bay rô-bô của riêng họ.
Ngày nay, nhiều sử gia quân sự cho rằng chiếc V-1 của Đức là chiếc phi đạn hành trình đúng nghĩa đầu tiên. Có nhiều điểm lý luận ủng hộ lập luận này và cũng nhiều điểm phản bác nó. Cho dù là đúng hay sai, chương trình V-1 chính là chất xúc tác cho sự phát triển kỹ thuật phi đạn hành trình.
Khái niệm này đã được chứng minh qua sự hữu hiệu tàn khốc của nó. Một vũ khí bay không người lái quả thật đã có thể tìm đến và đánh vào một thành phố ở xa xôi, mà không cần người nào can thiệp vào. Trong những năm sau đệ Nhị Thế Chiến, những tổ nghiên cứu và phát triển khắp nơi trên địa cầu hối hả lặp lại, rồi vượt qua các thành quả của V-1 của Đức Quốc Xã.
Thời đại của phi đạn hành trình đã đến. Tương lai của chiến kỹ đã bị thay đổi hoàn toàn.
Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva - Jeff Edwards Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva