Chương 25
ổng kết ba tháng học tập, tổ ba người Tiến, Cường, An được bầu là tổ tam tam xuất sắc nhất đại đội. Thật trái khoáy. Cái tổ thành phần chẳng ra gì lại là tổ giỏi nhất. Lúc ở nhà, Trắm là xã đội lại có chân trong Đảng ủy, cho nên vào bộ đội được đề bạt rất nhanh. Thoắt một cái đã là thiếu úy Trung đội trưởng. Đối với cái tổ tam tam xuất sắc ấy, Trắm luôn kèn kẹt giáo dục. Anh bảo: “Người thường chỉ cần phấn đấu một, thì các cậu phải phấn đấu gấp đôi mới hòng tiến lên được”. Cứ tưởng rằng Trắm là một người sắt đá, thiếu trái tim nhân hậu, nhưng thực ra không phải vậy. Nói đúng ra, Trắm sợ hết hồn sau cái đêm diễn kịch lửa trại. Hôm ấy, Tiến sắm vai địa chủ oai vệ quá, thâm hiểm quá. Còn vai cố nông thì lại thảm hại quá, quỵ luỵ và đê tiện quá. Nói đúng ra, Trắm đã là Đảng uỷ, cho nên anh sợ những gì bị quy là có vấn đề chính trị. Mà đóng kịch đâu phải chuyện thường. Tư tưởng là đấy; mà chính trị cũng là đấy. Anh là chỉ huy, anh có biết phương châm chính trị là thống soái không? Anh là chỉ huy mà để cho lính đề cao giai cấp bóc lột và hạ uy thế những người bần cố nông như thế sao. Tại sao là lãnh đạo, anh lại không duyệt trước. Có thể những người lính chỉ là vô ý thức, hoặc tự nhiên chủ nghĩa nên mới diễn như thế. Họ là những người trình độ thấp, giác ngộ còn kém. Còn anh, đã được tổ chức rèn giũa đã bao nhiêu lâu. Tổ chức đã tin tưởng anh, giao trọng trách cho anh, giao những tâm hồn người lính vào tay anh. Thế mà... Anh chính là người phải chịu trách nhiệm. Mất lập trường giai cấp ư? Tội họ thì ít. Tội anh thì nhiều. Tức là lập trường giai cấp của anh còn mơ hồ. Ai đã bị gán cho cái kết luận ấy, con đường tiến thân cách mạng sẽ vô cùng mờ mịt. Chỉ những ai được gọi là có lập trường giai cấp vững vàng mới có tiền đồ sáng sủa. Thật dễ hiểu tại sao trung đội trưởng Trắm lại khe khắt với tổ ba người Tiến, Cường, An như vậy.
Một hôm, Trắm lên trung đoàn họp. Anh gặp chính ủy. Ông ta kéo Trắm đi dạo trong một khu rừng thông. Là một thiếu úy quèn mà được nói chuyện với trung tá chính ủy thật là một vinh hạnh.
Ông trung tá chính ủy đã nhiều tuổi. Mái tóc hoa râm. Trạc ngoại năm mươi. Người tầm thước. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn. Bộ quân phục cấp tá bạc mầu. Hàm răng hút thuốc lá nhiều được đánh chải kỹ lưỡng, tuy trắng nhưng kẽ răng vẫn vàng, có chỗ nâu nhạt. Ông cười. Cái cười hiền khô. Trung tá vỗ vai Trắm:
- Mình nghe ở trung đội của cậu có tổ tam tam Tiến, Cường, An rất đặc biệt.
Trắm chột dạ, nghĩ bụng: “Ghê thật, cái tổ ba người này đã đến tai trung đoàn. Mình biết nói gì về họ đây nhỉ”. Trắm phân vân như để hoãn binh, như để chờ xem cấp trên đang muốn biết gì về họ, để lựa lời mà nói. Cho nên trung đội trưởng trả lời một cách chung chung:
- Thưa thủ trưởng... Vâng... Đúng là họ ở trung đội của em... Trắm nói tiếng em rất khẽ, bởi vì ông trung tá đáng tuổi bố anh.
- Có gì cứ kể đi. Chớ có ngại... Mình nghe các cậu có tổ chức một đêm liên hoan... Đốt lửa trại... vì... nơi các cậu đóng quân, dân làng chẳng mấy khi được xem văn công. Chắc chắn là họ hưởng ứng rồi... Thành công chứ hả...
- Vâng cũng tương đối ạ - Trắm lí nhí. Chính đêm liên hoan ấy là điều Trắm ngại nhất... Nói thế nào bây giờ nhỉ... Nói là mấy cậu lính mất lập trường? Hay là mình đã sai? Trắm còn đang lưỡng lự tìm lời, thì cái giọng trầm trầm của ông chính ủy cất lên:
- Mình biết, mình biết...
Té ra ông ta đã biết hết tất cả... Thủ trưởng của mình ma xó thật. Có thể chính trị viên đại đội đã báo cáo! Cũng có thể ông ta quen một cậu lính nào ở đại đội mình. Và Trắm cúi đầu xuống. Anh chờ những lời giáo huấn nghiêm khắc. Và kìa... Chính ủy đã lên tiếng bằng cái giọng trầm ấm mà dứt khoát.
- Mình biết là vì chính trị viên của cậu báo cáo. Anh ta bảo cậu Tiến rất lo. Cả cậu cũng thế. Cậu đã đứng lên, dừng cuộc liên hoan lại, giảng giải một lúc... Tớ hỏi đồng chí chính trị viên: “Thế theo cậu, trong chuyện này ai sai?”. Đồng chí ấy nói: “Cả cậu Tiến và trung đội trưởng đều sai...”. Nhưng tớ cười và bảo rằng chẳng ai sai cả...”.
Chính ủy nói xong, cười khẽ. Trắm ngạc nhiên nhìn lên gương mặt hiền của ông ta. Còn ông ta thì đặt câu hỏi.
- Thế cậu đã bao giờ chứng kiến một gia đình địa chủ chưa?
- Có chứ ạ. Thuở bé em đã được đi dự đấu địa chủ...
- Cái điều mình muốn nói là sinh hoạt của địa chủ cơ. Là cái đối xử của địa chủ cơ. Cậu còn nhỏ tuổi. Cậu sao biết được. Còn mình thì biết. Còn gặp nhiều là khác... Giải thích thế nào cho cậu hiểu đây... À nghĩa là họ có của... họ được ăn học... Họ cũng giống như mọi người chúng ta... Lẽ dĩ nhiên họ sống có nề nếp hơn... Bần cố nông của chúng ta, cơm chẳng có ăn, áo chẳng có mặc làm sao mà nề nếp được... Làm sao mà lễ nghĩa nhiều khê được... Lẽ dĩ nhiên họ là kẻ bóc lột... là kẻ tàn ác... Nhưng biết nói thế nào cho cậu hiểu đây...
Đến chỗ này thì chính ủy là người lúng túng, ông phải dừng lại lấy thuốc lá ra mời Trắm hút, rồi tự mình châm một điếu và hút lấy hút để. Cuối cùng ông nói:
- À. Thế này nhé. Trong chuyện này, cả hai đều không sai. Cậu không sai vì cậu có bao giờ sống ở chế độ cũ đâu mà biết địa chủ họ sống thế nào. Còn cậu Tiến không sai vì từ thuở bé cậu ấy đã sống trong một gia đình địa chủ. Bảo rằng địa chủ cần phải đánh đổ, rằng họ tàn ác... Thế rồi khi lên sàn diễn, đóng vai một cách biếm họa thô thiển, có lúc đóng vai một cách thậm xưng... Như thế cũng không phải... Nói chung... ở đây là nghệ thuật... Giống quá cũng không được... Thô thiển quá cũng không được. Mà sao các cậu lại đưa lên sân khấu cái chuyện ấy nhỉ... Sao chẳng đưa những chuyện sinh hoạt vui vẻ lên sàn diễn... Tóm lại đây là một lĩnh vực quá sức các cậu.
Chính ủy nói thật dài, song thật ra cuối cùng Trắm cũng hiểu rất lơ mơ. Và chỉ có một điều anh hiểu rõ nhất, đó là chính ủy của anh hiền lành. Và ông ta đã xá tội hết cho cả hai nguời. Ông chính ủy của anh còn biết An là một thầy chùa đi lính và Cuờng thuộc thành phần tư sản. Ma xó thật! - Trắm thầm nghĩ. Ông già còn biết tỉ mỉ Trắm là cố nông, đã từng là xã đội. Hình nhu ông ta quá chú ý tới cái trung đội quá vô danh, quá nhỏ bé của anh.
Sắp sửa vào chiến truờng. Ban chỉ huy đại đội họp để xét duyệt thuởng phép cho một số cá nhân xuất sắc. Thời gian chỉ hơn hai ngày. Cho nên chỉ những ai nhà gần, và có thể tin cậy tuyệt đối và tinh thần vững vàng mới được đề nghị. Bởi vì lúc này nếu nhỡ ra có cậu nào về nhà rồi đào ngũ thì thật gay go, sẽ ảnh hưởng đến toàn đơn vị. Cuộc bình xét cực kỳ gay gắt.
Trường hợp của Tiến được nêu ra. Đại đội trưởng nói:
- Cậu này đúng là tích cực xuất sắc. Chẳng ai phản đối được. Làm việc gì cũng hết mình. Xạ kích xếp loại giỏi. Song về mặt tinh thần ai dám đảm bảo. Gia đình địa chủ này. À... cậu ta lại mới lấy vợ, cưới được một tháng thì nhập ngũ. Nhỡ cậu ta ở tịt nhà luôn thì sao? Có nhiều động cơ để cậu ta không quay lại đơn vị... Trường hợp này phải cẩn thận... Để cho cậu ta phấn đấu...
Chợt có tiếng:
- Trường hợp Tiến tôi xin đảm bảo.
Tất cả quay nhìn vào người phát biểu. Người ta ngạc nhiên. Hóa ra là trung đội trưởng Trắm. Đại đội trưởng nói:
- Đồng chí Trắm đảm bảo à? Sao nữa đây? Tôi tưởng chính đồng chí là người hôm xưa dừng đêm liên hoan lại để... chỉnh đốn lại tư tưởng cho cậu Tiến. Tôi tưởng chuyện tư tưởng lập trường của cậu này đã quá rõ ràng.
Hình như sự khoan dung cũng là một căn bệnh hay lây. Cái hôm nói chuyện với chính ủy, Trắm tự thú nhận là mình hiểu rất mơ hồ, tuy nhiên khi nghe chính ủy bảo họ chẳng có tội, anh thấy như lòng mình được cất đi một gánh nặng. Khi xem vở kịch bên đống lửa, anh thấy sờ sợ vì nó khác những điều anh đã xem. Khi đứng lên chỉnh đốn những diễn viên, anh lại cảm giác mình đã nói một cái gì đó hơi quá đáng. Tuy nhiên anh lại chẳng tìm được lý lẽ gì để phản biện lại. Hơn nữa, còn có một thói quen của xã hội, hễ gặp một điều gì còn chưa rõ ràng, người ta thường chọn cách ứng xử cực tả. Đó là cách lựa chọn thuận tiện và dễ dàng nhất. Bởi vì cực tả thường được coi là lập trường kiên định, thường được khen là tính giai cấp vững vàng. Và tiếp theo đó là sự tin cậy, sự đề bạt thăng chức. Có thể sự tỏ rõ lập trường của trung đội trưởng Trắm đêm liên hoan, cũng bắt nguồn từ tâm lý đó chăng. Đã có bao nhiêu chuyện buồn đã xảy ra từ đó. Và đã có biết bao nhiêu tâm hồn đã dần dần trở nên ti tiện cũng từ đó. Nhưng may thay, Trắm lại là một người lương thiện. Cho nên sau khi phát biểu ở đêm liên hoan, anh cứ thấy cấn cấn trong lòng. Và khi chính ủy xóa tội, giải tỏa cho anh, anh cũng lập tức đôn hậu hơn, rộng lượng hơn. Cho nên, trong buổi họp này, anh mới nói:
- Chuyện diễn kịch đêm liên hoan, tôi đã trực tiếp gặp chính ủy trung đoàn. Đồng chí ấy đã kết luận dứt khoát: Chẳng ai có tội gì hết. Chẳng ai mất lập trường gì hết. Đồng chí ấy còn nói với tôi, ai còn thắc mắc gì, xin trực tiếp gặp đồng chí ấy.
Trong cuộc họp ở trung đoàn, nhiều người đã trông thấy Trắm nói chuyện với chính ủy rất lâu. Cậu Trắm đâu có thể dám bịa đặt ra lời nói của chính ủy. Mà lời chính ủy tức là lời tối cao của trung đoàn. Bởi vậy, chẳng ai dám có ý kiến gì. Trắm liền báo cáo:
- Trường hợp đồng chí Tiến của B tôi xuất sắc trong huấn luyện thì ai cũng rõ. Tôi xin bổ sung thêm, cái đoạn chúng ta hành quân ở lưng chừng núi B, khi ấy chúng ta phải lội qua một thung lũng lầy sụt. Các cụ già bảo hàng ngàn năm rồi lá rừng rụng đổ xô vào đấy, lâu dần hoại mục hóa thành bùn lầy. Hai bên là vách đá. Đường độc đạo. Tiến lên cũng chết. Lùi lại tìm đường khác cũng gay go. Trung đội tôi hành quân dẫn đầu. Chính đồng chí Tiến đã đưa ra sáng kiến lấy dao tỉa chặt những cành cây vừa và nhỏ trải xuống làm lối đi. Mỗi chiến sĩ năm cành cây. Nhờ sáng kiến ấy chúng ta đã qua vùng lầy an toàn.
Đại đội trưởng gật gù:
- Sáng kiến này của Tiến à. Bây giờ tớ mới biết. Chỉ riêng sáng kiến này cũng đáng thưởng đấy.
Thấy đại đội trưởng có vẻ xuôi, Trắm liền bổ sung:
- Trường hợp Tiến lý lịch phức tạp, cán bộ chúng ta ai cũng biết. Phải nói rằng, cậu ta có nhiều khổ tâm mà chẳng ai hay. Tuy rằng người ta vẫn cho ăn học nhưng thực tế là cô đơn. Họ hàng nhìn cậu ta bằng con mắt ngờ vực. Người mà cậu ta gọi là bố cũng không tin cậu ta là con ruột của mình. Ông ta tốt với Tiến nhưng mà tốt một cách hờ hững. Từ khi bị quy là địa chủ, suốt ngày đêm ông như người câm chẳng nói một lời. Không thèm nhìn mặt ai nhất là đối với Tiến. Trước khi chết, ông ta gọi Tiến vào và bảo rằng: “Anh không phải là con tôi. Tôi biết đích xác là thế vì chưa bao giờ tôi ăn nằm với mẹ anh. Nhưng tôi vẫn nuôi nấng anh tử tế. Thế là anh nợ tôi một điều. Khi cải cách ruộng đất, người ta xui anh lên đấu tôi. Anh còn bé nhưng nhất định không làm điều ấy. Tôi rất cảm ơn anh. Thế là tôi cũng nợ anh một điều. Thế là đôi bên hòa. Xong nợ. Tuy tôi lạnh nhạt với anh, nhưng khi tôi đã chui xuống đất, chỉ xin anh nhớ tới ơn nghĩa xưa giúp tôi một điều. Anh hãy chăm sóc tới bà Tư, mẹ nuôi của anh. Bà ấy tốt lắm. Chẳng may không có con nên coi anh chẳng khác gì con. Anh hiếu nghĩa với bà ấy, thì dù ở dưới suối vàng tôi cũng cám ơn anh”. Chính bà Tư này đã cưới vợ cho anh được một tháng thì Tiến lên đường nhập ngũ. Các đồng chí thử nghĩ xem, với thành tích cá nhân như thế với hoàn cảnh gia đình như thế, Tiến có xứng đáng được về hai ngày phép để thăm mẹ, thăm vợ trước lúc lên đường vào chiến trường hay không?
Trắm đi họp cán bộ về, đến ngay tổ tam tam của An, nói oang oang:
- Lần này trung đội mình được thưởng phép bảy người. Riêng tổ ba người các cậu, được thưởng phép tất cả. Nhưng tiếc quá, ngày nghỉ chỉ có hai, thành thử chỉ những ai ở gần, tiện tầu xe, mới được đi. Khi đi lại phải viết cam đoan, trả phép đúng ngày giờ.
Cường cười:
- Từ đây về Hà Nội hai trăm năm mươi cây số. Chỉ riêng đi và về, nếu may mắn gặp ôtô, cũng phải mất đứt hai ngày. Chẳng lẽ về nhà nhìn mặt bố mẹ một lát rồi lại sấp ngửa đi ngay sao. Chẳng bõ. Chỉ thêm mệt vào thân. Tôi không đi.
Trắm gật đầu.
- Cũng phải. Tớ đấu tranh cho tổ các cậu, chủ yếu là thông cảm hoàn cảnh cậu Tiến. Mới cưới vợ một tháng. Chưa kịp quen hơi bén tiếng. Nhà lại chỉ cách đây ba mươi cây số. Còn cậu An thì sao, làng chúng mình cách đây hơn trăm cây số. Tầu xe lại khó khăn. Bắt xe dọc đường ư? Phập phù lắm. Mấy lại ba tháng trước về phép, tớ đã gặp sư cụ, gặp chị Nguyệt, gặp sư bác. Họ cũng đều bình thường và bảo cậu cứ yên tâm. Nhưng mà...
Nghe Trắm nói chữ nhưng, An chợt ngẩng đầu lên. Quả nhiên Trắm đã nói tới một điều mà An không dám nói ra. Trắm nghiêm trang nhưng môi vẫn nở nụ cười:
- Nhưng mà... tháng trước cậu mới nhận được thư của cô Huệ phải không?... Cô ấy bảo trường y tế cách đây ba nhăm cây số chứ gì?
- Báo cáo trung đội trưởng... Thế... cô Huệ... tôi cũng được...
- Được đi thăm chứ sao... Bố cô Huệ và sư cụ là sư đệ sư huynh. Vậy, cậu với cô Huệ là con bác con chú...
Thằng Tiến lẻo mồm:
- Sư huynh sư đệ. Được quá chứ lại. Thôi! Chú tiểu mau mau đến thăm cô em út đi.
Hai tháng trước, An nhận được một lá thư. Lần đầu tiên trong đời. An được nhận thư. Lá thư không đề người gửi. Ai thế nhỉ? Chẳng lẽ là thầy? Hay chị Nguyệt? Hay sư bác? Những người tu hành giàu tình cảm nhưng rất ít bộc lộ tình cảm cá nhân. Do đó họ ít biên thư, trừ những trường hợp cần thiết. Hay là đã xảy ra chuyện gì ở chùa. Chắc không phải. Bởi vì Trắm mới đi phép về tháng trước, nói dạo này sư cụ rất mạnh khỏe, mọi người vẫn bình an. Bóc ra mới biết là thư của Huệ. Thế là lòng An bỗng xốn xang. Lại nghĩ đến ngày giỗ sư tổ, cũng là ngày anh nhận được tin mình trong danh sách lên đường nhập ngũ. Cái ngày thật lạ. Hai đứa xa nhau, hơn mười năm lại gặp nhau. Lại được sống lại ngày ấu thơ, cầm tay nhau đi giữa cánh đồng thơm ngát. Hôm ấy hai đứa cứ đinh ninh rằng sẽ luôn viết thư cho nhau. Nhưng rồi ngày tháng trôi đi và An vẫn không viết. Chẳng vì An vô tình, chỉ có điều, viết thư đối với An chưa là một thói quen. Anh chưa hề viết thư bao giờ. Chỉ có một lần, đó là khi Trắm về phép, An mới nguệch ngoạc được mấy chữ vụng về.
Thưa Thầy!
Con đi bộ đội, đêm nào lòng dạ cũng nhớ tới chùa. Nhớ tiếng chuông thu không mà hàng ngày con vẫn đánh trên gác tam quan. Nhớ hương trầm thơm ngát. Nhớ cái giếng sau chùa. Nhớ chị Nguyệt, nhớ sư bác, nhớ cả con chó già tội nghiệp...
Thầy ơi! Lúc nào con cũng nhớ lời thầy dặn. Hãy cư trần lạc đạo, tùy duyên mà hành đạo. Tuy vậy, lòng con khi nào cũng thấy buồn.
Muôn vàn lạy thầy. Con chúc thầy mạnh khỏe. Con mong vài năm nữa thầy trò lại được gặp mặt nhau...
Khi gửi Trắm mang đi, An cứ nghĩ, đã một năm trời ra ngoài đời, không hiểu mình đã bị thế tục hóa đến nhường nào. Chắc đã có sự ấy, bởi vì một người nhà chùa chắc sẽ viết khác hẳn. Thư của họ là những việc nhà Phật, những tư tưởng nhà Phật, những cố gắng tinh thần trên con đường đến giải thoát. Đằng này chỉ toàn những tình cảm, lại là những tình cảm buồn buồn. Có lẽ vì vậy nên khi An định đặt bút viết lá thư thứ hai, lá thư cho Huệ, An cứ thấy ngại ngần không viết nổi. Đùng một cái, chính Huệ lại viết cho An. Thư rằng:
“Anh An ơi!
Năm ngoái khi tiễn chân anh đi. Anh hẹn rằng thể nào cũng viết thư cho Huệ ngay. Em đợi mãi mà không thấy. Hôm nọ về chùa làng mới biết địa chỉ của anh. Tiếc thay, lại chỉ là số hòm thư, chứ không phải là địa chỉ đóng quân. Thành thử muốn đến thăm mà không được. Anh An nhỉ, đời người lính như cánh chùn trời nay đây mai đó. Biết nơi đâu mà tìm. Sao em ngơ ngẩn thế không biết được. Cứ nghĩ đến anh lại thấy lo lo. Em biết mà. Anh vốn hiền lành, lại hay tư lự. Chẳng biết sống ở đơn vị anh có xoay xở được không. Hay lại cứ ngơ ngơ mãi thì khổ.
Riêng phần em, khóa học đang đi vào giai đoạn cuối. Em chuyên về phẫu thuật. Cấp trên bảo thầy em là cán bộ luôn ra bắc vào nam. Anh Căn thì đi B dài rồi. Tuy vậy em vẫn cứ xin đi B. Em nghĩ chắc anh rồ i cũng vào trong đó. Không chừng rồi chúng mình sẽ gặp nhau trong đó cũng nên.
Anh An ạ. Không hiểu sao lần gặp anh vào ngày giỗ sư tổ năm ngoái, bỗng nhiên bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu, lúc học với thầy giáo Hải, chợt sống lại trong em. Chúng trở về ào ạt, cứ như thể chúng đang ngủ lịm bỗng giật mình thức cả dậy. Từ cái ngày em và mẹ nhảy xuống sông Hồng, rồi mẹ em chết đuối, thế là bao nhiêu hình ảnh cũ bỗng nhiên tan biến. Em chằng còn nhớ nhiều nhặn gì quá khứ. Hay là nhớ nhớ quên quên. Quên nhưng mà vẫn biết mình có một quá khứ. Cái quá khứ ấu thơ bị xóa đi vì nỗi đau, nhưng hình như nó vẫn nằm đó, nó ngủ lịm nhưng vẫn tồn tại và chỉ chờ dịp là thức dậy. Và khi gặp anh là lập tức chúng ào ào tỉnh dậy, xồ đến ngay. Thế có tài không chứ. Thế là cái Rêu, chị Hiếu, anh Trắm, thầy giáo Hải, cả anh nữa và bao nhiêu người khác đều trở về trong tâm trí em. Anh có nhớ lúc đi trên cảnh đồng làng, em nắm tay anh. Tung tăng như thuở còn đi học. Lúc ấy, anh có biết em nghĩ gì về anh không? Em thấy anh An chẳng khác xưa tẹo nào. Tức là anh vẫn ngu ngu ngơ ngơ. Ngu ngơ ư? Đừng nghĩ là Huệ nói xấu anh đâu. Huệ cũng ngu ngơ chứ. Hơn mười năm qua Huệ sống trong nỗi ngu ngơ, nhớ nhớ quên quên. Huệ chẳng ghét cái nỗi ngu ngơ ấy đâu. Lại thấy yêu nó là đằng khác. Bởi vì người ngu ngơ là người trong sáng, là người chân thật.
Không hiểu Huệ viết thư lan man thế cho anh có vớ vẩn không? Anh An ạ. Đối với anh, Huệ cảm thấy viết thế cũng chẳng hề gì. Có phải không anh?
Địa chỉ xóm Cây Đa, xã X, huyện Y, Trường Trung cấp Y tế. Nhận được thư này, nếu còn ở miền Bắc hãy viết thư trả lời cho em ngay. Hay là, nếu thuận tiện, hãy đến thăm em ngay.
Huệ.”
An lên đường đến xóm Cây Đa ngay sáng hôm sau. Vụng về lắm, An hỏi Cường:
- Không biết đi thăm có phải mang gì không nhỉ?
Cường rên lên.
- Trời ơi là trời! Đi thăm bạn gái mà lại tay không à? Cậu có biết lũ con gái thích gì không? Chút gì ngòn ngọt mà lại chua chua. Cậu hiểu chưa.
An đỏ mặt lên. Còn Cường phóng ngay ra đầu xóm mang về một bọc mận đỏ đưa cho An:
- Quà đây. Lên đường ngay tắp lự. Thời gian mỗi khắc ngàn vàng.
An đi nhờ ôtô quân sự. Chiếc xe nghiêng ngả, nhảy chồm chồm trên con đường đồi đá đỏ, tưởng chừng như ruột gan tim phổi đều bị long ra. Giống như một cỗ máy bị tháo tung, những bộ phận đổ lẫn lộn rồi xóc lên xóc xuống trong lồng ngực và ổ bụng. Đến một gốc cây đề lá rậm rịt, xe dừng lại. Người bộ đội tài xế nhảy xuống đường cạnh An lấy thuốc lá ra hút. Anh chỉ tay lên trời hỏi:
- Có nghe thấy gì không?
- Máy bay Mỹ. Mặc kệ chúng nó chứ. Nó cứ bay và xe mình cứ chạy.
Anh lái xe lắc đầu:
- Không đơn giản thế đâu. Dạo này bọn chúng quần thảo vùng này liên tục. Hôm kia nó bắn bến đò Mơ. Chỉ có hai chiếc thuyền mà chúng bắn đến mười phát tên lửa. Bắn cho chìm hai chiếc thuyền mới thôi. May mà chẳng có ai việc gì. Chúng đánh hơi thấy quân ta tập kết ở quanh vùng. Chính vì thế tớ mới phải phi trên đường đồi ghồ ghề. Phi đường này an toàn vì ở đây toàn đồi thông... Này, hút thuốc lá đi... không hả... Hay là bắn vài phát thuốc lào... Trên xe, tớ có điếu cày... Cũng không hả... Này, vào lính lâu chưa?... Mới một niên hả... Rồi cậu xem... Chỉ ít lâu nữa là thành tinh ngay thôi... Tớ chưa thấy thằng lính nào chê thuốc lào... Cả những thằng con các ông kễnh ở Hà Nội... Bạch diện thư sinh hẳn hoi... Gia đình có bìa Tôn Đản, Nhà Thờ hẳn hoi. Thế mà cũng biết rít thuốc lào sòng sọc... Cậu trông cũng thư sinh lắm... Hay là... Cậu cũng vào loại con ông kễnh.
- Không... tôi không. - An chối đây đẩy. - Tôi chỉ... chỉ đi phép... tranh thủ...
- Tranh thủ nghỉ phép hả... Thế thì tớ biết rồi. Cậu sắp đi B... nay tranh thủ về thăm mẹ đĩ... Tranh thủ kẻo phí cái “mùi đời” chứ gì?
- Không phải. Tôi chưa có vợ.
- Chưa phải là vợ... tức thì là bạn gái... có đúng không nào? Sao mặt lại đỏ tưng bừng lên thế kia?...
- Không... Không phải... - An cố cãi lại anh lính lái xe vui tính và hóm hỉnh. Còn anh tài xế thì cười ha hả.
- Đời lính thời chiến chúng ta, biết sống chết thế nào. Tranh thủ cho biết “mùi đời” đi cũng là phải lẽ. Mà cậu đừng coi thường nhé. Chiếc điếu cày cũng là một thứ “mùi đời” tuyệt vời đấy. Dính vào nó là khó quên.
Anh lái xe nói xong, leo lên cabin, lấy xuống chiếc điếu cày làm bằng một ống tre đã lên nước bóng loáng. Anh cố bắt An hút một điếu thuốc lào. An chợt thấy quý anh lái xe vui tính, nên hút thử và ho sặc sụa. Đến lúc ấy, họ mới hỏi tên nhau.
- Tôi là An.
- Còn tớ là Mật. Bố tớ ở vùng Phùng chuyên ép mía nấu mật, nên mới đặt tên con thơm ngon như vậy. Thôi nhé! Nếu sau này có gặp nhau ở chiến trường thì đừng có quên cái tên ngọt ngào ấy. Còn bây giờ, cậu chỉ cần đi bộ khoảng bảy cây số nữa là tới xóm Cây Đa. Trường Y tế chứ gì? Ở đấy toàn các cô nàng xinh đẹp. Chúc may mắn.
Quá nửa buổi chiều, An mới tìm đến được Trường Y tế xóm Cây Đa. Trường nằm ở cuối làng, dưới một rặng thông. Vùng này toàn là đồi thông. Những đồi thông xanh mượt nhô lên, ngụp xuống, như những khúc lưng rồng chen lấn nhau chạy vào vùng núi cao. Thầy bảo cuộc đời giống như cuộc hành hương quanh co. Chẳng bao giờ đi thẳng mà tới đích. Mình mới hơn hai mươi ba tuổi mà đã gặp bao khúc quanh co. Mà chính lúc này, An cũng đang gặp một khúc quanh. Hay thật! Đang là một ông sư ngày đêm tụng kinh gõ mõ. Thoắt một cái đã biến thành một anh bộ đội. Chuyện xảy ra tưởng như trong một giấc mộng lạ lùng, chẳng ai tưởng tượng nổi. An thở dài, dừng suy nghĩ, khi mấy chiếc lán hiện ra trước mặt. Đó là những hội trường lớp học. Học viên học ở ba cái lán hội trường, còn ăn ở thì phân tán ở nhờ trong dân.
Đợi tại lán hành chính đến nửa tiếng, lớp học Y3 mới tan. Phần lớn học viên là con gái. Những cô gái đuôi sam ngoe ngoẩy bên vai, nhìn anh bộ đội trẻ bằng những con mắt xoi mói. Nhìn thoáng thôi rồi quay đi ngay.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa