Đói epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 27
a, ha, với lũ chó ấy thì phải thế mới được! Đồ vô lương tâm! Đó là cách dạy cho chúng kính trọng người khác, bắt chúng phải run sợ... Tôi rất hài lòng với mình và lại bắt đầu khe khẽ hát. Trong trạng thái bị kích thích mạnh, quên cả đau, thậm chí không cảm thấy khó chịu chút nào và với lòng lâng lâng, tôi đi hết quảng trường đến chợ, rẽ sang nhà thờ Đấng cứu thế và ngồi xuống một chiếc ghế dài ở đó.
Suy cho cùng thì trả lại mười curon kia hay không cũng đều thế cả. Người ta gửi cho tôi, có nghĩa chúng là của tôi, ai gửi hoàn toàn không quan trọng. Người đưa thư được lệnh đưa cho tôi, vậy thì tôi phải nhận. Chẳng nhẽ lại cho anh ta? Và quả là ngu ngốc nếu bây giờ tôi hoàn lại cho người gửi mười đồng curon khác chứ không phải mười đồng tôi đã nhận. Nếu vậy thì chẳng còn biết làm gì nữa.
Tôi cố gắng tập trung nhìn quảng trường sôi động đầy những người là người và nghĩ về những việc không liên quan gì đến tôi, nhưng điều này không mang lại mấy kết quả - mười đồng curon kia vẫn chẳng chịu chui ra khỏi đầu. Cuối cùng tôi bừng bừng tức giận, bóp chặt nắm đấm. "Nếu ta trả lại số tiền đó, nàng sẽ cảm thấy bị xúc phạm, - tôi tự bảo mình. - Thế thì còn gì nữa phải suy nghĩ?" Bao giờ tôi cũng rất cao đạo, không chịu nhận quà cáp. Trong những trường hợp ấy, tôi chỉ kiêu hãnh lắc đầu và nói: "ồ không, cảm ơn, rất cảm ơn". Và kết quả là gì? Tôi lại lang thang ngoài phố. Tôi không ở lại căn phòng ấm cúng của mình, mặc dù tôi có đầy đủ khả năng làm điều ấy. Tôi là người tự trọng, nên chỉ cần nghe một câu nào đấy khiếm nhã, là không chịu nổi và sẽ quẳng ngay những đồng mười curon vào mặt người nói rồi bỏ đi hẳn... Tôi tự trừng phạt mình, tự rời bỏ căn phòng của mình và lại lần nữa rơi vào tình cảnh khó khăn này.
Nhưng thôi, quỷ tha ma bắt chúng đi! Tôi không ngửa tay xin những đồng curon ấy, và chúng cũng chẳng ở trong tay tôi lâu. Liền sau đó tôi đưa chúng cho người khác, tôi trả tiền nhà cho những người xa lạ mà tôi sẽ chẳng bao giờ thấy lại. Tôi là người thế đấy, khi cần, có thể cho tới đồng xu cuối cùng. Nếu Ilaialy đúng là người như tôi tưởng, nàng sẽ không hối hận rằng đã gửi tiền cho tôi. Thế thì còn băn khoăn gì nữa? Điều ít nhất nàng có thể làm được là thỉnh thoảng gửi cho tôi mười curon. Vì cô gái tội nghiệp này yêu tôi mà, thậm chí yêu một cách tuyệt vọng. Hồi lâu tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ này. Không nghi ngờ gì nữa - nàng yêu tôi, tội nghiệp...
Năm giờ. Cơn kích thích thần kinh đã lắng, đầu tôi lại bắt đầu trống rỗng, chỉ còn tiếng ù ù trong đó. Tôi nhìn vào khoảng không bằng đôi mắt đờ đẫn và không hiểu sao lại nhìn thấy một hiệu thuốc trước mặt. Cơn đói tiếp tục cấu xé, làm tôi vô cùng khổ sở. Tôi cứ ngồi như thế, trân trân nhìn phía trước. Dần dần tôi nhìn thấy một hình người. Hình người ấy cứ rõ dần và cuối cùng tôi nhận ra đó là người đàn bà bán bánh rán bên hiệu thuốc.
Tôi hít thở thật sâu, ưỡn thẳng lưng trên ghế và bắt đầu nhớ lại. Vâng, tất nhiên đó chính là bà bán bánh rán lần trước, với cái bàn bánh ấy và vẫn ngồi ở chỗ ấy. Tôi huýt sáo mấy lần, bật ngón tay rồi đứng dậy khỏi ghế, đi về phía hiệu thuốc.
Khi lại gần, tôi nhìn bà ta một chốc rồi ngồi xuống cạnh. Tôi mỉm cười, gật đầu với bà ta như người quen.
- Chào bà, - tôi nói. - Chắc bà không nhận ra tôi nhỉ?
- Không, - bà bán bánh thong thả đáp rồi đưa mắt nhìn tôi.
Tôi mỉm cười còn niềm nở hơn, như thể bà ta đang đùa, giả vờ không nhận ra tôi. Rồi tôi lại nói:
- Chẳng nhẽ bà không nhớ tôi, người cách đây không lâu đã đưa cho bà mấy curon. Hình như hôm ấy tôi chẳng nói gì cả, chẳng nói một lời nào, tôi vẫn có thói quen như vậy. Khi tiếp xúc với người tử tế, chẳng cần đặt điều kiện hay mặc cả với nhau những điều vặt vãnh làm gì. Hề, hề! Tôi đúng là người đưa tiền cho bà đấy.
- Vâng, chính ông! Bây giờ thì tôi nhận ra...
Trước khi bà ta kịp cảm ơn, tôi đưa mắt chọn một chiếc ngon nhất và nói:
- Hôm nay tôi tới đây để lấy bánh.
Bà ta tỏ vẻ không hiểu.
- Để lấy bánh, - tôi nhắc lại. - Hôm nay tôi tới lấy bánh. Lúc đầu tôi chỉ lấy một ít thôi. Lấy cả một lúc không hết.
- Ông đến đây lấy bánh?
- Vâng, đúng thế! - Tôi vừa nói vừa cười to, như thể đáng lẽ ngay từ đầu bà ta phải hiểu ra điều đó.
Tôi đưa tay lấy một chiếc bánh rán to như bánh mì và bắt đầu ăn.
Thấy thế, bà kia nhảy chồm ra định cướp lại chiếc bánh, muốn tỏ cho tôi thấy rằng bà ta không cần biết gì đến việc hôm nay tôi đến đây, và nhất là với ý định lấy bánh của bà ta.
- Bà không đồng ý ư? - Tôi hỏi. - Thật bà không đồng ý ư? Thế thì buồn cười thật đấy! Không lẽ xưa nay từng có người cho bà một đống tiền mà không đòi lại cái gì? Không à? Bà thấy chưa? Mà bà thì biết đâu lại chẳng nghĩ rằng đó là tiền ăn cắp nên tôi mới cho bà một cách dễ dàng như vậy! Không? Bà không nghĩ? Thế thì tốt. Bà xem tôi là người tử tế như thế là rất tốt. Ha, ha! Đúng bà là một người tốt thật!
- Nhưng sao ông lại đưa số tiền ấy cho tôi? - Bà ta kêu to phẫn nộ.
Tôi giải thích vì sao tôi đưa tiền cho bà ta, giải thích một cách bình tĩnh và có sức thuyết phục: rằng tôi vẫn có cái thói quen ấy, rằng tôi rất tin người... Rằng nếu ai đấy chìa cho tôi một tấm kì phiếu hay một tờ giấy biên nhận, bao giờ tôi cũng lắc đầu nói: "Thôi, thôi, không cần". Thề có Chúa làm chứng, tôi là người thế đấy.
Nhưng bà bán hàng không chịu hiểu tôi.
Tôi bèn quay sang giải thích theo cách khác. Tôi nói một cách nghiêm túc, không đùa cợt chút nào: Lẽ nào từ trước tới nay chưa ai trả tiền trước cho bà như tôi? - Tôi hỏi. - Ấy là tôi muốn nói tới những người giàu có, như quan tổng lãnh sự chẳng hạn. Chưa à? Thôi được, một khi bà chưa quen với lối trả tiền trước ấy thì cũng đành chịu. Nhưng ở nước ngoài người ta hay làm thế. Chắc bà chưa ra nước ngoài bao giờ chứ gì? Chưa? Đấy, tôi biết ngay mà! Vậy thì khó nói chuyện với bà lắm.
Tôi lại nhón tay lấy mấy chiếc bánh nữa. Bà ta lồng lên tức giận, không chịu nhường cho tôi dù chỉ một phần nhỏ số bánh bà ta đang có, thậm chí còn cướp lại của tôi một chiếc, đặt vào chỗ cũ. Tôi cáu quá, đấm mạnh xuống bàn và doạ gọi cảnh sát. Đấy là tôi còn thương bà, tôi nói, vì nếu muốn, tôi có thể làm bà mất vốn bằng cách lấy hết chỗ bánh này để trừ số tiền lớn trước đấy tôi đưa cho bà. Nhưng hôm nay tôi không định lấy hết, chỉ lấy một nửa thôi. Sau đó bà sẽ không bao giờ nhìn thấy tôi nữa. Thề có Chúa làm chứng, bà là người thế này thì tôi không muốn gặp lại chút nào...
Cuối cùng, bà ta chọn cho tôi mấy chiếc bánh, bốn hay năm chiếc gì đó, với cái giá còn hơn cắt cổ, bắt tôi cầm lấy và đi cho khuất mắt. Nhưng tôi vẫn tiếp tục tranh cãi, cố chứng minh rằng bà ta vẫn còn nợ tôi ít nhất một curon, đấy là chưa kể việc bắt tôi phải trả theo cái giá ăn cướp như vậy.
- Bà không biết những việc thế này có thể bị trừng trị theo pháp luật à? - Tôi nói. - Lạy Chúa, có thể bị tù chung thân đấy, bà già ngu ngốc ạ.
Bà ta ném thêm cho tôi một chiếc nữa rồi nghiến răng yêu cầu để bà ta yên.
Tôi bỏ đi.
Chà, một mụ lá mặt lá trái hiếm có! Tôi đi tắt qua quảng trường, vừa đi vừa to tiếng chửi bới bà bán hàng cùng sự trâng tráo của bà ta. Nhớ lại cuộc nói chuyện vừa rồi tôi thấy tôi tốt hơn bà ta rất nhiều. Trước con mắt của tất cả mọi người, tôi nhồm nhoàm nhai bánh và không ngớt nói to thành tiếng với chính mình.
Những chiếc bánh rán ngon lành thi nhau biến mất. n bao nhiêu vẫn thấy thèm. Quả là tôi bị đói ghê gớm. Ôi, lạy Chúa, sao tôi ăn mãi không sao? Đang cơn háu ăn ghê gớm, suýt nữa tôi ăn nốt chiếc bánh cuối cùng mà ngay từ đầu tôi quyết định để dành cho cậu bé ở phố Vogmansgaten, cái cậu bị lão râu hung từ tầng hai nhổ nước bọt xuống đầu. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến nó. Tôi không sao quên được khuôn mặt nó khi nó nhảy chồm dậy, ngước nhìn lên, khóc và nguyền rủa. Khi bị nhổ nước bọt vào đầu, nó quay sang nhìn cửa sổ phòng tôi, xem tôi có cười không. Tội nghiệp. Không hiểu tôi có tìm thấy nó không. Tôi vội vàng đi tới Vogmansgaten, ngang qua chỗ trước đấy tôi xé vở kịch, bây giờ vẫn còn các mẩu giấy vụn. Tôi cố tình né tránh người cảnh sát cách đây không lâu đã phải ngạc nhiên vì cách cư xử của tôi. Cuối cùng, tôi đến bên cánh cửa nơi buổi sáng đứa bé ngồi chơi.
Không thấy nó đâu. Cả phố hầu như vắng tanh. Đã nhập nhoạng tối mà tôi vẫn không tìm được thằng bé. Chắc nó ở trong nhà. Tôi cẩn thận đặt chiếc bánh xuống bậc cửa, gõ mạnh vào cửa rồi bỏ chạy. "Tất nhiên nó sẽ nhìn thấy chiếc bánh, - tôi nghĩ. - Mở cửa ra, nó sẽ thấy ngay!" Rồi vui mừng với ý nghĩ rằng thằng bé có bánh ăn, nước mắt tôi chảy ra, giàn giụa trên má.
Tôi ra cảng.
Bây giờ không đói nữa, nhưng vị ngọt của bánh rán làm tôi buồn nôn. Trong đầu tôi lại lởn vởn đủ các ý nghĩ kì quái nhất: hay mình thử cắt các dây đang buộc những con tàu kia vào bờ xem sao? Sẽ thế nào nếu mình kêu to: "Cháy! Cháy!". Tôi đi tiếp theo bờ cảng, tìm thấy một chiếc hòm, ngồi xuống bắt chéo hai tay trước ngực và cảm thấy đầu óc mỗi lúc một lẫn lộn. Tôi ngồi yên, không dám động đậy vì sợ ngã xuống biển.
Đưa mắt nhìn con tàu "Kôpegôrô" mang cờ nước Nga, tôi thấy có người nào đó đang ngồi cạnh tay vịn. Những chiếc đèn đỏ mạn trái tàu soi rõ mặt ông ta. Tôi đứng dậy, bắt chuyện. Nói chung tôi không hề có ý định bắt chuyện với người này, cũng chẳng muốn ông ta cho biết điều gì, ấy thế mà tôi vẫn hỏi:
- Tàu ông đêm nay rời bến phải không, ông thuyền trưởng?
- Vâng, chốc nữa thôi, - ông ta đáp.
Ông ta nói bằng tiếng Thuỵ Điển.
"Một người Phần Lan!" - tôi nghĩ.
- Hừm, thế ông có cần thuỷ thủ không?
Lúc ấy tôi hoàn toàn thờ ơ với việc ông ta đáp có hay không. Câu trả lời của ông ta không liên quan gì tới tôi. Nhưng tôi vẫn chờ được trả lời.
- Không. Thuỷ thủ thì không, nhưng một cậu thiếu niên giúp việc thì có thể.
Người giúp việc! Tôi rùng mình, vô tình cởi kính giấu vào túi rồi theo cầu thang bước lên boong tàu.
- Tôi chưa có dịp đi biển, nhưng có thể làm bất kì việc gì ông muốn, - tôi nói. - Tàu của ông đi đâu?
- Lúc đầu tới Lids, ở đó chúng tôi lấy than và sẽ đi tiếp tới Cadix.
- Không sao, - tôi nói và bắt đầu năn nỉ ông ta nhận tôi lên tàu. - Đối với tôi, đi đâu cũng được. Tôi sẽ làm việc một cách tích cực.
Ông ta nhìn tôi một lúc, vẻ cân nhắc điều gì.
- Anh nói anh chưa bao giờ đi biển?
- Vâng. Nhưng xin ông cứ giao việc cho tôi, bất cứ việc gì, tôi sẽ làm được hết. Tôi chịu khổ và vất vả quen rồi.
Ông ta lại tỏ ra lưỡng lự. Mà tôi thì đã quen với ý nghĩ sẽ được nhận nên rất sợ bị từ chối.
- Thế nào, ông thuyền trưởng? - Cuối cùng tôi hỏi. - Xin hãy tin tôi, tôi sẵn sàng làm mọi việc. Vâng, chắc chắn như thế ạ. Tôi chỉ là thằng khốn nạn nếu không cố làm việc tốt để chiều ông. Nếu cần, tôi có thể làm hai ca liên tục. Làm việc nhiều chỉ có lợi cho tôi, vả lại tôi thích các công việc nặng nhọc.
- Thôi được, tôi nhận, - ông thuyền trưởng mỉm cười khi nghe tôi nói câu cuối cùng. - Nếu có chuyện gì, tới nước Anh ta chia tay nhau cũng chưa muộn.
- Tất nhiên! Tất nhiên! - Tôi sung sướng kêu lên, rồi nhắc lại lời ông, rằng nếu có chuyện gì, tới nước Anh chúng tôi sẽ chia tay nhau.
Và ông thuyền trưởng nhận tôi lên tàu...
Khi tàu rời bến, tôi đứng thẳng lưng, người ướt đẫm mồ hôi vì yếu mệt và hồi hộp. Tôi nhìn lên bờ, và thế là cuối cùng tôi từ biệt thành phố Christiania với trăm nghìn ô cửa sổ đã được thắp sáng.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói