Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Thị Sát Bê–Tông, Hay Man Rợ, Huyền Bí, Chán Ngắt
rong ba tuần, đêm nào chúng tôi cũng biểu diễn trong những hầm pháo đáng kính của Metz, từ lâu vốn là một thành phố đồn trú và đã từng một thời là tiền đồn La Mã. Chúng tôi tiếp tục vẫn chương trình ấy trong hai tuần ở Nancy. Châlons-trên-sông-Marne đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt một tuần. Dăm ba câu tiếng Pháp đã bắt đầu líu ríu trên môi Oskar. Tại Reims, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng tác hại của Thế Chiến I. Bầy thú bằng đá của ngôi nhà thờ nổi tiếng thế giới, buồn nôn vì nhân loại, không ngừng khạc nước trên nền đá lát xung quanh, có nghĩa là ở Reims mưa suốt ngày, kể cả ban đêm. Ngược lại, chặng tiếp theo, chúng tôi gặp ở Paris một tháng chín dịu êm và lộng lảy. Suốt buổi sinh nhật lần thứ mười tám của tôi, tôi khoác tay Roswitha dạo trên các bến tàu. Mặc dầu đã biết Paris qua các bưu ảnh của thượng sĩ Fritz Truczinski, tôi không hề thất vọng. Khi Roswitha và tôi - nàng cao chín mươi tám phân, hơn tôi gần năm phân - lần đầu tiên đứng dưới chân Tháp Eiffel ngước nhìn lên, chúng tôi - lại cũng lần đầu tiên - giác ngộ ra tầm lớn lao và sự độc đáo của mình. Đến đâu chúng tôi cũng hôn nhau, nhưng cái đó là chuyện bình thường ở Paris.
Tuyệt diệu thay những giờ khắc kề cận với Nghệ thuật và Lịch sử! Vẫn khoác tay Roswitha, tôi đi thăm Dôme des Ivalides [1], lòng nghĩ tới vị hoàng đế vĩ đại và cảm thấy rất gần gũi với ông vì mặc dù vĩ đại, ông không hề cao lớn. Nhớ lại khi đứng trước mộ Frederick Đại Đế (cả ông này nữa cũng chả phải là hộ pháp), Napoléon đã nói: "Nếu ông còn sống thì chúng ta ắt đã chẳng đứng đây được", tôi âu yếm thì thầm vào tai Roswitha: "Nếu gã người Corse [2] còn sống thì chúng tạ ắt đã chẳng đến đây được mà hôn nhau dưới những cây cầu, trên những bến tàu, sur le trottoir de Paris [3]".
Với sự cộng tác của mấy nhóm khác, chúng tôi dựng những chương trình đồ sộ ở Salle Pleyel và Nhà hát Sarah Bernharrdt. Oskar nhanh chóng làm quen với phong cách sân khấu của thành phố lớn này, hoàn thiện bảng tiết mục của mình, tự điều chỉnh để thích ứng với thị hiếu khắt khe của quân chiếm đóng Paris. Tôi không phung phí âm lực tuyệt xảo của mình vào những chai bia Đức tầm thường nữa; tại đây, thành phố ánh sáng, tôi đập tan những chiếc bình mỹ lệ vô giá, những chiếc bát đựng hoa quả bằng thuỷ tinh thổi mỏng tang lấy từ những lâu đài Pháp. Tiết mục của tôi đi theo tuyến lịch sử, bắt đầu bằng những đồ thuỷ tinh thời Louis XIV và, cũng giống như bản thân lịch sử, tiếp tục với đồ thuỷ tinh thời Louis XV. Với nhiệt tình cách mạng, tôi tấn công những cốc tách của ông vua Louis XVI bất hạnh cùng bà vợ không đầu Marie Antoinette của ông. Cuối cùng, sau khi láng cháng qua Louis Philippe, tôi chuyển trận địa sang những sản phẩm tân kỳ của ngành thuỷ tinh Đệ Tam Cộng Hoà.
Dĩ nhiên, ý nghĩa lịch sử hàm chứa trong sự trình diễn của tôi nằm ngoài tầm nhận thức của đám công chúng mặc đồng phục màu xám dã chiến ngồi ở sau khoang dàn nhạc và bao lơn; họ hoan hô những mảnh vỡ tôi gây ra như những mảnh vỡ thông thường; nhưng thi thoảng cũng có những sĩ quan tham mưu hoặc ký giả của Reich thưởng thức được ý thức lịch sử sắc bén của tôi. Một nhân vật có vẻ học giả mặc quân phục ca ngợi nghệ thuật của tôi sau một gala trình diễn phục vụ Kommandantur (Bộ tư lệnh). Oskar đặc biệt tri ân tay phóng viên của một tờ báo Đức quan trọng, chuyên gia về các vấn đề Pháp, đã kín đáo lưu ý tôi đến mấy lỗi nhỏ, nếu không muốn gọi là thiếu nhất quán về phong cách, trong chương trình của tôi.
Chúng tôi qua cả mùa đông ở Paris. Họ xếp chúng tôi ở những khách sạn hạng nhất và tôi sẽ không chối cãi rằng suốt mùa đông, Roswitha đã cùng tôi tìm hiểu chất lượng tuyệt hảo của các loại giường Pháp. Oskar có hạnh phúc ỏ Paris không? Gã có quên những người thân - Marla, Matzerath, Gretchen và Alexander - ở bên nhà không? Oskar có quên thằng con trai Kurt và bà ngoại Anna KoỊjaiczek không?
Tôi không quên họ, nhưng tôi cũng chẳng cảm thấy nhớ ai thật sự. Tôi không gửi tấm bưu ảnh quân đội nào về nhà, biệt vô âm tín; ngược lại, tôi cho họ cơ hội sống trọn một năm không có mặt tôi. Từ lúc ra đi, tôi đã quyết tâm trở lại, do vậy tôi vẫn muốn biết họ xoay sở ra sao trong khi tôi vắng nhà. Trên đường phố hoặc trong các buổi biểu diễn, đôi khi tôi rà soát những khuôn mặt lính để tìm những nét quen thuộc. Có thể, Oskar suy đoán, Fritz Truczinski hay Axel Mischke đã được chuyển từ Mặt trận phía Đông về đây cũng nên, và một vài lần, gã ngỡ đã nhận ra người anh ruột điển trai của Maria giữa một đám bộ binh, nhưng không phải: cái màu xám đã chiến dễ làm người ta nhầm lẫn.
Chỉ có Tháp Eiffel là làm tôi nhớ nhà. Xin đừng tưởng rằng tôi trèo lên đỉnh và viễn cảnh trải ra trước mắt khiến tôi mơ về cố quốc. Oskar đã lên Tháp Eiffel trong ý nghĩ và trên bưu ảnh thường xuyên đến nỗi một cuộc leo tháp thực sự chỉ có thể làm gã thất vọng mà thôi. Đối với tôi, những lúc đứng hay ngồi ở chân Tháp Eiffel, không có Roswitha ở bên, một mình dưới những dầm thép vút lên của công trình xây dựng tiền phong, thì cái vòm lớn tựa hồ khép kín mặc dù khắp bốn xung quanh là những khoảng không ấy, trở thành cái vòm chở che của bà ngoại tôi: ngồi dưới Tháp Eiffel là ngồi dưới bốn tầng váy của bà, Champ de Mars (Đồng Tháng Ba) biến thành một cánh đồng khoai tây Kashubes, những giọt mưa tháng mười Paris chênh chếch rơi hoài bất tận giữa Bissau và Ramkau, và vào những ngày như thế, cả thành phố Paris, thậm chí cả dưới đường xe điện ngầm, đều khăn khẳn mùi bơ. Tôi đâm trầm lặng và đăm chiêu. Những lúc ấy, Roswitha tôn trọng nỗi buồn của tôi và tỏ ra chăm chút rất ân cần; nàng vốn là một tâm hồn nhạy cảm.
Tháng tư năm 1944 - thông cáo từ khắp các mặt trận cho biết các tuyến của quân ta rút ngắn lại một cách mỹ mãn - chúng tôi phải thu xếp hành trang rời Paris để đi diễn lưu động dọc Phòng tuyến Đại Tây Dương. Chặng dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Le Havre. Tôi cảm thấy Bebra trở nên lầm lì và lơ đãng. Mặc dầu trong những buổi biểu diễn, ông vẫn tỏ ra đầy bản lĩnh và làm cho khán giả cười thoải mái, nhưng hễ màn cuối vừa buông xuống là gương mặt Narses trăm tuổi của ông lại như biến thành đá. Thoạt đầu, tôi tưởng là ông ghen hoặc tệ hơn thế, đã đầu hàng trước sức thanh xuân của tôi. Những lời thì thầm của Roswitha khiến tôi vỡ nhẽ; nàng không biết đích xác chuyện gì đang diễn ra nhưng nàng đã để ý thấy là sau mỗi cuộc biểu diễn, Bebra thường đóng kín cửa gặp một số sĩ quan. Xem vẻ như ông thày tôi đã dứt ra khỏi cuộc di trú nội tâm và, kích thích bởi dòng máu của ông tổ Hoàng tử Eugene, đang dự định làm một hành động trực tiếp nào đó. Những kế hoạch của ông đã cuốn ông đi xa biệt chúng tôi, đã khiến ông đắm trong những bận tâm rộng lớn đến nỗi việc Oskar dan díu với bồ cũ Roswitha của ông chỉ gợi lên môt nụ cười mệt mỏi trên khuôn mặt đầy nếp nhăn. Một hôm ở Trouville - người ta xếp chúng tôi ở khách sạn Kursaal - ông bắt gặp chúng tôi quấn chặt lấy nhau trên tấm thảm phòng hoá trang chung cho cả ba. Chúng tôi đã toan rời nhau ra thì ông xua tay ra ý không cần phải thế và nói với tấm gương hóa trang của mình: "Cứ vui vẻ đi, các con, ghì nhau đi, hôn nhau đi, ngày mai chúng ta sẽ thị sát bê-tông và ngày kia, sẽ chỉ có bê-tông ở giữa môi các con thôi. Hãy tận hưởng những nụ hôn khi còn có thể."
Đó là vào tháng 6/1944. Khi ấy, chúng tôi đã tua khắp Phòng tuyến Đại Tây Dương, từ Vịnh Biscay đến Hà Lan, nhưng phần lớn thời gian, chúng tôi ở trong nội địa, nên ít được thấy những công sự phòng thủ trứ danh. Mãi khi tới Trouville, chúng tôi mới biểu diễn trực tiếp ngoài bờ biển. Tại đây, chúng tôi được mời tham quan Phòng tuyến Đại Tây Dương. Bebra nhận lời. Sau buổi biểu diễn cuối cùng ở Trouville, người ta cho xe đưa chúng tôi đến làng Bavent gần Caen, cách những cồn cát ven biển khoảng bốn cây số. Chủng tôi được xếp ở nhà những nông dân. Đồng cỏ, hàng rào, vườn táo. Đây chính là nơi chưng cất loại rượu táo gọi là calvados. Chúng tôi uống calvados rồi đi ngủ. Không khí trong lành lọt vào qua cửa sổ, và một cái ao đầy ếch ộp oạp cho tới sáng. Có mấy con là những tay trống cừ. Tôi nghe chúng trong giấc ngủ và tôi tự nhủ: "Oskar, mày phải về nhà thôi, con trai Kurt của mày sắp ba tuổi rồi, mày phải cho nó cái trống mày đã hứa." Bị dằn vặt như vậy, Oskar, người cha đau khổ, thức giấc từng giờ, đưa tay mò mẫm trong bóng tối để biết chắc rằng Roswitha vẫn đó, hít cái mùi của nàng; Roswitha thoang thảng mùi quế, mùi đinh hương giã nhỏ và mùi hạt hồi; cái mùi gia vị tiền-Giáng sinh đó vẫn lưu lại ở nàng cả trong mùa hè.
Buổi sáng, một chiếc xe tải bọc thép đến trại. Chúng tôi đứng ở cổng, chuyện gẫu trong gió biển; sáng sớm, trời lạnh bọn tôi đều hơi run rẩy. Chúng tôi lên xe: Bebra, Roswitha, Felix và Kitty, Oskar và một trung uý tên là Herzog đưa chúng tôi đến khẩu đội của anh ta ở phía tây Cabourg.
Nói rằng miền Normandie xanh rờn là không đếm xỉa đến những con bò lốm đốm nâu-trắng đang nhai lại trên những cánh đồng mờ mờ, ướt sương dọc theo hai bên xa lộ thắng tắp. Chúng chào đón chiếc xe bọc thép của bọn tôi một cách dửng dưng đến nỗi, giá như không được sơn ngụy trang từ trước, thì lớp vỏ thép ắt phải đỏ mặt vì xấu hổ. Những hàng dương, những bờ rào, những cây leo, những khách sạn bãi biển đầu tiên, đồ sộ mà trống rỗng, với những cánh cửa sổ lách cách trước gió. Chúng tôi rẽ vào con đường di dạo ven biển, xuống xe và hì hụi đi theo viên trung uý (tay này biểu lộ với đại uý Bebra một vẻ kính trọng chiếu cố tuy đúng quy cách nhà binh) qua những cồn cát, ngược một con gió đầy cát và bụi sóng.
Đây không phải là biển Baltic xanh mướt, dịu dàng, thổn thức như một cô gái ủy mị, chờ đón tôi. Đây là Đại Tây Dương đang tiếp tục cuộc thao diễn vĩnh hằng của nó - tiến công lúc triều lên và rút lui khi triều xuống.
Và đây, bê-tông ở ngay gần kề. Chúng tôi có thể ngắm nó, thậm chí vuốt ve nó thoả thích; nó trơ trơ, không động đậy. "Nghiêm!" ai đó ở trong khối bê-tông hô. Và người đó, cao như cái sào, nhảy ra từ cái công sự phòng thủ có hình dáng một con rùa bèn bẹt, nằm giữa những cồn cát, được đặt tên là "Dora-7", đang chĩa những lỗ châu mai, những khe ngắm và những nòng súng máy về phía thuỷ triều lên xuống. Đó là trung sĩ Lankes đến báo cáo trung uý Herzog và đại uý Bebra.
LANKES (chào): Dora 7, một trung sĩ và bốn binh nhì. Tình hình không có gì đặc biệt.
HERZOG: Cảm ơn. Nghỉ, trung sĩ Lankes. Ngài có nghe thấy không, đại uý Bebra? Không có gì đặc biệt. Cứ thế đã hàng năm rồi.
BEBRA: Vẫn có thuỷ triều lên lên xuống xuống đấy thôi. Sự đóng góp của thiên nhiên mà.
HERZOG: Đó chính là cái làm người của chúng ta bận rộn. Chính vì thế mà chúng ta đi xây dựng hết công sự này đến công sự khác đến nỗi cái nọ nằm trong phạm vi hoả lực của cái kia. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải phá đi một số để có chỗ xây bê-tông mới.
BEBRA (gõ gõ lên bê-tông, các thành viên trong đoàn làm theo): Và ông tin tưởng ở bê-tông?
HERZOG: Tin tưởng không phải là từ chinh xác. Chúng ta không còn tin tưởng nhiều vào bất cứ điều gì nữa. Anh thấy thế nào, Lankes?
LANKES: Đúng, thưa ngài. Không còn niềm tin nữa.
BEBRA: Nhưng họ vẫn trộn, vẫn đổ.
HERZOG: Nói riêng với nhau, thưa đại uý, chúng ta đang thu được những kinh nghiệm quý báu. Trước khi đến đây, tôi chưa bao giờ xây dựng cái gì. Khi chiến tranh bắt đầu, tôi còn đang đi học. Giờ đây, tôi đã học được một đôi điều về xi-măng và tôi hy vọng có thể đem áp dụng sau chiến tranh, cả nước Đức rồi đây sẽ phải xây dựng lại. Hãy nhìn kỹ chỗ bê-tông này (Bebra và đoàn của ông dí mũi vào đó). Các vị thấy gì nào? Vỏ sò, vỏ ốc, vỏ hà. Chúng ta có tất cả những gì chúng ta cần ngay trước cửa nhà. Chỉ cần nhặt lấy và nhào trộn. Đá, vỏ sò, vỏ hến, vỏ hà, cát, xi-măng... Tôi có thể kể thêm gì nữa, thưa đại uý, ngài là một nghệ sĩ, ngài thừa biết thế nào đấy. Lankes, hãy nói cho đại uý hay chúng ta trộn những gì vào xi-măng.
LANKES: Vâng thưa ngài, tôi sẽ trình ngài đại uý. Chó con, thưa ngài. Trong mỗi công sự của chúng tôi, có một con chó con. Chôn dưới móng.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Một con chó con?
LANKES: Chẳng bao lâu, sẽ không còn chú chó con nào trong khắp vùng từ Caen đến Le Havrẹ.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Không còn chó con nữa!
LANKES: Bọn tôi làm việc rất năng nổ.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Năng nổ!
LANKES: Chẳng bao lâu, chúng tôi sẽ phải dùng đến mèo con.
CẢ ĐOÀN- CỦA BEBRA: meeooo!
LAKTKES: Nhưng mèo không tốt bằng chó. Chính vì thế mà chúng tôi hy vọng sắp có chiến sự ở nơi đây.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBBA: Cuộc trình diễn lớn! (Họ vỗ tay).
LANKES: Bọn tôi diễn tập đủ rồi. Và nếu bọn tôi hết chó con...
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Ôi!
LANKES:... chúng tôi sẽ phải ngừng xây dựng. Mèo là điềm gở.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Meeooo! Meeooo!
LANKES: Nếu ngài đại uý muốn tôi giải thích ngắn gọn tại sao chúng tôi bỏ chó con...
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: chó con!
LANKES: Cá nhân tôi cho đó là chuyện tào lao...
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Thật xấu hổ!
LANKES: Nhưng lính của tôi ở đây phần lớn là dân quê. Và ở nông thôn, khi xây nhà ở hoặc kho lúa hoặc nhà thờ làng, người ta có tục lệ là bỏ một cái gì còn sống vào móng... và...
HERZOG: Thôi đủ rồi, Lankes. Nghỉ. Như ngài vừa nghe đó, trên Phòng tuyến Đại Tây Dương này, chúng tôi đâm mê tín dị đoan mất rồi. Cũng giống như trong giới sân khấu cảc vị, người ta kiêng huýt gió trước đêm công diễn, hoặc phải nhổ nước miếng qua vai trước khi mở màn...
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Phì-phì-phì! (Nhổ qua vai nhau).
HERZOG: Nhưng thôi không nói đùa, cũng phải để quân ta vui vẻ một chút chứ. Gần đây, họ bắt đầu trang trí các cửa hầm phòng thủ bằng những hoa văn bê-tông ngẫu hứng hoặc những môzaic-vỏ-sò-vỏ- ốc, và cấp trên đã bỏ qua. Lính ta thích có việc để bận bịu mà. Những cái dùi xoắn bằng bê-tông làm sĩ quan chỉ huy của chúng tôi khó chịu nhưng tôi nói với ông. Thưa ngài, dùi xoắn xiên vào bê-tông còn hơn là vào đầu. Người Đức chúng ta không giỏi ngồi nhàn tản. Đó là một thực tế.
BEBRA: Và cả chúng tôi nữa, chúng tôi cũng góp phần giải trí cho quân ta trên Phòng tuyến Đại Tây Dương.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Đoàn văn công tiền tuyến của Bebra hát phục vụ các bạn, diễn phục vụ các bạn, nâng cao tinh thần các bạn vì thắng lợi cuối cùng!
HERZOG: Vâng, quan điểm của các vị là đúng. Nhưng chỉ văn công thì không đủ. Phần lớn thời gian, chúng tôi chỉ biết trông cậy vào bản thân và chúng tôi phải xoay sở hết sức mình. Tôi nói có đúng không, Lankes?
LANKES: Đúng, thưa ngài. Chúng tôi xoay sở hết sức mình.
HERZOG: Ngài thấy đấy. Và nếu ngài bỏ quá cho, thì bây giờ tôi phải chạy qua chỗ Dora-4 và Dora-5. Xin cứ thư thả, hãy xem kỹ công sự bê-tông của chúng tôi. Nó cũng đáng xem đấy. Lankes sẽ chỉ dẫn cho các vị tất cả.
LANKES: Vâng, tất cả, thưa ngài.
(Herzog và Bebra chào nhau theo kiểu nhà binh. Herzog ra phía tay phải. Roswitha, Oskar, Fritz và Kitty, từ nãy vẫn đứng đẳng sau Bebra, giờ bước lên. Oskar mang trống, Roswitha xách một giỏ thức ăn. Felix và Kitty leo lên mái bê-tông của lô-cốt và bắt đầu tập nhào lộn. Oskar và Roswitha chơi với những cái xô và xẻng, chơi yô-yô, tỏ rõ là đang yêu nhau và trêu chọc Felix và Kitty)
BEBEA (mệt mỏi, sau khi xem xét lô-cốt từ khắp phía): Này, trung sĩ Lankes, hồi còn là dân thường, anh bạn làm gì?
LANKES: Vẽ sơn, thưa ngài, nhưng đã từ lâu rồi.
BEBBA: Có nghĩa là sơn nhà cửa?
LANKES: Sơn nhà cửa cũng có, nhưng chủ yếu là vẽ tranh.
BEBBA: Chà chà! Anh muốn nói là anh đua tài với Rembrandt vĩ đại hoặc có thể là Velasquez?
LANKES: Đại khái là ở quãng giữa hai người đó.
BEBRA: Chu cha! Vậy thì tại sao anh lại đi nhào trộn và đổ bê-tông, và canh giữ bê-tông? Chỗ của anh là ở Cục Tuyên Truyền mới phải. Chao, chúng ta đang cần những họa sĩ chiến tranh.
LANKES: Đó không phải khuynh hướng của tồi. Tranh của tôi quá chênh so vói "gu" bây giờ. Nhưng nếu ngài đại úy có một diếu thuốc lá...
(BEBRA đưa cho anh ta một điếu thuốc lá)
BEBRA: Quá chênh? Ý anh muốn nói là hiện đại?
LANKES: Ngài hiểu hiện đại là thế nào? Dù sao đi nữa, trước khi người ta đưa bê-tông lên ngôi, thì chênh đã từng một thời là hiện đại.
BEBRA: Ra thế!
LANKES: Vâng.
BEBRA: Tôi chắc anh trát màu khá dày. Anh dùng bay?
LANKES: Vâng, cách đó tôi cũng có làm. Tôi ấn cả ngón tay cái vào, cứ như tự động ấy, tôi cho cả đinh và khuy vào, và trước năm 1933, có dạo tôi đã gắn dây thép gai lên thần sa. Có nhiều hài báo khen. Hiện những cái đó thuộc một bộ sưu tập tư nhân ở Thụy Sĩ. Tay này làm xà-phòng.
BEBRA: Ôi, cuộc chiến tranh này! Cuộc chiến tranh gớm ghiếc này! Và bây giờ anh bạn đi đổ bê- tông! Bán rẻ thiên tài của mình để xây công sự! Đành rằng ở thời mình, Leonardo và Michelangelo cũng làm như vậy: thiết kế máy quân sự và công sự khi không có ai đặt vẽ hình Đức Mẹ.
LANKES: Ngài thấy đấy! Bao giờ cũng có một cái gì trái khoáy. Mọi nghệ sĩ đích thực đều phải tự thể hiện mình. Nếu ngài hạ cố nhìn những trang trí bên trên cửa vào lô-cốt, đó là do tôi làm.
BEBRA (sau khi xem xét kỹ): Kỳ diệu! Hình thức mới phong phú làm sao! Sức biểu hiện mạnh mẽ làm sao!
LANKES: Tôi gọi đó là hình thể cấu trúc.
BEBRA: Thế sáng tác của bạn, bức tranh, hay đúng hơn, bức phù điêu này, có tên không?
LANKES: Tôi vừa nói với ngài: Hình Thể, hay nếu ngài thích, Hình Thể Chênh. Đó là một phong cách
mới. Trước đây chưa ai làm thế.
BEBRA: Ngay cả thế, bạn vẫn phải đặt cho nó một cái tên để tránh ngộ nhận. Nói cho cùng, đó là tác phẩm của bạn mà.
LAJNKES: Để làm gì ạ? Tên thì ăn nhằm gì? Trừ phi để đưa vào vựng tập khi mình triển lãm.
BEBRA: Lankes, bạn đang điệu bộ đấy. Hãy xem tôi như một người yêu nghệ thuật chứ không phải là một đại uý. Làm điếu thuốc? (LANKES nhận điếu thuốc) Vậy bạn nghĩ thế nào?
LANKES: À, vâng, nếu ngài nói cách ấy. Tôi hình dung như thế này: khi chiến tranh chấm dứt - cách này hay cách khác, một ngày kia nó cũng sẽ chấm dứt - vâng, khi chiến tranh chấm dứt, những lô-cốt này sẽ vẫn còn đây. Những thứ này vốn bền lâu. Và lúc đó sẽ đến thời của tôi... Các thế kỷ... (Anh ta vứt điếu thuốc) Ngài còn thuốc lá không ạ? Cảm ơn, đại uý... các thế kỷ nối nhau trượt trên chúng như không và những lô-cốt này vẫn sừng sững như những Kim Tự Tháp. Rồi một ngày đẹp trời, một tay khảo cổ nào đó sẽ đến đây và tự bảo: giữa Thế chiến I và Thế chiến VII, có cả một khoảng trống nghệ thuật lớn, trống huơ trống hoác! Toàn bê-tông xám xì; đây đó, bên trên một cái cửa lô-cốt, mấy cái hoa văn ngoằn ngoèo, vụng về, "a-ma-tơ", theo kiểu dân gian. Tất cả chỉ có thế. Thế rồi anh ta bỗng phát hiện thấy Dora-5, 6, 7 và trông thấy những Hình Thể Cấu Trúc Chênh của tôi, và anh ta tự nhủ: Kìa, nhìn cái này xem, rất rất lý thú, có thể nói thần diệu, đe dọa mà lại đầy chất trí tuệ sâu sắc. Ở những tác phẩm này, một thiên tài - có lẽ là thiên tài duy nhất của thế kỷ XX - đã tự thể hiện mình một cách rành rọt, kiên quyết và cho mọi thời. Không biết - nhà khảo cổ học của chúng ta tự hỏi - không biết tác phẩm này có tên không nhả? Một chữ ký để ta biết bậc thày đó là ai? Vâng, thưa ngài, nếu ngài nhìn kỹ và nghiêng nghiêng đầu đi một tí, ngài sẽ thấy giữa những Hình Thể Chênh này...
BEBRA: Kính của tôi. Đỡ tôi lên cao chút nữa, Lankes.
LANKES: Vâng, dòng ghi đây này: Herbert Lankes, anno một chín bốn bốn. Tựa đề: man rợ, huyền bí, chán ngắt.
BEBRA: Bạn đã đặt đúng tên cho thế kỷ của chúng ta.
LANKES: Ngài thấy đấy!
BEBRA: Có lẽ, năm trăm năm hay một nghìn năm nữa, khi phục chế lại tác phẩm của bạn, người ta sẽ tìm thấy một ít xương chó con trong bê-tông.
LANKES: Cái đó sẽ chỉ tăng thêm sức mạnh cho đầu đề của tôi.
BEBRA (xúc động): Ôi thời thế, chúng ta là cái gì, bạn thân mến, nếu tác phẩm của chúng ta không... nhưng hãy nhìn Felix và Kitty, các nghệ sĩ nhào lộn của tôi, kìa. Họ đang biểu diễn trên bê-tông.
(Đã một lúc, hai cặp Oskar-Roswitha và Felix- Kitty cứ truyền qua truyền lại một mảnh giấy và luân phiên như viết trên đó)
KITTY (lơ lớ giọng Xăcxông): Thày Bebra, nhìn coi bọn em làm được gì trên bê-tông này (Cô đi bằng hai tay).
FELIX: Trước nay, chưa có ai nhảy lộn nhào trên bê-tông cả (Anh ta lảm cú nhảy lộn nhào hai chiều, cả đằng trước lẫn đằng sau).
KITTY: Chúng ta cần có một sân khấu như thế này.
FELIX: Có điều là quả gió đối với anh.
KITTY: Nhưng không nóng và hôi xì như ở trong rạp chiếu bóng (xoắn người thành một búi).
FELIX: Và chúng tôi vừa làm một bài thơ trên đó.
KITTY: Chúng tôi? Đâu phải. Oskarnello và Roswitha làm đấy chứ.
FELIX: Nhưng chúng mình có giúp đỡ khi họ bí một vần.
KITTY: Còn thiếu có mỗi một chữ là xong.
FELIX: Oskar muốn biết những cái cọc cắm vào cát gọi là gì.
KITTY: Vì chữ đó cần cho bài thơ.
FELIX: Một từ rất quan trọng không thể bỏ qua được.
KITTY: Chắc ông trung sĩ có thể cho chúng tôi biết những cái cọc đó gọi là gì?
FELIX: Có khi ông ấy không được phép nói vì sợ lọt vào tai kẻ địch.
KITTY: Chúng tôi xin hứa sẽ không nói cho ai biết.
FELIX: Đó là vì nghệ thuật.
KITTY: Oskarnello đã loay hoay rất vất vả.
FELIX: Anh ta viết chữ mới đẹp làm sao. Theo mẫu tự Sütterlin.
KITTY: Không biết anh ta học ở đâu ra.
FELIX: Ổ, Oskar là người có học. Anh ta biết đủ mọi thứ, trừ tên gọi của những cái cọc ấy.
LANKES: Tôi sẽ nói cho các bạn biết nếu ngài đại uý không phản đối.
BEBRA: Nhưng có thể đó là tuyệt mật.
FELIX: Nhưng Oskar cần phải biết.
KITTY: Nếu không thi hỏng cả bài thơ.
ROSWITHA: Và tất cả chúng tôi rất tò mò muốn biết.
BEBBA: Anh bạn có thể nói cho chúng tôi hay. Đây là mệnh lệnh.
LANKES: Vậy thì được. Chúng tôi cắm những cọc ấy để phòng thủ chống chiến xa và tàu đổ bộ. Nom chúng giống như măng tây, phải không nào? Vì vậy chúng tôi gọi là măng tây Rommel.
FELIX: Măng tây...
KITTY: Rommel. Có vần không, Oskarnello?
OSKAR: Vần đấy! (Gã viết chữ đó. lên mảnh giấy, đưa bài thơ cho Kitty đang đứng trên nóc lô-cốt. Cô xoắn mình thêm vòng nữa và đọc những dòng dưới đây như một em bé học sinh)
KITTY: TRÊN PHÒNG TUYẾN ĐẠI TÂY DƯƠNG
Trùng trùng súng ống, ngụy trang
"Măng tây Rommel” dăng hàng
Mà mơ giường êm nệm ấm
Cá bơn, gà ninh nhồi nấm
Sống giữa bê-tông, thép gai
Vẫn mơ về chốn lâu đài.
Tay chôn mìn trong hố xí
Lòng mơ lầu son gác tía
Hoa đăng rực rỡ bốn bề
Sơn hào hải vị ê hề
Sống giữa bê-tông, thép gai
Vẫn mơ về chốn lâu đài.
Bao thây sẽ phơi ngập đồng
Bao mẹ già tan nát lòng
Tử thần uy nghi giáp trụ
Cắm thêm chiếc lông trên mũ
Lòng vần ước mơ dài dài
Đời vương giả chốn lâu đài.
(Mọi người vỗ tay, kể cả Lankes)
LANKES: Nước triều đang xuống.
ROSWITHA: Đến giờ điểm tâm rồi. (Vung cái giỏ lớn trang trí bằng ruy-băng và hoa giấy)
KITTY: À phải, một cuộc pích-ních ngoài trời.
FELIX: Thiên nhiên làm ta đói bụng và ăn ngon miệng.
ROSWITHA: Ôi, ăn uống, cái hành động thiêng liêng sẽ đoàn kết các quốc gia chừng nào con người còn ăn điểm tâm!
BEBRA: Ta hãy tiệc tùng trên bê-tông. Hãy đặt những nghi thức của con người trên những nền tảng
vững chắc. (Tất cả, trừ Lankes, trèo lên nóc lô-cốt. Roswitha trải một tấm khăn bàn vải hoa rực rỡ. Từ cải giỏ sâu hun hút như không có đáy. nàng lôi ra những gối nhỏ có ngù và diềm. Người ta giương một chiếc dù màu hồng và xanh nhạt, mở một cái máy hát có loa, phân phát dĩa, thìa, dao, cốc trứng và khăn ăn).
FELIX: Tôi muốn một ít pa-tê gan.
KITTY: Anh đã thử cái món ca-vi-a chúng ta cứu được từ Stalingrad chưa?
OSKAR: Roswitha, cưng không nên phết bơ Đan Mạch dày thế.
BEBRA: Cậu lo giữ eo cho cô ấy như thế là phải.
ROSWITHA: Nhưng nếu em thích cái gì, tức là nó tốt cho em. Ôi! nghĩ đến những cái bánh và kem đánh tơi đám không quân đãi chúng ta ở Copenhagen mà thèm!
BEBRA: Sô-cô-la Hà Lan trong phích vẫn còn nóng và ngon lắm.
KITTY: Tôi rất mê bánh quy giòn Mỹ.
ROSWITHA: Nhưng phải phết chút mứt gừng Nam Phi lên trên mới thật là ngon.
OSKAR: Vừa vừa thôi, Roswitha, tôi xin mình đấy.
ROSWITHA: Còn anh thì sao? Nhìn những miếng thịt bò Anh tổ bố anh đang gắp kìa.
BEBRA: Còn bạn thì sao, trung sĩ thân mến? Tôi có thể mời bạn một lát bánh nho mỏng với mứt mận chăng?
LANKES: Tôi đang làm nhiệm vụ, thưa ngài.
ROSWITHA: Anh ta cần được lệnh chính thức.
KITTY: Phải đấy, thày hãy ra lệnh cho anh ta đi.
BEBEA: Được. Lệnh cho trung sĩ Lankes hãy nhận một lát bánh nho với mứt mận Pháp, một quả trứng Đan Mạch luộc mềm, chút ca-vi-a Xô-viết và một cốc sô-cô-la Hà Lan thứ thiệt.
LANKES: Xin tuân lệnh, ngài đại uý. (Nhập bọn với những người kia trên nóc lô-cốt).
BEBBA: Còn cái gối nào khác cho trung sĩ không nhỉ?
OSKAR: Xin nhường trung sĩ gối của tôi. Tôi sẽ ngồi trên cái trống của mình.
ROSWITHA: Đừng để nhiễm lạnh đấy, cưng. Bê-tông là chúa nguy hiểm mà cưng thì lại không quen.
KITTY: Hay để trung sĩ lấy gối tôi cũng được. Tôi sẽ xoắn nút mình một chút, như thế càng dễ tiêu.
FELIX: Nhưng đừng có ra khỏi khăn bàn kẻo lại ói mật ong ra bê-tông đấy. Chúng ta không được làm hỏng hệ thống phòng thủ (Tất cả cười rộ).
BEBRA: Ôi, không khí biển làm ta sảng khoái!
ROSWITHA: Sảng khoái!
BEBRA: Lồng ngực nở ra.
ROSWITHA: Nở ra!
BEBRA: Trái tim trút bỏ lớp vỏ cứng.
ROSWITHA: Vỏ cứng!
BEBRA: Tâm hồn như tái sinh.
ROSWITHA: Tái sinh!
BEBRA: Tầm mắt bay bổng.
ROSWITHA: Bay bổng!
BEBRA: Bay trên biển, biển mênh mông vô tận... Này, trung sĩ, tôi thấy có gì đó ở mé dưới bãi biển, năm cái bóng.
KITTY: Em cũng nhìn thấy. Với năm cái ô.
FELIX: Sáu.
KITTY: Năm! Một, hai, ba, bốn, năm!
LANKES: Đó là những nữ tu sĩ ở nhà dòng Lisieux. Họ phải di tản cùng với trường mẫu giáo của họ.
KITTY: Tôi chẳng thấy đứa trẻ nào cả. Chỉ thấy năm cái ô.
LANKES: Họ để bọn trẻ lại Bavent. Thỉnh thoảng, khi triều xuống, họ đến đây bắt cua, sò mắc kẹt trong đám măng tây Rommel.
KITTY: Tội nghiệp!
ROSWITHA: Ta có nên biếu họ ít thịt bò ướp và bánh quy?
OSKAR: Hôm nay là thứ sáu, các nữ tu sĩ không được phép ăn thịt bò. Tôi đề nghị biếu họ bánh nho với mứt mận.
KITTY: Họ đang chạy kìa. Trông họ giường ô chạy như thuyền buồm lướt sóng.
LANKES: Bao giờ họ cũng làm thế sau khi bắt cua, sò xong. Rồi họ bắt đầu chơi. Đặc biệt là Agneta, vừa bắt đầu cuộc đời tu hành, còn như con nít chăng biết xuôi ngược ra sao. Liệu ngài còn điếu thuốc nào không ạ? Cảm ơn ngài đại uý. Còn cái bà ở đằng sau, bà to béo không chạy ấy, đó là Xơ Scholastica, Mẹ nhất. Bà ta không thích họ chơi trên bãi biển, cho thế là trái với quy tắc dòng tu.
(Những nữ tu cầm ô chạy ở hậu cảnh. Roswitha đặt đĩa ’Xe trượt tuyết ở St Petersburg’ lên máy hát. Các nữ tu vừa nhảy múa vừa hú).
AGNETA: Hú-ú-ú, Xơ Scholastica!
SCHOLASTICA: Xơ Agneta!
AGNETA: Hú-ú-ú, Xơ Scholastica!
SCHOLASTICA: Quay lại di, bé con! Xơ Agneta!
AGNETA: Con không thể. Con bị cuốn đi.
SCHOLASTICA: Vậy thì hãy cầu nguyện đi. Cầu xin một sự cải giáo.
AGNETA: Đau đớn?
SCHOLASTICA: Khoan dung.
AGNETA: Vui vẻ?
SCHOLASTICA: Thì cứ cầu nguyện đi đã, Xơ Agneta!
AGNETA: Con vẫn cầu nguyện hoài đấy chứ. Vậy mà vẫn cứ bị cuốn đi.
SCHOLASTICA (giọng bà xa dần vả nhỏ đi): Agneta, Xơ Agrieta!
(Các nữ tu sĩ biến mất, nhưng thi thoảng vẫn thấy những cái ô của họ thấp thoáng ở hậu cảnh. Đĩa hát chấm dứt. Chuông điện thoại réo bên cạnh cửa lô-cốt. Lankes nhảy xuống, nhấc ống nghe; những người khác tiếp tục ăn)
ROSWITHA: Điện thoại, đi đâu cũng thấy điện thoại. Gĩưa biển và trời, cũng không thoát điện thoại.
LANKES: Dora-7 đây. Trung sĩ Lankes.
HERZOG (từ bên phải thong thả đi ra, tay cầm một máy điện thoại, kéo theo sợỉ dây đằng sau.
Chốc chốc lại dừng và nói vào mảy) Cậu có ngủ không đấy, Lankes? Có cái gì chuyển động ở phía trước Dora-7, tôi dám chắc thế.
LANKES: Đó là các nữ tu sĩ, thưa trung uý.
HERZOG: Nữ tu sĩ làm gì ở đằng ấy? Ngộ nhỡ dó không phải là nữ tu sĩ thì sao?
LANKES: Nhưng đúng là những nữ tu sĩ thật mà. Tôi thấy rõ như ban ngày.
HERZOG: Cậu chưa bao giờ nghe nói đến cải trang ư? Chưa bao giờ nghe nói đến đội quân thứ năm hay sao? Người Anh đã dùng mẹo này hàng thế kỷ rồi. Họ đến với cuốn Kinh Thánh trên tay và khi ta chưa hiểu đầu đuôi xuôi ngược ra sao thì đã bùm!
LANKES: Họ bắt cua, thưa trung uý...
HERZOG: Quét sạch bãi biển ngay, rõ chưa?
LANKES: Vâng, thưa ngài, nhưng họ chỉ bắt cua thôi mà.
HERZOG: Lankes, vào vị trí đằng sau súng máy!
LANKES: Nhưng giả sử họ chỉ đi mò cua vì nước triều đang xuống và bọn trẻ ở trường mẫu giáo đang...
HERZOG: Đây là một mệnh lệnh chính thức, trung sĩ Lankes.
LANKES: Vâng, thưa trung uý. (Lankes biến vào trong hầm, Herzog ra từ phía tay phải với chiếc máy điện thoại)
OSKAR: Roswitha, bịt tai lại, sắp nổ súng như trong phim thời sự đấy.
KITTY: Eo ơi, kinh khủng! Em phải xoắn mình chặt hơn nữa mới dược.
BEBRA: Chính ta cũng hồ như tin rằng chúng ta sắp nghe thấy tiếng đì đòm.
FELIX: Ta hãy mở máy hát tiếp đi. Như thế sẽ đỡ phần nào. (Mở máy hát.
Ban nhạc The Platters hát bài "The Great Pretender". Tiếng súng máy tằng-tằng-tằng điểm xuyến bản nhạc lê thê buồn bã. Roswitha bịt tai. Felix chổng hai chân lên trời. Ở hậu cảnh, năm nữ tu sĩ cùng những chiếc ô tung lên trời. Chiếc đĩa hát vấp rãnh, lặp đi lặp lại một câu. Felix trở lại tư thế đứng bình thường. Kitty thôi không xoắn mình. Roswitha bắt đầu dọn dẹp, thu các thứ vảo giỏ. Oskar và Bebra giúp nàng. Họ rời nóc lô-cốt. Lankes hiện ra ở cửa hầm).
LANKES: Ngài đại úy có còn điếu thuốc nào không?
BEBRA (Cả đoàn sợ hãi nép vào nhau đằng sau ông): Anh bạn hút nhiều quá đấy, trung sĩ.
Cả ĐOÀN CỦA BEBRA: Anh ta hút nhiều quá.
LANKES: Đó là tại bê-tông thưa ngài.
BEBBA: Thế giả sử một mai không còn bê-tông nữa?
CÃ ĐOÀN CỦA BEBRA: Không còn bê-tông nữa.
LANKES: Bê-tông là bất tử thưa ngài. Chỉ có chúng ta và những điếu thuốc lá của chúng ta...
BEBBA: Ta biết, ta biết, chúng ta tan biến như một làn khói.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA (Từ từ đi vào): Như một làn khói!
BEBRA: Nhưng một ngàn năm nữa, người ta vẫn còn đến xem bê-tông.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Một ngàn năm nữa!
BEBRA: Người ta sẽ tìm thấy xương chó con.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Xương chó con.
BEBRA: Và những Hình Thể Chênh của anh bạn trên bê-tông.
CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Man rợ, huyền bí, chán ngắt!
(Còn lại một mình Lankes đứng hút thuốc)
Mặc dù Oskar hầu như không hé răng suốt trong bữa điểm tâm trên bê-tông ấy, nhưng chỉ riêng việc những lời này được nói ra đúng vào ngày hôm trước cuộc đổ bộ đã buộc tôi phải ghi lại đầy đủ. Giả dĩ, chúng ta chưa giã từ trung sĩ Lankes, bậc thày của nghệ thuật "bê-tông"; chúng ta sẽ còn gặp lại anh ta ở đoạn kể về thời kỳ hậu chiến và cao trào của tiện nghi tư sản.
Chiếc xe tải bọc thép vẫn chờ chúng tôi trên lối đi dạo dọc biển. Trung uý Herzog sải những bước dài quay lại chỗ cấp dưới của mình và hổn hển xin lỗi Bebra về "sự cố nho nhỏ" vừa xảy ra; tuy nhiên, y nói thêm rằng bãi biển là khu vực cấm dân thường và nhấn mạnh: "Khu vực cấm là khu vực cấm". Y đỡ các nữ khách lên xe, dặn dò tài xế và chúng tôi trở về Bavent. Chúng tôi phải khẩn trương, không còn thì giờ ăn trưa, vì hai giờ chiều, chúng tôi có buổi diễn ở cái lâu đài nhỏ mỹ lệ vùng Normandie náu giữa những hàng dương ở bìa làng.
Chúng tôi chỉ có không đây nửa tiếng đồng hồ để thử ánh sáng. Sau đó, Oskar dóng một hồi trống hùng tráng mở màn. Chúng tôi biêu diễn cho một cử tọa gồm toàn lính. Chúng tôi cường điệu, không ngớt khuấy lên những nhịp cười sảng khoái. Tôi phóng giọng hát vào một cái bô đái bằng thuỷ tinh trong đựng một cặp xúc xích với mù-tạc. Bebra, nhem nhuốc dầu sơn trắng, tuôn những giọt nước mắt hề xiếc trên cái bô vỡ, bới đôi xúc xích từ những mảnh thuỷ tinh, quệt mù-tạc lên và ăn ngấu nghiên, khiến đám người mặc quân phục màu xám dã chiến được một mẻ cười hoan hỉ. Felix và Kitty ít lâu nay đâm quen xuất hiện trong trang phục ‘sóóc’ da và mũ Tyrol, mang lại cho tiết mục của họ một nét đặc sắc. Roswitha mặc một chiếc áo dài kim tuyến bó sát người, tay đi găng dài màu xanh nhạt, đôi chân nhỏ xíu xỏ trong đôi giày cao gót thêu vàng. Cặp mí mắt xanh khép hờ cùng cái giọng Địa Trung Hải ngái ngủ của nàng vẫn phát huy ma lực mê hoặc của chúng. Oskar thì khỏi cần trang phục đặc biệt - không biết tôi đã nói điều này chưa nhỉ? Tôi vẫn đội cái mũ lính thuỷ cũ in nhãn S.M.S. Seydlitz, mặc chiếc sơ-mi xanh nước biển và chiếc va-rơi khuy vàng chạm hình mỏ neo; dưới nữa là cái quần cộc đến đầu gối, đôi tất cuộn thò trên đôi ủng rất tã. Quàng qua cổ, là cái trống hai màu trắng và đỏ, nó rất yên tâm vì biết mình còn năm đứa em trong hành trang của tôi.
Đêm ấy, chúng tôi diễn lại chương trình ấy cho các sĩ quan và nữ diện báo viên của trung tâm truyền tin Cabourg. Roswitha hơi căng thắng. Nàng không mắc lỗi gì nhưng giữa chừng tiết mục của mình, nàng bỗng đeo đôi kính râm gọng xanh và đột ngột đổi giọng và đến đây, những lời phán của nàng trở nên trực tiếp hơn. Chẳng hạn, với một nữ điện báo viên mặt mày xanh xao, lúng ta lúng túng, nàng nói toẹt ra rằng cô ta đang tình tang với sĩ quan chỉ huy của mình. Điều đó, theo tôi, là bất nhã, nhưng lại gây cười nhiều vì có một sĩ quan ngồi cạnh cô ta và người ta có lý do để nghĩ rằng...
Sau buổi diễn, các sĩ quan tham mưu trung đoàn đóng tại lâu đài mở cuộc chiêu đãi. Bebra, Kitty và Felix ở lại, còn Raguna và Oskar thì lặng lẽ chuồn về giường nằm. Đó là một ngày căng thẳng, chúng tôi nhanh chóng thiếp đi và ngủ đến 5 giờ sáng thì cuộc đổ bộ đánh thức chúng tôi dậy.
Tôi phải kể gì với quý vị về sự kiện này? Quân Canada đổ bộ vào khu vực chúng tôi, cửa sông Orne. Phải di tản khỏi Bavent. Hành lý của chúng tôi đã được chất lên xe tải. Chúng tôi rút cùng ban tham mưu trung đoàn. Một xe bếp dã chiến đậu ở sân lâu đài. Roswitha nhờ tôi kiếm cho nàng một tách cà-phê. Căng thắng và sợ lỡ chuyến xe, tôi từ chối. Thậm chí tôi còn hơi thô lỗ với nàng nữa. Thế là nàng bèn tự mình chạy ra xe bếp đã chiến trên đôi giày cao gót và tới chỗ bình cà-phê nóng bốc hơi cùng lúc với một trái đại bác từ tàu chiến bắn vào.
Ôi Roswitha, tôi không biết em bao nhiêu tuổi, tôi chỉ biết rằng em cao chín mươi tám phân, rằng Địa Trung Hải nói qua môi em, rằng em thơm mùi quế và hạt hồi và em có thể nhìn thấu tim người; song em không thể nhìn thấu tim mình, nếu không em đã ở lại bên tôi thay vì chạy đi kiếm tách cà-phê quá nóng ấy!
Đến Lisieux, Bebra xoay được một công lệnh về Berlin. Chúng tôi đợi ông ở ngoài Bộ Tư Lệnh và chỉ đến khi ra gặp lại chúng tôi, ông mới nhắc đến cái chết của Roswitha lần đầu tiên: "Bọn lùn và hề xiếc chúng ta lẽ ra không nên nhảy múa trên kết cấu bê-tông dành cho người khổng lồ. Giá như chúng ta cứ ở lại bên dưới khán đài, nơi chẳng ai ngờ tới sự hiện diện của chúng ta!".
Đến Berlin, tôi chia tay với Bebra. "Ờ," ông nói với một nụ cười mỏng như mạng nhện, "không có Roswitha, chú mày sẽ làm gì trong những hầm phòng không nhỉ?" Rồi ông hôn lên trán tôi. Ông tặng tôi cả năm cái trống còn lại và cử Kitty và Felix mang giấy thông hành chính thức đi tháp tùng tôi đến tận Danzig. Vậy là, với sáu cái trống và "cuốn sách" của mình, ngày 11 tháng sáu năm 1944, trước sinh nhật lần thứ ba của con trai tôi một hôm, tôi trở về thành phố quê hương vẫn còn nguyên vẹn và trung cổ, vẫn từng giờ vang lên những tiếng chuông mọi cỡ từ những gác chuông ở mọi tầm cao khác nhau.
Chú thích:
[1] Dưỡng đường cho thương phế binh ở Paris do vua Louis XIV lập vào cuối thế kỷ XVII.
[2] Chỉ Napoléon.
[3] Tiếng Pháp trong nguyên bản: trên vỉa hè Paris.
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc