Vu Khống epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 27
Đêm xuống. Thư viện năm phút nữa thì đóng cửa. Tôi nép mình ở cuối phòng. Gần tôi, trên một cái xe đẩy, chồng sách lẽ ra tôi đã phải xếp lại hồi chiều. Từ phòng đầu vọng đến tiếng bà quản thủ. Bà đang đuổi những người đọc sách cuối cùng. Tôi nghe tiếng bà xếp các phiếu, đóng các ngăn kéo. Rồi cửa thư viện mở ra và đóng lại trong tiếng khoá vang dội. Khoảng mười lăm phút trước giờ đóng cửa, tôi đã đứng lên, kéo lê chân phải rời cái bàn chỗ tôi xếp lại các phiếu, tôi chào bà quản thủ, bà nhìn tôi thương xót, hạ mắt ngó lớp băng gồ lên dưới quần tôi, khuyên tôi, bằng cái giọng the thé có học, hãy nghỉ ngơi, ngủ kĩ – bà thấy vẻ mặt tôi đáng ngại. Tôi choàng áo khoác, đi ra nhưng để cửa hé, tôi đứng lại ngoài hành lang, hút thuốc lá chờ. Qua khe cửa, tôi trông thấy bà quản thủ đứng lên, rời khỏi bàn giấy. Tôi lại lẻn vào, ẩn trong phòng vệ sinh, rồi, ngay lúc bà trở về chỗ, tôi đi tuốt đến cuối phòng. Thế là tôi bị nhốt cả đêm. Bà quản thủ không bao giờ chịu giao chìa khóa cho tôi. Sáng mai, khi bà làm phòng đến quét dọn, tôi sẽ phải dùng một mẹo khác, lẻn ra không cho bà thấy và một giờ sau mới trở lại, sau khi bà quản thủ đã đến. Trời lạnh. Lò sưởi không chạy ban đêm. Tôi sẽ quấn mình trong áo khoác mà ngủ.
Từ các cửa sổ thư viện tôi có thể trông thấy, phía xa, chung cư Vườn Táo, hai tòa nhà quét vôi đỏ đối diện nhau và bồn cỏ rộng ở giữa. Đêm nay nữa, thang máy sẽ dừng ở lầu năm, một bóng trắng nhỏ bé sẽ lướt theo hành lang, đến cào nhẹ cửa phòng số 505, chờ đợi hoài công một tiếng trả lời, và lại lặng lẽ ra đi. Sáng mai, tôi sẽ trở về Vườn Táo, tôi sẽ rình trong phòng đợi, trước cửa thang máy, một tờ giấy bạc vo viên trong nắm tay. Tôi sẽ gặp người đàn ông ở lầu hai trở về, tay mang cái đẫy. Ông sẽ vào thang máy, tôi sẽ vào theo, và tờ giấy bạc sẽ đổi chủ.
Ra mày là kẻ cứu nhân độ thế đấy. Được bao lâu nào? Hai ngày, ba ngày, tới khi đói quá mày phải giữ tiền mà ăn cơm? Hai đêm, ba đêm, tới khi tường vách thư viện cũng rỉ ra cám dỗ, và quấn trong áo khoác, thân thể mày run lên vì thèm khát và hối tiếc? Đêm nay, mày sẽ không ngủ, mày sẽ đi lục lọi sách vở tìm một công thức thanh tịnh cho tâm hồn, nhưng mắt mày sẽ chẳng đọc ra chữ nào – màng mắt mày thao thức với cái hình bóng trắng lướt theo hành lang quạnh quẽ.
Tôi đi từ hàng kệ sách này sang hàng kệ sách khác. Băng quấn ở đùi khiến
tôi bước hơi khó khăn. Đôi giày tôi cót két trên thảm vải nhựa. Tôi tưởng như có ai phía sau, đi theo tôi, bám chặt tôi. Mày đã trả tiền để con bé được ngủ yên trong giường như mọi đứa con gái ngoan. Thỉnh thoảng, tôi dừng lại trước một dãy sách, một cuốn sách tôi nghĩ tôi chưa hề lật qua và tôi cố đoán ra nhan đề trên lớp bìa cũ kĩ. Tôi đã không bật đèn. Mày đã trả tiền để thỏa mãn cái tật làm thánh nhân của mày. Trong phòng chỉ có ánh sáng đèn đường chiếu vào. Ở góc trong cùng, gần cái xe đẩy, giấu trong một cái túi đeo lưng, cuốn vở màu xám, tập vẽ nháp, vài cây bút chì, một cái đèn bấm và vài cục pin. Nó là nạn nhân bé nhỏ của mày, nó là của mày, mày không đụng đến, mày ra bộ cứu nó.
Tôi cần một cuốn sách. Tôi biết cái câu tôi cần đúng vào lúc này (Chúng ta là những con vật da dày cộm, chúng ta chìa tay cho nhau, nhưng hoài công, chúng ta chỉ cọ lớp da thô nhám của chúng ta vào nhau – chúng ta cô đơn vô cùng). Mày tự dối mày. Lật vài trang nữa đi (Tôi sẽ giật áo khoác khỏi vai nó và liệng xác nó, trần truồng, ngoài nắng). Đó, trong đầu mày nghĩ như thế đó. Da nó rám nâu, dịu mát, trong tấm áo choàng trắng. Mày muốn lột áo nó, lấy lưỡi liếm bụng nó, cắn nó đến chảy máu, để lại vết răng mày trên đôi vú nhỏ bé, nắm tóc nó, làm nó đau, hớp những giọt nước mắt sẽ chảy trên má nó, rồi liệng nó ra ngoài, trả lại nó cho cuộc đời vẫn là đời nó cho đến nay.
Xác nó, trần truồng, ngoài nắng. Và tôi, quấn trong áo khoác, nép bên những chồng sách trong góc cuối phòng. Tôi đâu muốn cứu nó. Tôi thử thách sự chống chọi của tôi đấy thôi. Tôi trả tiền để tự tra tấn mình, để đã cô đơn lại thêm thiếu thốn. Tôi muốn bụng đói mà không ăn. Tôi muốn ấm êm nhưng lại tự nhốt mình trong cái phòng tứ bề gió lùa lạnh tái tê này. Tôi thèm đứa con gái mặc áo choàng trắng và tôi che chở nó không phải chỉ chống những người khác mà chống cả chính tôi nữa.
Chính lá thư với tuồng chữ kiêu kì đã làm tôi mất bình an. Lá thư đã trả tôi lại với gia đình, với bệnh hoạn. Đã buộc tôi ngó mình trong gương – bao nhiêu múa may của tôi để lẫn vào đám đông, để thành một kẻ mờ nhạt không gì phân biệt với những người khác, hoá ra hoàn toàn vô dụng. Sự điên dại ở ngay trong tôi, nét nhăn nhó hằn trên mặt tôi. Lá thư với tuồng chữ kiêu kì đến chế nhạo tham vọng làm người bình thản của tôi. Cái con bé viết thư ấy hẳn không ý thức việc nó làm. Nó yêu cầu tôi đảm nhận vai trò người điên của tôi. Nó rao giảng niềm kiêu hãnh của sự khác biệt. Nó biết gì về đám nhân loại bị cách li, về những cái bóng giọng nói khản đặc, về những con thú nhỏ bất hạnh đốt cháy thịt da, về những kẻ trốn lánh chạy tứ tán chẳng tìm ra lối thoát?
Tôi thờ thẫn ngó hết kệ sách này đến kệ sách khác, nhưng phép màu không còn hiện ra nữa. Từ khi lá thư đến nơi này, sách vở đều im hơi lặng tiếng. Sự bình tâm mất hút đột ngột, thay vào đó tôi chỉ thấy một bãi đất hoang, ở giữa có tôi, một con chó, một con chó già mỏi mệt. Tôi sủa, tôi mong người ta mở cửa cho tôi, nhưng khắp chung quanh tịnh không có nhà nào. Trong chân không đã đến ngự trị ấy, tôi cố bám lấy sách vở; chúng từng cứu tôi, chúng sẽ cứu tôi một lần nữa. Từ khi lá thư đến nơi này, sách vở không còn sống động trên tay tôi. Tôi đã mất hướng. Bạn đồng hành của tôi đều đã bỏ rơi tôi. Tôi không nói những chàng công tử bụng tròn quay tọt ra tác phẩm con con của họ như loài bò ị ra một bãi, hay mấy nàng vịt rỉa lông chuốt cánh trước gương soi. Tôi nói những bậc thầy đã giúp tôi tin tưởng tôi là một kẻ khổ hạnh đã diệt dục, một người cô độc ham mê sách vở. Bao nhiêu năm nay, tôi đã sống với sách vở, qua sách vở. Chúng đã tạo nên thành lũy quanh tôi. Lá thư đã đến, thành lũy đã sụp đổ và luồng gió điên dại lại nổi lên. Tôi một mình giữa bãi đất hoang. Tôi sủa. Không bao giờ một cánh cửa nào còn mở ra đón tôi nữa. Tôi lấy hai chân che mắt. Những tiếng rên làm tôi rát họng.
Cô đơn vậy ra chỉ là dấu hiệu sự điên dại của tôi. Tôi không phải là bất khả tiếp xúc, tôi đã bị thanh toán. Tôi đã không lựa chọn xa lánh đời, tôi bị coi là chết rồi. Lá thư phá tan các ảo tưởng của tôi. Tôi vẫn sống nỗi cô đơn của tôi như một chiến thắng, tôi đã chỉ đổi phòng giam này lấy phòng giam khác, bỏ những người điên vô dụng đến với các nhà thông thái – ở nhà thương điên hay trong thư viện, tôi vẫn sùi bọt mép của những kẻ hoang tưởng mà thôi. Tôi là người anh em mặt mũi đỏ gay, râu ria xồm xoàm của họ. Đầu tôi bừng bừng, nhưng máu tôi lạnh ngắt.
Vấn đề là đừng mắc cơn sốt, giữ mình cho khô. Từ khi tôi nhận được lá thư, đâu đâu cũng rỉ giọt. Tôi như cục đường chảy nước. Tôi dò xét tôi, săm soi mọi yếu lòng. Thầy Tu từng bảo tôi, Muốn đến được với chân lí thì hãy giữ yên lặng. Đừng than vãn, cũng đừng huênh hoang. Đừng lừa dối ai, kể cả chính mình. Chớ đi đến chỗ quý tì tật của mình, yêu hình bóng què quặt của mình, chớ bắt chước người hủi rao bán những thương tích của mình. Tôi đã đi đúng đường đấy chứ. Mọi chuyện bắt đầu sai lệch từ lúc tôi nhận được lá thư. Thay vì đến với chân lí, tôi đi kể lối dối trá của tôi. Tôi muốn đánh ngay tâm mục tiêu, viết một báo cáo cay chua sẽ đốt cháy hết mọi mặt nạ. Tôi đã chỉ lắc lục lạc, kéo chuông báo nguy biến. Tôi gọi hồn ma họp về, tôi mở cửa mồ mả, tôi đào lên xác chết. Nhưng dù ở ba thước dưới lòng đất, lừa dối vẫn đầy rẫy. Bây giờ tôi loay hoay giữa những hàng kệ sách chẳng khác chó dại đợi người ta đem giết. Tôi muốn nằm dài dưới đất, cảm thấy giữa hai mắt một nòng súng, mong chờ tiếng nổ sẽ trị dứt cho tôi cơn đau đầu ướt át tình cảm này. Đâu đâu cũng rỉ giọt. Tôi để mình chăm bón lừa dối, nuôi dưỡng những con đỉa luyến tiếc. Nghĩ đến cánh bướm trắng và những đêm, nhờ tôi, nó đuợc ngủ yên trong giường như mọi đứa con gái ngoan, tôi cảm thấy lồng ngực tôi hổn hển mong chờ gió mát. Chỉ ý nghĩ đã cứu nó cũng đủ khiến dương vật tôi căng cứng. Thế mà, cái vật lủng lẳng giữa hai chân tôi bao lâu nay thỏa mãn với bàn tay ve vuốt máy móc của tôi – tôi giải quyết chẳng nghĩ đến gì, nghĩ đến những bóng ma lại càng không –, bây giờ, trước khi sống dậy, nó lại đòi phải có tình cảm, phải có hi sinh.
Vu Khống Vu Khống - Linda Lê Vu Khống