Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần Ba [1]
ùa xuân năm 1949, tôi tiết kiệm được mấy đô la tiền trợ cấp của quỹ cựu chiến binh, bèn đi Denver với ý định sẽ định cư lại đó. Tôi hình dung mình đang sống giữa lòng nước Mỹ, như một kỳ lão thực thụ. Tôi hết sức cô đơn. Chả gặp được ai ở đây - không có Babe Rawlins, không Ray Rawlins, không Tim Gray, Betty Gray, không Roland Major lẫn Dean Moriarty, Carlo Marx, Ed Dunkel, Roy Johnson, Tommy Snark - chẳng ma nào cả. Tôi lang thang qua phố Larimer và Curtis, làm một thời gian cho cửa hàng bán buôn hoa quả từng suýt thuê tôi hồi năm 1947. Công việc này nặng nhọc bậc nhất; có nhiều lúc bọn nhóc Nhật Bản và tôi phải chuyển cả một toa hàng từ đường ray xuống cả trăm mét bằng tay, có mỗi một cái kích thô sơ mỗi lần cố lắm cũng chỉ đẩy toa hàng đi được chưa đầy một centimet. Tôi phải lôi những sọt dưa hấu trên mặt sàn đóng băng của những phòng lạnh ra nắng gắt, cứ vừa làm vừa hắt hơi. Nhân danh Chúa và các vì tinh tú, để làm gì cơ chứ?
Chiều muộn, tôi đi dạo. Tôi cảm thấy mình chỉ như hạt bụi trên vùng đất đỏ u sầu này. Đi ngang qua khách sạn Windsor, nơi Dean Moriarty từng sống với ông bố thời kinh tế khủng hoảng những năm ba mươi, và như ngày xưa, tôi nhìn quanh tìm kiếm dấu vết dáng hình ông già thợ thiếc buồn rầu tưởng tượng trong tâm trí. Người ta có thể tìm thấy ai đó giống như bố mình ở những nơi như Montana, hoặc cũng có thể đi tìm bố một thằng bạn ở nơi mà ông ta chẳng còn ở nữa.
Khi trời ngả sang tím rịm, tôi lê đôi chân mỏi nhừ đi trong ánh đèn ngã tư phố 27 và phố Welton trong khu da đen ở Denver, mong sao mình được thành một thằng da đen, cảm thấy ngay cả thứ tốt nhất mà thế giới da trắng đã chào mời cũng chẳng đủ khiến tôi ngây ngất, chẳng đủ sống động, không đủ niềm vui, không đủ kích thích, không đủ bóng tối, không đủ âm nhạc, không đủ đêm. Tôi dừng lại trước một quán nhỏ bán ớt đựng trong túi giấy, mua một túi, vừa ăn vừa lang thang vào các con phố tối tăm bí ẩn. Tôi thèm được là một gã người Mexico ở Denver, hoặc thậm chí là một tên người Nhật khốn khổ phải lam lũ suốt ngày, gì cũng được, miễn không phải là cái tôi đang là, một “người da trắng” vỡ mộng. Suốt cuộc đời mình, tôi đã mang theo những tham vọng của dân da trắng; đó là lý do tôi rời bỏ một cô gái tốt như Terry ở thung lũng San Joaquin. Tôi đi dọc theo hành lang tối om các ngôi nhà của người Mexico và người da đen; có những tiếng nói dịu dàng, đôi khi có đầu gối sẫm màu gọi tình của một cô gái bí ẩn nào đó; và những khuôn mặt u ám của những người đàn ông phía sau bụi tầm xuân. Bọn trẻ con ngồi như những nhà hiền triết trên những chiếc ghế đu cổ lỗ. Một tốp phụ nữ da màu đi ngang qua, cô trẻ nhất tách ra, đi rất nhanh về phía tôi - “Chào Joe!” - rồi bỗng nhận ra tôi không phải là Joe, thế là cô xấu hổ chạy vội đi. Tôi ước gì mình được là Joe. Nhưng tôi chỉ là cái thằng tôi, Sal Paradise, buồn bã, lang thang trong bóng tối màu tím, trong cái đêm xiết bao ngọt ngào này, ao ước có thể đổi cả thế giới này với những người Mỹ da đen hạnh phúc, chân thật, sung sướng kia. Khu vực nghèo nàn này lại khiến tôi nhớ đến Dean và Marylou, những người biết rất rõ những đường phố này ngay từ thời thơ ấu. Tôi muốn gặp lại họ biết bao.
Tôi đi xuống ngã tư phố 23 và Welton, một trận đấu bóng mềm đang diễn ra dưới ánh đèn pha làm sáng rực cả trạm chứa xăng. Một đám đông đang say sưa gào thét cổ vũ những pha đẹp mắt. Cầu thủ gồm đủ sắc tộc, đủ màu da, sự trộn lẫn kỳ quái giữa dân da trắng, da đen, dân Mexico, dân da đỏ thuần chủng đang chơi một cách nghiêm túc đến nghẹt thở. Chỉ là những gã trai bình thường mặc đồng phục thể thao. Trong cuộc đời thể thao của mình, chưa bao giờ tôi cho phép mình chơi như vậy trước sự có mặt của gia đình, bạn bè, nhất là bạn gái và trẻ con hàng xóm, vào ban đêm, dưới ánh đèn pha; bao giờ cũng chừng mực, trịnh trọng, phải theo kiểu sinh viên đại học, không được trẻ con, sôi nổi thế này. Giờ thì quá muộn rồi. Ngồi gần tôi là một ông già da đen hẳn là tối nào cũng ra đây xem chơi bóng. Ngồi kề ông là một lão già lang thang người da trắng; tiếp đến là một gia đình người Mexico, mấy đứa con gái, mấy thằng con trai, cả nhân loại. Ôi những ánh đèn u buồn của tối hôm đó! Thằng ném bóng rất giống Dean. Một ả tóc vàng xinh đẹp trên khán đài rất giống Marylou. Đó là Đêm Denver, tất cả việc tôi làm chỉ là đang chết.
Ở cuối Denver, ở cuối Denver
Tất cả việc tôi làm chỉ là đang chết
Bên kia phố, nhiều gia đình người da đen ngồi trên thềm nhà, vừa chuyện gẫu vừa ngắm bầu trời đầy sao qua hàng cây, bình thản nghỉ ngơi, thỉnh thoảng lại liếc qua trận đấu. Xe cộ cứ chạy qua rồi dừng lại ở ngã tư khi có đèn đỏ. Không khí nhộn nhịp, chan hòa niềm vui sống, không hề biết đến nỗi thất vọng, “nỗi sầu da trắng” hay cái gì đại loại thế. Ông già da đen móc trong túi áo ra lon bia và mở nắp uống; ông già người da trắng nhìn trộm bằng đôi mắt ghen tị và cũng móc túi xem thử biết đâu mình cũng có đủ tiền mua một lon bia. Tôi muốn chết làm sao! Tôi bỏ đi khỏi đó.
Tôi tìm đến một cô gái lắm tiền quen biết. Sáng hôm sau, nàng rút từ trong tất lụa ra tờ một trăm đô và nói, “Anh nói muốn làm một chuyến về Frisco, thế thì hãy cầm lấy mà đi chơi thỏa thích.” Thế là mọi vấn đề coi như đã giải quyết xong, tôi ra phòng du lịch kiếm một cái xe chịu chở tôi đến Frisco với giá mười một đô tiền xăng rồi lại lướt xuyên đất nước.
Có hai gã lái chiếc xe này; họ tự xưng là dân dắt gái. Còn hai gã nữa cũng là hành khách như tôi. Chúng tôi ngồi chen nhau, đầu óc chỉ nghĩ đến mục tiêu cần tới. Xe chạy qua đèo Berthoud, đổ xuống cao nguyên lớn, qua Tabernash, Troublesome, Kremmling, qua Đèo Tai Thỏ xuống Steamboat Springs, ra khỏi đó; đi tiếp năm mươi dặm đường vòng bụi mù mịt đến Craig và Hoang mạc Lớn nước Mỹ. Khi xe qua biên giới bang Colorado và Utah, tôi nhìn thấy Chúa ở trên trời trong hình dạng những đám mây khổng lồ rực sáng, Chúa như chỉ tay về phía tôi mà nói, “Hãy đi qua đây và tiến lên, con đang trên đường đến thiên đường.” Nghe cũng được, nhưng buồn một nỗi, thứ mà tôi bận tâm hơn cả là những toa hàng cũ bốc mùi và những bàn bi-a đặt giữa sa mạc Nevada gần một cái lều bán Coca-Cola và những căn nhà xiêu vẹo treo những tấm biển hiệu dãi dầu mưa nắng, bị gió sa mạc đung đưa suốt ngày đêm, “Bill Rắn chuông từng sống ở đây” hoặc “Annie mõm vỡ từng làm chủ chỗ này nhiều năm.” Tuyệt, tiến lên! Đến Salt Lake City, hai tên dắt gái đi kiểm tra gái của chúng rồi lại tiếp tục lên đường. Một lần nữa, trong nháy mắt tôi lại được ngắm nhìn thành phố San Francisco thần kỳ uốn lượn trên mặt vịnh vào lúc nửa đêm. Tôi chạy vội đến nhà Dean. Giờ thì hắn đã có được một ngôi nhà nhỏ. Tôi sốt ruột muốn biết giờ hắn nghĩ gì và tương lai ra sao, bởi giờ sau lưng tôi chẳng còn gì nữa, mọi cây cầu nối tôi với quá khứ đã không còn nữa, mà tôi cũng cóc cần. Tôi đập cửa nhà hắn vào lúc hai giờ sáng.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường