Những Thứ Mằn Mặn
ào thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn, tôi được nghỉ học nhưng mẹ vẫn phải đi làm. Tôi luôn cố gắng không nghĩ đến những lá thư của bạn nhưng thật sự tôi nghĩ đến chúng gần như suốt buổi sáng. Tôi cầm hai mẩu giấy trên tay và đọc đi đọc lại. Việc bạn kêu tôi viết thư cho bạn không có gì đáng sợ, nhưng phần đáng sợ nhất là “Tôi đến đây để cứu mạng một người bạn của bạn,” “Nhớ cho tôi biết chỗ để chìa khóa nhà” và “Đừng cho ai khác xem thư của tôi cả.” Nhìn thấy tên mình trên mẩu giấy thứ hai cũng đủ sởn gai ốc, vì tôi vẫn luôn cố tự thuyết phục rằng lá thư đầu tiên không phải gởi cho mình. Và dòng chữ bạn viết “Tôi sẽ không còn là tôi khi đến với bạn nữa” - tôi không thích câu đó chút nào cả.
Càng suy nghĩ về những lá thư đó tôi càng cảm thấy hoảng sợ.
Một lúc lâu sau, tôi cất những lá thư đi và bật ti-vi lên. Tôi ngồi xem ti-vi khoảng hai giờ thì tiếng gõ cửa quen thuộc của bác Louisa vang lên.
“Khoai tây chiên đây,” bác Louisa vui vẻ nói khi tôi ra mở cửa. Bác mặc đồng phục, cầm một túi nhựa.
Bác Louisa thường mang đồ ăn ở nhà an dưỡng về cho mẹ. Bác không lấy trộm - chúng là những thứ người ta bỏ lại sau bữa trưa, hầu hết là những gói khoai tây chiên nhỏ hoặc bánh quy hình thú. Quản lý nhà an dưỡng nói rằng một khi đồ ăn đã được bày lên khay, nếu không ai đụng tới cũng phải vứt bỏ. Vì vậy nên bác Louisa gom tất cả vào một cái túi mang về cho mẹ tôi. Mẹ sẽ mang chúng đến cho những phụ nữ mang thai đang ở tù trong “hội cha mẹ” mà mẹ quản lý ở dưới phố.
Mỗi tháng một lần, mẹ đi xe điện ngầm đến nhà tù, nói chuyện với những phụ nữ mang thai trong tù về những gì sẽ xảy ra sau khi họ sinh con. Tất cả họ đều nghĩ mẹ giống như một vị thánh khi mang khoai tây chiên và bánh quy hình thú đến cho họ. Mẹ bảo nhà tù là một nơi khắc nghiệt, và nó khiến người ta cũng trở nên khắc nghiệt.
“Nó thay đổi họ,” có lần mẹ bảo tôi, “Nhà tù ngăn không cho người ta trở thành người mà họ có thể trở thành.”
“Vậy sao?” tôi hỏi, “Nó phải ngăn không cho họ phạm tội nữa chứ?”
Mẹ lắc đầu: “Ý mẹ không phải thế. Rất nhiều người phạm những sai lầm tồi tệ. Nhưng ở tù có thể khiến họ cảm thấy con người họ chỉ toàn có sai lầm. Như thể họ thậm chí không phải là người nữa.”
Mẹ mang khoai tây chiên và bánh quy đến cho họ với hy vọng giúp đỡ phần nào. Vấn đề không phải là cái bánh, mẹ nói, mà vấn đề là có người mang bánh đến cho họ.
Tôi nhận cái túi của bác Louisa.
Bác mỉm cười với tôi: “Cháu biết không, càng ngày cháu càng cao lên đấy.”
Tôi dựa vào khung cửa: “Thế ạ?”
Bác gật đầu: “Bác nhớ cháu lắm, Miranda.” Đó là lần đầu tiên chúng tôi nói về chuyện tôi không còn đến nhà bác ấy chơi nữa.
“Dạ.”
Không hiểu sao khi bác nói nhớ tôi, tôi lại có một cảm giác tuyệt vọng mơ hồ. Khi bác đi rồi, tôi tắt ti-vi, nằm dài trên chiếc trường kỷ, nhắm mắt lắng nghe tiếng banh của Sal. Việc lắng nghe tiếng banh khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn trong một lúc. Những âm thanh đó giống như sợi chỉ cuối cùng liên kết hai chúng tôi.
Mẹ không nói chuyện nhiều trong bữa ăn tối ngày hôm đó. Mẹ mặc nguyên bộ đồ đi làm, chiếc váy vải bông với chiếc áo ngắn tay in hình một tách cà phê và dòng chữ Tự Phục Vụ bên dưới. Chú Richard mang dâu tây đến tráng miệng.
“Khỉ thật,” mẹ quẳng một trái dâu xuống bàn, Lại SSO nữa.”
“Con nghĩ ăn nho sẽ ngon hơn đấy,” tôi cười giả tạo.
“Đừng có bắt đầu, Miranda. Hôm nay mẹ có chuyện bực mình đấy.”
“Thế à?” chú Richard nhướng mày, “Thế mà anh không biết.”
“Làm sao anh biết được,” mẹ vặn lại, “Anh ở tòa án suốt ngày. Anh đâu cần biết cái máy photocopy bị hư hả? Có ai bắt anh đánh máy ba lần một tài liệu mười sáu trang không?”
Chú Richard nhún vai: “Nhưng em làm xong rồi. Chuyện qua rồi. Tại sao lại để chuyện đó phá hỏng cả buổi tối của em chứ?”
“Vớ vẩn thật, Ngài Hoàn Hảo!” mẹ giậm chân quay vào phòng, thậm chí không cho chú Richard kịp có cơ hội vỗ đau gối.
Chú Richard nhìn tôi: “Số Không nói gì với số Tám nào?”
Tôi cười: “Nó bảo: ‘Cậu có cái eo đẹp đấy!’” Chú Richard đã kể cho tôi nghe câu chuyện hài hước ấy ít nhất cũng cả năm rồi.
Sau đó, mẹ xếp chén đĩa vào bồn rửa chén, mở nước rồi đi thay đồ. Tôi đứng nhìn nước chảy từ cái chảo dính dầu mỡ xuống đống chén đĩa bên dưới. Dòng nước dính dầu phản chiếu ánh đèn trông như một dòng suối lấp lánh. Đôi khi tôi có thể đứng nhìn chằm chằm vào một cái gì đó như thế rất lâu.
Mẹ quay lại, mặc một chiếc quần ngắn và bắt đầu rửa chén. Tôi mở sách toán ra học bài ngay trên bàn bếp. Một phút sau, chú Richard bước vào và hỏi: “Anh có để đôi giày đi làm dự phòng của anh ở đây không? Anh nhớ anh đã để nó trong tủ vài tháng trước, nhưng giờ tìm không thấy nữa.”
Mẹ ngẩng phắt lên: “Em biết rồi. Em biết rồi.”
Cuối cùng chúng tôi cũng biết mình bị ăn trộm cái gì.
Người Bạn Bí Ẩn Người Bạn Bí Ẩn - Rebecca Stead Người Bạn Bí Ẩn