Đói epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 26
hưng dù sao, tôi đã vượt qua điểm chết ấy, và tôi tin chắc từ bây giờ, công việc sẽ tiến triển tốt đẹp. Chỉ cần tìm được một chỗ nào đó yên tĩnh! Nghĩ thế, tôi dừng lại chính giữa đường phố, nhưng cố mãi vẫn không nhớ ra được một chỗ nào yên tĩnh trong cả cái thành phố to lớn này, một chỗ cho tôi ngồi tạm. Chẳng còn biết đi đâu, ngoài quay về "Nhà nghỉ cho khách vãng lai". Vừa nghĩ tới điều ấy, tôi đã co rúm người lại. Không, không thể thế được! Tôi tự bảo mình như vậy, nhưng chân vẫn bước về phía trước, theo con đường duy nhất còn lại. Tất nhiên là xấu hổ, là nhục nhã, tôi biết. Biết mà vẫn không sao làm khác. Công bằng mà nói, tôi cũng chẳng là anh cao đạo gì lắm. Tôi dám chắc trên đời này không ai nhẫn nhục hơn tôi. Và rồi tôi cứ thế đi tiếp.
Đến cổng, tôi dừng lại cân nhắc lần nữa. Kệ, phải liều thôi, muốn ra sao thì ra! Suy cho cùng, bản thân việc đắn đo suy nghĩ cũng là điều đáng khinh rồi! Trước hết, tôi chỉ cần một chỗ ngồi tạm trong mấy giờ thôi. Sau nữa, thề có Chúa chứng giám, tôi sẽ không bao giờ đặt chân vào ngưỡng cửa nhà này nữa. Tôi bước vào sân, bước lên những hòn đá lát gồ ghề, lòng vẫn chưa hết do dự, và khi tới sát cửa, tôi suýt quay lại. Tôi nghiến chặt răng. Thôi đi, đừng sĩ diện hão! Trong trường hợp xấu nhất, có thể xin lỗi, nói quay lại để từ biệt - phép lịch sự bắt thế - và thống nhất ngày tôi sẽ trả món tiền còn nợ. Tôi mở cửa bước vào hành lang và đứng sững lại vì ngạc nhiên. Ông chủ nhà đầu không mũ, người không khoác áo đang đứng ghé mắt nhìn vào phòng qua ổ khoá trên cửa. Ông ta đưa tay ra hiệu tôi im lặng, rồi lại nhìn qua ổ khoá để xem cái gì đang xảy ra bên trong. Vừa nhìn, vừa cười. Rồi ông ta khẽ gọi tôi:
- Lại đây! Lại đây mà xem!
Tôi rón rén đi lại.
- Thấy gì không? - Ông ta nói, người rung lên vì không nén được cười to. - Nhìn lại, nhĩn kĩ vào! Hi, hi! Chúng đang vật nhau. Nhìn ông già nữa! Có thấy ông già chứ?
Trong phòng, trên chiếc giường ngay trước mặt tôi, dưới bức tranh vẽ Chúa Giêsu, tôi thấy bà chủ nhà và gã thuỷ thủ đang ôm nhau. Đôi chân bà ta trắng hếu trên nền chiếc chăn màu sẫm. Còn trên một chiếc giường khác gần đó là bố bà ta đang ngồi tựa lưng vào tường. Ông già bại liệt tựa lên hai tay, nhìn trân trân, co rúm người vì đau khổ, và như thường ngày, không thể làm một cử động nào, dù nhỏ...
Tôi quay về phía ông chủ nhà. Tay bóp chặt mũi, vất vả lắm ông ta mới giữ được để không phá lên cười to.
- Nhìn thấy ông già chứ? - Ông ta thì thầm nói. - Ôi, lạy Chúa, anh nhìn thấy ông già chứ? Lão cứ phải ngồi để nhìn chúng làm tình với nhau! - Rồi ông ta lại cúi xuống nhìn qua ổ khoá.
Tôi lại gần cửa sổ, ngồi xuống. Cái cảnh độc ác kia lập tức làm mọi ý nghĩ của tôi chùng xuống, và giết chết mọi cảm hứng. Nhưng thử hỏi tất cả những chuyện này có quan hệ gì với tôi? Một khi chính ông chồng đã chấp nhận điều đó và thậm chí còn lấy làm thích thú, thì tôi chẳng có một lí do nào để phẫn nộ. Còn về ông già thì chắc chắn cũng không bận tâm tới. Chắc đây không phải là lần đầu ông già chứng kiến cảnh này, cũng chúng tôi ông đang ngồi ngủ hay đã chết - chỉ trời mới biết. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên chút nào, nếu ai đó báo tin rằng quả là ông đã chết. Mà lương tâm tôi cũng không hề cắn rứt.
Tôi lại lấy giấy bút ra và cố tập trung suy nghĩ. Câu nói của quan toà bị đứt giữa chừng: "Ta làm theo lời dạy của Chúa và pháp luật, ta làm theo lời khuyên của các nhà thông thái, ta làm theo lương tâm...". Tôi nhìn ra cửa sổ và nghĩ làm theo lương tâm cụ thể là làm gì. Từ phòng có tiếng ồn khe khẽ vọng ra. ồ không, nó không liên quan gì tới tôi, hoàn toàn không. Có thể ông già đã chết, chết vào lúc bốn giờ sáng hôm nay. Nghĩa là tôi không mảy may quan tâm tới những gì đang xảy ra ở phòng bên. Nhưng quỷ quái thật, thế thì sao tôi cứ nghĩ tới nó? Không được! Phải bình tĩnh lại!
"Ta làm theo lương tâm..."
Nhưng hình như tất cả đang cố tình chống lại tôi. Ông chủ nhà vẫn không rời mắt khỏi lỗ khoá; chốc chốc lại bịt miệng cười thích thú. Tôi nhìn thấy người ông ta rung lên vì cười. Cả những gì xảy ra ngoài phố cũng làm tôi mất tập trung. ở bên kia phố, một đứa bé đang chơi ngoài nắng. Nó bình thản ngồi chắp các mẩu giấy lại với nhau. Bỗng nó đứng bật dậy, giận dữ kêu to điều gì đó. Nó lùi lại, đến đứng chính giữa phố, ngước nhìn lên một người có bộ râu màu hung vừa ló ra ở cửa sổ và từ tầng hai nhổ nước bọt xuống đầu nó. Tức quá không làm gì được, nó oà khóc rồi lên tiếng chửi rủa. Còn người râu hung thì đứng bên cửa sổ nhìn xuống và cười hô hố; cứ thế kéo dài trong năm phút. Tôi quay đi để khỏi phải nhìn nước mắt của thằng bé.
"Ta làm theo lương tâm..."
Tôi không sao viết nổi câu tiếp. Cuối cùng mọi thứ bắt đầu lẫn lộn. Tôi có cảm giác rằng cả những đoạn đã viết xong cũng chẳng có chút giá trị nào, và rằng toàn bộ dự định của tôi chỉ là một chuyện nhảm nhí. Vào cái thời trung cổ ấy làm gì có lương tâm. Người đầu tiên nói tới lương tâm là ông thày dạy múa trong kịch Sếchxpia. Nghĩa là toàn bộ bài nói của ông quan toà của tôi là không đúng. Nghĩa là có thể đem vứt những tờ đã viết? Tôi đọc lại toàn bộ một lần nữa và mọi nghi ngờ đều biến mất. Tôi tự thấy có nhiều đoạn rất hay, nhiều chỗ có giá trị cao về nghệ thuật. Và lần nữa tôi lại rạo rực muốn cầm bút viết tiếp để kết thúc vở kịch.
Tôi đứng dậy, đi tới cửa, không để ý ông chủ nhà đang ra hiệu tôi im lặng. Với quyết tâm không gì thay đổi được, tôi đi ra hành lang, theo thang gác lên tầng hai rồi bước vào phòng mình. Gã thuỷ thủ còn ở dưới kia mà, ngồi ở đây một chốc đã sao? Tôi sẽ không động đến các đồ vật trong phòng, thậm chí không lại gần chiếc bàn, mà chỉ ngồi trên ghế cạnh cửa. Đối với tôi như thế là đủ... Tôi nhanh chóng lấy giấy đặt lên gối.
Mấy phút trôi qua thật tuyệt. Tôi viết liên tục không nghỉ. Các câu hoàn chỉnh, được nghiền ngẫm từ lâu cứ thế nối đuôi nhau xuất hiện. Tôi viết hết trang này đến trang khác, công việc tiến rất nhanh về phía trước. Chốc chốc tôi khẽ kêu lên sung sướng, ngây ngất với cảm hứng kì diệu của mình và hầu như chẳng biết gì khác. Lúc ấy tôi chỉ nghe tiếng kêu thán phục của chính tôi. Tôi bỗng nẩy ra một ý rất hay về chiếc chuông nhà thờ, nó sẽ phải vang lên ở một đoạn trong vở kịch. Ôi, thật kì diệu!
Bỗng có tiếng chân trên cầu thang. Tôi run lên vì sợ, khó khăn lắm mới giữ được để không ngã xuống. Tôi luôn trong tình trạng hốt hoảng, rụt rè, chờ đón mọi chuyện. Cái gì cũng làm tôi sợ. Các dây thần kinh rối tung vì đói. Tôi hồi hộp lắng nghe, bóp chặt bút chì trong tay và không thể viết thêm chữ nào nữa. Cửa mở. Hai người bước vào. Họ là những người tôi vừa nhìn thấy qua ổ khoá.
Tôi chưa kịp xin lỗi thì bà chủ nhà đã kêu lên, kinh ngạc như vừa từ mặt trăng rơi xuống.
- Trời đất ơi, lại gặp hắn ở đây!
- Xin lỗi! - Tôi nói và định giải thích thêm, nhưng người ta không cho tôi nói tiếp.
- Cút khỏi đây ngay! Thề có trời làm chứng, tôi sẽ gọi cảnh sát tới bây giờ!
Tôi đứng dậy.
- Tôi chỉ đến đây từ biệt bà, - tôi lẩm bẩm. - Tôi buộc phải chờ ở đây. Tôi không hề đụng đến các đồ vật, tôi chỉ ngồi ở cái ghế này thôi...
- Thôi cũng chẳng sao, - gã thuỷ thủ lên tiếng, - ầm lên làm quái gì! Để hắn yên!
Khi đi xuống cầu thang, tôi bỗng cảm thấy vô cùng căm ghét người đàn bà to béo đang đi phía sau để nhanh chóng tống tôi khỏi nhà. Tôi dừng lại trong giây lát, trong đầu sẵn sàng những câu chửi cay độc nhất mà tôi sắp sửa ném vào mặt mụ. Nhưng tôi đã kịp thời bình tĩnh trở lại và im lặng, im lặng vì biết ơn người đàn ông lạ mặt đang đi theo mụ và có thể nghe thấy hết cả. Mụ chủ nhà cứ bám chân tôi, miệng không ngớt nguyền rủa, làm tôi mỗi lúc một thêm tức giận.
Chúng tôi bước nhanh ra sân. Tôi đi chậm chạp, vẫn băn khoăn không biết có nên dính với mụ chủ nhà này không. Sự tức giận làm tôi nghẹt thở. Trong đầu tôi xuất hiện những ý nghĩ đẫm máu nhất. Tôi sẵn sàng giết mụ ngay lập tức, hoặc đạp vào cái bụng chửa của mụ. Tới cổng, tôi gặp người đưa thư, anh ta cúi chào nhưng tôi không đáp. Rồi anh ta quay sang mụ chủ nhà, hỏi điều gì đó về tôi, nhưng tôi vẫn không ngoái lại.
Tôi vừa bước ra phố, anh ta liền chạy theo, lại cúi chào và yêu cầu tôi chờ một chút. Anh ta đưa cho tôi một bức thư. Tôi lơ đãng bóc thư và từ đó rơi ra một tờ giấy mười curon, nhưng không có thư nào cả.
Tôi nhìn anh ta, hỏi:
- Chuyện gì thế này? Ai gửi cho tôi?
- Thú thật, tôi không biết, - người đưa thư đáp. - Một bà nào đấy nhờ tôi đưa hộ ông.
Tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Người đưa thư đã bỏ đi. Tôi cho tờ giấy bạc vào bì thư, vò nát rồi quay lại đi về phía mụ chủ lúc này vẫn đứng nhìn theo tôi bên bậc cửa. Tôi ném cục giấy vào mặt mụ rồi quay người bước đi. Tôi không nói lời nào, không gây tiếng động nào, chỉ một lần ngoái lại nhìn và thấy mụ đang giở tờ giấy bạc nhàu nát...
Thế, thế mới gọi là biết cư xử một cách xứng đáng! Không chuyện trò, không thèm nói một câu với mụ đàn bà bẩn thỉu kia, mà bình thản vò nát một tờ mười curon rồ ném thẳng vào mặt mụ. Thế mới gọi là một người biết tự trọng! Đáng đời chúng lắm, đồ chó má!...
Khi tôi đi tới góc quảng trường nhà ga và phố Tômtegaten giao nhau, tôi bỗng thấy đầu óc quay cuồng, tai ù ù, suýt nữa thì ngã xuống đất, và tôi phải tựa vào tường mới đứng vững. Tôi không thể đi tiếp, thậm chí không đứng thẳng lưng được. Tôi cảm thấy tôi đang từ từ ngất xỉu. Trạng thái bất lực này chỉ làm cơn giận điên cuồng của tôi tăng thêm. Tôi liên tiếp giẫm mạnh chân xuống đất. Tôi tìm mọi cách cố bắt mình tỉnh lại - tôi nghiến răng, nhíu trán, trợn mắt... và hình như có kết quả. ý nghĩ trong đầu sáng dần. Tôi hiểu cái chết không còn xa nữa. Tôi rút hai tay khỏi bức tường. Đường phố vẫn nhảy múa trước mặt. Tôi bắt đầu thút thít khóc vì bất lực và cuồng giận, đem hết sức chống đỡ lại, cố đứng vững trên đôi chân của mình. Tôi không muốn ngã. Tôi muốn được chết đứng. Một chiếc xe ngựa chạy qua. Tôi thấy nó chở khoai tây, nhưng vì bướng bỉnh, tôi cứ bắt mình nghĩ rằng đó không phải khoai tây, mà là cải bắp, và tôi đã tự thề một cách độc địa rằng đó là cải bắp. Tôi nghe rất rõ tiếng nói của chính mình, biết mình sai nhưng vẫn cố tình xem cái điều ngốc nghếch kia là sự thật. Tôi còn giơ ba ngón tay lên cao và lóng ngóng nhân danh đức chúa cha, đức chúa con và thánh thần, thề rằng trong xe là những bắp cải.
Thời gian trôi. Tôi ngồi phịch xuống bậc đá gần nhất, lau mồ hôi trán và cổ, hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Mặt trời đã lặn, đêm đến dần. Tôi lại bắt đầu suy ngẫm về hoàn cảnh của mình. Cái đói giày vò tôi không thương tiếc, mà chỉ vài tiếng nữa đêm băng giá sẽ đến. Phải nghĩ ngay lối thoát, chừng nào chưa muộn. ý nghĩ tôi lần nữa lại quay về với những căn phòng có đồ gỗ nơi tôi vừa bị đuổi đi. Tôi hoàn toàn không muốn tới đó, thế nhưng vẫn không sao thoát khỏi ý nghĩ ấy. Thật ra mà nói, mụ chủ nhà tống tôi ra đường là đúng. Làm sao tôi có thể trông chờ người ta cho chỗ ngủ khi không có tiền để trả? Thêm vào đó, tôi lại còn được ăn nữa. Đêm qua, cả khi đang tức giận, mụ vẫn mời tôi hai miếng bánh mì kẹp thịt - mụ mời vì thương hại tôi, biết tôi đang rất đói. Vì vậy, tôi cứ ngồi ở bậc đá này mà oán trách mụ là không đúng. Và rồi tôi lặng lẽ cầu xin mụ tha thứ cho tôi đã cư xử thô lỗ với mụ. Đặc biệt tôi lấy làm buồn về việc tôi đã tỏ ra vô ơn và ném tiền vào mặt mụ...
Mười curon! Tôi khẽ huýt sáo vì kinh ngạc. Ai nhờ người đưa thư trao cho tôi nhỉ? Chỉ bây giờ tôi mới thực sự nghĩ tới điều đó và lập tức hiểu hết mọi chuyện. Tôi co rúm người vì buồn và xấu hổ rồi khẽ nói mấy lần: "Ilaialy!", vừa nói vừa khẽ lắc đầu. Có phải chính tôi mới đêm qua còn quyết định kiêu hãnh lờ ngang khi gặp nàng và sẽ không thèm mảy may chú ý tới nàng không? Thế mà thay cho điều ấy, tôi chỉ làm nàng thêm thương hại và bố thí cho cái này! Không! Không! Không! Lẽ nào tôi có thể nhục nhã đến thế? Thậm chí trong mắt nàng tôi vẫn không tỏ ra được rằng mình là người tử tế. Tôi đã ngập sâu trong đê tiện, ngập đến gối, đến lưng, đến cổ, và chẳng đủ sức thoát ra nữa. Chẳng bao giờ! Thế là hết! Nhận mười curon như nhận của bố thí và không có điều kiện để quẳng chúng vào mặt con người từ thiện bí hiểm kia. Tôi đã vồ lấy số tiền ấy bằng cả hai tay, thế mà không dùng chúng để trả tiền nhà, dù đang vì nó mà đau khổ!...
Có cách nào lấy lại được mười đồng curon ấy không nhỉ? Đến gặp mụ chủ nhà xin lại là điều vô ích. Phải tìm cách khác thôi. Sẽ tìm được, chỉ cần suy nghĩ, suy nghĩ thật nhiều. Có Chúa làm chứng, chỉ nghĩ bằng đầu thôi chưa đủ, mà phải bằng cả cơ thể mình. Và rồi tôi bắt đầu nghĩ một cách nghiêm túc.
Có lẽ đã gần bốn giờ chiều, nghĩa là hai giờ nữa tôi có thể đến gặp ông giám đốc nhà hát, nếu vở kịch viết xong. Tôi lấy tập bản thảo ra và quyết tâm bằng bất kì giá nào cũng phải viết nốt mấy cảnh còn lại. Tôi vắt óc suy nghĩ, người toát mồ hôi, đọc lại một lượt từ đầu, nhưng vẫn không viết thêm được một chữ nào. "Ngu ngốc thế đủ rồi, - tôi tự bảo mình. - Đừng bướng bỉnh thế nữa!" Và rồi tôi bắt đầu nghĩ gì viết ấy, cốt để nhanh chóng kết thúc cho thoát nợ. Tôi cố thuyết phục mình rằng cảm hứng đã đến; tôi lừa dối tôi chẳng phải vất vả chút nào trong việc tìm từ. "Tuyệt! Một ý tưởng thật hay! - Chốc chốc tôi lại lẩm bẩm nói. - Chỉ còn việc chép lên giấy!"
Cuối cùng đoạn kết của vở kịch bắt đầu làm tôi nghi ngờ. Nó khác xa những cảnh đầu. Ngoài ra, lời cha tu sĩ không có gì là trung cổ cả. Tôi cắn bút chì, nhảy chồm dậy, cầm tập bản thảo và xé nhỏ từng tờ một, sau đó tôi vứt mũ xuống đất và lấy chân giẫm nát. "Thế là ta đã chết, - tôi khẽ bảo mình. - Thưa quý ông, quý bà, thế là tôi đã chết!" Ngoài câu này, tôi chẳng nói thêm được gì nữa và chỉ còn biết giẫm chân lên chiếc mũ.
Cách mấy bước có một người cảnh sát đang đứng theo dõi tôi. Anh ta đứng chính giữa phố và nhìn tôi không chớp mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên, mắt chúng tôi gặp nhau. Có thể anh ta đứng đấy từ lâu và luôn theo dõi tôi trong suốt thời gian ấy. Tôi nhặt chiếc mũ, đội lên đầu rồi đi lại gần người cảnh sát.
- Anh có biết bây giờ mấy giờ không? - Tôi hỏi.
Suy nghĩ một chốc, anh ta cho tay vào túi lấy đồng hồ, mắt vẫn chăm chắm nhìn tôi.
- Bốn giờ, - anh ta đáp.
- Đúng! - Tôi nói. - Bốn giờ, đúng thế. Tôi thấy anh biết công việc của anh đấy. Sau này tôi sẽ để ý cất nhắc anh.
Rồi tôi bỏ đi. Anh kia đứng ngẩn người vì ngạc nhiên, há to miệng nhìn theo, tay vẫn cầm chiếc đồng hồ. Tới "Royal" tôi ngoái đầu nhìn lại: anh ta vẫn đứng như thế.
Đói Đói - Knut Hamsun Đói