Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Đoàn Văn Công Tiền Tiến Bebra
iữa tháng 6/1942, Kurt con trai tôi tròn một tuổi. Oskar, cha nó, có phần xem nhẹ kỳ sinh nhật này; để hai năm nữa đã, gã nghĩ bụng. Tháng 10-1942, Greff, chủ hiệu rau quả, tự treo mình trên một cái giá được chế tác thần tình đến nỗi từ đó trở đi, tôi, Oskar đây, luôn luôn coi tự vẫn là một trong những hình thức chết cao quý nhất. Tháng Giêng 1943, khắp thành phố xôn xao bàn tán về Stalingrad. Nhưng vì Matzerath nói tên thành phố này với cái giọng y hệt như khi nhắc đến Pearl Harbor, Tobruk và Dunkerque trước đây, nên những sự việc diễn ra ở đó chẳng làm tôi chú ý gì hơn những chuyện ở các thành phố khác mà tôi đã quen tên nhờ những thông cáo đặc biệt; bởi lẽ những thông cáo và bản tin của Wehrmacht[1] đã trở nên một thứ giáo trình địa lý đối với Oskar. Nếu không thì làm sao tôi biết được những con sông Kuban, Mius, Kiska và Adak trong quần đảo Aleutian tường tận hơn những bài bình luận trên đài về những sự kiện ở Viễn Đông? Như vậy, vào tháng Giêng 1943, tôi học được là thành phố Stalingrad ở bên bờ sông Volga; nhưng tôi không hề quan tâm đến số phận của Quân đoàn VI mà chỉ lo cho Maria hồi đó đang bị cúm nhẹ.
Trong khi cơn cúm của Maria rút dần, những bài học địa lý vẫn tiếp tục trên đài: cho đến nay, Oskar vẫn có thể nhắm mắt mà định vị ngay ra Rzev và Demyansk trên bất cứ bản đồ Nga Xô-viết nào. Maria vừa khỏi, lại đến Kurt con trai tôi bị ho gà. Trong khi tôi phấn đấu để ghi lại trong bộ nhớ những cái tên lủng cà lủng củng của mấy ốc đảo đang bị tranh chấp dữ dội của Tunisie thì chứng ho gà của Kurt chấm dứt đồng thời với số phận của Afrika Korps.
Ôi, tháng năm vui vẻ: Maria, Matzerath và Gretchen Scheffler chuẩn bị cho sinh nhật lần thứ hai của bé Kurt. Oskar cũng rất quan tâm đến cuộc lễ mừng sắp tới; bởi vì tính từ 12/6/1943, sẽ chỉ còn có một năm ngắn ngủi thôi. Nếu hôm sinh nhật lần thứ hai của Kurt, tôi có mặt, tôi sẽ nói nhỏ vào tai con trai tôi rằng: “Ráng chờ nhé, chẳng bao lâu con cũng sẽ đánh trống” Nhưng nào ngờ vào hôm 12/6/1943, Oskar lại không còn ở Danzig-Langfuhr nữa, mà ở Metz, một thành phố cổ do người La Mã dựng nên. Sự vắng mặt này kéo dài đến nỗi Oskar phải khó khăn lắm mới trở về thành phố quê hương vào ngày 12/6/1944, vừa kịp sinh nhật lần thứ ba của Kurt và trước khi xảy ra những cuộc không kích lớn.
Công chuyện gì đã khiến tôi phải đi xa? Tôi sẽ không vòng vo. Tôi đã gặp sư phụ Bebra của tôi bên ngoài trường Pestalozzi, giờ đã thành một doanh trại không quân. Nhưng chỉ một mình Bebra ắt đã không thuyết phục nổi tôi ra ngoài nước. Khoác tay Bebra là Raguna, Signora Roswitha, nghệ sĩ mộng du vĩ đại.
Oskar từ Kleinhammer-Weg đến thăm Gretchen Scheffler và đã đọc lướt cuốn Chiến đấu vì Roma, qua đó đã khám phá ra rằng ngay từ thời Belisarius, lịch sử đã có những thăng trầm, ngay từ hồi đó, người ta đã ăn mừng hoặc sầu than những chiến thắng hoặc thất bại trên sông và các thành phố trên phạm vi địa lý rộng lớn.
Tôi đi qua đồng cỏ Fröbel, nơi mấy năm qua đã biến thành một khu trại của Tổ chức Todt[2]; tôi đang nghĩ về Taginae – tại đây, năm 552, Narses[3] đã đánh bại Totila – nhưng không phải chiến thắng lái dòng suy nghĩ của tôi hướng về Narses, vị tướng tài gốc Armenia; không, điều tôi quan tâm là vóc dáng của vị tướng này; Narses là một người dị dạng, lưng gù, Narses nhỏ bé dưới mức bình thường, một chú lùn, một gã tí hon. Có lẽ Narses cao hơn Oskar một cái đầu trẻ con, tôi nghĩ thầm. Lúc đó tôi đang đứng bên ngoài trường Pestalozzi. Háo hức muốn tìm cái để so sánh, tôi đưa mắt nhìn những tấm huy hiệu của mấy tay sĩ quan không quân lớn quá nhanh.
Chắc chắn, Narses không đeo huy hiệu gì hết, tôi tự bảo, ông đâu có cần. Và kia, ngay giữa cổng chính vào trường, đích thân vị tướng đang đứng, khoác tay một nàng – tại sao Narses lại không thể khoác tay một nàng? Họ bước về phía tôi, lọt thỏm bé xíu giữa đám sĩ quan không quân khổng lồ, tuy nhiên họ vẫn là mấu chốt và trung tâm, quanh họ ngời lên một vòng hào quang của lịch sử và huyền thoại, họ già như những trái đồi giữa đám yêng hùng phi công non choẹt – có nghĩa lý gì cái trại đầy những Totila và Teja này, đầy những gã sếu vườn người Đông Gôtích bên cạnh một mình chú lùn người Armenia tên là Narses? Bằng những bước từ tốn, Narses tiến lại gần Oskar; ông vẫy tay ra hiệu và cả công nương khoác tay ông cũng làm thế. Đám phi công kính cẩn né ra nhường đường. Bebra và Signora Roswitha Raguna chào tôi. Tôi ghé môi vào sát tai Bebra, thì thầm: “Thầy thân yêu, em cứ tưởng thầy là tướng quân Narses vĩ đại. Em đánh giá ông ta cao hơn anh chàng lực sĩ Belisarius[4] nhiều”.
Bebra khiêm nhường xua tay khước từ lời ca ngợi. Nhưng Raguna thì lại khoái sự so sánh của tôi. Đôi môi nàng mấp máy mới dễ thương làm sao khi nàng nói: “Kìa, Bebra, amico trẻ của chúng ta nói đâu có sai? Chẳng phải là dòng máu của Hoàng tử Eugene vẫn chảy trong huyết quản anh đó sao? Elodovico quattor dicesimo? Ngài chẳng phải là ông tổ của anh sao?”
Bebra nắm lấy cánh tay tôi, kéo riêng ra một chỗ vì cánh không quân cứ ngắm nghía chúng tôi, nhìn chòng chọc đến phát phiền, chẳng khác một con chó nhìn miếng dồi. Sau khi một trung uý rồi hai trung sĩ chào Bebra theo kiểu nhà binh – sư phụ tôi đeo lon đại uý và trên cánh tay một dải băng với dòng chữ “Đội tuyên truyền” – sau khi mấy phi công xin được chữ ký của Raguna – Bebra vẫy người tài xế lái chiếc xe công vụ của ông và chúng tôi lên xe. Xe chúng tôi chuyển bánh trong tiếng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt của cánh không quân.
Chúng tôi đi qua các phố Pestalozzi, Madgeburger, khu bãi tập. Bebra ngồi cạnh tài xế. Đến phố Magdeburger, Raguna mượn cái trống để khơi chuyện: “Vẫn trung thành với cái trống chứ, bạn thân mến?” nàng khẽ hỏi với cái giọng Địa Trung Hải mà đã bao lâu tôi không được nghe. “Và nói chung, bạn trung thành tới mức nào?” Oskar không trả lời, gã không muốn bắt nàng phải nghe kể dông dài về những chuyện phong nguyệt phức tạp của mình, nhưng tươi cười để cho nữ tài tử mộng dun vĩ đại vuốt ve hết cái trống đến đôi bàn tay co quắp trên trống với một niềm âu yếm càng lúc càng rõ chất miền Nam.
Khi xe chúng tôi rẽ vào khu bãi tập, theo đường xe điện tuyến số 5, tôi thậm chí đã đáp lại, có nghĩa tôi đưa tay vuốt ve bàn tay trái của nàng trong khi tay phải nàng vẫn âu yếm tay trái tôi. Lúc này chúng tôi đã đi quá Quảng trường Max-Halbe, Oskar không xuống được nữa và, nhìn vào gương chiếu hậu, tôi thấy đôi mắt nâu nhạt tinh quái, già trăm tuổi của Bebra đang quan sát chúng tôi vuốt ve nhau. Vì trân trọng người bạn và thầy, tôi những muốn rụt tay lại, nhưng Raguna cứ nắm riết lấy. Bebra tủm tỉm trong gương chiếu hậu, rồi ngảnh mắt đi, quay sang nói chuyện với người lái xe trong khi, về phần mình, Roswitha vừa vuốt ve và riết chặt tay tôi, vừa rót thẳng vào tim tôi những lời lẽ trữ tình, thoạt đầu thì có phần thực tế sau rồi mỗi lúc một dịu ngọt hơn với cái giọng Địa Trung Hải của nàng, làm tôi hết áy náy và hết muốn trốn tránh. Xe đến Reichkolonie, rẽ về hướng Bệnh viện phụ khoa, và Raguna thú nhận với Oskar rằng suốt những năm qua, nàng không ngừng nghĩ đến gã, rằng nàng vẫn còn giữ cái cốc của tiệm cà-phê Bốn Mùa mang “âm” tích của tôi tặng nàng, rằng Bebra là một người bạn và cộng sự tuyệt vời nhưng không thể nghĩ đến chuyện hôn nhân với ông được. Bebra phải sống độc thân, Raguna nói, đáp lại một câu hỏi của tôi; nàng để cho ông hoàn toàn tự do và ông cũng vậy, mặc dầu bản chất cực kỳ ghen tuông, nhưng qua năm tháng, ông đã hiểu ra rằng không thể ràng buộc Raguna, vả chăng, với cương vị đứng đầu Đoàn Văn công quân đội, Bebra chẳng có mấy thời gian để làm bổn phận người chồng, nhưng còn đoàn thì số dách, bình thời đoàn hoàn toàn có thể biểu diễn ở Vườn Mùa Đông hoặc Scala, liệu tôi, Oskar đây, có muốn thi thố cái tài trời cho đang bị bỏ phí chăng, thử nghiệm một năm xem sao, rành là tôi đã đến tuổi góp mặt với đời, thử sức một năm, nàng cam đoan là tôi sẽ thích, nhưng có lẽ tôi, Oskar, đã nhận lời với chỗ khác, phải không? Không ư, thế thì tốt, vừa khéo hôm nay đoàn lên đường. Đoàn vừa biểu diễn buổi cuối cùng ở quân khu Danzig-Đông Phổ, giờ chuẩn bị đi Lorraine rồi sang Pháp, hiện không còn lo bị phái đi Mặt trận phía Đông, ơn Chúa, đã qua được cái đận ấy rồi, tôi, Oskar, có thể vui mừng vì phương Đông đã lui vào quá khứ, giờ đây chắc chắn chúng ta sẽ đi Paris, tôi, Oskar, đã đến Paris bao giờ chưa? Vậy thì, amico, nếu Raguna không thể cám dỗ trái tim sắt đá của người đánh trống thì hãy để Paris làm việc đó, andiamo!
Đúng lúc nữ nghệ sĩ mộng du vĩ đại nói những lời cuối cùng này, xe dừng lại. Cây mọc xanh rờn Đại lộ Hindenburg, từng quãng đều tăm tắp. Chúng tôi xuống xe, Bebra bảo tài xế đợi. Tôi không muốn vào tiệm cà-phê Bốn Mùa, đầu óc tôi đang quay cuồng và cần khí trời thoáng mát. Chúng tôi dạo quanh công viên Steffens, tôi đi giữa, Bebra bên phải và Raguna bên trái. Bebra giải thích tính chất và mục đích của Propaganda-Kompanie (Đội Tuyên truyền). Roswitha kể những giai thoại xung quanh cuộc sống hằng ngày của Propaganda-Kompanie. Bebra nói về các hoạ sĩ và phóng viên chiến tranh, về đoàn văn công quân đội của mình. Từ cặp môi Địa Trung Hải của Roswitha, tuôn ra các tên của những thành phố xa xôi tôi mới chỉ được nghe trên đài qua những thông cáo đặc biệt. Bebra nói Copenhagen, Roswitha thì thầm Palermo. Bebra ca Belgrade, Roswitha than Athens bằng giọng của một nữ diễn viên bi kịch. Nhưng cả hai đều trầm trồ tán dương Paris; ngay cả nếu tôi không bao giờ được thấy các thành phố kể trên, họ cam đoan với tôi, chỉ riêng Paris cũng sẽ đủ để bù lại thiệt thòi ấy. Và cuối cùng, Bebra, với tư cách một đại uý đoàn trưởng một đoàn văn công tiền tuyến, nói với tôi như một lời mời chính thức: “Bạn trẻ ạ, hãy tham gia cùng bọn mình, hãy đánh trống và hát cho vỡ tan những cốc bia và bóng đèn. Quân đội Đức chiếm đóng ở nước Pháp tươi đẹp, ở Paris thành phố mãi mãi thanh xuân, sẽ thưởng công cho chú bằng những tràng vỗ tay và lòng biết ơn.”
Một cách chiếu lệ, Oskar xin được có thời gian suy nghĩ. Suốt nửa tiếng đồng hồ, tôi đi dạo giữa những hàng cây mơn mởn sắc xuân, tách khỏi Raguna, tách khỏi Bebra, bạn và sư phụ của tôi. Tôi làm ra vẻ trăn trở suy nghĩ, bóp trán, lắng nghe những con chim nhỏ hót trong lùm cây – một điều trước nay tôi chưa từng làm – như thể chờ lời khuyên hay mách bảo của một chú chim ức đỏ nào đó. Bỗng nhiên, một giọng hót vút cao hơn tất cả và tôi nói: “Thầy kính mến, Mẹ Thiên Nhiên sáng láng và phúc hậu khuyên em nên nhận lời đề nghị của thầy. Từ giờ phút này, thầy có thể coi em như một thành viên của đoàn.”
Thế rồi rốt cuộc, chúng tôi cũng đến tiệm Bốn Mùa, uống một ly mooka nhạt thếch và bàn bạc chi tiết về cuộc đào tẩu của tôi, nhưng chúng tôi không gọi đó là đào tẩu mà là một cuộc ra đi.
Ra khỏi tiệm cà-phê, chúng tôi rà soát lại mọi chi tiết của kế hoạch. Rồi tôi tạm biệt Raguna và đại uý Bebra của Propaganda-Kompanie, ông này một mực dành chiếc xe công vụ cho tôi sử dụng. Trong khi hai người nhẩn nha đi dọc Đại lộ Hindenburg về phía thành phố, người lái xe cho Đại uý, một hạ sĩ đứng tuổi, đưa tôi về Langfuhr. Bác ta để tôi xuống chỗ Quảng trường Max-Halbe: một gã Oskar ngồi xe công vụ của Wehrmacht xịch tới Labesweg ắt sẽ thu hút quá nhiều con mắt tò mò.
Tôi không còn mấy thì giờ. Tạt qua tạm biệt Matzerath và Maria. Đứng hồi lâu trước chiếc giường cũi của Kurt con trai tôi. Nếu tôi nhớ đúng, thì thậm chí tình phụ tử còn nhen lên trong đầu đôi ba ý nghĩ khiến tôi toan đưa tay vuốt ve thằng ôn tóc vàng, nhưng Kurt không chịu. Trái lại, Maria thì không từ chối: hơi ngỡ ngàng, nàng chấp nhận những vuốt ve của to – những biểu hiện âu yếm đầu tiên sau bao năm – và trìu mến đáp lại. Kỳ lạ thay, tôi thấy bịn rịn khi chia tay với Matzerath. Ông đứng trong bếp làm món cật lợn xốt mù-tạc; nhập thân hoàn toàn vào chiếc muôi nấu ăn, có thể là ông đang sung sướng. Tôi sợ mình sẽ làm rầy ông. Nhưng khi ông với tay ra sau, sờ sẩm tìm cái gì đó trên bàn bếp, Oskar đoán được ý đồ của ông, bèn nhấc cái thớt nhỏ với chút mùi tây thái nhỏ trên đó và đưa cho ông; cho đến nay, tôi vẫn tin rằng hồi lâu sau khi tôi rời khỏi bếp, Matzerath vẫn đứng ngây ra sững sờ với chiếc thớt mùi tây bởi vì trước đó, chưa bao giờ Oskar đưa cho ông bất cứ cái gì.
Tôi ăn bữa tối với Mamăng Trunczinski; tôi để cho bà tắm cho tôi và đặt tôi vào giường, đợi cho bà về phòng và bắt đầu ngáy khò khè tựa tiếng huýt gió. Bấy giờ tôi mới tìm đôi dép lê, vơ vội bộ quần áo, rón rén đi qua căn phòng có bà chuột nhắt tóc bạc đang ngáy khò khè và mỗi ngày một già thêm; ngoài hành lang, tôi bị trục trặc với cái chìa khoá một chút, song cuối cùng cũng lựa được lưỡi khoá ra khỏi ổ. Vẫn thùng thình trong chiếc áo ngủ, tôi ôm bộ đồ leo cầu thang lên đến tầng áp mái. Trật trưỡng bước qua đống các và xô phòng không, tôi đến chỗ ẩn náu của mình đằng sau những chồng ngói và những bó báo được trữ ở đó bất chấp những quy định về phòng không. Tại đây, tôi khui ra một cái trống mới toanh mà tôi đã cất riêng ra, không cho Maria biết, đồng thời cũng thấy luôn cả cái thư-viện-nhất-quyển của Oskar: Rasputin và Goethe. Tôi có nên mang theo các tác giả yêu thích không nhỉ?
Trong khi mặc quần áo, xỏ giày vào, chỉnh dây đeo trống quanh cổ, dắt dùi trống dưới đai đeo quần, Oskar tiếp tục thương lượng với hai vị thần của mình, Dyonysus và Apollo. Vị tuý thần không mấy trọng suy nghĩ khuyên tôi đừng mang sách đi làm gì hoặc nếu tôi nhất thiết muốn có cái đọc, thì một xấp Rasputin là đủ. Mặt khác, khôn ngoan và tỉnh táo, Apollo cố thuyết phục tôi từ bỏ hẳn chuyến đi Pháp này, nhưng khi thấy Oskar đã quyết định, bèn dặn đi dặn lại là phải chọn hành trang cho thoả đáng. Được, tôi sẽ phải mang theo cái ngáp tao nhã của Goethe cách đây hàng thế kỷ, nhưng do ý muốn thách thức và cũng vì tôi biết Những ái lực chọn lọc không thể giải quyết được mọi vấn đề tình dục của tôi, nên tôi đem theo luôn cả Rasputin cùng những mỹ nữ khoả thân của ông, khoả thân hoàn toàn trừ những đôi tất đen. Nếu Apollo tìm kiếm sự hài hoà và Dionysus sự say sưa và hỗn độn, thì Oskar là một tiểu á thần có nhiệm vụ làm hài hào sự hỗn độn và làm cho lý trí say mềm. Cộng với tính khả vong của người trần thế, gã còn có một ưu thế so với tất cả các vị thần thực sự mà tính cách đã được khuôn định từ ngàn xưa: Oskar có thể đọc những gì gã thích, trong khi các vị thần phải tự kiểm duyệt mình.
Ở lâu, người ta đâm quen xiết bao với khu chung cưn cùng những mùi bếp của mười chín hộ thuê nhà! Tôi chào tạm biệt từng bậc cầu thang, từng tầng gác, từng cánh cửa gắn biển tên của các căn hộ. Ôi Meyn, người nhạc công bị trả về vì không đủ sức khoẻ phục vụ trong quân đội, lại chơi t’rompét, lại uống rượu gừng và chờ người ta lại đến bắt đi – và quả nhiên, về sau họ đến bắt đi thật, nhưng lần này không cho mang theo chiếc kèn t’rompét. Ôi bà Kater sồ sề có đứa con gái Susi tự xưng là nhân viên phụ động trong ngành vận tải. Ôi. Axel Mischke, cậu đánh đổi cây roi của cậu lấy cái gì? Hai vợ chồng ông Woiwuth vẫn ăn su hào. Do bị đau dạ dày, nên thay vì phục vụ trong bộ binh, Heinert được làm việc ở Schichau. Và cha mẹ của Heinert ở căn hộ bên cạnh vẫn mang cái tên Ba Lan Heinowshi. Ôi Mamăng Truczinski, bà chuột nhắt ngủ yên bình đằng sau cánh cửa căn hộ của mình. Áp tai vào ván cửa gổ, tôi nghe thấy tiếng ngáy như huýt gió của bà. Cũn cỡn, tên thật là Retzel, nay đã thành thiếu uý mặc dù hồi bé, bao giờ nó cũng phải mang tất len dài màu đen. Con trai của Schlager đã chết, con trai Eyke chết, con trai Kollin cũng chết. Nhưng bác thợ đồng hồ Laubsschad vẫn còn sống, vẫn đánh thức những cái đồng hồ chết sống lại. Và già Heilandt cũng còn sống để gõ những cái đinh cong queo thẳng lại. Và bà Schwerwinski ốm đau bệnh tật và ông Schwerwinski khoẻ mạnh hồng hào, thế mà ông lại chết trước. Còn tầng trệt thì sao? Có những ai ở đó? Là Alfred và Maria Matzerath và một thằng ôn con gần hai tuổi tên là Kurt. Và ai đan rời cái khu chung cư thở phì phò này? Đó là Oskar, cha của bé Kurt. Gã mang theo những gì vào trong phố tối? Một cái trống và một cuốn sách bự để học hỏi. Tại sao gã lại đứng im giữa những ngôi nhà che đèn kín bưng, giữa tất cả những ngôi nhà đặt lòng tin vào những quy định phòng không, tại sao gã dừng lại trước một trong những ngôi nhà che đèn phòng không đó? Bởi vì ở đó có bà goá Greff mà gã mang nợ không phải về mặt giáo dục, mà về một số kỹ năng khá tế nhị. Tại sao gã lại ngả mũ trước ngôi nhà đen? Bởi vì gã nghĩ đến Greff-Rau-Quả, tóc xoăn, mũi dọc dừa, ngươi đã tự cân và tự treo mình cùng một lúc, và, ở tư thế treo lơ lửng, vẫn tóc xoăn và mũi dọc dừa, mặc dù đôi mắt nâu, bình thường đăm chiêu náu trong hốc mắt, giờ lồi ra trong sự căng thẳng tột độ. Tại sao Oskar lại đội trở lại chiếc mũ lính thuỷ có dải bay phất phơ đằng sau và hấp tấp bỏ đi? Bởi vì gã có cuộc hẹn ở ga tàu hàng Langfuhr. Liệu gã có đến kịp không? Kịp.
Có nghĩa là vào phút cuối, tôi tới đoạn đường sắt gần cầu chui Brünshofer-Weg. Không, tôi không dừng lại trước phòng khám của bác sĩ Hollatz gần đấy. Trong tư tưởng, tôi tạm biệt Xơ Inge và vợ chồng ông chủ tiệm bánh mì ở Kleinhammer-Weg, nhưng tôi vừa đi vừa làm tất cả những cái đó, và chỉ có Nhà thờ Thánh Tâm mới buộc tôi phải dừng lại mất một lúc, khiến tôi suýt trễ giờ. Cửa nhà thờ đóng im ỉm. Song con mắt ký ức của tôi thấy rõ mồn một tay Jêxu nồng nỗng, hồng hào trên đùi trái của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Mẹ tội nghiệp của tôi đã lại ở đó, quỳ trong phòng xưng tội, trút những tội lỗi của mình với tư cách là nữ chủ hiệu tạp hoá vào tai Cha Wiehnke y như trút đường vào những cái bao màu xanh lơ một pao hoặc nửa pao. Và Oskar thì quỳ ở ban thờ bên trái, cố dậy Jêxu hài đồng đánh trống, nhưng cu cậu không chịu đánh, không cho tôi chứng kiến phép mầu. Hồi ấy, Oskar đã thề, và giờ đây, đứng bên ngoài cửa nhà thờ đóng kín, gã lại thề một lần nữa: mình vẫn sẽ dậy cho cậu ta đánh trống. Sớm hay muộn.
Vì trước mắt còn có chuyến đi xa, nên tôi tạm gác quyết định ấy và quay cái lưng nghệ sĩ đánh trống của mình lại với cửa nhà thờ, tin chắc rằng Jêxu sẽ không thoát khỏi tay tôi. Đến gần cầu chui, tôi hì hục leo lên sườn dốc đường tàu, rớt mất chút ít Goethe và Rasputin trong khi leo, nhưng phần lớn hành trang văn hoá vẫn còn nguyên khi tôi lên tới đường tàu. Rồi tôi trật trưỡng bước dăm bảy bước trên những thanh tà-vẹt và đá vụn trước khi suýt đâm sầm phải Bebra đang đứng đợi tôi trong đêm tốt mịt.
“Nghệ sĩ đánh trống kỳ tài của chúng ta đây rồi!” đại uý hề lùn reo lên. Dặn nhau phải cẩn thận, chúng tôi mò mẫm vượt qua những đường tàu và nhánh rẽ, mất phương hướng giữa mê cung những toa chở hàng, và cuối cùng tìm thấy đoàn tàu chở quân nhân đi phép, trên đó có một buồng toa dành cho đoàn của Bebra.
Oskar trước đây đã nhiều lần đi xe điện, bây giờ gã sắp sửa được đi tàu hoả. Khi Bebra đẩy tôi vào buồng toa, Raguna mỉm cười ngước mắt lên khỏi một cái gì nàng đang khâu dở và hôn vào má tôi. Vẫn mỉm cười, nhưng không ngừng khâu, nàng giới thiệu hai thành viên khác của đoàn: các nghệ sĩ nhào lộn Felix và Kitty. Kitty tóc vàng như mật ong, tầm vóc xấp xỉ Raguna và không thiếu sức hấp dẫn mặc dù da hơi xam xám. Cái giọng Xăcxông lơ lớ lại càng tăng thêm nét duyên ở cô. Nghệ sĩ nhào lộn Felix chắc hẳn là người cao nhất trong đoàn. Anh ta chắc phải cao gần một mét hai. Tội nghiệp anh chàng mặc cảm vì kích thước quá khổ của mình. Sự xuất hiện của tôi với tầm vóc thon thả chín mươi tư xăngtimét càng khiến anh ngượng nghịu hơn bao giờ hết. Khuôn mặt nhìn nghiêng của anh từa tựa như mặt một con ngựa đua thuần chủng, khiến Raguna gọi anh là “Cavallo” (ngựa) hay “Felix Cavallo”. Giống như Đại uý Bebra, anh chàng tài tử nhào lộn mặc một bộ quân phục màu xám, nhưng chỉ đeo quân hàm trung sĩ thôi. Hai nàng cũng mặc đồ xám cắt theo kiểu y phục đi đường, nom không hợp lắm. Cái mà Raguna đang khâu cũng màu xám; hoá ra đó là bộ quân phục tương lai của tôi. Felix và Bebra đã mua vải, Roswitha và Kitty thay phiên nhau khâu, càng lúc càng xén bớt vải cho đến khi cả quần áo lẫn mũ đều vừa vặn khổ người tôi. Còn về giày thì có lục khắp các kho quân nhu của Wehrmacht để kiếm một đôi vừa cỡ Oskar, cũng vô ích. Tôi đành phải bằng lòng với đôi giày dân sự của mình và chẳng bao giờ được phát ủng của quân đội.
Giấy tờ của tôi là giả mạo. Felix tài tử nhào lộn tỏ ra rất thông mnh trong công việc tế nhị này. Chỉ vì lịch sự mà tôi không lên tiếng phản đối khi nữ nghệ sĩ mộng du vĩ đại nhận tội là anh trai – xin nhớ là anh trai chứ không phải em trai: Oskarnello Raguna, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1912 tại Napoli. Cho đến nay, tôi đã dùng đủ mọi loại tên và Oskarnello Raguna chắc chắn không phải là cái tên kém êm tai nhất.
Tàu chuyển bánh. Qua Stolp, Stettin, Berlin, Hanover và Cologne, tàu đưa chúng tôi đến Metz. Chúng tôi dừng lại ở Berlin năm tiếng đồng hồ mà tôi hầu như không xem không thấy được gì. Tựa hồ do tình cờ, một cuộc không kích xảy đến. Chúng tôi phải trú trong hầm Thomaskeller. Đám lính đi phép bị lèn như cá hộp trong những phòng có mái vòm. Tất cả ồn lên khi một quân cảnh lách lối cho chúng tôi vào. Mấy gã vừa từ Mặt trận phía Đông về biết Bebra và đoàn từ những cuộc biểu diễn trước đây, họ vỗ tay, huýt sáo và Raguna gửi những chiếc hôn gió về phía họ. Người ta yêu cầu chúng tôi biểu diễn. Chỉ trong mấy phút, họ đã ứng biến tạo nên một sân khấu tạm thời ở đầu hầm bia cũ. Bebra khó lòng mà từ chối, nhất là khi một thiếu tá không quân, với thái độ thân ái và kính cẩn quá đáng, đứng nghiêm xin ông “cho anh em thưởng thức một chầu văn hoá văn nghệ”.
Lần đầu tiên, Oskar phải xuất hiện trong một cuộc trình diễn sân khấu thật sự. Tuy không phải hoàn toàn thiếu chuẩn bị - ngay trong khi tàu chạy, Bebra đã nhiều lần cùng tôi ôn tập tiết mục của tôi – tôi vẫn run đến nỗi Raguna phải vuốt ve tay tôi để động viên.
Nhanh như điện, lính ta chuyển đồ nghề của chúng tôi vào và một lát sau, Felix và Kitty bắt đầu trình diễn. Cả hai đều là người cao-su. Họ xoắn vào nhau thành búi, hết thắt vào lại gỡ ra, quấn quít, xáo đổi chân người nọ tay người kia, làm cho đám lính trố mắt, xô đẩy nhau đâm nhức cơ và đau khớp dữ dội đến mấy ngày sau. Trong khi cặp Felix và Kitty vẫn còn đang xoắn-xoắn-gỡ-gỡ, thì Bebra vào cuộc với tiết mục hề âm nhạc của mình. Trên những chai bia từ rỗng đến đầy ở nhiều mức độ khác nhau, ông chơi những bản nhạc được ưa chuộng nhất trong những năm chiến tranh; ông chơi bài Erika và Mamatchi, cho tôi một con ngựa, làm cho Những ngôi sao quê hương lấp lánh và vang lên từ những cổ chai, rồi khi thấy công chúng không hưởng ứng nồng nhiệt lắm, bèn quay trở lại bài “tủ” của mình: Jimmy-Mãnh-Hổ lồng lộn, gầm gào giữa đám chai. Khúc nhạc này không những chinh phục đám quân nhân mà còn thoả mãn lỗ tai sành điệu của Oskar nữa. Và khi, sau vài ngón ảo thuật nhố nhăng nhưng thành công, Bebra giới thiệu Roswitha Raguna, nữ nghệ sĩ mộng du vĩ đại và Oskarnello Raguna, nghệ sĩ đánh trống diệt thuỷ tinh, thì cử toạ đã được hâm nóng đủ độ; thành công của Roswitha và Oskarnello là điều chắc chắn. Tôi mở đầu cuộc trình diễn của chúng tôi bằng một hồi trống nhẹ nhè, rồi đưa lên cao trào bằng những hồi dồn dập crescendo và sau và sau mỗi (lại điểm một tiếng “bùm” lớn, dõng dạc, đúng lúc, làm dậy lên những tràng vỗ tay hoan hô. Raguna mời một người lính, hoặc một vài sĩ quan, bước lên phía trước, yêu cầu một trung sĩ lớn tuổi da nhám, hay một chuẩn uý trẻ rụt rè song lại ra vẻ ngổ ngáo, đến ngồi cạnh nàng. Đoạn, nàng bắt đầu nhìn vào tâm can họ - phải, Raguna nhìn thấu được tim người – và đọc ra vanh vách những dữ kiện chính xác trong lý lịch quân nhân của họ, cũng như những chi tiết mùi mẫn trong đời tư của họ. Những tọc mạch ấy của nàng, tuy nhiên lại rất tế nhị và hóm hỉnh. Để kết thúc nàng thưởng cho một trong những nạn nhân của mình một chai bia và đề nghị anh ta giơ cao lên cho cử toạ trông thấy. Đoạn, nàng ra hiệu cho tôi, Oskarnello: tôi bèn thúc trống crescendo và cất cái giọng vốn dành cho những kỳ công đòi hỏi uy lực hơn nhiều: đối với nó, làm nổ đùng cái chai bia nọ chỉ là trò trẻ. Bộ mặt ngơ ngác, lấm tấm những giọt bia bắn vào của một trung sĩ dày dạn hay của một chuẩn uý non choẹt – tôi không nhớ đích xác là ai – đánh dấu chấm hết cho màn trình diễn của chúng tôi. Tiếp đến là những tràng vỗ tay như sấm kéo dài, hoà lẫn với tiếng ầm ầm của một cuộc không kích vào thủ đô.
Cuộc biểu diễn của chúng tôi không thuộc đẳng cấp quốc tế, nhưng nó mua vui cho các quân nhân, làm cho họ quên đi mặt trận và kỳ nghỉ phép đã hết và nó làm cho họ cười hoài không dứt; bởi vì khi những trái bom rơi trên đầu chúng tôi, làm rung chuyển và vùi lấp căn hầm cùng mọi thứ trong đó, dập tắt điện, kể cả điện dự phòng, khi quanh chúng tôi, mọi thứ đều lộn tùng phèo, tiếng cười vẫn vang lên khắp cỗ áo quan lớn tối mịt, ngột ngạt, kèm theo những tiếng hô: “Bebra! Chúng tôi muốn Bebra!” Và Bebra đôn hậu, bất khả vong đáp lời, diễn hề trong bóng tối, làm bật ra những tràng cười thoải mái từ đám người bị vùi lấp. Và khi có những tiếng yêu cầu Raguna và Oskarnello, ông cất giọng oang oang: “Các bạn lính chì của tôi, signora Raguna rất mệt rồi. Và Oskarnello cũng phải đánh một giấc dành sức phục vụ Đại Đế Chế Đức và thắng lợi cuối cùng.”
Roswitha nằm cạnh tôi, nàng sợ. Còn Oskar thì không sợ, gã nằm bên Raguna. Nỗi sợ của nàng và lòng can đảm của tôi gắn những bàn tay chúng tôi lại với nhau. Tôi cảm thấy nỗi sợ của nàng và nàng cảm thấy lòng can đảm của tôi. Dần dà, cái sợ lây sang tôi và nàng trở nên can đảm. Và sau khi tôi đuổi cái sợ khỏi nàng và truyền can đảm cho nàng, đảm lược nam nhi của tôi lại ngóc đầu dậy một lần nữa. Trong khi lòng can đảm của tôi đã trải mười tám năm vinh quang, thì nàng, ở tuổi bao nhiêu tôi không rõ, ngả mình lần thứ bao nhiêu tôi không hay, lại một lần nữa bị xâm chiếm bởi nỗi sợ đã đánh thức lòng can đảm của tôi. Bởi vì, giống như mặt nàng, thân hình có kích thước nhỏ nhoi nhưng mãn khai của nàng không hề mang dấu tích của thời gian. Với lòng can đảm phi thời gian và nỗi sợ phi thời gian, Roswitha tự dâng hiến cho tôi. Và sẽ không bao giờ có ai biết được người nữ tí hon trong hầm Thomaskellerr bị vùi, cái người đã tiêu hết nỗi sợ của mình vào lòng can đảm của tôi giữa cuộc không kích dữ dội vào thủ đô bữa ấy, đúng ra là mười chín hay chín mươi chín tuổi. Điều khiến cho Oskar càng dễ giữ kín hơn, là chính bản thân gã cũng không biết đích xác người đã ban cho gã cuộc ân ái này – sự ôm ấp đầu tiên thực sự hợp với tầm vóc gã – là một bà già can đảm hay một cô gái trẻ vì sợ hãi mà nhắm mắt buông xuôi.
Chú thích:
[1] Lực lượng vũ trang Đức trước và trong thời kỳ Thế chiến II.
[2] Tổ chức do kỹ sư Fritz Todt điều hành, lo việc gom bắt lao động cưỡng bức – nhiều khi là trẻ con – để xây dựng công sự, nhưng Phòng tuyến phía Tây vào năm 1938 và Phòng tuyến Đại Tây Dương vào năm 1940.
[3] Narses (478?-573?) hoạn quan và tướng soái dưới thời Hoàng đế Justinian I của Đế quốc Đông Roman; đánh bại Totila, thủ lĩnh của những người Đông Gôtích vào năm 552 và cuối cùng dẹp tan đạo quân Gôtích cuối cùng trên đất Italia (553), đặt lại Itaila dưới quyền của Justinian I.
[4] Belisarius (505?-565) tướng soái dưới thời Hoàng đế Justinian của Đế quốc Đông Roman, có nhiều công trạng trong việc dẹp bạo loạn và chinh phục Italia; năm 548, bị thay thế bởi Narses.
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc