Hết cá mập đến cá kiếm
uan hệ giữa anh và những bạn láng giềng ở biển ổn định dần. Chung quanh anh có những "họ hàng" mà anh yêu mến thật sự. Đó là một đàn chừng năm sáu con cá đô-rát và một con chim biển. Con chim này mình nhỏ, lông đen, có một chấm trắng ở cuối đuôi. Ngày nào cũng như ngày nào, đúng bốn giờ chiều, nó từ đằng sau đến thăm anh. Nó đi lon chon từng bước nhỏ trên sóng (loại chim này có thể đậu trên mặt nước), và biến mất đúng lúc mặt trời lặn. Với đôi cánh bé bỏng ấy, không hiểu làm sao nó có thể vượt qua biết bao trùng dương đến kiếm sống tận đây. Đàn cá đô-rát còn chung thủy hơn nhiều. Chúng lượn lờ quanh xuồng suốt ngày đêm. Anh dễ dàng nhận ra vẫn những con cá ấy chứ không phải những con khác. Chả là hôm đầu tiên, nôn nóng muốn bắt ngay cho được, anh đã dùng mũi dao bỏ túi của mình buộc đầu mái chèo, đánh bị thương mấy chú. Một con cho đến bây giờ còn mang một vết hình bầu dục, to bằng hai đồng xu, ở nửa thân sau.
Một con khác bị thương bên dưới vây. Anh nhận ra được năm, sáu con mang thương tích. Thì ra cá cũng như người, vết thương ngâm trong nước biển lâu lành miệng. Anh đặt cho mỗi con cá một tên người. Chúng theo xuồng thường xuyên, nhưng bao giờ cũng giữ một khoảng cách nhất định. Mỗi lần anh đưa tay làm một động tác gì đó, như quay người lại, chúng vội tản ra xa, tuy vẫn không bỏ anh hẳn. Những lúc lặng gió, chiếc xuồng đi chậm, những con cá ấy nhanh nhảu đến gí mõm vào thành phao cao su, như thể hỏi anh vì sao lần chần vậy. Lần nào cũng có nhiều con đô-rát mới đến nhập đàn. Những con này dại hơn, dễ bị mắc câu. Chỉ cần anh móc vào lưỡi câu một con cá chuồn làm mồi, rồi kéo sợi dây cho nó nhảy là là mặt nước, những con cá mới nhập đàn này liền xô tới, và thế nào cũng có chú mắc lừa và cắn câu. Trong khi đó, những con từng bị thương kia vẫn tỉnh bơ, như chúng đã biết tỏng mưu mẹo của anh trong xuồng kia rồi! Một đêm, anh bị một con cá mập tấn công. Con này chắc hẳn đã từng nếm mùi thịt người. Nó nhất định không buông tha anh. Đành phải liệu cách tự vệ thôi. Anh buộc con dao vào đầu mái chèo, và lừa lúc nó chao mình quay vòng trở lại, phô cái bụng trắng hếu ra, anh dùng hết sức thọc lưỡi dao vào mảnh trắng ấy, rồi xẻ theo chiều dọc cho đến tận đuôi. Máu con cá mập tuôn làm sẫm màu một vệt trên biển. Ruột nó lòi ra ngoài. Ngay lập tức, đàn đô-rát lao tới tranh nhau miếng mồi ngon. Một lần khác ngay giữa ban ngày, lại gặp một con cá mập. Con này to lớn, bộ dạng hung dữ, thân dài tới bốn, năm mét. Anh vội vàng thu hình ảnh nó vào phim. Trông vẻ hung hãn của nó, không thể không lo biện pháp đề phòng. Anh khóa van thông hơi giữa các ngăn phao nổi. Nếu chẳng may con cá háu thịt người kia cố cắn thủng một chỗ nào, thì chiếc xuồng vẫn không bị xì hết hơi. Đúng như người ta nói, loài cá mập hèn nhát. Chúng chỉ dám tiến công người về đêm. Con này cũng vậy. Nhìn mái chèo của anh, nó e ngại lùi ra. Nhớ lại hôm nào dại dột nhảy ùm xuống biển vớt chiếc gối cao su, anh tự tát mấy cái vào mặt: giá hôm ấy chạm trán với một chú cá mập to ngần này!...
Đối với các loài sống dưới biển, chiếc xuồng cao su này hẳn là một khách lạ hiếm gặp. Rất nhiều loại cá vây quanh nó, nhiều hơn cả bộ sưu tập ở Viện hải dương học Mô-na-cô, nơi anh từng đến nghiên cứu. Đánh bắt cá chẳng phải là việc khó khăn lắm. Điều đáng lo ngại là, do ăn độc một món cá sống, anh bắt đầu đau bụng, hằng ngày đi ra ngoài nhiều phân hơn trước. Một lần khác, anh đang đọc sách thì có va chạm ở mái chèo. "Lại một chú cá mập nữa đây", anh nghĩ thầm và quay lại. Nhưng đó là một con cá kiếm to tướng, dáng điệu hung hăng, bộ vây trên sống lưng xòe ra. Nó đang bơi cách chiếc xuồng chừng sáu mét. Nếu con vật này dùng thanh kiếm nhọn của nó tiến công vào chiếc xuồng! Đúng vào ngày hôm đó, trước khi gặp nó một chốc, anh vừa đọc trong cuốn Tiểu bách khoa thư về hải sản, mục "Cá kiếm", một câu như sau:
“Nó là kẻ thù đáng sợ nhất của loài động vật có vú sống dưới nước. Có thể bất thần nổi những cơn điên khó hiểu, nó dùng lưỡi kiếm nhọn của nó lao thẳng vào thuyền bè". Nỗi lo âu của anh kéo dài suốt mười hai giờ đằng đẵng. Đến nửa đêm, con vật bỏ đi. Song cho đến sáng hôm ấy, anh vẫn không sao chợp mắt.
Một Mình Giữa Đại Dương Một Mình Giữa Đại Dương - Phan Quang Một Mình Giữa Đại Dương