Chương 24 - Tòa Đại Sứ Ấn Độ Thủ Đô Washington Thứ Năm, 27 Tháng 11, 17:15, Giờ Địa Phương
ita Shankar, đại sứ của nước Cộng Hòa Ấn Độ tại Hoa Kỳ, đang ngồi, vội đứng lên khi viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ được mời vào văn phòng của bà. Bà bước vòng qua sau bàn để gặp hắn khi hắn tiến đến và đưa tay ra để bắt tay.
Bà đại sứ mặc một áo sari lụa màu xanh lơ đậm, bên trong mặc một chiếc áo xám đơn giản và một chiếc váy có nếp. Tấm lụa rộng vắt chéo ngực và choàng qua eo bà, phần dư thì phủ bên vai trái theo một phương cách truyền thống. Quanh cổ là một chuỗi hạt trai và mái tóc đen của bà được gom lại phía sau để lộ ra cặp bông tai cũng bằng hạt trai tương xứng.
Bà đại sứ Shankar mỉm cười với vị khách khi hắn nắm lấy bàn tay bà. “Hoan nghênh ông, ông Brenthoven. Hôm nay, chúng ta ăn mặc cùng màu rồi!”
Gregory Brenthoven liếc nhìn tay áo bộ com-lê. Nó gần như cùng màu xám với chiếc áo của bà đại sứ và chiếc cà vạt màu xanh lơ, hiệu Salvatore Ferragamo tiệp màu với áo sari của bà một cách bất ngờ.
Brenthoven mỉm cười. “Thưa bà đại sứ, tôi đã gọi điện trước khi đến để hỏi xem bà mặc màu gì. Rồi tôi chạy nhanh về nhà và thay đồ đúng y như thế.”
Bà đại sứ bật cười và chỉ về cặp ghế dài kiểu thời Thuộc Địa Anh quốc mà các nhân vật trong chính phủ Ấn Độ vẫn chuộng.
“Xin mời.” Bà đại sứ nói. “Mời ông an tọa, rồi cho tôi biết chuyện gì đã làm ông phải rời khỏi gia đình trong dịp lễ quan trọng của Hoa Kỳ này.”
Brenthoven ngồi vào một chiếc ghế dài và bà đại sứ ngồi vào chiếc ghế đối diện.
Brenthoven đảo nhanh mắt quanh văn phòng được trang trí thật lịch sự. “Tôi không muốn tỏ vẻ cường điệu, thưa bà đại sứ, nhưng mà căn phòng này có an toàn không?”
Câu hỏi khiến bà đại sứ nhướng mày. Bà nói. “Nó cũng khá an toàn. Mỗi ngày văn phòng tôi đều được rà soát máy nghe lén và nhân viên an ninh của chúng tôi sử dụng những biện pháp đặc biệt để phá các phương pháp theo dõi khác. Tôi tin tưởng ông cũng quen thuộc với các biện pháp tương tự trong các kiến trúc của chính phủ các ông.”
“Dĩ nhiên.” Brenthoven đáp.
“Và tôi cũng biết rằng,” bà đại sứ nói tiếp, “ông cũng rõ là các phương pháp chỉ làm giảm bớt nguy cơ bị địch thủ theo dõi thôi. Chúng không thể nào bảo đảm không bị nghe lén được.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ ngập ngừng. Hắn không phải là một đại diện của bộ Ngoại Giao, mà hắn cũng không có ủy nhiệm thư của bộ Ngoại Giao. Hắn cũng không phải là một bằng hữu được tin cậy của chính phủ Ấn Độ, và vì vậy nghi thức ngoại giao không cho phép hắn yêu cầu được sử dụng cái gọi là “bọt nước” của tòa sứ quán.
Như hầu hết các sứ quán trên thế giới, tòa sứ quán Ấn Độ được trang bị một phòng cách âm làm bằng Plexiglas được sơn một lớp hợp chất đặc biệt để chống lại bức xạ điện từ. Theo tiếng lóng của giới ngoại giao, một căn phòng như thế thường được gọi là “bọt nước”. Trên lý thuyết, một cái bọt nước được thiết kế đúng đắn sẽ miễn dịch với các dụng cụ theo dõi từ bên ngoài, và gần như không thể nào bị cài đặt máy nghe lén ở bên trong. Trên thực tế, tiến triển kỹ thuật không ngừng khiến cho bất cứ căn phòng nào, cho dù được bảo vệ kỹ lưỡng đến đâu, cũng có nguy cơ bị nghe lén. Mặc dù vậy, một căn bọt nước được bảo quản tốt đã gần như đạt đến mức an toàn tuyệt đối rồi.
Đại sứ Shankar đã thấy ánh mắt của Brenthoven đã đảo quanh phòng bà không mấy kín đáo. Và bà không hoài nghi rằng hắn đang tìm cách để được bà mời dùng căn bọt nước của sứ quán. Nhưng hắn đã xin hẹn rất gấp gáp và đã bỏ qua nhiều quy củ ngoại giao và chính trị. Hắn cũng không hề gợi ý về đề tài hắn định bàn thảo; điều này làm bà và viên phó đại sứ không có bất kỳ cơ hội nào chuẩn bị một tư thế chính thức để ứng phó với vấn đề hắn muốn bàn đến.
Bởi các điểm thiếu hụt trên phương diện ngoại giao ấy, cho dù là nhỏ nhặt, bà không muốn cấp cho hắn một điểm nhân nhượng nào cả. Chờ khi hắn tiết lộ đề tài bí ẩn của cuộc gặp mặt này, bà có thể sẽ đổi ý và đề nghị dời vào căn bọt nước kia, nếu bà cho rằng nên dè dặt như thế. Còn bây giờ, cứ để hắn khó chịu một chút cũng không sao.
“Tôi không biết nói tiếng Phạn.” Brenthoven nói. “Bởi vậy, xin bà tha thứ cho phát âm vụng về của tôi.”
Bà đại sứ mỉm cười và phất phất tay. “Dĩ nhiên rồi.”
Brenthoven lại đảo mắt quanh căn phòng và lại ngập ngừng trước khi cất tiếng. “Thưa bà đại sứ, bà có từng nghe đến đầu đạn cho phi đạn hành trình được mệnh danh là Rudrasya khadgah chưa?”
Đại sứ Shankar hơi nhíu mày. “Tôi không tin đã từng nghe qua.”
“Theo tôi hiểu,” Brenthoven nói, “cụm từ này là nói đến lưỡi kiếm của vị thần Shiva trong Ấn Độ giáo, khi ngài hiện thân thành Rudra, vị thần của bão tố, hủy diệt và chết chóc.”
“Dịch như vậy cũng là đúng rồi.” Bà đại sứ nói. “Nhưng mà tôi không được biết đến phi đạn nào mang cái tên đó.”
“Đó là một đầu đạn xuyên phá Thế Hệ Mới.” Brenthoven nói. “Nó được phát triển bởi Tổ chức Nghiên Cứu và Phát Triển Quốc Phòng của quý quốc, nhằm tấn công và xuyên phá những mục tiêu cực kỳ cứng chắc, thí dụ như hầm xây dưới mặt đất được gia cố thật tốt, hay hầm phi đạn bằng bê-tông cốt sắt dày.”
Bà đại sứ chuyển người trên ghế. Bà không biết đề tài này đang đưa đến đâu, nhưng bà đã bắt đầu cảm thấy khó chịu vì giọng nói của hắn. Bà nói. “Tôi tin lời ông. Tôi nghĩ rằng tôi có được một sự hiểu biết cơ bản về khả năng quân sự của nước tôi, nhưng tôi không thể cho là mình biết mọi chi tiết về mọi vũ khí đang được phát triển.”
Giọng bà ta trở nên sắc bén hơn. “Phải chăng Hoa Kỳ đột nhiên lo ngại rằng đầu đạn này vi phạm luật pháp quốc tế hay một hiệp nghị quốc tế nào đó?”
“Không phải đâu.” Brenthoven nói. “Theo tôi hiểu, thiết kế của đầu đạn Rudrasya khadgah hoàn toàn hợp pháp dưới mọi hiệp ước hiện hành.”
Bà đại sứ buông người dựa vào những cái gối kê nơi lưng ghế. “Vậy, cho tôi hỏi vấn đề nằm ở đâu? Chắc phải là điều gì nghiêm trọng lắm mới khiến ông tỏ ra quan tâm về tính an toàn của cuộc nói chuyện này như thế chứ?”
“Quả thật là chuyện nghiêm trọng, thưa bà đại sứ.” Brenthoven nói. “Chúng tôi đã nhận được những dấu hiệu đáng tin cho thấy rằng quân lực của quý quốc đang lập kế hoạch sử dụng một số các đầu đạn xuyên phá tiên tiến này để tạo ra một sự thiệt hại có tính cách hủy diệt đối với đập nước Tam Hiệp của Trung quốc.”
“Tôi không hề được nghe qua về kế hoạch nào như thế.” Bà đại sứ nói. “Tuy nhiên nước tôi đang chiến đấu để tự vệ chống một quân xâm lược mà trước đó không hề khiêu khích họ. Ấn Độ không phải là nước khởi đầu cuộc chiến này, ông Brenthoven ạ. Tôi tin chắc là ông cũng hiểu rõ điều này. Vậy, nếu chính ông đã công nhận là những vũ khí này không bị cấm bởi hiệp ước hay luật pháp và vì chúng tôi chỉ phản ứng lại vụ thảm sát cả một ngôi làng thường dân không vũ trang, tôi thật hiếu kỳ muốn biết vì sao các toan tính của quân đội chúng tôi lại đột nhiên gây nên sự chú ý của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi không muốn tỏ ra lỗ mãng, nhưng mà chuyện này làm sao lại có thể được cho là một vấn đề của chính phủ Hoa Kỳ chứ?”
“Chúng tôi đã làm vài đánh giá sơ khởi về các hậu quả khi đập nước Tam Hiệp chịu sự hủy hoại mang tính cách hủy diệt có thể đưa đến.” Brenthoven nói. “Các chuyên gia giải tích của chúng tôi ước tính rằng thiệt hại nhân mạng của Trung quốc có thể lên đến 350 triệu người. Ngoài ra, có khả năng là ba trong số những thành phố trù phú nhất của Trung quốc sẽ bị xóa tên trên bản đồ, khiến cho nền kinh tế của Trung quốc bị suy sụp trong suốt mấy chục năm.”
“Tôi chưa từng thấy qua các ước tính như vậy.” Bà đại sứ nói. “Tuy nhiên, những con số ấy có vẻ hơi phóng đại rồi.”
“Chúng tôi không nghĩ thế.” Brenthoven đáp. “Thật ra, các ước tính đầu tiên của chúng tôi có thể là quá lạc quan là khác.”
Đại sứ Shankar không nói gì. Tất cả những chuyện này là một sự bất ngờ thật lớn đối với bà. Bà không biết có bao nhiêu trong đó, hay có chút nào trong đó, là sự thật nữa.
Brenthoven đóng cuốn sổ nhỏ của hắn lại và nhét nó vào túi. “Thưa bà đại sứ, nếu cuộc tập kích vào đập nước Tam Hiệp xảy ra, chúng tôi tin rằng rất có khả năng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung quốc sẽ đánh trả bằng một đợt tập kích hạt nhân cỡ lớn.”
“Vô lý!” Bà đại sứ nói.
“Chúng tôi không nghĩ vậy.” Brenthoven. “Nếu quý vị đánh Trung quốc một phát mạnh như thế, chúng tôi tin họ sẽ đánh trả càng dữ dội hơn.”
Bà đại sứ chợt ý thức rằng mắt bà đang đảo loạn khắp nơi trong phòng. Bà nói. “Chúng ta không nên bàn những chuyện này ở đây. Chúng ta nên chuyển qua phòng bọt nước đi.”
“Đó là một ý kiến rất tốt. Chúng ta cứ qua đó đi.” Brenthoven đáp.
Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva - Jeff Edwards Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva