Câu Thơ Yên Ngựa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 14
ũ Anh Thư trong vai lão tổng quản của Thái Úy, từ biên ải, theo ngọn gió may đầu tiên trở về nhà, đúng vào lúc cây hạnh trước cổng phủ rùng mình trút vội đợt lá thu.
Tiết thu nắng mưa xen kẽ, lúc mây đen tối sầm, lúc nắng phơi vàng óng. Thái Úy ngồi bên án thư đọc lại cuốn tân Pháp của Vương An Thạch. Không có cuốn sách nào vừa làm ông thích thú vừa phải bận tâm nghiền ngẫm đến thế. Càng đọc, ông càng phán phục bộ óc tân kỳ của họ Vương. Ông lướt qua các phép trợ dịch, quân thâu, nồng điền, thủy lợi, miệng lẩm nhẩm:
- Ý tốt đấy! Làm được thì tiện lời cho dân biết mấy! - Ông dừng lại đăm chiêu suy nghĩ về các phép thanh miêu, thị dịch, những phép nhà nước đứng ra cho dân vay nhẹ lãi và buôn bán với dân. Đến phép phương điền - phép đo ruộng để đánh thuế - Ông chép miệng lắc đầu:
- Khó lắm! Khó lắm!- Bằng vào sự hiểu biết lịch lãm của ông về chính sự, ông như góp lời bàn với người viết sách:
- Mọi việc tốt xấu ở đời đều do ở con người. Có quan tốt mới làm được việc tốt cho dân! Ông mỉm cười với người địch thủ ở xa hàng vạn dặm:
- Đó là một khe hở, nếu ngài không biết cách dùng người thì các phép tài tình này sẽ gậy ông đập lưng ông và ngài Tể tướng sẽ ngã ngựa đấy! Rồi ông cúi đầu chăm chú đọc lại phép bảo giáp và bảo mã, phép làm cho binh nhiều nước mạnh.
Là một vị tướng soái, dĩ nhiên ông chú trọng nhiều đến phần này. Phép bào giáp nhằm giảm số quân ăn lương thay bằng dân binh ghép thành bảo đối với ông không lạ lắm. Ông nghĩ với một vị tướng giỏi, thì không chỉ dân mà đến cây cỏ mưa nắng cũng thành binh. Nhưng phép bảo mã của họ Vương quả làm ông kinh ngạc. Nếu phép này được thi hành tốt thì chẳng bao lâu kỵ binh nhà Tống sẽ làm chấn động hoàn vũ.
Giữa lúc ông như nghe thấy vó ngựa của quân nhà Tống tràn qua tựa thác vỡ bờ, Vũ Anh Thư lặng lẽ bước vào phòng. Vẫn như lão Vũ ngày nào, chàng khẽ đặt lọ rượu " mộc trùng sâm ", quà của mẹ chàng gửi biếu Thái Úy, lên mặt bàn, nét mặt bất động. Đây là thứ rượu Thái úy thường ngày rất ưa thích; Người ta phải tìm cho đủ ba thứ sâu của ba loại cây: cây dâu tằm, chanh đào và phật thủ, sao tẩm công phu với một vài vị thuốc quý trước lúc đem ngâm vào rượu. Nước rượu sánh, vị rượu ngậy mà thơm.
Thấy lão Vũ, Thái Úy trìu mến hỏi:
- Vũ nhi! Con về đấy ư?
Mỗi lần gặp lão Vũ, ông thấy lòng như ấm lại. Ông cảm kích nhìn lọ rượu quý, rót ra một chén con:
- Ta uống trước một chén để tạ lòng bà chị của ta.
Và để mừng tin mới, lão Vũ tiếp lờ:
- Vua Tống đã gọi Thẩm Khởi về kinh và y đã bị bãi chức.
- Thẩm Khời bị bãi sớm thế kia ư?
Thái Úy mỉm cười nhớ lại các cuộc điều binh của ông như những nắm đấm dứ trên biên giới. Như vậy là ông đã nắn gần được nhà Tống.
- Vua Tống cũng đã chính thức lấy Lưu Di thay Thẩm Khởi.
Lần này lão Vũ tập hợp được mọi luồng tin của triều đình nhà Tống và câu chuyện của lão chất đầy mọi tình tiết chi li xác thực đến mức như vẽ ra trước mắt Thái Úy cảnh cãi vã giữa vua tôi nhà Tống. Trong óc ông hiện rõ nét mặt, cử chỉ của từng vị đại thần từ Vương An Thạch, Ngô Sung đến quan ngự sử Vương Thiều. Ông hình dung rõ mồn một vẻ mặt thiểu não nặng trĩu lo âu của Thẩm Khởi dưới ánh nắng xuân yếu ớt của vòm trời Biện Kinh và dáng bước sợ sệt khép nép của y, khi đi vào Đông Phủ. Ông nghe tiếng quát to của vua Tống từ trên long án vọng xuống như cố ý để cho mọi người nghe thấy:
- Thẩm Khởi! Ngươi làm biên thần, mình mang trọng trách vậy mà ngươi dám tự tiện xây thành đắp lũy ở Nghi Dung, gây cái loạn trong Man dân làm hàng nghìn thổ binh, quan tướng bị giết hại, Người còn phao ngôn nói dối rằng trẫm có mật truyền giao cho ngươi lo việc đánh Giao Chỉ. Tro,ng lúc ở Hi Hà dụng binh còn chưa xong mà ở phương Nam, ngươi đã làm nhiều điều xằng bậy.
Thái Úy như cảm thông được tâm trạng khó nói của Thẩm Khởi. Lời nói như gió bay, chiếu chỉ trong tay không có. Biết vin vào cái gì mà biện bạch đây. Y đưa mắt cầu cứu họ Vương nhưng Tể tướng lơ chỗ khác.
- Muôn tâu bệ hạ - Thẩm Khởi đành nuốt cay đắng vào lòng đánh bạo tâu - Hạ thần đã đem hết tâm can làm theo lời của Tể tướng. Thần không dám tiếc tiền tiện của mua chuộc Man dân. Nhờ vậy thần đã lung lạc được Lưu Kỷ, dụ dỗ được Nùng Thiện Mỹ.
- Chiếu chỉ của Trẫm đâu mà ngươi tự ý nhận bọn Nùng Thiện Mỹ? Đã thế mà ngươi còn dám mở miệng kể công với Trẫm ư?
Ngô Sung cười khẩy, điểm nhẹ:
- Ra lòng Hoàng Thượng chưa muốn mà ý Tể tướng đã quyết rồi.
Vương An Thạch ở cái thế phải đứng lên nhìn Khởi, mắng:
- Ta chỉ dặn ngươi kín đáo dụ dỗ bọn tù trưởng Man dân, để chúng nằm phục đấy chờ khi hữu sự. Ngươi làm tướng phải biết phép giấu quân chứ đâu lại thổi kèn đánh trống, rung cây cho thỏ chạy, đạp cỏ cho rắn bò để sinh ra kết óan với người Giao Chỉ?
Vua Tống than:
- Ôi! Trẫm những tưởng ngươi là viên trí tướng hay đâu Trẫm đã chọn nhầm phải một gã thất phu vụng về làm hư việc lớn. Thôi, cho ngươi lui ra dịch đình, chờ xét xử sau.
Thế là trăm dâu đổ vào đầu tằm, bao tội lỗi ở Nam thùy, một mình Thẩm Khởi phải hứng chịu.
Thẩm Khởi lủi thủi lui ra thì Vương Thiều lại tâu:
- Trước đây, bản triều mỗi khi có việc biên phòng đều sai quần thần bàn bạc, lấy ý kiến của các quan trong ngoài để rộng đường bình luận. Bệ hạ không nên định trước một mình. Ngu thần trộm nghĩ Giao Chỉ là mảnh đất sơn cùng hải tận, nước độc ma thiêng, lam chướng mịt mù lại có thần linh yểm trợ. Đường sá Giao Chỉ hiểm trở bịt bùng, voi đi qua cỏ đã mọc. Đại quân ta vào đất ấy như ngựa hay ruổi vào đường hẹp. Doanh trại không chỗ đóng, vận lương không chỗ thông, binh nhiều không chỗ dàn, xe to không chỗ chạy.
Vua Tống cả cười, ngắt lời:
- Khanh quá lo đấy! Một khi muốn đánh là Trẫm đã có phương sách. Vậy khanh cho rằng thần Nam Nhạc của ta không thiêng bằng loại quỷ ma phương Nam chăng? Khí độc thì đã có thuốc thang của viện Thái y. Còn đường sá hiểm trở thì chỉ một tờ chiếu của Trẫm sức cho trăm họ ở Lưỡng Quảng nhà nào có người làm ăn buôn bán bên Giao Chỉ cho gọi về bổ dụng làm hướng đạo thì đại quân ta lại không có trăm tai nghìn mắt đấy ư? Khanh chỉ thấy nghịch mà chưa thấy thuận. Chân Lạp đang có ý theo ta, Chiên Thành lại có huyết thù với Giao Chỉ. Xứ Chiêm cách kinh đô Giao Chỉ non một nghìn dặm. Ta dụ Chiêm diệt Giao Chỉ, trả đất Tượng, cho thêm họ đất Nhật Nam, Cửu Đức. Lấy đất mà nhử, lấy vàng mà vỗ, thử hỏi bọn Man hám lợi ấy lại không là lưỡi dao đâm vào sau lưng Giao Chỉ đấy sao? Nhưng lúc này chưa phải lúc dụng binh mà ta cũng chưa có đầy đủ danh nghĩa để mở cuộc Nam chinh nên ta tạm gác lại đó.
Qua trí tưởng tượng, Thái Úy như nghe vang lên tiếng đáp sỗ sàng của Vương An Thạch:
- Binh, không có lúc nào là không dụng được. Danh nghĩa là tự ở ta. Bệ hạ quả muốn dụng binh, khắc có danh nghĩa.
Lúc này Ngô Sung mới lên tiếng:
- Vương sư đã xuất quân lấy tất được Giao Chỉ. Nhưng đem đại quân đánh lấy một miếng đất man di nhỏ bé, xét cho cùng cũng chẳng ích gì. Nó như khúc xương khô, cầm được chỉ thêm vướng tay.
- Sao lại nói chẳng ích gì? - Vương An Thạch trả lời thẳng Ngô Sung - Giao Chỉ dưới biển có ngọc trai, trên núi Thất Nguyên có mỏ vàng mỏ bạc. Xây cung điện có thợ giỏi, đóng chiến thuyền có nghề hay. Vả chăng, lấy được phương Nam thì Liêu hạ ở phương Bắc mới kiêng dè không dám dòm ngó Trung Nguyên, sao nói là không có ích?
Vương Thiều vẫn cố tâu:
- Đã gây việc binh đao thì làm sao nuôi được sức dân, xin bệ hạ xét lại.
Ngô Sung tiếp lời:
- Thầm nghĩ cứ theo phương sách cũ của tiên triều cho Giao Chỉ làm một xứ ràng buộc là hay hơn cả.
Vua Tống, mặt rồng kém vui, xua tay:
- Thôi! Thôi! Hai khanh đã nói dài mà còn nói dai quá.
Vương An Thạch cười ruồi:
- Đó là cái tật của kẻ râu dài.
- Ha Ha! Vì râu dài nên không theo kịp sức trai trẻ của Vương Tể tướng. Ha Ha! - Cái cười nhọn hoắt của Ngô Sung như chĩa thẳng vào bộ râu ngắn lưa thưa của Vương An Thạch...
Tiếng nói của lão Vũ kéo Thái Úy trở về với thực tại:
- Nhưng số phận của thầy cũng không hơn tí gì tớ. Chỉ một tháng sau khi Thẩm Khởi bị bãi chức thì Vương An Thạch cũng nối gót Thẩm Khởi xin rút lui khỏi ngôi Tể Tướng.
- Vương An Thạch đã từ chức rồi ư? Tại sao lại từ chức? - Thái Úy sửng sốt hỏi.
- Dạ vì Thổ Phồn đang quấy nhiễu, Liêu đòi đất gắt gao, lại thêm việc Thẩm Khởi ở phương Nam. Triều thần nhao nhao lên tiếng công kích Vương An Thạch. Chiếc tán rồng không đủ bóng che cho họ Vương nữa.
Vương An Thạch từ chức! Tin đột ngột này làm Thái Úy cảm thấy như bị hẫng. Trên bàn cờ vô hình rộng lớn hàng vạn dặm giữa hai nhà Tống - Lý, ông đã quen quá với người địch thủ số một đáng sợ của mình. Bây giờ bỗng dưng trước mặt ông, tay cao cờ nhất bỏ đi để lại một khoảng trống. Như vậy là kẻ chủ mưu mở cuộc Nam chinh đã bị loại ra khỏi đấu trường. Và biết đâu hai nước Tống - Việt lại chẳng có cơ tránh được một trận đao binh đẫm máu, mà sự thắng bại còn là một ẩn số. Vương An Thạch đó có nghĩa là tân pháp đổ. Cũng lại là điều may mắn cho số phận các nước nhỏ láng giềng. mặt khác, tin ấy cũng khuấy động lên trong ông một tình cảm trái ngược do lòng luyến tiếc tài năng của người Tể Tướng lỗi lạc này. Ông cảm thấy hình như lịch sử có điều gì chưa thật công bằng đối với Vương An Thạch. Ông rót thêm rượu và cạn chén không hiểu để mừng thất bại của đối phương hay để chia buồn với một kẻ sĩ kỳ tài bị thất thế.
- Ai lên thay Vương An Thạch?
- Dạ, một người trong tân phái tạm thời lên thay thế.
- Còn Lưu Di thế nào?
- Dạ, hình như Lưu Di cũng theo sách cũ của Thẩm Khởi mà làm thôi.
Thái Úy đứng lên nhìn về phía cuối chân trời, nơi mây chiều tướp ra, xếp từng cụm trắng xốp, tạo thành những lỗ tròn xanh thẳm. Một phương kế mới chợt nảy ra trong đầu ông, tưởng chừng như ông vừa mới vớt được tận đâu trên trời thu, từ những hố mắt mèo trong leo lẻo như đáy giếng thơi
- Phải dứ thêm một nắm đấm nữa để hất cẳng Lưu Di ra khỏi Quế Châu, nếu nhà Tống còn do dự trong việc chinh Nam. Phải gửi ngay một tờ biểu tâu lên Tống Thần Tông, đòi trả lại bọn đào vong Ma Thái Đật, nay đổi tên là Nùng Thiện Mỹ, hiện đang làm thủ lĩnh châu An Tình của nhà Tống. Qua đó mà đo được ý định vua Tống muốn đánh ta còn quyết liệt nữa không?
Thái Úy vừa tự nhủ vừa nhìn lão Vũ:
- Vũ nhi! Lần này con phải đi cho ta một việc. Con lên Thất Nguyên gặp Lưu Kỷ tìm cách xui giục Lưu Kỷ kiếm cớ kéo quân vào Quy Hóa.
- Dạ, cớ thì có sẵn rồi. Lần trước người của Lưu Kỷ sai đi mua ngựa ở các khê động bị cha con Trí Hội cản đường hỏi tội. - Nùng Trí Hội là con Nùng Trí Cao, hiện là biên tướng của nhà Tống coi châu Quy Hóa thuộc đất Châu Ung. - Lưu Kỷ tức Uất đang định tìm cách trả đũa.
- Vậy thì càng hay! Xong việc Lưu Kỷ, con đi đón tin Triệu Tú cho ta.
- Dạ, Triệu Tú có hứa nếu có việc gì quan trọng hết sức cần kíp thì y sẽ đích thân sang gặp Thái Úy.
- Triệu Tú đến Thăng Long à?
- Y cũng muốn thăm lại ông anh bà con cô cậu ở bên này.
- À, sư ông Quách Thiên Phương ở chùa Thiên Vương!
Lão Vũ động môi định nói gì với Thái Úy nhưng kịp thời dừng lại. Ngày mai chàng đã phải trở về với dáng dấp vị danh y thân tín của các tù trưởng khê động, lên ngựa đi Quảng Nguyên gặp tướng Lưu Kỷ.
Câu Thơ Yên Ngựa Câu Thơ Yên Ngựa - Lê Hoàng Yến Câu Thơ Yên Ngựa