Bố Già epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 26
ăn hộ loè loẹt màu sắc nhìn ra khu vườn thần tiên giả tạo phía sau khách sạn, những bóng đèn màu cam cuống quýt trên thân, lá mấy cây dừa, hai bể bơi khổng lồ lóng lánh ánh sao trên bầu trời sa mạc. Xa xa phía chân trời những rặng núi cát, đá bao quanh Las Vegas trong thung lũng tràn ngập bóng đèn neon. Jonny Fontane buông tấm màn cửa thêu màu xám, nặng chịch xuống, quay vào phòng.
Bốn gã nhân viên được chỉ định đặc biệt, để phục vụ riêng một ông khách là thằng Nino Valenti. Một tay sếp bàn, một chia bài, một thằng phụ tá và một thằng bồi rượu.
Nino Valenti nằm dài trên đi văng phòng khách, tay cầm ly whisky đá. Nó ngắm mấy thằng được cử từ sòng bài lên, đang sắp xếp cái bàn xì lát hình móng ngựa với bốn ghế bành vây quanh. Giọng nó líu cả lưỡi nhưng chưa đến nỗi xỉn tới bến:
– Tuyệt! Tuyệt! Nào, Johnny, lại đây. Tao với mày hiệp lực hạ mấy thằng này coi. Tao đang vận may mà.
Johnny ngồi lên cái ghế cao đối diện Nino bảo:
– Mày biết tao không bài bạc mà. Mày cảm thấy sao, Nino? Nino toét miệng cười:
– Tuyệt! Nửa đêm tao có đàn bà, rồi ăn, và bây giờ đánh bạc. Này, tao vét của sòng gần năm chục ngàn rồi đó.
Johnny tỉnh bơ:
– Phải, nhưng mày để số tiền đó lại cho ai, khi mày ngủm? Nino nốc cạn ly, rồi hỏi:
– Johnny, mày lấy đâu ra cái giọng dai như giẻ rách vậy? Chúa ôi! Chơi với mấy thằng du khách còn khoái hơn chơi với mày.
Johnny lẳng lặng bảo:
– Đúng vậy. Bây giờ mày có muốn tao bồng sang bàn bài không? Nino ráng ngồi ngay ngắn dậy, đặt hai chân cần thận lên thảm, bảo:
– Tao đi được.
Nó làm rớt ly rượu xuống sàn, đứng dậy, vững vàng đi tới bàn. Tên chia bài đã sẵn sàng. Tên xếp bàn đứng sau gã chia bài, quan sát. Thằng phụ tá ngồi trên một ghế cách xa bàn. Con bé hầu rượu ngồi trên một ghế dễ thấy nhất, để còn đón y phục vụ Nino.
Nino gõ tay lên mặt bàn nỉ xanh, ra lệnh:
– Phỉnh đâu.
Gả sếp bàn rút cuốn sổ từ túi ra, ghi ghi viết, rồi đặt miếng giấy và cây bút nhỏ trước mặt Nino:
– Có ngay đây thưa ông Valenti.
– Như thường lệ, khởi đầu là năm ngàn. Nino ký nguệch ngoạc lên tờ giấy, gã sếp nhét vào túi rồi gật đầu với thằng chia bài. Thằng chia bài lấy ra từ đống phỉnh xếp thành khối cao, thoáng một giây, trước mặt Nino là năm chồng phỉnh đen và vàng, mỗi chồng mười phỉnh, mỗi phỉnh giá trị một trăm đô.
Có sáu ô vuông trắng, lớn hơn lá bài một chút, được kẻ trên mặt bàn nỉ xanh. Mỗi ô là mỗi cửa đặt tiền của người chơi. Nhưng chỉ có mình Nino, nó đặt ba cửa, mỗi cửa một trăm đô. Nó thắng ngay ván đầu. Nó xào xào mấy cái phỉnh, quay lại Johnny:
– Bắt đầu một đêm là phải vậy, phải không?
Johnny cười, không nói gì. Nó thấy một con bạc sộp cỡ Nino mà phải ký bông mới được chia phỉnh là điều không mấy bình thường. Có lẽ tụi nó sợ thằng Nino xỉn quá không nhớ gì hết chăng? Chúng đâu biết, xỉn cách mấy, Nino không hề quên một điều gì.
Nino tiếp tục thắng, đến ván thứ ba, nó đưa ngón tay ra hiệu cho hầu rượu. Á đứng dậy, tiến về cuối phòng, đem đến cho nó ly rượu. Nino chuyển qua tay trái, để rảnh tay phải ôm eo con bé:
– Ngồi với anh, cưng. Đánh vài ván cho anh hến đi.
Cô ả rất đẹp, nhưng Johnny thấy dù ả làm ra có vẻ tư cách, ả rõ ra là một tay "bắt địa" chuyên nghiệp, sành sỏi. Ở cười hồn nhiên với Nino, nhưng cái lưỡi chỉ chực chờ thè ra liếm lấy cái phỉnh một trăm đô. Mẹ kiếp, Johnny nghĩ, thì có sao đâu, ả làm việc cũng chỉ vì tiền. Nó chỉ tiếc là thằng Nino vung tiền ra mà không được món nào khá hơn.
Nino cho con nhỏ chơi vài ván, rồi cho một phỉnh, vỗ mông một cái, bảo ả đi chỗ khác. Johnny ra hiệu cho ả đem đến một ly. Cô ta chuyển hết vẻ duyên dáng sang chàng Johnny vĩ đại. Mắt sáng lên mời mọc, ả bước những bước khêu gợi chưa từng thấy. Đôi môi he hé như sẵn sàng cắn một phát vào mục tiêu hấp dẫn nhất. Ở giống như một con cái rượng đực, nhưng có tính toán, bài bản hơn – Johnny Fontane tự nhủ, Chúa ôi, lại thêm một ả nữa tấn công nó với mục đích đưa nó lên giường. Nhưng màn này chỉ hiệu quả là khi nó xỉn tới bến thôi, mà lúc này nó lại chưa say. Nó ban cho cô ả nụ cười nổi tiếng của nó: "Cám ơn, cưng." Cô ả mắt mơ màng nhìn nó, môi chúm chím nụ cười cám ơn, thân hình căng ra, rướn lên trên cặp giò thon thon, trong màn vớ lưới. Bộ ngực ả như đầy hơn lên, muốn bứt ra khỏi vải áo, toàn thân thoáng run lên, như người đàn bà đạt đến cực điểm, tất cả chỉ đơn giản vì nụ cười và mấy câu nói của Johnny Fontane: "Cám ơn, cưng." Ả diễn rất hay, Johnny chưa từng thấy em nào diễn hay hơn. Nhưng nó biết chỉ là giả tạo. Nên càng biểu diễn hay bao nhiêu chứng tỏ em càng dày dạn bấy nhiêu.
Nó nhâm nhi ly rượu, ngó ả trở lại ghế ngồi. Tối này nó không thấy hứng với mấy trò này.
Bỗng Nino ngã vật xuống bàn, rồi bật ngửa ra sau, nhào ra khỏi ghế. Nhưng tên xếp bàn và gã phụ tá đã cảnh giác từ cú co giật đầu tiên, nên kịp giữ lấy cho khỏi té xuống sàn. Cả hai khiêng Nino vào phòng ngủ.
Johnny nhìn con bé hầu rượu phụ với hai gã kia cởi quần áo Nino và ép nó nằm trong chăn. Tên sếp bàn ở lại đếm số phỉnh của Nino rồi ghi vào sổ. Johnny hỏi gã:
– Chuyện này xảy ra bao lâu rồi? Gã nhún vai, bảo:
– Tối nay ông ấy lên cơn sớm đấy. Lần đầu tiên, chúng tôi mời bác sĩ của khách sạn. Bác sĩ chữa cho ông ấy xong, thuyết cho ông ấy một trận. Rồi ông Nino Valenti dặn tụi tôi, lần sau đừng kêu bác sĩ, cứ đặt ông ấy vào giường, sáng mai sẽ khỏi. Ông ấy hên thật, tối nay lại ăn thêm gần ba ngàn nữa.
Johnny bảo:
– Được rồi, đi mời bác sĩ của khách sạn lên đây ngay. Nếu cần, cho tụi bồi kiếm khắp dưới sòng bài coi.
Gần mười lăm phút sau Jules Segal lên tới. Johnny phát bực, vì không lúc nào thằng cha này ra vẻ một ông bác sĩ cả. Tối nay nó còn "chơi" áo thun sọc trắng, rộng thùng thình, giày da trắng, không vớ. Lại còn xách theo cái túi đen truyền thống của thầy thuốc, trông càng thấy ghét. Johnny bảo: Cậu đựng đồ nghề bằng cái túi đánh gôn sửa chữa lại, chắc còn dễ nhìn hơn.
Jules cười thông cảm:
– Đúng vậy, cái túi đen trường thuốc này ai thấy cũng hết hồn. Phải đổi màu khác thôi.
Rồi hắn tiến lại giường Nino, vừa mở túi đồ nghề vừa nói:
– Cám ơn tấm ngân phiếu cậu gửi cho về việc mình tư vấn. Hơi nhiều đấy, vì mình có làm gì đâu.
Johnny bảo:
– Dẹp chuyện đó đi. Còn Nino thì sao?
Jules đo tim mạch, đo máu. Rồi tiêm cho Nino một mũi. Mặt Nino bớt nhợt nhạt, hồng hào trở lại.
Anh chàng bác sĩ phấn khởi bảo:
– Chữa trị cho thằng này cũng đơn giản thôi. Lần đầu nó bị ngất, mình đã khám và đã làm cái test cho nó. Trước khi nó tỉnh lại, mình đưa nó vào bệnh viện. Nó bị tiểu đường. Nếu thuốc men, kiêng cữ đàng hoàng thì chẳng sao đâu. Nhưng nó đâu có chịu. Lại còn nốc rượu tì tì. Tim gan, đầu óc nó rồi sẽ hỏng ráo. Ngay lúc này nó bị kích ngất vì bệnh tiểu đường đó. Tốt nhất là đưa nó vào bệnh viện.
Vậy là không có gì trầm trọng lắm, Johnny cảm thấy nhẹ lòng, miễn sao thằng Nino phải biết tự giữ gìn. Nó hỏi Jules:
– Cậu nói viện nào? Nơi cai rượu à? Jules lại quầy, làm ly rượu:
– Không, tớ nói nhà thương điên kìa.
– Đừng giỡn nữa.
– Đâu có giỡn. Tâm thần không thuộc chuyên ngành của tớ, nhưng tớ cũng biết chút đỉnh, chuyện làm ăn mà. Thằng bạn của cậu có thể chữa lành, với điều kiện là lá gan của nó chưa đến nỗi tệ quá, mà chuyện này thì phải mổ khám mới biết được. Nhưng căn bệnh thực sự của nó là ở trong đầu. Nó không thiết sống, thậm chí có lẽ còn muốn tự tử nữa. Nếu không
chữa lành vụ đó, thì hết hy vọng. Đó là lý do tớ đề nghị đưa nó tới chuyên gia tâm thần để chữa trị.
Có tiếng gõ cửa. Johnny vừa mở cửa, Lucy Mancini bước ngay vào, ôm hôn nó:
– Ôi Johnny, gặp anh mừng quá.
Johnny nhận thấy Lucy thay đổi nhiều. Cô nàng gầy hơn, trang phục đẹp hơn, tóc cắt ngắn như con trai, rất hợp với dáng vẻ của Lucy. Cô bé trẻ ra và đẹp hơn trước nhiều. Johnny thoáng nghĩ có một em cỡ này để cặp kè ở Las Vegas này cũng khoái, nhưng nó chợt nhớ ra em đã thuộc về anh đốc tờ rồi. Johnny vội chuyển nụ cười lả lơi thành thân mật, hỏi đùa:
– Đêm hôm khuya khoắt, mò lên phòng ngủ thằng Nino làm chi vậy. Cô nàng đấm thùm thụp lên vai nó:
– Nói bậy đi. Nghe Nino bệnh, Jules phải lên khám, em tới xem có giúp gì được không. Nino không sao chứ?
– Không sao. Nó sẽ mạnh lại thôi. Jules Segal nằm dài trên đi văng, lên tiếng:
– Mạnh cái con khỉ. Tôi yêu cầu mọi người ngồi chờ cho nó tỉnh lại, ráng thuyết phục cho nó đồng ý nhập viện. Này Lucy, anh ta rất quý em, có lẽ em nói được đấy. Johnny, nếu cậu thật sự là bạn nó, cậu cũng phải ráng thuyết phục nó. Bằng không chẳng bao lâu nữa, lá gan của Nino chỉ có nước đem triển lãm trong phòng thí nghiệm của mấy trường đại học thôi.
Nghe cái giọng kênh kiệu của Jules, Johnny phát ghét. Thằng cha tưởng mình là cái thá gì mà phách dữ vậy. Nó vừa định nói ý nghĩ đó ra, thằng Nino chợt lên tiếng:
– Ê, mấy bồ, làm một ly chứ?
Nino ngồi dậy trên giường. Nó cười bảo Lucy:
– A, cô bé, lại đây với anh Nino nào.
Nó dang rộng hai tay. Lucy ngồi ghé xuống giường, ôm nó. Lúc này thằng Nino chẳng có vẻ đau ốm gì hết, hầu như bình thường.
Nino búng tay gọi:
– Nào Johnny, cho tao ly rượu. Bàn bài của tao dẹp mẹ nó đâu rồi. Jules bảo:
– Cậu không được uống rượu. Bác sĩ cấm đấy. Nino chửi thề:
– Đ.M. bác sĩ.
Rồi nó biểu diễn bộ mặt hối hận:
– Ổ, cậu đó hả? Cậu thì là bác sĩ của tớ thật. Tớ không chửi cậu đâu. Thằng bạn già Johnny, rót rượu cho tao, hay tao phải bò ra khỏi giường tự rót đây?
Johnny nhún vai, tiến lại quầy rượu. Jules cương quyết:
– Tôi bảo là không uống được.
Lối nói của Jules làm Johnny phát bực. Thằng cha bác sĩ này lúc nào cũng có cái giọng trầm trầm, đều đều, tự tin, lạnh lùng. Lời khuyên can của nó bình thản, bất cần, có vẻ như tao cấm đấy, nhưng thích thì cứ làm. Johnny tức đến nỗi phải rót cho Nino một ly rượu. Trước khi đưa cho Nino, nó còn quay hỏi gã bác sĩ:
– Ly này không giết nó chết chứ?
– Không, nó không chết đâu – Jules bình tĩnh nói.
Jules bối rối nhìn hắn định nói, rồi lại thôi. Trong khi đó thằng Nino nốc cạn ly rượu.
Johnny ngó xuống bạn cười tình, hai thằng như vừa hợp tác chơi sổ tay thầy thuốc. Chợt Nino giật nẩy người lên, mặt nó xanh lè, ngộp thở, há hốc mồm ra đớp không khí. Thân nó cứ nhảy dựng lên như con cá, máu dồn căng da mặt nó, mắt như lồi ra, Jules tiến tới phía bên giường, đối diện với Lucy và Johnny. Hắn nắm chặt cổ Nino, tiêm một mũi thuốc lên vai, nơi gần cổ. Nino là người trong tay hắn, cơn co giật giảm dần, sau một lát, nó buông đầu xuống gối, nhắm mắt, đi vào giấc ngủ.
Johnny, Jules và Lucy trở ra phòng khách, ngồi quanh bàn cà phê. Lucy gọi phôn xuống khách sạn kêu cà phê và đồ ăn. Johnny lại quầy pha ly rượu.
Nó hỏi Jules:
– Cậu có biết trước là nó sẽ bị phản ứng vì ly rượu đó không? Jules nhún vai:
– Chắc chắn là biết rồi. Johnny cau có:
– Vậy tại sao cậu không cản tôi?
– Tôi báo trước rồi mà – Jules nói. Johnny càng giận thêm:
– Cậu báo không đúng cách. Cậu đúng là một thằng bác sĩ tệ hại nhất. Cậu cóc cần ai hết. Cậu bảo tôi bỏ thằng Nino vào nhà thương điên. Cậu không thèm dùng một từ cho nhẹ nhàng hơn, như dưỡng trí viện chẳng hạn. Cậu vẫn thích xử sự với mọi người như vậy à?
Lucy cúi đầu, im thin thít. Jules cười cười ngó Johnny, bảo:
– Chẳng cái gì cản nổi cậu đưa ly rượu đó cho Nino. Cậu cần phải nghe theo lệnh, theo lời cảnh giác của tôi. Có nhớ sau vụ cái cổ họng của cậu, cậu đề nghị tôi làm bác sĩ riêng của cậu? Tôi đã từ chối, vì tôi biết mình
không hợp nhau. Bác sĩ cho mình là thánh, là ông cố đạo cao cả trong xã hội hiện đại này, đó cũng là một trong phần thù lao, tưởng thưởng cho bác sĩ. Nhưng chưa bao giờ cậu đãi ngộ tôi như vậy. Đáng lẽ tôi phải là một ông thánh biết xu nịnh, giống như đám bác sĩ của các cậu ở Hollywood. Chúa ôi! Chúng cóc biết gì hết hay chúng cóc cần? Chúng phải biết thằng Nino bị gì chứ? Vậy mà chúng nó chỉ tọng cho thằng Nino cả đống thuốc và để nó tiếp tục sống khơi khơi, buông thả như vậy. Chúng nó ăn mặc sang trọng và bợ đít cậu, vì cậu là ngôi sao danh giá, nên chúng cũng được thơm lây, tưởng mình là những quan đốc tờ vĩ đại. Diễn viên, thầy thuốc cũng phải có tấm lòng chứ? Phải không? Nhưng chúng cóc cần cậu sống hay chết. Còn tôi, cái thú vui nhỏ bé không thể bỏ được của tôi là làm sao cho con người được sống. Tôi để cậu trao ly rượu ấy cho Nino để chứng minh cho cậu thấy hậu quả của nó. Bạn cậu sắp tiêu rồi. Cậu hiểu không? Trừ phi được điều trị, chăm sóc nghiêm ngặt. Bệnh áp huyết và tiểu đường, cộng với những tật xấu rượu chè, trác táng sẽ là nguyên nhân của cơn xuất huyết não bất cứ lúc nào. Ố c nó sẽ vỡ ra. Cậu còn lạc quan nổi nữa không? Đúng, tôi đã nói: nhà thương điên. Như vậy cậu mới hiểu tầm quan trọng của vấn đề. Tôi phải nói thẳng ra như thế để cậu hành động gấp. Muốn cứu mạng bạn cậu, hãy cho nó nhập viện. Nếu không, hãy hôn vĩnh biệt nó đi.
Lucy lắp bắp:
– Jules, cưng ơi. Đừng gắt thế. Cứ bình tĩnh nói cho anh ấy biết thôi.
Jules đứng dậy. Johnny hài lòng vì thái độ Jules không còn lạnh nhạt, cả giọng nói của hắn cũng không đều đều vô cảm nữa.
Jules lại nói:
– Cậu tưởng đây là lần đầu tiên tôi phải nói với những người như cậu trong hoàn cảnh này à? Tôi phải nói mỗi ngày. Lucy bảo tôi đừng gắt gỏng, là vì cô ấy không hiểu. Tôi luôn luôn phải dặn mọi người: Đừng ăn nhiều quá, kẻo chết. Đừng hút nhiều quá, kẻo chết. Đừng làm nhiều quá, đừng nốc rượu nhiều quá, kẻo chết. Chẳng ai thèm nghe. Cậu biết tại sao không?
Vì tôi đã không nói thẳng là ngày mai sẽ chết. Vậy thì bây giờ tôi có thể cho cậu biết, rất có thể Nino chết vào ngày mai.
Jules làm thêm ly rượu, rồi hỏi:
– Sao, Johnny, cậu sẽ cưỡng bách Nino vào viện chứ?
– Mình không biết – Johnny nói.
– Cậu biết không, có điều khôi hài là người ta có thể thoải mái ăn hút, nhậu nhẹt, làm việc quần quật cho đến chết, chẳng ai ngăn cản. Duy nhất có chuyện "phòng the", cũng có thể gây ra cái chết mà y học không được can thiệp vào, họ bày ra đủ thứ rào cản. Cho dù nỗi bất hạnh này chỉ đàn bà phải chịu. Tôi đã gặp những người đàn bà không muốn có con nữa, vì tôi đã bảo họ nếu đẻ nữa rất nguy hiểm, có thể chết. Chỉ một tháng sau họ trở lại, mặt đỏ lên thỏ thẻ: "bác sĩ ơi, hình như em lại có bầu". Tôi nhắc lại: nguy hiểm lắm đấy! Họ ngón ngoẻn cười: "Nhưng vợ chồng em là người Công giáo ạ".
Lại có tiếng gõ cửa, rồi hai gã phục vụ đẩy xe đồ ăn và cà phê vào phòng.
Khi mọi người ăn uống xong, Johnny ngả người ra sau ghế, mồi thuốc, hỏi Jules:
– Thì ra cậu chuyên cứu mạng người. Vậy sao lại trở thành chuyên viên phá thai?
Lucy nói đỡ cho người yêu:
– Anh ấy muốn giúp mấy cô gái gặp khó khăn. Mấy cô toan tự tử hay làm liều vì muốn bỏ cái thai.
Jules mỉm cười nhìn cô, rồi thở dài:
– Không chỉ đơn giản vậy. Tôi trở thành nhà giải phẫu rất có tài, rất khéo tay, đến tôi phải sợ chính mình. Tôi mổ và tôi biết cái khối u ung thư
đó sẽ mọc lại, nhưng tôi vẫn cho bệnh nhân ra về, kèm với nụ cười là những lời nói dối. Những người đàn bà khốn khổ nhập viện, tôi cắt bỏ một bên vú. Năm sau bệnh nhân trở lại, tôi theo nốt vú kia. Năm sau nữa, tôi khoét bỏ bên trong như người ta moi mấy cái nhân hạt bí vậy. Sau tất cả những lần mổ xẻ đó, cuối cùng bệnh nhân vẫn chết. Trong khi chồng họ vẫn tiếp tục phôn tới hỏi: "xét nghiệm thấy gì?" Tôi phải thuê thêm thư ký để trả lời những cú điện thoại này. Tôi chỉ tiếc những bệnh nhân đã sẵn sàng để khám bệnh, xét nghiệm hay giải phẫu. Tôi chỉ dành khoảng thời gian ít ỏi cho nạn nhân, vì tôi là một người rất bận rộn. Cuối cùng cũng phải để cho gã chồng chuyện trò với tôi chừng hai phút. Tôi bảo vụ đó đã kết thúc. Thằng cha cứ vặn vẹo tôi kết thúc là sao, chấm dứt là thế nào? Tôi phát ngấy, bèn bắt đầu làm việc phá thai. Dễ dàng, gọn ghẽ, mọi người đều vui vẻ hài lòng, cứ như là chuyện rửa bát chén vậy thôi. Tôi khoái công việc này. Tôi thấy chẳng có vấn đề gì, vì tôi tin cái thai hai tháng không phải là một con người. Tôi giúp các cô gái, cả mấy bà có chồng khi gặp rắc rối. Tôi kiếm được nhiều tiền. Bỏ nghề giải phẫu như bỏ chiến tuyến, nên khi bị bắt, tôi tưởng như một thằng đào ngũ bị túm vậy. Nhưng may mắn có người bạn giúp, gỡ khỏi ra toà. Nhưng các bệnh viện lớn không nhận tôi nữa. Vì thế, tôi mới ở đây. Lại khuyên nhủ mọi người, nhưng cũng như trước đây ai cũng lờ đi, có thèm nghe đâu.
Johnny bảo:
– Tôi đâu có lờ đi. Tôi đang suy tính xem sao. Lucy đổi đề tài:
– Anh làm gì ở Vegas vậy, Johnny? Làm việc hay nghỉ ngơi? Johnny lắc đầu:
– Mike Corleone muốn gặp anh. Nó sẽ bay đến đây tối nay với Tom Hagen, Tom bảo nó sẽ gặp em nữa đó, Lucy. Em biết chuyện gì rồi chứ?
Lucy cũng lắc đầu:
– Không. Nhưng tối mai tụi này sẽ cùng ăn bữa tối, có cả Fred nữa. Em đoán chắc có việc gì bên khách sạn. Gần đây sòng bài bị thất thoát tiền. Chắc Ông Trùm muốn tìm cho ra lý do.
– Anh nghe nói thằng Mike sửa mặt rồi đó – Johnny bảo. Lucy cười lớn:
– Em đoán Kay thuyết phục anh ấy đấy. Hồi cưới nhau, anh ấy đâu có chịu sửa. Chẳng hiểu tại sao. Trông kinh bỏ mẹ, mà mũi dãi cứ chảy tùm lum. Đáng lẽ anh ấy phải sửa từ lâu rồi mới phải. Nhà Corleone nhờ anh Jules cố vấn trong ca mổ ấy đấy.
Johnny gật đầu, tỉnh bơ:
– Chính anh giới thiệu mà. Lucy bảo:
– À, anh Mike bảo muốn làm chuyện gì đó cho anh Jules. Bởi vậy mới mời chúng em ăn tối nay.
Jules vui vẻ nói:
– Thằng cha Mike này cóc tin ai hết. Nó bắt anh phải theo dõi từ khi mấy cha kia bắt tay vào mổ. Ca này đơn giản, bình thường thôi mà.
Có tiếng động trong phòng ngủ, cả ba đều nhìn vào. Nino đã tỉnh lại. Johnny đến ngồi trên giường, cạnh nó. Jules và Lucy đứng phía cuối giường.
Nino nở nụ cười xanh xao, bảo:
– OK. Tao không giở trò nữa đâu, tao thấy mình hèn quá. Johnny, mày có nhớ hai năm trước, khi chúng mình với hai con bé ở Palm Springs không? Tao thế là không ghen với mày đâu. Tao mừng lắm. Mày tin tao không, Johnny?
Johnny nói cho nó yên tâm:
– Có chứ, Nino. Tao tin mày chứ.
Lucy và Jules nhìn nhau. Với những gì vừa nghe và với cá tính của Johnny, dường như không thể nào có chuyện Johnny giành bồ của người bạn thân như Nino. Vậy thì tại sao cả năm sau, Nino mới nói là nó không ghen? Cả hai cùng thoáng có ý nghĩ là Nino uống rượu chết bỏ, vì đứa con gái kia bỏ Nino để chạy theo Johnny.
Jules khám lại cho Nino, rồi bảo:
– Tôi sẽ kêu một nhỏ y tá lên đây đêm nay. Cậu sẽ phải nằm trên giường vài ngày. Không đùa đâu.
Nino cười:
– Tốt thôi, bác sĩ, miễn đừng kêu nhỏ nào quá đẹp đấy.
Jules gọi điện thoại đề nghị y tá lên trực phòng Nino, rồi cùng Lucy ra về. Johnny ngồi trên ghế gần giường chờ y tá. Nino mệt mỏi thiếp vào giấc ngủ. Johnny nghĩ lại những lời Nino mới nói là nó không ghen với những gì xảy ra hơn năm trước ở Palm Springs. Chưa bao giờ trong đầu nó thoáng ý nghĩ thằng Nino ghen với nó.
Một năm trước, Johnny Fontane ngồi trong văn phòng của hãng phim do nó làm chủ và cảm thấy chán nản vô cùng. Thật lạ lùng và cuốn phim do chính nó sản xuất, đóng vai chính và thằng Nino cũng có một vai đặc sắc, đã đem về cả núi tiền. Mọi việc đều trôi chảy, mọi người đều làm việc hết mình. Cuốn phim hoàn tất với chi phí thấp hơn ngân sách dự chi. Mọi người đều phấn khởi, chỉ có lão Jack Woltz là giảm thọ cả mười năm. Rồi Johnny làm tiếp hai phim. Nó và Nino, mỗi thằng giữ vai chính một phim. Thằng Nino rất tuyệt trên màn ảnh, trẻ trung, duyên dáng, thuộc dạng đàn ông – con trai mà phụ nữ thích được ôm ghì vào ngực mà nựng nịu. Johnny rờ tới đâu cũng đẻ ra tiền. Johnny sung sướng vì Bố Già cũng kiếm được
mới lãi bằng số tiền ông cho nó mượn qua ngân hàng. Nó đã chứng tỏ Bố Già đặt niềm tin đúng chỗ.
Bây giờ nó đã là một nhà sản xuất phim độc lập. Có uy hơn thời làm ca sĩ nhiều. Đàn bà đẹp lại xô đến nó như xưa, tuy nhiên với lý do thương mại nhiều hơn. Nó có máy bay riêng, sống xa hoa hơn, với mức thuế ưu đãi cho một nhà doanh nghiệp, mà đám nghệ sĩ không được hưởng. Vậy thì nó còn rầu rĩ, chán nản nỗi gì?
Vì trán nó nhức, lỗ mũi nhức, cổ họng ngứa ngáy. Chỉ có cách duy nhất để gãi cho cổ họng bớt ngứa là ca hát, nhưng nó sợ, không dám thử. Nó đã phôn cho Jules để hỏi, khi nào nó có thể thử hát lại được? Jules bảo lúc nào thích thì cứ hát. Vậy là nó thử. Giọng nó rè rè, ghê quá. Nó bỏ cuộc. Nhưng ngày hôm sau cổ họng nó đau rát, đau khác hẳn trước khi cắt bỏ mấy cái mụn cóc. Đau như cháy họng. Nó không dám ca tiếp, sợ sẽ bị mất giọng, bị hủy giọng luôn.
Mà nếu nó không còn hát được nữa, thì tất cả mọi thứ khác phòng có ích gì? Nó thật sự chỉ biết đến ca hát. Có lẽ nó hiểu lời ca tiếng nhạc hơn bất kỳ ai trên đời. Bây giờ nó mới nhận ra nó có tài thật. Bao năm ca hát đã tạo nó thành thực sự chuyên nghiệp. Không cần hỏi ai, nghe ai, nó cũng biết chỗ đúng chỗ sai. Vậy mà bây giờ nó không hát được nữa thì uổng phí quá.
Hôm đó thứ sáu, nên Johnny định về nhà với vợ con mấy ngày cuối tuần. Như thường lệ, nó điện thoại để báo sắp tới. Thật sự là Virginia có thể từ chối. Nhưng suốt những năm hai vợ chồng đã ly dị, chưa bao giờ cô ấy làm thế. Vì cô ấy không bao giờ lại từ chối việc cha con nó gặp nhau. Michael nghĩ là nó may mắn mới gặp một người đàn bà như cô ấy. Tuy nhiên nó cũng biết rằng, dù nó quan tâm tới cô hơn hết thảy những người đàn bà khác, cũng không thể tái diễn lại màn chăn gối với nhau được nữa. Có lẽ phải đợi đến khi cả hai đứa đều tới tuổi sáu lăm, tuổi về hưu, về hưu đúng nghĩa trên mọi phương diện. Nhưng mọi ý tưởng tốt đẹp này tan biến
hết, khi tới nơi đụng ngay vẻ mặt nhăn nhó của vợ cũ, còn mấy đứa con thì chẳng đến nỗi mừng như phát điên vì gặp bố. Hai đứa con gái nó đã hẹn với mấy nhỏ bạn đến một trang trại ở California cuối tuần này để cỡi ngựa.
Johnny bảo Virginia cứ để các con đi, nó vui vẻ hôn con tạm biệt. Nó rất hiểu, tất nhiên, trẻ con khoái được về quê cỡi ngựa hơn là quanh quẩn với một ông bố càu nhàu. Nó bảo Virginia:
– Tôi làm vài ly rồi cũng đi thôi.
Cô vợ cũ bảo "Được, không sao đâu". Rất dễ nhận ra hôm nay cô ta không vui. Sống cuộc đời nuôi con một mình thế này cũng chẳng lấy gì làm vui lắm. Thấy nó làm thêm ly rượu lớn nữa, cô kêu lên:
– Anh uống gì lắm thế? Mọi chuyện với anh đều tốt đẹp thật. Chẳng bao giờ tôi ngờ anh có thể trở thành một tay làm ăn giỏi vậy.
Johnny cười cười:
– Cũng chẳng có gì ghê gớm lắm đâu.
Vừa nói nó vừa nghĩ, thì ra thành công cũng là có lỗi đấy. Nó biết đàn bà quá mà. Virginia khó chịu vì nghĩ nó đã có đủ thứ, tha hồ hưởng lạc một mình. Đàn bà thật sự không muốn thấy những người đàn ông của họ quá thành đạt. Điều đó làm họ bứt rứt, làm họ thiếu tự tin vào sức mạnh của sự thương yêu, tình chăn gối, nghĩa vợ chồng. Vì vậy để cô ta vui lên một chút, nó lên giọng thở than:
– Nó có nghĩa lý gì đâu, nếu tôi vẫn không hát được! Quả nhiên, Virginia tỏ ra áy náy ngay:
– Ô kìa, Johnny, anh đâu còn là trẻ con nữa. Hơn ba mươi lăm tuổi rồi. Sao cứ phải rầu rĩ vì cái trò ca hát vớ vẩn đó? Làm nhà sản xuất chẳng kiếm được nhiều tiền hơn sao?
Johnny lạ lùng, nhìn cô ta dò hỏi:
– Ủ a, tôi là ca sĩ. Tôi yêu ca hát. Già trẻ, tuổi tác là cái đếch gì? Virginia phát cáu:
– Chẳng bao giờ tôi ưa cái chuyện ca hát của anh. Bây giờ anh chứng tỏ có khả năng làm phim, tôi mừng vì anh không còn hát được nữa.
Johnny nổi điên lên:
– Thật rõ ra là những lời bần tiện.
Nó run cả người. Làm sao mà cô ta có thể nghĩ như thế được, làm sao mà cô ta ghét nó đến thế?
Virginia mỉm cười vì thấy nó đau khổ và nổi điên lên vì câu nói của cô, cô bình thản tiếp:
– Anh nghĩ tôi cảm thấy thế nào khi những đứa con gái kia bu theo anh, vì cái điệu hát hò của anh? Anh cảm thấy thế nào nếu tôi để đôi mông trần đi dạo phố, để lũ đàn ông chạy theo? Cái lối hát hò của anh giống thế đó. Vì vậy tôi đã luôn cầu mong cho anh bị mất giọng, chẳng hát hò gì được nữa. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, trước khi ly dị kìa.
Johnny uống cạn ly, bảo:
– Cô cóc hiểu. Cóc hiểu một tí gì hết.
Nó vào bếp, quay điện thoại cho Nino. Nó bảo Nino thu xếp gấp đi Palm Springs chơi cuối tuần. Nó cho Nino số điện thoại của một đứa con gái, một con bé rất trẻ và đẹp. Nó hứa với Nino:
– Con bé sẽ có một con bạn dành cho mày. Tao sẽ gặp mày khoảng một tiếng nữa.
Virginia lạnh nhạt chào nó. Nó cóc cần. Đó là những lần hiếm hoi nó nổi giận với cô ta. Mẹ kiếp thế là hỏng hết chương trình nghỉ cuối tuần.
Tới Palm Springs, tất nhiên, mọi chuyện đều khác hẳn. Johnny có một ngôi nhà riêng tại đây. Hai cô gái trẻ trung, không tham lam đòi hỏi. Bạn bè tới vui chơi trong hồ bơi cho tới bữa ăn. Nino chuồn vào phòng với cô bạn gái sau chầu hú hí, hai anh chị cùng nhau sửa soạn bữa ăn cho mọi người. Jonny bảo Tina, con bé thấp người tóc vàng, lên phòng tắm một mình. Nó không bao giờ thấy hứng có thể làm trò yêu đương, sau mỗi lần cãi lộn với Virginia.
Nó ra ngoài hiên phòng khách có tường kính và một cái đàn piano. Ngày còn đi hát với ban nhạc, nó thường vờn quanh cây đàn để vui đùa, cất tiếng hát dưới ánh trăng giả tạo tỏa ra từ một ngọn đèn.
Lúc này nó ngồi xuống dạo vài phím ư ử vài câu, thật dịu dàng, nhưng không hát hẳn. Nó không ngờ lúc đó Tina đang ở trong phòng khách pha rượu cho nó, rồi ra ngồi cạnh nó, bên piano. Nó chơi thêm vài nốt và con bé nho nhỏ hát theo. Nó bỏ con bé ngồi với cây đàn, lên phòng tắm. Vừa tắm nó vừa hát vài đoạn ngắn, gần giống như đọc lời vậy thôi. Nó mặc quần áo, trở xuống lại. Tina vẫn còn đó. Nino chắc đã xỉn, ngủ vùi với con bé kia rồi Johnny ngồi xuống bên piano, Tina ra ngoài, đứng ngắm hồ bơi. Nó bắt đầu hát một bài trong số những bài trước đây nó thường hát. Cổ họng không thấy đau. Âm thanh còn hạn chế, nhưng gọn ghẽ, không rè. Nó ngó ra, Tina vẫn ở bên ngoài tường kính, không nghe được gì. Nó không muốn bất kỳ ai nghe thấy. Rồi nó hát một bài nó ưa thích nhất. Nó hát thoải mái như từng hát trước khán giả. Thả cho giọng trôi đi, vút lên, rồi nghe ngóng cái bỏng rát quen thuộc mấy năm nay. Nhưng không có gì hết. Nó lại hát và lắng nghe giọng mình, tuy có khác, nhưng làm nó thích. Giọng nó bây giờ sâu lắng hơn, đó là chất giọng của một người đàn ông, chứ không phải của một thằng con trai như trước. Thật sâu lắng và phong phú. Johnny khoan thai, dễ dàng hát hết bài ca, rồi cứ ngồi bên cây đàn mà nghĩ ngợi.
Tiếng Nino cất lên ngay sau lưng nó:
– Không tệ, không tệ tí nào, mày ạ.
Johnny quay lại. Nino đứng một mình, không có con bạn gái. Nó vẫn chưa muốn ai nghe thấy nó hát, Nino thì không sao.
Nó bảo Nino:
– Ừ, nhưng cho hai con bé về đi. Nino bảo:
– Hai con bé ngoan thế, mày bảo tao đuổi về, mà không cho ăn uống gì à? Nếu muốn, mày ra mà nói với chúng nó.
Mẹ kiếp, nói thì nói, nó sợ gì. Nó gọi phôn cho thằng trưởng ban nhạc, mà nó quen ở Palm Springs, bảo đem đến một cây mandolin cho Nino. Gã trưởng ban kêu toáng:
– Bố khỉ, có ma nào chơi mandolin ở cái xứ California này đâu. Johnny cũng la toáng vào phôn:
– Kiếm gấp đi.
Khi dụng cụ thâu thanh được chuyển đến nhà, Johnny để hai cô gái ngồi điều khiển núm bật, tắt và núm âm thanh.
Sau bữa ăn tối, Johnny bắt tay vào việc. Nó để Nino chơi mandolin phụ họa, rồi hát lại tất cả những bài hát cũ. Nó hát thoải mái, không cần giữ giọng. Cổ họng nó không có vấn đề gì, nó cảm thấy có thể tiếp tục hát mãi. Bao nhiêu tháng qua nó chỉ hát thầm, tự nhủ sẽ phát âm, nhả giọng ra sao những ca từ này, một cách khác với thời còn ít tuổi. Bây giờ nó được hát thực sự. Nó phát hiện ra có những đoạn khi hát thầm thấy được, giờ hát lớn thành lời lại thấy chưa ổn lắm. Tạm thời, nó tập trung vào lối trình diễn. Cũng có đôi chỗ lỡ nhịp, nhưng không sao. Bộ máy ký âm trong đầu nó, chưa bao giờ phản bội. Chỉ cần tập tành lại chút đỉnh thôi.
Sau cùng, khi nó ngưng hát, Tina tiến lại, hai mắt sáng rỡ, hôn một cái rõ dài trên môi nó, rồi nói:
– Bây giờ em mới hiểu tại sao bà già em không bỏ sót phim nào của anh.
Đúng là câu nói vô duyên, không đúng nơi, không đúng lúc. Nhưng Nino và Johnny đều cười ha hả.
Mở lại cuộn băng vừa mới thâu. Johnny chăm chú lắng nghe. Giọng thay đổi thật sự, thay đổi quá nhiều, nhưng không ai có thể nghi ngờ đó không phải là giọng Johnny Fontane. Tất nhiên là đầy đặn, sâu lắng hơn như nó đã nhận ra lúc nãy, rõ ràng có chất giọng tiếng hát đàn ông. Đặc sắc và tình cảm chân thật hơn. Phần kỹ thuật hát tiến hơn trước rất xa, đáng xếp bậc thầy. Mới sơ sơ mà giọng nó đã được như vậy, khi hoàn toàn lấy lại phong độ nó sẽ tiến tới đâu?
Nó cười hỏi Nino:
– Không biết có hay thật như tao nghĩ không nhỉ?
Nino nhìn cái mặt hơn hớn của bạn, nói nghiêm chỉnh:
– Quá hay là khác. Nhưng để xem ngày mai mày có hát được như thế không đã.
Johnny cảm thấy đau vì thằng bạn thân bi quan đến nỗi không sợ làm nó ngã lòng. Nó phát quạu:
– Thằng chó, mày biết mày không hát được như tao đấy thôi. Ngày mai là cái gì. Tao cảm thấy rất khỏe, rất tuyệt.
Nhưng tối đó nó không hát nữa. Hai anh dẫn hai em đi chiêu đãi. Đêm đó, Tina ngủ cùng giường với Johnny, nhưng Johnny không làm ăn gì nhiều, cô nàng hơi bị thất vọng. Nhưng bố khỉ, làm sao có thể làm tất cả bấy nhiêu chuyện trong một ngày. Johnny nghĩ vậy.
Buổi sáng, Johnny thức dậy với tinh thần lo âu khủng khiếp, nó sợ chuyện hát lại được chỉ là một giấc mơ. Rồi khi nó biết chắc không phải là mơ, thì nó lại sợ giọng bị mất lại. Nó đi ra phía cửa sổ hát nho nhỏ, rồi vẫn mặc áo ngủ, nó xuống phòng khách. Nó bấm mấy nốt piano, rồi hát thử. Không đau cổ, không rè tiếng. Nó hát cao hơn. Giọng trung thực, khỏe khoắn, không phải ráng sức, đầy hơi. Nó biết giai đoạn tệ hại đã qua rồi. Bây giờ nó có lại tất cả. Nó cóc cần nếu có thất bại trong điện ảnh, cóc cần chuyện đêm qua với em Tina, chuyện Virginia sẽ ghét nó, vì nó đi hát lại. Nó chỉ tiếc một điều, phải chi giọng ca nó trở lại trong khi nó đang ráng hát cho hai đứa con gái của nó nghe. Như vậy sẽ dễ thương biết bao nhiêu!
Cô y tá của khách sạn đẩy cái xe đầy thuốc men vào phòng. Johnny đứng dậy, lom lom nhìn bạn. Nino đang ngủ hay đang hấp hối vậy? Nó biết Nino không bao giờ ghen với chuyện nó có thể hát lại. Nó hiểu Nino chỉ ghen vì nó đã "quá hạnh phúc" khi lấy lại được giọng ca. Và vì nó quá tha thiết với nghề ca hát. Còn Nino, nó không tha thiết bất kỳ chuyện gì để đủ làm nó ham sống.
Bố Già Bố Già - Mario Puzo Bố Già