Chương 13: Thuộc Nhà Minh (1414 - 1427)
. Việc chính trị nhà Minh
2. Việc tế tự
3. Cách ăn mặc
4. Sự học hành
5. Việc trạm dịch
6. Việc binh lính
7. Phép hộ thiếp và hoàng sách
8. Việc thuế má
9. Việc sưu dịch
10. Quan lại
1. Việc Chính Trị Nhà Minh.
Trương Phụ lấy được châu Thuận Hóa và châu Tân Bình rồi, làm sổ biên số dân đinh ở hai châu ấy, đặt quan cai trị và để quân binh ở lại phòng giữ chỗ giáp giới nước Chiêm Thành. Đến htáng 8 năm giáp ngọ (1414) Trương Phụ và Mộc Thạnh về Tàu, đem những đàn bà con gái về rất nhiều.
Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang các việc trong nước để khiến cho người An Nam đồng hóa với người Tàu. Lập ra đền miếu, bắt người mình cúng tế theo tục bên Tàu, rồi từ cách ăn mặc cho chí sự học hành, việc gì cũng bắt theo như người Tàu cả. Còn cái gì là di tích của nước mình như là sách vở thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch. Lại đặt ra thuế lệ, bổ thêm sưu dịch để lấy tiền của, làm cho dân ta bấy giờ phải nhiều điều khổ nhục
2. Việc Tế Tự.
Hoàng Phúc bắt các phủ, châu, huyện phải lập văn miếu và lập bàn thờ bách thần, xã tắc, sơn xuyên, phong vân để bốn mùa tế tự.
3. Cách Ăn Mặc.
Bắt con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái thì phải mặt áo ngắn quần dài theo như người Tàu cả.
4. Sự Học Hành.
Quan nhà Minh bắt mở nhà học ở các phủ, châu, huyện, rồi chọn những thầy âm dương, thầy thuốc, thầy chùa, đạo sĩ, ai giỏi nghề gì thì làm cho quan để dạy nghề ấy.
Vua nhà Minh lại xuống chỉ truyền lấy Ngũ Kinh, Tứ Thư và bộ Tính Lý Đại Toàn, sai quan đưa sang ban cấp cho người An Nam học ở các châu huyện, rồi lại sai thầy tăng và đạo sĩ ở Tăng Đạo Ti 1, đi truyền giảng đạo Phật và đạo Lão. Còn bao nhiêu sách vở của nước Nam, từ nhà Trần về trước thì thu lấy cả rồi đem về Kim Lăng.
Cứ theo sách Lịch Triều Hiến Chương Văn Tịch Chí của ông Phan Huy Chú thì những sách của nước Nam mà Tàu lấy về là những sách này:
- Hình Thư, của vua Thái Tông nhà Lý 3 quyển.
- Quốc Triều Thông Lễ, của vua Thái Tông nhà Trần 10 quyển
- Hình Luật, của vua Thái Tông nhà Trần 1 quyển
- Thường Lễ, niên hiệu Kiến Trung 10 quyển
- Khóa Hư Tập 1 quyển
- Ngự Thi 1 quyển
- Di Hậu Lục, của vua Thái Tông nhà Trần 2 quyển
- Cơ Cầu Lục 1 quyển
- Thi Tập 1 quyển
- Trung Hưng Thực Lục, của Trần Nhân Tông 2 quyển
- Thi Tập 1 quyển
- Thủy Vân Tùy Bút, của Trần Anh Tông 2 quyển
- Thi Tập, của Trần Minh Tông 1 quyển
- Trần Triều Đại Điển, của Trần Dụ Tông 2 quyển
- Bảo Hòa Điện Dư Bút, của Trần Nghệ Tông 8 quyển
- Thi Tập 1 quyển
- Binh Gia Yếu Lược, của Trần Hưng Đạo 1 bộ
- Vạn Kiếp Bí Truyền, của Trần Hưng Đạo 1 bộ
- Tứ Thư Thuyết Ước, của Chu Văn Trinh 1 bộ
- Tiều Ẩn Thi 1 tập
- Sầm Lâu Tập, của Uy Văn Vương Trần Quốc Toại 1 quyển
- Lạc Đạo Tập, của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải 1 quyển
- Băng Hồ Ngọc Hác Tập, của Trần Nguyên Đán 1 quyển
- Giới Hiên Thi Tập, của Nguyễn Trung Ngạn 1 quyển
- Giáp Thạch Tập, của Phạm Sư Mạnh 1 quyển
- Cúc Đường Di Thảo, của Trần Nguyên Đào 2 quyển
- Thảo Nhàn Hiệu Tần, của Hồ Tôn Vụ 1 quyển
- Việt Nam Thế Chí 1 bộ
- Việt Sử Cương Mục 1 bộ
- Đại Việt Sử Ký, của Lê Văn Hưu 30 quyển
- Nhị Khê Thi Tập, của Nguyễn Phi Khanh 1 quyển
- Phi Sa Tập, của Hàn Thuyên 1 quyển
- Việt Điện U Linh Tập, của Lý Tế Xuyên 1 quyển
Những sách ấy bây giờ không biết mất đâu cả, không thấy quyển nào nữa, thật là một cái thiệt hại cho người nước mình.
Còn những người đi học, ở các phủ, châu, huyện, trước thì ở phủ mỗi năm 2 người, ở châu 2 năm 3 người, ở huyện mỗi năm 1 người, sau cải lại ở phủ mỗi năm 1 người, ở châu 3 năm 2 người, ở huyện 2 năm 1 người, được làm học trò tuế cống cho vào học Quốc Tử Giám, rồi bổ đi làm quan.
5. Việc Trạm Dịch.
Từ thành Đông Quan (tức là Hà Nội) cho đến huyện Gia Lâm, phủ Từ Sơn, thì đặt trạm để chạy giấy bằng ngựa; từ huyện Chí Linh, huyện Đông Triều cho đến phủ Vạn Ninh là nơi giáp đất Khâm Châu nước Tàu thì đặt trạm chạy giấy bằng thuyền.
6. Việc Binh Lính.
Việc bắt lính thì cứ theo sổ bộ mà bắt. Ở những nơi gọi là vệ sở thì mỗi một bộ phải ba suất đinh đi lính, nhưng từ Thanh Hóa về nam người ở ít, thì mỗi hộ chỉ phải hai suất đinh đi lính mà thôi. Những chỗ nào mà không có vệ sở thì lập đồn ở chỗ hiểm yếu rồi lấy dân binh ra giữ.
7. Phép Hộ Thiếp và Hoàng Sách.
Việc điền hộ ở An Nam bấy giờ phải theo như lệ bên Tàu. Những dân đinh trong nước, thì ai cũng phải có một cái giấy biên tên tuổi và hương quán để lúc nào có khám hỏi thì phải đưa ra. Cái giấy ấy biên theo như ở trong quyển sổ của quan giữ. Hễ giấy của ai mà không hợp như ở trong sổ thì người ấy phải bắt đi lính.
Việc cai trị ở trong nước thì chia ra làm lý và giáp. Ở chỗ thành phố thì gọi là phường; ở chung quanh thành phố thì gọi là tương; ở nhà quê thì gọi là lý. Lý lại chia ra giáp.
Cứ 110 hộ làm một lý và 10 hộ làm một giáp. Lý thì có lý trưởng, giáp thì có giáp thủ.
Mỗi một năm có người làm lý trưởng coi việc trong lý.
Mỗi một lý, một phường hay là một tương có một quyển sách để biên tất cả số đinh số điền vào đấy. Còn những người tàn tật cô quả thì biên riêng ra ở sau, gọi là kỷ linh. Ở đầu quyển sách lại có cái địa đồ.
Khi nào quyển sổ ấy xong rồi, thì biên ra làm 4 bản, một bản có bìa vàng, cho nên gọi là hoàng sách để gửi về bộ Hộ, còn 3 bản bìa xanh, thì để ở bố chính ti, ở phủ và huyện, mỗi nơi một bản.
Cứ mười năm lại tùy số dinh điền hơn lên hay kém đi thế nào, phải làm lại cái mẫu sổ khác, gửi đi cho các lý, phường và tương để cứ theo mẫu ấy mà làm.
Bấy giờ lý trưởng và giáp thủ phải đập đánh cực khổ lắm.
8. Việc Thuế Má.
Phép nhà Minh đánh thuế cứ mỗi mẫu ruộng phải nộp năm thăng thóc, mỗi một mẫu bãi để trồng dâu phải nộp một lạng tơ, và mỗi cân tơ phải nộp một tấm lụa.
Lại đặt ra thuế muối. Dân mà nấu muối mỗi một tháng được bao nhiêu phải đưa vào để ở tòa Đề Cử, đợi khi nào tòa Bố chính khám rồi mới được bán. Ai mà nấu lậu hay là bán lậu thì cũng phải phạt như nhau.
Ở châu, huyện nào cũng có một tòa Thuế Khóa để thu thuế.
9. Việc Sưu Dịch.
Phàm những chỗ nào có mỏ vàng mỏ bạc thì đặt quan ra để đốc dân phu đi khai mỏ. Những chỗ rừng núi, thì bắt dân đi tìm ngà voi, sừng tên; ở chỗ gần bể, thì bắt dân phải đi mò ngọc trai. Còn những thổ sản như: hồ tiêu, hương liệu, cũng phải bắt cống nộp. Đến những hươu, voi, rùa, chim, vượn, rắn, cái gì cũng vơ vét đem về Tàu.
Từ khi bọn Lý Bân, Mã Kỳ sang thay Trương Phụ, dân ta bị bọn ấy sách nhiễu thật là khổ sở.
10. Quan Lại.
--------------------------------
1 Nhà Minh bấy giờ không những là mở mang Nho Học mà thôi, lại lập ra Tăng Cương Ti và Đạo Kỳ Ti để coi những việc thuộc về Đạo Phật và Đạo Lão.
Việt Nam Sử Lược Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim Việt Nam Sử Lược