Hồi Thứ Hai Mươi Bốn - Họ Dương Nổi Giận Nơi Soái Phủ
ấy giờ Dương Thanh và Phạm Trọng Yêm nghe Địch Thanh kể lại đầu đuôi câu chuyện thì kinh hãi nói:
- Nếu chinh y bị mất thì tánh mạng ngài không còn.
Địch Thanh nói:
- Tuy ngày nay mất hết chinh y, nhưng tôi sẽ đòi lại được, mà dẫu có đòi không được thì cũng không đến nỗi chết, vì tôi đã lập được công rất lớn.
Phạm Trọng Yêm hỏi:
- Ngài có công gì mà có thể chuộc được tội ấy?
Địch Thanh nói:
- Hôm qua tôi giết được Táng Thiên vương Tử Nha Xai, vậy công ấy không thể chuộc tội được hay sao?
Dương Thanh hỏi:
- Vậy ngài có chi làm bằng cớ không?
Địch Thanh nói:
- Sao lại không. Cả hai thủ của của hai tên ấy tôi đã giao cho Tiêu Đình Quý đem về trước. Chẳng lẽ đến bây giờ mà chưa về hay sao?
Phạm Trọng Yêm nghe nói liền quay lại nói với Dương Thanh:
- Lạ thật! Sao thủ cấp nào mà Lý Thành đem dâng nó, còn thủ nào mà Địch khâm sai giao cho Tiêu Đình Quý đem về. Việc này tôi rất hồ nghi. Song Tiêu Đình Quý chưa về thì không biết sự thực ra sao. Còn việc chinh y đây chúng ta phải lập kế mà nói cho Dương nguyên soái đình lại chờ Tiêu Đình Quý về rồi xét cho rõ ràng. Nếu chúng ta vào mà nói chinh y bị mất rồi thì Dương nguyên soái vốn có tính nóng ắt hối quân bắt chém Địch Thanh lập tức.
Dương Thanh nói:
- Vậy chúng ta vào mà nói dối rằng chinh y có rồi, đặng cho mọi việc an ổn, chờ Tiêu Đình Quý về sẽ hay.
Bàn tính xong, hai người dắt vào ra mắt Dương nguyên soái, đồng thời dắt Địch Thanh cùng đi.
Dương nguyên soái hỏi:
- Vậy chớ chinh y đủ số chưa?
Duơng Thanh nói:
- Chinh y đã đủ số rồi.
Dương nguyên soái hỏi Địch Thanh:
- Trong tờ phê văn có nói phó giải quan là Thạch Ngọc, sao không thấy Thạch Ngọc đến đây?
Địch Thanh liền thuật hết các việc Thạch Ngọc bị yêu quái bắt nơi quán dịch tại huyện Nhơn An cho nguyên soái nghe.
Dương nguyên soái hỏi:
- Vậy trong tờ kỳ một tháng, lịnh thiên tử cho thêm năm ngày, sao còn trễ như vậy.
Vì mấy ngày tuyết xuống lạnh lẽo quân sĩ không đi được nên mới trễ, xin nguyên soái rộng dung cho tôi nhờ.
Dương nguyên soái liền kêu Mạnh Đinh Quốc bảo ra phát chinh y cho quân sĩ, kẻo lâu ngày lạnh lẽo.
Địch Thanh nghe nói liền thưa:
- Xin nguyên soái hãy để chậm lại.
Dương nguyên soái hỏi:
- Tại sao vậy?
Địch Thanh thưa:
- Chinh y mất hết rồi còn chi đâu mà phát.
Dương nguyên soái hỏi:
- Sao lại mất đi, mất lúc nào?
Địch Thanh thuật lại chuyện mất chinh y tại Ma Bàng sơn cho nguyên soái nghe.
Dương nguyên soái nổi nóng vỗ ghế hét:
- Chinh y là vật quan trọng, sao ngươi sơ suất để đến nỗi bị chúng cướp mất, ấy là tội khi quân.
Nói rồi kêu quân sĩ bắt Địch Thanh cởi hết áo mão rồi dẫn đi.
Địch Thanh nói lớn:
- Tuy là chinh y bị mất hết, song tôi đã lập được công lớn lẽ nào không chuộc được tội.
Phạm Trọng Yêm thấy vậy thưa:
- Địch khâm sai xưng rằng đã lập được công lớn, vậy nguyên soái phải hỏi lại cho rõ ràng rồi mới chém.
Nguyên soái nói:
- Công gì mà trừ được tội này?
Địch Thanh nói lớn:
- Việc mất chinh y đây không phải một mình tôi có tội, mà cả nguyên soái cũng có tội nữa.
Dương nguyên soái nghe nói vỗ ghế hỏi:
- Ngươi là mất chinh y mà lại đổ tội cho ta hay sao?
Địch Thanh nói:
- Vả Ma Bàng sơn cách tam Quan không đầy hai trăm dặm mà nguyên soái là người có trách nhiệm trấn giữ lại dung cho loài cường đạo ở trong địa phận mình, đến nỗi nó cướp đoạt chinh y của triều đình, ấy không phải là nguyên soái không làm tròn bổn phận của mình không?
Dương nguyên soái nghe Địch Thanh nói như vậy thì nghĩ thầm:
- Lời Địch Thanh nói có lý, nếu lấy lẽ ra thì ta cũng phải chịu chung trách nhiệm.
Nghĩ như vậy nguyên soái nói:
- Khi nãy ngươi nói đã lập công lớn để xin chuộc tội, vậy thì đó là công gì?
Địch Thanh nói:
- Đó là công trận chớ công gì.
Dương nguyên soái hỏi:
- Công trận gì ở đâu?
Địch Thanh nói:
- Vậy chớ giết được Táng Thiên vương và Tử Nha Xai không phải là công trận hay sao?
Dương nguyên soái nói:
-Táng Thiên vương Tử Nha Xai thì hai cha con Lý Thành đã giết chết rồi, còn đâu nữa mà ngươi giết? Chính cha con Lý Thành đã đem thủ cấp hai người ấy nạp nơi đây.
Địch Thanh nói:
- Hai cái thủ cấp ấy tôi đã giao cho Tiêu Đình Quý đem về nạp sao lại bảo là của cha con Lý Thành?
Dương nguyên soái nghe nói trong lòng sanh nghi, hỏi chư tướng:
- Tiêu Đình Quý ta sai đi đón chinh y đến bây giờ đã về chưa?
Chư tướng thưa:
- Tiêu Đình Quý chưa về.
Dương nguyên soái nghe nói lại càng sanh nghi hơn nữa, còn đang ngẫm nghĩ thì có quân vào báo:
- Ngoài cửa quân sĩ vừa lượm được một phong thơ có đề tám chữ: Cháu nội là Dương Tôn Bảo xem thơ.Dương nguyên soái xem thấy biết là thơ của bà nội dặn dò về việc Địch Thanh, nên nói với Phạm Trọng Yêm:
- Nay hai cái thủ cấp thì hai cha con của Lý Thành xưng là công của mình, còn Địch Thanh cũng nói như vậy, chưa biết thiệt giả ra sao, vậy đợi Tiêu Đình Quý về đây rồi mới cứu xét được.
Tuy nhiên vì nóng lòng nên nguyên soái cho gọi Lý Thành ra đối nại.
Lý Thành nói:
- Bởi tôi giết được nên tôi mới có thủ cấp ấy.
Địch Thanh làm thinh không nói lời nào hết. Dương Nguyên soái thấy vậy hỏi Địch Thanh:
- Ngươi nói là công trận của ngươi, sao ngươi không đối nại với Lý Thành?
Địch Thanh nói:
- Lý Thành là người bậc nào, còn tôi là người bậc nào mà Nguyên soái lại khinh bạc tôi như vậy? Vả tôi đây là bậc nhất phẩm triều đình, đã bị trói lại lột hết áo mão, ngồi dưới đất mà đối nại với Lý Thành làm sao?
Nguyên soái thấy Địch Thanh nói có lý liền hối quân mở trói cho Địch Thanh, và đem áo mão cho Địch Thanh mặc.
Địch Thanh ngồi lên ghế, rồi lớn tiếng nói:
- Nếu bây giờ muốn cho minh bạch việc này phải chờ Tiêu Đình Quý về đây sẽ đối chứng, cho tôi mà đối nại với Lý Thành thì mất thể diện tôi nhiều lắm.
Nguyên soái khiến Trầm Đạt qua Ngữ Vân trấn mà tra chứng xem thử đêm 13 vừa qua có Táng Thiên vương và ĩ ử Nha Xai say rượu đi dạo chăng?
Trầm Đạt vâng lời đến nơi dò hỏi. Dương Nguyên soái lại sai quân sĩ đi khắp nơi tìm Tiêu Đình Quý.
Truyền lệnh xong, Nguyên soái trở về hậu dinh an nghỉ còn việc ấy giam lại đó chờ xét xử sau.
Phạm Trọng Yêm thấy Nguyên soái vào rồi thì cười lớn nói với Dương Thanh:
- Lúc nãy Nguyên soái có vẻ nóng nảy, nhưng sau khi xem thơ của bà Dư Thái quân thì có vẻ trầm tĩnh rồi. Vậy thì chúng ta cứ an lòng chờ Tiêu Đình Quý về đây sẽ cùng nhau tham luận.
Nói rồi hai người mời Địch Thanh về nơi quán dịch an nghỉ.
Còn Tiêu Đình Quý sau khi bị cha con Lý Thành đem bị xuống sông, vì lúc đêm tối cha con Lý Thành vội vã đem ném xuống chỗ nước cạn, nên Tiêu Đình Quý không bị chết đuối. Lúc tỉnh rượu, Tiêu Đình Quý thấy mình bị trói, bỏ xuống nước, thì biết là âm mưu của cha con Lý Thành. Sáng hồng sau nhờ có một gã tiều phu đi ngang qua đó thấy vậy lội xuống mở trói cho Tiêu Đình Quý.
Tiêu Đình Quý lên được trên bờ rồi liền nói với gã tiền phu:
- Tôi mà sống được cũng nhờ ơn ông, vậy xin ông theo tôi về Tam Quan, đặng tôi đền ơn cho ông chút đỉnh.
Tiều phu nói:
- Ấy là chuyện làm phước, tôi có cần gì trả ơn. Thôi để tôi đi đốn củi kẻo trưa.
Nói rồi vội vã ra đi.
Tiêu Đình Quý vội trở lại Ngũ Vân trấn trong lúc Trầm Đạt đang tra xét quân sĩ và dân tình, thấy Tiêu Đình Quý về thì mừng rỡ hỏi:
- Vậy chớ tướng công đi đâu mất để xảy ra việc mạo công này?
Tiêu Đình Quý hỏi:
- Chẳng hay chuyện mạo công như thế nào?
Trầm Đạt liền thuật hết câu chuyện của Địch Thanh và Lý Thành cho Tiêu Đình Quý nghe.
Tiêu Đình Quý ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:
- À? Té ra vì việc này mà cha con Lý Thành cho ta uống rượu rồi trói bỏ xuống sông đây. Cha con Lý Thành thật tàn bạo và bất nhân. Nó muốn đoạt công của Địch Khâm sai mà đành đoạn hại tôi. May không có gã tiều phu giải cứu thì tôi chết mất rồi.
Trầm Đạt nói:
- Vậy thì đầu đuôi câu chuyện thế nào xin tướng quân nói cho tôi rõ.
Tiêu Đình Quý liền thuật hết mọi việc đã xảy ra cho Trầm Đạt nghe.
Trầm Đạt nói:
- Nếu vậy thì tội Lý Thành đáng chết.
Tiêu Đình Quý hỏi:
- Bây giờ Lý Thành ở đâu?
Trầm Đạt nói:
- Đang ở tại Tam Quan. Vậy tướng quân hãy đi với tôi về Tam Quan mà đối nại việc ấy.
Tiêu Đình Quý nghe nói liền đi theo Trầm Đạt trở về Tam Quan.
Lời bàn:
Quyền cao chức trọng thì ai cũng ham, vì nó là nguồn gốc của sự sung sướng trong cuộc sống con người. Nhưng vì tâm lý giữa kẻ quân tử và tiểu nhân có khác biệt:
Người quân tử thì biết trọng danh dự mình, nên dù được phong thưởng nhưng không xứng đáng thì không nhận vì họ chỉ nhận những gì do họ làm được, và hưởng những gì của họ làm ra. Còn kẻ tiểu nhân vì bất tài, nhưng muốn được hưởng thụ nên không kể đến danh dự, chỉ cốt làm sao được hưởng thụ là sung sướng rồi.
Do đó, kẻ tiểu nhân thường âm mưu tước đoạt quyền lợi và công lao của kẻ khác.
Trường hợp bọn Lý Thành điển hình cho hành động của kẻ tiểu nhân ham lợi, nhẫn tâm giết cả người thân của mình, coi quyền lợi là trên hết.
Vạn Huê Lầu Diễn Nghĩa Vạn Huê Lầu Diễn Nghĩa - Khuyết Danh