Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
[10]
ũng may là Marylou đã từng sống quanh những kẻ như thế - nàng sống chẳng cách Tenderloin bao xa - và một tên quản lý khách sạn có bộ mặt xanh xám đồng ý cho chúng tôi thuê chịu một phòng. Đó là giai đoạn một. Sau đó thì phải ăn và đây là điều không thể giải quyết nổi cho đến nửa đêm, cái giờ mà chúng tôi phát hiện ra một ca sĩ hộp đêm đang hâm nóng hộp thịt nguội trộn đậu của mình bằng cách đặt nó lên bàn là điện trong phòng khách sạn. Tôi nhìn những chùm đèn nê ông nhấp nháy qua khung cửa sổ và băn khoăn không biết Dean ở đâu và tại sao hắn chẳng quan tâm gì đến bọn tôi? Năm ấy, tôi mất hết lòng tin vào hắn. Tôi ở lại San Francisco một tuần và sống qua thời kỳ tồi tệ nhất của đời mình. Marylou và tôi xoay xở hết cách để tìm ra thứ nhét vào miệng. Bọn tôi thậm chí còn đến cả chỗ mấy tay thủy thủ chuyên đời say xỉn nàng quen trên phố Mission, họ đãi chúng tôi rượu whisky.
Chúng tôi ở chung với nhau hai đêm trong khách sạn. Tôi hiểu giờ đây không có Dean thì Marylou chẳng còn thực sự quan tâm đến tôi nữa, nàng chỉ muốn tiếp cận Dean thông qua tôi, chiến hữu của hắn. Chúng tôi cãi lộn nhau ở trong phòng. Chúng tôi cũng cùng nhau thức suốt đêm trên giường và tôi kể nàng nghe về những giấc mơ của tôi. Tôi kể nàng nghe chuyện con rắn lớn nằm cuộn trong ruột quả đất như con sâu nằm trong quả táo, rồi một ngày kia nó làm trồi lên một quả đồi, sau này được gọi là Đồi Con Rắn, và rắn ta trườn lên cánh đồng, dài đến hàng trăm dặm, gặp cái gì là nuốt chửng cái đấy. Tôi nói với nàng rằng con rắn đó là Satan. “Sau đó thì thế nào?” nàng kêu thét lên và ôm chặt lấy tôi.
“Một người tốt, tiến sĩ Sax, sẽ giết con rắn đó bằng một loại thảo dược bí mật mà ông vẫn tiếp tục pha chế ở một căn hầm dưới lòng đất, đâu đó ngay trên đất Mỹ này. Có thể sau này người ta sẽ phát hiện ra rằng con rắn này chỉ là một cái túi chứa đầy chim bồ câu, khi nó chết, từng đàn chim câu màu xám sẽ vỗ cánh bay ra và mang lại làn sóng hòa bình cho toàn nhân loại.” Tôi chẳng còn biết mình đang nói gì nữa vì đói và cay đắng.
Một đêm, Marylou biến mất cùng một tên chủ hộp đêm. Tôi đang đợi nàng ở chỗ hẹn dưới một cái cổng lớn bên kia đường, chỗ ngã tư Larkin và Geary, bụng đói meo, thì thấy nàng từ hành lang của một ngôi nhà sang trọng đi ra cùng với một cô bạn gái, chủ hộp đêm, và một lão già béo múp míp tay cầm một tập tiền. Lúc đầu nàng chỉ vào để gặp cô bạn gái. Tôi chợt nhận ra nàng tệ đến mức nào. Nàng sợ không dám vẫy tôi một cái, dù đã thấy tôi ở chỗ cánh cổng. Nàng nhẹ cất bước đi rồi trèo lên chiếc Cadillac và thế là họ biến mất. Giờ thì tôi chẳng còn ai nữa, chẳng còn gì nữa.
Tôi bước đi, nhặt đầu mẩu thuốc trên phố. Khi qua một cửa hàng bán đồ ăn nhanh trên phố Chợ, tôi bỗng thấy một phụ nữ trong đó nhìn tôi một cách sợ hãi; đó là bà chủ hàng, hẳn bà ta nghĩ tôi đang định vác súng vào để cướp. Tôi đi tiếp mấy bước nữa và bỗng chợt nảy ra ý nghĩ rằng đó chính là mẹ tôi cách đây hai thế kỷ ở nước Anh còn tôi là thằng con trai trộm cướp của bà, vừa ở tù ra, đến đây để phá rối công việc làm ăn lương thiện của mẹ. Tôi dừng lại, run lên vì phấn khích trên vỉa hè. Tôi nhìn phố Chợ. Không biết có phải nó hay là phố Canal ở New Orleans xưa nữa: nó chạy thẳng đến mép nước, dòng sông vô định và mênh mông, hệt như phố 42 ở New York, cũng thẳng đến mép nước và ta không bao giờ biết được mình ở đâu cả. Tôi nghĩ tới hồn ma của Ed Dunkel ở Quảng trường Thời Đại. Tôi bắt đầu mê sảng rồi. Tôi muốn quay lại nhìn trộm bà mẹ kỳ lạ hai trăm năm trước của mình trong quầy hàng đó. Tôi nổi da gà từ đầu đến chân. Dường như trong ký ức tôi có muôn vàn kỷ niệm về nước Anh năm 1750 và dường như giờ đây ở San Francisco này tôi chỉ đang chuyển sang sống một kiếp khác, trong một thân xác khác. “Không, đừng có quay lại để làm đau khổ thêm người mẹ lương thiện đang phải vất vả làm việc này nữa,” người phụ nữ với cặp mắt kinh hoàng ấy như nói với tôi. “Mày không còn là con của mẹ - và cả của bố, người chồng thứ nhất của mẹ. Kể từ lúc cái ông người Hy Lạp tốt bụng ấy thương đến mẹ.” (Chồng bà chủ hiệu là một người Hy Lạp có cánh tay lông lá.) “Mày chẳng được tích sự gì, rượu chè bê tha và cuối cùng còn đang tâm đến ăn cắp thành quả lao động của mẹ trong cửa hàng này. Ôi con trai! Sao không bao giờ mày chịu quỳ xuống xin tha thứ cho tất cả những tội lỗi và những trò vô lại của mình? Đứa con lầm lạc, mày cút đi! Đừng ám ảnh linh hồn mẹ nữa, mẹ đang dần quên mày rồi. Đừng có khoét sâu vào những vết thương cũ nữa, hãy làm như chưa từng bao giờ đến đây và nhìn thấy mẹ - hay công việc tầm thường nhặt nhạnh được vài đồng này - hãy cút đi, mày chỉ biết tọng đầy họng, nhanh tay vơ vét rồi biến, ôi thằng con khốn khổ vô tình ta rứt ruột đẻ ra. Con tôi! Con trai tôi!” Chuyện này lại làm tôi nhớ tới ảo ảnh Big Pop ở Graetna với Bull. Trong một thoáng, tôi đã đạt tới cực điểm cảm xúc mà bấy lâu tôi hằng ao ước, hoàn toàn bước qua ranh giới của thời gian vật chất sang vùng bóng tối phi thời gian, kinh ngạc trước sự lạnh lẽo của cõi hữu hạn, cảm giác như cái chết đang đuổi theo sát gót buộc mình tiến về phía trước, theo sát nó lại là một bóng ma khác, và chính tôi đang vội vàng chạy về nơi các thiên thần vỗ cánh bay vào khoảng không thiêng liêng vô cùng vô tận, nơi ánh sáng giác ngộ phi thường không sao lý giải nổi trong Bản thể Nhận thức chói lòa, biết bao cõi bình an mở ra trong ánh sáng diệu kỳ từ thiên đường rọi xuống. Tôi có thể nghe thấy tiếng gầm gào náo động không sao miêu tả nổi không những trong tai tôi mà còn ở khắp nơi và cứ mặc kệ những âm thanh đó. Tôi nhận ra là mình đã chết đi và sống lại đến ngàn lần nhưng không sao nhớ nổi chính xác bởi lẽ bước nối tiếp từ sự sống sang cái chết thật quá dễ dàng, chỉ là một phép thần của hư vô, chỉ như thiếp đi rồi lại đứng dậy đi lại hàng triệu lần, hoàn toàn bình thường và chẳng ai hay biết. Tôi nhận ra rằng nhờ tính ổn định của Nhận thức thực chất mà sự sống và cái chết mới diễn ra như làn sóng, như con gió lay động mặt nước hồ trong vắt, yên ả, phẳng lặng như gương. Tôi cảm thấy hạnh phúc ngọt ngào, ngây ngất như vừa tiêm vào động mạch chủ một mũi heroin; như sau một chầu rượu cuối chiều và bỗng thấy mình run rẩy. Chân tôi như có kiến đốt. Tôi nghĩ bụng có lẽ mình chết đến nơi rồi. Nhưng tôi không chết và lại cuốc bộ bốn dặm đường, nhặt được mười đầu mẩu thuốc lá mang về phòng của Marylou, nhét số thuốc còn sót lại trong đó vào tẩu rồi châm lửa hút. Tôi còn quá ít tuổi để biết chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ. Tôi ngửi thấy toàn bộ mùi thức ăn của San Francisco đang tràn qua cửa sổ. Gần đây có mấy hàng hải sản, có bánh sữa nóng giòn và cả lẵng đựng bánh dường như chén cũng được, đến cái thực đơn cũng ngấm đầy mùi thức ăn như thể được rưới đầy nước xuýt rồi cho vào lò nướng giòn. Cứ chỉ cho tôi món cá lam lấp lánh trên thực đơn hải sản là tôi sẽ chén liền; cứ cho tôi ngửi mùi bơ ngậy và càng tôm hùm mà xem. Lại có cả những nhà hàng chuyên món bít tết au jus* thái miếng dày, còn đỏ tươi, hoặc là món gà quay trộn sốt vang. Có những nơi bán hamburger còn xèo xèo trên lửa kèm tách cà phê giá chỉ có năm xu. Và, ôi, mùi mì xào bay đến từ khu phố Tàu cạnh tranh với hương spaghetti từ Bờ Bắc, mùi ghẹ bay thẳng đến từ cầu tàu ngư dân, mùi sườn trong lò quay từ phố Fillmore! Thêm vào đó là mùi hương món đậu ớt, ớt cay của khu phố Chợ, mùi khoai tây chiên trong trong đêm nát rượu trên khu Embarcadero, những con trai còn bốc hơi nghi ngút từ khu Sausalito bên kia vịnh, và đó là San Francisco huyền diệu trong giấc mơ tôi. Rồi sương mù, một màn sương mù gọi thêm cái đói. Ánh đèn nê ông nhấp nháy, tiếng gót giày cao cao của phụ nữ lộp cộp trên vỉa hè, những con chim câu trắng trong cửa kính một hàng tạp hóa Tàu...
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường