Hai Mươi Bốn
hưng này em! Mạch ta như trống nhỏ Đập theo mỗi bước ta đi, nói với em rằng ta tới.
GIÁM MỤC HENRY KING
Lãnh sự quán Mỹ ở Casablanca tọa lạc giữa đại lộ Moulay Youssess nhiều cây cối, một miếng đất nhỏ xíu nằm giữa khu phố Pháp thế kỷ mười chín hoành tráng, được xây nên để giúp cho những người thực dân mệt mỏi được thư giãn sau những ngày khó nhọc kiến thiết xây dựng hạ tầng.
Người Pháp tới Maroc để xây dựng đường xá, đường sắt, bệnh viện, trường học và tạo nên khiếu thời trang - tất cả những thứ một người Pháp bình dân cho là không thể thiếu trong một thế giới văn minh hiện đại - và khi đồng hồ điểm năm giờ, người Pháp nhìn lại các công việc của mình thì thấy họ đã làm việc tốt, họ cho rằng đương nhiên mình có quyền được sống như các vương gia. Thực ra là, trong một thời gian, họ đã sống như thế.
Nhưng khi bị nước láng giềng Algeria dộng nắm đấm vào mặt, người Pháp nhận ra rằng, đôi khi tốt hơn nên để cho đám dân xứ kia mong muốn nhiều hơn; bởi thế họ mở những cửa hàng Louis Vuitton, và đóng gói những chai nước thơm dùng sau khi cạo râu cùng những chai nước thơm khác của họ, và cả một chai khác nữa, cái chai để dưới bồn vệ sinh, cái chai mà, kiểm tra kỹ lại, hóa ra là chứa nước thơm sau cạo râu và bị lấy cắp lúc ban đêm.
Những người thừa kế các cung điện rộng lớn tường trát vữa mà người Pháp để lại này không phải là hoàng thân hay vua chúa hay các nhà công nghiệp triệu phú. Họ cũng không phải ca sĩ hộp đêm hay cầu thủ bóng đá hay bọn găng tơ hay ngôi sao truyền hình. Họ, thật đáng ngạc nhiên, là những nhà ngoại giao.
Tôi nói đáng ngạc nhiên, bởi vì điều đó ngày nay đã tiệt sạch. Tại mỗi thành phố, mỗi quốc gia trên thế giới, các nhà ngoại giao sống và làm việc trong những bất động sản có giá trị nhất và đáng mơ ước nhất có thể tìm thấy. Lâu đài, cung điện, biệt thự, nhà trăm gian, có công viên cho hươu dạo, bất cứ thứ gì và bất cứ lúc nào, các nhà ngoại giao hễ bước vào là nói “được, tôi nghĩ tôi có thể lấy chỗ này.”
Bernhard và tôi chỉnh thẳng cà vạt, kiểm tra lại đồng hồ, và bước lên những bậc thang dẫn tới cửa chính.
“Tôi có thể làm gì cho hai ông?”
Cái kẻ Gọi-Tôi-Là-Roger Buchanan kia khoảng non năm mươi, đã lên đến đỉnh cao nhất mà ông ta có thể leo được trong giới ngoại giao Mỹ. Casablanca là nơi nhậm chức cuối cùng của ông ta, ông ta đã ở đây được ba năm, và chắc chắn là ông ta thích nó. Những con người tuyệt vời, đất nước tuyệt vời, thức ăn hơi bị nhiều dầu mỡ, nhưng còn lại thì đúng là xuất sắc.
Dầu mỡ trong thức ăn dường như không làm cho Gọi- Tôi-Là-Roger chậm chạp đi nhiều lắm, bởi vì hẳn ông ta đẩy tạ ít nhất cũng được một tạ, so với chiều cao một mét bảy lăm thì như thế quả là cừ.
Bernhard và tôi nhìn nhau, lông mày nhướng lên, như thể ai trong chúng tôi nói trước cũng không quan trọng.
“Ông Buchanan,” tôi nói nghiêm trang, “như đồng nghiệp của tôi và tôi đã giải thích trong thư, chúng tôi sản xuất loại găng tay nhà bếp mà chúng tôi tin là tốt nhất Bắc Phi.”
Bernhard gật đầu, chậm rãi, tuồng như anh ta còn có thể nói thêm là tốt nhất thế giới, mà thế thì cũng không sao.
“Chúng tôi có trang thiết bị,” tôi tiếp tục, “ở Fez, Rabat, và chúng tôi sẽ mau chóng mở một nhà máy nữa ở ngay bên ngoài Marrakech. Sản phẩm của chúng tôi rất tốt. Chúng tôi đảm bảo điều đó. Có thể ông đã nghe về nó, có thể thậm chí ông đã sử dụng nó, nếu như ông thuộc kiểu người ta vẫn gọi là ‘Đàn ông lớp mới’.”
Tôi cười phá lên như thằng đần, và Bernhard cùng Roger cũng hòa theo. Đàn ông. Dùng găng tay nhà bếp. Đó là một điều tốt. Bernhard đã vào chuyện, anh ta ngồi trên ghế ngả người về phía trước, nói với một giọng Đức đáng kính buồn buồn.
“Quy mô sản xuất của chúng tôi,” anh ta nói, “giờ đây đã đạt đến điểm mà chúng tôi mong muốn có được giấy phép xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ. Và tôi nghĩ điều mà chúng tôi cần từ ngài là một sự giúp đỡ nho nhỏ qua các cơ cấu để chúng tôi có thể có mặt ở đó.”
Gọi-Tôi-Là-Roger gật đầu, đoạn viết gì đó xuống một miếng giấy. Tôi có thể thấy lá thư của chúng tôi nằm trên bàn trước mặt ông ta, và nhìn có vẻ như ông ta đã khoanh một vòng tròn quanh từ “cao su”. Tôi đã toan hỏi ông ta tại sao, nhưng đó không phải lúc.
“Roger này,” tôi nói và đứng dậy, “trước khi chúng ta thương thảo sâu hơn.”
Roger ngẩng lên khỏi tờ giấy.
“Xuống đại sảnh, cửa thứ hai bên tay phải.” “Cảm ơn,” tôi nói.
Nhà vệ sinh không có người, và có mùi dứa. Tôi cài cửa, kiểm tra đồng hồ, rồi trèo lên bệ xí và nhẹ nhàng mở cửa sổ.
Ở bên trái, một vòi phun nước đang phun những vòng cung duyên dáng về phía một trảng cỏ được chăm sóc kỹ. Một người đàn bà mặc áo in hoa đang đứng cạnh tường cắn móng tay, trong khi cách đó vài thước một con chó nhỏ đang ị. Ở góc xa, một người làm vườn mặc quần cộc và áo cộc tay màu vàng đang quỳ gối chăm sóc mấy bụi cây.
Ở bên phải, không có gì.
Thêm tường. Thêm cỏ. Thêm những luống hoa. Và một cây gai.
Tôi nhảy xuống khỏi bệ xí, nhìn đồng hồ lần nữa, mở chốt cửa và bước ra hành lang.
Trống trơn.
Tôi bước nhanh về phía cầu thang và nhảy xuống một cách vui vẻ, mỗi lần hai bậc, gõ vào tay vịn cầu thang theo một nhịp không rõ ràng. Tôi vượt qua một người mặc sơ mi mang theo một chồng giấy, nhưng tôi đã nói lớn “chào buổi sáng” trước khi anh ta kịp nói gì.
Xuống tầng một, tôi rẽ phải, thấy hành lang đã nhộn nhịp hơn.
Hai người đàn bà đang đứng ở giữa đường tôi đi xuống, đang mải nói chuyện, và một người đàn ông ở bên trái đang khóa hay mở cửa một văn phòng.
Tôi liếc đồng hồ và thả lỏng, cảm thấy như trong túi có một vật mà có lẽ tôi đã bỏ quên ở đâu đó, hoặc nếu không ở đó thì ở một chỗ khác, nhưng cũng có thể, có thể là tôi chưa từng có nó, nhưng nếu có, liệu tôi có nên quay lại tìm chăng? Tôi đứng ở hành lang, người đàn ông bên trái đã mở cửa xong và có vẻ như sắp hỏi xem tôi có bị lạc hay không.
Tôi rút tay ra khỏi túi và nhìn anh ta mà cười, giơ chùm chìa khóa lên.
“Thấy rồi”, tôi nói, và anh ta nhẹ gật đầu vẻ chần chừ khi tôi bước tiếp.
Một tiếng chuông vang lên từ phía cuối hành lang, tôi bèn tăng tốc lên một chút, chùm chìa khóa xủng xẻng trên tay phải. Cửa thang máy mở, và một chiếc xe đẩy thấp bắt đầu nhô ra khỏi hành lang.
Francisco và Hugo, mặc bộ đồ toàn xanh dương gọn ghẽ, cẩn thận đưa xe đẩy ra khỏi thang máy. Francisco đẩy xe, Hugo đỡ các thùng nước bằng cả hai tay. Thư giãn đi, tôi muốn nói với anh ta thế, trong khi đợi cho xe đẩy vượt lên trước mình. Chỉ là nước thôi mà, lạy Chúa. Anh đưa nó đi cứ như đưa vợ anh tới nhà hộ sinh ấy.
Francisco đi chậm, kiểm tra các con số trên cửa các văn phòng, thật sự là trông rất đạt, trong khi Hugo cứ quay đầu ngọ nguậy và liên tục liếm môi.
Tôi dừng lại ở một bảng tin mà xem xét. Tôi gỡ xuống ba mảnh giấy, hai trong số đó là về việc diễn tập phòng cháy, còn một cái là lời mời dự tiệc thịt nướng tại nhà Bob và Tina trưa Chủ nhật. Tôi đứng đó, đọc cứ như cần phải đọc mấy thứ này lắm, rồi lại nhìn đồng hồ.
Họ tới chậm.
Chậm bốn mươi lăm giây.
Tôi không thể nào tin được. Sau tất cả những thứ chúng tôi đã nhất trí, đã tập luyện, đã thề nguyền, đã luyện tập lại, những thằng cha chết giẫm này lại chậm.
“Vâng?” Một giọng nói cất lên. Năm mươi lăm giây.
Tôi nhìn xuống hành lang thì thấy Francisco và Hugo đã tới khu tiếp khách. Một người đàn bà ngồi ở bàn đang chằm chằm nhìn họ qua cặp kính cỡ bự.
Sáu mươi lăm giây khốn nạn.
“Salem alicoum,” Francisco nói, giọng nhẹ nhàng. “Alicoum Salem,” người phụ nữ đáp lại.
Bảy mươi.
Hugo đập tay vào nắp mấy cái bình nước, rồi quay lại nhìn tôi.
Tôi bắt đầu bước lên phía trước, được hai bước thì nghe thấy nó.
Nghe thấy và cảm thấy nó. Như một quả bom vậy.
Khi xem cảnh tông xe trên ti vi, anh sẽ nghe thấy một tiếng động được tạo bởi bộ lồng tiếng, và anh có thể cho rằng đó chính là nó, tiếng ô tô đâm nhau là như thế. Anh sẽ quên hoặc là, nếu có chút may mắn, anh sẽ không bao giờ biết có bao nhiêu năng lượng được giải phóng khi nửa tấn kim loại lao vào nửa tấn kim loại khác. Hoặc vào hông một tòa nhà. Một năng lượng cực lớn, đủ làm cho thân thể anh rung từ đầu tới chân, thậm chí cho dù anh đứng cách đó hàng trăm mét.
Còi chiếc Land Rover, bị kẹt do con dao của Cyrus đâm xuống, xiên vào khoảng không tĩnh lặng như tiếng rên la của một con vật. Và rồi nó nhanh chóng lắng xuống, bị ngập trong những tiếng mở cửa, tiếng ghế bị đẩy lùi ra sau, tiếng thân người chèn nhau ở lối ra vào - người nọ nhìn người kia rồi lại nhìn về phía hành lang.
Rồi tất cả đều cất tiếng, và hầu hết đều nói “Chúa ơi” và nguyền rủa, và “cái quái gì thế”, và đột nhiên tôi thấy cả chục cái lưng cuống cuồng chạy ra xa chúng tôi, vấp ngã, nhảy qua, trèo qua nhau để ra cầu thang.
“Theo bà chúng ta có nên xem không?” Francisco nói với người phụ nữ ngồi ở bàn.
Người đàn bà nhìn anh ta, rồi nheo mắt nhìn về hành lang. “Tôi không thể... anh biết đấy...” Bà ta nói, và dịch tay về phía chiếc điện thoại. Tôi không biết bà ta định gọi cho ai.
Francisco và tôi nhìn nhau trong khoảng một phần trăm giây.
“Liệu đó...” tôi bắt đầu, nhìn người đàn bà một cách lo lắng, “liệu đó có phải là tiếng bom?”
Bà ta đặt một tay lên điện thoại còn tay kia giơ ra phía trước, lòng bàn tay hướng ra cửa sổ, yêu cầu thế giới hãy dừng lại và chờ chút để bà ta lấy lại bình tĩnh.
Có tiếng hét ở đâu đó.
Ai đó đã thấy máu trên áo Benjamin, hoặc đã vấp ngã lộn nhào, hoặc chỉ là cảm thấy muốn hét, và điều đó khiến người đàn bà khuỵu xuống.
“Nó có thể là gì nhỉ?” Francisco nói, trong khi Hugo bắt đầu vòng quanh mép bàn của bà ta.
Lần này bà ta không nhìn anh ta.
“Họ bảo chúng ta cứ ở nguyên chỗ của mình,” bà ta nói, vẫn nhìn qua tôi về phía hành lang, “rồi người ta sẽ nói chúng ta phải làm gì.”
Trong khi bà ta nói, có tiếng kim loại kêu “cạch” và người đàn bà ngay lập tức biết có gì đó không ổn, rất không ổn; bởi vì có những tiếng “cạch” tốt và những tiếng “cạch” xấu, và tiếng này hiển nhiên là một trong những tiếng “cạch” tệ hại nhất.
Bà ta quay lại nhìn Hugo.
“Thưa bà,” anh ta nói, đôi mắt lấp lánh, “bà đã lỡ cơ hội rồi.”
Và chúng tôi ở đây.
Ngồi thoải mái, cảm thấy thích thú.
Chúng tôi đã kiểm soát tòa nhà trong vòng ba mươi lăm phút nãy giờ, và giờ đây nhìn lại, mọi thứ lẽ ra đã có thể tệ hơn rất nhiều.
Đội ngũ nhân viên người Maroc đã đi khỏi tầng trệt, còn Hugo cùng Cyrus đã quét sạch tầng hai và tầng ba từ đầu này tới đầu kia, lùa đàn ông đàn bà xuống cầu thang chính và ra phố với rất nhiều câu la lối “đi đi nào” và “đi nào” hoàn toàn không cần thiết.
Benjamin và Latifa gác ở lối ra vào, họ có thể di chuyển nhanh chóng từ mặt trước của tòa nhà ra mặt sau nếu cần thiết. Dù sao chúng tôi cũng biết họ sẽ không cần làm điều đó. Ít nhất là trong một lát nữa.
Cảnh sát đã xuất hiện. Đầu tiên là xe con, rồi sau xe jeep, và giờ là xe tải. Họ tản ra xung quanh trong những chiếc áo bó sát, đang thét lác, dịch chuyển những chiếc xe, và họ vẫn chưa quyết định xem nên đủng đỉnh bước ngang con phố hay hối hả băng qua phố đầu cúi thấp để tránh đạn bắn tỉa. Có thể họ thấy Bernhard ở trên mái nhà nhưng lại chưa biết anh ta là ai, hoặc anh ta đang làm gì trên đó.
Francisco và tôi đang ở trong văn phòng ông đại sứ.
Chúng tôi có tất cả tám tù nhân ở đây - năm đàn ông và ba phụ nữ, họ bị trói vào nhau theo cách của Bernhard, dùng rất nhiều còng tay của cảnh sát - và chúng tôi đã hỏi nếu ngồi xuống tấm thảm Kelim rất ấn tượng này thì liệu họ có thấy phiền không. Chúng tôi giải thích cho họ rằng nếu bất cứ ai trong số họ làm tấm thảm bị dịch chuyển thì sẽ có nguy cơ bị Francisco hoặc tôi bắn chết, với sự trợ giúp của một cặp tiểu liên bán tự động Steyr AUG mà chúng tôi đã rất khôn ngoan mang theo.
Ngoại lệ duy nhất chúng tôi dành cho ông đại sứ, vì chúng tôi không phải là súc vật - chúng tôi có ý thức về thứ bậc và nghi lễ, và chúng tôi không muốn một yếu nhân phải ngồi khoanh chân trên sàn - và dù sao, ông ta cũng cần phải nói điện thoại nữa.
Benjamin đã làm thủ thuật với hộp đấu điện thoại, và đã cam kết với chúng tôi rằng bất cứ cuộc gọi nào, tới bất cứ số nào trong tòa nhà này, đều đi qua phòng này.
Bởi thế ông James Beamon, người được chính thức bổ nhiệm làm đại diện của chính phủ Mỹ ở Casablanca, có quyền lực thứ hai trên đất Maroc chỉ sau ông đại sứ ở Rabat, giờ đang ngồi ở bàn mình, ngó chằm chằm Francisco với vẻ đánh giá rất chi bình thản.
Beamon, như chúng tôi đã điều nghiên kỹ càng, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông ta không phải là gã bán giày đã nghỉ hưu mà bạn có thể mong gặp ở chỗ như thế này
- một người đã tài trợ năm mươi triệu đô la cho quỹ vận động tranh cử của tổng thống, rồi được thưởng lại một cái bàn to và ba trăm bữa trưa miễn phí một năm. Beamon tuổi gần sáu mươi, cao và vạm vỡ, có một cái đầu rất nhanh nhạy. Ông ta sẽ xử lý tình huống này rất tốt và theo một cách thông minh.
Đó chính là điều chúng tôi muốn.
“Thế còn đi vệ sinh thì sao?” Beamon hỏi.
“Lần lượt từng người, cách nhau nửa tiếng,” Francisco nói. “Các vị tự bàn với nhau, và sẽ đi với một người bọn tôi, các vị sẽ không khóa cửa.” Francisco lại gần cửa sổ nhìn ra ngoài đường phố. Anh ta đưa ống nhòm lên mắt.
Tôi nhìn đồng hồ. Mười giờ bốn mốt.
Họ sẽ tới lúc bình minh, tôi tự nhủ. Những kẻ tấn công luôn làm kể từ khi người ta phát minh ra việc tấn công. Bình minh. Khi chúng tôi đã mệt mỏi, đói lả, chán nản và sợ hãi.
Họ sẽ tới lúc bình minh, và sẽ tới từ hướng Đông, khi mặt trời mới ló phía sau họ.
Lúc mười một giờ hai mươi, ngài lãnh sự có cuộc gọi đầu tiên.
Wafiq Hassan, Thanh tra Sở Cảnh sát, tự giới thiệu với Francisco, rồi chào Beamon. Không có gì nhiều để nói về ông ta, ngoại trừ việc ông ta mong muốn rằng tất cả mọi người sẽ hành động đúng mực, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. Sau đó, Francisco thuật lại rằng ông ta nói tiếng Anh rất khá, và Beamon kể cách đây hai hôm ông ta đã tới nhà Hassan ăn tối. Hai người đã nói chuyện với nhau về sự yên tĩnh của Casablanca.
Lúc mười một giờ bốn mươi là cánh báo chí. Xin lỗi đã làm phiền chúng tôi, tất nhiên rồi, nhưng chúng tôi có gì để tuyên bố? Francisco đánh vần tên anh ta, hai lần, và nói chúng tôi sẽ đưa bản tuyên bố viết tay tới một đại diện của CNN, ngay khi họ tới đây.
Lúc mười hai giờ kém năm, chuông điện thoại lại reo lên. Beamon trả lời điện thoại và bảo rằng mình không thể nói vào lúc này, có lẽ nên gọi lại ngày mai, hoặc có thể ngày kia. Francisco lấy ống nghe từ tay ông ta và lắng nghe một chút, rồi phá ra cười vì người khách từ Bắc Carolina tới kia muốn biết liệu lãnh sự quán có thể đảm bảo có nước uống ở khách sạn Regency không.
Ngay cả Beamon cũng cười vì chuyện đó.
Hai giờ mười lăm, họ mang đồ ăn tới cho chúng tôi. Thịt cừu hầm rau, cùng một xoong lớn bột mì nấu với nước thịt. Benjamin ra lấy đồ ăn ở bậc thềm trước, trong khi Latifa bồn chồn vung vẩy khẩu Uzi ở lối ra vào.
Cyrus tìm ra vài cái đĩa giấy đâu đó, nhưng không có thìa nĩa, bởi thế chúng tôi cứ ngồi xuống đợi cho thức ăn nguội đoạn thò tay bốc.
Có thể thấy là rất thú vị.
Ba giờ mười, chúng tôi nghe tiếng những chiếc xe tải bắt đầu chuyển động, và Francisco chạy tới cửa sổ.
Hai chúng tôi quan sát các tay lái xe cảnh sát rú ga, để số thấp, lái tiến lái lui trong những cú cua ăn mười điểm.
“Tại sao họ lại di chuyển?” Francisco hỏi, nheo mắt nhìn vào ống nhòm.
Tôi nhún vai.
“Cảnh sát giao thông à?” Anh ta nhìn tôi giận dữ.
“Mẹ kiếp, tôi không biết,” tôi nói. “Chắc họ làm cái gì đó. Có thể họ cần tạo ra một chút tiếng động trong khi đào hầm. Chúng ta chẳng thể làm gì được đâu”
Francisco cắn môi trong một giây, rồi lui về bàn. Anh ta cầm ống nghe lên quay số ở sảnh. Hẳn Latifa đang trả lời.
“Lat, tư thế sẵn sàng,” Francisco nói. “Nếu nghe thấy gì, nhìn thấy gì, gọi tôi ngay.”
Anh ta dập ống nghe xuống, có phần quá mạnh.
Anh sẽ không thể nào điềm tĩnh như khi giả vờ được, tôi nghĩ.
Tới bốn giờ chiếc điện thoại đã bắt đầu trở nên rất bận rộn, những người Maroc và người Mỹ gọi tới cứ năm phút một lần, luôn luôn yêu cầu được nói chuyện với một người khác chứ không phải người đang trả lời điện thoại.
Francisco quyết định đã đến lúc hoán đổi giữa chúng tôi, thế nên anh ta gọi Cyrus và Benjamin tới tầng một, còn tôi xuống cùng với Latifa.
Cô đang đứng ở giữa đại sảnh, mắt chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ và nhảy từ chân này sang chân kia, lẳng em Uzi từ tay này sang tay nọ.
“Có chuyện gì thế?” Tôi hỏi. “Có muốn đi tiểu không?”
Cô nhìn tôi gật đầu, thế là tôi bảo cô cứ đi giải quyết đi, và đừng có lo lắng quá thế.
“Mặt trời đang lặn,” Latifa nói, khoảng nửa bao thuốc sau đó.
Tôi nhìn đồng hồ, rồi nhìn ra ngoài cửa sổ phía sau, và quả nhiên, mặt trời lặn, đêm tối đang lên.
“Đúng thế,” tôi nói.
Latifa bắt đầu chỉnh lại mái tóc qua ánh phản chiếu từ tấm kính cửa sổ ở bàn lễ tân.
“Tôi ra ngoài một lúc đây,” tôi nói.
Cô nhìn quanh, hoảng hốt.
“Gì cơ? Anh điên sao?”
“Tôi chỉ muốn ra xem sao thôi.”
“Xem cái gì?” Latifa nói, và tôi thấy cô đang điên tiết với tôi, cứ như tôi đang bỏ rơi cô thật. “Bernhard đang ở trên mái nhà, anh ta có thể nhìn rõ hơn bất cứ ai. Anh muốn ra ngoài vì cái gì?”
Tôi nghiến răng một lúc, và kiểm tra lại đồng hồ lần nữa.
“Cái cây đó làm tôi lo ngại,” tôi nói.
“Anh muốn nhìn cái cây chết giẫm đó à?” Latifa hỏi.
“Mấy cái cành ngả qua tường. Tôi chỉ muốn tới xem sao.”
Cô bước tới bên tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Cái vòi nước vẫn đang phun.
“Cái cây nào?”
“Cái cây đó,” tôi nói. “Cái cây có gai đó.”
Năm giờ mười.
Mặt trời đã lặn một nửa.
Latifa đang ngồi ở chân cầu thang chính, cọ cọ ủng vào sàn đá cẩm thạch và nghịch khẩu Uzi.
Tôi nhìn cô mà nghĩ, hiển nhiên rồi, về lần làm tình của chúng tôi - nhưng cũng về cả những tiếng cười, những sự thất vọng, và về món mì ống. Đôi khi Latifa có thể nổi điên.
Cô cũng rối trí và tuyệt vọng theo nhiều cách nhưng cũng rất tuyệt vời.
“Sẽ ổn thôi mà,” tôi nói.
Cô ngẩng đầu lên nhìn lại tôi.
Tôi tự hỏi liệu cô có đang nhớ những điều đó chăng.
“Ai đã nói là không ổn nào?” Cô nói, vuốt vuốt tóc, kéo một món xuống mặt để che không cho tôi thấy.
Tôi cười to.
“Ricky,” Cyrus nghiêng người qua lan can tầng một gọi.
“Gì?” Tôi hỏi.
“Lên đây. Cisco gọi anh.”
Các con tin lúc này đang ngồi rải ra trên thảm, đầu gục vào lòng, lưng tựa vào nhau. Kỷ luật đã được nới lỏng đủ làm cho vài người có thể duỗi chân ra ngoài thảm. Ba bốn người đang hát bài “Dòng sông thiên nga” bằng giọng nho nhỏ, hơi rụt rè.
“Gì thế?” Tôi nói.
Francisco ra hiệu về phía Beamon, ông này cầm ống nghe chìa cho tôi. Tôi cau mày phẩy tay, làm như vợ tôi gọi và lẽ ra tôi cần phải ở nhà từ nửa giờ trước kia. Nhưng Beamon vẫn cứ chìa ống nghe ra.
“Họ biết anh là người Mỹ,” ông ta nói.
Tôi nhún vai kiểu “thế thì sao”.
“Nói với họ đi, Ricky,” Francisco nói. “Sao lại không?”
Bởi thế tôi lại nhún vai, vẻ sưng sỉa, Chúa ơi, lãng phí thời giờ quá, và thong thả đi lại phía bàn. Beamon trừng trừng nhìn khi tôi cầm lấy ống nghe.
“Thằng Mỹ khốn kiếp,” ông ta thì thầm.
“Liếm mông tôi đây này,” tôi nói, và đặt ống nghe lên tai.
“Gì thế?” Có một tiếng cạch và một tiếng vo vo, rồi lại một tiếng cạch.
“Lang,” giọng kia cất lên.
Đây rồi, tôi nghĩ.
“Vâng,” Ricky đáp.
“Xin chào!”
Đó là giọng của Russell P. Barnes, thằng khốn của chốn này, và dù phải qua tiếng nhiễu xì xèo, giọng hắn vẫn đầy vẻ tự mãn.
“Ông muốn cái c... gì?” Ricky hỏi.
“Vẫy tay này, Thomas,” Barnes nói.
Tôi ra hiệu cho Francisco đưa ống nhòm, anh ta liền với qua bàn đưa nó cho tôi. Tôi bước lại phía cửa sổ.
“Ông hãy nhìn về phía bên trái,” Barnes nói.
Thực tình tôi không muốn.
Ở một góc tòa nhà, trong một chiến lũy dựng bằng xe jeep và xe bọc thép, có một lũ người lúc nhúc đứng đó. Một vài mặc đồng phục, một số khác thì không.
Tôi nhấc ống nhòm lên thì thấy cây cối và nhà cửa nhảy nhót trong cỡ kính phóng đại, rồi Barnes vụt qua trong ống kính. Tôi quay lại, vẫn giữ vững ống nhòm, thì hắn đã ở đó, tai nghe điện thoại, ống nhòm để trên mắt. Đúng là hắn đang vẫy tay.
Tôi kiểm tra số người còn lại của nhóm đó, nhưng không thấy một cái quần sọc xám nào.
“Gọi để chào thôi Tom,” Barnes nói.
“Được rồi,” Ricky nói.
Đường truyền kêu lách tách trong khi chúng tôi đợi nhau nói. Tôi biết tôi có thể đợi lâu hơn so với hắn ta.
“Thế, Tom,” cuối cùng Barnes nói, “khi nào thì ông định ra khỏi đó?”
Tôi rời mắt khỏi ống nhòm, liếc về phía Francisco, Beamon và những con tin. Tôi nhìn họ mà nghĩ về những người khác.
“Chúng tôi sẽ không ra đâu,” Ricky nói, và Francisco gật đầu chậm rãi.
Tôi nhìn qua ống nhòm thì thấy Barnes đang cười to. Tôi không nghe thấy, bởi vì hắn đã đưa ống nghe ra xa khỏi mặt mình, nhưng tôi thấy hắn ngửa đầu ra phía sau và nhe răng ra. Rồi hắn quay lại phía đám người của mình mà nói gì đó, và vài người trong số họ cũng cười phá lên.
“Chắc chắn rồi, Tom. Khi nào ông...”
“Nói thật đấy,” Ricky nói, và Barnes vẫn tiếp tục cười. “Bất kể ông là ai, ông sẽ không đạt được thứ ông định làm đâu.”
Barnes lắc đầu, thưởng thức màn trình diễn của tôi.
“Có thể ông là người thông minh,” tôi nói, và nhìn hắn gật đầu. “Có thể ông là người có giáo dục. Thậm chí có thể ông đã tốt nghiệp đại học.”
Nụ cười tắt dần trên gương mặt Barnes. Tuyệt.
“Nhưng việc ông đang cố làm sẽ không tới đâu cả.” Hắn thả ống nhòm xuống và trừng mắt nhìn. Không phải bởi hắn muốn nhìn tôi, mà là bởi hắn muốn tôi nhìn thấy hắn. Mặt hắn lạnh như đá. “Hãy tin tôi, thưa ông Sau Đại Học,” tôi nói.
Hắn đứng im như phỗng, mắt phóng tia laze xẹt qua khoảng cách hai trăm mét giữa chúng tôi. Rồi tôi nhìn thấy hắn hét cái gì đó, đặt lại ống nghe vào tai.
“Nghe này, đồ khốn, tôi không quan tâm ông có ra hay không. Và nếu như ông có ra đi nữa, tôi không quan tâm ông tự đi ra hay là đi ra trong một cái túi cao su lớn hoặc trong rất nhiều túi cao su nhỏ. Nhưng tôi cảnh cáo ông, Lang...” Hắn ấn cái điện thoại chặt hơn vào miệng, và tôi nghe thấy cả tiếng nước bọt từ họng hắn bắn ra. “Đừng có phá bĩnh sự tiến bộ. Có hiểu không? Ông không được phép cản trở nó.”
“Chắc chắn rồi,” Ricky nói.
“Chắc chắn thế,” Barnes nói.
Tôi thấy hắn nhìn sang một bên và gật đầu.
“Nhìn sang bên phải xem, Lang. Chiếc Toyota màu xanh dương ấy.”
Tôi làm như hắn bảo, và một chiếc kính chắn gió trượt qua ống nhòm. Tôi nhìn vào đó.
Naimh Murdah và Sarah Woolf, ngồi cạnh nhau ở bang trước chiếc Toyota, đang uống thứ gì đó nóng đựng trong cốc vại bằng nhựa.
Đang chờ quả giao bóng trận chung kết. Sarah đang nhìn xuống một thứ gì hoặc không nhìn gì cả còn Murdah đang xem lại mình trong gương chiếu hậu. Ông ta dường như không bận tâm mình đang nhìn thứ gì.
“Tiến bộ, Lang,” giọng Barnes nói. “Tiến bộ là tốt cho tất cả mọi người.”
Hắn dừng và tôi lại lướt ống nhòm về bên trái, vừa kịp thấy hắn mỉm cười.
“Này,” tôi nói, bỏ một nhúm lo lắng vào giọng mình, “để tôi nói chuyện với cô ấy, được không?”
Qua khóe mắt, tôi thấy Francisco thẳng người ra trên ghế. Tôi phải ứng phó với anh ta, giữ cho anh ta tin tôi, bởi vậy tôi giữ cái ống nghe ra xa khỏi mặt mình và quay lại nhăn nhở, vẻ bối rối.
“Mẹ tôi,” tôi nói. “Bà lo lắng về tôi.”
Cả hai chúng tôi cùng cười một chút vì điều đó.
Tôi lại nheo mắt nhìn vào ống nhòm, thấy Barnes giờ đang đứng cạnh chiếc Toyota. Bên trong xe, Sarah đang cầm điện thoại trước miệng, và Murdah đã quay lại nhìn cô.
“Thomas ơi,” cô nói. Giọng cô nhỏ và gượng gạo.
“Chào,” tôi nói.
Ngập ngừng một chút, trong khi chúng tôi trao đổi một hai ý nghĩ thú vị qua đường dây đang xèo xèo, và rồi cô nói, “Em đợi anh.”
Đó là điều tôi muốn nghe.
Murdah nói gì đó tôi không nghe được, rồi Barnes với tay qua cửa sổ lấy điện thoại từ tay Sarah.
“Không có thời gian cho tất cả, Tom. Ông có thể nói tất cả những gì ông muốn, khi ông đã ra khỏi đó.” Hắn cười. “Thế, ông có muốn chia sẻ ý nghĩ gì lúc này không Thomas? Có thể là một từ? Một từ nhỏ bé, như là ‘có’ hay ‘không’?”
Tôi đứng đó, nhìn Barnes đang nhìn mình, và tôi chờ lâu hết sức. Tôi muốn hắn cảm nhận được quyết tâm của tôi lớn lao chừng nào. Sarah đang chờ tôi.
Cầu Chúa, chuyện này phải thành công.
“Có,” tôi đáp.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm