Chương 25: Ca Mô
ôm nay cũng như mọi ngày, cha tôi xem chương trình Planète. Trên màn ảnh, mưa đổ xuống những cánh đồng lúa, triền miên, như tuyết trong các quả cầu thủy tinh vẫn bán ngoài chợ. Cha không bao giờ kể về cái chết thê thảm của ông nội tôi. Mẹ tôi chỉ biết rằng ông nội qua đời trong khi bị mổ lá lách. Cha tôi đã sắp xếp tất cả vì cha quen bác sĩ trưởng. Vào thời điểm đó, cha gần như đã học xong, hẳn đang là bác sĩ nội trú. Tôi hình dung cha trấn an ông nội tôi: “Sẽ không có vấn đề gì đâu, đây chỉ là một ca mổ vô hại, hơn nữa con đã nói với sếp của con, ông ấy sẽ đích thân chăm sóc thầy”.
Tôi hình dung cha dẫn ông nội dạo chơi Paris, du thuyền sông Seine, tháp Eiffel, các đại lộ trung tâm: “Thầy có thấy hiện đại không, đèn đường, cầu thang cuốn, tàu điện ngầm, thật tuyệt vời, đúng không, nước Pháp rất đẹp, thầy không thấy thế sao?”. Cha tôi cảm thấy tự hào. Cha thấy mình có lý là đã bỏ Sài Gòn sang đây. Cha, đứa con di dân, đã thực hiện giấc mơ về thanh quế! Cha sắp trở thành bác sĩ ở Pháp! Ông nội tôi, ngơ ngác, không nói năng gì. Ông chạy lon ton đằng sau con trai. Tất cả đều quá lớn với ông, quá nhiều người Pháp, quá nhiều xe hơi.
Ngày mổ đã đến, cha tôi lại trấn an ông nội, ông đang lo thắt ruột trước ý nghĩ phải vào bệnh viện và bị vây quanh bởi một đám người không cùng ngôn ngữ với mình. Rồi ông lên bàn mổ. Cha tôi đợi trong hành lang. Cha ngồi, châm một điếu thuốc, một điếu Gitanes, cha chỉ hút loại Gitanes xanh lơ. Tất cả đều ổn, nhưng rất nhanh, tình hình trở nên xấu. Các y tá chớp mắt liên tục, mồ hôi chảy ròng trên trán, phòng mổ căng thẳng, không khí như có điện, các động tác bồn chồn, giật cục. Những giọng nói gấp rút. Mùi của lo sợ bốc lên. Bác sĩ giải phẫu lo lắng. Ông ấy không hiểu tại sao. Ông ấy cáu kỉnh và hoảng hốt. Ông ấy làm lại. Ca mổ diễn ra không như dự định. Ðiện tâm đồ loạn nhịp. Những giọng nói rú rít, các động tác xô đẩy, phòng chật ních người, bờ-lu trắng xúm xít như một tổ ong bu quanh bệnh nhân, ai cũng sôi sục. Hồi sức. Adrénaline. 1, 2, 3, đẩy nào. Xoa bóp. 1, 2, 3. Xoa bóp. Rồi bản án tử hình rơi xuống: “Thôi khỏi, chẳng có tác dụng gì nữa đâu!”.
Ca mổ quả là dài, cha tôi tự nhủ, cha không nhìn thấy những tà áo bờ-lu trắng chạy tiếp sức trong phòng mổ. Hoặc là nhìn mà không thấy, đó là nếp của bệnh viện, cái nếp cha biết quá rõ.
Cuối cùng cha thấy bác sĩ giải phẫu lại gần đề nghị cha theo vào văn phòng. Vẻ mặt u ám, ông ta nói: “Anh ngồi xuống”. Cha thi hành. Giọng ông ta nghiêm lại, như vẫn để thông báo những tin xấu. Ông ta cố vòng vo, chợt dừng lại, nhớ ra rằng đứng trước mặt mình là một đồng nghiệp, nhưng đâu quan trọng, ông ta tiếp tục phỉnh phờ thuyết phục, theo thói quen, như thế đơn giản hơn, đồng nghiệp thì cũng thế thôi, một người bệnh kiệt quệ: người ta luôn như thế khi bất hạnh đổ ụp xuống đầu.
Cha đứng dậy. “Thật đáng tiếc, anh bạn, tôi thành thực chia buồn”, ông ta nói. “Cám ơn”, cha tôi lịch sự trả lời, từ ngày sang Pháp, cha có thói quen lúc nào cũng cám ơn. Cha không phản đối, không kêu la, không lên án ai: cha không phải loại người như thế. Cả đời cha, cha chưa gây chuyện ồn ào bao giờ. Khi xếp hàng, cha luôn bị vượt. Một người hiền lành, không có khả năng nghi ngờ ngay cả bọn lừa đảo trắng trợn, hay bắt những bọn to mồm phải câm miệng.
Ở đây, trong bệnh viện này, tôi hiểu cảm giác của cha. Cái chết quả là tầm phào trong sự lặp đi lặp lại, bỉ ổi và bất công của nó. Bỗng nhiên, thế giới trở nên tồi tệ và xô sang một chiều khác. Tất cả đều như trước, ấy thế mà tất cả đều đã khác. Một phương trình mà chỉ một biến số là đã thay đổi.
Cha tôi giãy giụa, cầm tù trong cơn ác mộng mà cha không sao thoát được. Cha nghẹt thở. Nỗi sợ khoan vào bụng cha, dạ dày thắt nút lại, cha cảm thấy nỗi đau đang ở kia, phập phồng ở tận đáy, với sự đều đặn của một máy đo nhịp. Phải hít thở. Cha ra ngoài và bước trên hành lang. Một cơn ho bóp nghẹt lấy cha, như một cái máy, cha rút chai xịt Ventoline. Cha hối hả hít. Nhưng cha vẫn ngạt, ngực cha như bị ê-tô kẹp cứng, không tài nào thở được.
Cha ngập đầu vào công việc chuẩn bị. Tổ chức chuyển xác về nước. Báo cho mẹ đẻ và các chị em gái ở Việt Nam. Kể cho họ về ca mổ không trôi chảy như dự định. Và càng kể, cha càng thấy khó hiểu. Cha bị cứng họng. Cảm giác tội lỗi gặm nhấm cha. Hàng loạt những “giá mà” nhảy nhót trong đầu khiến cha đau khổ. Giá mà cha không sang Pháp, giá mà cha không sắp xếp ca mổ này, giá mà cha chọn một bệnh viện khác, giá mà ở phút cuối cha từ chối. Từ đáy lòng, cha tin rằng đây không phải là một tai nạn, cha đã giết cha đẻ của mình.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng