25. -
rần Nghiêm đi qua phòng giám đốc Phú Hoàng. Anh đến đặt lá đơn xuống bàn, rồi ngồi xuống trước mặt ông:
- Cái này để chú giải quyết.
Giám đốc cầm tờ đơn, rồi nhíu mày:
- Cô ta lại muốn cái gì nữa đây? Giải quyết như vậy vẫn không chịu à?
Trần Nghiêm lắc đầu:
- Cô ta đưa đơn này lúc còn đang phân xử. Bây giờ vẫn không thấy rút lại, nên con để chú giải quyết.
- Cô bé này xốc nỗi thật, chưa biết chuyện ra sao mà đã đùng đùng đòi nghỉ. Cậu nói chuyện với cô ta chưa?
- Dạ chưa.
- Có nghĩa là bây giờ cô ta vẫn muốn nghỉ?
Trần Nghiêm trầm ngâm:
- Không biết cô ta đang nghĩ gì, đây là lần thứ ba cô ta muốn bỏ việc.
- Thế cô ta tưởng ở đây là khu giải trí sao? không biết chịu đựng là gì cả. Ông bà ấy cưng con gái quá đáng. Cuối cùng con bé muốn gì đuợc nấy.
Trần Nghiêm cười mỉm:
- Thật ra, cô ta cũng có lúc biết chịu đựng. Nhưng đó chỉ là khi cô ta thích. Còn cái gì không thích thì đòi bỏ.
- Không thể thao túng như vậy được.
- Chú có ý định để cô ta nghỉ không?
- Con bé giỏi đấy chứ. Lại trung trực, thẳng tính. Dễ gì tìm một người như vậy.
Thấy Trần Nghiêm có vẻ suy nghĩ, ông nhìn anh như dò hỏi:
- Cậu có muốn cho cô ta nghỉ không?
- Chuyện này để chú giải quyết, con không có ý kiến.
- Không được. Dù sao cậu cũng phải có ý kiến nào đó chứ.
Giọng Trần Nghiêm chậm rãi:
- Cô ta có năng lực, nhưng tính nết ngang bướng quá. Nếu như cô ta vấp váp vài lần, có lẽ sẽ biết phục tùng hơn.
- Nhưng ý cậu thế nào? Tại sao cậu không đứng ra giải quyết mà lại để tôi?
- Mấy lần trước, thấy chú muốn giữ cô ta lại, nên con không thể có thái độ dứt khoát.
Giám đốc Phú Hoàng lại cười:
- Tôi không hiểu tại sao cậu lại có thành kiến với cô ta thế? Cô ta chỉ có tội nhõng nhẽo một chút, nhưng con gái mà, bỏ qua đi, mà tính cậu cũng không đến nỗi hẹp hòi phải không?
- Con không quan tâm về cá tính của cô ta.
Gaím đốc Hoàng cười lớn:
- Cậu không nói thật rồi. Cậu luôn kín đáo trong cách cư xử với mọi người. Tôi biết đời nào cậu chịu nói cậu nghĩ gì về cô ta. Nhưng thôi, coi như cậu thật sự không có ý kiến, tôi sẽ làm việc với cô ta vậy.
Ông vừa nói hết câu, thì cũng vừa lúc tiếng gõ cửa vang lên. Cả hai đều nhìn ra, rồi giám đốc lên tiếng:
- Cứ vào đi.
Quý Phi bước vào, cô hơi khựng người lại một chút khi thấy Trần Nghiêm trong phòng. Giám đốc Phú Hoàng lên tiếng ngay:
- A, cô đây rồi. Hay thật. Tôi cũng đang định gọi cô lên đấy. Sao, tìm tôi có chuyện gì đây?
- Dạ, ba con nói là chiều nay mời bác đến nhà con. Có chú Tính vào, chú ấy sẽ ở lại nhà con một tuần.
- À, vậy à? Tất nhiên là bác sẽ qua rồi.
- Dạ.
Thấy cô chào định đi ra, ông khoát tay cản lại:
- Cô ngồi xuống đây đi, có chuyện phải giải quyết đấy.
- Dạ.
- Ngồi xuống đi. Tôi cần trao đổi với cô một chút.
Quý Phi lưỡng lự một chút, rồi đến ngồi xuống chiếc ghế trước bàn. Vô tình đối diện với Trần Nghiêm, cô hơi lúng túng ngó chỗ khác. Rồi lấy lại vẻ tự nhiên, cô quay lại nhìn giám đốc như chờ nghe.
Giám đốc nhìn cô hơi lâu. Thấy cái nhìn vô tư của cô, ông mỉm cười và hởi bất ngờ.
- Tại sao cô muốn nghỉ làm?
Trong một phút bất ngờ, Quý Phi quên bẵng chuyện lá đơn lúc trước, cô lắc đầu ngơ ngác:
- Dạ, con đâu có xin nghỉ.
- Sao, không nhớ việc làm của mình nữa à? – Ông giám đốc nhướng mắt.
Trần Nghiêm cũng lên tiếng:
- Hình như cô không xem trọng bất cứ cái gì cả. Sao vậy?
Giám đốc chìa lá đơn ra:
- Cái này có phải cô viết hay không?
Quý Phi đã nhớ ra, cô liếm môi, hơi ngượng:
- Dạ.
- Viết ở đâu?
Quý Phi không để ý cách hỏi ẩn ý của giám đốc, cô nói thật tình:
- Dạ, ở phòng nghỉ.
- Lúc nào?
- Lúc bị phó giám đốc đuổi ạ.
Nói xong câu đó, cô hơi liếc qua Trần Nghiêm. Anh nhướng mắt một cái nhưng không nói gì. Còn giám đốc thì hắng giọng, cau mày:
- Cậu ấy đuổi việc cô à? Có chuyện đó nữa sao?
Quý Phi liếm môi, bối rối:
- Dạ không phải đuổi việc, chỉ đuổi ra khỏi phòng.
- Và cô đã đùng đùng đi kiếm chỗ viết đơn?
- Dạ, tại lúc đó phó giám đốc không nói rõ, chỉ dùng quyền lực bắt con đi ra. Và không hề hỏi con sự thật thế nào.
- Vậy rồi cô lập tức xin nghỉ?
Quý Phi lí nhí:
- Như thế con phải tức chứ.
Gaím đốc lắc đầu:
- Cô thật là trẻ con, cái gì không vừa ý thì bỏ. Thế nếu qua chỗ khác, gặp chuyện gì tức, cô lại tìm chỗ khác nữa phải không?
- Con nghĩ, không đến nỗi như vậy đâu.
- Hừm! Cô thật là trẻ con.
Quý Phi rất ghét bị ai cho mình là trẻ con, xốc nổi hoặc lanh chanh. Nhưng vì giám đốc nói nên cô không dám phản ứng. Thế là cô ngồi im. Nhưng không hề nhận lỗi.
Nhìn cái môi khẽ cong lên của cô, dấu hiệu bất mãn thầm, giám đốc phớt lờ nói tiếp:
- Bây giờ cô còn bất mãn chuyện gì nữa?
- Dạ, không bất mãn chuyện gì cả.
- Vậy cô còn định nghỉ nữa không?
Quý Phi chần chừ một lúc rồi nói nhỏ:
- Dạ, tùy bác.
- Tùy là sao?
- Đơn nộp rồi, nên rút ra thì bác lại bảo con bộp chộp, nay thế này, mai thế khác, nên con để tùy ban giám đốc quyết định.
- Vậy nếu bác giải quyết cho cô nghỉ, thì cô cũng không có ý kiến gì chứ?
Quý Phi khẽ thở dài:
- Không đâu ạ.
Giám đốc nghiêm giọng:
- Cô tưởng chỗ làm việc là nhà hát đấy chắc. Và cô cho là mấy công ty khác, mọi người đều hòa bình làm việc với nhau đấy chắc? Cô nghĩ vậy phải không?
Quý Phi liếm môi:
- Con không nghĩ gì cả, con chưa khi nào hình dung mấy chỗ khác ra sao hết.
- Cũng không có gì lạ. Cô chưa từng long đong xin việc mà. Nếu gặp cảnh như vậy, cô sẽ hiểu có chỗ làm là quan trọng ra sao. Đặc biệt là chỗ làm tốt như ở đây.
- Vâng.
- Và tôi muốn đây là lần cuối cùng tôi nhận đơn từ của cô. Ba cô đã gởi cô vào đây làm, cô nghĩ thì tôi nói năng thế nào với ông ấy đây. Cô nhận lại đơn đi.
Vừa nói, ông vừa đẩy nó về phía Quý Phi. Cô cầm lên cuộn tròn nó trong tay. Và ngần ngừ định đứng lên, nhưng ông lại nói tiếp:
- Còn điều này nữa.
- Dạ.
- Mai mốt nếu xảy ra mâu thuẫn với ai đó, cô hãy bớt nóng nảy lại, trầm tính mà giải quyết. Đừng có động tay động chân như thế. Cô mà là võ sĩ thì nhân viên ở đây chết hết.
Quý Phi phản đối:
- Đâu phải ai cũng gây hấn, và con cũng không thích làm phiền ai, với điều kiện họ đừng …
Giám đốc khoát tay:
- Biết, biết rồi. Tôi chỉ nhắc cô nên dịu dàng một chút thôi,cô gái ạ.
- Vâng.
- Cô là người nhiều vấn đề nhất trong công ty đó, biết không?
- Dạ biết.
Rất nhiều người nói với Quý Phi như vậy. Nhưng cách nói của ông là nhẹ nhàng nhất. Mặc dù vậy, Quý Phi vẫn thấy khó chịu. Không phải khó chịu ông, mà là không muốn bị nhắc lại thành tích kỳ cục của mình.
Giám đốc tiếp tục nói như răn đe:
- Nếu lần sau cô còn gây thêm chuyện nổi sóng, tôi sẽ có biện pháp với cô đấy.
- Vâng.
Ông định nói tiếp, nhưng chuông điện thoại chợt reo trên bàn làm ông phải gác câu chuyện và cầm máy lên.
không ai bảo ai, Trần Nghiêm và Quý Phi cùng đứng lên đi ra ngoài.
Ra đến hành lang, Quý Phi lên tiếng:
- Tôi vẫn ở lại làm, anh có khó chịu không?
Trần Nghiêm đứng hẳn lại:
- Tại sao tôi phải khó chịu?
- Vì anh từng muốn tôi nghỉ. Và bây giờ anh cũng không ưa sự có mặt của tôi.
- Tôi đã biểu tượng như vậy sao?
- Chắc chắn là như vậy.
Trần Nghiêm lại tiếp tục đi. Bắt buộc cô phải đi theo.
- Tôi muốn biết tại sao hôm đó anh đuổi tôi ra ngoài?
- Tôi yêu cầu chứ không phải đuổi.
- Nói cách nào cũng vậy thôi. Nhưng tại sao anh không cho tôi ở lại chứ? Cứ như là xử ép tôi vậy. Tôi không còn như lúc truớc nữa đâu, đã thay đổi rồi.
Trần Nghiêm nhếch môi:
- Trên thực tế, cô không hề thay đổi gì cả.
- Sao cơ?
- Cô hãy tập dừng lại, nhìn vào mình và suy nghĩ, đừng lao theo những biểu hiện bề ngoài của người khác, như vậy cô sẽ đỡ vấp váp hơn.
Quý Phi vừa đi vừa cau trán suy nghĩ:
- Anh nói thế là sao?
Thấy Trần Nghiêm im lặng, cô hấp tấp kéo tay anh đứng lại:
- Anh phải giải thích rõ tôi mới chịu.
Trần Nghiêm không trả lời, chỉ nhìn xuống tay mình.
Quý Phi quê quá, vội buông ra:
- Xin lỗi.
Rồi cô lập tức nói tiếp:
- Nhưng tôi vẫn còn tức lắm, tôi tức tại sao anh đuổi tôi ra? Tôi có quyền tra hỏi anh ta kia mà.
Trần Nghiêm lãnh đạm nhìn cô:
- Nếu cô cứ tra hỏi kiểu đó, nhất là trước mặt tôi, anh ta có chịu nhận không? Không, anh ta chẳng đời nào thú nhận điểm yếu của mình. Cô hãy đừng hỏi tôi tại sao, mà hãy tự lý giải đi.
Thấy Quý Phi ngẩn ra suy nghĩ, anh nói tiếp với vẻ nghiêm nghị:
- Cô chẳng bao giờ chịu suy nghĩ hay phân tích. Trong khi điều đó rất cần cho cô.
Quý Phi hơi lùi lại một chút rồi nói khẽ:
- Chẳng lẽ tôi nông cạn đến vậy sao?
- Nông nổi chứ không phải nông cạn. Nếu cô nông cạn thì chuyện gia đình cô đã khác đi rồi.
- Tôi sẽ suy nghĩ thêm nữa. Nhưng … anh hãy cho tôi biết, làm cách nào mà anh ta chịu nhận thế?
- Cô hỏi để làm gì?
- Tôi tò mò lắm, làm ơn nói đi mà.
- Rất tiếc, tôi không muốn nhắc lại chuyện đó, và cô cũng nên quên đi. Nó không hay gì đâu.
- Nhưng mà tôi …
Nói tới đó, Quý Phi chợt im lặng, vì thấy Trúc Hiền xuất hiện ở đầu cầu thang. Thấy cử chỉ khác lạ của cô, Trần Nghiêm cũng quay lại. Và khuôn mặt của anh cũng vẫn không thay đổi, dù một dấu hiệu nhỏ.
Thấy Trúc Hiền còn ngập ngừng, Quý Phi vội tìm cách tránh đi chỗ khác. Cô nói với Trúc Hiền vài câu rồi bỏ đi xuống cho hai người nói chuyện.
Nhưng đến giữa cầu thang, cô chợt đứng lại, cắn môi lưỡng lự. Nhìn lên thấy hai người vẫn còn đứng đó, cô đi xuống phía dưới xem có người không, rồi trở lên vài nấc thang, đứng im một mình.
Một Thời Ta Đuổi Bóng Một Thời Ta Đuổi Bóng - Hoàng Thu Dung Một Thời Ta Đuổi Bóng