Chương 25
úng như lời của Đăng nói, hai hôm sau chúng tôi suýt bị chụp. Giao liên dắt đoàn khách quân dân chánh chạy “ém quân”" chờ địch rút mới trở lại trạm. Khách bên ngoài lại ùn vào mỗi ngày mỗi đông.
Ngữ tới trong đoàn khách sau cùng.
- Cậu làm sao qua sông?
- Túm ba lô bằng ni-lông. Ối giào, từ thuở bé đến giờ em mới bơi qua sông là một.
- Thăng Núi…?
- Em chôn nó tử tế. Nó tự vận đấy anh ạ!
- Tôi biết! Tôi thấy mấy viên kí-nin rơi vãi trên mình nó và cái bi-đông sút nút nằm dưới đất, nhưng tôi không muốn cho ai nấy biết, để khỏi bận tâm vô ích.
- Thôi vậy cũng yên thân! Em đã giữ lại tất cả hình ảnh thư từ để sau này đưa về cho gia đình nó. Ác quá! – Ngữ tiếp – Mấy lúc em xốc nách nó đi với em, nó đòi nằm lại luôn anh ạ. Nó cứ than nó không sống nổi hoài! Em quát nó, nhưng nó vẫn cứ nói như trối. Nào là nhắn dùm con bé Đôi hãy quên nó đi mà lấy chồng, nào là nhắn bố mẹ nó đừng buồn coi như nó hi sinh cho Miền Nam cũng như ba anh nó hi sinh trong kháng chiến. Nhà nó thế là cụt hết con trai. Nó nói vậy. Và nó khóc. Ngữ rưng rưng – Em đoán được ý định của nó, nên em moi lấy gói thuốc của nó để giấu nhưng nó bỏ ở túi áo trước rồi, không để trong ba lô nữa.
- Rồi cậu có làm dấu gì cho mả nó không?
- Giao liên dời trạm luôn rồi anh ạ! Ai còn đi ngang đó làm gì nữa.
Tôi bỗng thấy, sau câu nói của Ngữ, một sự hoang lạnh của cả trời đất đổ ụp xuống vùng núi rừng không có bóng người này, nơi có một nấm đất lè tè mà mai kia, chỉ vài trận mưa đã xóa bằng mặt và cỏ dại sẽ bò lên phủ kín trong lúc ở nhà cha mẹ và người yêu vẫn ngày ngày mong tin… chiến thắng của người đi…
Trên con đường này tôi đã gặp bao nhiêu nấm đất như vậy. Tôi đã gặp những bộ xương rũ trong hốc đá mà bên cạnh là ba cây AK giá dá vào với nhau như trong giờ phút giải lao ở thao trường.
Tuổi trẻ đã bị đem ra xài như những món đồ vật, nhưng đồ vật hỏng thì sửa chữa còn ở đây hỏng là vứt vì không có xưởng sửa chữa cho bệnh nhân.
Hai hôm sau khách lại đùn đông nghẹt, đa số là lính.
Và chúng tôi leo cái đuôi nhỏng của con Rồng đẻ.
Hoàng Việt đứng dưới đất ngóng lên và càu nhàu như thường lệ:
- Có còn sâm đâu nữa ngậm để mà trèo!
- Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo hiền nhân quân tử ơi!
- Từ vô trường đi B tới nay tao tu, có làm gì mà mỏi gối hả thằng quỉ? Mày mới mỏi gối chồn chân thì có!
- Coi vậy chớ dây xích chưa nhão đâu, chỉ mới khô dầu tí thôi!
Trong lúc rảo tới rảo lui chờ lệnh xuất phát, tôi gặp nhiều người quen ở Hà Nội. Tôi có cảm giác là tất cả các chiếc tàu Stavaropol và Arkhangels đã chạy trốn mất vì nhận thấy lỗi lầm quốc tế của họ đã đem những đồng chí của họ trút vào một vùng đất chết, hơn nữa một trại tù khổ sai mang tên Miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trong số người quen này, có một ông chú họ, chung đầu ông cụ, chú lớn vai nhưng nhỏ tuổi hơn tôi. Chú được cho đi Liên Xô học đỗ Phó kỹ sư nông học. Chú là em ruột của ông trung đoàn chết ở Kà Tum. Tôi định nói ngay cái tin cô tôi chết với những chi tiết của Đăng kể, nhưng may sao tôi ghìm lại được nhờ tôi nhớ tới thằng bạn ở Viện Nông học của ông Lương Đình Của ở Gia Lâm đã từng cho tôi uống sữa trâu để viết bài tuyên truyền, tới nay nhắc lại còn mắc ói.
- Chú có gặp thằng “kỹ sư súc vật” không?
- Kỹ sư súc vật nào?
Tôi nói tên. Chú cười:
- Nó được chuyển từ chăn trâu qua chăn… gà.
- Gà gì mà phải chăn vậy chú.
- Giống gà Anh Cát Lợi, mỗi con nặng tám kí lô, mỗi ngày đẻ hai trứng.
- Có to bằng ếch Cu-Ba không chú?
Chú tôi gạt ngang:
- Thôi bỏ mấy vụ đó đi mày! – rồi hỏi tiếp – Tao nghe nói mày về lâu lắm rồi sao bây giờ còn ở đây?
- Đi được một tháng thì quẹo cu-lát nằm đường đó chú. Còn chú đi hồi nào?
- Tao đi đúng một tháng tám ngày.
- Tôi đi loạt đầu khá lắm. Sau mấy cơn sốt cứ lê từng trạm một. Mới vừa khá lại cuốc được mấy trạm liền. Chú biết cỏn bao xa nữa thì tới không?
- Non tháng! Tao nghe nói vậy thôi! Chưa chắc!
Đoàn bắt đầu đi, câu chuyện hàn huyên bị gián đoạn. Nhưng khi leo được một phần ba dốc thì giao liên cho nghỉ một giờ để lấy sức leo một đoạn cuối ác hơn. Chú lại tìm đến tôi. Hai chú cháu mắc võng nằm tâm sự vụn không lo ai rình nghe, báo cáo lên trên.
- Thằng Chánh đi học điện ảnh bên Đông Đức vừa về. Còn thằng Bình em nó đã hi sinh.
- Hi sinh ở đâu?
- Đâu bên Lào, nghe nói bán chánh thức. Tụi đi Lào chết không có giấy báo tử.
- Rồi chú Chánh có hay không?
- Lúc tao về thì nó đã biết rồi, nó vô Bộ Tổng hỏi thì người ta bảo đó là chuyện quốc phòng không thể nói được. Chậc! Đám mình ra đây rắc xác khắp nơi. Ở trạm 15, 16 gì đó có một đám lính Nam Bộ trôi ra trôi vô, bảo vệ đường dây, thấy đoàn tao đi ngang chúng nó khóc mùi. Chúng nó bị neo ở đây không được về. Thấy người ta về mà khóc.
- Tôi cũng gặp đám đó. Chú định về làm gì trong mình?
- Chưa biết nghề ngỗng gì. Kêu về là về cái đã.
- Chú đi học Liên Xô được bằng cấp Phó kỹ sư Nông học chú không có kiến thức gì sao mà nói vậy.
- Kiến thức thì kiến, nhưng đất người ta khác, đất mình khác, lúa má cũng khác. Người ta có cấy lúa đâu mà áp dụng cho nước mình được.
- Vậy chú đi làm gì cho mất năm, sáu năm?
- Vậy ở bên này làm gì, nếu không đi, cũng mất cả chục năm? Có lẽ tao về làng mình để học lại mấy ông nông dân cố cựu và xin mấy ổng phát cấp bằng mới cho, trước khi làm công tác nông nghiệp.
- Chú nói vậy còn ông Lương Đình Của thì sao?
Chú cười:
- Ổng cũng kẹt đạn như mấy người mình thôi, nhưng vì ổng là “sư mòng” trong Nông nghiệp nên người ta không dám bóp hung. – Ngưng một chút, chú tiếp – Ở đâu cũng vậy hè mày ơi. Vấn đề tranh giành địa vi là ghê gớm nhất chứ chẳng phải là công tác.
Tôi thở dài, vừa mệt cho đoạn đường này, vừa ngán ngẩm cho con đường tôi đã đi qua. Tôi có biết kỹ sư nông học Lương Đinh Của. Tôi đến chơi với ông luôn, hoặc tại Viện Nông học của ông ở Gia Lâm, hoặc ở tại nhà của ông trong cư xá Kim Liên (?) cách Hà Nội không xa lắm! Tôi thấy mỉa mai, thật tình! Mỉa mai cho trí thức và cho đảng tiền phong (!!). Lương Đình Của là người Sóc Trăng, nòi địa chủ. Ông có ý tưởng phát minh nông nghiệp nước nhà từ thời còn ngồi ghe đi thu lúa ruộng cho ông bố. Lớn lên học tiếng Pháp nhưng lại sang Nhật đi về ngành trồng lúa, đặc biệt về cây lúa nhiệt đới. Ông đã đỗ bằng Tiến sĩ Nông học tại Nhật và làm việc tại xứ này với một địa vị rất cao. Ông có vợ Nhật. Sau nhiều năm làm việc tại đây ông đã đưa ra những phát minh và luận án về Cây Lúa của Việt Nam. Với luận án này ông đã đạt đến tầm mức chưa từng có của người ngoại quốc trong nền nông nghiệp của Nhật Bản.
Ông về làm việc ở Sài Gòn (hình như trong Bộ Canh Nông). Rồi không biết ai móc ngoéo dụ dỗ thế nào mà ông bỏ nhiệm sở đi theo cộng sản, ra Hà Nội đâu khoảng sau 54. Tưởng là đem tài năng ra hoán cải đất đai khô cằn của Miền Bắc phục vụ nhân dân của ông. Âu cũng là một cách thực hiện giấc mơ thuở thiếu thời của ông vậy. Nhưng than ôi, người Nam Bộ không bao giờ được trọng dụng dưới triều Hồ, cả những anh chàng dày công với đảng, với kháng chiến nữa là một tên kỹ sư Ngụy như ông Của.
Ông được cho làm Viện phó Viện Nông Lâm Súc (thằng bạn của tôi là “kỹ sư súc vật” nơi đây). Trên đầu ông là Viện trưởng Bùi Huy Đáp. Tai hại thay, Đáp lại là học trò của Liên Xô, kẻ “giảng đạo Mitchourine Lyssenko’ trong ngành Nông nghiệp Việt Nam, trong lúc ông Của lại là đồ đệ của nền Nông nghiệp Nhật Bổn. Liên Xô và Nhật Bổn là kẻ thù cựa-chọi-cựa, răng-cà-răng trong chiến tranh, cũng là đối thủ của nhau trong khoa học mà tượng trưng là cặp Đáp-Của.
Ai thắng? Của thắng trong chuyên môn.
Ai thua? Đáp thua cũng trong chuyên môn.
Nhưng cuối cùng lại cũng Chuyên thua Hồng. Cho nên rồi:
Của thua, Đáp thắng. Chỉ vì Đáp là Viện trưởng, kẻ có quyền phổ biến những phát minh của Viện hoặc phủ nhận những phát minh ấy. Lương Đình Của đã lai tạo được nhiều giống lúa, trong đó tôi biết có các giống Thần Nông, Nông nghiệp 1, Nông nghiệp 2. Nhưng cái viện Nông Lâm “súc vật” của ông học trò Nga đã vùi dập luôn không cho phổ biến. Khi tôi sang gặp ông để tìm tài liệu viết bài (Hạt Giống Mới đăng trên báo Văn Nghệ) tôi gặp một ông lão Nông là người giúp việc chuyên môn cho kỹ sư Của. Ông lão cho tôi biết là giống lúa của ông Của rất khỏe, ông ta đã lén đem cho nông dân vùng Gia Lâm gieo thử. Lúa rất trúng, đạt năng suất gần gấp đôi lúa thường. Do đó nông dân vùng Gia Lâm mới đòi giống NNI, NN2 của ông Của. Nhờ vậy mà vỡ lẽ ra. Bài báo của tôi đăng lên trong lúc các loại giống kể trên đã về tới đồng ruộng Thanh Hóa và được đón nhận như một thành công của Viện Nông Lâm Súc
Ông Của suýt được tặng danh hiệu anh hùng lao động cùng một khóa với Bác sĩ Tôn Thất Tùng (*).
(*) Vì viết tiểu thuyết bị bác hoài nên tôi nản chi, lẻo đẻo theo các ông anh hùng, chiến sĩ thi đua viết truyện, lấy họ làm nhân vật chính, không nhà Xuất bản nào dám bác nữa. Sau các truyện Hạt Giống Mới, Trái Tim Đầu Tiên, giải nhất truyện ngắn nói về BS Tôn Thất Tùng, tôi viết về anh hùng đường sắt, anh hùng làm phân xanh, anh hùng nuôi vịt Tàu hết xẩy.
Khi nghe tin này, tôi đến để mừng một người Nam Bộ được vinh dự đeo mề-đay tối cao xã nghĩa. Nhưng khi vừa đến gặp ông thì ông kêu lên: “Không biết ai trình lên trên mà “họ” đẽo tôi một cú văng tuốt, chút” Tôi ngần người ra: Ai chơi ác vậy? – Đâu có biết!… Tôi cũng tưởng là chắc ăn rồi, không ngờ bị Bác gạt tên. Chắc Bác muốn thử thách tôi thêm chớ gì!” Ông Của nói vậy rồi vẫn vui vẻ tiếp tôi và khoe: “Tôi vừa đi Nhật về! Chú biết không? Họ mời tôi ở lại làm việc cho họ với số lương… (?) (có lẽ 2 đô 50 xu một tháng như lương cán bộ xã nghĩa bây giờ chăng?) nhưng tôi nói: Để tôi lo cho nước tôi trước!” Cũng nên biết thêm ông Của đã lai tạo được một loại “dưa hấu không có hột” (chính ông kể cho tôi). Thời ấy Mỹ đã mời ông sang Mỹ làm việc và chỉ trồng loại dưa hấu ấy thôi. Ông cũng không đi. Mỹ mua mỗi hột “dưa hấu không hột” ấy một đô la. Đem về trồng, dưa ra quả ăn rất ngon, nhưng không có hột, cho nên muốn ăn dưa không hột lại phải mua hột dưa không hột của ông Của, mỗi hột một đô la. Nên nhớ thời đó (1940-45?) một đô la là bao lớn?
Ông sang Nhật kỳ đó, các bạn đồng niên trong nền nông nghiệp Nhật gọi ông là “Tiên sinh” để tỏ lòng cảm phục về tài năng và về lòng yêu nước cao cả của ông. Ruộng lúa giống của Nhật – theo ông kể lại với tôi, – là một bí mật quốc phòng. Họ không cho khách ngoại quốc vào thăm. Nếu đôi khi có khách đặc biệt được đến đó thì họ cho người theo kiểm soát rất kỹ lưỡng vì khách chỉ cần “ăn cắp” một gié lúa thì đủ thay đổi cả một nền nông nghiệp rồi. Thế nhưng đối với Tiên sinh Lương Đình Của thì họ mời vào thăm và tặng cho một túi gấm nhỏ đựng một ít hạt giống. Thế đủ biết họ trọng người Kỹ sư Việt Nam – cũng là người đã cống hiến cho xứ sở họ rất nhiều tâm não – như thế nào?
Trên đường cứu nước, cụ thể là làm giàu cho Miền Bắc, ông Của gặp không biết bao nhiêu trở ngại đáng lý không có, và chắc sẽ không có, nếu ông ở lại Nhật hay nhận lời sang Mỹ! Một tài năng có một không hai ở nước Việt Nam như vậy mà ông Của và gia đình (vợ người Nhật) của ông gồm sáu người (lúc tôi đến chơi 1958-59 gì đó không nhớ rõ) chi được nhận một gian phòng nhỏ tồi tàn ở khu Kim Liên. Ông không được cấp cho cả cần vụ để dọn đất cho ông làm thí nghiệm giống, ông phải tự tay cầm cuốc. Mỗi sáng đi làm ông phải đạp xe từ Kim Liên qua Gia Lâm. Cũng may ông được bạn bên Nhật tặng cho cái xe đạp. Nếu không, ông phải chờ ba năm để mua xe quốc doanh.
Tôi đã đi hơi xa con đường dốc đuôi Rồng phải không bạn đọc, nhưng có lẽ không lạc đề, bởi vì, thưa bạn, tất cả mọi người Miền Nam vượt Trường Sơn đều có một mục đích là “về tới quê nhà” nhưng mỗi người đều có một tâm sự đắng cay, não nề sau khi sống mười năm ở Miền Bắc, như tâm sự Lương Đình Của.
Kỹ sư Lương Đình Của không vượt Trường Sơn, ông ở lại Miền Bắc (và chết trên Miền Bắc) với một bầu tâm sự không được thoải mái trút ra như bọn vượt Trường Sơn chứng tôi. Ông phải mang nó xuống tận tuyền đài. Chủ nghĩa chủ ngỏm, lập trường lập bò đã đẻ ra chánh sách, chánh sách đẻ ra ngu xuẩn và ngu xuẩn đẻ ra ganh tị, sự ganh tị cuối cùng đã giết chết mọi tài năng, gây tai họa không lường, và dài dằng dặc như Trường Sơn, cho dân tộc.
Ngày nay hình như ở Sài Gòn, người ta có cho một con đường nho nhỏ nào đó cắm một tấm biển kẻ tên “đại lộ Lương Đình Của.” Để làm gì? Để tự thú tội ngu xuẩn của mình chăng?
Tôi thấy buồn cho nông dân Miền Bắc và buồn cho một người Nam Bộ đi lầm đường. Giá đi lầm từ đầu như tôi đây thì không đáng tiếc cho lắm. Bởi vì trong hoàn cảnh của tôi năm 1945 không có con đường yêu nước nào bằng con đường có cắm lá cờ đỏ sao vàng. Thời đó, cờ đó là Cờ Dân tộc. Nó chưa có lòi cái cán búa ra. Ai mà thấy cho được!
Nhưng Lương Đình Của đã đi đúng đường, đã vinh thân phì gia, đã phát triển được tài năng rồi và đã có đất để gieo giống rồi mà mắc chứng gì lại đùng đùng bỏ đi, để đến nông nỗi đó, dở mếu dở cười? Cũng như anh bạn văn Thủy Thủ tên thật là Thái Trần Trọng Nghĩa đang ở Sài Gòn mang lon thiếu úy Hải quân bỗng đùng đùng dông theo Nguyễn Hữu Thọ. Cuối cùng, nhìn rõ mặt Giải phóng, anh đã tự phạt mình bằng một phát AK xuyên qua đầu? (Tôi sẽ kể chuyện này ở quyển Đến Mà Không Đến” tiếp sau đây).
Hết một giờ được giao liên cho phép nghi, tôi không hỏi thêm chú tôi một câu nào về nghề nghiệp của chú nữa. Vì tôi đã biết trước rồi. Đến như kỹ sư nái như ông Của mà còn không làm được việc gì nữa là kỹ sư con.
Trước phút lên đường leo dốc tiếp, chú móc túi ba lô cho tôi xem một gói lúa giống và nói:
- Mười năm ở Miền Bắc tao chỉ được có mấy hột lúa Nông nghiệp 1 này. Để đem về trỏng gieo rồi cấy thử xem sao. Ở trong đó chắc không có Bùi Huy Đáp cũng không có Mitchourine và Lyssenko. Hễ lúa nào sai hột thì mấy ông nông dân mình khoái thôi.
Tôi vừa cuốn võng vừa hỏi:
- Chú có xuống dưới các hợp tác xã để giúp nông dân cày cấy không?
- Giúp cái gì?
- Thì cách cấy lúa làm sao cho…
-.. mau chết hả?
- Ít nhất chú cũng dạy cho họ được kinh nghiệm của nông dân Liên Xô chớ!
Chú cuốn xong võng bỏ vô ba lô và cười:
- Nông dân người ta cày máy, gieo mạ bằng máy bay, cấy lúa mì, rải phân hóa học còn mình cày chìa vôi, gieo cây mạ lên bằng cọng hành, lúa lên ngang đầu gối, phân bắc phân chuồng phân xanh chắt mót từng cục một, có kinh nghiệm gì của người ta đem về xài được cho mình đâu. Nông dân tập thể của người ta làm nông trường rộng cả vạn mẫu, hợp tác xã của mình bằng cái bụm tay, nông trường của người ta làm việc có kỷ cương răng rắc, xã viên của mình nay vô mai ra, tới năm nay rồi mà còn cãi như bằm bầu cái vụ cấy thưa cấy dài, gieo mạ để luôn hay nhổ lên cấy lại.
- Nhạc sĩ Văn Chung đã phải làm một bài hát để phục vụ hợp tác xã úng hộ phương pháp “cấy thưa” đó chớ chú!
- Bài hát gì?
- Tôi không biết tên bài hát, chỉ nhớ mấy câu vì nghe đài hát vời vợi suốt ngày suốt đêm:.. “Cấy thưa thì thừa thóc, cấy dày thì cóc được ăn. Chị em ơi lại đây xem chúng tôi cấy... “
- Nhưng chẳng ai nghe theo bài hát đó. Cũng chẳng ai nghe theo mấy ông cán bộ của Viện Nông Lâm Súc của tao. Tao xuống coi họ canh tác một tháng thì tao nghĩ rằng mình đi học mấy năm chẳng có ăn nhậu gì cả. Chẳng dùng được một tí tẹo nào của Liên Xô cho Miền Bắc lẫn Miền Nam.
Tôi nói:
- Phải chú đi sớm một tuần lễ thì chú đã gặp ông Cây Đa Cũ Bến Đò Xưa rồi. Nhất định ổng sẽ hỏi ý kiến chú về Hợp tác xã.
- Tao sẽ bẩm là Hợp tác xã tuyệt vời như Cải cách ruộng đất vậy!
Có lệnh tiếp tục đi. Chú tôi trở về đoàn của chú ở phía sau.
Trời bắt đầu đổ mưa. Trong tiếng mưa rơi có tiếng cà nông nổ xa xa hết loạt này đến loạt khác. Tôi nghĩ thầm: Đoàn mà vượt bãi thì sẽ lượm bạc chuyến này. Hú vía cho mình!
Mưa tầm tã. Nước mưa bít mặt. Dốc núi trơn như thoa mỡ. Tôi và Hoàng Việt thay nhau chụp ếch lia lia. Chị Phụng phải đeo lưng chồng, vừa bước vừa kêu: “Đường gì ác thế! Đường gì ác thế!” Đường càng lên càng dốc đứng, người đi sau đội đít kẻ đi trước. Kẻ đi trước móc cái gót dép cao su thum thủm vào mồm người đi sau. Tay vuốt mặt tay bám gốc cây hoặc bám nhầm cái ống quyển người đi trước. Người đi trước kêu lên vì bị lôi lại phía sau suýt ngã.
Thằng nào đạo đức lắm cũng phải Đ.M. vài chục lần. Ai bảo núi là thơ, mưa là thơ, người ấy nhầm. Thơ không có họ hàng gì với núi với mưa cả. Chúng tôi đang ôm núi đội mưa đây nhưng chúng tôi hộc máu ra thì có chứ chẳng thấy thơ mộng gì. Nếu ngồi trong nhà uống trà nhìn qua cửa kính thấy núi mờ trong mưa thì chắc núi và mưa trở thành thơ.
Chưa bao giờ chúng tôi leo núi như lần này. Dốc đứng hơn cả cái dốc chúng tôi đi pa-tanh thủng cả đáy quần ở trạm trước và lại bùn lầy, dép mắc dưới bùn và đi bước nào trợt bước nấy, đã trợt át phải té. Một người té làm mấy người té theo. Tiếng kêu ơi ới giữa mưa.
Tôi quay lại nói với Hoàng Việt:
- Đây là “Mưa Dầm” (*) đó anh Bảy.
(*) Bài hát của Hoàng Việt sáng tác trong thời kháng chiến.
- Thôi đi mày! – Hoàng Việt gắt – Đừng có giỡn!
Tôi và Hoàng Việt bị nhiều người qua mặt. Lần này tôi cố “đi chậm” để không lạc Hoàng Việt nữa. Chẳng có ai trở lại rước anh nữa đâu.
Đang thất vọng, bất mãn và muốn làm reo với giao liên thì có người nói:
- Đất này đỏ tươi, chắc là Bà Rịa quá ta ơi!
Câu nói vô căn cứ bỗng nhóm lại ngọn lửa sắp tắt trong lòng. Tôi vuốt mặt quay lại nói với Hoàng Việt:
- Vậy thì mình vô tới ranh xứ minh rồi đó anh Bảy ơi!
- Chắc không?
- Tôi hỏi anh có cái gì trên đời này là chắc không?
- Chắc một lần “hai năm” là muốn lòi đom rồi.
- Thôi thì chưa chắc, cứ leo cho lòi… thêm.
- Thôi ngậm miệng giữ hơi leo cho mạnh, nói chuyện mất sức lắm mày ơi. Tới đâu tới.
Vì trời mưa không đi lên nhanh được, cho nên lên đến chót núi thì đã xế dài. Không còn đủ thời giờ “hạ san” nữa. Theo giao liên nói thì trạm tới còn xa. Xuống núi xong phải cuốc luôn bốn, năm tiếng đồng hồ mới “đạt kế hoạch nhà nước!” Cho nên giao liên linh động cho các tiên ông tiên bà dừng chân trên chót núi để luyện thuốc trường sanh trong một đêm. Một đêm trên non Bồng bằng một trăm năm dưới trần thế. Ngày mai khi trở lại trần gian con nít đã trở thành ông già còn tụi này thì vẫn trẻ măng như con nít.
Sau mưa ông trời chường mặt ra với những tia mắt quái ác. Quần áo ướt dầm. Tuột cả ra phơi tha hồ triển lãm xương sống xương sườn và cặp giò ống điếu. Lâu lâu có dịp tự nhìn lại bản thân thấy thịt không còn là mấy, da thi dùn xệu như cái vỏ banh lông xì hơi và nhăn nheo như da voi. Nhìn xuống cái của quí thì càng thảm hại. Nó đã trở thành em bé tí tèo tèo teo chui mất tiêu trong đám cỏ hoang u xù. Nói cho có văn hóa văn hoa văn học thì: một khi ngọn thiết bảng cửa Tề Thiên Đại Thánh đã trở thành cây kim giắt mép tai thì chiếc bình bát bửu của các tiên cô chắc cũng teo lại bằng mảnh da lừa của Balzac tiên sinh rồi. Có lâm trận chắc không có hô giáng hô thâu nổi nữa. Lại võng ướt, chăn ướt, tất cả người ngợm đều ướt, tâm hồn cùng ướt nhẹp và rã rời như cơm nếp mắc mưa. Củi cũng ướt nhưng không khó kiếm vì ở đây ít khi có đoàn dừng lại. Tôi và Hoàng Việt chung ty và tự lực các thứ, cố không làm phiền ông bạn dược sĩ nữa. Chúng tôi đã nhờ cậy vào Vân quá nhiều rồi. Trên đường này không có ai hảo tâm với ai đến thế cả. Đã có một lần tôi từ chối không cho một anh bộ đội một khúc khoai mì sống.
Đang sắp sửa ngả lưng an dưỡng thì Hoàng Việt kêu:
- Thằng Ngữ đâu rồi?
Tôi cũng giật mình. Mải miết lội, leo, bò, lết mà không nhớ đến Ngữ nữa.
Tôi chạy tới chạy lui một lúc mới tìm được chàng họa sĩ, nhờ cái khăn rằn nâu sọc rất to của nhà trường phát cho mỗi học sinh chúng tôi. Ngữ đang nằm trên võng trùm chăn. Cái mùng màu xanh lá cây đã mắc xong nhưng chưa buông xuống. Tôi giở chăn ra, sờ trán Ngữ.
- Sao thế này?
Ngữ ư ư hai ba tiếng, không mở mắt, và đáp:
- Em sốt hồi trận mưa đầu.
Có lẽ Ngữ biết trong đám khách này hắn không có ai quen ngoài Hoàng Việt và tôi, nên nhắm mắt mà vẫn biết người quen và miệng nói leo lẻo:
- Có lẽ con muỗi đòn xóc nào chích thằng Núi lại chích em hay sao ấy anh ạ.
- Bậy mày! Nghe trong mình thế nào?
- Như có lửa dậy trong máu ấy!
- Có thèm cơm nước gì không?
- Em chỉ khát, nhưng ở đây không có suốì. Em tìm mãi không có nên mới trở lại nằm.
Tôi đứng ngơ ngẩn trước đồng đội ngã sốt và trước một sự việc bất ngờ: ở đây là đỉnh núi nên không có suối.
Tôi nói:
- Lấy kí nín chặn cữ đi...
- Em không còn lấy một ngụm nước.
- Tao không còn một giọt.
(Tôi là thằng dở chịu đói mà cũng dở chịu khát. Đó là hai chứng xấu không nên có cho những ai muốn leo núi. Tôi đã ngã sốt ngay sau khi uống nước vũng voi dầm với thuốc lọc nước của Bảo Gia Lợi). Tôi ngẫm nghĩ một chút rồi bảo:
- Lấy giấy quấn kí nín rồi nuốt, được không? Đâu mày làm thử coi. Nếu có được một trái chuối chín thì nhét thuốc vào rồi nuốt trộng. Ngoài ra thì chẳng có cách gì. Nhưng ở đây làm gì có chuối? – Tôi ngó quanh quất một chút rồi reo lên: – Phải rồi, để tao đi tìm nước cho!
Sau trận mưa, nước đọng đầy các hốc đá. Trong đó những cái lá đã rửa hết thịt chỉ còn lại xương và những cái lá khô lá vàng nằm sắp lớp lên nhau. Tôi đưa cái lon múc nhón lớp trên cho khỏi cặn, nhưng tôi lại thấy những con loăng quăng bơi lội trong nước và có những chú bị múc vào lon. Đây là tiền thân của những anh chị “đòn xóc” nguy hiểm nhất cho đoàn lữ khách. Tôi đem về lều sớt gạn loăng quăng ra và nhóm bếp nấu mớ nước đưa cho Ngữ. Ngữ uống xong mấy viên kí-nin (và những trứng muỗi lẫn vi trùng sốt rét chưa chết hẳn, cùng một lúc).
Ngữ lại trùm chăn. Tôi trở về lều thì Hoàng Việt bảo:
- Đây là dốc Cụ Hồ mày ạ!
- Sao anh biết?
- Giao liên mới nói. Nó không thua đồi 1001. Đặc điểm của dốc Cụ Hồ là không có nước, làm sao nấu nướng?
Tôi thuật lại vụ sưu tầm nước mưa trong hốc đá cho Hoàng Việt nghe. Anh nói:
- Sao không hứng lúc trời đang mưa?
- Ai có ngờ tình trạng khan nước thế này mà hứng trước!
- Thằng giao liên này đáng treo cổ!
Mấy trăm con người ta nhao nhao lên vì nước! Người thì đi múc nước trong hốc đá, kẻ đi nghiêng từng cái lá vét lấy những hạt mưa hiếm hoi. Bỗng có người đề ra sáng kiến. “Ta múc lấy mây!” Cái sáng kiến ấy lan đi rất nhanh khắp các đoàn. Quả thật mây bay từng cụm dưới chân, trên đầu, dưới đít võng. Trông hay hay. Cái sáng kiến nghe cũng ngộ ngộ. Giống như một lý tưởng lãng mạn nhưng đó là một sự thực bất ngờ.
Khi leo, không ai nghĩ mình sẽ lên đến độ cao này.
Hoàng Việt cười hóm hỉnh:
- Đến rìa thiên đường rồi mà không hay. Nhưng mày có chìa khóa mở cửa không?
- Chìa thì có đây, nhưng không biết khóa ở chỗ nào.
Vừa nói, hai đứa vừa lấy gà-mèn ra múc mây. Mây bay phơi phới trước mặt, sau lưng. Chứng tôi cứ nhè những đám to mà quơ đại vào, hi vọng mây bị hốt vào gà men sẽ hóa thành nước. Tưởng là múc được nhiều mây thì sẽ được nhiều nước, nhưng mây thì nhiều mà nước chẳng có tí nào. Cái sáng kiến có vẻ vừa thực tế vừa ngớ ngẩn đó chẳng giúp ai.
Lại có người đề ra sáng kiến khác, cứ há mồm cho mây bay vào cũng như uống nước. Tự bồi dưỡng kiểu đó, xong rồi ngủ, sáng mai sẽ xuống núi tìm suối. Tôi cũng há mồm cho mây bay vào và ngậm lại, nhưng không giảm bớt cơn khát tí nào.
Thất vọng, tôi lắc lắc bi-đông nghe nước khua khe khẽ, bèn trút ra gà-mèn. Nói có Trời Đất chứng miên. Số nước còn sót lại được mấy chung, cái loại chung mà Cụ Hồ rót rượu mời đồng bào uống hồi toàn quốc kháng chiến năm 1946 trên nhựt trình, mãi tới bây giờ chưa có ai nếm được, và có lẽ nó đã biến thành nước lã trên dốc Cụ Hồ này. Bây giờ làm gì với mấy chung nước đó cho khỏi sai lầm đối với bản thân mình để tránh sửa sai? Mặc dù cơn khát đang thiêu đốt cơ thể, nhưng tôi cố dìm cái anh họ Trư đang lồng lên trong tôi. Nếu tôi buông lỏng, hắn sẽ tiêu diệt mấy chung nước cam lồ đó như ăn nhân sâm, nuốt xong mà chẳng biết mùi vị gì. Khi người ta vừa đói lại vừa khát mà đứng trước món ăn thức uống thì rất khó ghìm mình lại. Người ta phải bắt mình nghĩ tới lý tưởng cao cả này, chủ nghĩa vinh quang nọ để không bị cái tí bã vật chất kia cám dỗ mà sa ngã mặc dù họ là đồ đệ của chủ nghĩa duy vật.
Suýt chút nữa tôi quên một chất liệu quan trọng. Số là hồi trưa này khi nghỉ ở dưới dốc chúng tôi gặp một gốc bứa. Ngữ là người còn khỏe nhất trong chúng tôi và là người trông thấy nó trước nhất. Ngữ leo như một chú khỉ bị thợ săn đuổi nột. Tất cả đội nữ binh và chúng tôi vây quanh gốc cây. Các cô léo nhéo với giọng óc đáng yêu nhất:
- Anh cho em xin tí.
- Anh bẻ cho em cái búp non kia!
Hoàng Việt nhìn tôi và kêu với Ngữ:
- Anh đội Miền Nam ơi, “giúp các em tí!”
Chúng tôi cười nhưng không ai hiểu gì về cái điển tích ấy! Hoàng Việt hỏi các em:
- Giúp thì anh đội Miền Nam thừa sức giúp, nhưng các cô muốn mấy ván?
- Dạ ván gì ạ?
- Ván tức là lá ấy mà. -Tôi nhanh nhẩu-. Tiếng Miền Nam chúng tôi hơi khác, cũng như ngoài ta gọi là thuyền nhưng trong ta kêu là ghe!
- Nếu thế cho chúng em xin mấy ván cũng được, càng nhiều càng tốt.
- Các cô nói cậu cho mấy ván cũng được. Thế ba ván nhé!
- Ừ ba ván không bỏ dở ván nào!
Chúng tôi lại cười với nhau. Nhờ vậy mà nghe đỡ mệt. Ngữ ở trên cây nói tiếp xuống:
- Xin lá hay cành?
- Dạ lá thôi.
- Bứa có củ nữa, có lấy không?
- Ném luôn lá cả củ lẫn cành cho đủ bộ!
Vài cô đã biết chúng tôi trêu nên không kêu đòi nữa trong lúc các cô khác thì cứ xin rối rít.
Những cái đọt bứa còn bị bỏ quên trong túi ba lô. Tôi nghĩ đến canh chua. Lá bứa nấu chín rồi dầm ra trong nước húp một thìa đã ê răng, nước miếng bị kích thích sẽ tràn ra đầy mồm còn có tác dụng hơn cả vườn quít tưởng tượng của Tào Tháo. Ai cũng khéo đặt cái dốc này là dốc Cụ Hồ.
Chao ôi ở cái đỉnh non tiên này mà nấu món đồ chua ấy các tiên cô tiên bà ngửi được ắt phải mê mùi tục lụy ngay. Tôi đóng hai cái cọc gác một que cây ngay để treo gà-mèn sửa soạn nhóm lửa. Khắp một dãy lều trại vừa giăng mắc ấm lên với những khói và lửa bếp chiều hôm trong lúc bao tử reo lên chờ đợi với hi vọng nhá nhem như lửa ma trơi lập lòe từng đóm.
Nhưng bữa nay, khác với thường lệ, tôi treo cái gà-mèn nghiêng để được thấy nước kha khá trong góc, nếu treo ngay ngắn thì nước sẽ loãng ra chỉ trán đít gà-mèn và theo vật lý học thì mặt nước càng rộng sự bốc hơi càng lớn, như vậy nấu xong chỉ còn cái gà-mèn không. Tôi dự đinh sẽ nấu thật nhanh để nước không kịp bốc hơi. Tôi vừa móc bật lửa để nhóm bếp vừa hỏi sang ông bạn vàng:
- Anh định sáng tác món gì đó?
- Khuấy hồ dán mép cấm khẩu luôn cho khỏe, còn mày?
- Tôi “cất” nước để pha thuốc bổ.
- Bổ gì?
- Bổ thận.
Hoàng Việt mang qua cho tôi một cái lá, bảo:
- Mày hửi xem là lá gì?
- Lá Xanh (*) nhưng anh không còn trẻ! – Tôi cười, đưa chiếc lá lên mũi ngửi rồi kêu lên – Ngò, anh Bảy ơi! Ở đâu anh có vậy?
( *) Lá Xanh, bài hát rất phổ biến của Hoàng Vệt, có câu: “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ…”
Hoàng Việt lôi tay tôi qua lều của anh và trỏ vào cái gốc cây ở đầu võng. Tôi nhận ra là một bụi ngò gai có đến bốn năm lá. Tôi vò cái lá tôi đang cầm trên tay ngửi tiếp để chắc bụng. Mùi nó hăng hăng, không dịu như lá quế và rau om, nhưng nó cũng là một trong mấy thứ rau dùng để nêm canh chua ở xứ ta.
- Đúng nó rồi anh Bảy! – Tôi reo lên – Buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Tôi đang nấu lá bứa làm canh chua – Tôi hỏi – Còn mấy cái Lá Xanh của anh đâu?
- Tao nhai hết dọc đường rồi. Nhờ nó mà tao còn chút nước để khuấy hồ đó chớ?
Tôi ngồi xuống, đưa tay nhổ bụi rau ngò như tiên cô hái đào tiên. Bên cạnh chiếc lá xanh, bàn tay tôi hiện ra gầy guộc lòi những xương gu và vàng kinh khủng. Tôi tưởng như không còn đủ sức để lôi bật gốc bụi rau. Tôi cào bỏ mấy hột đất dính quanh cái rễ đuôi chuột trắng và dài không quá hai lóng tay. Có lẽ nó đụng đá nên không ăn sâu nếu nó ăn sâu hơn thì có lẽ tôi và Hoàng Việt phải hợp tác xã sức khỏe mới giải phóng nó nổi. Tội nghiệp bụi rau ngò cũng như tôi, như tất cả đám dân Nam kỳ tập kết, bị đặt không đúng đất, nên nó chỉ có dăm lá giống như một cái “chông ba lá” của Giải phóng quân dùng diệt Mỹ mà tôi gặp sau này. Bụi rau ngẫu nhiên mọc giữa trời cao, dưới chân cây to và trên chót núi, nhưng nó vấn không chết rụi.
Bất giác tôi ngẩng nhìn trời. Mây tuôn lớp lớp qua ngọn cây. Hỡi những thuyền mây, hãy chở hồn ta về quê dùm chút. Ta đến đây như con ngựa chiến đã hết cỏ, chắc phải gục xuống với bốn vó gãy lìa, chỉ còn trăn trối với tiếng hí thê lương không vang.
Các ông các bà chơi trò hứng mây lấy nước phí sức mà vô ích nên tìm hốc đá múc nước loăng quăng thực tế hơn. Tôi lãng mạn, lại há mồm hớp những cụm mây bay qua bếp và bảo Hoàng Việt:
- Anh Bảy! Có quán kem Thủy Tạ Bờ Hồ nè!
Hoàng Việt đang lui cui với cái bếp mịt mù khói, ngó sang với mắt mũi ròng ròng nước mắt nước mũi:
- Ê đừng có hư cấu nghe mày!
- Đây là hiện thực xã hội chủ nghĩa chứ đâu có hư cấu gì!
- Ừ, nếu thiệt, mày ăn mấy cây kem?
- Tôi chỉ múc nước Hồ Gươm để nấu canh chua thôi.
- Nước phẩn rùa à? Bỗng Hoàng Việt đột ngột hỏi tôi: – Mày có tin rằng trong Vạn Lý Trường Chinh của anh Ba Mao, lính luộc dây nịt da mà ăn, đái ra mà uống không?
- Đái ra uống thì có thể, nhưng ăn dây nít là hư cấu. Bởi vì một khi da đã thuộc rồi thì dù có luộc nó cũng không có trở lại là da sống được. Thằng cha nào viết chuyện đó là viết láo, cũng như thằng bạn tôi nó kể lại rằng Lê-nin đọc sách như thế này. Ông ta cứ nhìn vào trang sách là đã đọc hết tất cả chữ trong chớp mắt, nghĩa là ông có thể đọc một ngàn trang sách trong một tiếng đồng hồ.
- Đời này thằng nào nói dóc giỏi thằng đó có địa vị cao. Chỉ có những thằng nghệ sĩ không nói dóc trong tác phẩm được thôi, bởi vì trái tim con người là một thực chất, không mạ cũng không làm bằng sáp được. Nếu nói dóc, tác phẩm chẳng rung động nó được. Cái sự nấu dây nịt để ăn là một sự biện chứng bá láp – Hoàng Việt ngưng lại và hỏi tôi – Mày đang sáng tác truyện gì đó hả? Chẳng lẽ lại luộc dép cao su để kính dâng Bác Mao gái à?
- Nước đâu mà luộc?
- Mày là thằng “yêu nước” hơn tao. Ráng nhín một chút để mai bôi bánh chè mà đi pa-tanh nghe em? Xe hơi xuống dốc thì không cần xăng, nhưng người tuột dốc thì không có nước không được. Tao chắc bây giờ đem cái bi-đông của mày ra vắt cũng không ra giọt nào, đúng không?
- Còn vài chung mắt trâu.
- Thế mà lại đem ra nấu canh chua là thế nào? Phí của giời! Đáng lẽ mày phải giữ gìn nó như con ngươi của mắt mày vậy, để khi sắp chết khát, mày đem ra mà nhìn như bò nhai cỏ vậy hiểu chưa?
Tôi ngẩn người ra. Tôi đã sử dụng mấy chung nước và mớ lá bứa một cách sai lầm. Nhưng lỡ đã nấu nó rồi, đâu có sửa sai được. Tôi bảo:
- Vậy thì ngày mai khi xuống núi, hễ tôi kêu khát thì anh cứ làm Tào Tháo dùm tôi vậy.
Hoàng Việt cười:
- Tào Tháo thành công là vì binh sĩ của ông ta tưởng trước mặt có vườn quít thật, nhưng với mày tao không thể làm Tào Tháo được vì mày biết rằng tao nói theo sách của Trung ương. Hồi mới đi tao đã bảo mày trên đường này có mậu dịch Việt Miên Lào bán bằng ba thứ tiền hà hà… Bây giờ cuốn sách đó đã hết trang.
Thấy cái gà-mèn của tôi lên khói, Hoàng Việt la:
- Mày không đậy nắp, nước bay hết.
Tôi lật đật nhắc gà-mèn canh xuống luôn. Mùi rau ngò hiếm hoi bốc lên mũi tôi. Tôi lấy nắp đậy lại để nước khỏi bay. Mùi rau làm tôi nhớ nhà vô hạn. Sao có thể một bụi rau ngò lại mọc trên núi này. Một con chim nào ngậm hạt trong mỏ nhả xuống đất hay một ngọn gió nào thổi nó ra tận đây để nó phải mọc lên trên cái đất không phải là quê hương của nó?
- Xong chưa, đem trao đổi văn hóa?
- Đổi thì đổi.
Hoàng Việt xách cái gà-mèn hồ loãng sang lều tôi mà không phải qua một hữu nghị quan nào.
- Ăn hồ trước rồi húp canh chua sau rồi đi ngủ,
- Ừ, sao cũng được.
- Mai đi một mách tới trưa mới nghĩ đó! Giao liên nó bảo thế – Hoàng Việt vừa sớt chỗ hồ loãng vào nắp gà-mèn cho tôi vừa tiếp – Có những chặng đi đêm nghe chú em! Hì hì, nhưng sắp tới ranh nước mình rồi.
Tôi bỗng ứa nước mắt ra. Hoàng Việt tiếp:
- Nó bảo còn chừng hai chục trạm nữa thôi. Liệu có kham không?
- Lo cho cặp giò ống điếu của anh kia kìa.
- Ê ống điếu nhưng trường túc nghe chú em!
- Ừ muối hết, gạo hết mai này tuột dốc cho anh giỏi mà trườn… tu…ốt!!
Bản thảo quyển này bị mất hồi 1975 tại Sàigòn
Xuân Vũ viết lại xong tháng 12-1989 tại Hoa Kỳ
Xin đón đọc:
ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN
(tức hồi ký Đường Đi Không Đến tập IV)
gồm những cảnh sống rùng rợn ở R.
Soạn giả Trần Hữu Trang, một số nghệ sĩ Sàigòn như Bảy Thinh.. và nghệ sĩ cải lương ở Miền Bắc về chết trong những trận B52 như thế nào?
Nguyễn Chí Thanh có phải là nhà cách mạng đạo đức không, trong khi ông ta "chăm sóc" rất chu đáo một goá phụ vợ của một anh hùng giải phóng (Nguyễn Văn Trổi)?
Thủy Thủ tức Thái Trần Trọng Nghĩa, một Đại Úy Hải Quân V.N.C.H cùng với Phan Lạc Tuyên chạy ra Khu, được đối xử như thế nào? và tại sao Thủy Thủ lại tự sát bằng AK, trối trăn những gì trong mấy giòng ngắn ngủi ở quyển sổ tay?
Tác giả đã thoát chết trong trận B52 thảm khốc đó như thế nào?
Lưu Hữu Phước trở thành con bài hiếu hỉ trong tay Bộ Chính Trị như thế nào.?
Hai Thứ trưởng Văn hoá của chánh phủ Huỳnh Tấn Phát, gốc nhà văn Sàigòn bị đám cá kèo giải phóng xem thường ra sao? Hội Văn nghệ giải phóng là những ai, ngoài Lý Văn Sâm - nhà văn Sàigòn ra Khu?
Một số nét về Quách Vũ, Vũ Anh Khanh và nhiều hình tượng đời không thấy ở đâu ngoài R.
Tác giả đã cãi to với cấp chỉ huy và gởi thơ cho Trần Bạch Đằng như thế nào trước khi xin phép rước vợ con lên R rồi hồi chánh luôn, sau bảy ngày nhịn đói trong rừng Cao Miên. Ngay sau khi tác giả về đến Sàigòn, một nửa đoàn văn công giải phóng đã hồi chánh. Mười Cúc đến tiểu ban văn nghệ xạc-cà-rây ban chỉ huy và "chỉnh đốn" tổ chức như thế nào?
Bạn đọc đã theo dõi suốt ba quyển trước, sẽ rất thích thú khi đọc Đến Mà Không Đến. Sau một trăm ngày leo núi Trường Sơn, tác giả đến thì có đến "R" thật đấy nhưng trong tinh thần lại chẳng đến đâu! Cũng như ngày nay, quân Cộng Sản đã đến Miền Nam..mấy mươi năm nhưng cũng thật sự chúng chẳng đi đến đâu! Mỗi cái tên tác giả đặt ra cho sách mình đều mang một triết lý: Đường Đi Không Đến, Xương Trắng Trường Sơn, Mạng Người Lá Rụng, Đến Mà Không Đến, Đồng Bằng Gai Góc.
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng