Lửa Đắng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 25 -
hà báo Chương lên trang Web điện tử của Uỷ ban Nhân dân Thanh Hoa xem hệ thống chợ của thành phố thế nào. Chương mua bản đồ hành chính của từng quận về, tỉ mẩn đánh dấu vị trí của chợ trên những bản đồ ấy. Có rồi thì thôi, không thì thêm vào. Từ những chợ lớn như cầu Đông, chợ Hôm, chợ Mai đến mấy siêu thị mới xây dựng, đến cả chợ cóc, chợ tạm cũng đánh dấu vào hết.
Đại mời ông Hoè, và gọi Chương, Cường đến xem mấy tấm "bán đồ chợ" các quận nội thành, rồi tất cả lên xe đi khảo sát một vòng.
Dân số Thanh Hoa, so với ngày ông Hoè về tiếp quản tăng lên gấp mấy lần. Nhà chật cứng lại. Hồi ấy, ngoài để là chỗ ở của dân lao động. Toàn nhà một tầng lợp tôn, tường gạch con kiến, bổ trụ nóc, do Mỹ viện trợ Pháp. Lác đác nhà gạch cấp bốn. Để giải quyết nhà cho cán bộ, công nhân viên chức, hàng loạt nhà gỗ hai tầng, lợp lá cọ dựng lên ở ngoài đê.
Hoè ở trong doanh trại, vốn là một trại lính Pháp, đóng ngay trên một đường lớn, ngày ấy còn gọi là đại lộ. Khẩu phần ăn của quân nhân cùng chả đói mà phải ăn quà. Dù không ngon, cũng đủ no. Vả lại cũng chả dư dật mà có tiền ăn quà. Bây giờ đâu đâu cũng có quán ăn. Chỗ nào cũng thấy quán bia. Bia chảy như nước lã. Bia đen bia vàng, bia chai bia hộp, bia tươi "bia khô", bia hơi bia nước…
Ngày ấy, cả thành phố này chỉ có một nhà máy bia cho cả khu vực mười mấy tỉnh xung quanh. Hoè chả biết mùi vị nó ra sao. Cũng chả biết các món quà thế nào. Trừ một lần, đến chơi nhà Phụng vào chủ nhật. Cô ra cửa mua quà sáng.
Không biết món gì, gói bằng mảnh lá sen lộ mặt âm ra ngoài. Bà hàng xôi rút sợi rơm nếp vàng định buộc xoắn lại. Phụng bảo không cần, chị đặt cả gói vào bát, mang chiếc thìa nhỏ ra, mời Hoè. Hỏi món gì thì bảo: xôi lúa. Bụng bảo dạ, hạt lúa, hạt thóc thì phải xay già mới đồ xôi được chứ. Đến lúc cầm bát lên ăn mới biết là xôi ngô.
Cái vị dẻo thơm của xôi nếp, của ngô nếp, cái vị bùi béo của đỗ xanh đãi hết vỏ thổi chín, giã nhỏ, nắm thành nắm theo nhát thái tơi ra, phủ lên trên. Nhát thái bên trên vẫn còn nguyên hình lát mỏng. Trên cùng là hành củ phi ròn, nhếnh nháng mỡ nước. Mãi sau này ông Hoè vẫn nhớ, vị xôi xéo vương mùi lá sen thuở ấy. Cho đến tận bây giờ, cũng không ai giải thích được cho ông thắc mắc lúc cầm bát xôi ngày ấy lên ăn, sao xôi ngô, người Thanh Hoa lại gọi là xôi lúa? Còn bây giờ các nhà báo, nhà đài chỉ biết gọi hạt lúa, mà không biết gọi là hạt thóc, mặc dù nó đã gặt về, phơi khô quạt sạch?
Trong ký ức Hoè vẫn còn những tiếng rao đêm, ngày ấy. Tiếng rao lánh lót, non nớt của tre con: "Ai lúa rang, lạc rang, hạt dẻ ra!". "lúa rang" tức là "ngô rang" đấy. Tiếng rao của đàn ông: "chế… mà… phù!" Tiếng gô: "xực tắc!" Tiếng rao: "Lục… tào… xá!". Tiếng rao của con gái: "Bánh khúc nóng… nào!"… Lại còn tiếng gọi tẩm quất rong, mà tiếng "tẩm" thì nhỏ chìm, tiếng "quất" cao vống lên, đến tiếng "đây" lại hẫng đi như hụt hơi…
Những tiếng rao đêm của một thời khốn khó ấy, mỗi thứ rao một kiểu. Không tiếng nào giống tiếng nào. Nhưng đều giống nhau ở cái tha thiết, chèo kéo, mời mọc. Bây giờ, mức sống cao hơn nhiều. Nhưng ở những làng, xã mới lên phố phường, những tiếng rao đêm, rao ngày vẫn còn, thêm nhiều thứ khác nữa. Bây giờ vẫn có những người nghèo, bên những người rất giàu. Khác chăng là nhiều tiếng rao được kích to bằng loa điện, hoặc ghi âm sẵn.
Ông Hoè, cả đời chưa bao giờ đi chợ. Thời trẻ, trong quân ngũ đã có tiếp phẩm. Lấy cô thôn nữ Mận, mỗi lần tạt về vợ bắt con gà làm cơm là quá đủ cho một bữa cơm sang đón chồng. Đến lúc chuyển ngành, lấy bà Phụng, cũng chỉ biết đi phổ biến nghị quyết, phó mặc một tay vợ trông nom nhà cửa, con cái. Đến bây giờ cuối đời, cố vấn cho Đại, mới lần đầu đi xem chợ.
Thanh Hoa đã có hai siêu thị lớn, rộng bằng cả sân đá bóng, với trăm ngàn vạn ức hàng hoá, bày biện đẹp như triển lãm. Mùa hè chen chúc nhau vẫn mát rười rượi, mà hoàn toàn không có mùi… chợ. Nhưng thành phố vẫn còn những cái chợ, vừa bước vào mùi chợ đã xộc lên tận óc, nhất là khu hàng tươi sống. Ghê cả người. Vẫn còn cảnh buôn gánh bán bưng, buôn thúng bán mẹt, chật kín vỉa hè, tận xuống lòng đường. Người đi làm về, ngồi trên xe máy, vẫn mua được mớ rau, con cá, mớ ốc vặn, vừa cào dưới hồ lên, đến cả mở đòng đòng cân cấn, của cô gái đánh dậm ngoại thành cho con mèo ở nhà đợi chủ.
Thanh Hoa cũng giống Hà nội, giống các đô thị cả nước, người ta vẫn bám vào mặt đường, mặt phố để sống. Nhà mặt phố, bố làm to; nhà mặt tiền, ra tiền mặt. Bốn người đi thành hàng dọc trên vỉa hè chật chội. Bởi hàng hoá bây từ trong nhà ra đến tận bậu cửa, và thế nào cũng chờm ra hè. Phố nào nghiêm còn đỡ. Không thì vỉa hè thành sở hữu tư nhân. Người đi bộ phải đi quành xuống lòng đường.
Nhà nào chả có xe máy, nhiều nhà mỗi người một cái. Con phố nhóm ông Hoè đang đi được gọi là phố cổ đấy. Tuy chỉ còn mấy cái nhà cổ. Bằng cách này hay cách khác, thành phố đã xin được công nhận là khu phố cổ. So với phố cố Hội An thì xấu hồ vô cùng. Được công nhận là phố cổ, người ta có sáng kiến chọn phố này và mấy phố lân cận làm phố đi bộ vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Còn hằng ngày, người đi bộ đông, người ta lại có sáng kiến đưa ra một quy định tuyệt chiêu: lòng đường biến thành nơi dựng một hàng xe máy, lấy vỉa hè cho người đi bộ.
Chợt, ông Hoè dừng lại trước một quầy hàng. Bố con Đại và Chương dừng theo. Cũng như các phố buôn bán khác, nhà phố này là nhà ống. Nhiều nhà, mặt tiền chỉ được hai nháng chân trẻ con. Nhà trong cùng, phải đi qua vài ba nhà mới ra tới mặt phố. Lối đi chung hẹp đến nỗi, không thể dắt xe đạp, xe máy được. Phải ngồi trên xe dùng chân đẩy. Người ra phải đợi cho người vào, nhấc xe vào nhà mình mới ra được. Vậy mà, ngay trước lối đi bằng lỗ mũi ấy, lại có một tú hàng nho nhỏ chặn đứng thì đi lại thế nào? Mấy người giả vờ xem hàng để quan sát. Có người trong ngõ đi ra. Lập tức cái tủ hàng tránh ra, lấy lối cho người ra. Thì ra, người ta chôn hai chiếc bản lề goòng vào góc tường. Chiếc tủ được lắp vào bán lề ấy. Hễ có người ra vào, chủ nhân chỉ việc đẩy nhẹ, chiếc tủ, giồng như cánh cổng sẽ mở ra phía ngoài, xong lại đưa về vị trí cũ. Phải chịu cái sáng kiến có một không hai này.
Lúc đã ngồi trên xe, Đại nói với bố:
- Đi lên công nghiệp, tiên tiến, hiện đại thì không thể tồn tại cái lối lấy hè đường làm thị trường thế này phải không bố. Theo tiêu chuẩn quốc tế, tỉ lệ diện tích giao thông động so với diện tích đất ở phải là 20%, cho giao thông tình phải từ 4-6%. Thế mà ở Thanh Hoa đường sá chưa được 10%, còn bến đỗ thì mới được già 0,5% thôi bố ạ.
Ông Hoè góp ý kiến:
- Anh cần nắm được quy hoạch chợ của thành phố. Chắc chắn phải có quy hoạch và kế hoạch cải tạo chợ cũ, xây dựng chợ mới rồi.
- Con đoán chắc, việc quy hoạch chợ sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc xây mới trên diện tích cũ ra, nội thành không còn quỹ đất xây chợ. Đến trường học còn không đào đâu ra đất nữa là chợ. Ven nội thì còn đất đấy. Nếu phải giải phóng mặt bằng cũng đỡ phức tạp hơn. Nhưng mấy cái chợ đầu mối ở ngoại thành, xây xong chả ma nào vào, chỉ để buộc trâu bò. Mấy cái siêu thị lớn mới xây ở các khu dân cư mới, với đa dạng hàng hoá, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, có nguồn tài chính lớn, có kinh nghiệm quản lý, hệ thống kĩ thuật tiên tiễn, hiện đại, chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu mua của một tầng lớp dân cư khá đông đấy, nhưng giá lại đắt. Họ phải chi phí quá nhiều cho đội ngũ nhân viên, điện chiếu sáng, điện cho máy điều hoà trung tâm, nên chủ yếu phục vụ lớp trung lưu. Vì thế, con tính nên xây dựng các siêu thị vừa và nhỏ.
Tối về, trong bữa cơm, Đại hỏi vợ:
- Hằng ngày em đi chợ nào?
- Ở ngõ ngang nối ra phố Huỳnh Văn Nghệ ấy.
- Đấy cũng có chợ à?
- Anh đi ô tô, không qua đoạn ấy. Dân cư khu này đều đi chợ ấy. Cũng đủ thịt thà, tôm cả, rau dưa, lòng lợn, thịt chó, thịt quay…
- Thế em không đi siêu thị à?
- Ối giời, nhiêu khê, cách rách lắm. Các chị ở công ty bảo, đông chết đi được. Chỉ được cái yên tâm về vệ sinh thôi. Mà đắt ra phết chứ chả rẻ đâu. Sao tự nhiên hôm nay anh lại hỏi chuyện đi chợ?
Đại ậm ừ không trả lời. Chả lẽ lại kể, hôm nay đi khảo sát chợ với những ai.
- Không lẽ, anh định kinh doanh chợ à?
Đại ngạc nhiên nhìn vợ âu yếm:
- Em nhạy cảm thật đấy. Tối nay thưởng em một trận đã đời nhé.
Linh cười, liếc chéo chồng một cái:
- Thế không đoán ra thì tuần này quỵt à?
- Ai quỵt mà đã kêu…
Linh không vừa:
- Thế không thưởng thì phải làm nghĩa vụ hay sao?
- Không phải nghĩa vụ, nhưng thưởng vẫn khoái hơn.
Chuyện đùa cợt như thế, trước kia chưa từng có giữa hai vợ chồng! Linh nói suy nghĩ chợt đến:
- Nếu có những gian hàng, nhà cửa rộng rài một chút, ở trong các khu dân cư, bán các loại thực phẩm, rau quả thì phụ nữ rất hoan nghênh, mà thành phố cũng văn minh hẳn lên. Hiện nay cũng có, nhưng họ toàn bán hàng thực phẩm công nghệ thôi.
Đại khoái quá reo lên:
- Ý tưởng thật hay. Đến phải thưởng nữa thôi?
Linh cười khoái ra mặt:
- Tức là đêm nay hai lần thưởng chứ gì? Anh nói thật đấy chứ?
- Hoàn toàn nghiêm túc, đồng chí vợ ạ!
Đại nhớ đến cái chợ ven đường mua cá hôm trước. Các chợ loại này đều hình thành tự phát. Khu dân cư nào chả có chợ. Nó thường ở nhưng ngõ ngách ít xe ô tô qua lại. Còn xe máy thì lách qua hay đành xuống dắt. Đấy là miếng cơm manh áo của một bộ phận nông dân, khi đất nông nghiệp của họ bị dùng vào các mục đích khác của quá trình đô thị hoá. Hoặc những người nông dân các tỉnh lân cận, chỉ biết trồng lúa, không tìm ra một nghề phụ gì, không biết chọn cây gì con gì, có năng suất cao hơn cái cũ, đành sáng sáng đèo hàng trên chiếc xe máy cà tàng từ các vùng rau, bỏ mối cho các bà ven nội, toả về các chợ này bán.
Ông Hoè cũng hỏi vợ một câu như Đại hỏi Linh.
Bà Phụng hỏi lại:
- Xa thế, ai đèo tôi đi? Ông đèo chắc? Mà vào siêu thị cũng phải ăn mặc tươm tất. Bọn tôi quần áo thể dục sáng, quần áo mặc nhà cũng đi chợ được. Ăn bao nhiêu mà phải khuân hàng siêu thị chất vào tủ lạnh. Hay gì cái thứ của ướp lạnh ấy. Ở cửa hàng, họ đã ướp lạnh cả tháng chứ ít gì. Đây chỉ mấy bước chân, rau tươi, cá đang giãy đành đạch, tội gì!
Ông Hoè nghĩ, loại chợ thuần tuý Việt Nam vẫn là nơi làm ăn của người buôn bán nhỏ. Trừ mấy cửa hàng công nghiệp vốn liếng khá. Mà việc sắp xếp loại này cũng dễ. Cái anh buôn bán nhỏ, phục vụ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày mới khó. Lại cũng phải nghĩ đến khía cạnh nhân sinh của vấn đề đâu cứ dùng công an quản lý thị trường, dân phòng mà giải quyết được. Đuổi chỗ này, chạy chỗ khác thôi.
Hôm sau Đại gọi điện cho em gái, cũng để hỏi ý kiến về chợ. Thảo Tần nói:
- Mai thứ bảy rồi, vợ chồng em mời ông bà, anh chị và cháu đến ăn cơm. Em muốn thưa chuyện cháu Thuỳ Dương. Nhân thể sẽ trả lời câu hỏi của anh. Để em còn chuẩn bị ý kiến chứ. Em gọi cháu Cường không được. Anh gọi cháu hộ em.
Đại bảo:
- Cô kệ nó. Nó không tham gia những cuộc như thế này đâu. Hôm qua ông, tôi và nó vừa làm một cuộc khảo sát về chợ nên muốn tranh thủ ý kiến nhà giáo đấy.
Nói công việc thì hào hứng đấy. Nhưng một nỗi buồn sâu xa chợt đến với Đại. Không nhẽ, không bao giờ Cường có mặt trong những cuộc gặp mặt đông đủ cả nhà?
Mỗi lần họp mặt đại gia đình, cu Thành lập tức trở thành trung tâm chú ý của cả nhà. Đại đã thuyết phục được vợ mướn chị Hảo ở quê lên giúp việc. Cũng là chỗ dây mơ rễ má với mẹ Linh, chỉ hơn cô bốn năm tuổi. Chồng Hảo chỉ vật vờ ra vào. Nông dân chả ra nông dân, thợ xây chả ra thợ xây. Chỉ giỏi cờ bạc. Được chỉ vài chục, mà mất thì cả trăm. Được hai đứa con trai bảy và chín tuổi lại tòi ra một đứa nữa. Lừa lúc vợ đi chợ, anh chồng bế đứa bé mới sáu tháng tuổi đem bán cho một gia đình hiếm muộn lấy mấy triệu bạc. Hằng ngày Hảo trông thằng Thành, cơm nước, dọn dẹp lau nhà cửa. Linh mới học thêm một lớp tiếng Pháp nên tối về phải học nhiều. Cô vẫn học tiếng Anh đều. Đã từ lâu, cả nghe, nói, viết đều hơn hẳn Đại.
Những hôm nhà có công việc thế này mới thấy Hảo được việc. Chị em Linh, Tần chỉ phải đóng vai chỉ đạo kỹ thuật. Hôm nay, chị em Tần làm món phở cuốn. Quyết định thành công món này là thịt bò bắp thái mỏng, giần bằng sống dao, ướp tỏi, tiêu, mì chính, nước mắm xào chín tới. Mấy miếng thịt bò kẹp với một lá sà lách, rau mùi, rau thơm, giá trần. Một lá bánh phở cuốn bên ngoài, chấm với chính nước xào thịt bò, pha thêm giấm, nước mắm, hạt tiêu. Cá nhà đều khen lạ miệng, ăn không chán. Tần vội lên tiếng nhắc mọi người, dành bụng ăn phở sốt vang. Đại bảo vợ:
- Nghỉ giải lao đã, ăn phở sau.
Anh tranh thủ hỏi vợ chồng Kiên, Tần chuyện chợ búa.
Kiên bảo:
- Bác điểm đúng huyệt đấy. Chợ bao giờ cũng là thước đo sức khoẻ nền kinh tế, thể hiện trung thực sức mua bán của dân, mức sống xã hội. Nó cũng là bộ mặt xã hội. Đảo qua chợ Thanh Hoa, thấy nhếch nhác lôi thôi, mất vệ sinh quá. Không ai dám chắc an toàn vệ sinh thực phẩm không có vấn đề gì. Riêng quận em, mới thành lập từ một phần quận nội thành, một phần huyện ngoại thành, tình trạng nửa tỉnh, nửa quê càng lôi thôi, nhếch nhác.
- Thế… nếu tôi đầu tư xây mới chợ cũ thì sao?
- Em hoan nghênh quá đi chứ, - anh vội nói ngay, - Nhưng phải làm đúng luật.
- Đấu thầu chứ gì? Dĩ nhiên rồi.
- Sẽ kéo theo một loạt vấn đề đấy bác ạ.
- Tôi hình dung mấy việc này nhé: Kiếm mặt bằng dựng chợ tạm này. Phá dỡ chợ cũ, xây chợ mới này. Huy động vốn đóng góp của các chủ kinh doanh cũ này. Sắp xếp lại nơi bán hàng ở chợ mới này…
- Bác nói thề tức là xây chợ mới, nhưng phương thức kinh doanh vẫn theo lối cũ chứ gì?
- Tôi tính không biết liệu có thể bổ dọc, tốt nhất là bổ ngang để thành hai chợ riêng biệt, một đằng vẫn buôn bán theo lối cũ, một đằng chơi hẳn kiểu mới, trung tâm thương mại hay siêu thị hẳn hoi. Ngẫu nhiên hình thành một đối chứng
Ông Hoè lại thủng thẳng:
- Ý tưởng hay đấy. Nhưng phải có ít nhất hai phương án thiết kế. Tổ chức triển lãm lấy ý kiến nhân dân.
Kiên chợt giật mình.
Anh cũng đã nghĩ đến việc lấy ý kiến nhân dân lâu nay hoàn toàn là chuyện bánh vẽ. Bởi dân cũng chả biết đóng góp ý kiến thế nào. Cũng có người phát biểu trên báo hẳn hoi. Nhưng, những ai có ý kiến trên mặt báo? Liệu đấy có đại diện cho tất cả mọi người? Cuối cùng cũng lại do mình quyết. Thế nên sau đó, vẫn có ý kiến phản đối. Mà phản đối là đúng chứ. Chắc gì ý kiến của mình đã đúng. Đến ngay cả thiết kế nữa. Lắm khi, ý kiến của hội đồng chuyên môn cũng bị gạt đi. Cứ quyết định theo quan điểm chính trị của ta. Mà chính trị thì, lắm việc chỉ mang tính thời sự, nhất thời.
Kiên muốn đi xa hơn, để người dân thật sự có quyền làm chủ.
- Con tính thế này, ông và bác Đại xem thế nào. Phần đầu thì đúng như ông nói. Nhưng không phải là lấy ý kiến nhân dân mà là trưng cầu ý dân.
Ông Hoè sướng quá, tôi lông mày vểnh ngược chớp liền mấy cái:
- Thế thì nhất rồi. Nghĩa là ý kiến đa số sẽ là ý kiến quyết định. Chính đa số quyết định chứ không phải chỉ để tham khảo như lâu nay ta vẫn làm.
Đại chêm vào:
- Làm được như thế thì khi thực hiện, không còn ai có ý kiến ra vào được nữa.
Kiên trầm ngâm. Sẽ vất vả với vụ này đây. Lạ quá mà, mới quá mà. Anh biết việc này rất dễ bị ngáng chân. Rất có thể bị cản phá. Không phải chỉ phá việc này mà còn phá cả mình. Linh cảm chính trị mách bảo, chẳng có bước đi khác. Anh gọi điện ngay cho Bí thư Thành uỷ. Nói qua công việc và ý đồ của mình. Mới được mấy câu, ông Trân đã gạt đi:
- Thôi, thôi ông đừng nói nữa…
Kiên hơi hoảng. Hỏng mất rồi. Nhưng giọng ông Trân không có vẻ gì là phật ý. Nói đến đây, ông ngừng lại một tí như cân nhắc, rồi tiếp:
- Hôm nay là ngày nghỉ. Ông đến tôi chơi được không? Vừa thăm nhà tôi, vừa trò chuyện công việc. Chả hiểu vì lẽ gì nhà tôi rất muốn gặp ông… Hỏi ý kiến chị ấy đi rồi trả lời tôi.
Kiên bịt ống nói, kể với cả nhà lời mời của ông Tần rồi hỏi:
- Anh cho giờ cụ thể ạ!
Đặt ống nghe xuống, Kiên giục vợ cho mình bát phở.
Linh cắt quả chanh làm tư, đưa cho Kiên một miếng. Tần vội ngăn lại:
- Nhà em thích ăn giấm cơ. Bây giờ có giấm Pháp rất ngon. Em ngâm tỏi. Bản thân giấm cũng là vị thuốc. Tỏi thì rõ là kháng sinh đường ruột rồi.
Kiên nói với bố:
- Nhà con sẽ thưa chuyện với ông và bác Đại về chuyện cháu Thuỳ Dương. Con ăn trước rồi đi bây giờ.
Anh định gọi điện cho lái xe. Đã nhấc máy, nghĩ thế nào lại đặt xuống. Cả nhà đang nhìn anh, nên đều trông thấy động tác vừa rồi. Tần hỏi:
- Anh định đi xe máy à?
Kiên nhìn vợ. Đấy là người hiểu anh nhất. Hiểu cả những ý nghĩ trong đầu anh. Hiểu thói quen, hiểu từng cử chỉ của anh. Một người vợ dịu hiền và không kém phần sắc sảo, thông minh thế này, nếu anh phụ lòng thì thật vô đạo…
- Để chú ấy có một ngày nghỉ trọn vẹn với vợ con. Đến đấy cũng không xa mà.
Kiên đi rồi, ông Hoè nói thay cả nhà:
- Nó là niềm tự hào của cả nhà ta đấy. - ông nhìn con gái. - Con phải là hậu phương yên ổn, vững chắc của nó. Phải là người bạn, người đồng chí tin cậy, để nó tựa vào những lúc khó khăn.
Kiên xưng tên với người vệ binh trẻ trong trạm gác. Anh này lễ phép:
- Chú đợi cho một tí ạ!
Anh ta nhấc máy gọi vào trong nhà. Thư ký bí thư ra cổng mời Kiên theo mình, rồi đón xe máy anh dắt vào. Anh đi qua một mảnh sân có mấy chậu hoa sứ, một cây lộc vừng có cái thế rất lạ. Không phải thế hoành. Cả cái thân cổ thụ nằm sóng xoài trong cái chậu giả đá hình chữ nhật. Vừa rời mắt khỏi nó, đã thấy ông Trân hiện ra trước sảnh. Mái tóc trắng phau cắt cao. Đôi mắt tươi cười sau cặp kính thường trực. Gương mặt vẻ trí tuệ và thân tình. Nếu mái tóc kia nhuộm đen nhánh, không biết Kiên có kém phần kính nể? Ông Trân đưa tay ra bắt rồi kéo Kiên lại, ôm lấy anh. Lần đầu tiên ông làm thế với Kiên.
Hẳn đấy là kết quả một thời gian công tác với nhau, tuy ngắn nhưng tốt đẹp. Đấy không phải là cứ chỉ xã giao. Không phải với ai dưới quyền, ông cũng làm thế. Vừa cầm tay dắt Kiên vào phòng khách, ông vừa gọi vào phòng trong:
- Chi ơi, khách quý của em đây!
Trong bộ váy liền áo xanh lá cây, tay lửng, với hàng khuy dầy, chạy suốt từ ngực xuống đầu gối, có dải thắt sau lưng, trông bà Chi thật nền nã. Cái nền nã không chỉ ở sự ăn mặc giản dị, nhưng không cổ, cổ điển thì đúng hơn. Nền nã ở mái tóc uốn thả xuống với với dải ruy băng và khuôn mặt bầu bầu đôn hậu, không phấn son thật dễ mến.
- Chào anh Kiên. Nghe tiếng anh lâu rồi, hôm nay mới gặp.
Bà Chi mời khách uống nước, một cốc khác đặt trước mặt chồng. Bà rất quý những người thẳng thắng như Kiên. Đến cái vụ liên quan với Bí thư Thành uỷ cũ thì càng nể hơn.
- Anh uống nước. - Không cười, nhưng mặt bà tươi tỉnh, tỏ ra rất vui vì cuộc gặp gỡ. - Anh cùng nghề, cùng nghiệp với nhà tôi. Còn tôi thì lại cùng nghề, cùng nghiệp với vợ anh!
- Thế ạ? Chị dạy môn gì ạ? Chắc chị nghỉ rồi?
- Vâng, tôi mới nghỉ. Tôi dạy văn, cùng học tổng hợp với nhà tôi, sau hai lớp. Học tổng hợp nhưng lại đi dạy học. Chị Thảo Tần, treo ấn từ quan là chuyện lạ đấy. Cả ngành giáo dục Thanh Hoa bàn về chuyện ấy, nhất là cuộc đối thoại giữa chị ấy với giám đốc mới hay chứ.
- Thưa chị, nhà tôi được cái thẳng thắn.
Bà Chi biết có việc gì đó cần trao đổi giữa hai người, nên dừng chuyện lại bằng một lời dặn khéo:
- Anh xơi nước đi. Lần sau đưa chị ấy đi cùng nhớ. Để chị em tôi trò chuyện cho vui.
Kiên cầm cốc nước lên:
- Vâng ạ, mời anh chị xơi nước.
Bà Chi nhìn Kiên uống nước, cáo lui:
- Thôi, để hai anh nói chuyện công việc…
Bà vừa đứng dậy thì Kiên kêu lên ngạc nhiên:
- Thưa chị, nước gì mà ngon thế ạ. Vừa ngọt, vừa chua, lại hơi mằn mặn. Cái vị rất quen mà chưa gọi tên ra được.
Bà Chi cười mãn nguyện:
- Nước sấu ngâm đấy. Nhiều vị khách khen món nước quả này. Tôi sẽ phổ biến cách làm món này cho Thảo Tần. Thanh Hoa mình có món canh sấu thịt, sấu dầm, sấu ngâm và chè sấu. Độc đáo đấy anh ạ.
- Cảm ơn chị!
Bà Chi vào nhà trong, ông Trân mới hỏi:
- Vấn đề tổ chức nhân sự Lâm Du thế nào? Chị Diệu xin sang Thành hội Phụ nữ thì bổ sung ai? - giọng ông có cái gì như tiếc nuối. - Người như thế mà có anh chồng tệ quá nhỉ?
Trong suy nghĩ của ông, Diệu xin chuyện công tác là vì chuyện Vũ Sán. Ông không hề biết lý do thực của việc Diệu thay đổi môi trường làm việc. Nếu vì chuyện chồng thì phải chuyển vùng, vào hẳn đâu có một tỉnh phía Nam mới bớt được dư luận. Đằng này vẫn ở thành phố này. Kiên cũng chạnh lòng. Nếu không có chuyện với mình, Diệu không đi đâu. Hai người cứ chông chênh như đi trên dây thép. Nếu chị không đi, không sớm thì muộn, thế nào hai đường tiệm cận cũng có ngày tiếp cận. Hai con người chứ đâu phải hai đồ thị toán học. Kiên thầm cảm ơn sự hy sinh của Diệu để tạo ra một khoáng cách.
- Thôi hãy gác chuyện nhân sự lại. Cho tôi nghe ý tưởng của ông về chuyện chợ búa xem nào?
Nghe xong, ông Trân gật liền mấy cái:
- Nếu giải quyết được việc này, ông sẽ mở ra một hướng giải quyết cho thành phố theo cách xã hội hoá. Chỉ có điều… tâm lý bà con tiểu thương phức tạp đấy. Dễ thất thường như giá cả thị trường vậy. Vì thế mọi động tác, bước đi phải tính toán cẩn thận, đặc biệt chú ý đến khía cạnh pháp lý.
- Thưa anh, tôi định tổ chức trưng cầu dân ý, chứ không phải làm phiếu thăm dò để tham khảo đâu ạ!
Ông Trân ngẫm nghĩ mừng ra mặt:
- Một cách làm táo bạo. Thế mới là làm chủ thực sự. Cứ mạnh dạn làm.
- Thưa anh, có sợ bị thổi còi, cho là chơi trội? Tôi đã bị tiếng oan thế rồi.
- Quả thật, nếu thành công thì đây là cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên ở nước ta đấy. Tôi nghĩ, cũng không ngại. Bởi đây chỉ là một việc cụ thể, gắn với quyền lợi sát sườn của một nhóm dân cư cụ thể. Chứ không phải về một vấn đề chính trị rộng lớn, trong phạm vi cả nước.
Kiên ngần ngừ rồi nói:
- Còn một việc nữa, đã nảy ra trong đầu lâu lâu rồi, hôm nay trình bày với anh luôn thể. Đề xuất này, nếu thực hiện thì rất hay mà lại không tốn ngân sách thành phố.
Ông Trân vui lắm. Ông gọi với vào nhà trong, nói bà Chi pha thêm nước.
- Rất hay mà lại không tốn ngân sách thì hoan nghênh quá rồi. Nào, uống nước đi, rồi vắn tắt cho tôi nghe tinh thần vấn đề.
- Đã từ lâu tôi thấy công tác xét xử của toà án có cái gì có không ổn. Vì sao nhiều án quyết của toà án cấp dưới lại hay bị toà án cấp trên buộc điều tra lại, xử lại, hoặc bị bác? Có thể, do luật quy định khung pháp lý có biên độ rộng, nên họ vận dụng theo quan niệm của họ. Cũng không loại trừ họ vận dụng theo ý đồ riêng, mục đích riêng. Nhưng rất có thể còn có lý do trình độ của thẩm phán hạn chế.
Chăm chú nghe Kiên nói, ông Trân phải công nhận tay này có nhiều ý tưởng hay thật. Hình như, hễ để mắt vào chuyện gì, y như rằng anh ta phát hiện được ra điều gì đó bất hợp lý và lại chỉ ra ngay giải pháp mới hay. Tò mò, ông hỏi Kiên, từ đâu mà có đề xuất này. Kiên kể lại chuyện lén dự một phiên toà ở quận mình. Thấy bộc lộ nhiều hạn chế quá.
"Hôm ấy mà ghi âm được để anh nghe lại thì buồn cười lắm"
Ông Trân ngẫm nghĩ một tí, đôi mắt thông minh sau cặp kính trắng quả quyết:
- Đề xuất của ông có ý nghĩa xã hội và chính trị lớn lắm. Ông làm ngay tờ trình đi. Hay thật đấy!
- Báo cáo, cuối tuần sau anh nhận được thôi ạ.
Kiên uống nốt cốc nước lạ miệng, xin phép về. Ông Trân vừa tiễn ra cửa vừa dặn thêm:
- Điều ta vừa thống nhất với nhau là cái định làm. Sự đúng đắn của nó, mới đảm bảo thành công một nửa. Nửa còn lại, phụ thuộc vào cái sẽ làm. Chỗ này ông phải hết sức chi tiết, cụ thể. Cái phiếu trưng cầu dân ý ấy, nếu tiện, cho tôi xem qua trước.
- Vâng, thế nào cũng phải xin ý kiến anh, - Kiên đưa mắt vào nhà trong - Anh cho tôi chào chị. Nếu được mời, thế nào tôi cũng đưa nhà tôi đến thăm anh chị.
Mấy ngày sau, khi Lâm Du gửi tờ trình đi, Văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thanh Hoa nhận được tờ trình ấy với bút phê của Bí thư Thành uỷ: "Đồng ý về nguyên tắc. Đề nghị Uỷ ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an Thành phố, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh và quận Lâm Du tổ chức triển khai thí điểm, từng bước tổng kết rút kinh nghiệm".
Lửa Đắng Lửa Đắng - Nguyễn Xuân Khánh Lửa Đắng