Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương 24
D
avid Coleman ngủ không yên giấc. Suốt đêm tâm trí anh cứ trở về với bệnh viện Three Counties, khoa Xét nghiệm và bác sĩ Joseph Pearson.
Không một biến cố nào trong những ngày vừa qua làm thay đổi được lầm lỗi của bác sĩ Pearson trước cái chết của em bé Alexander. Tuy ông đã tỏ ra có tinh thần trách nhiệm rất cao vào tuần trước, sai lầm của ông vẫn tồn tại. Coleman cũng không thay đổi suy nghĩ cho rằng khoa Xét nghiệm của bệnh viện Three Countie về mặt quản trị, là một mớ hỗn độn, bị sa lầy vì những quan niệm cổ hủ, bị què quặt vì những phương pháp lỗi thời mà lẽ ra cần phải được vứt bỏ từ lâu rồi.
Thế nhưng, qua bốn ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt vừa rồi, David Coleman thấy lòng mình đối với Pearson có thay đổi và hòa dịu. Tại sao nhỉ? Mới tuần trước đây thôi, anh còn xem Pearson là kẻ bất tài gần đất xa trời mà còn tham quyền cố vị. Từ đó, không có gì cụ thể xảy ra đủ làm thay đổi sự đánh giá chắc nịch của anh. Thế thì lý do nào khiến anh áy náy về điều ấy trong lúc này?
Đã đành không thể chối cãi được rằng ông cụ đã chỉ đạo chiến dịch thương hàn một cách quyết liệt và tài tình mà Coleman nếu có đứng ra đảm đương chắc cũng thua xa. Nhưng chuyện đó có đáng ngạc nhiên cho lắm hay không? Xét cho cùng, chẳng qua là nhờ vào kinh nghiệm. Pearson lại đang vướng vào tình cảnh khó khăn nên phải gắng sức đạt thành công, âu đó cũng là điều dễ hiểu.
Lúc này, cái nhìn khái quát của anh về Pearson không còn gay gắt và chắc nịch như trước nữa. Một tuần trước đây anh còn xếp nhà bệnh lý học cao niên này vào hàng trí thức “rỗng tuếch” tuy đã có những thành tích này thành tích nọ trong quá khứ. Nhưng nay anh không dám chắc về điều ấy nữa. Anh ngờ rằng giờ đây mình sẽ không dám chắc về nhiều điều khác.
Không ngủ được, anh đến bệnh viện rất sớm. Lúc hơn 8 giờ anh bước vào văn phòng xét nghiệm và thấy bác sĩ tập sự Roger Mc Neil đang ngồi tại bàn làm việc của Pearson.
- Xin chào - Mc Neil nói - ông là người trước tiên đấy. Những người khác có lẽ còn đương ngủ cả.
David Coleman hỏi:
- Công việc còn đọng lại nhiều chứ hả?
- Không đến nỗi nào - Mc Neil đáp - Những việc quan trọng tôi đuổi kịp cả rồi. Chỉ còn lại một mớ thuộc loại không cần gấp. Seddons đã giúp cho rất nhiều. Tôi đã bảo hắn bám theo bệnh lý học luôn thay vì trở về với phẫu thuật.
Một ý nghĩ khác nữa đang làm cho Coleman băn khoăn. Anh hỏi bác sĩ tập sự:
- Còn cô y sinh, cái cô bị cưa chân ấy mà. Cái chân đã được khảo sát lại chưa - Anh nhớ lai cuộc chẩn đoán mà Pearson và anh đã bất đồng ý kiến.
- Chưa - Mc Neil tìm trong chồng hồ sơ bệnh án nằm trên bàn rồi lớn tiếng đọc: Vivian Loburton, tên cô gái đó! Việc này chưa cần nên tôi vẫn để dành đó. Cái chân vẫn nằm trong tủ lạnh. Ông muốn tự tay làm việc này chăng?
- Phải - Coleman đáp. Có lẽ tôi sẽ làm.
Anh cầm tập hồ sơ đi đến phòng mổ xét nghiệm tử thi.
Từ tủ lạnh giữ xác, anh lấy cái chân ra và bắt đầu tháo lớp băng cuốn. Lớp thịt lạnh và trắng xanh, máu đông lại ở mặt cắt ngang đùi. Anh nắn tìm khối u và thấy ngay một khoảng sưng trên củ lồi trong của xương chày, sát dưới đầu gối. Anh dùng dao cắt sâu xuống, nỗi say mê lên cao vì những gì bày ra trước mắt.
o O o
Người hầu đỡ lấy áo khoác và mũ của O’Donnell rồi đem treo trong một chiếc tủ trên hành lang lộng lẫy, thâm u. Đảo mắt nhìn quanh, O’Donnell tự hỏi nếu có kẻ giàu có nào đó thích sống trong khung cảnh này thì lý do là tại sao. Anh phỏng đoán có lẽ đối với những người như Eustace Swayne, cảnh nhà mênh mông hoang vắng, vẻ đài các lộng lẫy và những bức tường trạm trỗ lạnh lùng gợi lên hình ảnh quyền lực phong kiến gắn liền với ngày xưa chốn cũ trong lịch sử. O’Donnell tự hỏi rồi đây tòa nhà này sẽ ra sao khi ông cụ chết đi. Rất có thể nó sẽ trở thành viện bảo tàng, nhà triển lãm nghệ thuật hay có lẽ sẽ bị bỏ hoang và mục nát như số phận của nhiều tòa nhà trước kia. Dường như không thể hình dung được sẽ có người đến nhận nó làm nơi sinh sống. Theo lôgic, ngôi nhà này phải đóng cửa từ năm giờ chiều đến sáng ngày hôm sau.
Anh chợt nhớ ra rằng trong bốn bức tường nghiệt ngã này, Denise đã sống qua hết thời thơ ấu. Dạo ấy nàng có được hạnh phúc không nhỉ?
-Thưa quý ông, ngài Swayne hôm nay không được khỏe - Người hầu nói - Ngài hỏi quý ông có cảm phiền cho ngài được đón tiếp quý ông trong phòng ngủ chăng?
- Không phiền gì đầu – O’Donnell đáp. Anh chợt nghĩ ra rằng có lẽ phòng ngủ lại là nơi thích hợp cho những điều anh cần nói ra. Nếu chẳng may vì nghe anh nói mà ông ta bị ngập máu thì đã có sẵn giường để vực ông ta lên nằm.
Anh theo người hầu lên cầu thang lượn vòng rộng rãi rồi bước vào một hành lang, tiếng chân đi êm nhẹ nhờ lớp thảm lót rất dày. Đến trước một cánh cửa nặng nề đầy những núm đinh trang trí, người hầu gõ cửa, kéo then sắt rồi đưa O’Donnell vào trong gian phòng rộng mênh mông.
Mới đầu, O’Donnell không nhìn thấy Eustace. Mắt anh bị chói vì những ngọn lửa bốc cao trong một lò sưởi lớn đốt bằng củi. Hơi nóng trong lò sưởi hắt ra như một cú đập mạnh.
Trong phòng nực nội hầu như không chịu nổi tuy lúc này là buổi sáng cuối tháng tám ôn hòa. Và rồi anh trông thấy Eustace Swayne quấn người trong chiếc áo khoác có thêu tên tắt lồng vào nhau đang ngồi tựa vào những chiếc gối trên mặt giường rộng bao la. Khi đến gần, O’Donnell sửng sốt trước vẻ tiều tụy của ông cụ so với lần gặp gỡ trước trong bữa tiệc tối với Orden Brown và Denise.
- Cảm ơn anh đã đến với tôi - Cả giọng nói cũng yếu hơn trước. Ông đưa tay ra mời khách vào chiếc ghế bên cạnh giường.
Khi đã ngồi xuống, O’Donnell nói:
- Tôi nghe tin ông muốn gặp tôi - Anh đã thầm sửa lại vài câu nói nặng nề đã chuẩn bị sẵn trong đầu. Tất nhiên vẫn phải giữ vững lập trường về Joe Pearson, nhưng ít ra anh có thể nói năng cho nhã nhặn. Anh không muốn đấu trí với ông già suy nhược này nữa vì cuộc so tài sẽ không cân sức.
- Joe Pearson đã đến gặp tôi - Swayne nói - Đâu như là ba ngày trước.
Thảo nào Pearson đã vắng mặt mấy tiếng đồng hồ và bệnh viện cố tìm ông ta mãi.
-Vâng – O’Donnell nói Tôi đoán chừng thế nào ông ta cũng đến với ông.
- Ông ta bảo với tôi rằng ông ta sắp rời bỏ bệnh viện.
Giọng nói của ông cụ nghe ra rất yếu ớt, cho đến lúc này vẫn chưa lộ vẻ chống báng mà O’Donnell vẫn chờ đợi.
Nhấp nhổm muốn biết cụ thể sẽ xoay tiếp ra sao, anh trả lời:
- Vâng, đúng như thế.
Ông cụ im lặng. Lát sau ông nói:
- Ở đời có những điều không thể lường trước được - giọng nói lúc này đã nhuốm vẻ xót xa. Hay đây là sự đầu hàng hoàn cảnh, Khó mà nói chắc được.
- Tôi cũng nghĩ thế - O’Donnell đáp nhỏ nhẹ.
- Đến gặp tôi, Joe Pearson đặt ra hai yêu cầu. Một là sự đóng góp của tôi vào việc xây dựng bệnh viện không kèm theo một điều kiện nào cả. Tôi đã đồng ý.
O’Donnell yên lặng để cho ý nghĩa những lời nói ấy thấm sâu vào lòng. Ngưng lại một chút, ông cụ nói tiếp:
- Yêu cầu thứ hai có tính cách riêng tư. Ở bệnh viện có một nhân viên tên là Alexander phải không?
- Vâng – O’Donnell ngạc nhiên - John Alexander, chuyên viên công nghệ phòng thí nghiệm.
- Vợ chồng anh ta mới mất một đứa con?
O’Donnell gật đầu.
- Joe Pearson xin tôi giúp tiền bạc cho chú nhỏ này ăn học suốt những năm theo trường thuốc. Tất nhiên chuyện ấy tôi có thể làm được rất dễ dàng, ít ra tiền bạc còn dùng được vào chuyện này chuyện khác nữa - Swayne với tay lấy một chiếc phong bì màu nâu căng phồng trên mặt nệm giường -Tôi đã yêu cầu luật sư riêng lo việc này rồi. Sẽ có một ngân quỹ đủ để trả học phí và cho vợ chồng anh ta sống thoải mái. Sau này nếu anh ta muốn vào chuyên khoa thì sẽ có một khoản tiền nữa - Ông cụ ngừng lại như để nghỉ một lát rồi nói tiếp: - Nhưng tôi còn nghĩ đến một cái gì đó để kéo dài mãi mãi. Sau này sẽ có thêm những thứ khác nữa cũng đáng chăm lo như thế. Tôi muốn ngân quỹ ấy tiếp tục mãi dưới sv quản lý của hội đồng quản trị bệnh viện Three Counties. Tôi chỉ đòi cho bằng được một điều kiện.
Eustace Swayne nhìn thằng vào mặt O’Donnell và nói như thách thức: - Ngân quỹ ấy sẽ được gọi là Quỹ bảo trợ Y khoa Joseph Pearson. Anh có phản đối không?
Xúc động và hổ thẹn, O’Donnell trả lời:
- Thưa ông, chẳng những không phản đối mà tôi còn thấy đây là một trong những việc làm cao quí nhất của ông.
o O o
- Mike ơi, anh cứ nói thật đi - Vivian nằm trên giường bệnh, còn Mike Seddons đứng bối rối bên cạnh.
Họ mới gặp lại nhau sau mấy ngày xa cách. Tối hôm qua, sau khi có lệnh bãi bỏ việc sơ tán, Vivian thử liên hệ với Mike bằng điện thoại nhưng vẫn hoài công. Sáng nay anh đã đến, không chờ nàng phải gọi, theo đúng sự ước hẹn mấy ngày trước đây. Lúc này, ánh mắt nàng xoi mói trên mặt anh. Mối sợ hãi khích động nàng, linh tính nói lên những điều nàng không muốn biết.
- Vivian - Mike nói, nàng thấy anh run run - Anh phải nói chuyện với em.
Vivian không đáp, chỉ đăm đăm nhìn vào mắt anh. Anh đưa lưỡi liếm đôi môi khô. Anh biết mặt mình đỏ bừng và thấy tim đập mạnh. Bản năng thúc đẩy anh quay đi và bỏ chạy. Nhưng anh vẫn đứng đó, ngập ngừng, cố tìm lời mà lời chẳng đến.
- Có lẽ em biết anh muốn nói gì rồi, Mike ạ.
Giọng Vivian bình thản, dường như cạn không cảm xúc - Anh không muốn cưới em. Em chỉ là gánh nặng cho anh... với hình hài như thế này.
- Ồ, Vivian yêu quí...
- Đừng, Mike. Em van anh.
Anh nói gấp gáp, khẩn khoản:
- Xin em nghe anh, Vivian... nghe anh nói hết đã! Vấn đề không đơn giản như thế... - Giọng anh lại ngập ngừng, bối rối.
Suốt ba hôm nay anh cố tìm lời khéo léo để đối phó với giây phút này, nhưng lòng vẫn biết rằng cho dù có nói thế nào đi nữa, hệ quả sẽ vẫn như thế thôi.
Trong những ngày tạm xa nhau, Mike Seddons sờ sẫm thăm dò những kẽ hở trong linh hồn và lương tâm mình. Những gì anh tìm được ở đó đã khiến anh ghê tởm và khinh bỉ bản thân, nhưng đồng thời anh cũng thấy được sự thật. Anh biết chắc chắn cuộc hôn nhân giữa anh với Vivian sẽ không có hạnh phúc - Chẳng phải vì khuyết tật của Vivian, nhưng là của chính anh.
Trong những lúc tự tra vấn, anh cố ép mình xét đến những tình huống mà rồi đây hai người có thể rơi vào. Với trí tưởng tượng phong phú, anh thấy hai vợ chồng bước vào một căn phòng đông người, anh trẻ trung, cường tráng, lành lặn, nhưng Vivian bám tay anh bước đi chậm chạp, tập tễnh, có lẽ còn phải chống gậy nữa, nhưng nếu không được lắp chân giả thì chống gậy vẫn là chưa đủ. Anh thấy mình bơi lặn đùa với sóng cồn hoặc nằm phơi trần trên bờ biển, nhưng cạnh đó là Vivian ăn mặc kín đáo chẳng chia sẽ được với anh bởi cái chân giả có gì là đẹp đẽ để mà phô bày, và nếu cởi y phục ra, nàng sẽ trở thành một con quái vật bất động, kỳ dị, khiến người ta phải thương hại quay mặt đi.
Chưa hết.
Cố vượt qua miễn cưỡng và bản năng nghiêng về sự tao nhã, anh nghĩ đến chuyện gối chăn. Anh mường tượng ra cảnh hai vợ chồng đứng trước giường ngủ ban đêm. Khi ấy Vivian sẽ tự tháo cái chân giả hay anh phải giúp nàng? Đang cởi quần áo mà biết trước cái vật ấy nằm dưới lớp vải, thử hỏi có còn vuốt ve ấu yếm được không? Rồi thì làm tình thế nào - để chân lại hay tháo chân ra? Nếu để lại cảm giác sẽ ra sao nhỉ - cái chân bằng nhựa cứng đờ ép sát thân thể háo hức của anh? Nếu tháo ra, cái mỏm cụt cạ vào người anh sẽ như thế nào? Liệu có thỏa mãn không khi giao hợp với một thân xác không toàn vẹn. Mike Seddons toát mồ hôi. Anh đã dò tới những thẳm sâu và soi thấy bóng mình.
- Mike, anh không cần phải giải thích - Lần này giọng Vivian nghèn nghẹn.
- Nhưng anh muốn giải thích! Cần phải giải thích cho em hiểu! Có rất nhiều điều đôi ta phải nghĩ đến - Anh nói nhanh và hăm hở, cố gắng làm cho Vivian hiểu được nỗi thống khổ tinh thần mà anh đã phải chịu trước khi đến đây. Mãi đến lúc này anh vẫn cần được nàng thông cảm.
- Vivian ạ, anh đã suy nghĩ kỹ. Em se được thảnh thơi...
Anh thấy nàng đang nhìn mình, ánh mắt thẳng thắn, không nao núng, mà trước đây anh không hề lưu ý.
- Mike, xin anh đừng nói dối. Có lẽ anh nên đi đi thì hơn.
Anh biết không còn gì nữa. Lúc này anh chỉ muốn thoát khỏi nơi này để khỏi phải gặp ánh mắt của Vivian. Nhưng anh còn lưỡng lự.
- Rồi em sẽ làm gì.
- Em cũng chưa biết nữa. Nói thật với anh, cho tới nay em vẫn chưa nghĩ đến điều ấy.
Giọng Vivian rất bình thản, nhưng rõ ràng nàng đang phải cố gắng rất nhiều – Có lẽ em sẽ tiếp tục nghề điều dưỡng nếu người ta còn nhận em. Chưa biết em đã khỏi bệnh chưa, nếu chưa thì còn bao lâu nữa. Thế đấy, phải không Mike?
Anh sụp mắt xuống.
Ra tới cửa, anh quay lại nhìn lần cuối cùng.
- Tạm biệt Vivian.
Nàng muốn lên tiếng đáp, nhưng không cố nén được nữa.
o O o
Từ lầu hai Mike Seddons theo cầu thang xuống khoa Xét nghiệm. Anh bước vào gian phòng phụ sát bên phong mổ tử thi và thấy David Coleman đang khảo sát một cái chân nhợt nhạt và vô hồn. Máu bầm ứa ra từ những vết dao của Colelman. Trong một thoáng hãi hùng, Seddons hình dung ra cái chân này mang bí-tất ny-lông và đi giày cao gót.
Và rồi, sự mê hoặc gớm ghê nào đó kéo anh bước lại gần và đọc tên người trên hồ sơ bệnh án đang mở sẵn.
Ngay sau đó, Mike Seddons bước ra hành lang và ói mửa xuồng chân tường.
o O o
- À, bác sĩ Coleman! Xin mời vào.
Kent O’Donnell lịch sự đứng lên khỏi bàn làm việc khi nhà bệnh lý học trẻ tuổi bước vào phòng. Ban nãy, khảo sát xong, David Coleman đang thu dọn thì nhận được lời nhắn gọi của bác sĩ trưởng.
- Mời anh ngồi – O’Donnell chìa ra một hộp thuốc lá bằng vàng trạm - Anh hút thuốc?
- Cảm ơn - Coleman rút một điếu thuốc và nhận mồi lửa từ tay O’Donnell. Anh ngả người thoải mái trong chiếc ghế bọc da có tay vịn. Linh tính báo cho anh biết sắp có một ngã rẽ cho cuộc đời mình.
O’Donnell rời bàn giấy bước đến bên cửa sổ và đứng quay mặt vào phòng, mặt trời buổi sáng ở sau lưng anh.
- Chắc anh đã nghe tin bác sĩ Pearson xin từ chức?
- Vâng, tôi có nghe - Coleman đáp khẽ, và rồi chính anh ngạc nhiên nghe mình nói: - Hẳn anh thấy đấy, mấy ngày qua ông ta đã miệt mài làm việc suốt ngày suốt đêm.
- Vâng, tôi biết – O’Donnell nhìn đầu điếu thuốc cháy đỏ. Nhưng điều ấy không làm thay đổi được gì. Anh hiểu chứ? Coleman biết bác sĩ trưởng nói đúng.
- Phải, vẫn thế thôi.
Joe ngỏ ý muốn ra đi ngay lập tức – O’Donnell nói tiếp -Thế có nghĩa là chức vụ trưởng khoa Xét nghiệm tạm bỏ trống. Anh nhận được không?
Thoáng một giây, David Coleman lưỡng lự - Đây là điều anh vẫn hằng mơ ước - một phân khoa của riêng mình, được tự do sắp đặt, tự do huy động những thành tựu mới của khoa học để nâng cao hiệu quả phục vụ bệnh nhân, để phát huy hết khả năng của chuyên khoa bệnh lý học. Đây là chén ngon anh hằng thèm muốn. Kent O’Donnell đã nâng nó kề sát môi anh.
Và rồi, bỗng dưng anh cảm thấy sợ hãi trước những trách nhiệm sẽ phải gánh vác. Sẽ không có ai đi trước để quyết định thay cho mình. Quyết định tối hậu - Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - sẽ là của một mình anh. Liệu anh có đủ khả năng để đối mặt với nó chăng? Anh đã sẵn sàng chưa? Tuổi đời còn trẻ, nếu muốn anh có thể tiếp tục làm phó tổng tư lệnh nhiều năm nữa. Sau đó sẽ có những lối mở khác, kể còn nhiều thời gian để anh tiến thân.
Nhưng anh biết rằng không thể chạy đâu cho thoát, rằng giây phút này đã tiến dần về phía anh từ ngày anh đặt chân đến bênhviện Three Counties.
- Vâng, nếu được mời tôi sẽ nhận.
- Có thể nói ngay rằng anh sẽ được mời. O’Donnell mỉm cười - Anh có thể nói cho tôi biết điều này được chăng?
- Vâng, nếu đó nằm trong khả năng của tôi.
Bác sĩ trưởng im lặng lựa lời cho câu hỏi sắp nêu ra.
Anh cảm thấy những gì sắp được nói lên rất quan trọng cho cả hai người. Sau cùng anh hỏi:
- Xin cho biết thái độ của anh đối với y học và bệnh viện này như thế nào?
- Khó mà diễn tả được bằng lời nói.
- Cứ thử xem.
David Coleman ngẫm nghĩ. Đúng là có những điều anh vẫn hằng tin tưởng nhưng chẳng mấy khi anh diễn tả ra ngay cả với chính mình. Có lẽ đây là lúc để tuyên ngôn.
Anh nói chậm rãi:
- Tôi quan niệm rằng y sĩ, bệnh viện, công nghệ y học - tất cả chỉ nhằm phục vụ một đối tượng duy nhất: bệnh nhân. Tôi biết thỉnh thoảng chúng ta lại quên mất điều ấy. Chúng ta say mê y học, khoa học và ra sức nâng cao chất lượng bệnh viện, nhưng quên rằng tất cả những cái đó chỉ có một lý do để tồn tại - ấy là con người. Con người cần chúng ta, con người đến với y học để được giúp đỡ - Anh ngừng lại - Tôi nói vụng về quá.
- Không – O’Donnell nói - Anh nói rất hay.
Bác sĩ trưởng cảm thấy niềm vui chiến thắng và hy vọng. Linh tính đã không phản bội anh, anh đã chọn đúng người. Anh thấy trước rằng rồi đây hai người - Bác sĩ trưởng và trưởng khoa Xét nghiệm – sẽ là đôi bạn đồng hành gắn bó. Họ sẽ tiếp tục làm việc để xây dựng và cùng với họ, bệnh viện Three Counties sẽ tiến triển. Chẳng phải mọi công việc họ làm đều hoàn hảo, tất nhiên là thế. Sẽ có thiếu sót và thất bại, nhưng ít ra họ cùng nhắm chung một mục đích và cùng có chung một tâm trạng. Họ sẽ phải sát cánh bên nhau. Coleman trẻ trung hơn, và có những lĩnh vực trong đó kinh nghiệm già đời hơn của O’Donnell sẽ giúp ích rất nhiều. Trong mấy tuần lễ vừa qua, bản thân bác sĩ trưởng đã học hỏi lắm điều hay. Anh đã học được rằng nhiệt tình có thể tìm đến bằng nhiều lộ trình. Nhưng từ nay anh sẽ chiến đấu chống lại sự tự mãn trên mọi mặt trận. Khoa Xét nghiệm với bác sĩ Coleman làm nguyên soái, sẽ là cánh tay phải đắc lực.
Chợt nhớ ra, anh hỏi:
- Còn điều này nữa, anh nghĩ sao về Pearson và cách thức ra đi của ông ta?
- Tôi không dám nói chắc - David Coleman đáp - Từ trước tới nay, tôi vẫn mong sao có một cái nhìn rõ nét về ông ấy.
- Lắm lúc không dám chắc lại là điều hay. Nhờ vậy mà tránh được nếp suy nghĩ cứng nhắc – O’Donnell mỉm cười - Có mấy điều tôi thấy anh cũng nên nghe cho biết. Tôi vẫn hay nói chuyên với các bác sĩ cao niên trong bệnh viện và được nghe họ kể lại những sự việc mà tôi không biết. Ba mươi hai năm qua, Joe Pearson đã đóng góp rất nhiều cho bệnh viện này - Có những điều hầu như đã bị lãng quên, những đều mà những người như anh và tôi không phải lúc nào cũng muốn nghe nói đến. Anh biết không, ông ta đã khởi xướng ngân hàng máu. Nghĩ thì thấy kỳ cục, nhưng dạo ấy có rất nhiều người chống đối. Ông ta còn ra sức thành lập ủy ban nghiệm mô, tôi nghe kể lại rằng biết bao thành viên trong hội đồng thầy thuốc đã kịch liệt đả phá ông. Nhưng rồi ủy ban ấy cũng ra đời góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tiêu chuẩn phẫu thuật của bệnh viện. Joe cũng có những công trình điều tra bệnh lý học về nguyên nhân và tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Tới nay hầu hết những kết quả điều tra của ông ta đã được chấp nhận rộng rãi, nhưng chẳng mấy ai nhớ được rằng tác giả chính là Joe Pearson.
- Những điều ấy tôi không hề được biết - Coleman nói – Cảm ơn.
- Vậy đó, người ta lãng quên cả rồi. Còn phải kể thêm là: Joe đem đến nhiều điều mới mẻ cho phòng xét nghiệm - những nghiệm pháp mới, những thiết bị mới. Rủi thay, xẩy đến một lúc ông ta không thực hiện được những điều mới mẻ đó nữa. Ông ta để mình trở nên xơ cứng và đi lại lối mòn. Điều ấy thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
- Vâng, tôi cũng nghĩ thế!
Cả hai cùng đứng lên bước ra cửa. O’Donnell khẽ nói:
- Ai cũng nên có lòng nhân ái. Anh biết đấy, không chừng một ngày nào đó chính ta phải cần đến nó.
o O o
Lucy Grainger nói:
- Kent, trông anh mệt mỏi quá.
Đang lúc đầu giờ trưa. O’Donnell dừng chân trên một hành lang của tầng chính. Lucy Grainger cũng dừng chân bên cạnh anh từ lúc nào.
Lucy thân mến, anh nghĩ thầm - em vẫn dịu dàng, thân thương như thế. Có thật là chưa đầy một tuần trước, anh đã nghĩ đến việc rời bỏ thành phố Burlington và cưới Denise làm vợ? Lúc này tất cả nhưng điều ấy "đã" xa tít mù khơi như một khúc nhạc thoáng vẳng đưa tới rồi chìm biến.
Đây mới là nơi anh gắn bó. Dù trong dù đục, chính nơi này là đất kết vận mạng anh.
Anh nắm ấy tay cô:
- Lucy, chúng ta phải sớm gặp nhau. Có nhiều điều chúng ta cần trao đổi.
- Hay quá - Cô mỉm cười trìu mến - Tối mai anh có thể đưa em đi ăn.
Vai kề vai, hai người sánh bước đi qua hành lang. Có Lucy bên mình sao thấy lòng bình an quá, anh liếc nhìn dáng người cô và tin chắc rằng đằng trước mặt có nhiều điều tốt đẹp cho cả hai người. Có lẽ còn phải mất một thời gian để hòa nhập tâm hồn, nhưng họ biết rốt cuộc họ sẽ cùng tìm thấy tương lai.
Lucy đang nghĩ: Xưa nay những giấc mơ vẫn thành sự thật, có lẽ rồi đây giấc mơ của mình cũng thế - một ngày nào đó thật gần.
o O o
Hoàng hôn đến hơn sớm với khoa Xét nghiệm. Đó là cái giá phải trả cho việc sinh hoạt dưới tầng hầm. Đưa tay bật đèn lên, David Coleman quyết định rằng một trong những dự án đầu tiên của anh sẽ là di chuyển khoa đến một nơi tốt đẹp hơn. Cái thời mà các bác sĩ bệnh lý đương nhiên bị đày xuống đáy bệnh viện đã qua rồi, ánh sáng và không khí cũng là những thứ cần thiết cho họ như một ngành y khoa khác.
Anh bước vào văn phòng khoa và thấy Pearson ngồi ở bàn giấy. Ông cụ đang lấy ra hết tất cả đồ đạc trong ngăn kéo. Ông ngẩng lên khi Coleman bước vào.
- Buồn cười thật - anh nói - ba mươi hai năm ông tích lại được biết bao nhiêu thứ tạp nhạp. Anh lặng nhìn một thoáng rồi nói:
- Xin lỗi ông.
- Có gì mà xin lỗi - Pearson làu bàu. Ông đóng ngăn kéo cuối cùng rồi dồn các giấy tờ vào va-ly - Nghe nói anh sắp có công việc mới. Xin chúc mừng.
Coleman nói chân thành:
- Tôi ước mong sự thể xoay khác đi cho.
- Có lo lắng cũng không còn kịp nữa - ông nhấn khóa va-ly và nhìn quanh. Hừm, chắc là đủ cả rồi. Nếu thấy còn sót thứ gì anh cứ gửi đi cho tôi, tôi sẽ trả cước phí.
- Có chuyện này tôi muốn thưa với ông. - Coleman nói dè dặt - Cô y sinh, cái cô bị cưa chân ấy mà. Sáng nay tôi đã khảo sát cái chân. Ông đúng. Tôi sai. Đó là u ác tính. Sáccôm tạo xương không còn nghi ngờ gì nữa.
Ông cụ im lặng. Coleman có cảm tưởng ông cụ đang để tâm trí ở tận đâu đâu ấy.
-Tôi lấy làm vui mừng mình đã không sai lầm - ông nói chậm rãi.
Ông cầm áo khoác lên và bước ra cửa nhưng rồi xoay người lại, gần như rụt rè, ông hỏi:
- Tôi có thể cho anh vài lời khuyên được chăng?
- Vâng, xin ông cứ nói, tôi rất muốn nghe.
- Anh còn trẻ Pearson nói - Con người anh tràn đầy nghị lực -- tốt lắm. Anh còn có kiến thức đến nơi đến chốn nữa. Vốn liếng của anh rất hiện đại. Anh biết những điều mà tôi không biết và sẽ không bao giờ biết. Tôi khuyên anh hãy cố gắng giữ như vậy luôn. Khó lắm đấy, đừng để bị sai lầm - ông khoát tay và phía chiếc bàn mà ông vừa bỏ trống - Anh sẽ ngồi ở chiếc ghế ấy và chuông điện thoại sẽ reo vang, ấy là quản trị viên gọi đến nói chuyện ngân sách. Lát sau lại có người trong ban xét nghiệm muốn thôi việc, anh sẽ phải giải quyết sao cho êm thấm. Và rồi các bác sĩ sẽ kéo vào đòi kết quả này xin ý kiến nọ - Ông cụ thoáng mỉm cười - Anh còn được đón tiếp cái tay chào hàng có ống nghiệm không vỡ và đèn cồn thắp hoài không bao giờ tắt. Anh vừa tiễn hắn đi xong thì lại có một tay khác nữa xuất hiện, rồi lại một tay khác nữa, một tay khác nữa. Cứ thế. Khi ngày đã tàn, anh sẽ tự hỏi thế nghĩa là làm sao, mình đã hoàn tất được những gì, đã đạt được những gì.
Pearson ngừng lại. Coleman chờ đợi. Anh cảm thấy trong nhưng lời này, nhà bệnh lý học già nua đang làm sống lại một phần quá khứ của mình. Ông nói tiếp:
- Nhịp độ ấy có thể lặp lại vào ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa và ngày hôm sau nữa. Đến lúc anh thấy rằng thoắt đã qua đi một năm rồi một năm, lại một năm nữa. Trong khi làm tất cả những việc ấy, anh sẽ cắt đặt người khác theo các khoá học để nghe nói về những điều mới mẻ trong y học - vì lẽ anh không thể thu xếp thời giờ để đích thân tham dự. Anh cũng sẽ bỏ việc điều tra, nghiên cứu và vì làm lụng tất bật, tối đến anh sẽ mệt mỏi và chẳng muốn đọc thêm sách báo nữa. Và rồi, bất thình lình một ngày kia, anh nhận ra rằng kiến thức của mình đã lỗi thời. Khi đó muốn thay đổi cũng không kịp nữa rồi.
Lòng xúc động, giọng nói vấp váp, Pearson sờ vào cánh tay Coleman, ông nói khẩn khoản:
- Hãy nghe lời của một người già đã qua hết con đường ấy và đã sai lầm nên tụt lại phía sau. Đừng để điều ấy xẩy đến với anh. Nếu cần, hãy tự nhốt mình vào tủ kín. Hãy trốn khỏi máy điện thoại, hồ sơ và giấy tờ để đọc sách, học hỏi, lắng nghe và hiện đại hóa khả năng của mình. Và rồi chẳng bao giờ họ nói được rằng: “Lão ta hết thời rồi, cạn kiệt rồi, chỉ còn là con người quá khứ thôi”. Bởi lẽ anh sẽ có vốn hiểu biết ngang bằng họ - và còn hơn nữa. Bởi lẽ anh sẽ có kinh nghiệm đi kèm theo với nó.
Giọng nói tắt dần, Pearson quay đi.
- Tôi sẽ cố gắng ghi nhớ - Coleman nói. Giọng anh dịu dàng - xin tiễn ông ra đến cổng.
Hai người bước lên cầu thang từ khoa xét nghiệm. Trên tầng chính của bệnh viện, tiếng huyên náo của sinh hoạt chiều tối đang bắt đầu. Một cô y tá bưng khay đồ ăn vội vã vượt qua họ, vải hồ cứng của bộ đồng phục kêu sột soạt theo bước chân. Hai người tránh sang một bên nhường lối cho chiếc xe lăn của một người đàn ông trung niên chân bó bột, tay nắm cặp nạng như hai chiếc mái chèo được rút vào lòng ghe. Ba cô y sinh vừa bước qua vừa cười nắc nẻ. Một nhân viên Hội trợ giúp phụ nữ đẩy chiếc xe phân phối tạp chí. Một người đàn ông cầm bó hoa bước về phía dãy thang máy. Đâu đó có tiếng trẻ con khóc..Đây là thế giới bệnh viện: một cơ thể sống một tấm gương phản chiếu thế giới bên ngoài.
Pearson đang nhìn quanh. Coleman nghĩ thầm: Ba mươi hai năm, ông cụ đang ngắm lại tất cả, có lẽ lần cuối cùng. Anh tự hỏi: Mai sau đến lượt mình ra đi, khung cảnh này rồi sẽ thế nào? Ba mươi năm sau mình còn nhớ được giây phút bây giờ không? Khi ấy liệu mình có hiểu nó rõ hơn chăng?
Hệ thống loa chung vang tiếng gọi:
- Bác sĩ David Coleman! Mời bác sĩ Coleman đến khu phẫu thuật!
- Bắt đầu rồi đó - Pearson nói - Làm sinh thiết lạnh đấy, anh nên đi đi thôi - ông chìa tay ra - Chúc may mắn! Coleman nghẹn lời:
- Cảm ơn ông.
Ông cụ gật đầu quay đi.
- Chào bác sĩ Pearson - Tiếng một bà y tá vang lên.
- Xin chào - Pearson đáp lại. Rồi trên đường đi ra ông dừng chân dưới một tấm biển “Cấm hút thuốc” để châm một điếu xì gà.
Chú thích
[1] Tương đương 32.2 độ C.
[2] Học viện hải quân Mỹ.
[3] Bell: cái chuông.
[4] Còn gọi là làm sinh thiết.
[5] Buổi họp của toàn thể y sĩ đoàn trong bệnh viện nhằm phán quyết xem trường hợp tử vong đã xảy ra có thể ngăn chặn được hay không và nếu có thể ngăn chặn được thì lỗi lầm thuộc về ai.
[6] Điển tích kinh thánh. Ý nói một cơ sở với những điều tốt đẹp hoàn toàn mới mẻ (Khải Huyền chưong 2l).
[7] Nghĩa là đã làm xong công việc phúc đức. Kinh thánh Tân ước: “ Ai bắt các con đi một dặm đường, các con hãy đi với người ấy hai dặm” (Mathieu chương 5 câu 41)
[8] Tiếng Ý: nhạc sĩ, nhạc trưởng bậc thầy.
[9] Niềm tin (có tính cách tôn giáo. Credo tiếng La tinh “tôi tin”, cũng là nhan đề một bài kinh mà các tín đồ Thiên chúa giáo đọc mỗi ngày chủ nhật.
[10] Coronary attack.
[11] Perforatted ulcer.
[12] Chronic myometritis và Fibrosis of uterus.
[13] Nguyên văn: Hội chuyển luân (Rotary Club) thành lập vào năm 1905 ở Chicago.
[14] Một tổ chức được thành lập năm 1915 bao gồm nhiều hiệp hội của Hoa Kỳ và Canada nhằm trợ giúp thực hiện các dự án phát triển doanh nghiệp.
[15] Carcinoma of the breast.
[16] Một cách nói liên quan đến lịch sử Hoa Kỳ. Cuộc tu chính hiến pháp lần thứ mười lăm xóa bỏ sự phân biệt màu da trong việc bầu cử. Nhưng sau đó nhiều tiểu ban tự thêm vào hiến pháp địa phương những qui định về trình độ mặn hóa để được quyền bò phiếu, nhằm loại bỏ các cử tri da đen. Vì cũng có một số người da trắng thất học nên “Đạo luật ông nội” ra đời tiếp theo qui định rằng không phải qua kỳ sát hạch văn hóa những ai đã từng đi bầu trước năm 1867 hoặc là con hay cháu của những người ấy.
[17] Điển tích Kinh thánh: đoàn heo bị một toán quỉ nhập vào và đâm đầu từ vách núi cao xuống biển chết đuối hết (Mathêu chương 8 từ câu 30)
[18] Malignant melanoma.
[19] Blue nevus.
[20] Erythroblastosis Foetalis.
[21] Osteogonic Sarcma.
[22] Bố già xương xẩu.
[23] Osteoblastic activity.
[24] Osteomyclitis.
[25] Polymorphonuclear ukocyte.
[26] Chơi chữ - staff: chiếc gậy, còn có nghĩa là ban tham mưu, cố vấn.
[27] Khốn cho các ngươi hỡi bọn giả hình. Các ngươi giống như mồ mả tô vôi mà bên ngoài hình như đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy xương cốt thây ma và mọi thứ xú uế. Kinh Thánh Tân ước Mathieu chương 23, câu 27.
[28] Alexander Fleming, nhà vi trùng học người Anh, tìm ra Penicilline năm 1925 và Jonas Edward Salk nhà vi trùng học người Mỹ có công phát triển vacin chống bệnh sốt bại liệt.
[29] Tương đương 1,6 kg.
[30] Tương đương 2,5 kg.
[31] Cốc tai gồm có rượu Gin, rượu Vermouth và bia đắng.
[32] Quatriceps muscle – cơ gồm bốn đầu, phủ gần hết xương đùi và nằm ở mặt trước.
[33] Tương đương 43.3 và 54.4 độ C.
[34] Mỗi loại vi khuẩn lên men với một số loại đường nhất định. Quá trình phân giải đường sinh ra các axít hữu cơ như axít lactic, axít acetic...và thể hơi như CO2, H2 v.v...
[35] Tương đương 35.5 độ C.
[36] Tương đương 34.6 độ C.
[37] Tương đương 33.9 độ C.
[38] M.D. (Doctor of Medecin): Bác sĩ tiến sĩ y khoa.
F.R.C.S.E (Fellow of the Royal College of Surgeons of England): Nghiên cứu sinh học viện phẫu thật hoàng gia Anh.
F.A.C.S (Fellow of the American College of Surgeons): nghiên cứu sinh học viện phẫu thuật Mỹ.
[39] Trích Quốc Ca Anh God save the King.
[40] Trực khuẩn thương hàn (Salmonella typhi) không làm lên men đường lactoza.
[41] Bố Già Vinh Quang (Old Glory): Tên gọi vui chỉ quốc kỳ Mỹ.
[42] Đĩa sâu lòng, bằng thủy tinh hoặc nhựa trong suốt, có nắp đậy. Gọi theo tên của nhà vi trùng học người Đức Julius R. Pétri (1852-1921).
[43] Khuẩn lạc (Bacteria colonies): những khoảng có vi khuẩn hiện lên trên mẫu vật được nuôi cấy.
Chương trước
Mục lục
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng
Arthur Hailey
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey
https://isach.info/story.php?story=loi_chan_doan_cuoi_cung__arthur_hailey