Hồ Quý Ly epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
uan niệm Vô dật của thái sư Quý Ly nghiêm khắc như vậy, thành thử nề nếp sống, học tập của vua Thuận Tôn và bà hoàng Thánh Ngẫu, trong những ngày mới cưới, rất ngặt nghèo. Nề nếp ấy chỉ được nới lỏng, khi cuối năm ấy, Chế Bồng Nga tiến vào sông Hoàng Giang, và đạo quân nổi loạn của nhà sư Phạm Sư Ôn chiếm Thăng Long ba ngày. Toàn thể hoàng gia và triều đình phải chạy sang châu Bắc Giang, sau đó theo sông Nguyệt Đức đến khu hành tại Bình Than.
Hai tháng chạy loạn năm ấy là hai tháng vua Thuận Tôn được tự do, không phải học. Thái Thượng hoàng Nghệ tôn và Thái sư Quý Ly suốt ngày phải lo việc quân cơ, bàn mưu đánh dẹp hai núi thù địch của Phạm Sư Ôn và Chế Bồng Nga. Đất nước loạn lạc nhưng Thuận Tôn còn nhỏ nên được nằm đọc sách.
Nghệ Hoàng là người hay chữ. Tại Bắc Giang ông cho xây cung Bảo Hoà ở mũi Phật Tích làm hành tại, ở đó có một thư viện lớn. Trước khi đến Bình Than, hoàng gia có đi qua cung Bảo Hoà. Thuận Tôn liền chọn một số sách đem theo. Tại thư viện ở kinh sư, tuy có rất nhiều sách, nhưng hầu như toàn bộ là kinh sử, rồi những hình thư, địa chí, điển lễ, tóm lại, đó là những sách phục vụ việc trị nước. Còn ở cung Bảo Hoà, nơi Nghệ Hoàng nghỉ ngơi sách ở đây đa dạng, chủ yếu nhằm cho thoải mái, di dưỡng tinh thần, giúp bậc quân vương có thể suy ngẫm nhân tình thế thái, hoặc tra cứu khi viết sách, làm thơ. Chính tại đây Nghệ Hoàng đã viết "Bảo Hoà dư tập" và chữa tập thơ "Nghệ Tôn thi tập" ở đây có đủ sách trăm nhà. Lần đầu tiên Thuận Tôn được tiếp xúc với phái đạo gia thời Nguỵ Tấn. Ở thư viện này có cả Bão Phác Tử của Cát Hồng, sách chú giải Trang Tử của Quách Tượng, cả sách Đạt Trang Luận của Nguyễn Tịch v.v... Ông vua thiếu niên cắm đầu vào đọc sách thuộc học phái Lão Trang. Một thế giới kỳ lạ nhưng còn như những đám mây mù dần dần xuất hiện nhưng chưa rõ hình rõ nét. Nó bảng lảng trong những truyện thần tiên. Nó huyền hoặc trong những chuyện luyện đan, trường sinh cửu thị. Nó thâm sâu vực thẳm trong những chuyện sinh sinh hoá hoá; cái chết hoà vào cái sống. Sinh, ấy là vì không sinh không đặng. Hoá, ấy là vì không hoá không đặng. Cho nên thường sinh thường hoá. Không lúc nào không sinh không hoá. Âm dương vậy! Bốn mùa vậy?...
Lần đầu tiên, ông vua con gặp bảy người hiền rừng trúc 1. Thuận Tôn thích câu nói của Kê Khang, luận về người quân tử:
"Hành vi của người quân tử là hiền không xét ở chỗ đắn đo rồi mới làm...
Ngạo nhiên quên đức hiền đi, mà đức hiền với độ lượng lại có...
Hốt nhiên cứ theo tâm mà làm, nên tâm với thiện gặp nhau..."
Nhưng trong bảy người hiền thời Nguỵ Tấn ấy Thuận Tôn thích nhất Nguyễn Tịch, con người dung mạo khác thường, chí khí rộng mở tự nhiên. Thường đóng cửa đọc sách hàng tháng chẳng ra ngoài. Có khi trèo núi, lội sông mấy ngày liền không về. Thích rượu, giỏi đàn. Khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần, nhập hoá. Người đời vẫn bảo Nguyễn Tịch là người điên. Điên ư? Tịch chẳng bao giờ mở miệng bàn lỗi của người khác. Cớ sao thiên hạ cứ xì xào về Tịch. Ai điên? Thuận Tôn phát hiện ra, ngoài quan niệm Vô dật khắc kỷ mà Quý Ly dẫn dắt ông vào, còn có quan niệm tiêu dao phóng dật hầu như đi ngược lại dòng. Ông vua trẻ tuổi bàng hoàng vì đã mơ hồ hé thấy sự phù du của kiếp sống. Đúng chăng? Sai chăng? Cái cảm giác phấp phỏng buồn bã của cuộc sống trên ngôi cao, mà nhiều khi ông đã cảm thấy, hoá ra tiền nhân đã từng suy ngẫm. Ở Bình Than, ông vua con đã đóng cửa nằm mê man đọc sách cũng như Nguyễn Tịch ngày xưa. Mới mười bốn tuổi, ông đã lạc bước vào những câu hỏi về lẽ còn mất, sống chết.
Triều thần nhiều người đọc hai cuốn sách của Quý Ly phản ứng dữ dội, nhưng chẳng ai trực tiếp phản đối, vì sợ uy thái sư, chỉ có Đoàn Xuân Lôi đỗ thái học sinh khoa Giáp Tí (1384) làm trung thư thị lang đã dâng thư can khéo:
Từ sau khi thày Mạnh Tử mất, người làm thầy đều chuyên về môn của mình, thành thử việc giải nghĩa kinh sách đâm chia tách. Các bậc đại nho tuy có chỗ đáng khen nhưng vẫn chưa đại thuần; việc giải kinh chưa khỏi những tì vết. Phải đến Chu Tử ở cuối đời Tống, nối tiếp các tiên nho Hán Đường, đã chú giải sáu kinh, hiểu ý được thánh nhân, rõ được đạo thánh hiền, nghiền ngẫm xa rộng, nên lời lẽ chú giải đáng gọi là tập đạo thành, làm khuôn mẫu cho hậu học. Người sau chỉ mở cho rộng thêm, tô chuốt cho bóng thêm. Chỉ có thế thôi, chứ sao dám thay đổi, chê cãi, thêm bớt tuỳ tiện...".
Thượng hoàng đưa cho Quý Ly xem bức thư. Quý Ly mang về nhà, đề sang bên lề: "Các nhà khoa bảng của ta thảm hại thế sao! Họ học rộng nhưng chỉ biết tích cóp nhặt nhạnh câu ý của người đời xưa. Buồn thay! buồn thay!".
Mặc sự phản đối, thái sư vẫn đưa cuốn Thi nghĩa cho các nữ quan dậy hoàng hậu Thánh Ngẫu, rồi sau đó sẽ dậy cho toàn thể cung phi.
Còn đích thân ông dậy cuốn Vô Dật Nghĩa cho vua Thuận Tôn. Cả đời, từ lúc còn trẻ cho đến nay đã về già, thái sư vẫn lấy bốn chữ "vô dật, nãi dật" làm châm ngôn cho mình. Trong gia đình, ông dậy Nguyên Trừng rồi sau đó đến Thánh Ngẫu và Hán Thương bốn chữ ấy: "Hãy tránh hưởng lạc, rồi tự khắc nguồn vui sẽ đến". Ông nói với các con:
- Phải hiểu nghĩa hai chữ dật hoàn toàn khác nhau. Chữ dật thứ nhất là đam mê thú vui, chữ dật thứ hai là hưởng niềm vui sướng chính đáng.
Còn nhớ, có một lần Nguyên Trừng mất một ngày ngồi nghe người vũ nữ Chiêm Thành đánh đàn. Bận ấy ông nổi giận đùng đùng, phạt con một tháng trời không được ra khỏi buồng học. Ông bảo: Con phải ghi nhớ suốt đời hai chữ vô dật. Ngoài nghĩa không được ham thú vui, nó còn nghĩa phải chăm chỉ làm việc. Hai tay luôn phải làm việc. Nếu tay không làm việc, thì đầu óc phải làm việc. Đừng để con người mình nhàn rỗi. Phải kiếm việc mà làm. Hết việc rồi, thì đọc sách, vắt óc suy nghĩ. Cứ như thế, ngày này qua tháng khác, nguồn vui sẽ tới. Cái tinh tuý của thiên Vô dật trong Kinh Thư nằm ở chỗ ấy. Ngày nay, ông lại đem thiên sách tâm đắc của mình dạy cho con rể, ông vua trẻ:
- Bệ hạ nên biết, phàm những ai ở ngôi chí tôn, lúc nào cũng cần nhớ đinh ninh bốn chữ "Vô dật, nãi dật", bởi vì càng ở ngôi cao người ta càng có nhiều điều kiện hưởng lạc. Kiệt, Trụ vì ham lạc thú nên thân bại danh liệt bêu tiếng xấu ngàn thu. Các vua Trung Tông, Cao Tông, Tổ Giáp vì hiểu và thi hành bốn chữ ấy nên được hưởng ngôi báu dài lâu. Không nói chuyện phương Bắc, ngay ở nước Nam ta, vua Lý Thái Tôn, trước lúc lên ngôi, đã phụng mệnh vua cha, ra ngoài hoàng thành sống với dân một thời gian dài, nên hiểu rõ nỗi thống khổ của dân, nên khi lên ngôi vua, phía nam đánh vào Chiêm Thành, chém đầu vua Chiêm Xạ Đẩu mở mang bờ cõi; phía bắc dẹp yên bọn giặc Nùng Trí Cao. Vua nổi tiếng anh minh, nhân từ, đất nước văn hiến rực rỡ. Ngay ở triều đại nhà Trần ta, đức Trần Nhân Tôn, hai lần đánh thắng giặc Nguyên hung bạo. Vua nhân từ, thân dân, nên cả nước một lòng tin theo. Về già, vua tu hạnh đầu đà, sống đạm bạc, đi chân đất trải khắp miền đất nước. Đó là vị vua đại anh minh, chưa từng thấy. Dưới thời ông, đất nước thịnh trị... không một tiếng oán hờn. Được như vậy, tất cả đều dựa vào chữ Vô dật.
Một bữa, Thuận Tôn đang nằm đọc sách bỗng có tiếng gõ cửa và tiếng nói rụt rè: "Tâu thánh thượng..." Ông vua con ra mở cửa và chợt ngỡ ngàng nhìn thấy hoàng hậu Thánh Ngẫu kính cẩn cúi chào.
Thuận Tôn hoàn toàn sửng sốt vì trước mặt là một thiếu nữ kiều diễm, hồng hào. Cả hai người đều lặng im nhìn nhau. Đầu năm, khi họ mới cưới, hai người còn ẻo lả, gầy guộc, xanh mướt, họ vẫn chỉ là những đứa trẻ. Rồi sau đó một năm trời, dưới sự rèn cặp của thái sư, họ chúi đầu vào học để trở thành bậc quân vương, và bậc mẫu nghi thiên hạ. Thái sư không muốn họ sớm bị chìm đắm vào vòng sắc dục, ông muốn đến năm họ tròn 16 tuổi mới cho làm lễ hợp cẩn. Đôi khi, hai vợ chồng vua ấy cũng gặp nhau ở những buổi lễ, tiệc; nhưng ở đó họ phải đóng gông trong những bộ quần áo sặc sỡ, nặng chình chịch; và họ chỉ được nói, được hành động, theo những nghi thức cung đình cực kỳ chặt chẽ. Có nhìn vào mặt nhau cũng chỉ được nhìn một cách nghiêm nghị và thoáng qua, vì đó là cái nhìn trước văn võ bá quan.
Lúc này, Thánh Ngẫu mặc một bộ đồ lụa nhẹ màu hồng, chứ không phải bộ đồ gấm thêu vàng rực rỡ. Bộ đồ nghi lễ ấy cũng giống bộ đồ quân vương của ông, khi đeo lên người, tự nhiên có cảm giác nặng nề và cứng quèo ngay. Nay, được cởi bỏ bộ đồ nghi lễ ra, Thánh Ngẫu như phổng phao, mơn mởn hẳn lên. Thuận Tôn ngạc nhiên vì sự đổi lốt nhiệm mầu ấy, ông vua con không thể ngờ rằng Thánh Ngẫu lại có thể có một thân hình mềm mại và no đầy như vậy. Ở trong chiếc áo gấm hoàng hậu, Thánh Ngẫu trông như một chiếc hộp dẹt và cứng, còn bây giờ Thánh Ngẫu là những đường cong, những sắc mầu linh động. Thấy Thuận Tôn nhìn mình chằm chằm không chớp mắt, hoàng hậu đỏ mặt lên và nói:
- Sao bệ hạ nhìn thiếp thế! Chẳng nhìn thấy thiếp bao giờ sao?
- "Bệ hạ" ư? - Thuận Tôn mỉm cười. Rồi ông vua trẻ hiền lành nói - Thủa nhỏ gặp nhau, chúng mình chẳng xưng hô anh em là gì.
- Bây giờ khác - Chẳng khác... Xin hoàng hậu cứ gọi ta là anh như như xưa.
- Bệ hạ có muốn đi với muội vào rừng không... Mấy hôm nay huynh đọc sách nhiều quá. Có đêm muội thấy nến sáng thâu đêm.
- Muội lo ư?
- Chung quanh đây có những rừng tùng cổ thụ. Cảnh vật thật đẹp - Có cả một thung hoa... Một con suối rất trong... Trời hôm nay lại nắng ấm. Muội đã sai bọn cung nữ chuẩn bị bánh trái hoa quả. Chúng mình vào rừng... Sẽ nghe nhiều tiếng chim hót mê hồn... ăn cơm trên một tảng đá bằng phảng, rộng, nhãn bóng... Nghe nói xưa có tiên ngồi ở đó đánh cờ...
Ngày hôm ấy, ông vua trẻ đi với bà hoàng Thánh Ngẫu vào rừng, không biết có phải vì đang đọc sách tiên lại nghe nói có bàn cờ tiên trong rừng; hay vì chàng trai trẻ chợt nhận ra sự duyên dáng trong cái líu lo của bà hoàng đột nhiên trở nên xinh đẹp; hay vì đọc cuốn Đạt Trang của chàng đãng tử Nguyễn Tịch nên đột nhiên những giấc mơ về rừng về suối, về cỏ cây hoa lá bỗng bừng thức giấc trong lòng ông vua trẻ. Thánh Ngẫu, trong những ngày Thuận Tôn mê man đọc sách đã đi thăm khắp vùng quanh Bình Than, nên hôm nay làm người dẫn đường. Những ngọn đồi như bát úp nằm sau lưng khu hành tại có thể nói là khu vườn thượng uyển tự nhiên. Gần nhất là khu rừng tùng cổ thụ, những cây tùng đủ dáng vẻ cổ kính, tạo thành không gian thơm mát. Hết rừng tùng đến khu đồi bàng. Những cây bàng đã trút hết bộ lá nâu đỏ mùa đông, và đã thấy nhú tua tủa những chiếc lá xanh cốm, vẫy gọi những con chim phường chèo lông xanh lông đỏ từng đàn từ núi xa bay tới.
Đi hết rừng bàng đến hòn đá xanh hay còn gọi bàn cờ tiên. Thánh Ngẫu trải tấm lụa trắng lên đá, lấy ra những chiếc bánh cốm thơm phức bầy lên đĩa. Bà hoàng líu lo:
- Bánh này mẹ làm, muội chỉ phụ giúp. Mẹ muốn tự tay làm đãi ông con rể.
- Thế ra tự tay cô mẫu làm... Cô mẫu đã dự định cho chúng mình đi chơi hôm nay sao?
- Mẹ thấy huynh đọc sách nhiều quá. Bà rất thương bảo: "Con phải chú tâm chăm sóc chồng con chứ". Mẹ còn bảo...
- Bảo sao?
- Bảo rằng vợ chồng vua mà không biết cách sống thì chẳng vui sướng bằng vợ chồng người thường.
Lần đầu tiên, Thuận Tôn được ăn bữa bánh ngon đến như vậy. Trong khi hai cô cung nữ còn bận dọn dẹp, đem bát đũa xuống suối rửa, Thuận Tôn nắm tay Thánh Ngẫu theo dọc con suối dẫn tới thung hoa. Hoa rừng trong thung lũng mọc ê hề. Trên nền đất ẩm, những khóm hoa loa kèn mầu đỏ tía, chen lẫn màu hoàng yến, màu hồng nhạt hoặc màu trắng mỡ màng. Những bông hoa năm cánh nở loe, phơi ra chùm nhuỵ tím vàng mảnh mai rung rinh trên cuống hoa xanh mướt tròn và thẳng như cây sáo nhỏ. Một đàn chim xanh nằm lẫn trong một thảm cúc vàng, bị đánh động, bay túa lên trời, để cho hai người ngẩn ngơ nhìn theo tiếng chim ríu rít mất hút ở khu rừng trước mặt. Đó là khu rừng sung nằm trên một quả đối, nơi đây rót rách tiếng suối. Suối chảy ở khe đồi, hai bên bờ lả xuống những cây sung già cổ thụ chi chít quả từ ngọn đến gốc. Sung chín xen lẫn sung chưa chín. Màu đỏ bầm, đỏ tươi xen lẫn mầu tím, màu xanh. Hàng trăm con chào mào về ăn sung, thấy người, vội bay vút lên những cành tre cong, tiếng hót gọi nhau xáo xác. Hàng ngàn vạn con bướm từ thảm hoa bay đến như một đám mây sặc sỡ, chập chờn đón hai người.
Mải theo hoa, theo chim, theo bướm, mải theo suối rót rách, họ rẽ cây tạo lối mòn đi vào rừng trúc. Họ bỗng sửng sốt khi thấy một ngôi đền nhỏ hiện ra trước mặt. Ngẩng nhìn lên, thấy đề ba chữ "Thanh Hư Quán".
Một con vượn nhỏ đứng trên cành đa cổ thụ kêu vang như chào đón họ. Thuận Tôn giơ tay vẫy. Con vật nhỏ lông mầu trắng nhẩy từ cành cao xuống hòn đá phẳng có lẽ dùng làm bàn, đôi mắt chăm chăm nhìn hai người. Thuận Tôn cười, giơ tay ra, đến gần. Con vật không chạy. Điều lạ lùng: dù mới gặp, con vật đã để cho ông vua con ôm lấy. và vuốt ve nó. Thuận Tôn hỏi: Chủ ngươi là ai? Chắc một vị chân nhân đắc đạo, lấy suối trong, rừng rậm làm nơi ẩn cư, và lấy muông thú làm bầu bạn? Điều lạ lùng nữa: con vật hình như nghe hiểu tiếng người. Con vật đứng lên, nắm tay Thuận tôn dẫn vào cửa ngôi quán.
Cũng lúc ấy, một ông già mặc áo rộng mầu xanh, tóc bạc, lưng đeo cái giỏ đựng lá, tay chống gậy, từ trong rừng bước về. Con vượn trắng nhỏ ríu rít mừng rỡ chạy ra đón ông cụ. Ông già đưa cho con vật một chùm quả rừng, vuốt ve hỏi nó:
- Bạch viên, ngươi đón khách giúp ta rồi chứ?
Thuận Tôn và Thánh Ngẫu bước tới. Ông già vòng tay kính cẩn nói:
- Lão đi hái thuốc trong rừng, sáng nay thấy nóng lòng. bấm đốt ngón tay, biết có quý khách đến, vội vàng quay về nghênh đón. Về muộn một chút, xin bậc tôn quý tha lỗi. Nói xong, ông già quỳ xuống. Thuận Tôn vội đỡ cụ dậy, rồi hỏi:
- Lão trượng biết thân phận của ta sao?
- Tâu đức vua, người và hoàng hậu là bậc tôn quý nhất trong thiên hạ. Vẻ tôn quý ấy hiện ra trên nét mặt, ai cũng phải nhận ra ngay. Huống chi bần đạo còn có chút tiền duyên...
- Tiền duyên?...
- Mấy hôm trước, bần đạo đang ngồi nhập định chợt nghe văng vẳng một tiếng nói: "Đạo sĩ... Hãy chuẩn bị để đón bậc tôn quý nhất trong thiên hạ đến thăm Thanh Hư Quán".
Ông già mời họ vào ngôi quán nhỏ, sạch sẽ không một vết bụi, ngào ngạt hương trầm. Họ ngồi trên chiếc sập đá Chiếu bồ đoàn làm bằng trúc vàng. Họ uống một loại chè núi, nước thơm và sánh vàng như hổ phách - Vua Thuận Tôn rất khoan khoái:
- Này đạo sĩ Thanh Hư, lạ lắm, ta thấy nơi ở của đạo sĩ rất quen. Hình như ta đã thấy ở đâu rồi.
Đạo sĩ cười bí ẩn:
- Thưa bệ hạ. Chắc là bệ hạ có duyên...
- Khanh bảo có duyên, nghĩa là sao?
Ông đạo sĩ chưa kịp trả lời. đã nghe thấy tiếng lao xao ngoài cửa. Hai cô cung nữ, lúc trưa xuống suối rửa bát, khi đi lên không thấy vua và hoàng hậu đâu, vội vã về cung gọi quan thái giám vào rừng đi tìm. Viên thái giám giục:
- Bẩm, hạ thần đã mang kiệu đến rước vua và hoàng hậu hồi cung.
Thuận Tôn thấy luyến tiếc chưa muốn rời chân. Ông đạo sĩ già vội quỳ xuống:
- Xin bệ hạ hồi cung kẻo hạ thần mang tội. Trời đã sắp về chiều. Bệ hạ có nhiều duyên với núi rừng. Thần xin dâng con Bạch viên. Con vật nhỏ này cũng rất có duyên với bệ hạ. Sắp có tin vui lớn. Bệ hạ về chốn đô hội, cứ nhìn thấy con vượn nhỏ hiền lành này là có thể nhớ đến rừng, đến suối, đến am thanh, cảnh vắng... Lời nói của ông đạo sĩ già có nghĩa gì? Sắp có tin vui lớn? Lúc đạo sĩ nói, Thuận Tôn ngơ ngác chẳng hiểu. Ngay đêm ấy, Phạm Lặc và Dương Ngang từ Hoàng Giang đã phi ngựa về đến Bình Than, mang theo cái hòm đựng chiếc đầu lâu của Chế Bồng Nga. Chiến Tranh Chiêm Việt từ hôm đó kết thúc. Hoá ra tin vui lớn là như vậy. Kỷ niệm về cuộc du ngoạn với hoàng hậu Thánh Ngẫu là một kỷ niệm mà Thuận Tôn đem theo suốt cuộc đời.
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly