Chương 25
- …Lúc đó mình đang ở Quảng Trị. Nhận được tin từ trong này báo ra có một chiến sĩ Giải phóng lạc trong rừng, đã sống hai năm ở vùng rừng ấy, mình nghĩ ngay đến TK1 nhưng không đoán được cậu nào còn sống. Mình điện ra Hà Nội xin phép và tức tốc vào đây. Đến nơi, vừa lúc cậu Nghĩa mang thư anh mình lên, rồi tiếp sau là thư của cậu. Cậu không thể tưởng tượng được mình đã mừng đến mức nào... Nghĩa kể cho mình nghe về anh mình, về con Thủy. Không ngờ việc liên lạc với TK1, công việc mà hai năm nay nhiều người đã đổ mồ hôi công sức và cả máu nữa, vẫn chưa làm nổi, thì người anh mình và đứa cháu lại giúp được một cách hết sức bất ngờ...
Anh Hai Nguyên nói đều đều, nhưng ánh mắt anh nhìn tôi đầy xúc động. Qua lời anh tôi được biết: Sau TK1, đã có ba toán TK nữa lên đường. TK2 xuất phát đầu năm 1970, nghĩa là sau gần chín tháng không có tin tức gì về tổ tôi. Họ đi theo đường tây Trường Sơn, tới ngang vĩ độ của vùng tìm kiếm mới ngoặt về hướng đông. Hai tháng lần mò trong rừng, họ không vượt qua được những dãy núi hiểm trở phía đất Lào, đành phải quay lại. Khi về tới một đơn vị bộ đội vận tải, một người đã chết vì sốt rét ác tính. Sau đó ít tháng, toán TK3 đi từ hướng đông lên, có một thanh niên người dân tộc dẫn đường. Toán này biệt tăm tích. (Về sau lần theo đường đi của họ đến một quả núi lở thì mất dấu vết. Có thể họ đã bị chôn vùi trong vụ lở núi. Năm đó mùa mưa tới sớm...) Toán TK4 lên đường đầu năm 1971, theo con đường TK1 đã đi. Ngoài mục đích chính, TK4 còn có nhiệm vụ tìm kiếm tung tích tổ tôi. Nhưng xe chở họ bị phục kích trên đường vào khe Trầm, hai đồng chí hy sinh và một bị thương. Lúc này các toán trinh sát của địch đang ráo riết hoạt động, chuẩn bị cho cuộc hành quân "Lam Sơn 719”.
Anh Hai Nguyên cùng bộ phận chỉ đạo phải gấp rút thành lập tiếp TK5, dự định hết mùa mưa năm nay sẽ ra đi. Công việc đang tiến hành khẩn trương thì nhận được tin về tôi. Cùng với các đồng chí ở Quảng Nam, anh tôi chức một đường dây nóng để đưa tôi về. Đến lúc này tôi mới biết việc đón tôi xuống Đà Nẵng bằng trực thăng là do Thủy đề xuất...
- …Khi TK2 thất bại trở về, - Anh Hai Nguyên nói tiếp - tức là một năm sau ngày tổ cậu ra đi, mình đã nghĩ các cậu hy sinh cả rồi. Cậu còn sống sót và trở về được là một điều kỳ diệu nằm ngoài mọi dự đoán và chờ đợi.
- Em còn sững là nhờ các anh ấy? - Tôi nói, không ngăn nổi những giọt nước mắt - Nếu không phải em mà anh Đằng hay anh Hùng còn sống, các anh ấy đã về được sớm hơn...
- Mình hiểu cậu muốn nói gì, - Anh Hai Nguyên chớp chớp mắt - nhưng cậu cũng đã làm hết khả năng của mình. Trong công việc này cũng như mọi công tác khác của Cách mạng, không chiến công nào là của riêng ai. Những thành viên trong các toán TK đều là những chiến sĩ ưu tú được lựa chọn từ nhiều đơn vị. Sự hy sinh của họ là tổn thất lớn, là cái giá quá đắt mà ta phải trả khi tiến hành kế hoạch tìm kiếm...
Trong suốt hai ngày, tôi báo cáo với anh Hai Nguyên về tất cả những gì mà TK1 đã làm từ khi ra đi cho đến nay. Nói báo cáo cũng được, mà nói kể lại cũng vậy. Ban ngày chúng tôi ngồi bên chiếc bàn nứa để anh có thể ghi chép, còn đêm đến thì mắc võng chụm đầu vào cây cột giữa lán nằm nói chuyện. Cũng như đêm nào ở Bãi Hà, nhưng lúc này chỉ còn hai cánh võng.
Đêm nay tôi kể với anh về bác Thành và hai người con. Suốt từ đầu tới giờ, anh chỉ nghe chứ chưa nói gì. Khi tôi nói hết những điều bác Thành dặn trước lúc chia tay thì đêm đã khuya. Bên ngoài trời vẫn mưa mãi. Thỉnh thoảng lại có ngọn gió rung tán cây làm những giọt nước rụng lộp độp xuống mái lán lợp bằng nứa. Đống lửa giữa lán cháy bập bùng hắt lên những mảng sáng tối chập chờn, khiến cho những nếp nhăn trên khuôn mặt anh lúc như giãn ra, lúc như hằn sâu thêm.
Nghe xong chuyện, anh vẫn nằm im lặng. Hồi lâu sau mới nghe anh thở dài và nói với tôi:
- Vậy đấy! Chỉ một cái gia đình nho nhỏ của mình mà đã xẩy ra bao chuyện, huống chi cả đất nước này! Chiến tranh làm cho nhiều nhà ly tán cả trong tư tưởng, tình cảm! Này... - Anh chợt nhỏm dậy, ngồi trên võng nhìn tôi chằm chằm - Tớ hỏi thật, cậu yêu con Thủy phải không?
- Em... nhưng sao anh biết?
- Hà! Cứ nghe cách cậu kể chuyện là biết!
- Em... em chưa nói gì với Thủy.
- Cần gì phải nói! Không nhất thiết cứ phải nói ra thành lời mới là yêu. Về con Thủy thì rõ rồi! Nếu không có tình yêu chắp cánh, chỉ bay bằng động cơ trực thăng, làm sao nó tới được với cậu giữa rừng sâu?
- Em cũng hiểu là Thủy yêu em, và Thủy chờ đợi em nói ra tình cảm của mình. Nhưng em không thể...
- Vì sao? Cậu ngại lý lịch phải không?
- Em không hề lo như vậy. Nếu nói yêu nhau mà còn so đo tính toán đến một điều gì khác, kể cả lý lịch đi nữa, thì chưa phải là yêu. Hơn nữa, Thủy là người tốt. Những việc cô ấy làm đã chứng minh điều đó. Dù lớn lên trong đó, nhưng Thủy vẫn trong sáng trong cách nhìn nhận. Và cô ấy đã đến với Cách mạng bằng tấm lòng trong sáng của mình.
- Đến với Cách mạng, hay chỉ đến với cậu? Hoặc để tìm tôi người chú của nó? Cậu không nghĩ rằng đấy là những tình cảm riêng tư sao?
Nhìn ánh mắt chăm chú của anh, tôi hiểu anh hỏi cốt để tôi nói ra những suy nghĩ của mình. Vì vậy tôi mạnh dạn nói:
- Những tình cảm lớn cũng bắt đầu từ những chuyện riêng tư như vậy. Đến với Cách mạng bằng con đường dó là sững thật với chính mình, và là sự gắn bó bền chắc. Chứ ngay từ đầu mà đã hô khẩu hiệu thì...
- Cậu khá lắm! Nhưng dù sao cũng phải xác minh thêm. Một cô gái có anh là trung úy phi công ngụy đã từng có chiến tích bắn giết Quân giải phóng và bị Quân giải phóng bắn chết; bản thân cô ta là phi công trực thăng, được một đại tá ngụy đỡ đầu, từng đi học sáu tháng ở Mỹ, học lái trực thăng hay còn học gì nữa? Chưa biết! Chỉ cần mấy nét lý lịch như vậy, liệu có tin được không? Cậu là lính an ninh cơ mà, còn lạ gì nữa!
- Anh không nghĩ tới những việc cô ấy đã làm ư?
- Sao lại không? Nhưng cũng phải nghĩ, liệu địch có âm mưu gì trong chuyện này? Biết cậu ở trên đó với một công tác đặc biệt, nhân việc cậu gặp gỡ với con Thủy mà bố trí cho nó tạo lòng tin với cậu, với tổ chức để tính kế về lâu dài... Rất lôgíc, phải không?
- Cách phân tích như vậy là đúng, nhưng đó chỉ là lối tư duy máy móc.
- Lối tư duy đó sai chỗ nào?
- Không phải sai! Nó vẫn rất cần thiết, nhất là để ta có cách nhìn nhận khái quát vấn đề. Nhưng đánh giá về một con người mà chỉ như thế thì chưa đủ...
- Cậu cứ nói tiếp đi!
- Em không biết phải... diễn đạt thế nào... Nhưng ví như lời nói của một người, nếu viết ra giấy, khi đọc lên có thể khác hẳn so với khi được nghe chính người đó nói. Lúc đó, ta không chỉ nghe mà còn cảm nhận được từ ánh mắt, nét mặt, giọng nói..., từ đó đánh giá đúng suy nghĩ và tình cảm của người nói. Cho nên về Thủy, nếu chỉ đọc trên những nét lý lịch tuy có thật nhưng khô khan ấy thì có thể nghĩ như vậy. Nhưng em đã tiếp xúc với cô ấy, em hiểu!
Anh Hai Nguyên nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh:
- Mình cũng tin như cậu. Nhưng còn những người không có điều kiện tiếp xúc? Trong trường hợp đó vẫn phải suy nghĩ theo lôgíc, vẫn phải kiểm tra lại. Có thể thừa, nhưng không được bỏ qua.
- Để làm gì ạ? Dù sao em cũng đã về đến nơi, còn Thủy vẫn ở lại trong đó...
- Tất nhiên không phải xác minh cho cậu cưới vợ. Chưa tới lúc, đúng không? Còn để làm gì, sau cậu sẽ biết!
Tia mắt hóm hỉnh của anh làm mặt tôi nóng bừng.
Sáng nay anh Hai Nguyên đi công tác, dặn tôi ngồi nhà viết báo cáo. Tôi biết anh vẫn đang lo những việc có liên quan đến số vàng, vì hôm trước anh có nói thời gian này anh được lệnh chỉ tập trung vào chuyện đó.
Tôi viết bản báo cáo chỉ hơn hai trang giấy, thêm bản sơ đồ nữa vừa chẵn ba trang. Liệu ngắn gọn quá không? Nhìn mấy trang giấy vừa viết, tôi ngần ngừ hồi lâu. Không, như thế đủ rồi! Những việc chúng tôi làm được, những điều tôi phải chịu đựng trong hai năm rưỡi qua chỉ là ít ỏi và nhỏ bé so với những gì mà hàng triệu người khác đã làm trong cùng thời gian, chỉ là một công việc bình thường trong chiến tranh.
Tối đến, anh Hai Nguyên đọc bản báo cáo và đăm chiêu suy nghĩ. Mãi chẳng thấy anh nới gì, tôi lo quá! Hẳn có điều gì không ổn. Đắn đo mãi, tôi mới rụt rè nói:
- Anh... cho em viết lại phần kiểm điểm...
Anh ngẩng lên hỏi:
- Cậu định kiểm điểm thêm về chuyện gì?
- Em... thời gian ở trên ấy, em làm nhiều việc lộ bí mật nên địch nghi ngờ.
- Cái đó cũng có. Nhưng cậu nên nhớ rằng, chúng ta phải chấp nhận thực tế khách quan, việc gì phải đến thì sẽ đến. Và kiểm điểm khác với xưng tội. Không phải cứ nhận hết mọi lỗi về mình là thành khẩn, là dũng cảm. Nhưng thôi! Giờ cậu kể lại cho mình nghe lần nữa những chi tiết có liên quan đến John Smith...
Nghe xong, anh Hai Nguyên ngẫm nghĩ một lát rồi nói với tôi:
- Hồi giao nhiệm vụ cho TK1, mình đã đề cập tới một nhân viên CIA, chắc cậu còn nhớ? - Thấy tôi gật đầu, anh nói tiếp - Chính Smith đó! Ta đã có một số tài liệu về hắn. Smith là nhân viên tình báo Mỹ hoạt động nhiều năm ở Philippin, Hồng Công, Đài Loan, rồi đến Nhật Bản trước khi sang Việt Nam vào năm 1968. Hiện y đang phụ trách một mảng của kế hoạch hậu chiến, mà việc này hầu như không liên quan gì đến vùng rừng cậu ở. Nếu kết hợp những tài liệu tình báo ta nắm được và tin tức của cậu, thì có thể nghĩ rằng việc làm của Smith mang tính chất cá nhân. Có thể Smith biết về chiếc máy bay chở vàng từ một nguồn nào đó và lén lút tìm mọi cách để tìm kiếm nó. Nhưng muốn kết luận chính xác, đòi hỏi phải có thêm thông tin và cần có thời gian. Điều đáng lo nhất là y và kẻ địch nói chung, còn làm gì trên đó sau khi cậu đi rồi? Ta phải trở lại càng sớm càng tốt để thu hồi số vàng. Cách cậu giấu như thế là kín đáo, chúng khó phát hiện ra được. Nhưng nếu ta lên đến nơi, đào vàng lên và rơi vào ổ phục kích của địch, hậu quả sẽ không gì cứu vãn nổi. Chỉ cần chúng cài sẵn một cái máy gián điệp kiểu như "cây nhiệt đới”, thì sau khi ta tới chưa đầy một giờ đồng hồ, địch đã có thể đổ quân xuống.
Tôi băn khoăn:
- Giá em ở lại trên đó, chỉ gửi tin về...
- Không được! Dù tin tưởng ở con Thủy, cũng không thể viết chi tiết để gửi về. Mà như vậy, ở nhà cũng không tính toán được kế hoạch cụ thể. Với chừng ấy vàng, đâu chỉ vài toán TK là mang vác về được? Mình đã đề nghị trên chỉ đạo bên tình báo bám sát John Smith. Còn cậu với mình ngày mai phải ra Quảng Bình. Ở ngoài đó mới có điều kiện chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo. Ta sẽ lên trên ấy bằng trực thăng.
- Trực thăng - Tôi kinh ngạc kêu lên.
- Chứ sao! Rất phức tạp để bay được đến nơi và bay về, nhưng chỉ có cách đó thôi. Cậu nghĩ gì mà thừ người ra vậy? Đang nhớ tới con Thủy phải không?
Tôi bẽn lẽn thú nhận:
- Anh tài thật! Em đang nghĩ nếu có Thủy, và nếu ông Tùng còn đương chức, ta có thể tổ chức một chuyến bay như vừa rồi, nhưng lần này sẽ bay thẳng ra Bắc. Trước đây ông Tùng có gợi ý là để Thủy chở em ra tới một vùng giáp ranh nào đó.
- Cũng là một kế hoạch hay nhưng muộn rồi. Giá ta nắm bắt được diễn biến tư tưởng của ông Tùng sớm hơn, sẽ tận dụng được nhiều cơ hội chứ không chỉ trong chuyện này đâu.
- Chuyện về ông Tùng, em thấy thật lạ!
- Nói như ông anh mình mà cậu đã kể thì đây là một trường hợp đặc biệt. Nhưng cũng có gì khó hiểu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta đã khá dài, đủ thời gian để thức tỉnh nhiều con người như ông Tùng. Dù trước đây có lầm lạc, nhưng nếu còn nhớ tới cội nguồn, còn gắn bó với quê hương, trước sau gì những con người như vậy cũng nhận biết được đâu là lẽ phải. Ngay cả một số lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam cũng nhận ra điều đó, huống chi người Việt mình! Cho nên chuyện về ông Tùng không có gì đáng ngạc nhiên. Trong những chuyện cậu đã kể cho mình, cậu có biết lạ nhất là chuyện gì không?
- Anh muốn nói tới chuyện tổ em chạm súng với thằng Trà?
- Đó cũng là chuyện lạ, nhưng xẩy ra nhiều rồi! Nói đâu xa, ngay gia đình cậu Nghĩa đấy thôi! Hai anh em ở hai phía, đụng nhau là bắn nhau chí tử, cách chi đừng được?
- Thế việc gì ạ?
- Chuyện cậu sống một mình trong rừng mà tình yêu vẫn đến!
Tôi đỏ mặt:
- Nhưng em đâu cố tình...
Anh Hai Nguyên bật cười:
- Ai lại nói "cố tình yêu” hay "vô tình yêu” bao giờ! Thực ra, có những việc tưởng ngẫu nhiên nhưng lại là kết quả của một quá trình lôgíc. Trong chuyện này cũng vậy thôi! Nếu cậu không chôn cất tử tế thằng Trà cùng mấy đứa chết trên chiếc trực thăng ấy, nếu cậu không rộng lượng với toán lính con Thủy chở lên, và cả với nó nữa, thì nó đâu có đến với cậu? Chính lòng nhân ái đã kéo hai đứa lại bàn nhau, hiểu nhau, và sau này gì gì nữa thì tùy cậu với nó. Còn trước mắt, cậu lo cho mình kế hoạch đổ bộ. Không phải ngay lúc này đâu. Cứ suy nghĩ, ra tới Quảng Bình viết thành phương án cụ thể. Nhớ là phải tính toán mọi tình huống có thể gặp, và chi tiết tới từng động tác của mỗi người từ lúc máy bay hạ xuống, cho đến khi nó bay lên. Những phần khác có người khác lo, được chứ? Thôi, bây giờ ngủ đi? Mai ta lên đường sớm...
Ra tới Quảng Bình, anh Hai Nguyên đi tiếp ra Hà Nội, còn tôi phải vào bệnh viện. Chỗ bị đánh bên sườn tuy không còn đau, nhưng nó phồng lên tím ngắt. Phải mổ để lấy cục máu đông trong đó.
Một tuần sau tôi ra viện. Người đón tôi là đồng chí thiếu tá hôm nào đã đưa chúng tôi vào khe Trầm. Nhìn anh hồi lâu tôi mới nhận ra. Không phải vì hôm nay anh không đeo cấp hàm, mà vì trên mặt anh có một vết sẹo dài mới lên da non chạy từ má tới thái dương. Anh bị thương trên đường đưa TK4 vào khe Trầm.
Tôi làm phương án đổ bộ, vẽ sơ đồ và đắp sa bàn bằng đất sét. Mấy hôm sau thì anh Hai Nguyên vào tới, cho biết trên đồng ý với kế hoạch đổ bộ bằng trực thăng, gọi tắt là kế hoạch TK. Anh không giải thích, nhưng tôi nghĩ chữ TK lúc này có nghĩa là “Tổng kết việc tìm kiếm", tức là chỉ một lần nữa thôi, và không được phép thất bại.
Lực lượng đổ bộ cũng được đưa tới, đó là năm chiến sĩ trinh sát của bộ đội đặc công. Họ đều trẻ khỏe, người lớn tuổi nhất chỉ bằng tuổi tôi. Tất cả đều được huấn luyện cẩn thận để tác chiến ở địa bàn rừng núi và đã trải qua chiến đấu. Tôi là người dẫn đường khi đến địa điểm đổ bộ. Đồng chí thiếu tá làm trưởng đoàn. Lực lượng hơi ít, nhưng tải trọng máy bay có hạn. Chúng tôi phải mang theo số vũ khí đủ để chiến đấu trong tình huống đột xuất cùng với những trang bị cần thiết, và lúc về sẽ còn nặng hơn. Riêng hai phi công và máy bay chưa vào. Họ đang bay tập ở một vùng rừng núi nào đó có địa hình và điều kiện bay tương tự.
Cả tổ trú tại một khu nhà ở ngoại vi thị xã Đồng Hỡi, bốn bề có hàng dương liễu bao quanh. Nơi này trước là cơ sở sản xuất của một xí nghiệp cơ khí đã bị bom đánh sập gần hết, chỉ còn lại mấy gian phòng đầy vết mảnh bom. Ở đây cách xa khu dân cư. Chính quyền địa phương được thông báo có một tốp bộ đội công binh về trú ở đó để chuẩn bị cho công tác rà phá bom mìn.
Một trong những việc phức tạp là đưa máy bay vào đợi sẵn. Đưa vào đã khó, mà ngụy trang cất giấu một chiếc trực thăng ở cái vùng đã bị bom đạn san thành bình địa này lại càng khó hơn.
Cuối cùng cũng tìm ra địa điểm: đó là cái sân rộng trong khu nhà bảo tàng trước đây của tỉnh. Ở đấy có sẵn hàng chục xác máy bay Mỹ đủ loại được chở về để sau này trưng bày. Chiếc trực thăng được sơn lại như màu máy bay địch, nằm khuất sau những đống xác máy bay và ngụy trang bằng các mảnh vỡ của chúng. Lũ trẻ chăn trâu phàn nàn rằng mấy ông già gác bảo tàng mới đổi về khó tính quá, chẳng đứa nào được bén mảng lại gần leo trèo đùa nghịch như trước. Nghe nói trong đó vừa rồi bị mất trộm. Nhưng bảo tàng sơ tán lâu rồi, chỉ còn lại những hiện vật chiến tranh cồng kềnh, có gì đâu mà mất?
Khác hẳn với lũ trẻ, mấy tốp khách quốc tế đến tham quan đều vui vẻ đứng rất xa nhìn vào vì được thông báo trong một xác máy bay mới chở về có bom chưa nổ, đang tìm cách tháo gỡ.
Theo kế hoạch, lúc tới nơi máy bay sẽ lượn vòng quan sát trước khi đáp xuống bãi cỏ mà Thủy đã đỗ trực thăng hôm lên đón tôi. Sau đó hai chiến sĩ trinh sát mang theo súng máy phòng không lên chiếm lĩnh vị trí cảnh giới ở ụ đại liên. Tôi và ba người khác nhanh chóng lùng sục xung quanh để phát hiện địch phục kích cũng như các phương tiện máy móc chúng cài lại. Bốn người còn lại ngụy trang máy bay và cảnh giới tại chỗ. Khi nào thấy thật sự an toàn mới đào vàng lên chuyển về máy bay.
Để bảo đảm bí mật, tổ đổ bộ không thể luyện tập ngoài thực địa, trừ một số bài vận động chiến đấu chỉ thực hiện vào ban đêm, và cũng rất hạn chế. Vì thế, tôi phải thể hiện thật chi tiết địa hình địa vật nơi đổ bộ trên sa bàn cho mọi người hình dung được từng động tác cần làm. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí thiếu tá, toàn tổ tuân theo một chế độ luyện tập hết sức khắt khe, nhất là các bài tập thể lực và vũ thuật mà tôi theo đuổi một cách chật vật. Ngoài ra, để tránh sự tò mò chú ý của người khác, chúng tôi sinh hoạt và làm việc như một đơn vị công binh thật sự, kể cả việc tiếp xúc với dân. Yếu tố bí mật phụ thuộc vào tính tự giác của từng thành viên trong tổ.
Nhưng muốn đổ bộ, trước hết phải bay đến đích. Đó chính là công việc khó khăn nhất. Đường bay dự tính là: Từ Đồng Hới, chúng tôi bay qua tây Trường Sơn rồi căn theo một trục đường của tuyến đường 559 bay về phía nam, tới ngang điểm có cùng vĩ độ với khu vực đổ bộ thì ngoặt sang hướng đông tìm vùng đồi cỏ. Chẳng dễ dàng chút nào khi bay trên một đường bay xa lạ mà không có dẫn đường từ mặt đất cũng không được liên lạc bằng vô tuyến. Hơn nữa, phải bay thật thấp để tránh sự phát hiện của ra đa từ các căn cứ của Mỹ đóng ở Thái Lan lúc bay bên tây Trường Sơn, và từ Đà Nẵng lúc qua đông Trường Sơn. Lại còn các máy bay trinh sát của địch hầu như thường trực trên các trọng điểm. Bay thấp trong điều kiện khí hậu và địa hình phức tạp là mối nguy hiểm không nhỏ. Sự thành công của kế hoạch táo bạo này phụ thuộc vào công tác chuẩn bị, tài nghệ của các phi công và yếu tố bất ngờ. Ngoài ra cần có một chút may mắn nữa. Phi công của ta kinh nghiệm bay trong điều kiện như vậy còn hạn chế. Tôi nhớ tới Thủy và nghĩ rằng nếu có cô lúc này chắc công việc sẽ thuận lợi hơn.
Để giúp phi công định hướng, tại một số điểm cao dọc theo đường bay ở tây Trường Sơn, sẽ có đốt lửa hoặc bắn pháo hiệu vào lúc cần thiết. Một số máy phát vô tuyến cũng được bố trí để phát những tín hiệu quy ước khi máy bay bay qua. Nhận được tín hiệu, phi công sẽ biết mình đang đến khu vực nào. Tuy nhiên vô tuyến trên máy bay chỉ được phát sóng trong trường hợp khẩn cấp và lúc đã về tới vùng trời Quảng Bình. Tại một địa điểm ở phía nam đường Chín có bố trí xe chở xăng chờ sẵn, nếu cần máy bay sẽ xuống tiếp nhiên liệu.
Chỉ sơ qua mấy nét chính cũng đã hình dung ra khói lượng công việc đồ sộ mà anh Hai Nguyên và các cán bộ có trách nhiệm phải lo. Sẽ có hàng trăm người tham gia thực hiện kế hoạch mà phần lớn trong số họ không biết được mục đích cuối cùng của công việc, chỉ biết mình phải hành động như vậy trong thời điểm như vậy và phải thật chính xác. Ấy là chưa kể làm thế nào để thông báo cho các đơn vị bộ đội trên dọc tuyến bay không bắn nhầm vào máy bay ta, nhưng lại phải bảo đảm bí mật ở mức cao nhất. Anh Hai Nguyên nói đùa rằng ta sử dụng phương tiện hiện đại theo kiểu du kích, vì thế mới vất vả...
Nhưng rồi mọi công tác chuẩn bị cũng hoàn tất. Trực thăng cùng các thợ máy và phi công đã sẵn sàng. Chỉ còn yếu tố cuối cùng là thời tiết. Đến bây giờ tôi mới hiểu tường tận thế nào là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Gió mùa đông bắc liên tục tràn vào đợt này nối đợt khác. Nhiều lúc ở Đồng Hỡi trời quang mây tạnh nhưng bầu trời tây Trường Sơn thì dày đặc mây mù, và ngược lại. Chúng tôi sốt ruột chờ đợi. Càng kéo dài, sự căng thẳng càng tăng lên. Phức tạp nhất là việc giữ bí mật. Vì vậy ngoài thời gian luyện tập, tổ đổ bộ phải thay nhau mang máy móc trang bị đi rà phá bom mìn. Làm thật chứ không phải giả vờ. Cũng tìm bom, cắm tiêu, đào bới, phá nổ... Các chiến sĩ trinh sát đều là những người thành thạo trong nghề, tôi chỉ là anh lính mới đi theo học việc, nhưng nhờ đó cũng học hỏi được khối điều.
Công việc vất vả làm tôi nguôi nhớ Thủy. Nhưng đêm đến, lúc nằm trong chiếc màn của cô, tôi như cảm thấy Thủy đang ở rất gần bên mình... Tôi nhớ lại khoảnh khắc "hóa thạch" của hai đứa tôi và nghĩ: giá như hôm đó chúng tôi "bắt đầu” sớm hơn một chút, hay con chó sủa muộn một chút...
Một buổi chiều vào lúc sẩm tối, tôi cùng anh em trong tổ đang ngồi tán chuyện trước nhà. Đó là những giây phút nghỉ ngơi thật sự sau một ngày căng thẳng. Hôm nay có nắng hửng nên bầu trời trong và nhẹ hơn. Ngày sắp trôi qua, dãy cồn cát ven biển sẫm dần, in những nét cong mềm mại lên nền trời tím lịm hoàng hôn.
Một chiếc Uoát cắm đầy cành lá ngụy trang từ đằng xa tiến lại, lao nhanh qua cổng rồi phanh két ở giữa sân. Ai thế nhỉ? Ở đây không mấy khi có khách, mà lại đến vào giờ này? Chắc có nhân vật quan trọng nào đến thăm.
Cánh cửa xe mở ra. Từ trên xe, một người con gái nhảy xuống chạy ào về phía chúng tôi. Tôi bước lên mấy bước rồi đứng sững lại kinh ngạc. “Trời ôi, Thủy! - Tôi gần như nghẹn thở - Làm sao cô ra được đây?”...
"Anh Hải...!" Cô reo lanh lảnh và lao tới ôm lấy tôi chặt cứng. Tôi không thốt nổi lời nào, chỉ nghĩ rằng mình chưa bị hóa đá vì còn cảm nhận được những giọt nước mắt nóng ấm bên vai và những sợi tóc mềm mơn man trên mặt.
Mấy cậu lính trẻ nín thở chờ đến khi chúng tôi rời nhau ra mới vỗ tay hoan hô vang dậy. Cảnh nhìn thấy như trong phim. Tôi biết mặt mình đang đỏ lựng lên, còn Thủy thì luống cuống lau vội những giọt nước mắt.
- Nè, muốn ôm lính của tôi là phải xin phép đó nghen!
Anh Hai Nguyên xuống xe từ lúc nào, nheo nheo cặp mắt đứng nhìn hai đứa tôi và trêu bằng giọng Nam Bộ đặc sệt.
- Tại cháu mừng quá... - Thủy bối rối chống chế, đôi mắt ngời ngời trên khuôn mặt đỏ bừng.
- Sao cậu không dẫn khách vào nhà mà cứ dửng ngây người ra thế? - Anh Hai Nguyên giục.
Tôi sực tỉnh, vội đưa Thủy đến nơi anh em trong tổ đang đợi:
- Đây là Thủy mà mình đã kể chuyện...
Mọi người tranh nhau bắt tay cô, xôn xao chào hỏi. Sự có mặt của một cô gái trẻ nói giọng miền Nam dễ thương làm cho không khí trong gian phòng đầy vết bom đạn này tươi mát hẳn lên. Đồng đội của tôi đều tỏ ra quý mến và ngưỡng mộ cô. Còn tôi thì khỏi phải kể, đó là những giây phút sung sướng thật sự. Tôi hiểu sự xuất hiện của Thủy là có liên quan đến công việc của chúng tôi, điều mà anh Hai Nguyên đã nói "để sau sẽ biết..." Và như vậy, bằng cách nào đó cấp trên đã thẩm tra và Thủy được tin cậy hoàn toàn khi tham gia công tác đặc biệt này.
Tối hôm đó chúng tôi có cuộc họp nhỏ. Thành phần gồm anh Hai Nguyên, đồng chí trưởng đoàn, tổ lái và Thủy. Tôi được dự với tư cách dự thính vì nội dung cuộc họp chỉ bàn đến kỹ thuật bay. Trong lĩnh vực này, tôi là kẻ "ngoại đạo”.
Thủy được thông báo về kế hoạch bay. Cô hỏi thêm những chi tiết về đường bay, về tính năng và các thông số kỹ thuật của trực thăng, và khiêm tốn bàn luận sôi nổi với các phi công của ta. Các anh ấy tỏ ra rất hào hứng và thán phục khi nghe cô trình bày kinh nghiệm bay thấp tránh ra đa, việc xử lý khi gặp điều kiện thời tiết xấu, việc định hướng bay trên địa hình rừng núi... Lúc này cô lại là "cô Thủy chị" như hôm nào bay trên rừng về Đà Nẵng. Tôi chẳng hiểu mô tê gì, nhưng vẫn hết sức hãnh diện khi thấy cô gái "của mình" được mọi người quý mến. Đâu phải riêng tôi, ngay cả anh Hai Nguyên cũng tỏ ra hết sức vui mừng. ánh mắt anh nhìn cô cháu gái đầy vẻ âu yếm và tự hào.
Lúc cuộc họp chấm dứt thì đêm đã khuya. Thủy được bố trí nghỉ cùng hai chị cấp dưỡng là người của bên Ty Công an cử sang. Vậy là hai đứa tôi chưa có dịp nói chuyện riêng với nhau. Nhưng không sao! Bây giờ không có gì ngăn cách chúng tôi được nữa.
Sáng hôm sau cô đi cùng các phi công lên chỗ máy bay. Trưa về ăn cơm xong, anh em trong tổ giục nhau ngủ trưa để "bảo đảm sức khỏe", thực ra là để chúng tôi có dịp ngồi riêng với nhau.
Chúng tôi ra ngồi dưới gốc cây dương liễu già bị bom chém gãy ngang giữa thân, cành lá reo trong gió biển. Thủy kể, sau khi tôi đi chừng một tháng thì có người của ta về gặp cô và ông Thành đưa thư của anh Hai Nguyên. Trong thư nói rõ anh đang rất cần sự có mặt của cô cháu gái, nhưng việc đi hay không là do cha con ông Thành quyết định. Cô nói:
- Hồi đó em cũng muốn theo anh ra gặp chú, nhưng nghĩ thương ba còn một mình nên không dám nói. Đến lúc nhận được thư chú, ba cứ giục em đi. Ông nói: "Đừng lo ba buồn! Anh con đã vậy rồi, giờ nếu con làm được việc gì có ích cho Cách mạng, cho chú con thì ba sẽ thanh thản hơn..."
Cô vào Tam Kỳ, theo con đường tôi đi lần trước để lên khu căn cứ rồi ra Bắc. Anh Hai Nguyên đón cô ở Vĩnh Linh.
- Thế Thủy có biết ra đây làm gì không?
- Chú nói với em rồi! Chúng ta sẽ trở lại vùng rừng đó, phải không anh? Ngay từ đầu em đã đoán anh đang làm một việc gì ở trên...
- Sao không hỏi thử?
- Ai dại mà hỏi? Để bị nghi làm gián điệp thì chết em à! Cô cười rồi nói tiếp - Mình sẽ gặp lại báo Aga, gặp con suối Tiên... Và chắc sau này em sẽ được bay. Trực thăng đằng mình trông hiền ghê!
- Hiền là sao?
- Thì... cái dáng nó hiền hơn, đường nét tròn trịa... Mà sao anh không nói chi, cứ hỏi hoài vậy?
- Hỏi cũng là nói! Thế Thủy lái được không?
- Không dễ đâu anh! Về lý thuyết giống nhau, nhưng phải có thời gian làm quen, rồi bay tập để chuyển loại... Nhưng em tin nếu mấy chú mấy anh cho bay, em sẽ bay được. Mà ngoài này bom đạn nhiều ghê anh ha! Chỗ nào cũng thấy hố bom.
- Thủy có biết ở đây dân họ gọi những phi công như Thủy là gì không?
- Là chi, anh?
- Gọi là "giặc lái”!
Cô cúi đầu nói nho nhỏ:
- Cũng phải thôi! Bom đạn trút xuống thế kia... Thế còn anh?
- Thì lúc đầu... cũng coi là "giặc lái"!
- Còn bây giờ?
- Là... đồng đội!
Cô ngước mắt nhìn tôi và bỗng bật cười:
- Anh chẳng bao giờ biết nói chuyện với con gái cả!
- Tôi nói gì sai ư?
- Không! Những điều anh nói đều đúng, lại còn hay nữa là khác! Nhưng có lẽ... cô nào nói chuyện với anh vài lần là lo tránh cho xa...
Tôi ngớ người nhìn cô và chợt hiểu ra. Đúng thế thật! Ai lại gặp... người yêu mà nói năng vô duyên như vậy. Cũng may cô không giận. Chắc là thế! Chẳng ai giận mà cười tươi được như cô lúc này. Lại còn đôi mắt nữa! Đôi mát cô đăm đắm nhìn tôi, sâu thăm thẳm như khoảng trời xanh vừa chợt ló ra giữa tầng mây trên cao kia. Và cũng như mọi khi, tôi chẳng nghĩ ra một câu gì hay ho để nói trong dịp này. Thật uổng cả công đọc sách. Tôi đành lấp lừng:
- Vậy mà cũng có người theo đấy…
Cô lườm, đôi mắt đen kéo hai cái đuôi dài trong một thoáng:
- Ai đó chớ không phải em đâu nghen! Em đi theo Cách mạng. Anh đừng tưởng!
Những ngày sau đó chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Thủy ở lại trên chỗ tổ lái và bận túi bụi suốt ngày đêm. Cô được giao nhiệm vụ làm hoa tiêu cho chuyến bay nên phải lao vào nghiên cứu cả đống tài liệu về địa hình, về khí tượng, rồi những tập bản đồ, những xấp không ảnh... cùng những công việc kỹ thuật khác. Dù chẳng mấy am hiểu, nhưng tôi cũng biết rằng làm hoa tiêu trên một đường bay xa lạ trong điều kiện như vậy là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Tôi lo thầm cho cô nhưng chẳng giúp gì được, và cũng không dám nới ra. Không ngờ chính Thủy lại là người an ủi tôi: "Anh đừng lo! Có các anh ấy, em tin là sẽ làm được. Phi công đằng mình còn ít giờ bay mà giỏi thiệt..."
Từ hôm Thủy ra, trời đẹp dần lên. Tất nhiên không phải vì có cô ra mà vì mùa xuân đang đến gần. Trên bầu trời tầng mây trắng mỏng hơn, dâng lên cao và chói nắng đến nhức mắt. Đôi chỗ nền trời chuyển sang màu xanh trứng sáo, báo hiệu những ngày nắng sẽ còn kéo dài. Cây dương liễu già nhú thêm mấy túm chồi xanh non. Trong đống đổ nát hoang tàn của thị xã Đồng Hỡi, mấy khóm hoa hồng còn sót lại đã nở những bông hoa đầu mùa. Lâu ngày không được tay người chăm sóc, cây hồng gần như hoang dại, những bông hoa không còn đẹp kiêu sa như trước nhưng lại dịu dàng đằm thắm hơn, và vẫn khẳng định được giá trị của mình qua mùi hương tinh khiết và rất nhẹ mà dường như ta cảm được chứ không phải người.
Rồi cũng có một ngày cả hai sườn đông và tây Trường Sơn đều không có mây mù. Chúng tôi xuất phát rất sớm, khi mặt đất còn tối om, lúc bay lên cao mới thấy chân trời đằng đông hơi rạng.
Chiếc trực thăng tìm tới được vùng đồi cỏ khi nắng đã lên, ánh vàng phủ khắp rừng. Dọc con suối vẫn còn vương một dải sương trắng mỏng. Một chút bồi hồi rung nhẹ trong tim. Tôi căng mắt quan sát lúc máy bay sà sát ngọn cây, lượn vòng trên vùng rừng quen thuộc. Cành lá lay động ào ào, chim chóc hốt hoảng vỗ cánh bay tán loạn. Tất cả vẫn yên tĩnh, không phát hiện thấy dấu hiệu nào khả nghi. Tôi nhìn đồng chí thiếu tá khẽ gật đầu. Anh nói vào micrô ra lệnh cho phi công. Chiếc trực thăng lượn thêm nửa vòng bay tới điểm đáp. Nó chững lại phía trên đám cỏ bên vũng suối, xuống thấp dần và nhẹ nhàng tiếp đất.
Phi công giảm tốc lực cánh quạt. Tổ đổ bộ bật dây an toàn nhanh nhẹn nhảy ra khỏi máy bay, lao tới những vị trí đã định ghìm súng cảnh giới.
Tôi đảo mắt nhìn quanh một vòng. Cỏ trên bãi mọc tốt um lấp kín lối mòn xuống suối. Bờ cát bên vũng suối phẳng lỳ. Cây cối dường như rậm rạp hơn. Căn nhà cũ giờ trông hoang tàn và lạnh lẽo, tấm nhựa lợp mái bị gió giật xuống treo lơ lủng bên vách, rách tả tơi. Chẳng thấy bóng lũ khỉ cùng con báo, cũng không nhìn thấy dấu vết gì chứng tỏ đã có người tới đây sau khi tôi đi rồi. Nhưng đó chỉ là nhìn qua. Tôi nán thêm một phút, cố tập trung tư tưởng để có thể cảm nhận được sự nguy hiểm nào đó... Hình như không có!
Đồng chí thiếu tá cắp khẩu AK lom khom chạy tới chỗ tôi:
- Thế nào Hải?
- Báo cáo anh, không thấy gì khác thường!
- Tốt! - Anh giơ tay ra hiệu tiến hành bước hai cuộc đổ bộ.
Phi công tắt máy. Bốn chiến sĩ trinh sát lao tới bên máy bay vác khẩu 12 ly 7 và xách những thùng đạn chạy đi chiếm lĩnh vị trí cảnh giới trên ụ đại liên. Sau đó hai người chốt lại, còn hai người khác sẽ sục sạo kiểm tra khu rừng quanh trảng cát.
Tổ lái xách súng nhảy xuống. Hai phi công rút dao chặt cành lá ngụy trang máy bay. Thủy khoác khẩu AK trên vai, tay cầm chiếc máy chuyên dụng rảo quanh để dò tìm các thiết bị máy móc địch cài lại. Đồng chí thiếu tá vẫy tay ra hiệu cho tổ tôi xuất phát.
Sau hơn một giờ đồng hồ, tôi cùng một chiến sĩ trinh sát lùng sục khắp khoảnh rừng có bán kính bốn trăm mét quanh nơi giấu vàng. Không có dấu vết của địch. Qua máy bộ đàm, tôi được thông báo ở các tổ khác mọi việc đều ổn.
Quay lại nơi máy bay đỗ, thấy tổ trinh sát phía dưới vừa về tới và máy bay đã được ngụy trang chu đáo. Nhưng sao Thủy lại đứng khóc? Có chuyện gì vậy?
Cô kêu lên khi nhìn thấy tôi:
- Anh Hải! Aga chết rồi!
- Sao? - Tôi sửng sốt.
- Kia kìa... - Cô mếu máo đưa tay chỉ về hướng căn nhà. Tôi tiến lại gần, chợt rùng mình bởi mùi xác chết thối rửa nồng nặc. Bước lên hai bậc cầu thang, tôi chửng lại khi nhìn thấy xác con báo. Nó nằm chết bên ngoài ngưỡng cửa, dòi bọ lúc nhúc trên đám lông vàng đen lốm đốm. Đứng lặng người nhìn những gì còn lại của con dã thú, tôi hiểu ra tất cả...
…Lúc trở về không nhìn thấy tôi, con báo đã chạy khắp rừng đến những nơi mà tôi với nó từng đến, để tìm. Mãi không tìm được, nó quay lại nhà nằm xuống đầu sàn chờ tôi trở lại. Nó nằm đó hết ngày này qua ngày khác, không chịu ăn uống gì, mắt đăm đăm ngóng ra đầu lối mòn nơi dải rừng non chờ một bóng người. Sự chờ đợi mỏi mòn làm sức nó kiệt đi... Cho đến một ngày kia, đốm sáng của sự sống trong đôi mắt nó mờ dần, mờ dần... rồi vụt tắt. Báo Aga đã chết trong buồn bã và tuyệt vọng. Nó chết vì trung thành và quyến luyến với con người mà nó gắn bó từ khi mới mồ côi mẹ. Trước lúc từ giã cõi đời, hẳn nó đã trách tôi là kẻ tệ bạc...
"Hãy hiểu cho tao, Aga!..." Tôi nén xúc động bước tới gốc cây trước nhà, lật tảng đá cạnh gốc lấy xẻng đào lên thỏi vàng giấu ở đó, trao nó cho đồng chí thiếu tá.
Xác con báo được gói trong vải nhựa chôn xương cái hố giấu vàng. Đã được nghe kể về Aga, các chiến sĩ trinh sát nói là để xong việc, họ sẽ giúp tôi làm sạch bộ xương con báo đem về. Ban đầu tôi cũng có ý định như vậy, nhưng sau lại thôi. Lúc con báo còn sống, tôi đã không nỡ bắt nó lìa rừng, thì lúc chết hãy để nó ở lại với rừng.
Những dấu vết trên bãi cỏ và cây đa đều chứng tỏ lũ khỉ không còn sống ở đây. Có lẽ lúc tôi ra đi, rồi con báo chết, chúng kéo nhau đi nơi khác sống. Nơi này giờ chỉ còn lại những kỷ niệm đau buồn chứ chẳng có gì hấp dẫn chúng.
Chúng tôi khẩn trương tiến hành bước ba của kế hoạch đổ bộ. Thủy và một phi công ở lại bảo vệ máy bay. Tôi dẫn những người khác mang vũ khí và những dụng cụ cần thiết lên chỗ giấu vàng.
Phải mất hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi mới moi hết số đất đá lấp miệng hang. Những thỏi vàng được bỏ vào ba lô gùi về máy bay, xếp vào các thùng sắt và khóa lại. Đến quá trưa thì mọi việc hoàn tất. Chúng tôi ngụy trang lại cái hang, xóa hết dấu vết rồi kéo về nghỉ dưới bóng cây bên bờ suối. Cho đến lúc này mọi việc đều theo đúng kế hoạch, nhưng ai cũng căng thẳng. Dường như lúc ngồi bên những thùng vàng, sự căng thẳng càng tăng lên gấp bội.
Sau khi bố trí thêm các chốt cảnh giới, đồng chí thiếu tá giục mọi người ăn trưa. Lần đầu được ăn lương khô, Thủy khen là không ngờ nó ngon đến vậy, lại còn kháy tôi: "Hèn chi anh chê kẹo..." Tôi cười chịu nhịn. Chuyện đâu còn có đó...
Ăn xong bữa trưa, quyền chỉ huy được tạm giao cho đồng chí phi công trưởng. Tôi cùng đồng chí thiếu tá và Thủy luồn rừng đi về phía cây thủy tùng làm công việc cuối cùng của kế hoạch: thay mặt toàn đội đến viếng mộ hai anh.
Chúng tôi thắp hương trên mộ rồi bỏ mũ cúi đầu mặc rúệm. Chiều nghiêng nắng, bóng ngôi mộ đá đổ dài trên bãi cỏ. Mới gần ba năm mà mưa gió đã lấp đầy các hố đạn, mặt đất chỉ còn hơi lồi lõm đôi chỗ. Nhưng nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy ở đây màu cỏ xanh hơn. Những ngọn cỏ non tơ mượt mà tỏa mùi ngòn ngọt dưới nắng chiều. Mấy tảng dá trên mộ cũng đã lên rêu xanh. ở đó có vết cào của con báo, nó tới cả đây để tìm tôi.
Tôi cùng đồng chí thiếu tá đào đất dưới mộ bỏ vào hai túi nhựa. Chúng tôi sẽ đem những hạt đất thấm máu này về chôn ở quê các anh. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm được, nhưng giờ đây hẳn các anh ấy đã yên lòng và thanh thản ở lại với rừng.
Không thể nấn ná lâu được, ba chúng tôi bùi ngùi rời ngôi mộ đá quay về nơi toàn đội đang đợi. Vào tới bìa rừng, tôi ngoái đầu nhìn lại lần cuối. Bát hương trên mộ vẫn đang cháy, những sợi khói trắng uốn lượn trong gió rồi tan vào khoảng không bao la. Nắng vàng bát ngát trên vùng đồi cỏ. Ngọn thủy tùng đung đưa giữa lưng trời lưu luyến hát lời từ biệt.
Gần đến giờ trở về, đồng chí thiếu tá lệnh cho toàn đội kiểm tra trang bị. Phải bỏ lại tất cả những thứ không thật cần thiết, kể cả số lương thực mang theo phòng bất trắc và khẩu 12 ly 7 cùng những thùng đạn. Máy bay đã chở quá nặng.
Tôi đưa tặng đồng chí thiếu tá và hai anh phi công mỗi người một cây dao găm chiến lợi phẩm, hơi bực mình khi thấy Thủy che miệng cười. Cười cái gì thế chẳng biết! Không nhớ là những cây dao này tôi thu của tốp lính cô ta chở lên đó sao? (Về sau hỏi lại, cô cười bảo: "Tại thấy anh lúc đó trịnh trọng như... trao kiếm giữa rừng”).
Chúng tôi bay lên lúc năm giờ chiều, đó là giờ máy bay địch ít hoạt động và còn đủ ánh sáng cho phi công nhận biết địa hình để định hướng. Chiếc trực thăng nặng nề bay trong mê cung của những hẻm núi, nhiều lúc sà sát ngọn cây. Bóng núi vùn vụt lướt qua bên ngoài ô cửa tròn. Ánh chiều tà lọt vào khoang máy bay, soi mờ mờ nét mặt căng thẳng của các chiến sĩ trong tổ đổ bộ. Chúng tôi là những chiến binh mặt đất, chỉ có thể tung hoành khi chân đạp đất, còn lúc này đành phó mặc mọi việc vào sự cố gắng phi thường của những người linh bầu trời. Và cùng với họ, còn có sự đóng góp thầm lặng của những con người đã đốt lửa, bắn pháo hiệu hoặc phát đi các tín hiệu vô tuyến giúp phi công định hướng. Họ chờ đợi hàng tháng trời ròng rã trong mưa gió trên những đỉnh núi cao heo hút, để làm một công việc chỉ diễn ra trong vài phút.
Khi máy bay bay vào vùng trời Quảng Bình, bóng đêm đã bao trùm lên tất cả. Trên nền trời hiện ra những vì sao nhấp nháy. Phi công cho máy bay lên cao, phát sóng vô tuyến để liên lạc và nhận được dẫn đường từ mặt đất. Trong khoang máy bay tối mờ không nhìn rõ mặt nhau, nhưng tôi biết niềm vui đang rạng rỡ trên nét mặt mọi người.
Có thể nói rằng, nhiệm vụ đã kết thúc khi chúng tôi từ trên trực thăng bước xuống và ngay lập tức được ôm chặt trong vòng tay của anh Hai Nguyên cùng những người ra đón. Nhưng trong câu chuyện này sẽ là sơ sót nếu không kể về những sự việc có liên quan đến một nhân vật mà từ đầu tới giờ ta mới chỉ nghe tên chứ chưa hề biết mặt. Và chuyện về y lại liên quan đến một chuyện khác đã xây ra từ lâu rồi...
… Một ngày đầu tháng 5 năm 1945, trên chiếc chiến hạm đậu ngoài khơi biển Đà Nẵng, đô đốc Yamashita, tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Nhật, đang sốt ruột đi đi lại lại trong phòng chỉ huy. Ông ta chờ đợi tin tức về chuyến bay có hộ tống của một chiếc phóng pháo cơ có nhiệm vụ chở số vàng quân Nhật vơ vét được, bay từ X về Đà Nẵng. Ở đó, vàng sẽ được đưa xuống thủy phi cơ để chuyển ra chiến hạm. Thế chiến hai đang đến hồi kết thúc. Số vàng này chẳng dùng gì được vào việc cứu vãn tình thế nguy ngập của đội quân phát xít ở châu Á, nhưng ít nhất cũng phải thu giấu nhằm tính kế lâu dài.
Chín giờ sáng. Đô đốc Yamashita được báo máy bay đã về tới phi trường Đà Nẵng, nhưng chỉ có một chiếc, lại là chiếc hộ tống.
Viên phi công báo cáo: Lúc sắp bay qua biên giới Lào Việt, y bay vượt lên trước để cảnh giới máy bay đồng minh. Ít phút sau, hoa tiêu của y báo là không còn nhìn thấy chiếc phóng pháo bay ở phía sau. Biết nó gặp sự cố y cho máy bay vòng lại tìm, hy vọng nó hạ cánh khẩn cấp xuống được vùng đồi cỏ mà y vừa bay qua. Nhưng viên phi công đã không tìm thấy gì. Chiếc máy bay chở vàng biến mất như chưa hề tồn tại. Nhiên liệu sắp cạn, y đành quay về.
Hai máy bay nhận lệnh cất cánh bay ngược chiều đường bay của chiếc chở vàng, tìm đến tọa độ nói trên và nhìn thấy vùng đồi cỏ. Chúng lượn nhiều vòng tìm kiếm nhưng không phát hiện ra dấu vết gì của chiếc phóng pháo. Rừng xanh đã nuốt chừng tất cả. Đó là cố gắng cuối cùng của đô đốc Yamashita. Tình hình sau đó không cho phép ông ta tìm lại số vàng...
Những điều kể trên là nội dung chính trong một bản viết tay bằng tiếng Nhật mà khi giải phóng Sài Gòn, ta thu được trong động giấy tờ ở phòng làm việc của John Smith. Theo các đồng chí phiên dịch thì khó có thể kết luận đấy là một bản báo cáo hay bản tự khai, chỉ biết người viết tự xưng y chính là viên phi công lái chiếc máy bay hộ tống. Cũng rất khó nhận định vì sao nó lọt vào tay Smith, nhưng chắc y kiếm được nó trong thời gian hoạt động ở Nhật.
Ngoài ra ta còn tìm thấy bản kế hoạch đổ bộ lực lượng "Mũ nồi xanh" xuống tọa độ có chiếc máy bay chở vàng rơi, nhưng với một lý do không liên quan gì đến nó. Bản kế hoạch do chính John Smith ký, và ký hiệu trên đó cho biết tài liệu này chỉ đánh máy một bản, như vậy nó chưa được gửi đi. Smith lập kế hoạch này vào tháng 7 năm 1969, nghĩa là sau vụ TK1 đụng độ với hai chiếc trực thăng trên vùng đồi cỏ có vài tháng. Tôi thấy không cần thiết phải kể chi tiết về nội dung bản kế hoạch, sợ dài dòng. Nhưng John Smith đã làm gì khi có thông tin về chiếc máy bay chở vàng?
…John Smith và Hay Cođy là đôi bạn tâm giao trong suốt mấy năm học ở trường sĩ quan hải quân Amnaponls. Ra trường Cođy chuyển về không lực, còn Smith sang ngành tình báo, nhưng tình bạn của họ không vì thế mà kém phần thân thiết.
Năm 1968, khi từ Nhật sang Việt Nam, Smith đã có trong tay một tài liệu rất thú vị mà y chưa biết nên xử lý như thế nào. Vàng? Theo y thì dù ở đâu và bao giờ, vàng vẫn cứ là thước đo giá trị đích thực của con người. Vì vậy khi có được những thông tin quý báu kia, bộ óc băng giá của y bỗng trở nên ấm áp hẳn lên và y cảm thấy xao xuyến như một chàng trai bất ngờ tìm thấy ý trung nhân của mình. "Báo cáo với cấp trên? Có mà ngu! Với những thông tin đơn sơ như vậy, làm to chuyện lên để làm gì? Đã có quá nhiều huyền thoại mơ hồ về những kho báu ở cái xứ sở nhiệt đới quái quỷ này. Chắc gì tin được lời khai của một tay phát xít già bị dồn vào thế kẹt, phải bán những thông tin ấy để đổi lấy thị thực nhập cảnh vào Mỹ? Còn... nếu là chuyện có thật, thì lại càng ngu hơn khi để một đống của như thế lọt vào tay kẻ khác, và rồi cùng lắm mình được cái bội tinh. Tốt nhất là..." Smith làm theo những gì mà y cho là tốt nhất.
Kế hoạch của y liên quan đến thằng bạn chí cốt ngày nào, nay làm cố vấn cho một đơn vị thuộc không lực Sài Gòn, lại đóng ngay Đà Nẵng. Với Hary, y tin như tin chính bản thân mình. Điều e ngại duy nhất là cái tính hung hăng mà có lẽ hắn ta thừa hưởng từ dòng máu dân cao bồi chăn bò vùng Texas. Nhưng nhiều khi như vậy lại hóa hay.
Y ra Đà Nẵng tìm gặp Cođy. Và đến lượt mình, Cođy tích cực lợi dụng mọi cơ hội thực hiện nhiều chuyến bay tìm kiếm ở vùng rừng có chiếc máy bay chở vàng rơi. Nhưng rồi chính Cođy đã làm hỏng việc khi để tay chuyên viên vũ khí của hạm đội Bảy trực tiếp tham gia vụ thử nghiệm rốc két và bị bắn chết ngay trên tọa độ tìm kiếm, nơi không hề có trong kế hoạch bay. Smith phải vất vả gỡ tội cho thằng bạn chưa được ăn đã phải trả giá.
Không chịu bỏ cuộc, John Smith bày keo khác.
Robert Rhelt, đại tá chỉ huy lực lượng "Mũ nồi xanh” ở Việt Nam cũng là chỗ quen biết với y. Tất nhiên tỉ lệ ăn chia phải khác, và cần có lý do để điều động lực lượng này một cách "danh chính ngôn thuận". Y nghĩ ra lý do, lập kế hoạch, nhưng chưa kịp gửi đi thì Rhelt bị cách chức và bị đưa ra tòa án binh vì vụ giết nhầm một nhân viên tình báo của chính phủ Sài Gòn. Rõ là "họa vô đơn chi', câu tục ngữ của dân bản xứ sao nghe như một lời nguyền.
Tưởng đã ngậm ngùi bó tay thì y nhận được tin tình báo về một người lính Vi xi sống đã hai năm trong rừng. Hai năm? Ở vùng rừng đó? Lẽ nào lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy? Chỉ cần gặp thằng trung sĩ an ninh quân đội thẩm tra thêm vài chi tiết và phân tích các thông tin thu được từ trước tới giờ, chẳng khó khăn gì bộ óc sĩ quan tình báo của y cũng biết đây chính là câu thần chú "Vừng ơi, mở ra". Khỏe! Khỏi cần mất công tìm kiếm, chỉ việc bắt sống thằng Vixi đó về khai thác, sau đó lên chở vàng về.
Với vai vế của mình, John Smith dễ dàng móc nối để thuê một toán dù làm lực lượng xung kích. Tất nhiên phải thuê cả một kíp bay cùng trực thăng có thiết bị bay đêm đủ khả năng thực thi kế hoạch. Tốn kém khá bộn, nhưng có bỏ vốn ra mới mong thu lợi. Dầu sao cũng đỡ tốn hơn phải chia chác. Y phạm điều cấm ky nhất trong nghề nghiệp khi giao cho tay tình báo viên của y chỉ huy toán đổ bộ. Cũng đành liều thôi! Công việc đòi hỏi phải giao cho người tin cẩn, mà thằng này đã từng cộng tác với Hary trước đây, hắn lại có tên lính dưới quyền có thể dẫn đường.
Mọi sắp xếp tính toán của John Smith chính xác cho đến phút gần chót. Nhưng từ khi con dã thú của vùng rừng này nhảy xổ vào con chó trinh sát thì tất cả đều đảo lộn, để rồi tham vọng của y tan tành theo chiếc trực thăng biệt kích nổ tung giữa trời...
Sau giải phóng, đồng chí thiếu tá được giao nhiệm vụ tổng kết kế hoạch TK. Anh đã cung cấp cho tôi những tài liệu cần thiết để viết lại câu chuyện kể trên, nhưng cũng chỉ tình tiết chủ yếu. Phần còn lại tôi phải thêm vào bằng những suy đoán của mình, chứ ai mà biết được một người (Lại là người như Smith) nghĩ gì trong đầu vào thời điểm cách đây gần ba chục năm! Và như vậy vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, hoặc không hoàn toàn chính xác.
Nhưng biết làm sao được? Muốn biết rõ, phải hỏi hai nhân vật chính trong chuyện là Smith và Cođy, nếu họ còn sống. Mà dù còn sống, có hỏi chắc gì họ đã nói? Hoặc có nói, chắc gì đã nói thật? Những người như vậy không mấy khi nói thật những chuyện đó!
Đội Đặc Nhiệm Tk1 Đội Đặc Nhiệm Tk1 - Phan Văn Lợi Đội Đặc Nhiệm Tk1