Dấu Ấn Trong Tim epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 25 -
eonard chết lúc 3 giờ rưỡi sáng thứ Bảy. Tối hôm trước, John có đến thăm ông ta, nhưng chỉ một lát thôi, vì bác sĩ Peters đang có mặt ở đấy, và có cả Johnson nữa. Khi chàng đứng bên giường, chàng không thể nói gì được, mà chỉ nắm bàn tay của ông ta và giữ yên trong tay mình một hồi lâu. Rồi Leonard vừa thở hồng hộc vừa nói: "John, hẹn anh… sáng mai" - và chàng trả lời: "Vâng, Leonard. Vâng, sáng mai tôi sẽ ghé lại". Khi chàng thả tay ông ta ra và rời khỏi giường. Leonard nhìn theo chàng với ánh mắt am hiểu và nói: "Cám ơn, John, cám ơn!" John nghĩ lời cám ơn của ông ta vừa nói không phải để cám ơn việc sáng mai chàng ghé lại, mà là lời vĩnh biệt.
Chàng gặp Helen ngoài tiền sảnh, nhưng chàng cảm thấy không thể nói gì được với nàng, mà nàng cũng chẳng nói lời nào với chàng hết: hai người chỉ nhìn nhau rồi chàng ra về…
Nhưng hôm sau chàng đến nhà, đứng ở tiền sảnh, chỉ gặp Rosie đang đứng ở đấy, Khi cô ta nói:
- Anh ấy chết lúc ba giờ rưỡi.
- Chàng không trả lời mà chỉ hỏi:
- Cô ấy có khoẻ không?
Rosie đưa khăn lau mắt lần hai, nấc lên rồi đáp:
- Bình tĩnh, bình tĩnh lạ lùng lắm. Khi Leonard nhắm mắt. Helen ngồi bên cạnh anh ấy, nhưng rất bình tĩnh. Chị không khóc tiếng nào.
Không. Chắc nàng không khóc. Có những nỗi đau khổ mà cho dù có khóc cũng không nhẹ được.
Chàng nói với Rosie:
- Cô nói lại với cô ấy tôi sẽ ghé thăm sau.
Chàng đã ghé thăm vào ngày hôm sau, và ngày sau nữa, và mỗi lần đến thăm, chàng cảm thấy hơi bối rối trước cách cư xử của nàng, vì nàng đang bận bịu chỉ huy công việc trong nhà. Rosie nói nhỏ với chàng:
- Như vậy là không đúng. Chị ấy làm việc một cách bình thường tự nhiên: ra lệnh cho gia nhân, gặp nhân viên tống táng và làm các việc đại loại như thế. Lạ thật. Ông luật sư đến, ổng nói ổng muốn làm giúp chị một số công việc, nhưng chị ấy cám ơn và trả lời là chị có thể xoay xở làm lấy được rồi…
Hai ngày sau Leonard được chôn cất, và Helen phá bỏ tập tục không cho người vợ đi đưa đám chồng. Không những thế nàng còn ở lại bên mộ chồng chưa lấp đất sau khi những người khác đã ra về hết. Nhưng nàng ở lại với cặp mắt ráo hoảnh, việc nầy làm cho những người đi dự lễ tang chú ý dị nghị.
Nhiều người đi dự đám tang và một số người khi về đã ghé lại nhà, Daisy cho biết bà đã cho một số biết tay, bà nói:
- Tôi biết thế nào gặp tôi họ cũng xéo đi cho mau, và quả thật họ chỉ, đứng một lát là ra về.
Chính bà đứng trên hành lang, lịch sự nói với những người khách mà trước đây sợ đến thăm sẽ bị lây nhiễm, rằng phu nhân Spears cám ơn họ đã đến thăm; bà tin chỉ nói thế là họ hiểu nàng không muốn tiếp khách. Chỉ có một bà cương quyết vào thăm bà goá phụ cho được, vì thế mà Daisy phải nói toạc ý đồ của mình cho bà nầy biết. Bà ta đẩy bà nầy ra cửa, lôi xuống thềm và nói thẳng rằng:
- Nầy chị Claire, lâu nay đâu thấy mặt chị. Bà ấy không muốn gặp chị đâu.
Bây giờ bà và cả sau nầy. Tôi nói thế có xấu không?
Bà kia đáp lại:
- Xấu xấu như mặt của bà vậy.
- Rồi bà ta có vẻ như được thoả mãn vì câu trả lời, bà bỏ đi đến xe của mình.
Sau đám tang được hai ngày, Rosie về nhà. Cô ấy hơi bực mình vì thái độ của Helen trước cái chết của chồng. Cô đã nói ý nầy cho John biết, ngoài ra, cô cũng nói rằng Helen chỉ có vẻ thoải mái hơn khi có bà Wheatland bên cạnh. Cô hỏi John không biết chàng có để ý thấy bà Wheatland là một người kỳ lạ không, vì mỗi khi có bà ấy, là Helen nói chuyện liên miên, còn với người khác thì nàng ngồi im thin thít, không hé môi. Nhưng Helen có vẻ không lưu tâm đến hành động của mình.
John biết Rosie nổi cáu như thế là vì Helen thân thiện với người đàn bà kỳ lạ kia hơn là với cô. Và chàng hiểu cả hai người: Helen thích làm bạn với Daisy là vì bà ta, ngay cả khi bà kể chuyện vui, bà ta đã có một cuộc đời đau khổ, ba chìm bảy nổi; trong khi đó thì Rosie đã lấy lai được niềm vui của cuộc sống, và cô xót xa cho nàng, có khóc cho nàng thì cũng chỉ là nước mắt thương hại, hay có an ủi nàng, có biểu lộ vẻ mặt đau đớn, thì đấy cũng chỉ là những thái độ thiếu tự nhiên, giả tạo.
Johnson gặp chàng ở tiền sảnh và nói:
- Phu nhân đang ở trong phòng khách, thưa ông.
- Cám ơn, Johnson.
- John dừng lại một lát mới nói tiếp:
- Bây giờ anh định làm gì? Chắc anh sẽ tìm một công việc như thế nầy ở nơi khác phải không?
- Ồ, công việc đã được ổn định, thưa ông. Phu nhân đã yêu cầu tôi ở lại để coi sóc nhà cửa khi bà đi vắng. Để tôi đi báo cho phu nhân biết có ông đến, thưa ông.
Anh ta đã đi báo cho nàng biết có chàng đến. Đây là lần đầu tiên chàng phải đợi có người đi báo cho nàng biết. Và mọi khi chàng thường thấy có cô gái giúp việc ra mở cửa cho chàng. Bây giờ chính anh chàng nầy ra mở cửa, và chàng thấy không ưa anh ta: có cái gì bí mật trong con người anh ta. Nhưng anh ta đã sắp xếp và rõ ràng mọi việc đã được ổn định, ít ra là ổn định về công việc coi sóc nhà cửa. Chàng cảm thấy hơi bực như Rosie vậy.
Khi nghe Johnson nói: "Thưa bà có bác sĩ Falconer", chàng muốn đẩy cổ anh ta sang một bên.
Helen đang ngồi trên ghế nệm dài. Chàng đi chậm rãi vào phòng đến phía nàng. Khi thấy nàng định đứng dậy, chàng liền nói:
- Đừng đứng dậy.
- Chàng không ngồi ngay xuống bên cạnh nàng, vì chàng còn mặc áo khoác trên người và còn cầm mũ trên tay, cho nên chàng cởi áo khoác ra và để cả áo lẫn mũ lên chiếc ghế dựa, rồi lấy giọng mỉa mai chàng nói tiếp:
- Gã quản gia của bà cần phải được huấn luyện mới được, thưa bà; anh ta không yêu cầu tôi cởi áo khoác khi vào phòng.
- Ồ, nàng lắc đầu nhè nhè.
- Anh ta không phải là quản gia của tôi, John à; thật dấy.
- Nàng gượng cười.
- Tôi không biết gọi anh ta là gì cho đúng.
- Thật ư? Thế mà anh ta nói với tôi cô đã thu xếp để anh ta coi sóc việc nhà khi cô đi xa… có phải cô đã thu xếp như thế không? Có phải cô sắp đi xa không?
- Ngồi xuống đi, John, nàng chỉ cái ghế trước mặt. Khi chàng đã ngồi, nàng nói tiếp:
- Tôi phải đi ngay thôi. Hôm qua tôi nhận được lá thư của bà chị họ của Leonard từ Pari gởi đến. Bà ta già rồi, tôi nghĩ chắc anh ấy đã nói cho anh biết về bà nầy rồi, bà ta cả đời yếu đuối. Bà viết thư để xin lỗi không đến dự đám tang được - bà đã gần tám mươi - nhưng bà rất mong tôi đến thăm bà. Bức thư viết rất cảm động, rất hay. Cho nên tôi đã viết thư phúc đáp ngay và báo cho bà biết tôi nhận lời mời của bà vì - bỗng nàng nghiêng người tới trước và đưa một bàn tay về phía chàng với vẻ hốt hoảng và nói tiếp:
- John, tôi phải đi. Nếu tôi ở lại đây, chắc tôi suy sụp mất. Chỉ đi một thời gian thôi - Helen, cô nói đi một thời gian là bao lâu?
Nàng nhắm mắt lại và đáp:
- Tôi không biết. Một vài tháng. Tôi… tôi không chịu được cảnh thiếu vắng anh ấy, John à. Không chịu được trong khi ở đây.
- Vậy cô đi để quên ảnh, thoát khỏi ảnh, như thể chưa bao giờ có ảnh à?
Chàng nghĩ thế nào nàng cũng phản đối câu hỏi của chàng, nhưng chàng ngạc nhiên khi nghe nàng đáp:
- Phải, phải, đúng như thế đấy, vì tôi không chịu được đau đớn như thế nầy.
Tôi thấy tôi quá đau khổ. Tôi đã chịu đựng sự đau khổ nầy lâu rồi, nhưng bây giờ… trước cảnh trống vắng như thế nầy, tôi không chịu nổi. Không có gì hay không có ai để tôi có thể tìm đến mà khuây khoả.
- Không có ai à? - chàng hỏi, giọng buồn da diết.
Nàng quay mặt đi, cắn mạnh vào môi dưới, rồi đáp:
- Tôi… tôi nghĩ là chắc anh hiểu.
Bỗng chàng hạ giọng, nói nho nhỏ:
- Phải, phải, tôi hiểu. Tôi cũng đau đớn khi mất anh ấy, nhưng so với nỗi đau đớn của cô thì chẳng nghĩa lý gì. Phải, tôi hiểu.
Nàng dựa người ra lưng ghế, lấy khăn tay lau môi. Không có một giọt nước mắt: cặp mắt ráo hoảnh, sang long lanh. Nàng nhìn chàng nói nho nhỏ:
- Nếu có ai còn níu giữ tôi lại đây, thì người ấy là anh, John à… và Daisy.
Còn tất cả - nàng hếch cằm lên với vẻ khinh bỉ - bây giờ họ đua nhau đến đây vì không còn sợ bị lây nhiễm nữa. Có chị Gwendoline Fenwich là có tình, nhưng tôi cũng không muốn chị ta đến nữa, vì trước đây mỗi lần đến là chị co ro cúm rúm như sợ lây bệnh. Đấy, - nàng gật đầu - Không bao giờ gặp chị ta được nữa.
- Cô định khi nào thì đi?
- Trong vòng một hay hai hôm nữa.
- Cô sẽ đi một mình hay sao?
- Phải, một mình. Bây giờ phải thế thôi.
- Tôi biết rồi.
- Giọng chàng nghe có vẻ gay gắt.
- Nhưng tôi tự hỏi tại sao không đi với Daisy?.
- Tôi đã nghĩ đến chuyện nầy, nhưng cuộc đời của bà ấy bây giờ xem như đã
ổn định rồi bà ấy hiện đang làm cho các tổ cho cứu giúp người phong, nên rất bận. Bây giờ tôi không được coi thường những công việc như thế. Vả lại, tôi cũng chưa gặp bà ấy để hỏi bà có thể đi với tôi được không. Nếu bà ấy bằng lòng, tôi sẽ mời bà đi cùng, vì Leonard thường nói rằng: "Bà ta là người rất quả cảm". Câu ấy trước đây người Hạ sĩ Ấn Độ của Leonard thường dùng. Mỗi khi có người nào được chọn để làm một nhiệm vụ nguy hiểm, anh ta thường nói:
"Anh ta là người rất quả cảm".
John nhớ đã nghe Leonard nói thế, và chàng nhận thấy nhận xét của nàng về
Daisy như thế là đúng.
Hai người ngồi im lặng một lát rồi chàng nói:
- Cô có biết chuyện Leonard yêu cầu tôi… làm bạn với cô giúp đỡ cô… bất cứ khi nào cô cần tôi không?
- Biết, biết, tôi biết.
- Nàng đáp thật nhanh.
- Tôi biết, John à, và… chúng ta sẽ… nói đến chuyện nầy sau - Tôi nghĩ tôi không tìm đâu ra đi một người bạn tốt như anh; và anh ấy cũng nghĩ thế. Phải, - bỗng nàng lắc đầu - Chúng ta sẽ nói đến chuyện nầy sau, lúc khác - Bỗng nàng đứng dậy, chàng thấy nàng có vẻ bối rối. Chàng nói:
- Trước khi cô đi, tôi đến thăm cô được không?
- Được dĩ nhiên là được. Còn quãng hai ngày nữa tôi mới đi, trước khi mọi việc đã thu xếp xong.
- Cô sẽ để cho Johnson quản lý việc nhà à?
- Phải.
- Nàng mở to mắt, trông rất quyến rũ.
- Tôi biết làm gì được? Chả lẽ bây giờ ra đi mà nhờ anh hay Daisy đến coi sóc nhà cửa. Mặc dù người làm trong nhà đều tốt hẳn hoi, nhưng cũng cần có người quản lý họ chứ, phải cần có người biết tổ chức và biết chỉ huy.
- Nàng dừng lại một lát rồi nói thêm:
- Tôi biết anh ta hơi tự phụ một chút, và rất ỷ thế. Tôi nghĩ tốt hơn là nên có một người như anh ta, một người mình tin cậy được, còn hơn là thay người khác mà chỉ được có một việc là giữ nhà. Anh có nhận thấy thế không?
- Có, có, tôi thấy cô đúng. Dĩ nhiên là cô đúng.
Hai người nhìn nhau, nàng vuốt cái đường viền chiếc khăn trong tay rồi xếp tư lại,và nói:
- Tôi… muốn nói chuyện nầy với anh. John… tôi muốn nói chuyện nầy đã từ lâu. Chuyện… tôi rất buồn về cuộc hôn nhân của anh, cuộc hôn nhân của anh hỏng bét. Anh… anh đáng được có một gia đình hạnh phúc.
Chàng cảm thấy mặt mình đỏ bừng và khi cất tiếng trả lời, chàng bỗng thấy giọng mình trầm xuống:
- Tôi sống được hạnh phúc với mẹ tôi.
- Ồ John, tôi… tôi xin lỗi vì đề cập đến chuyện nầy. Tôi chỉ muốn anh…
Mặt chàng đã bình thường trở lại và chàng chìa tay ra. Khi nàng để tay lên tay chàng, chàng nói:
- Đừng lo, Helen, tôi hiểu. Có thể nói là do lỗi của tôi, vì tôi say mê làm rượu vang mà có cuộc hôn nhân ấy.
Chàng hy vọng câu nói của mình sẽ làm nàng vui, chàng cười với nàng; nhưng bỗng mắt nàng nhấp nháy, môi run run, cho nên chàng vội nói:
- Thôi! Thôi! Đừng đau khổ. Thật đấy, tin tôi đi, - rồi chàng nói dối để làm vừa lòng nàng:
- Tôi muốn sống như thế. Tôi đã tạo cuộc sống của tôi như thế và tôi bằng lòng việc làm của tôi. Tôi không bị cô ấy làm phiền gì hết. Chúng tôi không gặp nhau, nên chẳng ai làm phiền đến ai. Thôi bây giờ tôi về; ngày mai tôi sẽ đến.
- Chàng. thả tay nàng ra, đến lấy áo và mũ nơi ghế, rồi nói tiếp -
Còn nếu cô đã thu xếp hành lý xong tôi sẽ ra tiễn cô ở nhà ga. Nếu, - chàng giang tay để mặc áo khoác và nói tiếp:
- Nếu được cô hứa sẽ viết thư thì hay biết mấy.
Nàng nuốt nước bọt, đáp:
- Được, được rồi John. Tôi sẽ viết thư cho anh.
- Cô có định ở lại Pari không?
- Ồ, đợi đến đó và gặp "bà già" rồi mới biết, Leonard thường gọi bà ta như thế.
- Nếu cô không thích bà già, cô có tiếp tục ở bên ấy không?
- Ờ. Có lẽ tôi phải tiếp tục ở nước ngoài.
- Cô đã định ở đâu chưa?
- Tôi muốn đi Ý; La mã. Tôi cũng thích nước Áo.
- Và đi một mình ư? - Chàng hỏi, giọng lo lắng; với nhan sắc như nàng, nàng là miếng mồi ngon cho nhiều đàn ông đủ cỡ. Nhưng chàng không nói ý nầy ra.
Thấy nàng không trả lời, chàng hỏi tiếp, giọng rất tự nhiên:
- Vậy ngày mai tôi đến thăm cô nhé?
- Vâng, John.
Không nói thêm tiếng nào nữa, chàng ra về.
Chàng có nhiều nơi đến thăm bệnh, nhưng khi chàng lái xe vào thành phố, chàng sực nhớ chàng đã để quên chai thuốc chữa bệnh viêm phế quản cho bệnh nhân ở phòng khám. Cho nên chàng phải về phòng khám để lấy, nhưng khi mở cửa ra, chàng ngạc nhiên thấy bác sĩ Cornwallis đang ở trong phòng. Hai người nhìn nhau rồi ông ta nói:
- Ồ, tôi tưởng anh đi khám ở ngoài.
- Tôi đang đi. Ông muốn gì phải không?
- Phải, tôi muốn mượn cái nầy. Ông ta đưa lên cái ống tiêm.
- Bác sĩ Rees rất vụng về. Trong tháng qua ông ta làm vỡ hai cái. Tôi phải trừ lương ông ta thôi.
Tôi đã nói rồi.- Ông ta đi qua trước mặt chàng, nhưng bỗng ông dừng lại, nhìn vào mặt chàng rồi nói.- Sáng nay tôi có đến thăm vợ anh.
Bác sĩ Cornwallis như đợi chàng nói gì và khi thấy không không nói gì hết ông ta liền nói tiếp:
- Cô ấy có thường phàn nàn với anh về tình trạng sức khoẻ yếu kém khi anh ở… với cô ta không?
Tôi không ở với cô ta, bác sĩ à. Tôi đã kết hôn với cô ấy nhưng không ở với cổ.
- Ồ thôi, ta đừng chẻ sợi tóc làm tư nữa - Ông ta nói, giọng hơi giận.
- Tôi hỏi anh cô ấy có triệu chứng lâm bệnh phải không?
- Tôi không biết có "triệu chứng" gì đặc biệt không.
- Nầy nhé, việc xảy ra có vẻ như động kinh, khi việc nầy xảy ra thì không có tôi ở đấy. Và khi tôi đến đấy thì cô ấy cứng đờ như tấm ván.
- Ông nói "cứng đờ như tấm ván" là sao? Cô ấy không chết chứ?
- Không, không chết. Nhưng nếu việc chẩn đoán của tôi mà đúng, thì cô ta mắc phải bệnh thần kinh, suy sụp về tinh thần.
John lẩm nhẩm trong óc, "suy sụp thần kinh". Ông ta nói về chứng thần kinh với mình như thể ông ta nói với một người dân bình thường. Thế nhưng chàng vẫn giữ vẻ mặt bình thản.
- Anh có biết tôi nghĩ sao không?
- Không, thưa bác sĩ. Nhưng chắc bác sĩ sắp nói với tôi.
- Ồ… - bác sĩ Cornwallis quay cái mặt đỏ gay về phía John và đáp lại: Tư cách của anh làm cho tôi chán nản, anh có biết không? Thỉnh thoảng tôi có cảm tình với anh vì anh đã vơ phải một chị đàn bà tính tình thất thường; nhưng có nhiều lúc, như bây giờ chẳng hạn, anh có hành động xấc láo, tôi muốn đá vào đít anh, và nói trắng ra, dù tôi đau chân hay là không, tôi cũng muốn đá vào đít anh.
John cúi đầu, cắn môi. Chàng muốn cười to khi nhìn ông ta quay gót đi về văn phòng, cái chân què đi khập khiễng. Sau khi đóng cửa xong, chàng tựa lưng vào cửa, để tay lên trán, miệng lẩm bẩm một mình "nói trắng ra, dù chân có đau hay không" lão ta đến phòng nầy để làm gì? Không có gì để tìm ngoài những thứ thuốc về nghề nghiệp. Thế nhưng ông ta đã nhanh trí nói đến cái ống tiêm.
Ôi, ông ta là một lão già lưu manh.
Chàng đi vào phòng thuốc, lấy chai thuốc để quên. Thế nhưng chàng không vội đi liền, mà tựa người vào bàn đá hoa cương, nhìn ra trước, miệng lẩm bẩm một mình: "Suy nhược thần kinh? Triệu chứng? Cứng như tấm ván ư?". Phải, chàng không ngạc nhiên, có thể cô ta có hiện tượng như một cơn động kinh trước khi bị loạn thần kinh. Chàng đã nghi ngờ cô ta bị lệch lạc tinh thần. Ôi, chàng tin như thế, nhưng chắc không phải loạn thần kinh. Chàng nhìn xuống cái chai. Chàng còn phải bị ràng buộc với cô ta bao lâu nữa? Nói tóm lại, sự ly dị chỉ là sự ly thân. Chàng sẽ làm gì cho hết đời? Phải chăng ngày nào chàng cũng ở trong cái phòng đó và trong cái phòng nhỏ nầy? Chàng sẽ làm gì trong các buổi tối? Ngồi chơi với mẹ. Chắc không còn đi thăm ai nữa.
Từ ngày mai hay ngày mốt, chắc chàng không thể gặp Helen. Pháp, Ý, Áo.
Đàn ông, đâu đâu cũng có đàn ông, mà nàng chỉ là con người thôi. Nàng không nghĩ nàng là đàn bà, vì nàng cứ tin rằng nỗi đau đớn vì mất chồng sẽ không bao giờ nguôi. Nhưng tình yêu là một thứ bệnh, nó giống các thứ bệnh khác, nó có thể được chữa lành, và bệnh nhân có thể có một cuộc sống mới. Và nếu nàng gặp được một anh chàng bảnh trai dễ thương, thì một trường hợp như thế có thể xảy đến cho nàng một cách dễ dàng… Ôi, lạy Chúa cho chàng ra khỏi đây và làm việc để quên chuyện nầy.
Khi chàng bước ra ngoài lối đi nối giữa hai nhà, cánh cửa nhà bên kia bật mở và… người đàn bà ấy bước ra. Chị ta trông xơ xác, dơ bẩn. Chàng nhớ tuần trước chàng có đọc trên báo có đăng tin chị ta bị buộc tội bán dâm và được chọn giữa việc đóng tiền phạt 5 bảng hay là ở tù 10 ngày. Chị ta chọn cách đóng tiền phạt. Chàng nghĩ đến chồng con chị ta và đến hậu quả của họ.
Chàng không gặp lại chị ta từ cái đêm bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Thế nhưng, bây giờ khi nhìn lại chị ta, chàng cảm thấy ân hận cho chị. Chị ta là con người đáng thương. Nếu vì nhu cầu xác thịt mà chị ta bị sa đoạ, thì chàng có thể ghép chị với Beatrice vào một hội một thuyền, vì chính vợ chàng cũng là người rất ham muốn về xác thịt.
Chàng bước lui để tránh đường cho chị ta qua, và khi đi ngang qua chàng, chị ta quay nhìn vào mặt chàng đôi môi tô son đỏ choét nhoẻn miệng cười và nói:
- Cám ơn ông.
Lời cám ơn giản dị nhưng chàng biết ý đồ của chị ta không giản dị, lời cám ơn không nói ra vì lý do lịch sự mà vì mỉa mai châm biếm. Chàng đợi một lát mới đi theo chị ta ra đường.
Khi chàng tháo sợi dây cương nơi trụ sắt, chàng thấy chị ta đứng nhìn chàng, nụ cười kỳ quái trên mặt; và khi chàng bước lên xe, chàng nghe chị ta cất tiếng nói to với chàng, giọng chế nhạo:
- Chúc bác sĩ những ngày sắp đến hạnh phúc.
Dấu Ấn Trong Tim Dấu Ấn Trong Tim - Catherine Coookson