Xibiri epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6
ước Nga... Anh đã nghĩ nhiều về nó, và giờ đây nước Nga ấy đang trải ra trước mặt anh.
Đến ga Taiga, Akimốp chuyển sang tàu tốc hành xuyên Xibiri. Tàu này, nói thẳng ra là không hợp với túi tiền của anh, nhưng nó lại chạy nhanh hơn tất cả các tàu khác, và vì thế mà nên tiết kiệm ở những khoản khác. Cuộc vượt ngục của anh đã kéo dài, kéo dài không cứu vãn được, nên bây giờ, khi anh đã tự do, anh không thể để mất phí thêm một giờ nào nữa.
Suốt từ rạng sáng đến tối sẩm, Akimốp mải mê nhìn ra cửa sổ. Trôi qua ngoài kia là những xóm làng chìm ngập trong những đống tuyết, với những cái mái cũ kỹ, xiêu vẹo, với những khung cửa sổ nhồi đầy xơ gai, giẻ rách hoặc chỉ đóng kín bằng các mảnh ván. Khi chiều tối buông xuống, trong các ngôi nhà gỗ thắp lên ánh sáng đom đóm lù mù, run rẩy vì gió lùa, hoặc nhấp nháy những chấm sáng của mẩu nến cũ.
Nỗi u sầu đặc biệt tỏa ra cuối cùng là từ những nhà cửa hoang vắng đổ nát. Những ngôi nhà gỗ đứng trơ trụi, không bờ rào, gỗ bờ rào đã bị giỡ đi làm củi, không cổng, cổng đã sập xuống vì mục nát, không có mái che, nơi trước đây bầy gia súc vẫn thường vào ẩn tránh tuyết rơi và gió bão. Tất thẩy, tất thẩy đều nhắc nhở đến chiến tranh, cuộc chiến tranh như vòi rồng không chỉ quật đổ các sinh mạng con người ở đâu đó, xa xôi ngoài mặt trận, mà còn xộc cả tới đây, để lại khắp nơi những vết tích ác độc của mình.
Đến các ga Akimốp đều xuống để không những thở hít không khí trong lành, mà còn xem xem ở đấy người ta sinh sống ra sao. Cả ở đây cũng vẫn quang cảnh hoang tàn ấy: nhà ga bẩn thỉu, các công trình của nhà ga đổ nát, trống huếch trống hoác, các toa tàu địa phương xộc xệch, ám khói đen.
Akimốp nhớ là trước chiến tranh, trên các ga này việc buôn bán phong phú như thế nào. Các giá để bầy hàng ở chợ quanh ga trĩu xuống vì đủ thứ thức bán. Bây giờ khác hẳn - ngoài dưa chuột muối, khoai tây luộc, nấm và hành, không thể còn mua được gì khác.
Cả bộ dạng các đám đông đi lại lăng xăng, hò la rối rít trên sân ga, cũng đã biến đổi. Phần lớn đám đông gồm những người đàn bà và lũ trẻ con. Thảng hoặc có gặp một vài người đàn ông, thì đấy là những thương binh đi nạng, tập tễnh chân giả, chống ba toong.
Thỉnh thoảng lại có những người tàn tật mù mắt mang phong cầm xộc lên đoàn tàu, họ mặc áo capốt cắt ngắn cũn cỡn và đội mũ lông lính bẩn thỉu. Bằng những giọng gắng gượng, cảm cúm họ hát những khúc hát đau lòng, gồm một nửa lấy ở các bài hát cổ, quen thuộc và một nửa là do các nhà thơ nghiệp dư đặt thêm cho phù hợp với những hoàn cảnh mới. Rồi sau đó các ca sĩ, bíu vào người dẫn đường, cầm mũ trên tay đi lần lượt đến trước những người nghe, xin vì Chúa mà hiểu cho hoàn cảnh tuyệt vọng của họ và thông cảm với họ.
Những người soát vé tàu cố không cho những người tàn tật lên toa, nhưng họ luôn, luôn xuất hiện bằng cách bất ngờ nhất, khi đoàn tầu vừa chuyển bánh. Trong thời gian tàu chạy từ ga này đến ga sau, họ đã kịp có khi một lần, có khi hai ba lần hát những bài hát của mình.
Tàu tốc hành xuyên Xibiri ở các ga xép và chỗ tránh đuổi vượt các đoàn tàu quân sự. Các toa xe chở hàng nhét đầy những người mugích đứng tuổi ở cái lứa tuổi khi người ta đủ quyền gọi là các ông nội, ông ngoại. Những người mugích nhìn cau có, dữ tợn, và những gương mặt rắn đanh lại trong nỗi buồn ẩn giấu sự giận dữ kín đáo đối với số phận, cái số phận đè như một gánh nặng lên những đôi vai không còn trẻ trung, đã tiều tụy vì lao động cực nhọc của họ.
Nhìn kỹ những người ảm đạm mặc quân phục cũ kỹ đã sử dụng một lần rồi này, Akimốp bất giác nhớ đến những người lính đào ngũ ở cái quán trọ Tsigara, và những người mugích ở làng Kuxcôvô lẩn trốn trong rừng ở Tsulưm đế tránh công việc phục dịch cảnh sát, và anh vẫn lại đi đến một kết luận ấy: «Cuộc sống này sắp sửa kết thúc rồi. Nước Nga phải quay ngoặt con đường lịch sử của mình. Đối với nước Nga sự lựa chọn duy nhất là cách mạng».
Khi trời vừa tối, Akimốp lôi ở cái bao bạt của ông bác ra mấy tờ tạp chí và báo mà Brônhixláp Naximôvich đã cung cấp cho anh, và anh đọc từ đầu chí cuối không bỏ sót tý gì kể cả những mẩu tin mươi dòng. Anh đọc hầu như suốt cả đêm.
Ấn tượng hình thành thật là trái ngược hết sức: quân đội bị thất bại, từ mặt trận đưa về tuyền những tin tức xấu, càng ngày càng xấu hơn, lọt về những thông báo về sự mệt mỏi tột cùng của binh lính, về sự thiếu thốn trong việc cung cấp đạn dược, lương ăn và trang bị cho các đơn vị. Nhưng về chuyện đó chỉ nói một cách qua loa, hời hợt thế nào đó, dường như tất cả cái đó không có ý nghĩa gì hết. Sự thật của hiện thực ngoài mặt trận chìm đi trong dòng từ ngữ chung chung, những câu vô nghĩa, và cảm thấy rằng những người viết về chiến tranh chỉ chăm lo đến một điều - khẳng định ngược lại với những sự thật là người lính Nga chỉ có nghĩ đến mỗi một chuyện là làm sao mau chóng xuyên lưỡi lê vào quân giặc, nằm lại bãi chiến trường vì Vua cha.
Cùng đi trên một toa tàu có đủ hạng người khác nhau: mấy viên sĩ quan, trở về mặt trận sau khi đã chữa chạy ở các quân y viện, bọn lái buôn ở Vlađivôxtốc, hai cha đạo, mấy viên chức sở hỏa xa từ Kharbin trở về, một người đàn bà đẹp tuổi chừng ba mươi cùng với ba đứa con đi từ Iếccútxcơ, vừa mất người chồng cách đây một năm, ông ta chỉ huy trung đoàn quân đang tham chiến, bây giờ bà ta mang con về với bố mẹ đẻ ở Xamara, ông luật sư từ Tsita đi cùng với bà vợ người phốp pháp, quấn đầy lông thú, và còn hai ba hành khách nữa, một người trong số đó làm Akimốp nhớ tới cha đẻ của mình, cũng mang phù hiệu sở quản lý rừng trên ve áo chế phục.
Mặc dù đường đi khá dài, nhưng tình thân đặc biệt không nẩy sinh giữa các hành khách. Mấy viên sĩ quan uống rượu và chơi bài liên miên. Các ông cha đạo không ngớt truyền đạo. Bọn thương gia tỉnh dậy một cái là ròn rã gẩy bàn tính, hối hả kết thúc những bản tính rắc rối nào đó trước khi về đến Pêtrôgrát. Ba đứa trẻ - con người đàn bà vợ sĩ quan góa bụa - đùa nghịch, chốc chốc lại kêu la hoặc khóc toáng cả toa. Những viên chức hỏa xa thì giống nhau đến lạ lùng - họ ngủ cả đêm, cả ngày, họ ngủ một cách thích thú và mê mải, tỉnh dậy chỉ là để tiếp nhận thức ăn.
Akimốp thấy hài lòng với tình trạng như vậy trên toa xe. Chẳng ai tò mò căn vặn hỏi han đến anh, vả lại bản thân anh cũng cố không tỏ ra quan tâm gì đến những người khác. Kể ra thì một hai lần trên toa cũng có diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các viên sĩ quan với mấy ông cha đạo. Đề tài rất thời sự: sự cứu vớt đối với nước Nga ở chỗ nào - tín ngưỡng hay ở sức mạnh?
Tất nhiên cánh sĩ quan coi cội nguồn sự hùng hậu của tổ quốc là ở sức mạnh. Có thể đập vỡ trán trong khi cầu nguyện, nhưng nếu quân lính không có vũ khí hay vũ khí đó cũ rồi, mòn hỏng, lạc hậu về trình độ kỹ thuật, thì chẳng tín ngưỡng nào có thể cứu vãn được, và kẻ địch sẽ chiến thắng. Lý lẽ các lập luận của cánh sĩ quan thật thẳng thừng, gay gắt và không nhân nhượng. Tuy nhiên các cha đạo vẫn không chịu thua. Họ vẫn cho rằng tín ngưỡng là cơ sở của sức mạnh. Không có vũ khí nào có khả năng chiến thắng được con người, nếu như những con người ấy tin một cách thành kính vào Chúa thượng đế và vị toàn quyền của Người ở dưới trái đất. Bọn cha đạo rõ ràng trội hơn hẳn cánh sĩ quan về thủ thuật tranh luận, tuy vậy mọi chuyện đã kết thúc một cách hoàn toàn đáng xấu hổ đối với họ. Một trong các viên sĩ quan, trong lúc tranh cãi hăng lên đã lột phăng tấm áo cổ đứng của mình ra, đề nghị cha đạo trẻ hơn mặc vào, gia nhập quân đội và thử chứng minh được cái chân lý của mình ngoài mặt trận. Gã cha đạo trẻ ngượng ngùng, vung hai tay khuất trong hai ống tay áo thụng rộng thùng thình khua trước mặt viên sĩ quan, và im bặt. Và thế là cuộc tranh cãi không nổ ra nữa.
Cuộc đụng chạm giữa bọn cha cố và cánh sĩ quan làm cho Akimốp mải mê. Anh nghe cuộc tranh cãi của họ, cười thầm trong bụng, thầm góp chuyện: «Không phải lòng tin vào Chúa, các cha thiêng liêng ạ, là cơ sở của sức mạnh, mà niềm tin của con người, thế giới quan của con người». «Ấy, ấy, các ngài sĩ quan, các ngài nói nhăng nói quậy, khẳng định rằng chỉ ưu thế của sức mạnh chính là con đường cứu vớt tổ quốc. Sức mạnh cần phải biết điều khiển. Chỉ có niềm tin vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh làm cho sức mạnh trở thành vũ khí sắc bén. Đấy mới là điều kiện quyết định của cuộc giao tranh». Nhưng tất nhiên Akimốp không lên tiếng, mặc dù anh cảm thấy thèm muốn được công khai tranh luận...
Và dù Akimốp có làm gì trong những ngày đêm trên con đường dài từ Xibiri, đâu đâu và trong mọi việc Kachia đều có mặt một cách vô hình. Cả thời gian, cả những sự kiện mới đều không làm phai mờ cái cảm giác sâu sắc của niềm hạnh phúc, giống như nguồn nước rừng taiga, tuôn trào ra từ nơi thầm kín trong tri giác của Akimốp. Tất cả, tất cả những gì họ đã cùng chung sống trong những giờ phút có một không hai trong căn nhà gỗ của nhà ông triết gia rừng taiga Okenti Xvôbốtnưi, Akimốp nhớ hết cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Và giờ đây ánh sáng đôi mắt của nàng, âm thanh giọng nói đặc biệt của nàng, hơi ấm đôi tay và đôi môi của nàng dường như đã chồng chất từng tầng từng lớp lên các suy tư lẫn cảm xúc và các hành vi của anh. Sau những giờ phút hạnh phúc vô bờ vô bến ấy anh cảm thấy rằng bây giờ anh đang sống không phải một thân một mình nữa, mà đang sống cùng với nàng. Đó là một tình cảm mới, choán ngợp anh đến mức không thể quên được, đến mức anh không thể giập tắt nó đi được. Có những phút cảm xúc đó bỗng bắt đầu dường như muốn bung Akimốp ra, và anh khó khăn lắm mới ghìm được ý muốn đi đến với người viên chức mang huy hiệu sở quản lý rừng kia và nói với ông ta rằng anh đang hạnh phúc, hạnh phúc tưng bừng... Có lẽ, trên bộ mặt anh luôn hiện ra nụ cười ngốc nghếch, và anh cố ý cau mày, bạnh quai hàm, mắm môi. Nhưng lại có những giây lát, khi bỗng nhiên không hiểu tại sao anh cảm thấy vừa lo lắng vừa u sầu. Và anh bắt đầu tự trách móc mình vì anh đã chuyện trò với nàng quá là bình thường về những mối nguy hiểm trong công việc của nàng, không ngăn ngừa nàng một cách thực sự, không nói hết những lời khuyên bảo, vô cùng cần thiết đối với mỗi một người hoạt động bí mật non trẻ.
«Tiếc quá, mình không thể gặp Alếchxanđrơ dù chỉ một phút thôi» - anh tiếc rẻ nghĩ thầm và tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ ấy như sau:
«- Chào anh Alếchxanđrơ thân mến, chào Alếchxanđrơ, người anh em yêu quí của tôi!
- Chào cậu Ivan, chào Ivan, người bạn trung thành của tôi, chào đồng chí Granhít! Chúc mừng cậu đã kết thúc thắng lợi cuộc chạy trốn kéo dài của cậu. Thế nào? Khỏe chứ?
- Khỏe, hoàn toàn khỏe mạnh, người anh em yêu quí của tôi!
- Mình không hiểu, ẩn dưới câu đùa của cậu là cái gì vậy: «người anh em yêu quí?»
- Alếchxanđrơ, đó không phải là đùa! Đó là sự thật. Từ nay tôi, nô lệ của Chúa và con kiến của cách mạng, Ivan Akimốp, và cô em gái Kachia Kxênôphôntôva tuyệt vời của anh không chỉ là bạn chiến đấu, mà còn là người chồng và người vợ. Tùy anh thương cho hay cấm cửa?
- Ai đã làm phép cưới và làm phép cưới ấy ở đâu cho các người, lũ khốn kiếp?
- Chúng tôi được rừng cây mùa đông trong taiga Xibiri làm phép cưới cho, và bầu trời đêm sao đã tiên đoán cho chúng tôi hạnh phúc trọn đời.
- Ivan, cậu đần độn đi rồi và bắt đầu lảm nhảm những lời khoa trương cầu kỳ chi đó. Đừng quên là cậu còn phải trải qua con đường dài đầy nguy hiểm đấy.
- Khó khăn nguy hiểm nào đáng kể kia chứ! Khi tôi hạnh phúc, tôi chẳng sợ hãi gì hết. Anh hiểu cho, Alếchxanđrơ, là tôi đang hạnh phúc! Nhưng chẳng lẽ anh mà hiểu được ư, con người độc thân già khọm, khô cứng trong cuộc sống cô đơn của mình, như quả dưa chuột chín nẫu...»
Mà nguy hiểm quả là có sẵn, và điều tưởng tượng là Alếchxanđrơ Kxênôphôntốp nhắc nhở về những mối nguy hiểm ấy đã làm Akimốp cảnh giác.
Ở ga Bui có hai người đàn ông lên toa xe. Một người mặc chế phục nhân viên hỏa xa, còn người thứ hai mặc quần áo dân sự loại dân thường bậc trung. Ngay trong phút đầu đã rõ ra đó là những người soát vé của sở hỏa xa. Tuy nhiên, các hành động không hoàn toàn bình thường của họ làm Akimốp cảnh giác. Trước đây anh đã nhiều lần quan sát việc soát vé như thế này. Những người soát vé kiểm tra xem vé có đúng số chỗ không và nếu toa xe đủ số hành khách là họ bỏ đi. Bây giờ sự việc diễn ra lại khác: trên toa không có ghế trống, số vé xác nhận như vậy. Tuy nhiên bọn người soát vé, cùng đi có người coi toa, người này giữ hành khách lại chưa cho xuống ga vội, cùng đi khắp toa, kiểm tra xem mỗi vé đều có người chủ ở đúng cái chỗ mà được ghi trên giấy đi đường không. Làm việc ấy nhằm mục đích gì? Cần thiết kiểm tra như vậy để làm gì?
Bọn người soát vé hành động quá ư là cẩn thận. Akimốp nhận thấy là họ đưa mắt chăm chú nhìn xoáy vào từng hành khách. Hơn nữa họ chỉ quan tâm đến hành khách đàn ông. Akimốp không thể không nhận thấy là chính anh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bọn họ. Họ lần lượt nhìn anh thật chăm chú, đồng thời cố giấu không để anh, Akimốp, nhận thấy sự chú ý của họ đối với anh. «Bọn hiến binh mặc giả, đi tìm kiếm người nào đó, và hoàn toàn có thể là tìm kiếm chính mình», - Akimốp quyết định như vậy.
Đi qua hết cả toa xe và kết thúc việc kiểm tra, bọn soát vé chuyển sang toa bên cạnh, nhưng họ chỉ ở đó trong hai ba phút mà thôi. Akimốp nhìn thấy bọn họ ra khỏi toa bên cạnh và băn khoăn đi về tòa nhà ga. «Chúng đi báo cáo lên thượng cấp hiến binh về kết quả kiểm tra toa xe ta», - Akimốp suy nghĩ và hình dung ra sự kiện diễn biến tiếp trước khi tàu chuyển bánh, mà chắc chắn hơn là ở ga sau anh sẽ bị giữ lại để kiểm tra căn cước.
Akimốp, như thường vẫn xảy ra với anh trước đây trong những phút nguy hiểm, bỗng nhiên trở nên bình tĩnh đến mức có thể suy nghĩ về mọi điều một cách lạnh lùng, rất lạnh lùng. Có thể anh dự đoán sai, có thể, chắc chắn hơn là anh đúng... Bây giờ thì sao, chờ đợi đến lúc sự kiện chộp lấy anh ư? Không. Cứ để cho kẻ thù không thể trông chờ gì vào sự vô tâm của anh. Anh hiểu rất rõ mánh lới của bọn chúng.
Trong toa xe vắng người. Hành khách ùa cả vào ga - một số đi lấy nước sôi, số khác xô ra chợ, số người thứ ba đơn giản đi dạo chơi. Cả người coi toa cũng lẩn đi đâu đó. Akimốp với lấy cái bao vải bạt trên giá để đồ xuống và vội vã ra ngoài đầu toa. Vừa lúc đó anh nhận thấy đoàn tàu khách đậu ở đường bên cạnh bắt đầu khởi hành. «Mình phải bỏ đi theo nó thôi», - Akimốp quyết định và, mở cửa ngược lại phía vào ga, anh nhảy ra khỏi tàu. Người coi trên một toa của đoàn tàu bên cạnh đón lấy cái bao bạt của Akimốp và giúp anh nhảy lên bực toa.
- Tàu đi đến Mátxcơva, thưa ngài, - người coi toa nói lấy lệ, bởi vì điều đó không còn có nghĩa gì nữa - tàu đã tăng tốc độ, và không thể nào nhảy xuống được nữa.
- Vừa hay tôi cần như vậy, ông ạ, - Akimốp nói một cách nhã nhặn, phỉnh nịnh, bởi vì anh nào có vé đâu và sẽ còn phải bàn bạc về điểm này.
- Vậy thì mời ông vào toa, - người phụ trách toa mời, vẫn lịch sự như trước.
Akimốp không vội: tốt hơn là thương lượng với người phụ trách toa ngay ở đây, không có ai chứng kiến. Các công trình nhà ga loáng thoáng chạy qua, và đến khi ra tới khúc lượn thì hiện rõ quang cảnh sân ga. Và lập tức Akimốp nhìn thấy ngay là từ cửa cuối cùng của tòa nhà ga có ba người đi ra. Anh liền nhận ra hai người - đó là hai tên soát vé nọ. Trên thân hình người thứ ba xanh xanh tấm áo capốt sĩ quan hiến binh.
«Điều quan trọng là mọi việc làm đúng lúc», - Akimốp suy nghĩ, không còn mảy may nghi ngờ gì nữa là các quan chức luôn luôn tỉnh táo đang kéo tới cái toa xe nơi chính bản thân anh vừa có mặt.
o O o
Ở Mátxcơva, Akimốp nán lại cả thảy chỉ có mấy giờ đồng hồ. Giá có thời giờ nhiều hơn, hẳn anh đã sử dụng các địa chỉ gặp gỡ bí mật. Nhưng một trong những địa chỉ ấy không phù hợp với điều kiện: không được đến trước tám giờ tối. Địa chỉ thứ hai ở quá xa, ở tận ngoại ô. Đi tới đó quả là mạo hiểm, anh có thể bị nhỡ tàu. Akimốp tiếc rẻ không gặp gỡ được các đồng chí, hỏi han họ về cuộc sống của đảng, tìm hiểu các tin tức mới nhất từ mặt trận.
Sau khi gửi cái bao đựng tài liệu của giáo sư Likhatsiốp (anh giúi vào đó cả một số đồ vật của mình) vào kho gửi hành lý xách tay, Akimốp đi dạo quanh các phố xá của cố đô.
Và ở đây khắp nơi anh cũng lại gặp các dấu vết của thời chiến: cố đô Mátxcơva nhợt nhạt, tiều tụy hẳn. Tháp vàng ở các nhà thờ và giáo đường Mátxcơva phai nhạt, tiếng chuông chiều các gác chuông nhà thờ lắng chìm. Dân Mátxcơva trở nên khác hẳn: nhìn đâu cũng thấy thương phế binh hoặc quân nhân, đầy những bọn đầu cơ, hành khất, những đứa bé nhem nhuốc, trên quảng trường các nhà ga giống như ngoài chợ: vẫn cảnh buôn đi bán lại. Những người lính vung vẩy những tấm áo varơi bạc phếch, những chiếc quần vá, những đôi giày thủng, còn các bà nông dân quấn khăn san ấm áp mặc váy rộng và áo bành tô ngắn bằng nhung thì mời mọc kẹo khanva làm bằng hạt hướng dương, bánh mì hình số 8 bằng bột mì đen, bánh tráng bằng khoai tây và tấm.
Gã cảnh sát to béo, cao lớn quát tháo đám dân, hết đuổi lính lại đuổi đàn bà, nhưng, bất chấp bộ dạng hung dữ của gã, chẳng ai thèm động đậy gì hết.
Ở một góc quảng trường hiện ra cảnh huyên náo đặc biệt của đám đông. Gã cảnh sát vội vã lao đến đấy, miệng quát tháo mọi người. Nhưng những người lính dang làm cái chuyện buôn bán, chống trả gã cảnh sát.
- Ông chú ơi, đi đi, tôi bảo tử tế: đi đi! Còn không đi ấy à - bọn này sẽ đánh chết, đồ chuột cống hậu phương béo mầm! - người lính nói một cách lẫm liệt, và má anh ta giật giật vì bị chấn thương.
Gã cảnh sát cố tỏ vẻ công phẫn:
- Xin dẹp lời thóa mạ đi! Chứ không chúng tôi có thể bắt anh phải chịu trách nhiệm! - Nhưng vang lên tiếng cười và mọi người thấy rõ con chuột cống hậu phương so với cánh lính tráng - chỉ là đồ sâu bọ nhỏ nhặt, chẳng ai coi gã ra gì.
- Cái chính quyền của ngài sắp tàn rồi, đồ sát nhân! - một ông mugích bé nhỏ nhanh nhẹn nói với theo gã cảnh sát, và gã cảnh sát rời đám đông, làm ra bộ gã không nghe thấy những lời khiêu khích đó.
«Nếp sống đang thay đổi, - Akimốp nhận xét, - Một khi người lính muốn quay súng chống lại chế độ Sa hoàng, tư bản và cảnh sát, thì chẳng có gì ghìm giữ được anh ta. Và thời kỳ ấy đang đến gần. Đang đến gần, nhưng còn chưa đến. Cần phải tính đến cả tình huống ấy.
Akimốp đi dạo khắp Mátxcơva, nhưng rất chú ý quan sát: liệu có «cái đuôi» nào bám theo anh không, liệu anh có bị theo dõi không. Trường hợp hôm qua ở ga Bui bắt anh một lần nữa nghĩ đến sự thận trọng.
Khi bắt đầu mở cửa cho hành khách lên chuyến tàu đi Pêtrôgrát, Akimốp cố lần vào chính giữa dòng người. Giữa những khuôn mặt hiện ra loang loáng, giữa áo quần trăm màu nghìn vẻ, giữa cảnh tấp nập rối rít, không dễ gì tách được anh ra và ghi nhớ. Anh lên toa công cộng, trong sự chen lấn khủng khiếp anh tìm được chỗ cho bản thân cùng bao đồ ở trên ghế treo cao nhất. Chuyến đi rất tốt đẹp, mặc dù có ngột ngạt và không lấy gì làm dễ chịu cho lắm.
Còn cách Pêtrôgrát chừng năm mươi vecxta nữa anh đã xuống tàu. Ngay từ buổi đầu của cuộc chạy trốn các đồng chí đã khuyên anh nên như vậy: đi vòng Pêtrôgrát, bỏ qua các ga chính, nơi đêm ngày có sự theo dõi cẩn mật, đừng có chui vào các toa hạng trên, phải lần vào giữa mọi người.
Đến nửa buổi, Akimốp đã đi các chuyến tàu địa phương chuyển từ tuyến đường Nicôlaiépxeaia sang tuyến đường dẫn sang Phần Lan. Buổi tối anh lên chuyến tàu đưa anh đi xa hơn - đến Henxingforxơ, gần tới Thụy Điển. Và mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, và không có gì báo hiệu có rắc rối chi hết...
o O o
Ấy vậy mà vẫn nảy ra chuyện rắc rối. Và không chỉ đơn giản là chuyện rắc rối, mà là sự đe dọa đổ vỡ hoàn toàn. Chuyện ấy xảy ra ở Abô, tại cảng, vào những giây phút cuối cùng nhất của Akimốp còn ở trên đất của đế quốc Nga.
Qua tên Ôxipốpxki, sống lì ở Xtốckhôn, gần giáo sư Likhatsiốp, bọn mật vụ biết rõ việc chạy trốn của Akimốp, bọn chúng còn biết cả các mục đích của cuộc chạy trốn này. Bố trí một người bônsêvích, thêm vào đấy lại là một người mà giáo sư Likhatsiốp yêu quí và đánh giá cao, ở bên cạnh giáo sư, - điều đó có nghĩa là triệt để bứt nhà bác học ra khỏi công việc phục vụ chính phủ Sa hoàng và, hơn thế nữa, với những khuynh hướng dân chủ có tiếng tăm trong bao năm của ông, hướng ông chống lại chế độ quân chủ, vận động ông tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Những trường hợp tương tự đã xảy ra! Chỉ cần nhớ lại tên tuổi học giả Nga nổi tiếng Ilia Metsnicốp[19]. Những người bônsêvích không chỉ lọt vào nhà ông ta, mà họ còn cấy được vào tâm hồn ông ta những tư tưởng phá hoại của họ. Rồi giáo sư Timiriadép[20] ở Mátxcơva? Truyền bá các quan điểm duy vật về thiên nhiên chưa đủ, ông ta còn có cảm tình với cách mạng, hỗ trợ cho lực lượng của cách mạng lớn mạnh lên. Thử động đến ông ta xem. Toàn thế giới sẽ phẫn nộ và lên án Sa hoàng là chỗ dựa của những lực lượng phản động đen tối. Mà ngai vàng thì không cần phải có những chuyện đó cũng đang lung lay rồi. Và đâu có phải chỉ có mình Timiriadép? Những người bônsêvích đứng đầu là Ulianốp dòng dõi quí tộc Ximbiếc mặc dù mệnh danh mình là đảng của giai cấp công nhân, nhưng không hề thờ ơ đối với việc liên minh với trí thức. Đã gióng giả khắp cả nước Nga bao nhiêu năm rồi tiếng nói của... người thợ ấy ở Nigiơni Nốpgorốt, nhà văn Alếchxây Pescốp, mà đã chọn cho mình cái bút danh với ngụ ý thật rõ ràng... Makxim Gorki[21]?!
Các quan chức cao cấp của sở mật thám Sa hoàng, tuy căm ghét cách mạng với tất cả lòng hận thù hung tợn, và bắt buộc phải đọc các tác phẩm của Lênin và báo chí của đảng bônsêvích, nhưng chúng cũng hiểu rằng đảng này quả thực đang suy nghĩ nghiêm chỉnh về tương lai. Khác với các giai cấp cầm quyền, các nhà lý luận và các lãnh tụ của đảng này vẽ ra một bức tranh rõ ràng về cơ cấu xã hội và nhà nước mai sau, trong đó mỗi người đều có một vị trí xứng đáng của mình. Không có gì làm cho người ta giác ngộ bằng tinh thần cách mạng, không có gì thúc đẩy họ tham gia vào cuộc đấu tranh với chế độ Sa hoàng, bằng sự nhận thức rằng cách mạng sẽ mang lại sự đổi mới toàn bộ cuộc sống, cách mạng sẽ gạt bỏ cả áp chế, cả sự bất công và sẽ đem lại cho người ta một cuộc sống xứng đáng...
Và không phải ngẫu nhiên mà những người bônsêvích tỏ ra quan tâm đối với các bộ óc như Likhatsiốp. Không có những bộ óc ấy không thể xây dựng tương lai. Họ có kiến thức. Mà không có kiến thức, hiểu biết thì xây dựng làm sao được đất nước, - không có đầu rìu thì đừng hòng mà đóng nổi cái đinh vào gỗ.
Các quan chức cao cấp quyết định: không thể để cho Likhatsiốp rơi vào vòng tay của tên bônsêvích Akimốp, thà cứ để cho các báu vật tìm tòi khoa học chảy ra nước ngoài còn hơn là để rơi vào tay đảng của giai cấp công nhân,
Ty hiến binh Tômxcơ và tên nhân viên mật vụ Prôskin vì tội để Akimốp trốn khỏi Xibiri đã bị nghiêm khắc khiển trách. Vì thế bắt đầu các cuộc rình mò mới, Prôskin lồng lộn khắp các toa tàu đi khỏi Xibiri. Chẳng lẽ Akimốp có thể bay qua khoảng cách dài ghê gớm từ Tômxcơ về tới Pêtrôgrát trên không trung như con chim ư?
Và thế là xảy ra cuộc chạm trán ở Bui. Prôskin đã chậm trễ, nên Akimốp lại biến mất ngay trước mũi hắn. Các công văn hỏa tốc báo động bay ngay về Mátxcơva và Pêtrôgrát...
Akimốp dường như cảm thấy bộ máy cảnh sát đã đưa tất cả lực lượng của mình vào guồng hoạt động. Anh xét nét bất cứ người nào lên toa xe ở các ga và ga xép của đại công quốc Phần Lan. Sa hoàng và chính phủ của hắn có lúc đã hết sức cố gắng tô vẽ Phần Lan như một nước độc lập, tự do. Nhưng qua kinh nghiệm chua xót của nhiều đồng chí, Akimốp đã biết là cánh tay của bộ máy cảnh sát của Sa hoàng dài lắm và nó đã với đến cả đây. Chính vì thế mà đã có quyết định không chuyển anh đi theo đường sắt vòng quanh vịnh Bôtnitsexki, mà qua cảng Abô. Từ Xtốckhôn tàu thuyền của Thụy Điển vẫn lui tới cảng này, tiện đường có dừng lại ở các đảo Alanđơ. Chiến tranh có làm giảm hoạt động tàu thuyền trên tuyến đường này, nhưng không làm đình trệ hẳn.
Đến Abô, Akimốp ngay ở ga đã dò hỏi xem có tàu Thụy Điển ở cảng không. Những người đánh xe ngựa, thường am hiểu cuộc sống các thị trấn nhỏ thông thạo hơn bất cứ cơ quan quản lý nào, cho biết một tin mừng: ở cảng đang có con tàu Thụy Điển chở hàng và hành khách và sau một tiếng, một tiếng rưỡi nữa nó sẽ rời bến.
Akimốp thuê một cỗ xe ngựa đưa ra đến bến. Người đánh xe để cái bao vải bạt vào chỗ để hàng dưới ghế ngồi, nhảy lên chỗ của mình và ra roi thúc ngựa.
Ngồi vào xe, Akimốp nhận thấy cách đấy không xa có một người đàn ông cũng làm như anh. Người ấy vội vã không kém gì Akimốp và chẳng bao lâu đuổi vượt anh. Và sự đời mới thật oái oăm: suốt dọc đường Akimốp đã luôn cảnh giác, luôn luôn xét đoán tất cả mọi người, thấy gì cũng thầm cân nhắc phán đoán, khi ra khỏi toa tàu bao giờ cũng chú ý, vậy mà bây giờ anh lại chẳng coi vào đâu cái người đàn ông đang vội vội vàng vàng kia, bộ dạng anh ta chỉ thoáng hiện qua và không in vào tâm trí Akimốp.
Akimốp lúc này mải mê với một suy nghĩ mà thôi: làm sao không chậm tàu, dù thế nào đi nữa cũng phải lên được tàu.
- Xin bác cho xe đi nhanh hơn một chút. Tôi sợ là nhỡ mất, - Akimốp nói với người đánh xe, nghển dài cổ lên và mong muốn mau chóng nhìn thấy cả bến cảng cả con tàu, anh sẽ lên con tàu đó đi sang Thụy Điển.
- Không, không đâu, ông cứ yên tâm. Chúng ta đến kịp thôi! - người đánh xe Phần Lan nói bằng thứ tiếng Nga trọ trẹ và lại thúc ngựa.
Xe vừa dừng lại, Akimốp nhẩy xuống và chạy vào chỗ bán vé mua vé và làm các thủ tục liên quan đến việc xuất ngoại. Anh đề nghị người đánh xe đưa cái bao hàng của anh đến cầu tàu và đợi anh ở đấy. Trên boong tàu người ta đã đi lại dạo chơi, còn trên bến vắng vẻ, Akimốp hiểu là việc xếp hàng và lấy khách đã xong, và anh không được để mất một giây phút nào hết.
Việc làm thủ tục đòi hỏi không quá mười lăm phút và trôi chẩy không chút trở ngại gì. Akimốp đi vội tới cầu tàu, tin là anh sẽ gặp người đánh xe mang cái bao của anh đứng sẵn ở đấy. Nhưng người đánh xe không thấy ở nơi hẹn trước. Có chuyện gì xẩy ra thế? Từ chỗ xe đỗ đến cầu tàu đi độ không quá ba phút. Tim Akimốp bỗng đập rộn lên lo lắng. Những linh cảm đau xót làm anh nghẹt thở. Bằng những bước thận trọng nhưng vội vã Akimốp nhẩy ra khỏi bến tàu và ngay lúc đó anh lao ngay trở lại.
Người đánh xe với cái bao của anh đứng ở bên cỗ xe, nhưng không đứng một mình, mà bị vây giữa ba tên cảnh sát. Giữa người dân Phần Lan với mấy tên cảnh sát đang có cuộc tranh cãi kịch liệt. Hẳn là, những tên kia muốn đoạt lấy cái bao của Akimốp, còn người đánh xe không chịu đưa.
«Biết làm thế nào nhỉ? Nên xử sự ra sao?» - một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Akimốp, và mồ hôi toát ra bên thái dương anh. Quyết định chín muồi trong một chớp nhoáng: «cần phải tức khắc lên tàu ngay».
Thỉnh thoảng lại ngoái lại, Akimốp lấy vé và hộ chiếu ra và trình cho các viên chức Thụy Điển. Qua một phút anh đã đứng trên cầu thang lên tàu, chiếc cầu thang bọc đồng đỏ.
Giờ đây, khi bản thân anh đã ngoài vòng nguy hiểm, anh lại cảm thấy ân hận. Liệu anh xử sự có đúng không: để các giấy tờ của ông chú lọt vào tay bọn cảnh sát? Có thể, còn chưa muộn, chạy ngay lên bờ để cứu cái bao, tự nguyện nộp mình cho kẻ địch? Mặc cho chúng đưa anh vào tù, mặc cho chúng lại đưa anh ra tòa xử, nhưng tài liệu tìm tòi khoa học của nhà bác học đã kiếm được qua bao nhiêu năm dài lao động, sẽ còn nguyên vẹn.
Thoáng qua hai ba giây như vậy, khi Akimốp phải vất vả mới ghìm được mình khỏi những cơn bồng bột thực chất chẳng mang lại điều gì có lợi cho ai.
Nhưng vừa lúc hồi còi rền rĩ vang lên, những vách bằng gỗ của buồng tàu rung lên, và nghe tiếng những tảng băng bị phá vỡ lục bục mạnh hai bên thành thép của con tàu.
- Tạm biệt, nước Nga! Hẹn sớm lại gặp nhau!
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri