Tuyết epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 23: Allah Đủ Công Minh Để Biết Đây Không Phẳi Là Vấn Đề Của Lý Trí Hay Xác Tín, Mà Là Cách Sống Cuộc Đời Mình.
ùng Sunay ở đại bản doanh
Khi Sunay thấy Ka viết thơ, ông đứng dậy sau mặt bàn ngổn ngang giấy tờ để chúc mừng và khập khiễng đi ra chỗ Ka. "Cả bài thơ ông đọc hôm qua ở nhà hát cũng rất hiện đại," ông nói. "Tiếc rằng khán giả nước ta không đủ trình độ hiểu nghệ thuật hiện đại. Vì thế trong các tác phẩm của mình tôi sử dựng múa bụng và chuyện đời thủ môn Vural để người dân hiểu được. Xen vào đó tôi diễn không khoan nhượng Sân khấu của cuộc đời, hiện đại nhất để nó tác động trục tiếp vào cuộc sống. Tôi thà làm loại nghệ thuật trộn lẫn thảm hại và cao quý cho nhân dân còn hơn diễn những vở hài kịch nông cạn ở Istanbul được các nhà băng tài trợ. Giờ thì với tất cả tình bạn, ông hãy nói cho tôi hay: tại sao ông không nhận mặt ai trong số Hồi giáo chính trị mà người ta chỉ cho ông xem ở Sở cảnh sát và khoa thú y?"
"Tôi có nhận ra ai đâu."
"Sau khi chứng kiến ông bày tỏ sự quý mến với thằng bé đã dẫn ông đến chỗ Lam, bọn lính định bắt ông. Người ta nghi ngờ tại sao ông từ Đức về đúng thời điểm trước khi nổ ra cách mạng và có mặt khi ông hiệu trưởng đại học sư phạm bị bắn chết. Họ định hỏi cung và tra tấn ông xem ông biết gì, nhưng tôi đã chặn lại. Tôi đã đứng ra bảo lãnh ông."
"Xin cảm ơn."
"Nhưng vẫn chưa rõ tại sao ông lại hôn thằng bé dẫn ông đến chỗ Lam.
"Tôi không rõ." Ka nói. "Nó có gì đó rất thành thật và thẳng thắn. Tôi tin là nếu được sống, nó sẽ sống trăm tuổi."
"Ông có muốn biết thằng Necip mà ông thương hại ấy ngoan ngoãn đến mức nào không?" Sunay lôi một tờ giấy ra đọc. "Hồi tháng Ba năm ngoái Necip có lần trốn học, dính dáng vào vụ ném vỡ cửa kính quán bia Vui vì ở đó bán rượu trong tháng ăn kiêng Ramadan. Làm phụ việc đôi lần ở văn phòng tỉnh ủy của đảng Phồn vinh, nhưng bị cắt việc vì có lập trường cực đoan hoặc lên cơn khủng hoảng tinh thần làm cho mọi người phát sợ (ở văn phòng đảng ủy không chỉ có một chỉ điểm). Đã từng có ý định tiếp cận Lam khi tay này đến thành phố trong một năm rưỡi qua.Viết một truyện ngắn, bị Bộ an ninh quốc gia đánh giá là "không hiểu muốn nói gì", đăng ở tờ báo Hồi giáo chính trị của Kars với 75 ấn bản bán ra. Cùng với thằng bạn là Fazil bàn kế hoạch giết hại ông dược sĩ về hưu chủ báo đó, sau khi ông này hai lần hôn Necip một cách kỳ quái (bản chính của bức thư trình bày lý do giết người mà bọn thúng định găm lại hiện trường đã bị đánh cắp từ kho lưu trữ của Bộ an ninh quốc gia, trong hồ sơ chỉ còn bản sao) Nhiều lần cùng bạn bè cười nói đi dọc phố Atatürk, trong đó một lần hồi tháng Mười làm điệu bộ tục tĩu khi chiếc xe cảnh sát dân sự đi qua."
"Bộ an ninh quốc gia làm việc ở đây tốt đấy chứ," Ka nói.
"Họ biết ông đến nhà trưởng lão Saadettin Efendi, ở đó có gài micro, và ông đã hôn tay ông ta khi vào tiếp kiến. Ông vừa khóc vừa nói là mình tin vào Allah, và ông đã đưa mình vào tình thế khó xử trước mặt lũ hạ dân ở đó. Nhưng người ta không biết tại sao ông làm việc đó. Ở đất này có hàng đống thi sĩ phái tả hoảng hốt thay đổi trận tuyến vì họ nghĩ: "Ta phải theo Hồi giáo chính trị thôi trước khi họ được nắm quyền!"
Ka không biết chui vào lỗ nẻ nào. Linh cảm rằng Sunay đánh đồng điều ông đã làm với sự yếu đuối càng khiến ông xấu hổ hơn.
"Tôi biết. Những gì ông chứng kiến sáng nay làm ông buồn.Đúng là cảnh sát xử tệ với bọn trẻ; trong hàng ngũ họ thậm chí có cả những kẻ mang thú tính, lấy bạo lực làm trò vui. Nhưng hãy gạt chuyện ấy qua một bên..."Ông chìa tho Ka một điếu thuốc. "Hồi thanh niên, tôi cũng tới Nişantaşi và Beyoğlu như ông, ngốn phim phương Tây như một thằng điên, đọc hết sách của Sartre và Zola. Cũng như ông, tôi tin châu Âu là tương lai của chúng ta. Tôi không thể tưởng tượng ra rằng ông lẳng lặng mà đứng ngắm thế giới này sụp đổ; em gái ông bị ép phải trùm khăn lên đầu, và thơ của ông bị cấm như ở Iran vì không hợp lẽ tôn giáo. Vì ông cùng thế giới với tôi; ở Kars này, ngoài ông ra không có ai từng đọc thơ của T.S. Eliot cả đâu."
"Có Muhtar, ứng viên thức thị trưởng của đảng Phồn vinh nữa," Ka đáp. "Ông ấy rất yêu thơ."
"Tay này thì chẳng cần phải bắt làm gì,"Sunay mỉm cười nói. "Hắn đã trao cho người lính đầu tiên gọi cửa nhà hắn một bản tuyên bố có ký tên, xin rút đơn ứng cử chức thị trưởng. Có tiếng nổ. Khung và kính cửa sổ tung bần bật. Cả hai cùng ngó về hướng phát ra tiếng nổ, phía sông, nhưng thẳng thấy gì ngoài hàng dương tuyết phủ và máng nước đóng băng của những ngôi nhà bỏ hoang ở dãy phố đối diện. Họ bước lại gần cửa sổ. Ngoài người lính gác trước nhà, không có ai trên đường cả. Thậm chí vào giờ nghỉ trưa ở Kars cũng gây ấn tượng buồn thảm bất thường.
"Một diễn viên tốt..." Sunay nói với vẻ hơi sân khấu, "...phải thể hiện cho được các sức mạnh thủ lũy trong lịch sử từ nhiều năm, nhiều thế kỷ, bị dồn nén vào một góc mà không có lối thoát và không được định hình. Anh ta nhận lấy những bài học của mình và không để lộ ra, giấu kín trong mình; không ai biết anh ta mạnh đến đâu cho tới lúc chứng kiến anh lên sân khấu. Diễn viên ấy phải tìm một tiếng nói khả dĩ đem lại cho anh ta tự do thực thụ - tìmsuốt đời, ở những nơi heo hút nhất, trên con đường ít người đặt chân nhất, những sân khấu khó leo nhất. Một khi đã tìm ra tiếng nói ấy, anh ta phải gan dạ làm đến cùng."
"Ba hôm nữa tuyết tan hết, đường lại thông, và Ankara sẽ đòi tính sổ những giọt máu bị đổ ở đây," Ka nói. "Không phải vì họ không muốn thấy đổ máu mà họ không muốn thấy ai khác gây đổ máu ngoài họ. Và người dân Kars sẽ khinh bỉ ông cùng trò chơi kỳ quái này của ông. Lúc đó ông sẽ làm gì?"
"Ông đã thấy tay bác sĩ rồi đấy, tôi có chứng đau tim và sắp lìa đời - chẳng còn gì quan trọng cả," Sunay nói. "Nghe này, tôi vừa nhớ ra một chuyện: người ta nói rằng nếu chúng tôi tìm được một tên và treo cổ hắn lên, ví dụ như tên đã bắn ông hiệu trưởng đại học sư phạm, và phát sóng trực tiếp trên truyền hình thì cả thành phố Kars sẽ nằm trong tay chúng tôi."
"Ngay bây giờ họ đã nằm trong tay các ông rồi cơ mà," Ka nói.
"Nghe nói bọn chúng chuẩn bị đánh bom cảm tử."
"Nếu các ông treo cổ một người thì tình hình sẽ còn khủng khiếp hơn."
"Ông sợ, ông xấu hổ nếu người châu Âu biết chúng ta đang làm gì ở chốn này? Ông có biết bọn họ từng treo cổ bao nhiêu người để làm nền móng cho thế giới hiện đại mà ông khâm phục không? Nếu còn sống thì Atatürk sẽ treo cổ một bộ óc yêu tự do ngu tối như ông ngay từ hôm đầu. Ông nên ghi nhớ một điều:bọn học sinh trường tôn giáo mà ông gặp trong tù hôm nay đã ghi lòng tạc dạ vĩnh viễn khuôn mặt ông. Chúng có thể giật bom nổ mọi nơi và nhằm vào mỗi người. Sau khi trình bày bài thơ tối qua, bây giờ ông được chúng coi như một phần của điệp vụ...Mỗi người có một chút Tây hóa, nhất là những trí thức kiêu ngạo nhìn người dân đen từ trên xuống, đều cần một giới quân sự thế tục để được dễ thở ở đất này. Nếu không, bọn toàn thống ắt đã dùng dao cùn để biến họ và các bà vợ tô son trát phấn của họ thành thịt băm. Nhưng lũ thông thái ngạo mạn ấy tưởng rằng chúng là người Âu và khịt mũi khinh bỉ đám lính bảo vệ mình. Liệu ông có tin rằng, lúc bọn chúng biến đất này thành Iran sẽ có ai đó nhớ đến một thằng mặc váy có trái tim nhân hậu như ông đã rơi nước mắt xót thương bọn trẻ ở trường tôn giáo? Lúc đó chúng sẽ treo cổ ông lên bởi vì ông hơi bị Tây hóa hoặc thích ăn mặc đẹp, vì ông đeo cà vạt hay chỉ vì ông mặc cái áo choàng này. Ông mua cái áo này ở đâu vậy? Tôi mượn nó lên sàn diễn được không?"
Tất nhiên."
"Tôi cử cho ông một vệ sĩ để chiếc áo này không bị thủng lỗ đạn. Lát nữa tôi có một công bố trên ti vi. Đến giữa trưa mới hết lệnh cấm ra đường, ông nên ở nhà!"
"Ở Kars không có bọn khủng bố Hồi giáo khiến người ta sợ đến thế," Ka nói.
"Những đứa đang ở đây là đủ lắm rồi," Sunay đáp. "Ngoài ra, chúng nó chỉ có thể chiếm lĩnh đất nước này một cách chắc chắn bằng cách gieo rắc khủng bố tôn giáo. Dần dần qua thời gian nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ trở thành mặc định. Nếu người dân không biết sợ phe toàn thống mà tìm sự che chở nơi nhà nước và quân đội thì họ sẽ rơi vào tay lũ phản động và vô chính phủ, hệt như tình hình các quốc gia bộ tộc ở Cận Đông hay châu Á."
Dáng đứng thẳng như cột đèn và nói như ra lệnh, cái nhìn chăm chăm vào một điểm tưởng tượng trên đầu khán giả của Sunay nhắc Ka nhớ lại động tác mà hai mươi năm trước đây ông ta vẫn diễn trên sân khấu. Nhưng Ka không cười; ông cảm thấy mình chính là một phần của vở kịch lỗi thời ấy.
"Giờ thì ông nói đi, ông cần gì ở tôi!" Ka nói.
"Nếu không có tôi thì tới giờ phút này chắc ông cũng xong đời rồi. Kệ cho ông liếm gót lũ toàn thống đến mức nào, rốt cuộc áo ông cũng xơi vài lỗ đạn mà thôi. Người bạn và người che chở duy nhất của ông ở thành phố Kars này là tôi. Và chớ quên, mất tình bạn này thì ông sẽ bị tống vào một xà lim ở tầng hầm Sở cảnh sát chờ tra tấn đấy. Các bạn ông ở tờ Cộng hòa cũng sẽ không tin ông, mà tin quân lính hơn, ông hãy mở mắt ra đi."
"Tôi hiểu."
"Vậy hãy cho tôi biết, sáng hôm nay ông đã giấu bên cảnh sát điều gì, ông đã vì mặc cảm tội lỗi mà chôn trong tim điều gì?"
"Rõ ràng đã đến lúc tôi tin vào Allah," Ka mỉm cười nói. "Có lẽ tôi còn giấu điều đó trước chính tôi."
"Ông đang tự lừa dối mình! Ngay cả khi ông tin thì cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu đức tin của ông chỉ bó hẹp trong mình. Vấn đề ở chỗ người ta phải tin như những người nghèo và trở thành một người trong họ. Chỉ khi ông ăn thức ăn của họ, ông sống cùng họ, cười cái gì họ thấy buồn cười, và bực mình cái làm họ bực mình, lúc đó ông mới tin vào Thượng đế của họ. Ông không thể cùng tin vào một Allah mà lại sống một cuộc đời khác hẳn. Allah đủ công minh để biết đây không phải là vấn đề của lý trí hay xác tín, mà là vấn đề cách sống cuộc đời mình. Nhưng tôi không định hỏi ông chuyện đó. Nửa tiếng nữa tôi sẽ xuất hiện trên truyền hình và nói với dân chúng Kars. Tôi muốn đem cho họ một tin lành. Tôi sẽ nói, thủ phạm bắn ông hiệu trưởng đại học sư phạm đã bị bắt. Rất có thể chính hắn đã giết ông thị trưởng. Tôi có được nói là sáng nay ông đã nhận mặt hắn không? Sau đó ông lên màn ảnh và kể lại mọi chuyện."
"Nhưng tôi có nhận ra ai đâu cơ chứ?"
Sunay nắm bả vai Ka với một động tác giận dữ, hoàn toàn không phải sân khấu nữa, kéo ông ra khỏi phòng, qua hành lang rộng và lôi ông vào một căn phòng quét toàn màu trắng. Vừa ngó vào phòng, Ka giật mình - không phải vì nó thiếu sạch sẽ mà vì không khí quá riêng tư. Mấy đôi tất phơi trên sợi dây căng từ nắm xoay ở cửa sổ đến cái đinh trên tường. Trong chiếc vali để mở nằm ở góc phòng Ka thấy máy sấy tóc, găng tay, sơ mi và một cái nịt vú cỡ to, nhất định chỉ có thể vừa với Funda Eser. Bà ngồi trên ghế đẩu ngay bên cạnh, vừa lấy thìa xúc từ bát (chè, Ka tự hỏi, hay xúp?) đặt trên mặt bàn chất đầy son phấn và giấy má đã dẹp qua một bên, vừa đọc.
"Ở đây chúng ta là đại diện của nghệ thuật hiện đại... và chúng ta gắn chặt vào nhau như keo sơn," Sunay nói và bóp tay Ka mạnh hơn.
Ka chẳng hiểu Sunay định ám chỉ gì, cũng không rõ diễn kịch hay nói thật.
"Thủ môn Vural biến đâu mất rồi," Funda Eser hỏi. "Ông ấy đi khỏi từ sáng sớm và không thấy quay lại."
"Chắc lại say sưa ở đâu rồi." Sunay trả lời.
"Say sưa ở đâu được cơ chứ," vợ ông nói. "Mọi nơi đều đóng cửa. Không ai ra phố. Lính đã đi tìm ông ấy rồi đấy. Họ sợ là ông ấy bị bắt cóc."
"Thế hả? Nếu bị bắt cóc thì hay quá," Sunay nói. "Nếu lão ấy bị lột da và cắt lưỡi thì hình cùng thoát được lão."
Mặc chosựthôthiểntrongcửchỉvàlờinói, Kavẫnnhận ra tính khôihàitinhtếvànétđồngđiệutâmhồngiữahaivợchồnghọkhiến ông dù sao cũng thấy nể trọngphalẫn ghen tị.
Đúng lúc ấy ánh mắt ông và Funda Eser giao nhau,bất giác Ka cúi rạp người chào bà.
"Thưa quý bà, bà thật tuyệt diệu trong buổi diễn tối qua."Ông nói với giọng khoa trương, nhưng cũng pha lẫn khâm phục chân thành.
"Thật quá lời, hỡi quý ông thân mến," bà đáp lại hơi ngượng ngùng. "Ở nhà hát của chúng tôi, không phải diễn viên mà khán giả mới chính là nghệ sĩ."
Bà quay sang chồng. Hai người bắt đầu nói chuyện, hấp tấp nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác như vua và hoàng hậu bận rộn bàn quốc gia đại sự. Trước ánh mắt nửa khâm phục nửa kinh ngạc của Ka họ nhanh chóng quyết định Sunay sẽ mặc trang phục gì khi lên truyền hình tối nay (thường phục? cảnh phục? đồ đại lễ?), chuẩn bị bài diễn thuyết ra sao (Funda Eser đã viết thay một đoạn), xét lá đơn xin bảo trợ kèm chỉ điểm của chủ khách sạn Vườn Hoa Kars, nơi họ đã từng trọ khi đến đây ngày xưa (ông ta chỉ điểm hai khách trẻ đáng nghi, sau khi sốt ruột vì quân lính liên tục đến và khám xét), sau đó họ đọc duyệt chương trình của Truyền hình biên giới Kars (phát lại đêm diễn ở Nhà hát nhân dân lần thứ tư và thứ năm, ba lần phát lại bài nói chuyện của Sunay, các bài hát ca ngợi anh hùng và lính biên phòng, một bộ phim tài liệu về cảnh đẹp của Kars, một phim nội địa mang nhan đề Gülizar).
"Ta làm gì với nhà thơ của chúng ta đây?" Sunay hỏi. "Lý trí của ông ấy ở châu Âu, tình cảm ông ấy ởchỗ chiến binh của trường tôn giáo, còn đầu óc thì rối tung hết cả."
"Nhìn vẻ mặt ông ấy thì rõ," Funda Eser nói và mỉm cười thân mật. "Một chàng trai tốt đấy, ông ấy sẽ giúp chúng mình."
"Nhưng ông ấy rớt nước mắt vì bọn Hồi giáo chính trị ấy."
"Ông ấy đang yêu, thế thôi." Funda Eser nói. "Thi sĩ của chúng ta mấy hôm nay đang dạt dào xúc cảm mà."
"Thật sao? Thi sĩ của chúng ta đang yêu?" Sunay hỏi với bộ dạng cường điệu. "Chỉ những nhà thơ trong trắng nhất mới nghĩ nổi tới chuyện yêu đương trong khi cách mạng nổ ra."
"Ông ấy không phải là một nhà thơ trong trắng, mà là một người tìnhtrong trắng," Funda Eser nói.
Hai vợ chồng diễn tiếp cảnh ấy một lúc nữa, không hề ngập ngừng làm Ka vừa bực mình vừa cực kỳ bối rối. Sau đó họ ra chiếc bàn lớn của xưởng may và uống trà.
"Tôi chỉ định nói ngắn gọn thôi, để ông quyết định rằng tốt nhất là nên giúp đỡ chúng tôi." Sunay nói. "Kadife là người tình của Lam. Lam không về Kars vì lý do chính trị, mà vì chuyện yêu đương. Người ta không tóm tên sát nhân này, vì còn định dò ra đám trẻ Hồi giáo chính trị nào có quan hệ với hắn. Giờ thì người ta tiếc, vì hắn đã đột ngột biến mất trước khi ký túc xá bị tấn công.Tất cả thanh niên Hồi giáo chính trị ở Kars đều hâm mộ và theo đuôi hắn. Hắn đang lẩn quất ở Kars và nhất định sẽ tìm đến ông.Lúc đó có lẽ ông sẽ khó có điều kiện báo cho chúng tôi. Nhưng nếu chúng tôi gài vào người ông một chiếc hoặc thậm chí hai chiếc micro như đã làm với ông hiệu trưởng trường sư phạm, gắn thêm một máy phát sóng vào áo choàng nữa, thì ông chẳng việc gì phải sợ cả. Người ta sẽ tóm hắn khi ông đã đi khỏi cuộc họp."
Sunay nhận ngay ra rằng Ka không ưa ý tưởng này. "Tôi không ép ông," ông ta nói. "Ông không thể hiện ra, nhưng điệu bộ của ông hôm nay cho thấy ông là người cẩn trọng. Ông biết cách tự bảo vệ mình, tuy nhiên tôi vẫn muốn nói là ông nên đề phòng Kadife. Người ta đoán là cô ta nói hết cho Lam những gì cô ấy nghe thấy. Nhất định cô ấy cũng thông báo những gì bố cô ấy và khách khứa bàn luận mỗi tối bên bàn ăn. Có thể một phần vì cô ấy cảm thấy kích động khi chống đối bố, nhưng nhất định vì cô ấy yêu và trung thành với Lam. Ông thử nói xem có gì ở con người này thu hút đến thế cơ chứ?"
"Ở Kadife?"
"Tất nhiên là ở Lam," Sunay cáu kỉnh. "Tại sao tất cả đều bị tên sát nhân này thu hút? Vì sao hắn có danh tiếng lừng lẫy như vậy ở khắp Anatolia? Ông đã chuyện trò với hắn rồi, ông có thể cho tôi biết không?"
Ka bị phân tán phút chốc vì Funda Eser lấy chiếc lược nhựa ra và bắt đầu chải tóc Sunay rất âu yếm và kỹ lưỡng.
"Tôi muốn ông hãy nghe bài diễn thuyết của tôi trên ti vi," Sunay nói. "Ông đi cùng tôi lên xe tải quân sự, tôi cho thả ông xuống ở khách sạn."
Còn bốn mươi lăm phút nữa mới hết giờ thiết quân luật. Ka xin phép đi bộ về khách sạn và được chấp thuận.
Ông vừa bắt đầu thấy khoan khoái trong người khi thấy phố Atatürk thênh thang không một bóng người, các phố cắt ngang đầy tuyết im lìm, vẻ đẹp của hàng cây trúc đào và những ngôi nhà Nga cổ phủ tuyết, thì cũng nhận ra có người theo chân mình.
Ông đi ngang phố Halit Paşa, rẽ trái khỏi phố Kâzimbey Nhỏ. Tay mật vụ hổn hển bám theo trên lớp tuyết xốp, con chó đen có chấm trắng trên trán mà Ka hôm qua đã thấy ở ga tung tẩy theo chân hắn. Ka ẩn vào một trong mấy cửa hàng tạp hóa ở khu Yusuf Faşa và quan sát, rồi ông đột ngột tiến ra trước mặt tay mật vụ.
"Ông đi theo tôi để điều tra hay để bảo vệ tôi?"
"Thực tế thưa ông, ông muốn hiểu thế nào cũng được ạ."
Nhưng người kia trông ngơ ngác và mệt mỏi đến nỗi khó mà bảo vệ được chính mình, huống hồ bảo vệ Ka. Trông bề ngoài như phải đến sáu mươi lăm tuổi là ít, mặt mũi nhàu nhĩ, giọng the thé và mắt đã hết vẻ tinh anh. Ông ta nhìn Ka không như một nhân viên cảnh sát vận thường phục, mà như một người dân thường thấy cảnh sát là sợ. Ka thương hại ông ta khi thấy mũi giày Sümerbank - đồng phục của cảnh sát dân sự ở khắp đất Thổ đã toác mõm ra.
"Ông là cảnh sát phải không? Nếu ông có thẻ căn cước đem theo thì nhà hàng Đất Xanh sẽ mở cho chúng ta vào ngồi."
Họ không phải gõ cửa lâu mới được người ta mở cửa. Ka và tay mật vụ - xưng tên là Saffet - uống một ly Raki, ăn bánh nướng phó mát và chìa cho con chó một miếng. Họ nghe bài nói chuyện của Sunay, hoàn toàn không có gì khác với diễn văn của mọi lãnh tụ sau đảo chính quân sự đã từng được nghe. Khi Sunay nói tới đoạn những người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc, phe toàn thống được kẻ thù ngoại bang xúi bẩy và những chính khách mất chất sẵn sàng làm mọi thứ để lấy phiếu bầu đã đẩy Kars đến sát bờ vực thẳm, lúc ấy Ka đã thấy ngán ngẩm lắm rồi.
Trong khi Ka uống ly Raki thứ hai, tay mật vụ kính cẩn chỉ tay lên Sunay trên màn ảnh. Lúc này ông ta lại càng không giống một tên mật vụ hạng ba chút nào, mà như một kẻ ăn mày khốn khổ.
"Ông quen ông ấy, và quan trọng hơn, ông ấy nể ông," ông ta nói. "Tôi có một nguyện vọng, nếu ông chuyển đến cho ông ấy thì tôi sẽ thoát được khỏi địa ngục này. Có thể người ta sẽ điều tôi ra khỏi công tác điều tra vụ đầu độc và cử làm việc khác được không ạ?"
Khi Ka muốn biết cụ thể hơn, ông ta đứng dậy ra khép cửa quán lại. Rồi ông ta ngồi xuống và kể về "vụ đầu độc".
Tên mật vụ vụng về kể chuyện một cách vòng vèo khiến nó càng lộn xộn hơn, làm cho đầu óc Ka vốn đã kém tỉnh táo vì rượu, giờ lại càng rối mù. Câu chuyện bắt đầu với phỏng đoán của bên quân đội và cảnh sát mật, rằng quầy bán bánh kẹp và thuốc lá của quán Điểm Tâm Hiện Đại ở trung tâm thành phố được nhiều lính đến mua đã bán đồ uống vị quế pha thuốc độc. Vụ đầu tiên được để ý tới là một sĩ quan bộ binh dự bị người Istanbul. Cách đây hai năm, trước một bài tập được biết là rất nặng nhọc, sĩ quan này đã bị sốt run bần bật, không cất nổi chân. Bên y tế cho biết có hiện tượng trúng độc, và viên sĩ quan tưởng mình sắp chết đã đổ tội tho thứ đồ uống mà anh ta mua ở góc phố Kâzimbey Nhỏ cắt phố Kâzim Karabekir, vì tò mò trước một thứ đồ lạ miệng. Vụ ngộ độc đơn giản này kỳ thực cũng dễ bị quên đi. Nhưng người ta nhớ lại nó khi hai sĩ quan dự bị liền nhau được đưa đi cấp cứu với những triệu chứng tương tự. Họ cũng lên cơn sốt rét, nói năng lắp bắp vì run, không tự đứng nổi, ngã quay ra và cho rằng loại nước uống vị quế mà họ tò mò uống thử là nguyên nhân. Đồ uống nóng này do một bà già người Kurd ở quận Atatürk "điều chế" ra, và khi nhiều người hưởng ứng thì được đem bán ở quán điểm tâm do đứa cháu bà làm chủ. Các thông tin lập tức được thu thập bởi một nhóm điều tra bí mật do ban quân quản Kars thành lập. Nhưng các mẫu thử khi được bí mật phân tích tại khoa thú y đều cho kết quả âm tính. Vụ điều tra chuẩn bị khép lại thì một viên tướng kể cho vợ nghe chuyện này và tá hỏa khi được biết là bà ta ngày nào cũng uống mấy cốc liền để chống tê thấp. Nhiều vợ sĩ quan, cả các sĩ quan cũng uống nước ấy, lấy cớ bồi bổ sức khỏe nhưng đúng hơn chỉ để giải sầu. Điều tra thấy các sĩ quan và gia đình họ, lính nghỉ phép và gia đình lính đến thăm con đã tiêu thụ một lượng lớn thứ đồ uống được bán tại quầy giữa thành phố, nơi mỗi ngày họ đi qua hàng chục bận và cũng là thú tiêu khiển duy nhất, viên tướng nọ phát hoảng và chuyển vụ này qua cho cảnh sát mật và thanh tra của bộ tư lệnh - cẩn tắc vô áy náy! Dạo đó quân đội ở vùng Đông Nam tiến hành truy lùng tàn bạo du kích của đảng Công nhân Kurd và đang chiếm ưu thế. Trong trí tưởng tượng của đám thanh niên Kurd thất nghiệp lang bạt có nguyện vọng tham gia du kích nảy ra nhiều ý tưởng phục thù dị biệt và đáng sợ.
Dĩ nhiên lực lượng chỉ điểm của mật vụ chuyên vạ vật ở các quán cà phê của Kars biết rõ những cú trả thù tưởng tượng mù mờ kiếu đặt bom, bắt cóc, lật đổ tượng đài Atatürk, đầu độc hệ thống nước uống thành phố và giật nổ cầu. Do vậy người ta đánh giá vụ này khá nghiêm túc, song vì ngại có vấn đề nên không muốn tra tấn lấy cung chủ quán điểm tâm. Thay vào đó, người ta tung mật vụ của tòa thống sứ tới cửa hàng cũng như vào làm bếp của bà già người Kurd đang ngày càng sung sướng vì có nhiều khách hơn. Tay mật vụ ở cửa hàng ngay từ đầu đã kiểm tra kỹ và nhận thấy máy rắc quế - hiện đang còn là một phát minh đặc biệt của bà cụ, cốc chén, giẻ lót cán muôi kim loại, hộp đựng tiền xu và tay người làm trong quán không hề dính chất lạ nào cả. Một tuần sau tay mật vụ này cũng bị các triệu chứng ngộ độc giống như các vụ ngày trước, buộc phải rời nơi làm việc vì run và nôn tháo.
Nhân viên mật vụ được gài vào gia đình bà cụ còn chăm chỉ hơn gấp bội. Trong các báo cáo được viết mỗi tối, nhân viên này thuật lại đủ chuyện, từ ai ra vào nhà cho đến những đồ mua về (cà rốt, táo mận khô, dâu khô, hoa lựu, nụ tầm xuân và thục quỳ gai).Không lâu, các bản báo cáo biến thành thư khen ngợi công thức quý báu để chế thứ đồ uống nóng này. Nhân viên mật vụ báo cáo là mỗi ngày anh ta uống năm, sáu cốc vại, chẳng thấy có hại gì mà ngược lại còn chữa được bệnh tật, quả thực là thứ "đồ uống sơn cước" đã được nhắc đến trong trường ca Mặt trời và Mặt trăng nổi tiếng của dân Kurd. Các chuyên viên do Ankara cử về mất tin tưởng vào nhân viên đặc vụ này vì anh ta người Kurd. Họ suy ra từ những báo cáo là đồ uống này chỉ đầu độc người Thổ chứ không có ảnh hưởng gì đến người Kurd nhưng không thể tiết lộ cho ai nhận định này vì nó không trùng với quan điểm của nhà nước là giữa người Thổ và người Kurd không hề có khác biệt gì cả. Do đó Istanbul điều bác sĩ về để lập hẳn một khoa riêng trong nhà thương an sinh xã hội. Nhưng tính nghiêm túc của công trình nghiên cứu này bị ảnh hưởng bởi những người dân Kars khỏe như vâm cũng đến phòng khám bệnh miễn phí, và các bệnh nhân bị bệnh lặt vặt như rụng tóc, da vẩy nến, nhiễm trùng rốn hoặc nói lắp cũng đổ vào nằm đầy bệnh viện. Tóm lại, các nhân viên đặc vụ chăm chỉ ở Kars, trong đó có Saffet lại vẫn gánh trách nhiệm khám phá âm mưu làm đồ uống vị quế ngày càng bí hiểm và, nếu quả thực là nguyên nhân vụ này, cho đến nay đã gieo vạ cho hàng nghìn lính. Nhiều mật vụ nhận nhiệm vụ theo dõi những ai uống thứ nước do bà cụ người Kurd vui vẻ chế ra. Vấn đề bây giờ không phải là điều tra xem chất độc tiếp xúc với người dân Kars ra sao, mà là xác định rõ ràng những ai trong số người Kars bị đầu độc. Vậy là các nhân viên mật vụ rình mò tất cả mọi người thích dùng thứ đồ uống ngon lành của bà cụ, từng người một, bất kể lính hay dân thường, đôi khi theo chân về tận nhà họ.
Ka hứa sẽ nói chuyện với Sunay, lúc này đang tiếp tục diễn thuyết trên ti vi; về nỗi lo lắng của viên mật vụ mệt mỏi có đôi giày hạ mõm vì năng nổ công tác. Ông ta sung sướng đến nỗi lúc ra đi còn ôm chầm lấy Ka để hôn và tự tay tháo then mở cửa.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết