Trường Đời epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 24
ọ bắt phải chuộc mười vạn. Nhưng mà họ bắt đây là bắt chính phủ Tàu, chứ họ không nói gì đến cụ nhà, bởi họ đã tin rằng cụ nhà không có tiền. Nhưng chờ được chính phủ Tàu bằng lòng thì lâu ngày lắm, có lẽ chúng ta đến ốm chết cả ở đây. Vả lâu như thế thì công việc ở nhà ai làm. Vậy bây giờ, cô phải viết giấy cho cụ, cứ xoay món tiền ấy chuộc chúng ta ra, rồi xin bồi thường chính phủ sau. Tiền ở nhà hiện nay còn hơn sáu vạn. Mà tiền làm thì chính phủ Tàu trả ở nhà băng Hà Nội. Thế nào cụ cũng phải lấy về, trong mười ngày mới có thể lên tới đây được. Cái số phận của chúng ta thì đành là không lo rồi, nhưng trong mười hôm, không có cụ ở chỗ làm, thiệt bao nhiêu là công việc!
- Ôi, lúc này, ông còn cần gì phải nghĩ đến công việc. Ba tôi được tin tôi chưa chết là ba tôi mừng rồi, cầm bằng như làm việc này không có lãi.
- Ồ, phải nghĩ đến tất cả chứ. Bây giờ, tôi tin rằng mọi việc sẽ ổn thỏa cả, tôi mới xin trách cô một điều. Cô đã biết cụ thương cô như thế, sao cô không nghĩ thương cụ bằng cách tránh đi cho cụ những nỗi phiền? Cô lại đem đặt những cái thích trẻ con của cô lên trên những cuộc mưu toan của người lớn. Ấy, may mà cụ giàu và ta còn hy vọng xin bồi thường được ở Chính phủ Tàu, chứ không thì có phải chuyến này, vì con mà cụ phá sản rồi không? Cô ở đây tuy khổ sở, nhưng cô thử tưởng tượng: cụ ở nhà khổ sở đến chừng nào.
Khánh Ngọc ngả đầu vào lòng Trọng Khang, rồi òa khóc:
- Em biết cái tội của em nhiều lắm rồi.
Trọng Khang đỡ Khánh Ngọc dậy:
- Cô nín đi. Tôi thấy cô là người có lòng, mới nói với cô như thế. Muốn được sống một cuộc đời ý nghĩa, đẹp đẽ, ta cần phải biết hy sinh những cái thích của ta đi một tí. Thôi cô nín đi, rồi còn viết thư chứ.
- Ông đọc cho em viết đi.
- Ấy, bút ta. Cô phải viết nhè nhẹ, chứ không nhòe hết. Đấy, đại để công việc như thế, cô liệu viết thế nào thì viết.
- Óc em loạn, lòng em rối, chẳng còn biết viết như thế nào.
- Thế ông Giáp viết vậy.
- Tôi sợ trong lúc hoang mang, tôi viết cũng không gẫy gọn. Ông viết đi, rồi chúng tôi ký cũng thế.
Nửa giờ sau tên chủ tướng xuống thì bức thư đã xong, Trọng Khang giảng qua loa cho y nghe.
- Thế được rồi. Tôi cho đem đi ngay thì đêm hôm nay độ nửa đêm người nhà các ông sẽ bắt được.
- Cái hẹn hai mươi hôm là để phòng những chậm trễ có thể xảy đến, chứ nếu người ta thương chúng tôi thì chỉ độ mười hôm thôi. Ngài kèm cả bức thư đòi tiền chính phủ vào đây, rồi người nhà chúng tôi sẽ đem cả lại bàn luận với Đốc-bàn Mai-lin-phố. Ở Mai-lin-phố không xong, có lẽ phải lên đến tỉnh trưởng Vân Nam. Ở Vân Nam thì ngã ngũ.
Trọng Khang nói đến đây, tủm tỉm cười:
- Sự sống chết của chúng tôi chính ra thì ở trong bàn tay ngài, ấy thế mà lại tự Vân Nam định đoạt, việc đời cũng lắm cái kỳ quái nhỉ! Giá lúc ngài làm quan mà ngài nhận được một bức thư tống tiền như thế này thì ngài nghĩ thế nào?
Tên tướng không trả lời, cầm bức thư đứng dậy:
- Lát nữa, chúng ta uống rượu rồi tôi sẽ nói cho ông nghe.
Y đi rồi, Trọng Khang bảo Giáp:
- Y đã mời chúng ta uống rượu, thế nghĩa là chúng ta sẽ được đãi vào bực thượng tân, ông không phải lo cực khổ. Tôi đã biết mà, tôi đem cái chết ra bắt chẹt y thì y phải mắc. Y không đãi chúng ta tử tế, chúng ta nhất định không viết thư.
- Thế ngộ bây giờ thư viết rồi, y trở mặt thì sao?
Trọng Khang nhìn Giáp một cách thương hại:
- Ông xét việc đời, theo những con số của công việc, nên ông đa nghi quá. Đời sống có phải chỉ là một vấn đề cơm áo đâu mà bảo lúc nào cũng phải nghĩ đến công việc, đặt công việc lên trên hết mọi sự. Cạnh cái sống của vật thể, còn cái sống của lòng, dù cho một người vụ thực đến đâu, cũng không thoát khỏi được. Y làm giặc, nhưng trong thằng giặc, còn có thằng người. Cái thằng người ấy có nhiều điều thắc mắc và cần dùng mà tiền tài không thể giải quyết. Thằng người ấy gặp những thằng người khác như chúng ta thì cái lòng y đã bị thằng giặc bóp chặt, cũng cố mà chồm dậy. Tôi quyết y không sai lời hứa đâu.
- Nhưng nếu y sai lời hứa thì chúng ta cũng chẳng làm gì được y.
- Đành thế. Nhưng chúng ta có quyền khinh y. Mà cái lòng khinh của thằng người đối với thằng người cũng là một khí giới ghê gớm lắm chứ. Trừ những linh hồn bạc nhược và cung độc thì chẳng kể, loài người sợ nhất là bị đồng loại khinh. Mà một khi mình có khinh mình trước, người khác mới khinh sau được. Y lừa dối chúng ta thì y xấu hổ với y trước. Tôi chắc con người này vì hoàn cảnh mà đi làm giặc, chứ lòng ruột y không đến nỗi đốn mạt. Chúng ta bây giờ là những thằng tù, chẳng còn gì để đánh cược với nhau, chứ không tôi dám đánh cược với ông rằng y không lừa dối chúng ta.
Môi Khánh Ngọc mấp máy... Nhưng khi thấy đôi mắt ngay thẳng của Trọng Khang nhìn nàng, nàng lại lặng im. Trước cái khuôn mặt hồn hậu và hùng dũng ấy, nàng thấy nàng không có quyền nhỏ nhen.
Ba người còn đương nói chuyện thì cửa mở. Hai tên giặc bưng một mâm rượu vào.
- Lão gia tôi nói các ngài chờ một chút lão gia tôi bận thay áo, rồi sẽ xuống ngay.
Khánh Ngọc nhìn mâm rượu, rồi bảo Giáp:
- Y đã uống rượu với chúng mình thì không khi nào y còn lừa dối. Ông Trọng Khang đoán đúng. Anh là cứ hay suy bụng ta ra bụng người.
Nói xong, nàng biết mình độc ác, lại vội đánh trống lảng:
- Thịt thà nhiều đấy, nhưng nấu nướng thế này thì có thánh ăn.
- Marie thật được voi đòi tiên. Giá dụ họ có bắt chúng mình ăn cơm ngô, mình cũng phải chịu. Nhưng ớt nhiều thế này, ăn cay thế nào được.
- Cô với ông cũng nên cố mà ăn. Ớt tuy cay, nhưng nó trừ được nước độc. Chúng mình ở đây, không có ký-ninh uống, lấy ớt mà thay vậy. Tôi chắc là họ giam mình ở trong có xó này không cho dời đi đâu một bước. Không khí u uất, nhỡ cô và ông ốm một cái thì thật khốn đốn to.
Tên tướng giặc bước vào với một chiếc áo "xường-xám" lót lông cáo. Cả ba đều đứng dậy vái. Y cũng vái trả, rồi quát bộ hạ:
- Tao đã bảo chúng mày trải chiếc chiếu mây cỏ mà.
Quay sang ba người:
- Chăn đệm quần áo của các ông thì vẫn còn nguyên, nhưng tiếc rằng ba chiếc giường vải thì bộ hạ tôi không biết, đã phá ra lấy vải dùng cả rồi. Thôi, các ông nằm tạm chiếc chiếu mây này vậy. Cũng chẳng bao nhiêu ngày. Lót tranh ở dưới cho nhiều thì cũng ấm. Tôi sẽ cho người đem nhiều gốc củi khô vào đây để các ông sưởi.
- Chúng tôi là những kẻ thất thế, ngài đã không khinh mà còn biệt đãi như thế này, thật là cái lượng của ngài, không còn biết lấy gì mà sánh kịp. Kẻ trượng phu bất cứ ở cảnh ngộ nào cũng xử sự ra kẻ trượng phu, câu cách ngôn của nước ngoài, hôm nay tôi mới hiểu hết nghĩa sâu xa của nó.
Tên tướng rót rượu mời ba người. Trước khi cầm chén, Trọng Khang lễ phép bảo y:
- Tuy thế này, nhưng cũng gọi là hạnh ngộ. Ngài cho biết quý tính đại danh để chúng tôi giữ một kỷ niệm trong bước đường...
Tên tướng cười khà khà:
- Trong bước đường giam cầm. Tôi hùng cứ ở chốn này, quan biết mặt, dân biết danh, tôi nói tên với ngài, dù khi ngài về có nói với Đốc-bàn Mai-lin-phố, tôi cũng không ngại.
Trọng Khang cứ lặng im, không cải chính.
- Y cũng đang tìm hết cách để bắt tôi mà tôi thì cũng đang chờ dịp để sửa tội y. May ra món tiền mười vạn có thể giúp tôi mộ thêm quân và mua thêm súng để báo thù. Tôi họ Vương, tên Nhân, quê ở Quảng Tây. Trước kia tôi làm tri huyện ở Mã Quán. Vì chống nhau với Đốc-bàn Mai-lin-phố mà phải đi làm nghề lạc thảo. Tôi đến cướp làng nào, dân cư mà chống cự tôi thường ra lệnh làm cỏ cả làng, nên người ta đặt cho cái biệt hiệu là Đa-sát-hổ.
Trọng Khang cúi đầu rồi trân trọng giới thiệu:
- Đây, bạn tôi ông Nguyễn Văn Giáp, kỹ sư cầu cống ở đại học đường bên Pháp, đây phu nhân họ Lê, cử nhân luật khoa, còn tôi Phạm Trọng Khang làm thư ký cho thân phụ Nguyễn phu nhân... Nguyễn tiên sinh với phu nhân là những người túc học, chính phủ Tàu mời mãi mới chịu sang đây đảm đương công việc. Tôi là người thô thiển, được gần các ngài cũng đã cho là một vinh dự.
Vương Nhân cúi đầu chào Giáp và Khánh Ngọc, rồi nói với Trọng Khang:
- Tôi vì tình thế bắt buộc phải xử trí như thế này, mong ông nói với Nguyễn tiên sinh và phu nhân thể tình mà lượng thứ cho. Tiên sinh sang đây giúp nước tôi, mà tôi bắt bớ như thế này, cũng tự lấy làm không phải. Ngài là người cao minh, tất cũng hiểu cho những chỗ bất đắc dĩ ở đời.
Trọng Khang trừng mắt ra hiệu để cho Khánh Ngọc đừng phản đối gì, rồi thông ngôn đúng lại những lời nói của Vương Nhân. Chờ cho Trọng Khang thông ngôn xong, Vương Nhân mới nhìn cái hang đá rồi nói:
- Tình thế không cho tôi tiếp đãi các ngài được trọng thể hơn. Nay tôi tính thế này: ngài lên ở xóm với tôi để cho Nguyễn tiên sinh và phu nhân ở dưới này, như thế thì có thể tiện hơn.
- Đa tạ tấm lòng ngài, có bụng tin tưởng ở tôi như thế, nhưng việc đó tôi cần phải bẩm mệnh với Nguyễn tiên sinh để tùy ngài định liệu, rồi tôi xin thưa với ngài sau.
Uống hết ba tuần rượu ngô, mặt Giáp và Khánh Ngọc đã đỏ bừng, Khánh Ngọc xin thôi không uống nữa.
- Phu nhân không uống được, xin phu nhân cứ xơi cơm, nhưng Nguyễn tiên sinh và anh phải uống với tôi thật say để kỷ niệm sự... hạnh ngộ như ông vừa nói chứ.
- Nguyễn tiên sinh cũng không uống được mấy, thôi để tôi xin ngồi hầu rượu ngài. À, bây giờ cái công việc ngài mưu toan đã thành, tôi xin hỏi ngài tại sao chúng tôi bí mật lên đây mà ngài cũng biết ngay? Và tại sao lúc đêm, ngài không đánh mà lại chờ đến sáng?
Vương Nhân uống cạn chén, vuốt bộ râu rậm, rồi cười khanh khách:
- Bí mật? Thì những hành vi của các ông từ lúc sang đây, nào còn điều gì là bí mật đối với tôi. Tôi sai người do thám các ông lâu lắm rồi. Đã mấy lần, tôi định đem thật nhiều quân xuống đánh đêm, nhưng tên do thám nhất định can, nói rằng các ông tổ chức sự phòng thủ một cách rất hoàn bị, và canh phòng cẩn mật lắm. Đánh được thì tất tổn hại nhiều quân, mà cũng vị tất đã được. Vả lại biết trong bọn các ông, có người giỏi cầm đầu, nên tôi chùng chình mãi. Bây giờ tôi đã đoán được ra rồi: người ấy tức là ông.
- Nào phải tài giỏi gì. Chẳng qua tôi sống ở đất này lâu năm, nên biết cẩn thận thế thôi.
- Ông có biết đã có lần tôi toan sai người đi ám sát ông không? Trừ được ông đi rồi, bọn vệ binh với tên phài-chướng của chúng, tôi chỉ mở bàn tay ra là chết cả.
- Thế sao ngài chưa cho thực hành?
- Vì biết ông bắn giỏi và can trường lắm, nên tôi còn do dự. Tôi chỉ lo nhỡ hạ thủ ông không nổi, việc vỡ lở, ông càng đề phòng rồi tôi không làm gì được nữa. Nhưng thế cũng là may.
Trọng Khang tủm tỉm.
Vương Nhân nét mặt nghiêm trang, nói bằng một giọng thành thực:
- Tôi cũng rất tiếc phải giết một người tài giỏi. Từ khi làm quan cho đến khi làm giặc, sống trong sự chém giết bao nhiêu năm, tôi đã biết rõ người tài giỏi là hiếm lắm. Quân? Chẳng qua là những hình nhân, cốt ở người cầm đầu. Nhiều khi chỉ có ba bốn mươi bộ hạ, tôi đánh lui quân lính hàng mấy trăm, tôi đã hiểu cái sức có thể làm được của ông chủ tướng. Người tài tiếc người tài, lẽ cố nhiên là thế.
- Đa tạ ngài, xin mời ngài xuống chén rượu này với tôi.
Vương Nhân uống cạn rồi đặt chén:
- Thì vừa may, hổ đã lìa rừng...
Rồi nhìn Khánh Ngọc:
- Tôi chắc ngài chiều ý Nguyễn phu nhân, chứ ngài thì không muốn vì một cái thú đi tắm mà để lụy như thế này?
- Ngài đoán đúng. Tôi đã hết sức ngăn, nhưng phu nhân không nghe. Mà chủ nhân tôi thì chiều con lắm. Tôi làm lỡ việc của chủ nhân như thế này, thật tự xét mình đáng bề tội lỗi.
- Điều đó không phải là tại ngài kém. Con hổ đã lìa khỏi rừng rồi thế nào cũng bị người ta bắt miễn là có những tay biết bắt. Ngài hỏi tôi tại sao tối hôm qua tôi không đánh? Nếu tôi đánh tối qua, thì bây giờ ngài chắc không phải ngồi đây, còn tôi thì có lẽ không còn được cái hân hạnh ngồi uống rượu với ngài nữa. Ngài cắm trại ở một chỗ hiểm trở như thế thì một nghìn quân tuy nhiều, nhưng cũng vẫn là ít. Ngài có biết tối qua, tôi đã định cùng một vài đầy tớ, lẻn lên đánh cái miếng bất thình lình không?
- Thế tại sao ngài không thực hành?
- Là vì không thực hành nổi. Đứng ở ngọn núi bên, tôi nhìn sang thấy các ngài lúc nào cũng tỉnh táo ngồi cạnh đống lửa, tôi biết rằng ngài không phải là hạng chủ tướng để cho người ta có thể đánh úp được.
- Ấy thế mà ngài vẫn đánh úp được tôi đấy thôi.
- Đó lại là một lẽ khác. Đêm hôm qua, tôi không đánh, mà ngài thì tin rằng bất thình lình, ngài bí mật đi chơi như thế không ai biết được.
Ngừng một khắc, nhìn Trọng Khang một cách hóm hỉnh:
- Người ta ở đời cũng không nên quá tin ở những sự bí mật của mình.
Rồi vỗ lên đùi Trọng Khang:
- Mà ngài thì quá tin ở... những điều bí mật ở ngài quá.
Trọng Khang giật mình, ngờ ngay rằng Vương Nhân đã biết được Khánh Ngọc yêu mình, mà nàng không phải là vợ đã cưới của Giáp. Cái sự mời mình lên ngủ ở trên xóm, chẳng qua là để trêu chọc. Chàng nghiêm sắc mặt:
- Trong công việc làm ăn, như ngài đã rõ, sự kín đáo là một khôn ngoan cần phải có, chứ còn như lòng tôi thì thật không có một điều gì uẩn khúc cần phải giấu diếm ai bao giờ.
Đôi mắt như lưỡi dao lướt trên má Trọng Khang:
- Tôi có nói đến... lòng ngài đâu. Tôi nói là nói đến công việc của ngài ấy. Tôi biết được bởi vì... bởi vì tôi cũng đọc được những bí mật của lòng người đôi chút. Nguyễn tiên sinh và... phu nhân không biết một tiếng Vân Nam nào đấy chứ?
Đã ngơ ngác, Trọng Khang lại càng ngơ ngác, nhưng chàng cũng trả lời xuôi:
- Biết một vài tiếng thôi.
Vương Nhân uống một hớp rượu, đặt cốc, rồi chậm rãi:
- Tôi tuy bây giờ làm việc thật, nhưng xưa kia cũng có đọc sách và thứ nhất đọc ở quyển sách rộng rãi mênh mang ở trước mắt chúng ta, tôi cũng hiểu chút ít nhân tâm và đôi điều nghĩa lý, ngài chớ nên thấy tôi làm nghề này mà khinh miệt tôi quá.
Trọng Khang vội vàng nắm tay Vương Nhân:
- Tôi xin lấy cái danh dự làm người suốt đời không bao giờ hèn nhát mà thề với ngài rằng: tôi không khinh miệt ngài. Nếu thật ngài coi tôi là bạn, thì tôi xin ngài có điều gì ở trong lòng cứ nói ra. Rồi về phần tôi, tôi cũng xin nói hết. Ở đời, gặp được người mà mình có thể thổ lộ can tràng là một việc rất hiếm và một hạnh phúc hãn hữu. Cái thế của chúng ta bây giờ, tuy gây ra những quyền lợi trái ngược nhau, nhưng lòng chúng ta thật là quý trọng nhau.
Giọng Vương Nhân đượm màu cảm khái:
- Vâng, vì quý trọng nhau, nên tôi có bắt chẹt ngài trong một tình thế rất có thể bắt chẹt được đâu?
- Nếu ngài bắt chẹt thì tôi đành xin chết.
- Phải... tôi rõ ngài là người "biết" chết trước những cảnh ngộ cần phải chết. Mà Nguyễn phu nhân cũng thế. Còn như Nguyễn tiên sinh thì có lẽ không biết nhìn cái chết bằng một con mắt bình tĩnh.
- Bạn tôi cũng can đảm lắm.
- Phải, tôi đã rõ. Lúc đánh ngài, tôi đi đầu. Vì... xin thú thực, bộ hạ tôi biết ngài bắn giỏi, đứa nào cũng chùn mình không dám tiến lên.
- Giá lúc ấy mà tôi lại chống cự...?
- Thì tôi là người chết trước tiên.
Vương Nhân nói xong cười vang hầm đá:
- Vì tôi còn sống, nên tôi biết rằng ngài ở vào một tình thế không thể liều mình. Ngài còn có cái bổn phận phải bảo vệ những người mà chủ nhân đem giao phó cho ngài.
Trọng Khang cúi đầu:
- Ngài biết nỗi khổ tâm của tôi, thật tôi được đội ơn vạn bội.
- Chẳng những thế, tôi lại còn biết rằng ngài tìm đủ mưu kế để bảo vệ cái túi tiền của người đã mượn ngài nữa.
- Ngài đoán thật không sai. Tôi vì quyền lợi của chủ nhân nên phải nói dối ngài. Ngài đã rộng dung cho tôi nhiều lắm.
- Tôi sẵn lòng bỏ qua. Mà tôi đã bỏ qua rồi. Một người có lòng và có trí khôn ở vào tình thế ấy, phải xử như thế. Tôi, tôi cũng đến phải xử như ngài.
Đập mạnh đùi xuống chiếu:
- Ở đời này, chỉ có Tào Tháo mới biết dụng Quan Công; và cũng chỉ có Quan Công mới biết tha Tào Tháo. Quan Công thật là đáng dụng, mà Tào Tháo thật là đáng tha.
Cầm hồ rượu rót vào chén của Trọng Khang:
- Hôm nay, ngài phải uống thật say, chúng ta còn cần phải nói chuyện nhiều.
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời