Thằng Luyến epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 24
ữ đồng chí Vương Viên Thúy đi vào trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã. Nàng cắt tóc cao, đầu đội chiếc mũ y hệt mũ bộ đội, mầu xanh lá cây thẫm. Nữ đồng chí Vương Viên Thúy mặc cái áo nâu ngắn nhuộm gụ và quần đen. Chân nàng mang đôi dép Bình-Trị-Thiên, đế làm bằng vỏ bánh tầu bay, Trên vai nàng, túi xặc cột đeo lủng lẳng. Nếu Vương Viên Thúy đóng lớp quân phục đại quân, nàng sẽ giống nữ đồng chí Trung quốc. Nàng vô Ủy ban nhận dân để hỏi rõ nơi nào nàng sẽ phổ biến vài điệu nhẩy đoàn kết, hòa bình và văn nghê mới cho thanh niên thị xã, sáng nay.
Trước kia, Vương Viên Thúy cũng ở thị xã. Nhà nàng có hàng cây hồi thơm hăng hắc. Không một thành phố, tỉnh lỵ nào trồng cây hồi. Chỉ riêng thị xã Thái Bình bảng lảng mùi hoa hồi. Người thị xã hãnh diện về hoa hồi thơm ngát và yêu quê hương của họ muôn vàn.
Thuở còn bé, Vương Viên Thúy quen thân với anh chàng Trần Vũ và yêu chàng, trong tình yêu ngây dại ấu thơ. Nàng đã quên dĩ vãng, quên luôn cả chuyện ái ân sáng như trăng sao, mềm như nhung lụa. Quá khứ, đối với Vương Viên Thúy, cần đốt hết đi, phủi tay cho sạch. Vì nàng là cách mạng, là cộng sản. Hiện tại mới nghĩ tới. Để tương lai vút bay trong xã hội nàng mơ ước.
Nhà văn Nguyễn Tuân đòi hủy bỏ những văn phẩm rực rỡ của mình. Chúng là sản phẩm của dĩ vãng, trước năm 1945. Nhà thơ Xuân Diệu đòi hủy bỏ những thi phẩm kiệt hiệt của mình. Chúng là sản phấm của dĩ vãng, trước năm 1945. Dĩ vãng, trước năm 1945, những văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ lừng danh đem chôn sâu dưới huyệt mộ. Thì dĩ vãng của nàng, trước hay sau 1945, không đáng đếm xỉa. Vương Viên Thúy muốn mọi người nhìn nàng từ 1950 đến 1954 trở đi. Hôm nay của nàng đấy, sôi sục và nóng bỏng.
Tản cư về Trực Nội, Thái Ninh, hai năm sau, cha Vương Viên Thúy bệnh nặng chết sớm. Năm 1950, Trực Nội bị máy bay quân đội Pháp oanh tạc khủng khiếp, mẹ nàng ăn đạn đồng khắp mình mẩy, chết vì giặc Pháp dã man. Nàng thù hận giặc Pháp, tung mình bay theo kháng chiến. Người cộng sản âu yếm nàng, nâng đỡ nàng, chỉ dẫn con đường đi vào chủ nghĩa vô sản cho nàng. Nàng quên hết dĩ vãng, từ đó. Nhờ nàng thông minh, đầy người năng khiếu, nàng được kết nạp vào Đảng, đầu năm 1954. Và nàng lấy chồng hồi tháng hai. Chồng của Vương Viên Thúy chức tước cao: Bí thư Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Bình
- Chào các đồng chí.
- Chào đồng chí.
- Đồng chí nào phụ trách thanh niên thị xã nhỉ?
- Thưa đồng chí, tôi ạ!
Vương Viên Thúy tự kéo ghế, ngồi xuống. Nàng tháo cái xặc cột ra.
- Lát nữa, tôi gặp họ ở đâu?
Đồng chí phụ trách thanh niên thị xã đáp:
- Thưa đồng chí, ở bến ô tô.
- Rộng không?
- Đủ chỗ đứng 200 người.
- Tập họp chưa?
- Bây giờ đồng chí đến là vừa.
- Ta đi thôi.
Vương Viên Thúy đứng dậy, máng xặc cột lên vai, rời khỏi trụ sở Ủy ban nhân dân. Nàng đi bên cạnh đồng chí phụ trách thanh niên thị xã. Hai người cuốc bộ một lát, tới bến ô tô. Thanh niên thị xã đã tập họp đông dủ. Họ vỗ tay hoan hô nữ đồng chí Vương Viên Thúy. Nử đồng chí Vương Viên Thúy cũng vỗ tay đáp lễ. Đồng chí phụ trách thanh niên thị xã giới thiệu:
- Các bạn thân thương. Hôm nay, tôi trân trọng giới thiệu với các bạn đồng chí Kiều Nhị, cán bộ cao cấp của Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình, Đồng chí Kiều Nhị phụ trách công tác toàn tỉnh, 12 huyện lỵ Thái Bình. Đồng chí Kiều Nhị về thị xã để phổ biến những điệu nhẩy đoàn kết, hòa bình và văn nghệ mới, nền văn nghê dân tộc miền Nam ra miền Bắc. Trước khi đồng chí Kiều Nhị phổ biến văn nghệ, tôi đề nghi các bạn hát một bài lấy khí thế. Hôm qua đồng tôi... Một... Hai... Ba...
Thanh niên thị xã hát vang:
 
Hôm qua đồng tôi lúa mùa lên bông
cháy ngụt trời
bom na pan
dấu xa càn còn vết trong lòng dân
Hôm qua vì bom của bọn thực dân
phá tan tành
gây đau thương
vết căm thù đời đời phơi trong nắng
Raymonde Dielle 1 chắn xe cho ngừng máu rơi
ngăn chiến tranh cho đời huy hoàng
Ta nhớ ghi tên người tươi sáng...
 
Đồng chí Kiều Nhị, bí danh của đồng chí Vươg Viên Thúy, vỗ nhịp tay theo bài Hôm qua đồng tôi, rồi khi tiếng hát dứt, đồng chí Kiều Nhị vỗ tay rân ran, cười rất tươi. Đồng chí Kiều Nhị nói:
- Các bạn thân thương. Hôm nay, tôi cảm động lắm. Nhân danh Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình, tôi biểu dương các bạn đã hoàn thành những công tác vệ sinh thị xã, bài trừ văn hóa nô dịch, ngăn cản khéo không cho nhân dân vào miền Nam, theo lời thằng địch dụ dỗ...
Vỗ tay.
- Chúng ta sẽ nhẩy đoàn kết trước
Vũ Cẩm Ngọc, từ lúc đồng chí phụ trách thanh niên thị xã giới thiệu đồng chí Kiều Nhị, đã nghi nghi, đôi mắt không muốn rời Kiều Nhị. Đúng rồi, Kiều Nhị là con Thúy của thằng Vũ đây mà. Con Thúy già đi nhiều. Tóc nó cắt ngắn giống mụ Xẩm nghèo nàn. Nó mặc quần áo tã, đi dép Bình-Tri-Thiên, đội nón bộ đội, đeo xặc cột, khác hẳn con Thúy ngồi chơi rải gianh với Ngọc, chơi tam cúc với Luyến và Côn. Nó ăn nói sặc mùi cộng sản! Nó đấy ư? Con Thúy của thằng Vũ đấy ư? Nó lại làm cán bộ cao cấp của Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình nữa! Ngọc muốn chạy về nhà, bỏ rơi tập họp, học nhẩy đoàn kết với hòa bình, báo cho Luyến và Vũ hay con Thúy đã về thị xã. Nghĩ sao, Ngọc lại ở lại. Vũ mà biết Thúy hôm nay, nó sẽ điên lên vì buồn. Để sẽ gặp Thúy, hỏi Thúy đã.
- Nhẩy đoàn kết đơn giản thôi. Đồng chí Kiều Nhị nói. Chúng ta xếp vòng tròn, càng đông bao nhiêu càng đoàn kết bấy nhiêu. Xích xa một chút. Bài hát thật ngắn. Chúng ta vỗ tay theo nhịp điệu mà hát. Bất kể câu ngắn hay câu dài. Cứ dứt câu, chân phải giơ lên. Vẫn vỗ tay. Rồi chân trái giơ lên. Hết bài. Chúng ta nhẩy vòng tròn. Hát, vỗ tay và giơ chân. Hết bài. Chúng ta nhẩy tại chỗ. Hết bài. Chúng ta nhẩy vòng tròn. Cứ thế nhẩy mãi. Nào, chúng ta nhẩy, nhé!
Thanh niên thị xã hát và nhẩy:
Chúng mình cùng đoàn kết tiến lên
Xây cuộc đời tươi mới hòa bình
Đời ta
bừng sáng
Nắm tay nhau cùng vui liên hoan
Đồng chí Kiều Nhị hồ hởi phấn khởi:
- Các bạn nhẩy có khí thế lắm. Có vẻ hơi hơi mệt. Để thay đổi không khí, tôi phổ biến văn nghệ mới. Rồi lại nhẩy hòa bình.
Ngưng vài giây, đồng chí Kiều Nhị nói:
- Văn nghệ của ta là văn nghê nhân dân. Nó bình dị như giai cấp nông dân. Ai cũng có thể tự biên tự diễn được. Các anh em trong Nam tập kết ra Bắc phổ biến hò lơ cho chúng ta. Chúng ta sáng tạo thêm cho nó dễ và văn nghệ chỗ nào cũng được. Ở đây, có anh em nào biết làm thơ lục bát không?
Thanh niên thị xã:
- Như Truyện Kiều chứ gì?
Đồng chí Kiều Nhị:
- Phải.
Thanh niên thị xã:
- Khó vô cùng.
Đồng chí Kiều Nhị:
- Mỗi bài hò lơ chỉ làm hai câu thôi. Thí dụ: Hôm qua, anh đi đánh Tây, Cửa nhà cậy có bu mày trông coi. Thế là xong, dễ mà.
Thanh niên thị xã:
- Giống ca dao, chúng tôi làm được.
Đồng chí Kiều Nhị nói về cách chơi hò lơ một chập, thanh niên thị xã hiểu rồi. Văn nghệ bắt đầu. Một người đọc thơ. Nhiều người hỏi làm sao, cái gì. Chấm dứt câu lục bát. Cả làng hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó lơ hò lờ.
 
- Quê em mãi tận Thụy Anh
- Làm sao?
- Ngó anh du kích...
- Cái gì?
-... Thái Bình diệt Tây.
- Hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó lơ hò lờ.
- Hành quân Trái Quít Trái Chanh
- Làm sao?
- Chanh chua Quít đắng...
- Cái gì?
-... Pháp ăn nhầm thực dân...
- Hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó lơ hò lờ.
 
Đồng chí Kiều Nhị vui vẻ khôn cùng. Văn nghệ nhân dân thật tuyệt tác. Nhân dân thị xã có thể sáng tác hàng vạn câu thơ hò lơ, nói lên tâm sự vùng tạm chiếm. Thanh niên thị xã tiến bộ nhanh, say sưa trong những câu lục bát xuất khẩu. Đồng chí Kiều Nhị giơ hai tay lên trời biểu dương thanh niên:
- Các bạn đạt chỉ tiêu hơn 12 huyện Thái Bình, thắng lợi lớn, đáng ghi vào thành tích. Các bạn hò lơ phấn khởi quá, vượt thời gian hạn định. Nhẩy hỏa bình đề đồng chí phụ trách thanh niên thị xã phổ biến cho các bạn. Tôi có công tác đột xuất, chiều nay phải rời thị xã. Tôi bế mạc cuộc gặp gỡ hôm nay và gửi các bạn lời chào thân thương.
Vỗ tay. Đồng chí Kiều Nhị ra về. Được một quãng, có tiếng gọi:
- Đồng chí Kiều Nhị!
Đồng chí Kiều Nhị quay lại.
- Thúy ơi, Vương Viên Thúy ơi, Ngọc đây mà...
Đồng chí Kiều Nhị cười:
- Vũ Cẩm Ngọc, có chuyện gì đấy?
Ngọc thấy xót xa câu hỏi của Thúy. Xa nhau rồi, vĩnh viễn rồi. Ngọc nghiêm trang nói chuyện như hai người quen nhau bình thường.
- Tôi muốn hỏi thăm bạn về hai bác.
- Bố tôi chết năm 1949, mẹ tôi chết luôn, năm 1950.
- Chị ở một mình?
- Không, tôi đi kháng chiến với nhiều người.
- Chị có gặp anh Vũ?
- Vũ nào?
- Vũ đánh thằng Dương hộc máu mồm bênh chị ấy mà. Anh Vũ cũng đi kháng chiến!
- Tôi quên hết mọi chuyện cũ, từ lâu. Đời sống phải nhìn thẳng về phía trước mặt, không bao giờ ngoái đầu lại, ngó sau lưng. Chỉ có bọn tiểu tư sản mới lạc lõng trong dĩ vãng của họ. Tôi đã có chồng. Chồng tôi là Bí thư Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình.
- Chức to ghê. Con gái nào không yêu anh ta là ngu!
- Tôi có công tác đột xuất, phải đi ngay. Chào chị Ngọc.
- Chào đồng chí Kiều Nhị!
Ngọc đứng ngây người ra. Nước mắt đùn lên, chẩy lênh láng trên khuôn mặt. Ngọc không thể tượng tượng người cách mạng như Thúy lại tàn nhẫn như vậy. Cái gì xa xưa của Thúy, đối với Thúy, là dĩ vãng thối nát, đáng phỉ nhổ, không thương xót, kể cả bạn rải gianh, bạn tam cúc, bạn tình ấu thơ.
Ngọc lững thững bước về.
Chú thích
1 Nữ cộng sản Pháp nằm giữa đường ngăn cho xe lửa chở lính Pháp xuống Marseille sang chiến đấu ở Việt Nam không đi được.
Thằng Luyến Thằng Luyến - Duyên Anh Thằng Luyến