Ruồng Bỏ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 24
eresa mặc chiếc áo ngủ trắng muốt đứng bên cửa sổ phòng ngủ. Cặp mắt nàng nhắm lại. Đây là giờ tối tăm nhất trong đêm, nàng thở sâu, thở trong tiếng gió xào xạc, tiếng ễnh ương kêu ì ộp.
Nàng hát, tiếng nàng chỉ hơn tiếng thì thầm.
Im lặng. Cả bộ ba nhạc công trong góc cũng lặng ngắt như lũ chuột sóc.
- Đến đây đi! – nàng thì thào – Đến với em đi, Byron của em! – nàng mở rộng vòng tay, ôm lấy bóng đêm, ôm tất thảy những gì bóng đêm mang đến.
Nàng muốn ông đến trong làn gió, quấn lấy nàng, vùi mặt vào khe sâu giữa hai vú nàng. Hoặc nàng muốn ôm ông đến trong ánh bình minh, xuất hiện ở chân trời như thần mặt trời, phóng ánh lấp lánh, ấm áp lên người nàng. Nàng muốn ông trở lại dưới bất cứ hình thức nào, bằng bất cứ phương tiện nào.
Ngồi bên bàn trong sân nuôi chó, ông lắng nghe những lời khẩn cầu buồn bã của Teresa lúc đối mặt với bóng đêm. Đây là thời gian tồi tệ nhất trong tháng của Teresa, nàng đau đớn, không chợp mắt được, hốc hác vì khao khát. Nàng mong muốn được thoát khỏi nỗi đau, thoát khỏi mùa hè nóng nực, thoát khỏi biệt thự Gamba, thoát khỏi người cha xấu tính, thoát khỏi mọi thứ. Đu đưa chiếc mandolin trong tay như bế một đứa bé, nàng trở lại bên cửa sổ. Tiếng mandolin tinh-tang trong tay nàng, khẽ khàng để cha nàng không thức giấc. Còn tiếng tinh-tang của chiếc banjo trong cái sân tiêu điều ở Châu Phi này nghe thật ai oán.
Chỉ là một sở thích riêng, ông đã nói với Rosalind như thế. Một lời dối trá. Nhạc kịch không phải là một sở thích riêng, không phải thế. Nó làm ông héo hon cả ngày lẫn đêm.
Dù có những lúc tâm trạng hào hứng, song thật ra vở Byron ở Italy vẫn chẳng đi đến đâu. Không có hành động, không có diễn biến, chỉ là những tiếng thở than, ngắc ngứ của Teresa trong bầu không khí trống không, thỉnh thoảng xen lẫn những tiếng rên rỉ và thở dài của Byron ở đằng sau sân khấu. Cả người chồng lẫn các cô tình địch đều đã bị lãng quên, dường như họ không tồn tại. Cơn bốc đồng trữ tình trong ông có thể đã tắt, nhưng sau nhiều thập kỷ thiếu thốn, nó có thể trườn ra, chỉ có điều là khốn khổ, còi cọc và biến dạng. Ông không có tiềm lực
âm nhạc, không có năng lực tiềm tàng để nâng Byron ở Italy khỏi vết mòn đơn điệu ngay từ lúc bắt đầu. Nó thành một tác phẩm mà chỉ có người mộng du mới có thể viết nổi.
Ông thở dài. Thú vị biết bao, nếu đắc thắng trở về với xã hội với tư cách là tác giả của một vở nhạc kịch thính phòng nho nhỏ, lập dị. Nhưng điều đó cũng không thành. Những hy vọng của ông phải chừng mực hơn ở một nơi nào đó giữa một mớ những âm thanh lộn xộn, bật vút lên như một con chim, những nốt nhạc đích thực của niềm khát khao bất tử. Nhận thức được điều đó, ông sẽ rời bỏ nó để thành một học giả của tương lai, nếu như lúc đó vẫn còn các nhà học giả. Ông đã không tự nghe thấy những nốt đó khi nó đến, nếu nó đến thật; Ông hiểu quá nhiều về nghệ thuật và các phương thức thể hiện nghệ thuật, nên không hy vọng điều đó. Dù trong suốt cuộc đời, nếu Lucy được nghe bản in thử và nghĩ về ông tốt hơn chút ít cũng là điều dễ chịu lắm rồi.
Tội nghiệp Teresa! Tội nghiệp cô gái đang đau đớn! Ông đã đưa cô từ mộ địa lên, hứa hẹn với cô một cuộc đời khác, nhưng lúc này ông đã thất hứa với cô. Ông hy vọng cô thầm hiểu và tha thứ cho ông.
Trong đàn chó ở bãi quây, ông cảm thấy đặc biệt trìu mến với một con. Đó là một con chó mực tơ có một chân trái sau bị liệt, cứ phải kéo lê. Ông không biết lúc mới đẻ nó có bị thế không. Không một vị khách nào tỏ ý muốn nuôi nó. Ân hạn đã sắp hết; nó sắp phải nhận một mũi tiêm.
Thỉnh thoảng trong lúc ông đang đọc hoặc viết, ông thả nó ra khỏi bãi quây, cho nó nhảy cỡn lên quanh sân theo một kiểu quái gở, hoặc ngửi chân ông. Ông thận trọng không đặt tên cho nó (dù Bev Shaw định gọi nó là Driepoot), và tuy không phải là sở thích “của ông”, ông vẫn cảm nhận được sự trìu mến bao la của con chó với ông. Ông nhận nó một cách tùy tiện, vô điều kiện, ông biết con chó sẽ chết vì ông.
Con chó mê mẩn tiếng đàn banjo. Lúc ông bật dây đàn, nó ngồi thẳng dậy, nghếch đầu, lắng nghe. Lúc ông ngâm nga lời của Teresa, con chó chép môi và hình như nó cũng hát hoặc tru lên.
Liệu ông có dám làm điều đó: đưa con chó vào vở nhạc kịch, cho phép nó rền rĩ với Trời giữa những đoạn của nàng Teresa thất tình? Sao lại không nhỉ? Phải, trong một tác phẩm không bao giờ biểu diễn, mọi thứ đều được phép chứ?
Sáng Chủ nhật, theo thỏa thuận, ông đến bãi chợ Donkin giúp Lucy tại quầy hàng. Sau đó, ông đưa cô đi ăn trưa.
Lucy ngày càng chậm chạp. Cô bắt đầu có một vẻ bình thản, tự tại. Trong cô chưa rõ có mang; nhưng nếu ông bắt gặp những dấu hiệu, những con mắt tò mò của các cô gái ở Grahamstown thì sao?
- Petrus thế nào rồi? – ông hỏi.
- Nhà đang hoàn thành, trừ trần nhà và hệ thống ống nước. Họ đang dọn nhà. - Còn đứa con của họ? Đã đến lúc sinh chưa?
- Tuần sau. Tất cả đều rất đúng lúc.
- Petrus có vô tình thốt ra lời bóng gió nào nữa không?
- Lời bóng gió?
- Về con. Về vị trí của con trong kế hoạch.
- Không.
- Có lẽ lúc đứa bé ra đời sẽ khác – ông làm một cử chỉ mờ nhạt nhất về phía con gái, về thân hình cô – Sau rốt, thì nó là một đứa bé của cõi đời này. Họ sẽ không thể phủ nhận nó.
Một lúc im lặng dài giữa hai bố con.
- Con có yêu nó không?
Mặc dù lời lẽ thốt ra từ miệng ông, chúng vẫn làm ông thảng thốt.
- Đứa bé ư? Không. Con yêu nó làm sao được? Nhưng con sẽ yêu. Tình yêu sẽ lớn lên, người ta có thể tin vào Thiên chức làm mẹ để yêu mà. Con quyết trở thành một người mẹ tốt, David ạ. Một người mẹ tốt và một con người tử tế. Bố cũng nên cố thành một người tử tế đi.
- Bố ngờ rằng với bố đã quá muộn rồi. Bố chỉ là một người tù khổ sai già nua đang trả án. Nhưng con cứ tiến lên đi. Con đang vững bước trên đường mà.
Một người tử tế. Không phải là một giải pháp tồi trong những lúc đen tối.
Nhưng theo một thỏa thuận không nói thành lời, trong thời gian này ông chưa đến trang trại của con gái ông. Dù vậy, trong một kỳ nghỉ cuối tuần ông lái xe theo đường Kenton, để chiếc xe tải đã tắt máy và đi bộ nốt phần đường còn lại, không đi theo con đường mòn mà vượt qua thảo nguyên.
Từ trên đỉnh ngọn đồi cuối cùng, trang trại mở ra trước mắt ông: căn nhà cũ kỹ, vững chãi và các chuồng ngựa, ngôi nhà mới của Petrus, cái đập cũ, trên đó là những vệt lốm đốm chắc là gia
đình nhà vịt, và những vệt lốm đốm to hơn ắt hẳn là đàn ngỗng trời, những người khách của Lucy từ nơi xa xôi bay đến.
Từ đằng xa, những luống hoa trông như những khối màu sắc: màu đỏ tươi, màu đỏ hồng, màu lơ xám. Một mùa hoa đang nở rộ. Bầy ong ắt hẳn sướng như lên tiên.
Không thấy bóng dáng Petrus, vợ anh ta hoặc gã chó rừng vẫn quanh quẩn với họ. Nhưng Lucy đang làm việc trên những luống hoa; và lúc rẽ từ trên ngọn đồi xuống, ông có thể thấy con chó bun, một mảng màu nâu vàng trên con đường nhỏ cạnh cô.
Ông đến hàng rào thì dừng lại. Lucy đang quay lưng lại phía ông và không chú ý đến ông. Cô mặc một bộ váy áo mùa hè màu nhạt, đi ủng, đội chiếc mũ rơm rộng vành. Lúc cô cúi xuống, xén tỉa hoặc buộc, ông có thể nhìn thấy làn da trắng như sữa nổi gân xanh và những sợi gân to, dễ tổn thương ở phía sau đầu gối, chỗ ít đẹp đẽ nhất trên thân thể một người phụ nữ, ít lộ ra nhất, và có lẽ vì thế được quý chuộng nhất.
Lucy đứng thẳng lên, vươn vai rồi lại cúi xuống lần nữa. Công việc đồng áng; việc làm của một người nông dân từ ngàn xưa. Con gái ông đang trở thành một nông dân.
Cô vẫn không biết có ông. Vì hình như con chó giữ nhà đang lim dim ngủ.
Thế đấy, mới hồi nào cô còn là bé xíu như một con nòng nọc trong bụng mẹ, bây giờ cô ở đây, vững vàng tồn tại, vững vàng hơn ông nhiều. Cũng may là cô còn cả một thời gian dài, dài hơn ông. Khi ông mất đi, may mắn là cô vẫn ở đây, làm các việc thường lệ trên các luống hoa. Và trong người cô đang hiện hữu một sự sống nữa, cũng may mắn là nó sẽ vững vàng và còn sống lâu. Mọi việc cứ thế tiếp diễn, một chuỗi sự sống trong đó phần của ông, tài năng của ông cứ ít mãi đi, cho đến lúc có khi sẽ bị quên hẳn.
Một người ông. Ai mà nghĩ đến điều đó! Ông có mong đứa bé xinh xắn la khóc trên giường với ông ngoại nó không?
Ông khẽ gọi tên cô:
- Lucy!
Cô không nghe thấy tiếng ông.
Là người ông, liệu phải như thế nào nhỉ? Làm cha, ông đã không mấy thành công tuy cố nghiêm khắc hơn nhiều người. Làm ông, chắc ông cũng chỉ đạt dưới mức trung bình. Ông thiếu nhiều đức tính của một người già: sự trầm tĩnh, lòng tốt, tính kiên nhẫn. Nhưng có lẽ những đức tính này sẽ đến khi những tính khác ra đi: ví dụ như sự đam mê. Chắc ông phải xem lại lần nữa Victor Hugo, nhà thơ của thời làm ông. Ắt phải có nhiều điều để học.
Gió đã tắt. Đây là khoảnh khắc hoàn toàn lặng lẽ mà ông ước ao được kéo dài mãi: mặt trời dịu dàng, buổi trưa trĩnh mịch, đàn ong bận rộn trên cánh đồng đầy hoa; và trung tâm của phong cảnh là một người phụ nữ mới có thai, đội chiếc mũ rơm. Một cảnh sắp sẵn cho một tác phẩm của Sargent hoặc Bonnard. Những chàng trai thành phố giống như ông; nhưng ngay cả các anh chàng thành thị cũng có thể nhận thức được vẻ đẹp khi nhìn thấy cảnh này, đẹp đến mức ngộp thở.
Thực ra, ông chưa bao giờ để ý lắm đến cuộc sống nơi thôn dã, dù ông đã đọc nhiều trong các tác phẩm của Wordsworth. Không để ý lắm đến mọi thứ, trừ những cô gái đẹp; và ông đã học được điều ấy ở đâu nhỉ? Đã quá muộn để rèn luyện cách nhìn chăng?
Ông hắng giọng.
- Lucy – ông gọi to hơn.
Sự quyến rũ ngắt quãng. Lucy đứng thẳng dậy, hơi xoay người và mỉm cười.
- Kìa bố - cô nói – Con không nghe thấy tiếng bố.
Katy ngẩng đầu và hướng cái nhìn cận thị về phía ông.
Ông trèo qua hàng rào. Katy lết đến ông, ngửi ngửi giày ông.
- Xe bố đâu? – Lucy hỏi. Cô hồng hào vì làm việc và có lẽ rám nắng ít nhiều. Thật bất ngờ, cô trông rất khỏe khoắn.
- Bố đỗ xe và đi bộ.
- Mời bố vào trong nhà uống chút trà?
Cô mời, như thể ông là khách. Hay thật. Khách khứa, chuyến đến thăm: một vị trí mới mẻ trong quan hệ, một sự khởi đầu mới mẻ.
Lại đến ngày Chủ nhật. Ông và Bev Shaw bận một trong những đợt Losung của họ. Họ đưa vào từng con mèo, rồi đến chó: những con già nua, mù, khập khiễng, tàn tật, què, kể cả những con khỏe mạnh – tất cả những con đến lượt. Bev vuốt ve từng con một, nói chuyện với chúng, an ủi chúng và giết chúng, rồi đứng lùi lại và quan sát, trong lúc ông đóng xác vào trong túi liệm bằng plastic màu đen.
Ông và Bev không nói gì. Giờ đây ông đã học được của bà cách tập trung tư tưởng vào những con vật họ giết, ông không còn mấy khó khăn gọi nó bằng cái tên chỉnh nhất: tình yêu thương.
Ông buộc cái túi cuối cùng và khuân ra cửa. Hai mươi ba. Chỉ còn lại một con chó tơ, con chó yêu âm nhạc, ngẫu nhiên tha thẩn theo sau bè bạn vào bệnh viện, vào phòng mổ có cái bàn mặt kẽm, vẫn còn vương vấn một thứ mùi hỗn tạp, gồm cả cái mùi nó chưa bao giờ gặp trong đời: mùi thở hắt ra, cái mùi nhẹ nhàng, ngắn ngủi của linh hồn được giải thoát.
Điều mà con chó không thể trình bày (không phải trong một tháng chỉ có các Chủ nhật, ông nghĩ), mũi nó sẽ không nói được với ông, là sao các bạn nó có thể vào một nơi có vẻ là một căn phòng bình thường và chẳng bao giờ ra nữa. Có chuyện gì đó diễn ra trong phòng này, một chuyện không được nhắc đến: ở đây, linh hồn bị giật khỏi thể xác; nó lơ lửng trong không khí trong giây lát, xoắn lại, vặn vẹo, rồi bị hút ra xa và biến mất. Chuyện này đối với nó khó hiểu quá; căn phòng này không phải là một căn phòng, mà là một cái hố để các sinh linh trút bỏ cuộc sống.
Việc này ngày càng khó hơn, đã có lần Bev Shaw nói thế. Khó hơn, mà cũng dễ hơn. Con người đã quen với những thứ ngày càng khó khăn; người ta đã thôi ngạc nhiên vì những thứ quen thuộc, đã khó lại ngày càng khó hơn. Nếu ông muốn, ông có thể để con chó tơ này đến tuần sau. Nhưng cái lúc ấy phải đến, không thể tránh khỏi; Ông sẽ phải mang nó vào phòng mổ cho Bev Shaw (có lẽ ông sẽ bế nó trên tay, có lẽ ông làm thế cho nó), mơn trớn và vuốt lông nó ra sau để mũi kim tìm được ven, ông sẽ thủ thỉ với nó, nâng đỡ nó trong lúc bốn vó nó oằn lên hoang mang; rồi, lúc linh hồn nó đã thoát đi, ông sẽ gập nó lại và đóng nó vào túi, ngày hôm sau sẽ đẩy nó trên xe, ném vào lửa và nhìn nó bốc cháy, cháy hết. Ông sẽ làm mọi việc cho nó lúc đến lượt nó. Việc đó sẽ ít đầy đủ hơn, ít hơn cả ít, sẽ chẳng có gì.
Ông đi qua phòng mổ.
- Đây là con cuối cùng? – Bev Shaw hỏi.
- Còn một con nữa.
Ông mở chuồng chó.
- Đi nào – Ông nói, cúi xuống và giang rộng cánh tay. Con chó lúc lắc cái chân sau tàn tật, ngửi mặt ông, liếm má ông, liếm môi, liếm tai ông. Ông không ngăn nó lại – Đi nào.
Bế nó trên tay như bế một em bé, ông lại bước vào phòng mổ.
- Em tưởng anh để nó đến tuần sau – Bev Shaw nói – Anh bỏ nó à?
- Đúng thế, tôi bỏ nó.
Ruồng Bỏ Ruồng Bỏ - John Maxwell Coetzee Ruồng Bỏ