Pinball Năm 1973 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 22
ài giây sau khi bật công tắc, mấy bóng đèn huỳnh quang phía trên đầu bỗng chớp nháy, chiếu ngập cả căn nhà kho trong thứ ánh sáng trắng. Chắc phải có đến cả trăm bóng đèn. Bên trong nhà kho rộng hơn nhiều so với vẻ bên ngoài, song kể cả như thế thì độ sáng vẫn chói đến nhức mắt. Tôi phải nhắm lại cho khỏi lóa. Một phút sau tôi mở mắt ra, bóng tối đã lủi hết, chỉ còn cái lặng lẽ và cái lạnh ở lại.
Căn nhà kho trông giống như bên trong của một cái tủ lạnh khổng lồ, mà cũng không ngạc nhiên lắm, nếu xét đến mục đích ban đầu của nó. Trần nhà và bốn bức tường không cửa sổ đều được sơn trắng bóng, có điều tất cả đều đã bị ố những vết màu vàng, màu đen và đủ loại màu khác, không liên hệ ra được thành thứ gì. Nhìn qua cũng thấy là tường được xây rất dày và vững chãi. Cảm tưởng như tôi đang bị nhét vào một cái hộp làm bằng chì. Đột nhiên trong tôi dấy lên một nỗi sợ rằng mình sẽ không bao giờ ra khỏi đây được nữa, tôi phải quay lại kiểm tra cửa mấy lần. Khó mà có thể tưởng tượng là lại có một công trình nào ám muội hơn thế.
Điều lịch sự nhất có thể nói về nơi này là nó phảng phất dáng vẻ của một nghĩa địa voi. Nhưng thay vì những bộ xương voi trắng gục ngã trên bốn chân của chúng, mặt sàn bê tông lại phủ đầy những hàng máy pinball xa đến hết tầm mắt. Tôi đang đứng trên đỉnh một cái cầu thang, nhìn xuống cảnh tượng lạ lùng này. Tay tôi tự động giơ lên miệng, rồi lại quay trở về túi áo.
Chỉ riêng số lượng máy thôi đã quá sức tưởng tượng. Chính xác là bảy mươi tám cái. Tôi cẩn thận đếm đi đếm lại. Bảy mươi tám, không sai được. Tám dãy máy xếp thẳng hàng đứng đối diện tôi, dài đến tận bức tường đối diện. Tưởng như người ta đã kẻ một cái vạch bằng phấn, dãy nào dãy nấy không lệch quá hai phân. Cả khung cảnh yên như một con ruồi bị bọc trong acrylic. Không có một chút chuyển động nhỏ nhất nào. Bảy mươi tám cái chết và bảy mươi tám cái lặng. Phản xạ duy nhất của tôi là phải di chuyển. Nếu không, e là cả tôi nữa cũng sẽ gia nhập cùng với những pho tượng đá này.
Thật lạnh. Cùng với đó là mùi gà chết.
Tôi bước chậm rãi xuống năm bậc thang bê tông hẹp. Ở dưới thậm chí còn lạnh hơn nữa. Nơi này khiến tôi nổi da gà và đổ mồ hôi. Tôi lấy cái khăn mùi xoa ra khỏi túi và chùi mồ hôi đi, có điều chỗ mồ hôi dưới nách thì chịu. Ngồi xuống bậc thang cuối cùng, tôi châm một điếu thuốc, tay run lẩy bẩy.
Chiếc máy “Phi thuyền” ba thanh gạt của tôi – tôi không muốn gặp nàng trong tình cảnh này. Và có lẽ nàng cũng vậy.
Sau khi đóng cửa lại rồi, cả đến tiếng côn trùng rả rích cũng im bặt. Một cái thinh lặng hoàn hảo phủ khắp sàn nhà như sương. Bảy mươi tám cái máy pinball đứng vững chãi trên ba trăm mười hai cái chân của chúng, nhẫn nại chống đỡ sức nặng bất di bất dịch ấy. Cảnh tượng trông thật chạnh lòng.
Tôi ngồi đó huýt sáo bốn khổ đầu bài “Jumping with Symphony Sid,” của Stan Getz, ở phần lắc đầu và dậm chân.
Tiếng huýt sáo của tôi vang dội khắp khoảng không trống trơn của cái tủ lạnh cỡ bự này. Cảm thấy đỡ hơn một chút, tôi huýt tiếp bốn khổ tiếp theo. Rồi bốn khổ nữa. Tôi có cảm tưởng như tất cả những chiếc máy đều đang dỏng tai lắng nghe. Mặc dù, dĩ nhiên, không có cái nào quay lại nhìn, cũng chẳng cái nào dậm chân. Tiếng huýt sáo của tôi chỉ đơn giản tắt lịm, bị hút vào trong những góc xa của nhà kho.
“Lạnh kinh khủng,” tôi lẩm nhẩm sau khi đã huýt hết bài. Âm vọng lại từ trên trần, rơi xuống như hơi nước, nghe chẳng giống giọng tôi. Không thể cứ ngồi im đấy độc diễn mãi được, cái lạnh sẽ xuyên vào tận xương, và cái mùi gà này sẽ ngấm lên hết cả người tôi mất. Tôi đứng dậy và phủi lớp bụi mát lạnh ra khỏi quần, đoạn đạp đi điếu thuốc dưới đế giày, rồi vứt nó vào một cái can thiếc gần đấy.
Pinball, pinball, chẳng phải tôi đến đây là vì thế hay sao?
Cái lạnh đang khiến tôi chùn bước. Nghĩ đi nào: pinball phải không? Bảy mươi tám cái máy. Được rồi, vậy tìm công tắc. Trong cái nhà này phải có một cái công tắc để cung cấp năng lượng cho bảy mươi tám cái máy này. Có một công tắc, vậy tìm nó đi.
Tôi thọc cả hai tay vào túi quần bò, từ từ đi một vòng xung quanh. Đây đó trên bức tường thẳng tắp lại hiện ra vài đoạn dây điện đứt rời hoặc ống chì có từ thời nó được dùng để làm kho lạnh. Tất cả máy đo, hộp điện và bảng công tắc đều đã bị cạy bung ra khỏi tường, để lại những cái lỗ bằng cỡ núi lửa. Mặt tường trông nhớp nháp hẳn so với khi nhìn từ xa. Giống như có một con sên to đùng đã trườn qua hết thảy. Đi một vòng mới thấy căn nhà này như một con quái vật. Quá sức to so với một cái kho đông lạnh của trại gà.
Đối diện thẳng với cái cầu thang mà tôi vừa bước xuống lại là một cầu thang khác. Và trên đỉnh của cầu thang đó, cũng là cánh cửa sắt y chang. Đến nỗi trong một chốc tôi tưởng mình đã đi hết cả căn nhà. Tôi thử đẩy lên cửa, song không thấy nó nhúc nhích. Không chốt cũng không khóa, ấy thế mà nó không cho thấy bất cứ dấu hiệu suy chuyển nào. Như kiểu người ta sơn một cái cánh cửa đóng ở đó thì đúng hơn. Tôi thu tay lại, rồi bất giác đưa lại quẹt mồ hôi trên trán. Cái mùi gà.
Công tắc nằm cạnh bên cửa. Một cái công tắc gạt cần kiểu cũ. Tôi gạt nó xuống và ngay tức thì cả sàn nhà bắt đầu rung chuyển. Âm thanh khiến cho xương sống tôi lạnh toát. Kế đó là tiếng phần phật điếc tai nghe như hàng ngàn con chim đập cánh. Tôi quay lại và nhìn xuống. Bảy mươi tám cái máy pinball đang nạp điện, bảng tính điểm của chúng đang lách cách đếm ngược về không. Sau khi sự ồn ào đã lắng xuống, thứ đọng lại là tiếng điện tích ầm ì chói lói như tiếng một đàn ong. Chẳng mấy chốc, căn nhà kho với bảy mươi tám cái máy pinball đã tràn ngập sức sống. Mỗi mặt máy đều nhấp nháy ánh đèn, mọi bảng máy đều lung linh cùng với những hình ảnh minh họa của riêng chúng.
Tôi bước xuống thang, thong thả dạo ngang qua lối đi nằm giữa bảy mươi tám cái máy, như một vị tướng đang duyệt binh. Có một số mẫu máy cổ điển mà tôi chỉ mới thấy qua ảnh, một số khác thì tôi đã rất quen qua những lần đến trung tâm trò chơi. Rồi thì có cả những mẫu máy đã bị lãng quên cùng với thời gian mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Tên của người phi hành gia được sơn trên mặt chiếc máy “Tình bạn số 7” của hãng Williams này là gì? “Glenn”? Chắc từ những năm đầu của thập kỷ 60. Một chiếc “Hành trình xa” của hãng Bally với bầu trời xanh, tháp Eiffel và người du khách Mỹ tươi cười. “K&Q”, một mẫu máy với tám làn lăn điểm. Một gã Tây chơi bạc điển trai với bộ ria mép và đầu húi cua, mang vẻ mặt hững hờ được vẽ trên đó, cùng cây át ẩn giấu sau cựa giày.
Siêu anh hùng, quái vật, nữ sinh, cầu thủ, tên lửa, và giai nhân – tất cả những giấc mơ đã nhạt nhòa và tàn lụi sau quãng thời gian của chúng ở các trung tâm trò chơi.
Những siêu anh hùng và giai nhân ấy cười với tôi từ bảng máy của họ. Những mái tóc vàng, tóc bạch kim, tóc nâu, tóc đỏ, những cô gái Mexico thả mái tóc đen tuyền, Ann-Margaret, Audrey Hepburn, Marilyn Monroe – ai nấy cũng đều tự hào khoe ra bộ ngực hảo hạng. Một số nằm trong những chiếc áo cánh mỏng tang bỏ cúc đến tận rốn, một số bên dưới lớp áo tắm một mảnh, một số ẩn dưới đầu nhọn của áo lót, những bộ ngực không bao giờ mất dáng, song thảy đều đã phai mờ. Những bóng đèn nhấp nháy đồng nhịp với con tim của họ. Bảy mươi tám cái máy pinball, một nghĩa trang của những giấc mơ đã cũ, đã xa không thể nào gợi lại. Bước chân tôi đi len qua những giai nhân của ngày xưa cũ này.
Chiếc “Phi thuyền” ba thanh gạt chờ tôi ở cuối dãy. Nàng đứng giữa những thứ màu mè phô trương, trông đến là e lệ. Trông như nàng đang ngồi trên phiến đá giữa một khoảng trống trong khu rừng, chờ đợi mình tôi. Tôi đến đứng trước mặt nàng, ngắm nhìn bảng máy quen thuộc.
Một vũ trụ xanh đậm, sẫm như mực viết bị lỡ tay làm đổ. Và trên đó có những ngôi sao tí hon màu trắng: sao Thổ, sao Kim, sao Hỏa, còn phía trước lơ lửng một chiếc phi thuyền trắng muốt. Đèn phi thuyền đang sáng, bên trong dường như đang diễn ra một cuộc đoàn viên gia đình. Một vài ngôi sao chổi đang kẻ những vệt sáng qua bóng tối.
Mặt máy vẫn y như những gì tôi nhớ. Cũng màu xanh đậm ấy. Các mục tiêu tạo thành một miệng cười với hàm răng trắng bóng. Mười bóng đèn điểm thưởng hình ngôi sao nhô cao, chậm rãi nhấp nháy ánh sáng màu vàng chanh. Hai lỗ phóng bóng là sao Thổ và sao Kim, còn mục tiêu quay thưởng là sao Hỏa. Sự tĩnh lặng đã ngấm vào tất cả.
Dạo này sao rồi, tôi nói. Mà có khi là tôi không nói vậy. Dù sao thì tôi vẫn đặt tay lên mặt kính.
Lạnh như băng vậy, sương tỏa ra từ hơi ấm của bàn tay tôi, để lại vết của mười ngón tay màu trắng. Chỉ đến đây nàng mới nhận ra và nở nụ cười về phía tôi. Một nụ cười của muôn năm cũ. Tôi cũng cười đáp lại.
Dường như đã lâu lắm rồi, nàng bảo. Tôi vờ như đang suy tư, rồi bẻ ngón tay. Đã ba năm rồi đấy.
Thế mà chỉ như mới đây vậy.
Chúng tôi gật đầu với nhau, sau đó rơi vào lặng thinh. Nếu đây là một quán cà phê, hẳn chúng tôi đang đưa cốc lên miệng và mân mê tấm rèm thêu ren.
Anh cứ nghĩ mãi về em, tôi nói, và những gì anh thấy chỉ toàn là đau khổ.
Không ngủ được ư?
Không ngủ được, tôi đồng tình. Nàng không ngừng mỉm cười với tôi suốt lúc ấy.
Em không lạnh sao? Tôi hỏi.
Lạnh chứ, lạnh chết đi được. Anh cũng không nên ở lại lâu quá, em vẫn biết là nơi này quá lạnh lẽo với anh.
Có lẽ vậy, tôi đáp. Những ngón tay tôi run nhẹ trong lúc lấy ra điếu thuốc. Tôi châm lửa và hít khói vào phổi.
Anh không chơi một ván à? Nàng hỏi.
Không, tôi trả lời.
Sao lại không?
Một trăm sáu mươi lăm nghìn, điểm số cao nhất của anh. Em còn nhớ không?
Em nhớ. Đó cũng là điểm số cao nhất của em.
Anh không muốn vấy bẩn nó.
Nàng im lặng. Chỉ có mười bóng đèn điểm thưởng chớp tắt liên hồi. Tôi vừa hút thuốc vừa nhìn xuống dưới chân.
Sao anh lại đến đây?
Là em gọi đấy.
Có à? Nàng nhíu mày, rồi mỉm cười e thẹn. Có lẽ đúng là vậy nhỉ. Chắc là em đã gọi anh.
Anh đã tìm em khắp nơi.
Cảm ơn anh. Kể gì cho em nghe đi.
Và tôi kể, em biết không, có nhiều thứ đã thay đổi lắm. Trung tâm trò chơi cũ của em bây giờ là một hiệu bánh vòng bán xuyên đêm. Cà phê ở đó tệ nhất thế giới.
Tệ đến thế ư?
Em còn nhớ ngày xưa có mấy bộ phim Disney về động vật không, bọn ngựa vằn sắp chết khát và rồi chúng nó tìm được một cái vũng nước đầy bùn? Cốc cà phê nó có màu đấy đấy.
Nàng cười khúc khích, giọng cười duyên rất khẽ. Cái thị trấn chán thật đấy, nàng nói bằng giọng bình thường. Mọi thứ đều thô kệch, đều bẩn thỉu.
Vẫn như ngày nào.
Nàng gật đầu. Vậy bây giờ anh làm gì?
Dịch thuật.
Tiểu thuyết sao?
Không phải, tôi nói, mấy thứ cặn bã thường ngày ấy mà. Đổ nó từ cái cống này sang cống khác. Thế thôi.
Anh không thích công việc của mình hả?
Hừm, anh chưa nghĩ về chuyện đó bao giờ.
Thế còn phụ nữ?
Chắc em không tin, nhưng giờ anh sống cùng một cặp song sinh. Họ pha cà phê ngon lắm.
Môi nàng nở một nụ cười thật tươi, và nàng nhìn về nơi xa. Lạ thật đấy, mọi thứ cứ như chưa từng xảy ra vậy.
Không, nó đã xảy ra rồi, chỉ là nó không còn nữa.
Anh vẫn chưa dứt bỏ được à?
À không, tôi lắc đầu, những thứ sinh ra từ hư vô thì cũng sẽ quay về với hư vô mà thôi.
Chúng tôi lại rơi vào im lặng. Chuyện giữa chúng tôi không là gì hơn một mảnh vỡ thời gian đã chết từ lâu. Dù vậy, một thoáng mơ hồ của kỷ niệm ấm áp ngày xưa vẫn chiếm trọn một góc trái tim của tôi. Và khi cái chết tìm đến, hẳn khi đó tôi sẽ bước cạnh ánh sáng mơ hồ ấy trong khoảnh khắc trước khi một lần nữa bị hất đi về miền hư vô.
Anh nên về đi, nàng nói.
Cũng phải, tôi sắp không thể chịu nổi rét nữa rồi. Chỉ dập đi điếu thuốc mà người tôi run cầm cập.
Cảm ơn anh vì đã đến gặp em. Chưa chắc sẽ còn gặp lại nhau, nên anh hãy giữ mình.
Cảm ơn em, tôi nói, tạm biệt nhé.
Tôi bước đi khỏi hàng máy pinball, đi lên cầu thang và gạt công tắc. Nguồn điện tắt phụt khỏi tất cả như bóng bay bị rút khí, và giấc ngủ yên bao trùm xuống khắp nơi. Tôi đi ngược lại về bên kia nhà kho, đi lên cầu thang, tắt điện và đóng cánh cửa lại phía sau. Suốt lúc ấy tôi không ngoái đầu lại. Không một lần.
* * *
Chiếc taxi đưa tôi về lại căn hộ khi đã chớm đến nửa đêm. Cặp song sinh đang ngồi trên giường giải nốt câu đố ô chữ trong tạp chí. Trông tôi xanh xao, cả người thì bốc ra mùi gà đông lạnh. Tôi bèn nhét hết quần áo đang mặc vào máy giặt và ngâm mình vào bồn tắm nước nóng. Mất ba mươi phút tôi mới lấy lại được ý thức của người bình thường, nhưng cái lạnh ở sâu bên trong thì không trút bỏ đi được.
Cặp song sinh đã lôi từ trong tủ quần áo ra cái máy sưởi bằng gas ra và bật nó lên. Sau mười lăm phút tôi ngừng run, hít một hơi sâu và hâm nóng một hộp súp hành.
“Anh thấy ổn rồi,” tôi nói.
“Thật không đấy?”
“Người anh vẫn còn lạnh lắm,” một cô sờ cổ tay tôi, giọng lo lắng.
“Anh sẽ ấm lên nhanh thôi.”
Thế rồi tôi leo lên giường, điền hai câu đố chữ cuối cùng. Một là “cá hồi bảy sắc”, cái còn lại là “đường mòn”. Người tôi nhanh chóng được sưởi ấm, và chúng tôi gần như cùng nhau chìm vào giấc ngủ sâu.
Tôi mơ về bốn con tuần lộc của Trotsky. Cả bốn con đều mang tất lông cừu màu đỏ. Giấc mơ lạnh ghê gớm.
Pinball Năm 1973 Pinball Năm 1973 - Haruki Murakami Pinball Năm 1973