Chương 24
ối hôm đó, nhà chúng tôi đầy khách. Những người quen thuộc và đám họ mạc nghe tin tôi về sang chơi. Tôi bảo bà Đũa nấu một nồi chè đỗ xanh đãi khách. Cả kê nấu với bánh đa cũng được đem ra. Người làng trò chuyện rầm rĩ. Họ không hề bớt nhời và hạ giọng chút nào, mặc dù người ốm nằm cách có một bức tường. Khoảng chín giờ, người đàn ông đeo kính xanh chai bữa trước bước vào:
- Bà đỡ chưa cô nương?
Ông ta hỏi tôi.
- Cô tôi đang ngủ.
Tôi đáp.
- Ngủ được là tốt...
Ông ta nói oang oang và khoe: Hôm nọ tôi phải phóng lên tận Hà Nội điện cho cô mới nhanh thế...
Tôi đáp:
- Vâng, cảm ơn ông.
Ông ta ngồi xuống phản:
- Bà Đũa, phần chè của tôi đâu?... Bà định cắt xuất của tôi à?...
Bà Đũa trả lời:
- Có chứ. Cắt xuất ông làm sao được?...
Nói đoạn, bà xuống dưới bếp lấy bát lên múc chè mời ông ta. Có lẽ, dạo này phải tiếp khách nhiều, bà Đũa ăn nói hoạt bát hẳn lên. Tôi hỏi bà:
- Không thấy ông phó chủ tịch Đường sang chơi?
Mọi người cười ồ:
- Ông ta đang dạo chơi dưới âm phủ...
Thấy tôi ngơ ngác, người đàn ông đeo kính màu xanh chai giải thích:
- Ông ta không thể từ bỏ âm mưu cướp vườn của bà Hài. Bà chị cái bà có vết bớt trên má sang nấu ăn giúp bà Tâm hồi ấy... Ông ta đã tranh thủ mọi thế lực từ huyện xuống xã để hợp lý việc chiếm đoạt mảnh vườn. Giấy má vừa xong tuần trước, tuần sau thợ đến đào móng, đổ gạch xây nhà. Vôi không kịp tôi, phỉa mua vôi tôi sẳn của đám gác công trường trên huyện. Ô tô chở xi măng vào tận cửa, ném huỳnh huỵch bao lớn, bao nhỏ... Chỉ vài tuần sau, ba gian nhà đã mọc lên giữa vườn hồng xiêm, cứ như mơ. Ông phó chủ tịch vênh váo lắm, đi đâu cũng nhơn nhơn cười nói. Bà Hài thành người trắng tay. Chiều chiều bà ấy đi vòng quanh chiếc ao đầu đình. Rồi lặn mặt trời, lại ngược thôn Hà, đến nghĩa trang liệt sĩ. Bà ấy tới mộ con trai, ngồi cả đêm. Thằng bé chết ở Tây Ninh, ba năm trước bạn nó cải táng đem về... Mấy người chị gái, thoạt đầu còn cắt người theo khuyên nhủ. Sau thấy mọi sự cũng thường, bèn thôi. Anh em nhà ấy biết thương nhau, họ góp tiền góp gạo chu cấp cho bà Hài... Sự đời, chuyện nóng sốt đến đâu lâu cũng nguội, mọi người quên đi. Qua tết, một chiều ông chủ tịch đang ngồi cho bầy chó con ăn cháo. Bà Hài lừng lững vào sân. Vô phúc, mọi ngày nhà ông ta cửa đóng then cài. Hôm ấy, thằng con trai đi đá bóng quên không gọi người ra khóa. Cứ thế, như bóng ma, bà Hài đến sau lưng ông phó chủ tịch. Rút búa giấu trong bụng, bà đập một nhát trúng đỉnh đầu ông ta. Ông Đường ngã vật ra tức khắc. Búa thợ rèn, ngựa bị đánh trúng huyệt còn ngã quỵ. Bà Hài về nhà, đổ thùng dầu hỏa xung quang rồi kiếm sợi dây thừng treo cổ ngay xà giữa. Lửa cháy từ ngoài vào. Xóm giềng chạy tới vây xung quanh mà bó tay. Bà ta cứ đu đưa, lơ lửng như thế, cho tới khi lửa đốt cháy dây thừng mới rơi xuống...
Tôi rùng mình, mắt tối sầm lại.
Người đàn ông kể xong, cúi xuống húp chè. Mọi người chuyện trò lúc nữa rồi ai về nhà nấy. Người đàn ông đeo kính màu xanh chai nán lại, ghé tai tôi thì thầm:
- Cô nương đưa tôi ra ngõ, tôi có câu chuyện...
Tôi đi theo ông ta ra tới cổng. Ông ta nói:
- Chiều nay, tôi nghe thằng cháu báo tin cô đã về làng...
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ai nhỉ?
Ông ta giải thích:
- Đứa con trai tôi, nó chạy thuyền máy ngoài bến sông... Lúc cô quá giang, nó biết... Thằng ấy mới mười lăm tuổi, nhưng làm ăn giỏi, tính tình cẩn thận, có chí lắm... trước sau tôi cũng phải lo gầy dựng cho nó. Nó còn lấy vợ, sinh con, phải có dinh cơ riêng. Nhà này, đằng nào cũng vào tay cô. Khi bà Tâm đi rồi, cô không ở xin cô chiếu cố đến tôi...
Ngừng một lát, ông ta nói tiếp:
- Dẫu sao, đối với bà Tâm, tôi cũng là chỗ gần gụi, thân tình... Vả lại, về vấn đề tiền nong, tôi là người biết điều, xin cô yên trí...
Tôi nói:
- Vâng, vâng... nhưng hiện giờ tôi chưa hề nghĩ tới điều ấy. Xin ông để cho tôi yên...
Ông ta cúi đầu ngập ngừng:
- Cô còn ít tuổi, ít biết việc đời. Nhưng mệnh trời, không ai tránh khỏi...
Tôi im lặng. Ông ta lẩm bẩm điều gì đó rồi bước đi. Tôi mệt rũ, hai chân bải hoải. Tới lúc người đàn ông đi khuất, tôi gục đầu vào tường. Bà Đũa, vẫn đứng âm thầm cách đó vài bước chân, chạy tới:
- Thôi chết khéo không cô lại đổ bệnh theo bà... Để cửa cho tôi đóng... Cô vào nghỉ đi...
Tôi vào nhà, không kịp thay quần áo, lăn xuống giường như cây gỗ... Lúc ấy, tôi lịm đi như chết. Nhưng một đêm ngủ no giấc đã trả lại cho tôi sức khỏe và sự tỉnh táo. Hôm sau, tôi tỉnh dậy lúc trời vừa rạng, tôi vào buồng cô Tâm. Cô đã thức dậy từ lâu, đưa mắt nhìn chăm chăm ra cửa, có ý chờ đợi. Tôi nói:
- Cháu mệt quá không biết gì, sao cô không sai bà Đũa gọi.
Cô lắc đầu, ngửa một bàn tay ra. Tôi nắm bàn tay ấy, nó nhẹ bỗng, khô xác và lạnh. Đường mạch chạy li ti như thực như ảo.
Cô nói:
- Con chải đầu cho cô.
- Vâng. –Tôi lấy lược, nương nhẹ từng nhát chải. Những sợi tóc đã hết màu mỡ, giống một bó đay tước nhỏ. Lớp da đầu, mỏng dính vào xương sọ, khiến đầu cô tóp lại như đầu một con rối. Không có một con chấy, dù trứng lép. Không có một mảnh gầu. Tôi ít thấy người đàn bà nào sạch sẽ như cô, dù cô sống ở làng quê. Sau khi chải mượt mớ tóc, tôi tết lại thành con sam. Cô lắc đầu:
- Đừng. Búi cho cô... Tết tóc giống người Tầu.
Tôi búi cái búi tóc cỏn con, nhỉnh hơn củ tỏi một chút. Cô có vẻ hài lòng. Cô bảo:
- Xong việc rồi... Giờ, ngồi xuống với cô...
Tôi bỏ chiếc ghế tựa, ngồi lên giường. Tấm thân khô héo của cô chạm vào tôi. Trong cái đụng chạm ấy, tôi bỗng rùng mình, một dòng điện lan truyền qua lớp vải mỏng. Ngọn sóng thâm sâu của máu huyết dâng cuồn cuộn, xóa nhòa mọi ngăn cách, mọi ranh giới. Tôi bỗng muốn nguồn sinh lực của tôi, tuổi trẻ của tôi là thứ vật hữu hình, tôi có thể chia sẻ cho cô.
- Bao giờ...
Cô cất tiếng, thì thào:
- Bao giờ cô chết... Con ở đây trông nhà... Bàn thờ tổ phụ...
Vườn cam sắp sửa thay giống... còn...
Trong đôi mắt sâu hoắm của cô, lờ đờ một làn nước trôi qua. Như dòng sông nhỏ, làn nước ấy in bóng những vòm cây, khóm lá, hàng cau ngất ngây lay động, mái nhà râm mát, làn mây trắng lãng đãng qua... Hình ảnh thu nhỏ của một thế giới thần tiền suốt đời cô tạo dựng. Một gia tài được đắp đổi bằng tuổi xuân không tình ái. Một chiến thắng được ký bằng cả cuộc đời không có sự tồn sinh...
- Con hãy ở đây... mái nhà của tổ tiên...
Tôi cúi xuống van vỉ:
- Cô đừng nói nữa... Cô chịu khó uống sâm, cô sẽ khá lên dần... Con chăm sóc cô...
Ánh mắt xa vắng của cô chứng tỏ cô hoàn toàn không nghe lời tôi nói. Cô tiếp tục dòng suy nghĩ. Chắc nó cũng đứt đoạn những những câu nói run rẩy, đoản hơi, cất lên từ khuôn miệng trắng nhạt. Tôi thấy cô thở dốc lên, nhắm mắt một chặp rồi lại mở đôi mắt đã nhạt ánh tinh quang. Cô níu tay tôi. Cô níu tay tôi, nói lên một hơi:
- Cô không nợ ai trong làng. Còn những người nợ cô, sau đám tang con xóa cho người ta... Nhớ chưa?
- Con nhớ.
Cô lại nhắm mắt, thở khó nhọc. Tôi đẩy nốt hai cánh cửa sổ cho thoáng khí. Mảnh trời xanh lơ với ngọn cau hiện ra. Mùi thơm êm nhẹ của hương cau tỏa. Cánh mũi cô bớt phập phồng:
- Hằng ơi.
- Dạ.
- Cô thương con.
- Dạ.
- Cô thương con... côi cút...
Nói xong nước mắt cô từ đôi mắt nhắm nghiền chảy ra giàn giụa.
Tôi òa khóc:
- Cô đừng nói, cô ơi, con sợ...
Không gian bao quanh tôi hóa dài rộng và lạnh lẽo. Như không phải ngôi nhà này, với vườn cây, xóm mạc quen thuộc mà là một miền hoang đảo cô liêu, trập trùng. Và nơi trú náu duy nhất của tôi là người cô ruột, tấm thân bé nhỏ, tiều tụy kia. Nếu người đó không còn nữa, không còn gì che chắn cho tôi trong đời...
Cô nấc lên, rồi nói đứt quãng:
- Tội nghiệp... cho con... Cô... không làm sao... được...
Tôi ôm chặt hai vai cô:
- Cô ơi, đừng thế.
Cô từ từ mở mắt ra. Nước mắt hoen đầm đìa trên mi, trên hai gò má nhăn nheo. Cô nhìn tôi, rồi rất khó nhọc, cô đưa mắt về phía cửa sổ:
- Trời màu gì?
Cô hỏi. Tôi không hiểu cô định nói gì. Tôi cúi xuống:
- Cô bảo gì con?
Cô thì thầm:
- Ngoài kia, trời màu gì?
Tôi đáp:
- Trời đẹp lắm cô ạ. Trời xanh. Hôm nay nắng.
Cô mỉm cười:
- Cô nhìn thấy trời đỏ như lửa cháy. Cô đang thoát dương.
Tôi kêu:
- Cô nói gì thế?
Vẫn thoáng một nụ cười trên lằn môi nhợt, cô bảo:
- Cô đã nhìn thấy cõi âm...
Rồi cô khép mắt lại, không nói thêm lời nào. Tôi chờ lúc lâu, nhè nhẹ bỏ ra sân. Cô đã thiếp ngủ. Chiều đó, hai giờ, tôi vào đổ sâm cho cô. Có mùi rất khẳn bốc lên. Cô đi đồng, vài cục phân màu đen, mùi khẳn lạ lùng. Ba giờ rưỡi, cô hoàn toàn tắt thở...
Tôi không nhớ cụ thể tôi đã lo đám tang ra sao. Khi nghe tin cô chết, họ hàng xóm giềng đổ tới. Cả người đàn ông đeo kính màu xanh chai. Ông ta rất tháo vát. Mỗi người một chân một tay giúp tôi lo tang lễ chu tất. Họ giúp tôi mua được một cỗ áo quan bằng gỗ quý, dày tám phân, với thời buổi này thật là một cỗ áo quan lý tưởng. Tôi mặc cho cô tôi bộ quân áo bằng tơ màu mỡ gà. Trong chiếc túi đi đường tôi có một hộp màu hóa trang. Mặc quần áo cho cô xong, tôi đánh phấn, bôi son cho cô. Đám phụ nữ trong làng xúm đến xem, trầm trồ:
- Bà Tâm đẹp quá... Chưa bao giờ tôi thấy bà ấy đẹp như bây giờ.
Cô Tâm vốn là người đẹp. những đường nét trên gương mặt cô ít người đàn bà nào đạt được. Khi phấn son phủ đi làn da bị hủy hoại, cặp môi bị tử thần nhiễm tím, gương mặt cô phô bầy những dáng nét thanh tú, dưới màu sắc tươi thắm... Tóc cô búi sau gáy, độn thêm chiếc khăn nhung đen. Chân cô đi tất trắng. Tôi lại đặt mua một bó hông trắng đặt trên ngực cô. Tôi cũng mua một yến chè Thái Nguyên đổ quanh xác cô theo kiểu mai táng của dân miền Nam. Trong đám tang, tôi mặc áo xô, mặc áo rơm, chống gậy đi trước. Tôi không tin vào sự linh thiêng của các thủ tục nghi lễ, nhưng tin vào sự linh thiêng của tình cảm giữa con người. Nấm mộ cô phủ đầy hoa trắng. Ở vùng này không có người bán hoa. Họ mạc phải cử hàng chục người tầm khắp nơi để mua hoa dại, hòa nhài, mẫu đơn trắng, hải đường trắng, cúc trắng và những đóa sen trắng muộn màng... Buổi chiều, mọi người trở về vào nhà ăn cỗ. Cỗ đám mà cũng do người đàn bà nấu bếp bữa trước đảm nhận. Người có vết bớt trên mặt gầy bằng nửa hồi tôi về lần trước, khuôn mặt bà quắt lại nên vết bớt như loang ra và trở nên khó nhìn. Các bà chủ động mua sắm, bàn tính món ăn. Tôi bảo bà Đũa:
- Mọi việc đã có người đảm nhận chu tất. Bà về trước đi.
Bà Đũa ngần ngừ:
- Cô cũng nên về đi, đồng không mông quạnh thế này...
Tôi lắc đầu:
- Đừng ngại...
Bà ta chần chứ vài giây rồi cắp nón về theo đám dân làng. Giờ này chắc những người giúp việc đang rầm rập bưng cỗ lên dẫy bàn nhà đám. Mình tôi ngồi lại nghĩa trang. Nói đúng hơn là ngồi lại bãi tha ma, một khoảng đất hoang lô nhô những nấm mộ. Con đường lượn ngoằn ngoèo giữa các hàng mộ chí, cái cũ, cái mới, cái bia gỗ, cái bia đá lộn xộn nghiêng ngả. Xung quanh bãi tha ma, hàng cây dứa dại và dãy song bao quanh. Các góc, cỏ mọc um tùm. Người ta kiêng không chôn người chết vào sát gốc dứa dại hoặc dây mây, dây song, vì e rằng linh hồn họ dưới cõi âm không thể đi lại một cách dễ dàng. Trẻ con chăn trâu làng không bén bảng tới đây. Trong bãi tha ma, nấm mồ cô Tâm mới nhất. Ở các nấm đất khác, chỉ còn vài nắm chân hương. Gió thổi chúng xiên lệch. Rải rác, giữa các rạch cỏ, thoi vàng giấy bị giẫm bẹp, sắp mục ải. Trong đám tang cô tôi, người ta cũng đốt nhiều vàng thoi và tiền âm phủ. Họ bảo:
- Bà ấy sống sang cả, chết cũng phải được tiêu pha cho đàng hoàng.
Họ khen tôi hiếu thảo. Khen đám tang linh đình, trọng thể. Lúc ấy, tôi mãn nguyện. Nhưng khi mọi người ra về, chỉ mình tôi người trước nấm mộ đầy hoa trắng, trong buổi chiều ấm nắng, hoang vu và trong suốt, tôi thấy sự an tâm đó giả dối và ngắn ngủi. Cô tôi đã ra đi, vĩnh viễn lìa xa, không thể vãn hồi... Người đàn bà ấy đã đem theo cái chết, cả niềm trìu mến, cả tình yêu khắc khoải với người cha xa cách của tôi. Cả nỗi thắc mắc khôn nguôi về bí ẩn của kiếp người...
Theo tục lệ, tôi phải làm ba lượt giỗ: giỗ ba ngày, giỗ bốn mươi chín ngày, giỗ một trăm ngày. Tôi quyết định ở lại làng cho tới lúc xong mọi việc. Tôi nhờ người làng nhắn với mẹ. Mẹ tôi giận, trả lời: “Chị ấy muốn ở ba năm cũng được...” Tôi đã đủ khôn để im lặng, không đối đáp. Tôi lặng lẽ tính toán những gì cần làm: mỗi lượt giỗ ít nhất cũng ba mươi mâm. Tính xô bồ, cả phần gói cho người giúp việc là một trăm mâm. Tiền cô tôi để lại không đủ. Khi mất đi, cô không ngờ rằng đồng tiền trượt giá nhanh như thế. Có lẽ tôi phải bán bớt một ít tư trang hoặc vài thứ đồ đạc trong nhà để lấy tiền lo liệu. Từ ngày đưa cô tôi ra đồng, hôm nào cũng đầy nhà khách. Đám người giàu có mới nổi lên: ông thuế vụ trên phố huyện, bà trưởng cửa hàng hợp tác xã, ông phó bí thư, ông chủ nhiệm khóa trước, ông chủ nhiệm đương kim, vài tay lái buôn lợn, vài tay chủ xe bò, hai gia đình có con ở nước ngoài viện trợ... Họ hỏi mua nhà, mua sập gụ khảm trai, mua tủ đứng ba buồng bằng gỗ lát, gỗ cẩm lai, mua tủ chè gỗ chạm đàn dơi vảy chùm nho... Đụng tới của cái một cách cụ thể, tôi mới hiểu nổi công sức cô tôi đã bỏ ra để kiến tạo cơ ngơi này. Cái cơ ngơi mà từ bể chứa nước mưa tới dãy tường hoa, từ chiếc lư đồng tới bộ chân nến... nhất nhất vật gì cũng là tột đỉnh cái lý tưởng thẩm mỹ và sang giàu của dân quê...
Những Thiên Đường Mù Những Thiên Đường Mù - Dương Thu Hương Những Thiên Đường Mù