Chương 22 - Quá Trình Phát Triển Của Phi Đạn Hành Trình (Trích Từ Bài Viết Của Tiến Sĩ David M. Hardy Cho Viện Phân Tích Chiến Lược Quốc Gia)
ự bộc phát của Đệ Nhị Thế Chiến làm người ta lại chú ý đến những vũ khí bay không người lái.
Năm 1940, kỹ sư người Anh Frederick George Miles đề nghị khai triển một chiếc máy bay nhẹ, được điều khiển từ xa, có khả năng mang một quả bom 450 kg. Được mệnh danh là chiếc Miles Hoop-la, nó không phải là một món vũ khí chỉ có thể dùng một lần. Trái lại, nó có thể thả quả bom vào mục tiêu được chỉ định, rồi quay về căn cứ để được tiếp liệu và đeo bom cho phi vụ kế tiếp. Nó được dự trù là có vận tốc trên 480 km/giờ, nhưng điều này không bao giờ được chứng nhận bởi vì dự án bị hủy bỏ trước khi một mô hình được chế tạo.
Năm 1941, ReichluftMinisterium (Bộ Không Quân) Đức bắt đầu tìm hiểu các đề cương cho máy bay “ghép”, nghĩa là nhiều máy bay được trực tiếp ghép dính vào nhau và được điều khiển như một cá thể. Sự chú ý của Đức Quốc Xã đến khái niệm này có lẽ bắt nguồn từ các cuộc nghiên cứu của Sô Viết vào những năm 1930 về những chiếc máy bay chiến đấu được gắn vào thân hay cánh của những chiếc máy bay ném bom cỡ lớn, sẵn sàng bay lên bảo vệ cho máy bay mẹ khi bị máy bay địch đe dọa.
Một kế hoạch của Đức là dùng một chiếc máy bay chiến đấu được gắn vào một chiếc máy bay ném bom Junkers Ju-88 không người lái, chứa đầy chất nổ để điều khiển chiếc máy bay ném bom vào mục tiêu. Khi bay đến địa điểm được định sẵn, viên phi công của chiếc máy bay chiến đấu sẽ nhắm chiếc máy bay ném bom vào mục tiêu, tách rời máy bay của mình ra và ly khai trong khi chiếc Junkers lao vào mục tiêu và nổ tung.
Ban đầu giới lãnh đạo cao cấp của Luftwaffe (Không quân Đức) phản đối kế hoạch này, nhưng rốt cuộc bộ ReichluftMinisterium cũng ưng chuẩn dự án Beethoven để chế tạo một quả bom ghép mang bí danh Mistel.
Vụ thử nghiệm thực sự đầu tiên tiến hành vào tháng 7 năm 1943. Chiếc máy bay dùng để điều khiển là một chiếc chiến đấu cơ Messerschmitt Mf-109E được lắp bên trên một chiếc oanh tạc cơ Ju-88A không người lái và được nối dây điều khiển vào bộ phận điều chỉnh ga (tốc độ) và hệ thống điều khiển hướng bay của chiếc Ju-88A. Viên phi công cất cánh suông sẻ và bay chiếc máy bay ghép về phía mục tiêu. Khi đạt đến đúng tầm, gã tách chiếc Messerschmitt khỏi chiếc oanh tạc cơ, khiến chiếc Ju-88A tự động bay về phía mục tiêu. Mức chính xác của vụ tấn công này không chê vào đâu được và lượng chất nổ trong chiếc oanh tạc cơ hoàn toàn phá hủy mục tiêu. (Ghi chú của dịch giả: Mf-109 là một chiến đấu cơ một động cơ cánh quạt, còn Ju-88 là một oanh tạc cơ cở trung bình có hai động cơ cánh quạt. Cả hai được Đức Quốc Xã sử dụng từ đầu đến cuối Thế Chiến thứ Hai.)
Chiếc Mistel trông không giống quả Ngư Lôi Bay Sperry hay Con Bọ Kettering của thế chiến trước, nhưng cái phát minh mới này của Đức là con cháu trực hệ của các vũ khí bay kia. Chỉ trong một chuyến bay, chiếc Mistel đã chứng minh rằng cái khái niệm quả bom bay không người lái chẳng những thực thi, mà còn chí mạng nữa.
Các sĩ quan cao cấp của Luftwaffe bèn bỏ qua mọi sự phản đối và ngay lập tức hào hứng với chiếc Mistel. Họ nhanh chóng lập kế hoạch hoàn thiện chiếc Mistel và đưa nó vào sản xuất và thực chiến.
Chiếc Mistel bắt đầu vào thực chiến tháng 6 năm 1944, gần đúng một năm sau lần thử nghiệm đầu tiên. Hình thức sau cùng của nó là dùng một chiếc chiến đấu cơ Focke-Wulf Fw-190A lắp bên trên một chiếc Junkers Ju-88A-4. Phần mũi và phòng lái của chiếc oanh tạc cơ được tháo đi, thay vào đó là một đầu đạn 3,500 kg thuộc loại khối nổ lõm. (chú thích của người dịch: khối nổ lõm có phía trước bằng kim loại thường là đồng, hình nón; mặt lõm hướng về phía mục tiêu, thuốc nổ bao bọc phía sau. Khi nổ, sức nổ ép tấm kim loại hình nón thành một mũi tên kim loại nóng chảy bắn vào mục tiêu. Mục đích là xuyên phá. Thường được dùng để phá mục tiêu được bảo vệ bằng giáp dày như xe tăng, tàu chiến, tường dày, v.v.)
Các cuộc thử nghiệm cho thấy cái đầu đạn khổng lồ này của chiếc Mistel có khả năng xuyên thấu xi-măng cốt sắt có hầu như bất cứ độ dày nào. Một cuộc tấn công thử vào một chiếc thiết giáp hạm cũ của Pháp làm cho chiếc chiến hạm này bị thiệt hại một cách nghiêm trọng lạ lùng, cho thấy khả năng của chiếc Mistel trong nhiệm vụ chống hạm. Khả năng này lập tức được thử nghiệm khi nhiều chiếc Mistel được dùng để tấn công tàu bè của quân Đồng Minh ngay trong tháng đầu tiên chiếc Mistel được đem vào thực chiến.
Giới lãnh đạo cao cấp của Đức Quốc Xã liền bắt đầu lập kế hoạch cho một chiến dịch sử dụng Mistel trên quy mô lớn chống quân Đồng Minh, mang bí danh Chiến Dịch Eisenhammer (Thiết Chùy). Hơn 250 chiếc Mistel được sản xuất, nhưng Chiến Dịch Eisenhammer không bao giờ được tiến hành. Số Mistel đã được gom góp cho chiến dịch này được sử dụng trong nhiều vụ tấn công nhỏ, phần đông nhắm vào các cây cầu trên tuyến đường tiến quân của quân Đồng Minh.
Không quân Đức có chế tạo một số kiểu Mistel khác nhau tý đỉnh, gồm vài thay đổi hay thay thế máy bay để phù hợp với các nhiệm vụ. Một kiểu Mistel dùng máy bay phản lực được nghĩ đến, với ý định là dùng chiếc máy bay chiến đấu phản lực Messerschmitt Me-262; tuy nhiên dự án này không bao giờ được thực thi. Nhiều kiểu khác được đề nghị, nhiều kiểu cực kỳ quái dị. Phần đông các ý tưởng quyết liệt nhất chỉ ở trên giấy thôi.
-***-
Trong khi nước Đức đang nghiên cứu và sử dụng các vũ khí bay không người lái của họ, phía bên kia Đại Tây Dương, Hoa Kỳ lại tiếp tục nghĩ đến ngư lôi bay.
Trong một chuyến viếng thăm nước Anh vào năm 1936, Tham Mưu Trưởng Hải Quân, Đô đốc William H. Standley chứng kiến một vụ tập trận bằng đạn thật chống lại một chiếc máy bay huấn luyện Queen Bee của Anh quốc; đây là một chiếc máy bay cánh đôi Tiger Moth của hãng de Havilland, được vô tuyến điều khiển và được dùng làm bia sống. Đặc điểm của chiếc Queen Bee ấy gây ấn tượng mạnh cho ông và ông liên lạc với chuẩn Đô đốc Ernest J. King, chỉ huy Phòng Phi Hành, và lệnh cho ông này nghiên cứu các phương án chế tạo máy bay vô tuyến điều khiển cho Hải Quân Hoa Kỳ.
Dưới sự đề bạt của đô đốc Tham Mưu Trưởng, chuẩn đô đốc King chọn Trung Tá Delmar S. Fahrney làm người lãnh đạo đề án này. Là một phi công kỳ cựu và mang bằng thạc sĩ trong ngành kỹ sư hàng không, Fahrney đầy đủ kinh nghiệm và cực giỏi trên lãnh vực kỹ thuật. Ông ta còn là người có tầm nhìn xa.
Làm việc chung với Xưởng Máy Bay Hải Quân, Fahrney điều hành việc biến đổi hai chiếc máy bay cánh đôi Curtiss và hai chiếc cánh đôi Stearman thành những chiếc “drone” (người dịch: drone là máy bay không người lái, nhưng cũng có nghĩa là tiếng vo ve). Gần như chắc chắn Fahrney là người đầu tiên dùng từ drone để chỉ một chiếc máy bay không người lái. Có lẽ đây là một sự công nhận đầy thiện ý rằng chiếc Queen Bee (ong chúa) của Anh quốc là nguồn linh cảm cho chương trình này của Hải Quân Hoa Kỳ.
Đến năm 1937, nhóm Fahrney bắt đầu bay thử những chiếc máy bay này. Một năm sau, các chiếc máy bay không người lái của nhóm được dùng trong những cuộc tập trận chống máy bay của chiếc tàu sân bay USS Ranger. Những chiếc máy bay này là những mục tiêu cực khó cho các đội phòng không; qua hết đợt tấn công giả này đến đợt khác, chúng không bị sứt mẻ gì cả.
Sự thành công của máy bay không người lái và sự thất bại của các đội phòng không đã khiến cho toàn bộ Hải quân phải đánh giá lại lực lượng phòng không của mình. Các cuộc thí nghiệm với chiếc USS Ranger này cũng khiến ông Fahrney tin rằng máy bay vô tuyến điều khiển có thể được sử dụng như một vũ khí để tấn công chiến hạm địch bằng cách oanh tạc hay phóng ngư lôi.
Fahrney lập tức tiến hành một vụ thực nghiệm, cho một chiếc “drone tấn công” mang theo một đầu đạn giả tập kích chiếc thiết giáp hạm USS Utah. Tiếc thay cho ông Fahrney, các đội phòng không trên chiếc Utah bắn giỏi hơn các nhóm trên chiếc Ranger. Khi chiếc máy bay không người lái bắt đầu lao xuống để ném bom, một tràng đạn phòng không trúng ngay vào nó, làm nó đâm xuống biển. Thế là cuộc tấn công giả chấm dứt.
Ông Fahrney không hề mất niềm tin. Cuộc biểu diễn của ông bị cắt ngang vì một viên đạn may mắn, nhưng ông không hề hoài nghi rằng khái niệm cơ bản vừa có ích, vừa có thể đạt được. Một chiếc máy bay vô tuyến điều khiển có thể tấn công một chiến hạm địch mà không cần phải lo lắng đến tính mạng của phi công.
Trong khi nghiên cứu các phương pháp để cải tiến chiếc drone tấn công của mình, Fahrney được quen biết với Tiến Sĩ Vladimir Zworykin, một di dân người Nga thật sáng chói đã trở thành kỹ sư trưởng của hãng Radio Corporation of America (thường được gọi là RCA). Zworykin sau này nắm giữ nhiều bằng sáng chế trọng yếu nhất cho các kỹ thuật được sử dụng cho máy truyền hình và kính hiển vi điện tử; lúc này, ông đã cố gắng từ nhiều năm để Hải Quân Hoa Kỳ chú ý đến ý tưởng một quả ngư lôi bay được điều khiển bằng một con mắt điện tử. Giới lãnh đạo của Hải quân cho rằng khái niệm này của tiến sĩ Zworykin không cần thiết, đắt tiền và có lẽ không thể thực thi.
Ông Fahrney chỉ nhìn bản kế hoạch đề xuất qua một lần, đã bỏ qua tất cả mọi thẩm định trước đó. Ông nhanh chóng soạn một hợp đồng với hãng RCA để khai triển một loạt thí nghiệm những hệ thống máy truyền hình có thể sử dụng trên máy bay Hải quân.
Vì đã nghiền ngẫm ý tưởng này từ nhiều năm, tiến sĩ Zworykin tạo được một nguyên mẫu có thể hoạt động chỉ trong vòng vài tháng. Mô hình đầu tiên cân nặng 155 kg, quá nặng cho một chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ, nhưng đủ nhẹ để thử nghiệm trên một chiếc máy bay có người lái. Các cuộc thử nghiệm đầu tiên thành công, cho thấy tín hiệu hình ảnh phát đi từ một chiếc máy bay có thể được nhận và nhìn được trên một chiếc máy bay khác cách xa 30 km.
Trong khi nguyên mẫu vẫn còn đang được thử nghiệm, nhóm Zworykin tại hãng RCA đang tìm cách chế tạo một mô hình khác nhỏ hơn. Được gọi là “Khối 1” vì hình dạng vuông vức của nó, mô hình mới này chỉ cân nặng 44 kg, đựng vừa trong một hộp có kích thước 20 cm x 20 cm x 60 cm (vì thế có tên “khối”).
Trước khi mô hình Khối-1 có thể được lắp vào một chiếc máy bay để thử nghiệm, Hải Quân Hoàng Gia Nhật đã mở cuộc tập kích trứ danh ở Trân Châu Cảng, ở tiểu bang Hawai, gây nên thiệt hại trước nay chưa từng có cho hạm đội Thái Bình dương của Mỹ. Các tàu sân bay và một số tàu hộ vệ nhỏ của Mỹ không bị thiệt hại gì vì chúng không có mặt tại Trân Châu cảng khi nơi này bị tập kích, nhưng phần lớn hạm đội bị tiêu hủy.
Hải Quân Hoa Kỳ náo loạn. Các thiết giáp hạm, khi ấy là thành phần chủ lực của hạm đội, đã bị đánh tơi tả. Về sau, một số được vớt lên, sửa chửa và trở về hàng ngũ; tuy nhiên khi ấy, Hải quân Hoàng gia Nhật đang tung hoành trên Thái Bình dương, Hoa Kỳ không thể nào ngồi yên chờ đợi đến khi các chiếc thiết giáp hạm được sửa xong. Hải quân Hoa Kỳ cần phải có khả năng tác chiến ngay tức khắc.
Tàu sân bay là thành phần chính của đáp án. Chúng chính là một hướng đi mới triệt để khác với đại pháo và giáp dày của thời đại chiến tranh bằng thiết giáp hạm. Trong những tháng kế tới, các chiếc tàu sân bay đã chứng minh mình là tương lai của sức mạnh hải quân; tuy nhiên, ngay sau biến cố Trân Châu Cảng, khả năng và mức đáng tin cậy của chúng còn chưa được chứng minh. Trong không khí bất an ấy, máy bay không người lái được vô tuyến điều khiển của ông Fahrney bỗng nhiên đem lại đầy hứa hẹn.
Tháng 2 năm 1942, Hải quân phát ra một chỉ thị tối mật, mệnh danh là Đề Án Lựa Chọn, biến máy bay không người lái tấn công thành một ưu tiên quốc phòng. Hai ông Fahrney và Sworykin còn chưa có một mô hình có thể sử dụng thì đã phải lao đầu vào một chương trình chế tạo quy mô lớn dưới sự lãnh đạo của hải quân đại tá Oscar Smith.
Chỉ hai tháng sau khi chương trình được thành lập, nhóm Đề Án Lựa Chọn đã thành công thử tấn công chiếc USS Aaron Ward, một chiếc khu trục hạm đang chạy 15 hải lý/giờ (28 km/g) theo một lộ trình quanh co để tránh địch. Chiếc máy bay không người lái là một chiếc máy bay phóng ngư lôi được cải hóa và được điều khiển bởi viên phi công của một chiếc máy bay cách xa 13 km, hoàn toàn ngoài tầm nhìn của chiếc khu trục hạm bị tấn công.
Vừa nhìn hình ảnh được truyền về từ máy thu hình lắp nơi mũi chiếc drone tấn công, viên phi công dễ dàng lái chiếc drone lao đến mục tiêu. Quả ngư lôi được chiếc drone phóng đi, chạy thẳng bên dưới lườn chiếc khu trục hạm đang điên cuồng tránh né. Nếu quả ngư lôi mang theo đầu đạn thật, chiếc USS Aaron Ward đã bị nổ tung khỏi mặt nước rồi.
Các lãnh đạo cao cấp của chính phủ và quân đội bị chấn động khi xem đoạn phim quay cuộc tấn công thử nghiệm ấy. Không mấy ai đã từng xem đoạn phim ấy có chút hoài nghi nào rằng mình đang chứng kiến một bước ngoặc quan trọng trong phương thức tác chiến.
Đô đốc King vừa được tổng thống Roosevelt thăng chức thành Tham Mưu Trưởng Hải Quân, hạ lệnh cho Hải quân Đại Tá Smith tiến hành việc sản xuất 5.000 chiếc drone tấn công. King còn lệnh cho Đại tá Smith thành lập 18 phi đoàn drone phục vụ dưới quyền chỉ huy của một đơn vị tác chiến không quân đặc biệt tân lập.
Mặc dù Đề Án Lựa Chọn được sự ủng hộ ở cấp cao nhất, chương trình này thật ra không được hoan nghênh tại mọi nơi. Mỉa mai thay, chống đối dữ dội nhất lại đến từ Chuẩn Đô Đốc John H. Towers, khi ấy đã thay thế Đô đốc King trong chức vụ chỉ huy Phòng Phi Hành. Towers kiên quyết rằng hao tốn tài nguyên quý báu vào một vũ khí chưa qua thử thách là một quyết định kém khôn ngoan. Sự chống đối của ông càng có vẻ mỉa mai khi xét lại bao khó khăn chính ông đã từng gặp phải vào các năm 1920-1930, khi ông cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ cho ngành không quân của Hải quân, trước sự chống đối của những cấp lãnh đạo đã công khai hoài nghi sự hữu dụng của tàu sân bay và máy bay trong một thế giới được thống trị bởi tuần dương hạm và thiết giáp hạm.
Fahrney quả thật tin tưởng vào khái niệm drone tấn công, nhưng ông cũng nhận rõ cần phải tạo càng ít cơ hội cho những kẻ chống đối chương trình này càng tốt. Ông quyết định rằng chiếc máy bay phóng ngư lôi không người lái sẽ được sản xuất bằng số lượng tối thiểu vật tư khan hiếm. Do đó, thế hệ máy bay phóng ngư lôi không người lái đầu tiên, được mệnh danh là TDN-1, được chế tạo gần như hoàn toàn bằng gỗ.
Với đôi cánh lắp cao trên thân và hai động cơ nhỏ, chiếc TDN-1 có thể mang theo một quả ngư lôi hay một quả bom 900 kg dưới bụng, ở tốc độ 280 km/g. Chiếc máy bay rất nhẹ, rẻ tiền và chỉ dùng số lượng vật tư quý hiếm tối thiểu. Tiếc rằng cách thiết kế của chiếc TDN không tiện cho sản xuất quy mô lớn. Chỉ 114 chiếc được sản xuất, hầu như tất cả đều được dùng để thử nghiệm hay được dùng như bia ngắm bay. Không một chiếc TDN-1 nào được dùng trong thực chiến.
Sự nhiệt tình với khái niệm drone tấn công bắt đầu xuống dốc, một phần do sự bài xích không ngừng của đô đốc Towers và những người phản đối khác. Đại tá Smith và trung tá Fahrney vẫn không nản chí. Nhóm Đề Án Lựa Chọn lập tức tiến hành sản xuất những chiếc TDR-1, thế hệ drone tấn công thứ nhì được thiết kế thích hợp với sản xuất hằng loạt hơn.
Tháng 5 năm 1944, sau khi được đại tá Smith và trung tá Fahrney vận động kịch liệt, đơn vị tác chiến không quân đặc biệt số 1 (Special Air Task Force One, viết tắt STAG-1) được điều động đến vùng nam Thái Bình dương để chiến đấu chống Nhật.
Các chiếc drone TDR-1 của STAG-1 được điều khiển từ những chiếc máy bay oanh tạc Grumman Avenger được cải biến với hệ thống vô tuyến điều khiển và ăng-ten truyền hình. Dụng cụ điều khiển gồm có một cần điều khiển cho viên phi công của chiếc Avenger sử dụng, và một bàn quay số điện thoại nối liền bằng vô tuyến với hệ thống lái tự động của chiếc TDR-1 để điều hành mẫu bay, lên đạn và thả bom hay ngư lôi. Hệ thống điều hành chỉ có 4 kênh, nên mỗi chiếc Avenger chỉ có thể điều hành tối đa là 4 chiếc drone cùng lúc.
Vụ tập kích bằng TDR-1 đầu tiên diễn ra ngày 30 tháng 7 năm 1944 chống lại một chiếc tàu hàng Nhật đã bị thủy thủ đoàn rời bỏ sau khi mắc cạn gần đảo Guadalcanal. Sáu chiếc TDR-1 tham gia vào nhiệm vụ này: bốn chiếc sẽ tấn công, còn hai chiếc kia để dự bị. Cả sáu chiếc đều trang bị bom nặng 900 kg.
Khởi đầu không được tốt. Hai chiếc drone nứt đôi khi cất cánh. Hai chiếc khác đánh trúng mục tiêu, nhưng bom không nổ. Hai chiếc cuối cùng tấn công thành công và bom của chúng phá hủy mục tiêu.
Phim quay cảnh chiếc tàu hàng Nhật nổ tung thật là tạo chấn động, tuy nhiên mức ưa chuộng khái niệm drone tấn công đã xuống thấp đến nỗi đại tá Smith phải vận động mãnh liệt chương trình mới thoát khỏi số phận bị hủy bỏ.
Khoảng 8 tuần sau, STAG-1 tiến hành một loạt tập kích bằng drone vào những cơ sở của quân Nhật trên đảo Bougainville. Các cuộc tập kích bắt đầu vào ngày 27 tháng 9 cho đến 26 tháng 10. Tổng cộng là 46 chiếc TDR-1 được sử dụng. Trong số này, 37 chiếc đột phá được hàng rào phòng không của quân Nhật và bay đến mục tiêu. Ít nhất là 21 chiếc đánh trúng mục tiêu được chỉ định.
Quân Nhật bị chấn động bởi các đợt tập kích điên cuồng của các chiếc drone, tưởng rằng Hải quân Hoa Kỳ đã bắt đầu tấn công tự sát, một phương thức tác chiến mà chính nước Nhật chỉ mới bắt đầu vài tuần trước đó thôi.
Thành tích của các vụ tập kích ở Bougainville rất khả quan, nhưng không đủ để giúp chương trình drone tấn công thoát khỏi số phận bị hủy bỏ. Các chiến binh và nhân viên của Đề Án Lựa Chọn vô cùng thất vọng, nhưng vào cuối năm 1944, mọi người có thể thấy rõ là chiến tranh ở Thái Bình dương không cần đến các quả bom bay kỳ quái của STAG-1 cũng có thể chiến thắng được. Trước kia chiếc TDR-1 từng được xem là một sự đột phá kỹ thuật tối quan trọng, nay không còn được xem là sẽ mang đến ích lợi đáng kể trong việc kết thúc chiến tranh nữa.
Khi chương trình bị hủy bỏ, thế hệ drone thứ ba, chiếc TDR-3 đang được thiết kế. Một số hình ảnh của chiếc TDR-3 vẫn còn tồn tại, nhưng không rõ nó là nguyên mẫu có thể bay, hay chỉ là mô hình. Dù gì đi nữa, công cuộc truy tìm một chiếc máy bay tấn công không người lái của Hải quân đến đây đã kết thúc.
Song song với các cố gắng của Hải quân, Không quân của Lục Quân Hoa Kỳ (KQLQHK) cũng nỗ lực phát triển một quả bom bay không người lái. Chương trình A-1 chủ yếu là một chiếc máy bay cánh đơn có khả năng mang theo một đầu đạn nặng 225 kg đến mục tiêu cách xa 650 km. Một số A-1 nhỏ được sản xuất khi chương trình bị hủy bỏ năm 1943.
(chú thích của người dịch: mãi cho đến 1948, bộ quốc phòng Hoa Kỳ mới được Quốc Hội cho phép thành lập quân chủng Không Quân (Air Force); từ đó Không quân của Lục Quân tách ra khỏi Lục Quân và trở thành Không Quân; Lục Quân chỉ được phép sử dụng trực thăng (mọi cỡ lớn-nhỏ) và máy bay liên lạc và vận tải cở nhỏ)
Trong một chương trình mệnh danh Dự Án Aphrodite, KQLQHK cộng tác với Hải quân trong việc phát triển một loạt thiết kế ngư lôi bay mang tên kỳ quái “BQ”. Một trong những kiểu khoa trương nhất là chiếc BQ-7: những chiếc oanh tạc cơ Pháo Đài Bay B-17 cũ được cải biến để được điều khiển bằng vô tuyến và chất đầy 9 tấn chất nổ để được sử dụng như những chiếc drone tiến công.
Mỗi chiếc BQ-7 có một phi công trưởng và một phi công phó khi cất cánh. Nóc phòng lái đã bị cắt bỏ, để phi hành đoàn có thể nhảy dù thoát đi, sau khi chiếc máy bay đã cất cánh xong. Trên lý thuyết, sau đó chiếc BQ-7 sẽ được vô tuyến điều khiển bay đến mục tiêu.
Khoảng 25 chiếc BQ-7 được chế tạo. Hầu hết được chỉ định để đánh vào những cơ sở quân sự kiên cố trong nước Đức, trong một kế hoạch mang tên Dự Án Perilous (hiểm nghèo). Tiếc thay, cái tên này lại vô cùng chính xác.
BQ-7 được thử nghiệm trong thực chiến một số lần, không lần nào thành công đáng kể cả, mà vài lần còn gần tạo ra thảm họa nữa. Trong một vụ, chiếc BQ-7 mất khống chế và cứ bay vòng vòng bên trên một thành phố Anh quốc; mãi lâu sau, nhóm nhân viên điều khiển kinh hoàng mới dần dần thành công liên lạc được với nó và cho nó đâm vào một địa phương an toàn. Trong một lần khác, chiếc BQ-7 không nghe theo tín hiệu vô tuyến mà đâm đầu xuống một vùng đồng quê Anh quốc, để lại một cái hố rộng và sâu hoắm. Dự án Perilous lập tực bị hủy bỏ trước khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng hơn.
Một nỗ lực tiếp theo mang tên Dự Án Anvil (cái đe) dùng một chiếc oanh tạc cơ hạng nặng B-24 trong một hình dạng BQ-8 mới mẻ và coi như cải tiến. Tuy nhiên BQ-8 cũng không khá gì hơn BQ-7.
Phi vụ Anvil đầu tiên diễn ra vào ngày 12 tháng 8, 1944. Chiếc oanh tạc cơ được cải tiến nổ tung trên không, trong khi hai nhân viên phi hành vẫn còn bên trong. Hai phi công chánh và phó, Hải quân trung úy Wilford Willy và Joseph P. Kennedy Jr. đều thiệt mạng ngay tức khắc.
Đáng ghi nhận là Trung úy Kennedy chính là trưởng tử của một thương gia và chính trị gia xuất chúng, ông Joseph Kennedy Sr. Khi ấy, trung úy Joseph đang được chuẩn bị để ứng cử Tổng Thống. Em của ông, John Fitzgerald Kennedy sau này trở thành vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ.
Phi vụ Anvil thứ nhì diễn ra vào ngày 3 tháng 9, 1944. Lần này, chiếc BQ-8 hụt mục tiêu được chỉ định do tín hiệu truyền hình khi được khi mất, nhưng cũng gây thiệt hại ít nhiều cho một cơ sở Đức khác, tuy không phải là mục tiêu.
Sau đó, loạt máy bay BQ bị hủy bỏ vì biểu hiện kém và đôi khi nguy hiểm.
Cũng như Hải quân, KQLQHK cũng từ bỏ ý đồ bom bay, ít nhất trong ngắn hạn. Đã gần 30 năm trôi qua từ những nỗ lực đầu tiên của hai ông Elmer Sperry và Charles Kettering, mà quân đội Hoa Kỳ vẫn không thành công tạo được một vũ khí bay không người lái có thể tin cậy.
Xui xẻo cho dân chúng Anh quốc là người Đức đã giải được vấn đề này rồi. Người dân Luân Đôn sắp được biết những vũ khí này chí mạng như thế nào.
Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva - Jeff Edwards Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva