Chương 24
uồng chạy ra sông lớn một khúc thì thấy một ghe tam bản đầy nghẹt những người đậu nép bên ven bần. Cậu Tám biết ngay. Cậu cho xuồng tấp vào. Tôi nhận ra Năm Cảnh ngồi ở sau lái. Cảnh vẫy tay:
- Qua đi các cha!
Tôi và Tư Mô bước qua ghe tam bản, nói với cậu Tám:
- Cậu về Minh Đức cho cháu gởi lời thăm bà con mình.
- Ừ cháu đi mạnh giỏi nghe!
Thế rồi tam bản đi tới, xuồng cậu trở lui. Nước mắt tôi ròng ròng lả chả. Đời tôi là sự nối tiếp của những cuộc biệt ly. Đi kháng chiến biệt ly gia đình. Tập kết lại biệt ly gia đình. Ở Hà Nội, về Nam biệt ly bè bạn, người yêu. Vô Trường Sơn biệt ly người yêu. Về R vĩnh biệt người yêu. Về Bến Tre cưới vợ, xa vợ. Rồi xa vợ xa con. Bây giờ lại biệt ly quê hương, cậu Tám đồng hương, ân nhân cứu mạng. Nếu không có chiếc đuôi tôm của cậu thì tôi phải ở lại đây và trở thành người rừng.
Chiếc tam bản chở đầy người, nặng tâm tư của tôi. Đi lần này không biết tới đâu và không biết bao giờ trở lại Bến Tre nữa? Có vợ để rồi xa vợ. Có con để lại xa con.
Trong lúc ở nhà cậu Tám tôi đã viết hằng trăm trang thư gởi về cho vợ tôi. Nếu những lá thư đó mà còn thì có thể được in ra như một mối tình sầu của một cán bộ Mùa Thu một loại than vãn trối trăn của một người cha một người chồng gởi về cho con cho vợ.
“Anh muốn nói chuyện với con mặc dù con chưa biết nói. Hôn em. Hôn con!… ”
Tôi nhờ cậu Tám cho người mang về Cầu Mống. Cậu đã hứa. Vậy là tôi yên tâm vợ tôi sẽ đọc được thư tôi. Chiếc tam bản chạy đến chiều tối thì ghé lại. Tôi cũng không buồn hỏi đó là đâu và từ đây sẽ đi đâu và tới đâu.
Tôi cứ nghe lời Năm Cảnh một cách ngoan ngoãn. Chỉ biết rằng đây là một cuộc chạy lấy thân. Sống cái đã. Sống sẽ có ngày về.
Hết đi ghe tới lội bộ. Trời ơi, một cuộc lội bộ hơn cả những cuốc đi của giao liên Trường Sơn. Sức khỏe của tôi không tệ lắm, nhưng tôi cũng phải quỵ xuống mấy lần. Không có đường sá gì cả. Toàn càn rừng lội rú, do một người địa phương dắt.
Chiếc thùng sắt đầy ắp “tác phẩm” của tôi bây giờ trở thành cái nợ. Muốn quẳng quách đi cho xong. Ba-lô trở thành quả núi con đè trên lưng sau vài lần lội qua rạch.
Đi băng qua na các ấp chiến lược, nghe tiếng mỏ chóc chóc, thấy đèn canh leo lét của các trạm nhân dân tự vệ. Ước gì tôi có thể chạy vọt vào đấy rồi về Sài Gòn! Đi từ chiều tối đến hừng sáng thì tới nơi. Xuồng ghe có sẵn. Chúng tôi bước xuống như những cái thây ma đem đi chôn.
Một khu rừng lá mịt mù. Chúng tôi được ấn vào những mái chòi lụp xụp không biết của ai và không biết ở vùng nào. Mặc kệ, cứ lăn ra bất tỉnh nhân sự.
Tiếng trực thăng ầm ầm đánh thức những xác chết.
Nguy cơ trước mắt: hoặc chết hoặc đầu hàng. Trực thăng bay sà đụng ngọn lá quặc như bão hốt. Hầm hố không có. Đám chúng tôi chỉ ngước mắt nhìn trời và cầu trời. Tôi thấy rõ cả tên Mỹ lái qua lồng kiếng. Vài loạt cà nông ria ở ven rừng. Có lệnh chuyền tới: “Không được bắn trả!”
Bắn là lạy ông con ở bụi này. Chúng nó đã theo được dấu đường mòn trên ruộng trong vừng ở bờ sông bãi cỏ và đến tận đây. Không hiểu sao chúng không bắn cũng không kêu phản lực dội bom. Có tên gián điệp nào kiểu Phạm Ngọc Thảo trong vụ này chẳng?
Nếu chúng cho nhảy chừng một đại đội lính thì cả Văn Phòng Khu Ủy Khu IV của Trần Bạch Đằng bị tóm gọn trong đó có hai tên nhà văn R cũng đi chung một xuồng. Không hiểu sao đủ loại trực thăng quần tới quần lui rồi biến mất. Chúng tôi chờ lãnh dưa hấu B52. Không thấy. Chờ dưa hấu rời của Thần Sấm, cũng không. Chờ pháo Thạnh Phú dọt. Cũng không nốt. Không hiểu tại sao chúng đã tìm ra dấu con mồi, tìm được cả hang ổ của nó mà vẫn không làm gì? Quả thật không thể hiểu. Tới bây giờ thì có thể hiểu lơ mơ. Có thể là… Nhưng thầy bói Từ Mậu Công còn sai nữa là mình.
Ân huệ đầu tiên đến với tôi là Năm Cảnh cho người tới lấy cái thùng sắt của tôi để gởi về R bằng đường giao liên đặc biệt. Tôi giao ngay không ngần ngại. Mất còn mặc kệ, miễn tống được nó đi cho người có trách nhiệm.
Bây giờ nằm ngay chừ trên những bộ vạt kết bằng sóng lá còn tươi mà ngó trời. Tôi lại viết thơ cho vợ. Viết thơ cho mấy đứa em con dì con cậu tôi và cho anh Tư Ánh mà từ nay được đổi ra là Năm Quang, kêu tắt là anh Năm.
Từ 1954 tới bấy giờ 1968 tôi chỉ gặp anh có một lần. Đó là lần mít-tinh ở Kinh Ba Miền Tây Nam Bộ lúc hòa bình vừa lập lại, chuẩn bị xuống tàu ở bến Chắc Băng ra Bắc.. Anh mặc áo thung cổ vuông kiểu lính 307, tóc hớt ngắn, ngồi trên bàn chủ tọa đoàn cùng với Huỳnh Văn Tiếng. Rồi tôi đi, không biết anh ở đâu nữa. Tới nay chưa gặp lại lần nào. Tuy vẫn biết anh ở gần đâu đây.
Một bữa, người ta đem đến cho tôi và Tư Mô, mỗi người một bộ đồ pyjama bằng vải popeline màu hột gà và một cái nón vải giống như nón nỉ, bỏ nhỏ, vành lên. Năm Cảnh bảo chúng tôi chuẩn bị đi đường thành về R.
Tôi không ngạc nhiên, nhưng sợ. Không phải sợ gặp lính mà sợ đi xa. Vì cứ mỗi lần di chuyển tôi lại cảm thấy xa gia đình cha mẹ vợ con, xa Bến Tre. Tôi sợ sự xa cách. Một lần đi phải mất hai mươi năm mới trở lại được. Lần này lại hai mươi năm?
Đêm nhận bộ đồ pyjama tôi không ngủ được. Tư Mô vốn đã bị bịnh mất ngủ mà đêm nay cũng đã ngủ trước tôi. Anh thức dậy, nghe tôi rọ rạy, hỏi:
- Sao chú thức hoài vậy chú Hai?
- Không hiểu tại sao anh à!
Đó là tôi nói giấu anh. Chớ làm sao tôi không hiểu. Tôi thức vì trong đầu đang tính kế trở lui. Trở lui đường nào?Muộn rồi ở đây hoàn toàn xa lạ. Tôi ân hận vì đã đi chuyến đi này. Lúc bất cập, hốt hoảng không tính kịp, bây giờ mới sáng mắt ra. Ngổn ngang trăm mối tơ vò.
Tôi nhớ lại tôi lúc ở Miền Bắc. Liều mạng lên Ủy Ban Quốc Tế thất bại rồi chạy ngược chạy xuôi từ Hải Phòng đến Bến Hải mà vẫn không tìm được đường về Nam. Bây giờ đã ở trên đất Miền Nam mà không tìm được lối thoát ư?Chuyến đi đường thành kỳ này phải chăng là cánh cửa mở cho tôi?
Hôm sau một người đến gặp tôi và Tư Mô, trong đơn vị gọi anh ta là ông Cò theo nghĩa Cò Tây. Anh dắt tôi và Tư Mô sang chòi anh ta để chụp hình và lăn tay, làm thẻ bọc nhựa, loại giấy tùy thân căn bản của Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ.
Hôm sau thì chúng tôi có thẻ bọc nhựa y trang như những thẻ bọc nhựa chính thức mà tôi có dịp nhìn thấy một đôi lần của bà con ở thành về khu giải phóng.
Có chữ ký của quận trưởng, quên là quận nào, và con dấu đàng hoàng. Nghề nghiệp của tôi là “làm ruộng”. Nhưng ông Cò bảo:
- Giấy này cấp hồi 65 mà trông còn mới quá, vậy đồng chí chịu khó lấy tí thuốc rê ngâm nước, bôi lên, phơi nắng rồi chà lên vải, rồi bôi thêm vài chục lần làm cho nó cũ như được cấp hồi 1965 vậy.
Tôi và Tư Mô nghe lời làm theo. Chúng tôi đưa cho nhau coi. Đến lúc cả hai đều công nhận là “cũ rồi” mới bỏ vào bóp. Tất cả hành lý và các vật kỷ niệm riêng tư đều vứt lại. Tôi viết thư kèm cây súng ngắn gởi lại cho thằng Đức em tôi ở Văn Công tỉnh cho nó phòng thân. Sau này khi về gặp nó ở Sài Gòn, hỏi ra, nó không nhận được. Ông bà giao liên đã xài dùm rồi. Khuya hôm đó xuồng tới rước hai đứa tôi đi ra đuôi tôm. Đuôi tôm chạy ra sông Cổ Chiên. Đến sáng thiệt mặt thì thấy một cái cồn lá dài dằng đặc.
Anh Tư bảo:
- Đó là Cù Lao Dài.
- Sao anh biết?
- Thì đoán chừng vậy thôi!
Cô giao liên trẻ nói.
- Đúng là Cù Lao Dài.
Cùng đi với chúng tôi có hai nàng giao liên, một trẻ một đứng tuổi. Cô trẻ sẽ đóng vai vợ tôi còn cô kia làm vợ Tư Mô trên đường đi lên Hồng Ngự. Nếu bị xét hỏi thì chúng tôi sẽ trả lời ăn rập là lên đó tìm nơi làm cá.
Con sông Cửu Long này sao mà có duyên với chúng tôi thế. Cứ đụng hoài. Hết Ba Lai, Hàm Lượng, bây giờ lại Cổ Chiên! Toàn là những đoạn biệt ly sầu và những đoạn gởi thây cho bà Thủy. Cô giao liên phụ nhĩ với tôi những điều cần làm hoặc nên tránh khi bước chân lên thành.
Độ 11 giờ trưa thì đuôi tôm cặp bến chợ Trà Vinh hay một chợ quận nào đó bây giờ tôi không còn nhớ, nhưng chắc chắn là thuộc tỉnh Trà Vinh.
“Vợ tôi”, dắt tôi vào quán ăn phở. Phở tái.
Tôi vừa ăn vừa nghĩ bụng:
- Ở Hà Nội mười năm ăn cả ngàn tô mà cảm thấy như chưa ăn. Về Nam không phải là quê hương của phở, mới được ăn phở. Lạ thật.
- Anh ăn có ngon không?
- Ngon thấy bà chớ sao không?
Nàng ta đi cặp với tôi tỏ về âu yếm. Tôi cũng đóng vai “chồng” khá tự nhiên. Rồi nàng dắt tôi lên bến xe. Không phải chờ đợi xếp hàng gì cả. Chủ xe mời mọc và dắt tay từng người khách lên xe. Bến xe đầy những chiếc xe hàng lộng lẫy. Ngồi êm đít mát mẻ bổ khỏe quá trời. Chả bù lại những chuyến đi từ Hà Nội vào Thanh Hóa chỉ trên trăm cây số mà đến nơi bước xuống xe tôi cảm thấy như ốm mới dậy, bụi bám đầy tóc và áo quần như đi bắt cá mới lên.
“Vợ chồng tôi” ngồi cạnh nhau âu yếm thực sự. Khách toàn quần là áo lụa sang trọng chớ đâu quần nâu váy đụp như xứ xã nghĩa ta?
Xe chạy êm ru, đường tráng nhựa không xốc, tưởng như đi trong mộng. Qua tỉnh Sa Đéc hay Vĩnh Long gì đó xe chạy ngang Ty Chiêu Hồi, tôi giật mình thầm trong bụng. Tôi không có ý định nhảy xe. Để “điều tra” cho kỹ đã. Gần tới mức ăn thua phải cẩn thận. Hớ hênh một chút thay vì khoác áo vàng chiến thắng lại mặc áo xanh có số tù thì đáng tiếc.
Qua Bắc Vàm Cống càng thấy sự phồn vinh, không giả tạo chút nào, của Miền Nam. Tôi không hiểu những cây cần câu tua tủa trên nóc nhà nóc phố kia là cái giống gì. Bèn hỏi “vợ tôi”. Nàng bảo nhỏ:
- Đó là ăng ten Ti Vi, nhà quê thế, anh!
Tôi đáp thầm.
- Thì nhà quê chớ còn gì nữa.
Hình như đến Sa Đéc thì trời tối. “Vợ tôi” dắt tôi vô nhà người quen. Ở gần mé sông. Cơm nước xong nàng đi mua đồ còn tôi thì vô buồng nằm chèo queo, bụng hồi hộp sợ bị xét bắt. Một hồi lâu nàng về, vô buồng bảo nhỏ tôi:
- Mai anh thay đồ khác.
- Chi vậy?
- Thay hình đổi dạng mà. Anh nên nhớ là mình phải làm vợ chồng cho khéo nghe. Đừng có sượng. Trên đường này nhiều cảnh sát ngầm dữ lắm. Chúng nó rất tinh mắt. Nếu tối mà bị chúng xét nhà, anh cũng phải… làm chồng thiệt đó.
- Nghĩa là sao?
Nàng kề tai nói nhỏ. Tôi kêu lên:
- Đâu có được nà!
- Ừ hổng chịu làm thì nó nghi nó bắt.
- Sao có chuyện kỳ vậy?
- Em hổng biết đâu, nhưng muốn qua mắt địch phải làm mọi thứ.
Về sau khi hiểu ra thì chuyện “vợ chồng” như vầy. Số là có một vài trường hợp giao liên dắt khách đi đường công khai bị lộ. Cả hai phải khai là vợ chồng. Trong những trường hợp khả nghi cảnh sát hoặc nhân dân tự vệ bảo: Đâu hai người chứng tỏ là vợ chồng thiệt coi nào! Chính Tư Mô và “vợ”, bị xét nghiệm kiểu đó. Nhưng Tư Mô than: Tôi mới khỏi bệnh còn yếu!… Nhờ vậy mà thoát nạn.
Sáng hôm sau lên xe, trong bụng run quá. Có một người đàn ông đeo ở cửa xe nhìn lom lom từng hành khách một. Tôi sợ bị xét, nhưng đến Hồng Ngự, anh ta tha Tào. Hú vía. “Vợ tôi” trao tôi cho một trạm khác ở chợ Hồng Ngự. Trạm này dắt tôi đến mối đường vào Sông Bé. Ở đây tôi gặp Ba Đường, Trưởng Ban ATK (gọi là A-tê-ca tức là An Toàn Khu) của Khu IV.
Ba Đường vốn là tiểu đội phó trung đội địa phương huyện Ô Môn tỉnh Cần Thơ, chuyên môn bắn cây FM Bỉ. Ra Bắc không biết làm gì, vào Trường Sơn hồi nào, nay lọt vô đây. Anh đã có vợ có con.
Nhờ bộ tóc bạc và mớ râu rậm rạp mà anh qua mắt cảnh sát hằng ngày. Phương tiện đưa khách của anh là một chiếc đuôi tôm nhỏ có rèm ốp. Vợ con ngồi bên trong còn anh cầm lái. Gặp lại bạn cũ anh mừng rỡ:
- Sao tới đây chú em?
Rồi lái một lèo chừng một buổi thì tới một xóm nhà trên bờ Sông Bé. Anh dắt hai đứa tôi lên bờ giao cho trạm mới, bắt tay.
- Thôi ở đây rồi đi lên Bắc Lộ.
- Là đâu?
- Qua xứ mắm bò hóc, lên tuốt trên, xa lắm.
Tôi và Tư Mô ở trong một cái nhà sàn. Ban đêm nhân viên văn phòng đánh cá bằng lưới bén. Sáng ngày kéo lên. Cá vô số kể, gỡ mỏi tay không hết.
Chúng tôi tha hồ ăn. Còn thừa lớp ném đi, lớp chà bông để đem theo lên rừng. Cách đó vài cái nhà là nơi mấy ông kẹ đóng chung với mấy em nữ sinh áo hồng áo tím trong thành mới ra và nếm mùi ba-toong gân của cách mệnh.
Một đêm tôi đang ngủ thì có người đập dậy cho hay rằng cái thùng-sắt của nợ của tôi đã đến. Tôi không mừng chút nào. Vì tôi đã quyết định “Đi!”.
Xin tặng lại cho cách mạng.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc