Chương 21
ội cải cách đến làng Sọ được ba ngày. Sư bác Khoan Độ và chị Nguyệt được triệu tập ra đình. Anh đội Khoát bảo:
- Tôi đã nghiên cứu kỹ về nhà chùa. Ở đây có nhiều vấn đề. Riêng sư thầy và cô Nguyệt, tôi đã xem xét lý lịch. Không có vấn đề. Cũng là bần cố cả thôi. Chỉ có điều mắc phải mê tín dị đoan. Nhẹ thôi. Chịu khó học tập, cải tạo, thì cũng là chỗ dựa của cách mạng. Các rễ chuỗi cốt cán trong làng đều nói hai người rất tốt. Trong kháng chiến, sư thầy có công diệt được thằng Tầy lùn ác ôn. Còn chị Nguyệt, tuy chưa cưới xin, nhưng chồng là liệt sĩ bị giặc Pháp giết hại. Riêng sư cụ trong chùa lại là một phần tử cực kỳ nguy hiểm. Tôi thay mặt đội cải cách, kêu gọi tinh thần giác ngộ giai cấp của hai vị. Hãy vì cách mạng, hãy vì Đảng mà tố cáo mọi hành vi đen tối của sư Vô úy. Lão sư già này rất thâm hiểm. Những kẻ mặc áo cà sa bao giờ cũng tinh vi... Bề ngoài thì từ bi... nhân đức... nhưng thực chất lại là phản động. Nhưng dù hắn xảo quyệt đến đâu cũng không thể che giấu được con mắt của nhân dân...
Nhất là các vị... Các vị ở gần lão ta... hàng ngày tiếp xúc với lão ta... Con cáo dù xảo quyệt đến đâu cũng không che giấu được mãi... Có những lúc sơ hở cái đuôi cáo cũng thò ra... Đấy là những lời nói. Có thể là những lời nói rõ rệt... Cũng có thể là những lời phản động mập mờ... Chính nó mập mờ nên càng nguy hiểm... Chẳng hạn như những lúc uống trà với chánh Long, hắn đã phát biểu những gì. Những lời bất mãn với cách mạng... những lời chống đối ra mặt... những lời than thở chê bai... Chẳng hạn có những lúc hắn họp bàn với lão sư đệ Vô Trần... Hắn bảo là hội ý Việt Minh ư?... Đừng tin vào lời nói... Việt Minh giả đấy. Đó là những cuộc họp Việt Nam Quốc dân đảng... Thế đấy! Thâm hiểm thế đấy... Có như vậy Đảng mới phải nhờ cậy vào sự giác ngộ của các vị... Mong các vị lập công với Đảng... Các vị càng dứt khoát, càng vạch trần nhiều tội lỗi của chúng thì các vị đã có công với cách mạng trước đây, phen này lại càng lập công to hơn... Và các vị đã được Đảng tin cậy, phen này lại được Đảng tin cậy hơn.
Anh Khoát chắc biết rõ hai người vốn chịu ơn sâu nặng của vị sư già, cho nên anh phát biểu dài như thế. Dài như một bài diễn văn. Vừa nói vừa nhìn vào mắt họ. Chủ yếu để thăm dò. Nếu họ chịu khuất phục ngay, hân hoan tán thưởng ngay, đó là điều tốt nhất, quá sức mong đợi. Và Khoát lập tức liệt họ vào hàng cốt cán, sẽ cho họ những ân huệ đặc biệt... Còn nếu họ chưa chịu hợp tác, thì ít nhất lời nói của anh cũng phân hóa được hàng ngũ địch, biến họ thành trung lập. Mà những người đã trung lập, thì chỉ cần khéo léo một chút xíu, là đã bước chân sang phía bên này rồi. Chút xíu khéo léo ấy tức là một tí lợi quyền chẳng hạn, một tí sợ hãi chẳng hạn. Con người ta, lợi quyền ai chẳng ham, sợ hãi ai chẳng muốn tránh. Con người vốn tham lam, vốn hèn yếu. Đánh mạnh vào những điểm ấy, trong những lúc bão tố như thế này, chắc chắn anh sẽ tập hợp được một đội quân cuồng nộ đi theo. Ba đợt cải cách, mà anh đã tham dự, đã cho anh những kinh nghiệm ấy. Chính vì vậy nên Khoát không vội vàng. Mới chỉ có ba ngày, tức là lửa chỉ mới nhen, gió chỉ mới dấy lên hiu hiu thổi. Mươi hôm nữa, lửa sẽ phừng phừng, gió sẽ ào ào. Đến lúc ấy, gió lửa cuồng nộ sẽ cuốn phăng tất cả. Trong trận cuồng phong có ai cưỡng lại được gió. Đến lúc ấy, kẻ nào chậm chân, hay dừng lại, sẽ bị nó đè bẹp, dẫm nát, xé tan ra từng mảnh. Hỡi các người! Hãy mau theo ta! Ai đến sớm nhất sẽ có lợi nhất. Người xưa chẳng nói trâu chậm uống nước đục hay sao. Anh đội Khoát nghĩ như vậy và cứ chằm chằm nhìn vào hai người. Anh chờ đợi, nhưng hai người chỉ cúi đầu xuống, lảng tránh tia mắt của anh. Cuối cùng, anh Khoát nói:
- Tôi biết lão sư già rất tinh vi. Hắn che đậy rất khéo léo những hành động, những lời nói. Vì vậy, các vị cần có thì giờ để ôn lại. Ngay từ giờ phút này, các vị hãy bắt đầu cố nhớ lại cho thật kỹ. Chớ bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt nào. Có khi một chi tiết nhỏ lại là một đầu mối lớn cho chúng tôi. Nhớ ra điều gì đến gặp tôi ngay. Cách mạng kêu gọi các vị đấy... Tôi chờ đợi các vị đấy... Nên nhớ, càng sớm càng có cơ hội, càng muộn càng bất lợi... Hai vị hiểu đấy chứ?
Lời nói vừa như mơn trớn, vừa như đe dọa ấy làm sư Khoan Độ và cô Nguyệt suy nghĩ rất lung. Họ cắm cúi về chùa chẳng nói một lời. về đến nơi, họ vào ngay nhà tổ. Sư cụ ngồi ở tràng kỷ chờ họ. Sự Khoan Độ thưa:
- Bạch thầy, tình hình rất căng thẳng.
- Con cứ bình tĩnh kể lại đầu đuôi.
Sư bác, sau khi kể, đưa ra kết luận:
- Bạch thầy, anh đội Khoát muốn chúng con tố cáo thầy bằng bất cứ giá nào. Xoay quanh việc thầy thân thiết với ông chánh Long và sư thúc Vô Trần.
- A di đà Phật! Ông chánh Long thì đi một nhẽ. Mục tiêu của cải cách ruộng đất mà. Còn ta cũng đi một nhẽ. Vì là mê tín dị đoan, vì làm mê muội nhân dân mà. - Còn sư thúc của các con... ông ấy làm người cách mạng... nhưng cũng không thoát... A di đà Phật!...
Sư bác thở dài:
- Con thiết nghĩ trước sau thế nào họ cũng bắt sư phụ. Con nghĩ thế vì anh đội Khoát không úp mở gì, quy sư phụ là phần tử phản động. Tình thế thật khẩn trương.
- A di đà Phật! Ý con như thế nào?
- Bạch thầy, tình hình đã đến nước này, con nghĩ thầy cứ trốn đi là hơn.
- Đi trốn ư?
- Thưa thầy, con nghĩ đã đến lúc nguy cấp, nếu ta không tính nhanh thì sẽ không kịp. Nếu thầy ở lại, chắc sẽ chuốc lấy tai họa. Con xin mạn phép tính thế này: Ngay đêm nay, con hộ tống thầy, ta lên đường ngay. Đội mới về chỉ ít hôm, đội cải cách chưa tập hợp đủ người tin cậy. Việc gác xách các nẻo đường còn vô cùng lỏng lẻo. Trong kháng chiến, con đã thuộc mọi đường ngang ngõ tắt. Trời càng tối càng thuận lợi. Con đi đêm chẳng khác gì đi ban ngày...
Vị sư già cười mỉm hiền hậu:
- Con định đưa thầy đi đâu bây giờ? Lúc này ở ta, nơi nào chẳng đang cải cách.
- Thầy trò mình lại quay trở về chốn xưa. Lại về vùng núi sâu Yên Tử. Ở đấy, dân thưa vắng. Ở đấy, dân sơn cước tính tình chất phác. Ở đấy, đất đai rộng rãi. Chắc chắn ít địa chủ hơn. Chắc chắn ít sự tàn khốc. Cho nên cuộc đấu tranh cũng ít khắc nghiệt hơn. Vả lại cái am mà thầy trò ta trú ngụ ngày xưa vẫn còn. Chỉ có mái lợp lá đã sụt hết cả. Con chỉ cần gác mấy chiếc đòn tay, rồi cắt ít tranh lợp lại là thầy trò ta có thể sống qua ngày. Con lạy thầy! Xin thầy nghe con! Hãy đi lánh nạn vài tháng. Đợi cho yên tĩnh trở lại, con lại xin cõng thầy quay trở về đây ngay... Còn việc ở nhà, mong thầy yên tâm. Chú An nay đã lớn khôn, có thể đảm đương được việc đèn nhang, chẳng bao giờ có chuyện hương lạnh khói tàn. Việc đồng áng thì đã có cô Nguyệt và vãi Thầm quán xuyến...
Sư cụ, mặt rất vui, tỏ vẻ hài lòng với người học trò. Cụ gật đầu nói với giọng ung dung điềm tĩnh:
- Con tính toán mọi việc thế là chu đáo. Tuy nhiên, thầy không thể bỏ trốn được lúc này. Bởi vì đã mang lấy nghiệp là phải gánh chịu nghiệp. Nếu tránh được khi này, thì nghiệp vẫn sờ sờ ra đấy, lúc khác ta lại phải gánh chịu. - Sư cụ nhắm mắt lại một lúc như để quán tưởng điều gì rồi mở mắt ra bảo. - Chỉ tiếc rằng cái căn nghiệp mà chúng ta chịu đựng phen này khá nặng nề. Vả lại, nghiệp này chỉ mình ta phải chịu. Nếu như ta cùng con đi trốn. Việc ấy sẽ liên lụy đến con. Đó là điều ta không muốn. Khoan Độ ạ, trốn cũng không được đâu. Ta sẵn sàng hy sinh cho Phật pháp. Nếu lỡ xảy ra chuyện gì, thì ở đây phải trông cậy vào con... Thầy đã nghĩ kỹ rồi. Thầy sẽ đến gặp anh đội cải cách.
Hai thầy trò nói chuyện đến tận khuya. Anh đội Khoát mới chỉ về làng vài hôm, nhưng đã có thái độ riêng. Anh ta rất lanh lợi, yêu ghét rõ ràng. Khoát chắc chắn là người vô thần, mà vô thần đến mức cực đoan. Ngay ở gần đình, có một điện thờ tam tứ phủ. Sáng về làng thì chiều anh ta đến ngay và hỏi:
- Ở đây thờ gì? Sao lại có hai con rắn trên quá giang thế kia? Thờ rắn à? Thờ hổ mang à? Anh em du kích đâu, giật ngay hai con rắn xanh rắn trắng xuống. Cách mạng không dung thứ cái trò mê tín dị đoan.
Riêng đối với chùa, anh Khoát dè dặt hơn, nhưng rất ghét các nhà sư, nhất là những nhà sư hổ mang, hư đốn. Anh bảo với những cốt cán:
- Lão hòa thượng hèn mọn ở chùa làng ta cớ sao lại thu phục được dân chúng thế nhỉ. Tôi hỏi dân làng, không nghe thấy ai nói xấu ông già. Chắc hắn đã làm nhiều điều bàng môn tà đạo để mê hoặc dân. Mà lại biết cách che đậy kín đáo. Hắn đeo mặt nạ đi tu. Tôi phải vạch trần bộ mặt thật của hắn ra.
Khoát đặt ra cả một kế hoạch để hạ gục sư Vô úy mà Khoát tin là một phản động đầu sỏ. Bước đầu gọi sư Khoan Độ và Nguyệt lên, đó chỉ là bước đánh động, phân hóa. Khoát chưa kịp tiến hành bước sau, thì sư Vô úy đã tự động dẫn thân đến
ngôi đình, trụ sở của đội. Phật giáo là một tôn giáo lớn, có ảnh hưởng sâu nặng với làng quê từ bao đời nay. Đâu có giống như đạo Mẫu, đạo ngồi đồng, đạo dân gian chẳng bao giờ có chút quyền uy. Đó là đạo của những người đàn bà thôn quê khổ cực chẳng biết than thân cùng ai, nên đến đó để làm ông hoàng bà chúa trong chốc lát, cốt giải tỏa những sầu khổ, uất ức, tủi nhục. Đã là đạo của những người đàn bà thì ai muốn làm gì chả được, muốn đối xử tùy tiện thế nào chả được. Còn đối với đạo Phật, đối xử với nó tức là đối xử với cả một bề dày văn hóa tâm linh. Đối xử với nó tức là đối xử với cả một chiều thăm thẳm của lòng nhân ái. Đối xử với nó tức là đối xử với chính mình. Bởi vì bất kỳ ai chẳng có chút Phật trong lòng mà mình không biết. Có thể ta phủ nhận điều đó, nhưng nó cứ tồn tại trong ta. Nó gây cho Khoát sự gờn gợn, sự lúng túng. Anh biết anh đang có một quyền uy vô cùng to lớn trong tay, quyền uy của một đội trưởng cải cách, nghĩa là anh có quyền sinh quyền sát con người. Song dù là thế, anh vẫn cứ thấy gờn gọn, lấn cấn trong lòng. Điều mà một người có tiếng là cứng rắn, là lập trường vững vàng như anh cũng không thể phân tích nổi. Vì vậy, nên Khoát hôm ấy mới điềm tĩnh và mềm dẻo. Một điều hiếm thấy. Anh ôn tồn hỏi:
- Hòa thượng đến đây có việc gì?
Ông sư già rất lễ phép:
- Chúng tôi biết lúc này anh đội phải bận trăm công nghìn việc, chúng tôi không dám phiền anh đội lâu đâu ạ. Chúng tôi chắc anh chưa rõ tình hình của chùa làng. Cho nên tôi tới xin được giãi bày cùng anh đội đôi lời.
Đội Khoát bỗng hỏi một câu hình như có vẻ rất xa đối với tình hình lúc đó. Nó có vẻ rất lý thuyết, chẳng dính líu gì tới nhiệm vụ của một đội cải cách ruộng đất về làng. Tuy nhiên vẫn thấy sự căng thẳng trên nét mặt và trong giọng nói của anh:
- Phật giáo dùng để làm gì nhỉ? Để cho các chùa chiền được tự do liệu có ích gì không?
Sư Vô Úy không ngờ bắt đầu cuộc nói chuyện với con người nổi tiếng là cứng lòng ấy lại là câu hỏi như vậy. Có thể vì Khoát lúng túng chăng? Hay là anh ta cũng có những vướng mắc trong tâm hồn mà vô tình đã bật ra lời. Sư cụ nhân cơ hội, hiền hòa nói:
- Từ bao đời nay, dân ta đều biết Phật giáo dùng để cứu đời. Hàng ngàn đời nay, Phật giáo ở nước ta chỉ làm lợi lạc cho đất nước, cho nhân quần. Ân đức của đức Phật giáo hóa cho dân thật vô lượng. Vì thế nên làng nào, xã nào trên đất nước ta cũng có chùa. Từ lý lẽ thâm sâu cho tới hành động của nhà chùa đều chỉ vì mục đích tạo điều lành, diệt điều ác. Cũng từ xưa đến nay, cả nhà chùa, cả chính quyền đều cùng lập hạnh. Chính quyền lo sự an dân. Nhà chùa lo dạy dân hướng thiện, tránh ác. Tức là Phật giáo lo trị bệnh cái tâm con người. Nếu tâm lành, thì mọi sự bình an, trời đất thái bình. Tâm là gốc của sự sự, việc việc trên thế gian...
Hình như lời nói của sư Vô úy làm cho gương mặt của anh đội Khoát đã bớt nét căng thẳng. Anh dịu giọng hơn khi hỏi:
- Nói thì hay như vậy, nhưng tại sao trong dân gian, sư sãi vẫn làm lắm việc không hay, thật chẳng khác gì những kẻ xấu trong xã hội. Người ta gọi họ là sư hổ mang, là kẻ trốn việc quan đi ở chùa.
- Hòa thượng chỉ là tên gọi, trong họ vẫn có kẻ phàm người thánh. Người ta không thể chỉ thấy mấy ông sư làm sai mà trách cứ chê bai Phật giáo. Nói rộng ra, tất cả các đoàn thể trên thế gian này đều như thế cả. Không có đoàn thể nào chỉ toàn người chính trực. Biển cả bao dung chứa đựng muôn loài không phân biệt cá tôm cua ốc. Tánh Phật cũng bao la như biển cả, dung chứa tất cả chúng sinh, kể cả tốt lẫn xấu.
Có lẽ lời lẽ của hòa thượng đều đúng quá. Cũng có khi vì cách trao đổi quá ư hiền hòa và viển vông lý thuyết. Điều ấy không phù hợp với phong cách của một anh đội trưởng cải cách, mà tính sắt đá, tính cuồng nộ bừng bừng khí thế mới là phong thái điển hình. Cho nên, bỗng nhiên, Khoát đổi giọng. Dây đàn chùng được căng lại.
- Thôi, không dông dài nửa. Ông sư hãy nghe đây. Đội cho ông về suy nghĩ. Ngày mai, chín giờ, ra đây. Phải trình bày rành mạch mối quan hệ của ông với tên Trần, tên Nấm, tên Long. Chúng nó là bọn địa chủ, bọn phản động, có nợ máu với nhân dân. Ông đã rõ những lời tôi nói chưa?
Khoát báo cáo tình hình lên Đoàn ủy. Có vẻ Đoàn ủy cũng lưỡng lự. Bởi vì, xét về mặt chiếm hữu ruộng đất và bóc lột nhà chùa tuy có cho cấy rẽ hơn một mẫu ruộng thật, nhưng mức tô lại quá thấp. Ở những chân ruộng xấu, hầu như tô chẳng có gì, nhà chùa chỉ lấy ít thóc tùy tâm người cấy để nhang đèn cúng Phật. Những nhà nghèo làm ruộng thuê, chẳng ai tố cáo điều gì, vì lẽ họ thật sự chịu ơn nhà chùa đã giúp họ miếng cơm. Vả lại, tố điêu cho nhà chùa, hoá ra tố điêu cho đức Phật à, điều này họ không dám làm.
Một hôm, bà cụ Thầm nói với con gái bằng một giọng rất tỉnh táo. Quái lạ! Mọi khi bà cứ mê mê tỉnh tỉnh nói toàn chuyện âm phủ. Không hiểu sao hôm ấy bà nói khôn thế:
- Bố mày về tối hôm qua nói chuyện với mẹ đấy. Ông ấy bảo tao rằng: “Dân làng ai nói hơn nói kém, mặc người ta. Còn vợ chồng mày, đối với nhà chùa phải nói cho thật. Chịu ơn ai thì nói chịu ơn. Đừng có a dua, đừng có tham như mõ mà một nói thành mười. Kẻo rồi lúc xuống âm phủ, quỷ đầu trâu nó bẻ răng rút lưỡi”.
Bản tính vợ chồng anh Lẫm chị Thì vốn lương thiện, lại được mẹ dặn dò, cho nên dù được bắt rễ làm cốt cán, dù được đội bồi dưỡng thế nào, anh vẫn luôn luôn một mực nói hay cho nhà chùa. Không có lời tố khổ của quần chúng, lại không có chứng cứ rõ rệt, nên quy cho sư ông Vô úy bóc lột cũng khó, mà quy là phản động cũng khó. Cho nên đội Khoát vô cùng khó xử.
Cho đến khi mẹ con bà Nấm, cái Huệ bỏ trốn, Khoát liền cho đội du kích bao vây nhà chùa, theo dõi cả ngày, lẫn đêm. Lại có lúc tỏ ra lơi lỏng, sơ hở, tạo điều kiện cho ông sư đi trốn, để tạo cớ bắt quả tang. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn chẳng hề động tĩnh. Nhưng đến hôm xử bắn chánh Long, thì đội trưởng Khoát nôn nóng không đừng được. Điểm mấu chốt là Khoát muốn hoàn thành hồ sơ về Vô Trần. Anh ta cứ khăng khăng đinh ninh rằng Vô Trần, chánh Long, sư Vô úy là một tổ chức phản động, địa chủ cấu kết với nhau, mà vô Trần là kẻ đứng đầu. Theo kinh nghiệm ba đợt cải cách anh đã tham dự, lô gích của các sự việc phải là như thế. Nếu chỉ bắt địa chủ ác bá đem bắn, điều ấy đội cải cách tầm thường nào chẳng làm được. Nhưng nếu phát hiện được một tổ chức phản động chui sâu leo cao vào để phá cách mạng từ bên trong, rồi chúng lại cấu kết với bọn địa chủ bóc lột, và bọn tôn giáo chống đối cách mạng nữa, thì công tích ấy thật to lớn vô cùng, và con đường thăng tiến cách mạng của anh cũng sẽ thênh thang không thể lường được.
Khoát nhắm vào Vô Trần, nhưng Vô Trần lại có một vỏ bọc cách mạng từ hồi bí mật. Hiện nay, Trần là chính trị viên tiểu đoàn trong quân đội. Khoát đã đề nghị Đoàn ủy viết giấy gọi anh ta về xã để cho đội cải cách xét hỏi. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy quân đội giải anh ta về. Chắc Trần đã được cấp trên bao che. Trường hợp này thật khó vô cùng. Song càng khó Khoát càng thích. Bởi vì tóm được một tên phản động chui sầu, công càng to.
Trong tình hình ấy, khi mẹ con bà Nấm bỏ trốn, Khoát càng tin rằng Vô Trần và bà Nấm có tội thực sự. Người ta gửi điện đến các địa phương trong tỉnh để truy lùng mẹ con bà Nấm. Cách suy nghĩ của bà Nấm là đúng. Bà không ra đường quốc lộ, đó là con đường gần nhưng nó lại vẫn nằm trong tỉnh và ở trong một vùng đang cải cách ruộng đất sôi động. Bà đi lên hướng bắc thoát sang tỉnh bạn, ở đó tình hình yên ắng. Hai mẹ con thoát khỏi sự truy đuổi gắt gao. Hai mẹ con ngủ cầu, ngủ quán, ngủ đinh, ngủ chùa. Chẳng có đồng nào giắt lưng. Đói thì ăn xin, khát thì uống nước ruộng. Mất ba ngày lần mò mới lại ra đến đường quốc lộ. Hai mẹ con ngồi bên vệ đường định đón ôtô đi nhờ về Hà Nội, nhưng hồi ấy rất ít ôtô. Chờ cả một tiếng mà chẳng có chiếc xe nào đi qua. Đang chờ bỗng nghe tiếng ồn ào. Văng vẳng như tiếng hô khẩu hiệu. Nghe cả tiếng gõ trống. Một lát sau, thấy xuất hiện đoàn người đi cổ động kéo dài trên đường quốc lộ. Hóa ra ở đây cũng bắt đầu phát động quần chúng. Hai mẹ con sợ hãi quá vội lẩn sang bên kia đường. Họ vội tránh xa khỏi con đường và đám cổ động. Vượt qua con đê đến cánh bãi ven sông. Ở đây, ngô cao lút đầu người. Họ chui vào những ruộng ngô. Bà Nấm bảo Huệ:
- Mẹ nghĩ kỹ rồi. Đi đường quốc lộ, mẹ con ta dễ bị bắt lại. Chi bằng ta đi theo đường sông. Trên sông vắng người. Đây là sông Hồng. Nó sẽ dẫn mẹ con ta về Hà Nội.
Đói bụng quá, Huệ phải lấy trộm vài bắp ngô non, bóc ra. Hai mẹ con ăn ngô sống. Ngô non ăn sống cả lõi ngọt lừ. Mẹ con đang ăn thì nghe thấy tiếng người đằng hắng. Thật nguy hiểm. Họ đã bị bắt quả tang ăn trộm. Nếu người canh đồng bắt họ đưa về xã thì sao. Thấy tiếng nhưng chưa thấy người. Kẻ bắt trộm vẫn đứng trong lùm ngô cao quá đầu người. Hai mẹ con bà Nấm bật thành tiếng khóc rồi sụp xuống lạy về phía tiếng người:
- Mẹ con tôi xin người tha tội. Chẳng qua đến bước đường cùng, đói bụng quá ăn mấy bắp ngô. Chúng tôi vốn người lương thiện, chưa ăn trộm ăn cắp của ai bao giờ.
Người đằng hắng hình như còn nấp kín để quan sát xem thực sự mẹ con bà Nấm là người thế nào. Mẹ con bà, mặc quần áo nâu cũ đã hơn một tuần chưa thay, lại lăn lộn đường trường gió bụi nên thân hình tiều tụy, mặt mũi nhem nhuốc. Tuy nhiên, ở họ, dáng vẻ vẫn rất đàng hoàng, dáng vẻ của những con người tử tế sa cơ lỡ bước, chứ không phải của phường trộm cắp. Vả lại họ có những gương mặt sáng sủa. Người giấu mặt chắc đã thấy họ từ lâu, trước khi đằng hắng đánh tiếng. Có tiếng lá ngô xào xạc và tiếng chân người bước ra. Hai mẹ con vừa sợ vừa nhục, vẫn cúi đầu. Một tiếng nói cất lên:
- Mẹ con đừng sợ. Nào hãy đứng dậy.
Huệ và bà Nấm vô cùng ngạc nhiên khi thấy đứng trước mình không phải người canh đồng mà là một bà lão tóc bạc trắng. Bà cụ trạc ngoài bảy mươi, vẫn còn khỏe, lưng không còng, dáng vẻ tinh anh vững chãi. Đôi con mắt nhỏ vẫn còn sáng nhìn họ như biết cười.
- Mẹ con đói lắm phải không? Nhà ta ở gần đây. về ta thổi niêu cơm nóng cho ăn. Kẻo cứ ăn sống ăn sít mãi, rồi sinh bệnh ra...
Căn lều của bà cụ rách nát tuềnh toàng. Khi hai mẹ con ra vại nước, bà cụ nhóm lửa nấu cơm trong chiếc niêu đất. Nhìn hai gương mặt sáng bừng của chị Nấm và Huệ, sau khi đã rửa mặt, bà cụ cười móm mém và cứ gật đầu một mình. Bà cụ xới cơm nóng, lấy mấy quả cà và bát tương cho mẹ con chị ăn, rồi ngồi bên cạnh thủ thỉ:
- Ta chỉ nhìn mặt cũng biết mẹ con chị là người thế nào. Ta biết mẹ con chị là người tử tế nên ta mới giúp. Chắc là mẹ con gặp cảnh ngang trái phải không? Trốn nợ, vợ cả vợ lẽ lục đục, hay là cháy nhà lũ lụt mà phải lang thang cơ nhỡ? Ta nghĩ mãi
nhưng chắc không phải... Không phải bởi vì ta cứ thấy mẹ con chị cứ lấm lét... sợ sệt... Dáng vẻ của các con là những người đi trốn... Kìa... các con cứ ăn đi, và đừng có sợ... Cả đời ta, ta chỉ biết giúp người mà thôi... Ta hiểu chứ... Nhìn thấy hai mẹ con lam lũ nhưng mặt mũi sáng sủa... dáng vẻ đường hoàng là ta nhận ra ngay... Ta biết ngay các con là người gặp hoạn nạn trong cải cách... Các con cứ ăn đi... Mà đừng sợ hãi gì... Ta phải nói thế, vì ở mỗi hoàn cảnh, lại phải giúp một cách khác... Có phải không nào... Ta có người bà con đi buôn chuyến. Mười ngày một chuyến về Hà Nội. Bảy ngày nữa bà ta mới tới đây. Nếu là cơ nhỡ bình thường, thì chờ cũng chẳng sao... Còn nếu là chuyện cải cách, thì lại khác. Phải đi thật nhanh, rời khỏi đây thật nhanh, có phải không? Ta biết vì xã ta đã cải cách rồi, có nhà địa chủ bị bao vây, cả nhà không có gì ăn, ôm nhau mà chết... Trốn khỏi quê là phải... Đi nhanh khỏi quê là phải... Hãy ra Hà Nội. Hãy ra thủ đô... Ở đó chắc có bà con... Tìm đến họ hàng mà sống tạm trong lúc sóng to gió lớn.
Hai mẹ con bà Nấm cứ cắm cúi ngồi ăn, có lúc họ dừng lại vì lo sợ, vì ngạc nhiên... Cớ sao bà cụ lại nói đúng hoàn cảnh tâm trạng của họ đến thế... Có lúc họ nghi ngại, nhưng khi nhìn nét mặt hiền từ và giọng nói chất phác của bà cụ, họ lại thấy yên lòng. Bà cụ già muốn giúp họ thật.
Sáng hôm sau, bà cụ dậy sớm, rang cho họ mấy mẻ ngô, rồi đổ tất cả vào một chiếc hầu bao bằng vải nâu:
- Từ đây về Hà Nội, đi đường sông, chẳng xa lắm đâu. Ta chẳng có tiền cho các con. Chỉ có bao lương khô này, ăn lúc đói, để khỏi phải ăn xin. Còn thuyền ư? Các con theo ta ra đây.
Bà cụ dẫn mẹ con Huệ ra một vườn chuối khá rộng rồi nói: - Chặt mười cây chuối ghép lại làm bè. Ta cho một mái chèo, một cây sào. về dưới đó xuôi nước. Mẹ con cứ men theo bờ mà đi. Chưa quen, nhưng chỉ một lúc là quen. Nhớ đừng ra giữa dòng.
Họ rưng rưng nước mắt chia tay bà cụ. Sao chẳng có chút máu mủ ruột rà gì mà bà cụ tận tình với họ thế. Hai mẹ con ngồi lên chiếc bè rất thô sơ. Kiểu bè thời nguyên thủy nhưng khá chắc chắn và rất nổi. Nước con sông Hồng vào cuối mùa thu cũng không chảy xiết lắm. May mắn thay, bà Nấm vốn biết bơi từ hồi còn trẻ. Còn Huệ, nhờ lúc trước luôn đi theo bọn thằng Căn, thằng Trắm bắt cua bắt cá, lặn lội trên con sông Đào nên sóng nước với nó chẳng có gì đáng sợ. Bà Nấm cầm sào đứng mũi. Cái Huệ cầm chèo đứng cuối bè. Tiếng là bè đi ven sông nhưng cũng nhanh lắm. Có lúc nó trôi phăng phăng chồm lên sóng rồi dúi xuống nước như con ngựa bất kham. Có lúc nó lại lừ lừ trôi hiền hòa như một chiếc du thuyền. Huệ nhìn ra giữa dòng sông mênh mông. Ở đó những đám củi rều trôi phăng phăng hối hả. Ở đó, những con thuyền buồm cánh dơi lướt như bay trên sóng dữ. Ở đó những bè gỗ, bè tre nứa, nối với nhau thành một con rắn khổng lồ, uốn mình trên cả một khúc sông dài. Những người chống sào là những người đàn ông ở trần, trên mình có độc một chiếc khố. Những thân hình màu đồng hun sừng sững trên con sông màu đỏ. Một gã chống sào nói tiếng Thanh Hóa bỗng cất tiếng hát:
Sông Bồ Đề nước đỏ như son
Anh chưa lấy vợ, em còn nhớ thương
Sông sâu cá lặn biệt tăm
Chín thu cũng đợi mười năm cũng chờ.
Giọng người đàn ông trầm ấm vang vang trong mênh mông trên những lớp sóng cuồn cuộn. Giọng xứ Thanh hùng tráng nhưng thoang thoảng nỗi buồn. Chiếc bè chuối đang trôi bỗng gặp một đàn cá. Chúng từ dưới nước nhảy lên không trung thành những đường cầu vồng trắng toát. Sự ngẫu nhiên nhưng đem lại cảm tưởng như những con cá bạc kia cũng ngẩn ngơ lao xao vì tiếng hát.
Đi đến khoảng quá trưa thì bè chuối của hai mẹ con gặp bè gỗ nứa khổng lồ ở một khúc sông hoang vắng. Khúc sông tương đối êm đềm. Lại thêm một loạt bè nứa như con đê chắn sóng bên ngoài, nên ở phần sát bờ, nước phăng lạng như trong mặt ao. Cái bè chuối tí xíu so với loạt bè nứa trong như thứ đồ chơi của lũ trẻ con tinh nghịch. Những gã đàn ông thợ bè đang nhóm bếp thổi cơm nhìn hai mẹ con chị Nấm bằng những con mắt hau háu sỗ sàng. Trên một chiếc bè gần đó, ở đấy có một căn lều làm bởi một tấm phên long đôi uốn cong kiểu mui thuyền. Một người đàn ông mặc bộ quần áo nâu già rất tề chỉnh chui ra. Theo sau là một người đàn ông vạm vỡ mặc độc một chiếc quần lửng. Người cởi trần ấy nói một câu gì đó với người mặc bộ nâu già. Nghe chẳng rõ nhưng nhận ngay ra giọng anh là giọng xứ Thanh. Huệ thầm nghĩ chắc ông ta là người cất giọng hát giữa dòng sông sáng hôm nay. Bà Nấm chẳng nói chẳng rằng cứ mãi miết chống sào. Chợt người đàn ông cởi trần cất tiếng nói như lệnh vỡ:
- Này, hai mẹ con chị kia. Ông chủ tôi muốn hỏi hai mẹ con chị đi đâu mà lại đi bằng bè chuối. Sao lại vất vả thế?
Bà Nấm cũng nói to trả lời:
- Chúng tôi về bến Nứa.
Lúc bấy giờ người mặc quần áo nâu già mới lên tiếng:
- Rõ khổ! Quãng này nước lặng còn đi được. Đoạn sắp tới, bè chuối không đi nổi đâu. Chỗ ấy nhiều xoáy nước. Nước lại chảy xiết.
Hai mẹ con ngước mắt nhìn lên, thấy người được gọi là ông chủ ấy hãy còn trẻ, chưa đến ba mươi. Khác với vẻ dữ dằn phong trần của người đàn ông xứ Thanh cởi trần, gương mặt của người quần áo nâu già sáng sủa có vẻ tử tế. Anh ta ôn tồn bảo:
- Chúng tôi cũng mang nứa về Hà Nội. Có muốn đi nhờ thì tôi giúp. Chứ trông thấy cái bè chuối ấy... ái ngại lắm. Nó không chịu nổi sóng dữ của khúc sông kia đâu.
Không cho mẹ con chị Nấm kịp ngần ngừ, người cởi trần giơ cái sào rất dài ra, đặt đầu sào lên chiếc bè chuối rồi quát to ra lệnh:
- Này cô bé, nắm lấy sào đi.
Huệ lúng túng nhìn mẹ. Chị Nấm có một thoáng lưỡng lự, nhưng nhìn dòng sông đỏ ngầu bao la, chị bỗng khẽ gật đầu. Khi hai mẹ con đã lên bè, người đàn ông quần áo nâu già lặng lẽ đi vào trong lều. Còn người đàn ông cởi trần dắt hai mẹ con đến chiếc bè đang bắc bếp thổi cơm. Có năm người phu chống bè cũng cởi trần như người đầu tiên đang chuẩn bị bữa ăn. Để cho bằng phẳng dễ ngồi, họ cũng trải chiếu nhưng chiếu ở đây là một tấm phên. Có lẽ tấm phên ấy cũng là chỗ ngả lưng.
Mâm cơm không bày biện bát đũa lỉnh kỉnh. Thịt lợn thái mỏng bày trên tầu lá chuối, bên cạnh có mắm, muối và những quả ớt chỉ thiên đỏ chót. Một tàu lá khác để bày rau muống luộc. Cuối cùng là một chai rượu trắng nút lá chuối khô.
Người chống sào xứ Thanh tên là Thọ mang mẹ con chị Nấm đến, nhưng không đưa nhập hội, mà để mẹ con chị ở một góc bè rồi bưng đến cho mỗi người một bát cơm lớn với thức ăn đầy tú ụ. Đám phu chống bè uống rượu bét nhè, có người nằm ngả ngốn trên sạp. Nằm mà vẫn uống. Thỉnh thoảng lại có anh hau háu nhìn ra chỗ hai mẹ con. Họ vừa ăn vừa nói những chuyện sông nước. Qua những câu nói nghe được lõm bõm, Huệ biết cái ông Thọ xứ Thanh là người cầm đầu. Đoàn bè vượt Thác Bà mới về. Vượt thác bị vỡ bè là thường, nhưng khi ông Thọ là tay chống sào chính, thì trăm bè vượt yên ổn cả trăm. Cuộc rượu đã đến cao trào. Cách ăn nói đã nhiều phần bỗ bã. Một gã giơ bát rượu lên nói với ông Thọ:
- Ông anh định hưởng một mình sao? ít nhất thì cũng phải cho đàn em tí sái nhì sái ba với chứ.
Ông Thọ quắc mắt:
- Uống cho lắm vào! Mày có câm mồm đi không?
Rồi ông đứng dậy, đến đưa hai mẹ con chị Nấm ra khỏi bè rượu, đi đến chiếc bè cuối cùng, nơi ấy cũng dựng một cái lều vòm. Ông Thọ bảo:
- Hai mẹ con vào nghỉ đi. Gần tối thì nhổ neo. Trời sáng bạch ngày mai, bè đến Hà Nội. Mẹ con nhà chị cứ yên tâm...
Khi ông Thọ quay lại bè rượu, Huệ bảo chị Nấm:
- Con sợ đám người này lắm mẹ ạ.
- Còn cái ông Thọ xứ Thanh này thì sao?
- Ông này còn có vẻ tử tế.
Chả biết sao chị Nấm thở dài.
Khi nắng nhạt, đoàn bè nhổ neo. Con rồng khổng lồ ườn mình nằm trên dòng sông màu đỏ. Nó im lìm lười biếng nổi phềnh trên nước, chẳng chút cựa quậy, mặc cho dòng nước kéo mình đi. Đám phu bè cũng không phải hoạt động nhiều. Họ rải đều trên các bè, chỉ chèo chống khi cần thiết, cốt làm sao cho đoàn bè đi giữa dòng nước, và giữ cho khỏi va chạm khi gặp vật cản trên sông. Ông Thọ chỉ đứng mũi khi qua khúc sông hơi vòng vèo mà ông cho là hung dữ. Trong bóng tối mịt mùng, lại nghe thấy giọng hò xứ Thanh hùng tráng và trầm buồn của ông cất lên. Lại câu hát cũ mà Huệ đã nghe.
Con sông Bồ Đề nước đỏ như son...
Tiếng hát ở đầu đoàn bè mà sao nghe thấy xa tít tắp. Có lẽ gió thổi xuôi theo con sông đã đuổi tiếng hát vào trong mênh mông để cho Huệ nghe khi được khi mất, lúc tỏ lúc mờ. Tiếng hát bị phai nhạt như vậy nghe càng buồn. Nhất là lại có tiếng sóng vỗ vào bờ oàm oạp làm âm nền cho nó.
Khoảng gần nửa đêm, đến một khúc sông rộng và êm. Ông Thọ thôi đứng mũi, nhường chỗ cho người phụ lái, quay về phía đuôi đoàn bè. Vả lại lúc này trăng đã mọc. Cũng may là đêm ấy không có sương mù. Mặt sông long lanh ánh trăng. Cô bé Huệ chìm dần vào giấc ngủ. Một giấc ngủ nặng nề phập phồng, hậu quả của mấy ngày trốn lủi đầy bất trắc và lo sợ. Một giấc ngủ mê man, nhưng người ta có thể choàng ngay dậy bất cứ lúc nào.
Một tiếng động lạ dù nhỏ cũng có thể phá tan giấc ngủ ngay tức khắc. Huệ đã choàng tỉnh khi nghe thấy một tiếng động như vậy. Mới tỉnh thì Huệ hoảng hốt. Nhưng nghe thật kỹ thì chỉ là tiếng hai cây nứa cọ vào nhau loạt xoạt. Cô quay lưng lại tìm mẹ bên cạnh, song cô rất ngạc nhiên vì không thấy mẹ Nấm đâu. Cô định ngồi dậy đi ra ngoài, chợt nghe thấy một tiếng thì thầm từ bên ngoài, ở bên kia cánh lều vọng vào:
- Ơ hay... ông làm cái gì đấy.
Một tiếng thì thầm khác đáp lại, giọng trầm.
- Tôi van bà mà... Tôi xin bà mà... Đừng nên to tiếng... kẻo con bà...
Lúc này Huệ đã hoàn toàn tỉnh ngủ. Bây giờ cô đã dần dần hiểu ra... Tiếng của mẹ và tiếng của người đàn ông xứ Thanh... Cô đã choàng thức dậy vì có lẽ một phút trước đây là một cuộc vật lộn... Còn bây giờ lại là sự lặng lẽ... Chợt Huệ thấy lòng mình run rẩy... Người ta đang làm gì đây... Hay là ta... ta kêu lên thì sao nhỉ. Nhìn ra cửa khoang lều... Khúc sông này rộng bao la. Cô nghĩ... Không hiểu ta kêu lên liệu có ai nghe tiếng ta không nhỉ... Bên sông là bãi ngô... Rồi đi hàng cây số nữa mới đến đê... Những gã đàn ông vạm vỡ gần như trần truồng với những con mắt hau háu nhìn mẹ con nàng... Hình ảnh những con người hoang dã uống rượu lúc chiều bỗng hiện lên trong óc đã ngăn tiếng kêu ngừng lại trong cổ họng mà lúc bồng bột cô bé định thốt lên. Ở bên ngoài vách lều, tiếng thì thầm vẫn vang lên:
- Tôi van bà mà... Chúng nó đang đợi đấy... Bà mà kêu lên lúc này... chúng nó sẽ xô cả lại... Bà biết đấy... chúng nó nhịn đã lâu lắm rồi... Lũ hổ đói... Chúng nó định... hội đồng với bà...
-Hả?
- Thực đấy... chẳng những chỉ với bà... mà còn muốn... hội đồng con bé...
- Khốn nạn! Chạm đến con bé thì... tôi liều chết...
- Đừng nghĩ vớ vẩn... Tôi không muốn hại nó đâu... Thật đấy... Tôi đã ngăn... không cho chúng nó làm thế... Chúng đã nghe... nhưng nếu bà kêu lên... thì tôi chịu... Chắc chắn chúng sẽ đổ xô đến.
- Các người không sợ chính phủ à?
- Vớ vẩn! Làm gì có chính phủ. Ở đây chỉ có sóng và nước. Mấy lại... chắc chắn bà cũng đang trốn tránh chính phủ. Ông chủ tôi tinh lắm. Ông ta bảo rằng mẹ con bà... trốn cải cách.
- Ông chủ là người tử tế... Ta sẽ mách ông chủ.
- Vớ vẩn. - Bà có hiểu không? Ông ta thích con bé nhà bà... Lão ta chuyên thích cốm non... Lão ta chỉ khác bọn ta... là thích từ từ đưa mẹ con bà vào tròng mà thôi... Nào... nghe ta đi... Ta không muốn hại con bé... Thật đấy... Cứ nghe ta... ta sẽ giúp... Nào... Ta thề là được chứ gì... Ta van bà mà... Ta xa nhà... Nửa năm rồi... Ta thèm đàn bà lắm rồi... Không nghe ư... Ta sẽ xé tan quần áo... Mà lúc đó... bọn kia xô lại... ta làm sao ngăn được chúng... làm sao bảo vệ được cho con bé... Nào nghe ta đi, ta đâu chịu đựng được mãi... Ôi chao...
Một tiếng thì thào dài... Nghe như tiếng gió... Cũng có thể là tiếng thở dài của mẹ... Tiếng thở dài cam chịu... dù sao cũng còn chút hy vọng mong manh. - Dù mong manh như một sợi tơ trời cũng phải bám víu... Những lời nói thật hay những lời mà cả... Thôi mặc... Gió lại thở dài một lần nữa... Lần này gió hu hu như khóc... Xen lẫn tiếng gió là những tiếng động mạnh.
Rồi hổn hển. Rồi rên rỉ. Cô bé Huệ bịt tai lại. Rồi vừa bịt tai vừa ôm mặt. Nước mắt trào ra nóng hổi ướt đẫm hai bàn tay...
Cũng may, người đàn ông xứ Thanh đã làm đúng lời hứa. Chỉ mấy phút sau, ông ta lấy chiếc thuyền thúng tựa bên lều ra, cho hai mẹ con chị Nấm ngồi vào rồi đẩy xuống nước ra sau bè. Cũng lúc ấy bọn phu chống sào ở những bè phía trên xô cả ra chỗ lều:
- Anh Thọ ăn mảnh một mình.
- Đểu thật! Chẳng cho chúng ông ăn xái với.
- Sao lại thả đi? Sao lại phí của thế hở trời?
Tiếng lao xao xa dần. Bè cứ trôi phăng phăng. Và con thuyền nan của mẹ con Huệ bị một con xoáy nước kéo ra thật xa. Những đợt sóng lôi con thuyền lên thật cao rồi lại cho rơi tõm xuống nước. Con thuyền như một chiếc lá giữa dòng. Người mẹ hét lên:
- Ngồi chính giữa. Bám vào cái ngáng. Thuyền dù có lật cũng bám lấy nó. Không được rời tay.
Lúc này, con thuyền nan đã rơi vào giữa con xoáy nước. Con thuyền đột nhiên xoay tròn, xoay tít. Nỗi sợ hãi đã biến thành nỗi khủng khiếp. Huệ hét lên. Nước lập tức ào vào miệng cô. Tay cô cố giữ mạn thuyền, nhưng thực ra cô đã mê man bất tỉnh. Con thuyền lật nhào, sóng giằng tay cô ra khỏi mạn thuyền. Rồi sóng đưa cô đi... Cô chẳng còn biết cơn sóng dữ đang đưa mình đi đâu. Cô chẳng còn biết đâu là bờ, đâu là bến. Hình như trong khi mê man, có lúc cô còn nắm được vào tay bà Nấm, nhưng sóng vô tình đã giằng cô ra khỏi cả bàn tay mẹ. Hình như trong lúc mê man Huệ đã kêu lên “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa