Chương 24
ỗi ngày tôi học thêm khoảng hai mươi từ Ý. Tôi học suốt, vừa lướt xem mấy cái phiếu ghi từ mới trong lúc dạo phố, vừa né mấy người địa phương đi bộ. Tôi lấy đâu ra chỗ trong óc để chứa những từ này à? Tôi hy vọng là có lẽ đầu óc tôi đã quyết định dọn dẹp một số ý nghĩ tiêu cực và ký ức buồn thảm, thay thế chúng bằng những từ ngữ mới sáng chói này.
Tôi tích cực học tiếng Ý, nhưng tôi vẫn cứ hy vọng một ngày nó sẽ hé lộ cho tôi, toàn thể, hoàn hảo. Một ngày tôi sẽ mở miệng và nói trôi chảy như có phép lạ. Rồi tôi sẽ là một cô gái Ý thật sự, thay vì là một người Mỹ hoàn toàn vẫn không thể nghe thấy ai đó từ bên kia đường gọi bạn mình là Marco mà không hề muốn thét lại một cách bản năng, “Polo!” Tôi ước gì tiếng Ý đơn giản là ở trong tôi. Nhưng ngôn ngữ này cũng có rất nhiều khuyết điểm. Ví dụ, tại sao những từ Ý như “cây” và “khách sạn” (albero với albergo) lại giống nhau đến thế? Vì vậy mà tôi lỡ lời nói với mọi người là mình lớn lên ở “một nông trại khách sạn Giáng sinh” thay vì mô tả chính xác hơn và ít siêu tự nhiên hơn là “nông trại cây Giáng sinh”. Và rồi có những từ có hai hay thậm chí đến ba nghĩa. Ví dụ: tasso. Nó có thể nghĩa là lãi suất, con lửng, hoặc cây thủy tùng.
Tùy vào ngữ cảnh, tôi nghĩ. Điều làm tôi bực bội nhất là khi tình cờ gặp những từ tiếng Ý, quả thực – tôi ghét phải nói điều đó – xấu xí. Tôi xem đó gần như là một lăng mạ cá nhân. Tôi xin lỗi, nhưng tôi không đi cả một ngần ấy đường đến Ý để học nói một từ như schermo (màn hình).
Nhưng về đại thể thì đáng giá lắm. Chủ yếu đó là một niềm vui thanh khiết. Giovanni và tôi đã có một thời gian rất vui vẻ chỉ cho nhau các thành ngữ tiếng Anh và tiếng Ý. Một tối mới đây chúng tôi đang nói về các cụm từ người ta sử dụng khi cố an ủi ai đó đang đau buồn. Tôi bảo anh là trong tiếng Anh đôi khi chúng tôi nói, “Tôi đã từng đến đó.” Ban đầu, anh chưa hiểu điều này – Tôi đã từng đến đâu? Nhưng tôi giải thích là nỗi buồn sâu thẳm đôi khi gần giống như một địa điểm cụ thể, một tọa độ trên bản đồ thời gian. Khi ta đang đứng trong khu rừng sầu muộn đó, ta không thể hình dung rằng có thể lúc nào đó ta tìm được đường đến một nơi tốt đẹp hơn. Nhưng nếu ai đó có thể quả quyết với ta rằng chính họ cũng đã đứng ở nơi đó, và giờ đã tiến lên, đôi khi điều ấy sẽ mang lại hy vọng.
“Vậy ra nỗi buồn là một nơi chốn?” Giovanni hỏi.
“Đôi khi người ta sống ở đó nhiều năm trời,” tôi nói.
Đáp lại, Giovanni bảo tôi là để cảm thông người Ý nói L’ho provato sulla mia pelle, nghĩa là “Tôi cũng đã nếm trải chuyện này trên chính da thịt mình.” Nghĩa là, tôi cũng đã bị cháy hay thành sẹo theo cách đó, và tôi biết chính xác bạn đang trải qua điều gì.
Dù sao thì, cho đến giờ, cái tôi thích nói nhất trong tiếng Ý một từ đơn giản, thông dụng:
Attraversiamo.
Nghĩa là “Hãy cùng băng qua nào.” Bạn bè nói với nhau từ này liên tục khi đi dọc vỉa hè và quyết định đã đến lúc sang bên kia đường. Theo nghĩa đen thì đây là một từ của người đi bộ. Chẳng có gì đặc biệt cả. Ấy thế mà, không hiểu sao, từ này thấm ngay vào tôi. Lần đầu tiên Giovanni nói với tôi từ đó là lúc chúng tôi đang đi dạo gần Colosseum. Đột nhiên tôi nghe thấy anh nói cái từ đẹp đẽ đó, và tôi sững lại, hỏi, “Từ ấy nghĩa là gì? Anh vừa nói cái gì?”
“Attraversiamo.”
Anh không thể hiểu nổi tại sao tôi thích từ đó đến vậy. Hãy băng qua đường nào? Nhưng trong tai tôi, nó là một kết hợp những âm thanh Ý hoàn hảo. Âm a mở đầu đăm chiêu, âm rung ngân vang, chữ s êm dịu, rồi cái ban nhạc jazz. “e-a-mo” vấn vương ở cuối. Tôi thích từ này. Giờ thì tôi cứ nói từ này suốt. Tôi chế ra mọi cớ để nói từ đó. Và Sofie phải nổi cáu. Cùng băng qua đường nào! Cùng băng qua đường nào! Tôi liên tục kéo cô ấy tới lui khắp nơi giữa giao thông điên rồ của Roma. Tôi sắp làm cho cả hai chết vì cái từ này.
Từ yêu thích của Giovanni trong tiếng Anh là halfassed[20].
Của Luca Spaghetti là surrender[21].
Ăn Cầu Nguyện Yêu Ăn Cầu Nguyện Yêu - Elizabeth Gilbert Ăn Cầu Nguyện Yêu