Xibiri epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5
au những trận băng giá dữ dội dịp lễ giáng sinh trên những đồng hoang mênh mông Narưm trời nổi bão tuyết. Những trận bão tuyết kèm theo những đợt tuyết rơi mù mịt và những cơn gió gầm rú đến mức cụ Phêđốt đã từng thấy đủ chuyện trong cuộc đời mình, mà một buổi tối nọ ngồi uống trà với ông Gôrbiacốp cũng phải thốt lên:
- Này anh thử nghe xem, anh Phêđo, nó rú rít mới gớm chứ, gió ấy! Tôi đã sống ở đây, ở đất Narưm này, bao lâu rồi, mà chưa lần nào thấy có mùa đông bão tuyết dữ dội như thế này. Ngày trước các cụ bảo đó là cái điềm: nếu gió thổi hàng trăm tiếng trăm giọng thế này thì hãy tin và không phải tin bình thường, mà hết sức lạ thường.
- Chuyện vớ vẩn, ông ạ. Tin tức là một chuyện, còn gió lại là chuyện khác. Người ta bịa đặt ra cái đó để an ủi lòng người, hoặc ngược lại, để khuấy động lòng người lên. Trong những buổi tối dài dằng dặc như thế này chẳng có việc gì làm, ấy thế là bịa đặt ra, thêu dệt ra đủ thứ chuyện...
- Ấy, đừng có nói thế, Phêđo, - ông già không tán thành với Gôrbiacốp. - Bịa đặt thì dân chúng rất tài tình - cái đó đúng như vậy, tuy vậy dù sao đi nữa các cụ ta sống lâu không phải vô ích. Các cụ nhận xét thấy đôi điều mà không phải bỗng dưng đã nghĩ ra được.
- À, điều đó thì đúng như thế, ông ạ. Không có những nhận xét hàng thế kỷ như vậy thì dân đánh cá, dân săn bắn cũng vất vả đấy, mà ở trên ruộng cầy chúng cũng chỉ bảo cho nhiều điều.
- Thì tôi đang nói về điều đó, anh Phêđo ạ. Phải, anh phải nghe xem, nghe xem, rú rít mới gớm chưa! Đến thắt lòng thắt dạ lại!
- Ông ạ, chắc là bà bếp quên đóng ống khói lại đấy, - ông Gôrbiacốp hăng hái không chịu lùi bước, không bao giờ ông tin vào bất cứ điềm lành điềm dữ nào.
- Phêđo ạ, về chuyện ống khói thì chính tôi vẫn trông coi đấy. Cứ trông cậy vào bà bếp của anh thì bà ta cho mà ngạt, đến mức ngủ thiếp đi trong giấc ngủ ngàn thu.
Cụ Phêđốt với ông Gôrbiacốp cứ chuyện trò với nhau như vậy và cả hai cùng quên khuấy câu chuyện buổi tối của mình trong tiếng rú rít và rên rẩm của gió. Quên khuấy đi, nhưng cũng chẳng được bao lâu.
Vào một trong những buổi tối bão tuyết như vậy Pôlia chạy xộc vào nhà, kêu khóc nức nở:
- Bố ơi, ông ơi, bên nhà con có chuyện chẳng lành: Nhikipho đi đâu biệt tích! - Pôlia thở hổn hển, những cơn co giật làm cô ngột ngạt.
- Bình tĩnh nào, con hãy kể rõ đầu đuôi xem sao, - ôm lấy con gái và để cho cô ngồi xuống ghế, ông Gôrbiacốp nói. Còn cụ Phêđốt đưa tay làm dấu, lẩm bẩm sau bộ râu:
- Đấy, không tin vào điềm nữa đi! Gió đấy nó rú có ghê không!
- Tối qua ông Êpiphan trở về, - vẫn còn thút thít, Pôlia bắt đầu kể. - Ông ấy say rượu, hung tợn. Vừa vào nhà là xông ngay vào con gần như toan giở trò thượng cẳng chân hạ cẳng tay. «Cái đồ mày, tại sao mày không trở lại đấy? Hay quả thực mày đã tiết lộ «cái hố» cho người lạ?» Cứ thế, ông ta chửi rủa con đủ điều và rồi quay sang bà Anphixa. Nhưng bà ta lấy trục cán giáng cho hai cái vào lưng, ấn ông ta ngồi xuống ghế đẩu rồi tra hỏi: «Thế con trai đâu? Ông để thằng Nhikipho đâu?» Ông ta lập tức tỉnh rượu: «Tôi nào có thấy nó». - «Tại sao lại không thấy nhỉ? Nó thay con Pôlia mang tiền đi ngay sáng ngày hôm sau, khi vừa theo xe hàng đến Tômxcơ về! Đồ tù sổng, để con trai đâu rồi, cái đầu đần độn?» Còn ông ta im lặng, đôi mắt trơ tráo của ông ta trố ra nhìn con với bà Anphixa... «Tôi đi qua tất cả các làng xóm, tất cả các trang trại. Chẳng thấy dấu vết Nhikipho ở chỗ nào hết». Nhưng rồi bộ mặt ông ta đột nhiên biến đổi, có lẽ đầu óc ông ta đoán biết ra điều gì đó, ông ta ngã khuỵu xuống sàn và cất tiếng kêu toáng cả nhà: «Chúng giết chết nó rồi, quân vô đạo, quân giết người! Chúng giết chết nó rồi!»
- Con đi ngựa hay đi bộ đến đây? - ông Gôrbiacốp hỏi, khi Pôlia kể hết sự tình.
- Con đi ngựa bố ạ. Bà Anphixa sai con đến. Bà ấy bảo con nói với bố mời bố sang. Bản thân bà ấy đi con ngựa khác đến chỗ ông quản cảnh sát.
- Thế thì, Pôlia ta đi thôi.
- Nhưng mà này, Phêđo, anh có cần tôi giúp gì không nhỉ? - cụ Phêđốt hỏi, rất muốn giúp đỡ điều gì đó cho mọi người.
- Ta cùng đi ông ạ. Đến đấy xem sao.
Xuyên qua cơn bão tuyết buổi tối đã kéo dài sang ngày thứ hai không dứt, họ đi đến Gôlêsikhinô. Ngôi nhà lớn hai tầng của nhà họ Crivôrucốp hiện ra ở đằng xa trong màn tuyết, các cửa sổ đều sáng đèn, trông có gì giống giống một con tàu bơi trên dòng sông trong màn sương thu.
Lão quản cảnh sát Philatốp, lão Êpiphan và mụ Anphixa đang ngồi quanh bàn và băn khoăn trò chuyện. Mọi người đưa ra hết giả thuyết này lại giả thuyết khác. Đoán già đoán non thôi thì đủ chuyện! Đột nhiên Nhikipho lâm bệnh, nằm lại ở đâu đó trong một căn nhà gỗ xa lạ, nằm đấy chờ đợi sức khỏe hồi phục. Mà có thể chơi bời ở đâu chăng? Cha nào con nấy! Cho đến nay ông bố anh vẫn còn nêu gương về cuộc sống trác táng vô tư lự. Hoàn toàn có thể là anh ta đã mải chơi bời. Kể ra thì chơi bời thế thì lâu quá đấy. Đã qua hai tuần kể từ khi anh ta ra khỏi nhà. Có thể chơi bời bao lâu kia chứ? Họ còn nghĩ đến một chuyện nữa: có thể Nhikipho nhận được một món thầu nào có lợi chăng? Nhưng món thầu nào và ở người nào? Tất cả lái buôn Narưm đều nuôi ngựa riêng để chở đến cũng như để chuyển đi tất cả các thứ hàng. Nhưng ngộ có một thương gia nào đó từ dưới hạ lưu - từ Xurgút, Tôbônxcơ hay Beredốp lần lên chăng? Có thể như thế không? Rất có thể như thế thật, mặc dù cũng còn phân vân. Chẳng hạn có thể chuyên chở thuê thứ hàng gì nào? Cá? Khó có thể! Quá xa. Như mọi người đều biết, của một đồng, công một nén. Còn da lông thú? Cái đó lại là chuyện khác. Da lông thú có thể chuyên chở đi hàng hai nghìn vecxta vẫn cứ có lãi. Nhưng cả chuyện đó cũng khó có thể tin là thực, cũng làm mọi người phải ngờ vực.
Ông Gôrbiacốp và cụ Phêđốt ngồi vào bên bàn, tham gia vào câu chuyện, nhưng cũng không thể góp ý mới hơn.
- Thế ngộ, anh Êpiphan này, - chợt nghe tiếng của Đômnusca, dựa lưng vào thành bếp lò ấm áp, từ nãy vẫn đứng im lặng, không ai nhận thấy, ảm đạm, mũi dài ra, mặc áo dài đen rộng dài đến tận chân, - có thể bọn chó săn của Vôlôkitin rình đớp chăng? Thì người ta vẫn bảo là nhiều lần tay thương gia ấy đe dọa chặn đường anh đó thôi.
Lão Ẽpiphan đã toan đồng ý với cô em nửa ngây nửa dại, nhưng viên quản cảnh sát Philatốp khoát tay.
- Điều không xảy ra là không có! Vôlôkitin - là một tấm lòng cơ đốc giáo chân chính! Muốn gì thì gì cũng không đang tay giáng xuống người còn sống đâu! - Và mủi lòng mà hai mắt Philatốp rớm lệ.
Mọi người lặng ngắt, nhớ lại những câu chuyện truyền nhau trong vùng: Vôlôkitin tồn tại bên cạnh Philatốp trong một tình thân ái sâu xa, mặc dù rõ là có điều gì đó bí ẩn. Gã quản cảnh sát phục vụ hai ông vua: một vua ở xa, ở Pêtrôgrát thiêng liêng nọ, còn một vua ở đây, ở Narưm này là Vôlôkitin.
- Hay có thể, bọn nhà hoạn đã giết chết Nhikipho? Chính anh, anh Êpiphan ạ, anh từng nói là bọn họ tham lam như những con quỉ, - không chịu thôi, Đômnusca lại lên tiếng.
Nhưng bây giờ thì ông anh lại khoát tay nạt cô em gái:
- Này đáng ra cô cứ ngậm miệng lại thì phải, đồ dở ngây dở dại thảm hại! Cũng đòi tìm ra quân giết người đấy! Bọn họ tàn tật, người còn ra người nữa đâu! Hiền cứ như con cu li ấy. Có đúng thế không nào, Pôlia? Cứ để con dâu nói xem nào. Chúng tôi đã sống ở chỗ họ bao nhiêu ngày rồi nào? Thế liệu đã thấy chuyện gì độc ác đâu? - lão Êpiphan quay sang tìm sự ủng hộ của cô con dâu.
- Cha ạ, con thấy những người bạn ấy của cha thế nào ấy, - Pôlia trả lời gọn lỏn, nhưng dứt khoát.
Đến nửa đêm, mọi người đi đến chính cái điểm đã mở đầu: hãy chờ đợi thêm một hai ngày nữa, bất chợt Nhikipho tự dẫn thân về thì sao, mà nếu chuyện ấy không xảy ra thì bây giờ hãy cho đi đây đi đó tìm kiếm, lan truyền thật rộng cái tin bất hạnh cho mọi người biết. Chắc là, điều gì đó sẽ sáng tỏ.
Ông Gôrbiacốp và cụ Phêđốt đứng dậy, chia tay ra về. Cả gã Philatốp cũng không thể ngồi thêm được nữa. Pôlia và lão Êpiphan đã thực sự tỉnh hẳn rượu cùng tiễn các vị khách bất đắc dĩ ra tới cổng nhà. Anh làm công nhà Crivôrucốp xua con ngựa thắng vào cỗ xe ra: dù sao đi nữa cũng là đêm hôm, bão tuyết, đi bộ vất vả lắm. Ngồi xuống bên cạnh gã quản cảnh sát, cụ Phêđốt suốt buổi vẫn im lặng, bỗng lên tiếng nói với lão Êpiphan:
- Mà này, ông thông gia, liệu Nhikipho có bị làm mồi cho chó sói không? Độ này chó sói hỗn hào đến mức như ở Bônsôiê Nhêxtêrôvô mò vào chuồng gia súc, ăn thịt hết hai con bê rồi lăn ngay ra đấy mà ngủ khoèo.
- Mọi chuyện đều có thể, ông thông gia ạ, - Êpiphan lần đầu tiên se sẽ buồn bã buông lời.
Hai ba ngày qua đi kể từ bữa lão Êpiphan trở về sau chuyến đi xa, và tin tức về chuyện Nhikipho mất tích lan truyền khắp cả vùng Narưm.
Qua đi cả một tuần lễ, rồi tuần lễ thứ hai, thứ ba, nhưng cũng chẳng có vân mòng gì ở nơi nào gửi về. Thế là bấy giờ Pôlia hiểu rõ điều không tránh khỏi nữa rồi: cô chỉ còn lại một thân một mình trong gia đình Crivôrucốp, nếu như không kể đứa bé tương lai mà cô đã thụ thai vào cái giờ phút cuối cùng không phải lúc ấy.
Trong khi mọi người đi tìm Nhikipho, mụ Anphixa dường như trở nên hiền từ hơn đối với Pôlia, nhưng khi thấy rõ là Nhikipho biến mất không còn trở về nữa, trong giọng nói của mụ lại lộ vẻ độc ác, làm như nàng dâu chính là kẻ gây ra chuyện vừa qua. Pôlia nhịn nhục một lần, hai lần, rồi ba lần. Nhưng sự nhịn nhục của cô cũng có hạn.
- Nào bà Anphixa, bà im đi cho, - khi nghe bà mẹ chồng của mình lại đay nghiến, Pôlia liền gay gắt bốp chát lại, - bây giờ bà không còn là gì đối với tôi nữa. Phù-phù! - Pôlia sùy một tiếng và lấy tay khoát một vòng. - Chỉ là cái bóng, bóng ma. Hôm nay tôi sẽ rời bỏ các người. Và bà nhớ cho - của cải của bà tôi không mang theo chút gì hết. Cả cái khăn tặng tôi cũng giả lại, cả đôi khuyên, cả tấm lụa mà Nhikipho mang giấu bà về cho tôi. Đấy, tất cả tôi để lên giường cả đấy... Và dù một thân một mình không còn chồng nữa cũng đáng sợ đấy, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui: tôi đã thoát được ra khỏi cái nhà tù của các người. Thôi chào bà! Còn cô, Đômnusca, cháu cám ơn cô. Cháu không thấy có điều gì phải phàn nàn về cô... - Pôlia đi vào căn buồng nhỏ ở chân cầu thang lấy cái bọc nhỏ đã sửa soạn sẵn ngay từ đêm.
Mụ Anphixa dù có ác nghiệt đến đâu, tim gan mụ có sắt đá đến đâu đi nữa, nhưng nghe những lời lẽ sôi sục căm thù đối với cái lề thói sống mà mụ đã thẳng tay nhồi nhét vào gia đình này, là điều mụ không ngờ. Có thể, lần đầu tiên sau tất cả những năm tháng cuộc đời của mình sống với lão Êpiphan Crivôrucốp, trong giây lát ngắn ngủi mọi cố gắng của mụ, tất cả sự nhẫn tâm của mụ đối với mọi người đều lộ hết mặt trái, và cảm thấy điều đó, mụ không quát tháo Pôlia, mà chỉ òa khóc:
- Pôlia, vì tội tình gì mà con đối xử với mẹ thế? Con không còn chồng, còn mẹ không còn con trai... Thì mẹ chì có nó là con một...
Đưa mắt ngước nhìn mụ, lập tức già sọm đi và trở nên thảm hại, hai vai sệ xuống và cặp mắt đau đớn, Pôlia đâm ân hận về sự gay gắt của mình. «Dù sao đi nữa bà ta cũng là mẹ anh ấy», - cô thoáng nghĩ.
- Chà, mụ thế đấy, dịu dàng thế! Mụ không thích người ta trả miếng mụ! Khá lắm, Pôlia! Bà ta buông tuồng thế kia đấy, quân độc ác! Không có gì trừng trị được mụ! Đồ chó cái! Đồ chó đẻ! - Đó lại là cô Đômnusca quát tháo. Bộ mặt xương xẩu, tai tái của cô trở nên trắng bệch. Đôi mắt của cô trố ra, nẩy lửa, và tất cả bộ dạng của cô toát ra vẻ rồ dại.
- Không nên thế, cô Đômnusca, không nên! Kẻ đã ngã rồi đến đàn ông người ta cũng tha chẳng đánh nữa! Dù sao bà ta cũng là mẹ anh ấy... dù sao cũng là mẹ... Không lẽ bà ta không đau lòng sao? - Pôlia cố nói một cách bình tĩnh, chừng mực có thể trong tâm trạng xúc động của cô.
Và lúc đó đã xảy ra một chuyện thật bất ngờ, thậm chí sau này khá lâu khi nhớ lại, Pôlia vẫn thấy ngạc nhiên.
- Con đừng giận mẹ, Pôlia ạ! Đừng buộc tội mẹ, vì Chúa! Không phải vì độc ác mà mẹ cắn dứt con đâu, mà chỉ vì mẹ sợ, sợ rằng con sẽ thu tóm không chỉ con trai mẹ, mà cả cái nhà này vào tay con. Ngay từ phút đầu mẹ đã hiểu điều đó: không, mẹ không đương nổi tính nết con, không đứng vững được trước con... - Anphixa đột nhiên quì xuống, chộp lấy bàn tay của Pôlia và bắt đầu hôn lấy hôn để. Pôlia lùi lại, nhưng trong tâm hồn cô một cái gì đó đổ vỡ, và hẳn cô đã không ghìm nổi để ôm lấy mụ Anphixa, nếu như không nghe thấy tiếng cô Đômnusca lại vang lên:
- Cháu xem kìa, mụ bày trò hề, giỏi chưa! Đừng tin mụ, Pôlia, đừng tin!
Ngay ngày hôm ấy Pôlia trở về với cha đẻ, trở về với chủ tâm kiên quyết là không bao giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào cô cũng sẽ không rời bỏ ngôi nhà cha một lần nữa.
o O o
Suốt cả đầu mùa đông Glaphira Xavêliépna sống trong sự chờ đợi tuyệt vọng các vị khách cao sang: ông cảnh sát trưởng và vị giám mục. Vào ngày lễ đặt tên thánh của cha Vônhiphati họ không đến, và, thực chất là cũng chẳng có ngày lễ ấy nữa. Khách đến dự chỉ có ông Gôrbiacốp, lão Philatốp cùng với vợ, viên thư lại xã Parabên, hai ba phú nông ở các làng lân cận. Bữa ăn no nê, thừa mứa. Và buồn tẻ đến mụ người. Glaphira Xavêliépna đưa rượu ra dè dặt. Bà ta dự trữ đề phòng ông cảnh sát trưởng và giám mục bất chợt xộc đến, mặc dù đã có tin đồn - từ Cônpasêvô họ quay trở lại Tômxcơ. Khách khứa ăn thỏa thuê, ợ lên cả miệng, chuyện trò chuyện nọ xọ chuyện kia rồi giải tán, cùng cảm thấy một điều mong mỏi duy nhất - lăn ra đệm lông chim mà ngủ thiếp đi dưới cái bụng trướng nặng nề và chán ngán.
Ông Gôrbiacốp nán lại lâu hơn hết thảy mọi người khác. Bản thân lão Vônhiphati đã ngủ rồi. Lão chỉ đủ sức gắng gượng tiễn đưa các vị khách xa, còn ông y sĩ thì như là người nhà gần gũi, ông sẽ chẳng xoi mói và trách móc về sự khiếm nhã.
Hai má đỏ phừng phừng và sột soạt tà áo dài lụa viền đăng ten và ren, Glaphira Xavêliépna đi đi lại lại trong phòng khách, nói to bằng cái giọng trong trẻo run rẩy:
- Không một phút nào tôi lại không nghi ngờ là họ không đến! Nhưng đồng thời vẫn có hy vọng... Bởi vì kể cũng lý thú, anh Phêđo nhỉ, được thấy những con người thuộc giới khác, nghe họ xét đoán, có thể bắt chước được điều gì đó tao nhã thanh lịch... Nhưng đâu có, chẳng lẽ bọn họ lại hạ cố đến một ông cha cố ở làng quê, mà họ cho là một sinh vật nhỏ nhoi, hèn mọn và vì thế chỉ đáng khinh rẻ?..
- Tôi không hiểu, cô Glaphira ạ, tại sao cô lại phật ý nhường vậy? Thì mặc cho họ muốn sống ra sao thì sống, - ông Gôrbiacốp nói bằng cái giọng dửng dưng, trong bụng nghĩ thầm: «Thế đấy, cái lớp tiểu thị dân Nga khiếp nhược nó thế đấy - tự hành hạ mình, làm tình làm tội mình bằng những nỗi đau khổ ghê gớm chỉ vì có kẻ thuộc các giới cao sang hơn không thèm ngước lông mày về phía anh ta, không cho anh ta hưởng cái diễm phúc được kẻ kia chạm dù chỉ một ngón tay út vào anh ta...»
- Không lẽ điều này không làm anh phật lòng ư? Anh nói thành thật nào, không làm anh phật lòng ư! - Glaphira Xavêliépna càng bốc lửa thêm nữa. Giọng nói của bà ta đập lên trần nhà, rung động, tắt ngấm và lại vang lên lảnh lót và cao vút: - Còn em phật lòng! Em đang run lên đây. Em muốn có sự công bằng và bình đẳng...
- Xin nói thành thật, một khi cô quan tâm điều đó: tôi không thấy phải phật lòng một mảy may nào, một chút xíu nào. - Và ông Gôrbiacốp lấy một ngón tay tay này quẹt vào móng ngón tay trỏ tay kia. - Điều này không động chạm gì tôi. Cô bảo: «Có thể bắt chước được điều gì đó tao nhã thanh lịch». Nhưng hãy nghiêm chỉnh một tý, cô Glaphira, cô nói cho tôi hay là liệu cô có thể bắt chước được gì đó tao nhã thanh lịch ở ông cảnh sát trưởng, ở con người mà thiên chức chỉ là giam giữ người ta trong tù túng, bóp chết trong họ tất cả những gì là con người, hạ thấp họ xuống đến mức độ những tên nô lệ câm lặng?.. Điều gì là tao nhã thanh lịch, xin đơn cử ra, cô liệu có thể học lỏm được ở ông ta? Mà sao cô không nghĩ rằng bản thân cô với tấm lòng của mình, với sự thông cảm của mình đối với những nỗi bất hạnh của người khác thì cô, còn cao thượng gấp trăm lần, nghìn lần so với con người có cấp bậc hoặc chức vị... Thì cô thử suy nghĩ xem và nói xem... Và thêm nữa là cô đừng quát tháo... Cô lại làm Vônhiphati thức giấc... Cần gì phải kéo thêm ông ấy vào cuộc tranh cãi của chúng ta?
Glaphira Xavêliépna dịu đi, ngồi xuống bên cạnh ông Gôrbiacốp, cất tiếng thì thầm đầy kích động:
- Có thể, anh nói đúng, anh Phêđo. Liệu mình có biết gì một cách thực sự về bản thân mình không? Bản thân mình không thể là quan tòa của mình. Quan tòa là người khác. Mà phán xử người khác thường bồng bột và thiên tư. Cám ơn anh, anh Phêđo, chỉ có anh cảm thấy là em cũng có tâm hồn... Một tâm hồn tuyệt vời, anh Phêđo ạ! Có lúc em cảm giác là em có thể làm nổi được một việc gì đó có ý nghĩa... Có thể hy sinh thân mình vì người yêu quí hay hiến thân mình để phụng sự lý tưởng vĩ đại... Anh nói đi, anh Phêđo, anh nói đừng giấu giếm: có thể anh cần giết chết một người nào đó? Em xin thề, bàn tay em không run sợ đâu, và em không tiếc đời mình... Anh biết đấy, đôi khi em muốn đốt cháy cả ngôi nhà này và chính mình cũng chết cháy theo... Ôi, thật tiếc là em không sinh ra ở Pêterburg! Em hẳn đã có ích đối với những anh em sinh viên chủ trương khủng bố... Hẳn là em không lưỡng lự gì, sẵn sàng đi quăng bom…
- Vì cái gì kia chứ, Glaphira? - ông Gôrbiacốp hỏi.
- Vì cái điều để cho trái đất rền vang lên, để cho con người ta không chết lụi vì thờ ơ đối với nhau...
- Đầu óc cô, Glaphira, bốc lửa rồi. Cô nói chẳng đâu vào đâu cả. Cô đi nghỉ đi. Còn tôi lê bước về nhà đây. - Và ông Gôrbiacốp ra về.
Nhưng mấy ngày sau chính Glaphira Xavêliépna tìm đến nhà ông. Và bà tư lự, nhìn thẳng, vào mắt ông, căn vặn: liệu ông có cần thiết trừ khử ai đi không, kẻ nào cản đường ông đi, ngăn trở ông sống và làm điều thiện cho mọi người?
Ông Gôrbiacốp cố chuyển cả câu chuyện thành chuyện đùa, nhưng ông không làm được việc đó. Glaphira Xavêliépna kiên trì trở lại vẫn cái chủ đề ấy.
- Glaphira, cô cần phải khẩn cấp thay đổi hoàn cảnh sống. Cô đã bị ám ảnh cái ý nghĩ cố chấp. Cái đó không phải không nguy hiểm. Cô hãy đến Tômxcơ hay Nôvônhicôlaépxcơ đi. Hãy giải sầu giải muộn một chút.
Và bà ta đã nghe lời khuyên của ông Gôrbiacốp và đã theo cha đạo Vônhiphati không ra tỉnh, mà tới các nhà lều của dân Oxchiác và các trại du cư của dân Tunguxơ rải rác chung quanh Parabên. Cha đạo đã tích lại khá nhiều việc khẩn cấp ở đấy: cần phải rửa tội đặt tên cho những đứa trẻ ra đời trong hai năm gần đây, tổ chức lễ thành hôn cho những đôi nam nữ, làm lễ cầu siêu cho những người quá cố. Nói tóm lại, nhắc nhở dân nhớ về chính giáo, về việc thờ phụng Chúa thượng đế, đức mẹ tối thiêng - đức mẹ đồng trinh và các thánh khác.
Chuyến đi thăm xứ đạo dự định kéo dài gần cả một tháng. Để đi được đến các làng mạc Parabên thượng, phải đi ít nhất là ba trăm vecxta. Nhưng cha Vônhiphati cố thực hiện chuyến đi này bằng được, vì biết trước rằng trở về sẽ không phải với đôi tay không - ông ta sẽ mang về cả da lông thú, cả cá, cả thịt, cả hạt tuyết tùng.
Tuy vậy chưa qua được nửa thời gian dự định, cha Vônhiphati đã xuất hiện ở nhà ông Gôrbiacốp.
- Ông Phêđo Têrentievích, ông hãy cứu chữa cho bà Glaphira Xavêliépna nhà tôi. Bà ấy lâm bệnh nặng.
Ông Gôrbiacốp vội đến ngay nhà cha đạo. Khám bệnh cho Glaphira Xavêliépna xong, ông Gôrbiacốp ra phòng ngoài, nơi cha Vônhiphati đang nóng ruột chờ ông.
- Bà nhà bị sốt phát ban, ông Vônhiphati ạ. Bà nhà bất tỉnh nhân sự. Tôi có cảm giác là cơn bệnh biến sắp sửa đến. Quan trọng là không bỏ qua những giây phút ấy. Cần phải có người luôn luôn ngồi trực bên cạnh.
Tìm được người như vậy ở nhà hàng xóm, và khi người ấy đến, ông Gôrbiacốp dặn dò bác ta:
- Bác nhớ phải luôn luôn cho bà ấy uống nước bằng cái thìa con ấy.
Sáng ra, trời vừa rạng tỏ, ông Gôrbiacốp đã đến thăm người bệnh. Glaphira Xavêliépna nằm li bì, nhưng trong một giây lát tỉnh ra và muốn nói chuyện riêng với ông Gôrbiacốp. Cha Vônhiphati và bác đến giúp bà ra buồng ngủ, cho rằng người đàn bà muốn nói với thầy thuốc điều gì đó riêng tư có liên quan đến bệnh tình của bà ta.
- Em chết đây, anh Phêđo, - bằng cái giọng yếu ớt Glaphira Xavêliépna lên tiếng, cố nắm lấy tay ông Gôrbiacốp. Ông hiểu ý nguyện của bà ta nên tự cầm lấy tay bà ta. Bàn tay nóng hổi, dường như vừa hơ trên lửa.
- Cô sẽ bình phục lại, Glaphira! Tôi tin như vậy, - ông Gôrbiacốp nói, bản thân không tin lời mình nói.
- Không, anh Phêđo, em không qua khỏi được đâu, anh đừng an ủi... Và em chẳng muốn... chẳng muốn sống chung dưới một mái nhà... với ông ta... với Vônhiphati... Lạy chúa, lừa lọc mới ghê gớm làm sao... bội tín... dã man... Dù sao đi nữa thì em hẳn cũng sẽ tự kết liễu đời mình... Sống... đê mạt... Họ có tội lỗi gì... những người tối tăm, ở rừng taiga ấy...
Glaphira Xavêliépna im lặng, từ đôi mắt nhắm của bà ta những giọt lệ lớn ứa ra vừa chảy dài trên má. Ông Gôrbiacốp cho bà ta uống nước và dịch chiếc ghế ra xa, toan đi ra.
- Đừng đi anh Phêđo, một phút nữa thôi, - mở đôi mắt bốc lửa, Glaphira Xavêliépna nói. - Anh nghe em lần cuối cùng…
- Sao lại thế kia? Tôi nghe đây, Glaphira.
- Anh... anh... biết rằng em yêu anh ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên không?
- Biết, Glaphira.
- Tha thứ cho em.
- Vì sao mà tha thứ cho cô? Cô không có lỗi gì cả. Cảm ơn cô.
- Cầu chúc anh sống lâu và hạnh phúc, - bà ta nói một cách gắng gượng và bặm môi, im lặng. Nhưng chợt đôi tay bà ta quờ quạng trên chăn, bộ mặt bừng bừng kinh giật, và bà ta cất tiếng nói mỗi lúc một to thêm, to thêm về những người sinh viên, những quả bom, đám cháy. Cơn mê sảng bắt đầu.
Đến tối tiếng kêu la dữ dội của bà ta đứt đoạn và cuộc đời của bà ta tắt chìm cùng với ánh hoàng hôn ngắn ngủi, bùng lên mãnh liệt trên rừng tuyết tùng Parabên.
o O o
Mặc cho ai muốn nói gì thì nói về lão quản cảnh sát Philatốp, nhưng lão đã phục vụ ông Gôrbiacốp một cách mẫn cán. Lão chuyển giao thư từ đến cho ông thật hoàn hảo đến mức nhiều lần ông phải cười thầm: «Phải chi ta là Nga hoàng, ta đã ban cho hắn tấm huân chương hay thăng chức sĩ quan cho hắn vì sự mẫn cán của hắn».
Lần ấy cũng vậy. Vừa đến Parabên là lão Philatốp trước tiên đến ngay nhà ông Gôrbiacốp.
- Tôi lại mang sách đến cho ông đây, ông Phêđo, - lão nói cái giọng ồm ồm ngay từ ngưỡng cửa. - Không hiểu ông làm sao mà đọc hết được cả cái chồng sách như thế này kia chứ?! Người nào nghiệp nấy! Chứ như tôi đây thì xin chịu. Tôi mà sờ vào cuốn sách là y như rằng lập tức buồn ngủ đến mức không đủ sức căng mí mắt ra được nữa. Chà, ông thật là người thông tuệ, ông Phêđo ạ, cực kỳ thông tuệ.
- Buộc phải vậy, ông Varxônôphi ạ! Cái cơ thể con người quả là một cái máy phức tạp. Buộc phải nghiên cứu nó không mệt mỏi, - Gôrbiacốp tung hỏa mù.
- Cái máy, ông bảo vậy ư? Hồ như tất cả đều do Chúa mà ra, còn cái máy, - giương mắt đần độn, lão quản cảnh sát ngạc nhiên.
- Cả cái máy cũng là do Chúa mà ra. Một khi do con người tạo ra, nghĩa là, được tạo ra theo lệnh Chúa, - ông Gôrbiacốp nhồi vào cái suy luận của mình thêm lắm ngụ ý, cố tỏ ra một người thông thái và học thức khó hiểu nổi.
- Ông Phêđo, xin thành tâm, chúc ông thành đạt, - lão Philatốp cố uốn ba tấc lưỡi thốt ra được một lời tỉnh thành, trí thức, để ông Gôrbiacốp biết được là lão cũng không phải ngu si và cũng hiểu biết đâu ra đấy cả.
Lão Philatốp vừa ra khỏi cổng, ông Gôrbiacốp cởi bó sách ra, lấy trong đó ra cuốn sách mà ở phía trong bìa có ghi mật mã - bốn con số bảy, và tháo bìa ra.
Những dòng đầu lá thư của ban chấp hành làm ông sung sướng: «Đồng chí Granhít đã vượt qua Tômxcơ một cách an toàn». Nhưng phần tiếp theo lại thông báo về nhiệm vụ mới. «Quyết định là một đồng chí nữa phải chạy trốn khỏi Narưm. Tất nhiên, đẻ ra một đề nghị mới với đồng chí: liệu đồng chí có bảo đảm cho cuộc chạy trốn theo một tuyến đường an toàn hơn, sau khi rút kinh nghiệm việc chuyển đồng chí Granhít từ Narưm đến Tômxcơ không? Nếu như để làm được việc ấy đòi hỏi phải có tiền, thì chúng tôi sẵn sàng xuất ra một phần chi phí cần thiết trong công việc này, mặc dù chính đồng chí cũng hình dung ra, tất cả sự hạn chế trong các khả năng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ rất cảm ơn về sự hưởng ứng của đồng chí và về tất cả những suy tính của đồng chí liên quan đến cuộc vượt ngục mới này».
Mải mê đọc thư, ông Gôrbiacốp không thấy cụ Phêđốt đi vào buồng làm việc của ông. Cụ xếp sắp lại củi trong nhà kho và bỗng thấy khúc gỗ rỗng ruột. Không phải khó khăn gì, cụ nhận ra ngay khúc gỗ này, bởi vì cụ đã phải loay hoay dùng cái đục bán nguyệt khoét suốt hai buổi tối.
- Gì thế hả? - nhanh như máy giấu ngay lá thư vào bình có đề chữ đỏ: «Cẩn thận! Chất độc!», ông Gôrbiacốp hỏi.
- Anh Phêđo này, cái khúc gỗ ấy mà, tôi đặt vào sát bên tường ấy, bây giờ nó nằm ở hàng thứ hai trong đống củi, - cụ Phêđốt rụt rè nói, còn chưa rõ thái độ ông Gôrbiacốp đối với việc này ra sao.
- Khúc gỗ nào bố nhỉ? - ông Gôrbiacốp vội hỏi, chợt quên khuấy cái đêm bão tuyết ông đã để khúc gỗ bí mật vào nhà kho.
- Thì chính cái khúc gỗ ấy. Anh không nhớ là anh đề nghị tôi khoét... dường như để giữ những thứ thuốc gì đó... - Cụ Phêđốt cười mỉm sau bộ râu. Dù chữ nghĩa cụ không thông thạo cho lắm, nhưng dù sao đi nữa cụ cũng hiểu rất rõ chuyện ông Gôrbiacốp đồng tình với ai, có cảm tình với ai và ông có thể cất giấu gì trong khúc gỗ này.
- Nhưng bố leo vào đống củi làm gì đấy? - lập tức nhớ ra, ông Gôrbiacốp hỏi.
- Sao lại làm gì? Cưa củi mới, phải xếp số củi ấy vào. Mấy lại để cho gọn, tôi soạn lại số củi cũ một chút...
- Bố ạ, cái khúc gỗ ấy bố giữ cho con hơn giữ con ngươi mắt đấy. Rồi bố chỉ con xem bố xếp lại nó vào đâu. Với lại bố chú ý sao để bà bếp không thiêu cháy mất khúc gỗ ấy... Trong đó con cất các tài liệu quan trọng, - Và, im lặng một lát, ông quyết định rằng ông chẳng việc gì phải nói khéo đối với ông già và cần phải nói cho cụ một đôi điều nữa: - Bố ạ, nếu bất ngờ con bị tóm và bọn chúng tống con đi thật xa thì, bố ạ, bố hãy giữ lấy khúc gỗ đó. Bố hiểu chứ ạ?
- Sao lại không hiểu kia nhỉ. Tôi hiểu hết. Chỉ có điều không thể nào anh lại bị tóm. Anh là con người cẩn thận, Phêđo ạ.
- Bố ạ, cả với người cẩn thận cũng có khi gặp chuyện.
- Nhưng anh đừng có nghĩ đến chuyện ấy, chẳng có lại mất ăn mất ngủ.
- Thì con cũng chẳng nghĩ gì. Chẳng qua là nói với bố đề phòng trước vậy thôi.
- Tôi hiểu cả, - ông già nhắc lại và vội quay ra phòng ngoài.
- Bố ngồi lại đây đã, - ông Gôrbiacốp giữ cụ Phêđốt lại.
Ông già trở lại, thận trọng ghé ngồi xuống chiếc ghế tựa cao màu trắng, nhìn ông Gôrbiacốp dò hỏi.
- Bố này, bố liệu có giúp con một chuyện không? - ông Gôrbiacốp hỏi, nhìn thẳng vào đôi mắt hiền từ, dịu dàng của cụ Phêđốt.
- Anh cứ nói xem, Phêđo.
- Cần phải đưa một người, bố ạ, từ Narưm thẳng tới trại của Philarét. Sao, bố có thể giúp được không? Con đường không dễ dàng gì, lại cũng chẳng ngắn nữa.
- Tôi làm được, Phêđo ạ. Khi nào anh bảo phải đi?
- Con sẽ bảo khi nào đến lúc.
- Cũng được. Với tôi thì bao giờ cũng vậy thôi.
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri