Chương 22
úc con đỡ đầu của tôi còn nhỏ, tôi thường thỉnh thoảng đến ở lại Battersby vài ngày. Thật khó để nói vì sao tôi đến đó, bởi Theobald và tôi ngày mỗi xa cách nhau, nhưng đôi khi người ta cứ làm theo những gì đã thành lệ, và thứ được cho là tình bạn giữa chúng tôi vẫn tiếp tục tồn tại, cho dù nó kém xa thuở ban đầu. Ernest khiến tôi hài lòng hơn những đứa em của nó, nhưng dường như nó không có được sức sống của trẻ con, và trông như một ông cụ non ốm yếu, tái xám, tệ hơn cả tôi nữa. Tuy vậy, khi còn nhỏ tuổi, người ta rất sẵn sàng thân thiện với người khác.
Tôi nhớ là trong một lần viếng thăm như vậy, ngày đầu tiên tôi mới đến, Ernest và em trai nó cứ luẩn quẩn quanh tôi, trên tay cầm đầy những nhành hoa đang héo, và cuối cùng chúng đem tặng cho tôi. Lúc đó, tôi làm một việc mà tôi nghĩ là chúng đang chờ đợi; tôi hỏi chúng xem gần đây có nơi nào để chúng mua kẹo bánh hay không. Chúng nói là có, và tôi lục túi mình, nhưng chỉ có hai đồng một xu, và một đồng nửa xu mà thôi. Tôi đưa cho chúng, và hai đứa nhóc, bốn tuổi và ba tuổi, chập chững tự đi mua đồ cho mình. Không lâu sau, chúng quay trở về, và Ernest nói, ‘Chúng con không thể mua kẹo với toàn bộ số tiền này’ (tôi thấy như đang bị trách, nhưng chúng hoàn toàn không có ý trách gì tôi), ‘chúng con có thể mua kẹo với cái này’ (đưa ra một xu), ‘và cái này’ (đưa ra một xu nữa), ‘nhưng không thể mua được với toàn bộ cái này,’ và nó thêm đồng nửa xu vào với hai xu đó. Tôi cho là chúng muốn một cái bánh giá hai xu, hay một cái gì tương tự như thế. Tôi rất thích thú, và để cho chúng tự giải quyết vấn đề này theo cách của chúng, và háo hức chờ xem tiếp theo sẽ là gì đây.
Chẳng mấy chốc sau, Ernest nói, ‘Có lẽ chúng con đưa lại cho bố cái này’ (đưa đồng nửa xu ra), ‘và không đưa bố cái này và cái này được không?’ (đưa ra hai đồng một xu). Tôi đồng ý, và chúng thở phào nhẹ nhõm rồi hân hoan chạy đi mua kẹo. Với thêm vài xu và vài món đồ chơi nhỏ nữa, tôi đã chinh phục được chúng, rồi chúng bắt đầu tin tưởng chuyện trò với tôi.
Chúng kể với tôi một chuyện mà tôi nghĩ là mình không nên nghe. Chúng nói rằng nếu ông ngoại của chúng sống thọ hơn, thì hẳn ông đã thành một giám mục lớn, rồi cha của chúng sẽ được thành Đức Ông, nhưng bây giờ ông của chúng đã ở trên thiên đàng cùng với bà ngoại Allaby mà hát ngợi khen Chúa Giêsu, Đấng yêu thương chúng hết mực; và chúng còn kể lúc Ernest bị ốm, mẹ đã nói với nó rằng nó không cần phải sợ cái chết bởi nó sẽ được lên thẳng thiên đàng, chỉ cần nó biết hối lỗi về những lần học hành không tốt hay những lúc làm phật ý cha nó, và hứa sẽ không bao giờ, không bao giờ làm phật ý cha nữa; rồi khi nó lên đến thiên đàng, ông bà ngoại sẽ gặp nó, và nó sẽ được ở mãi với ông bà, họ sẽ rất tốt với nó, sẽ dạy nó hát những bài thánh ca tuyệt hay, hay hơn nhiều những bài mà hiện giờ nó đang thích,...v.v; nhưng nó không muốn chết, và rất mừng khi khỏe lại, bởi trên thiên đàng không có mèo con, và nó cũng không nghĩ là thiên đàng sẽ có cây anh thảo hoa vàng để làm trà anh thảo cho nó uống.
Christina rõ ràng là thất vọng về hai đứa con trai. ‘Những đứa con của tôi, chẳng đứa nào có thiên tư, anh Overton ạ,’ cô nói với tôi như thế vào một bữa ăn sáng nọ. ‘Chúng có khả năng tương đối, và nhờ được Theobald dạy dỗ, chúng giỏi hơn so với tuổi, nhưng không có vẻ gì là thiên tài cả: thiên tài là một điều khác biệt hẳn, đúng không anh Overton?’
Tất nhiên câu trả lời của tôi là ‘Có, nó khác biệt hẳn’, nhưng nếu nói rõ hơn thì sẽ là ‘mong cô làm ơn đưa cho tôi tách cà phê, và đừng nói chuyện ngớ ngẩn nữa.’ Tôi chẳng rõ thiên tài là thế nào, nhưng theo những gì tôi nghĩ, thì có thể nói rằng đó chỉ là một từ ngớ ngẩn mà những kẻ nịnh hót trong khoa học và văn chương sẽ chẳng chịu bỏ nó cho sớm đâu.
Tôi không biết chính xác Christina kỳ vọng điều gì, nhưng có thể hình dung ra gần như thế này: ‘Con cái của tôi hẳn đều phải là thiên tài, bởi chúng là con của tôi và Theobald, và thật nhảm nhí nếu chúng không được như thế; nhưng sự thật là chúng không thể giỏi giang và thông minh như Theobald và tôi được, và nếu chúng có thể hiện nào như thế, thì chúng thật quá hư đốn. Nhưng may thay, chúng không được như vây, nhưng như thế lại cũng thật tệ. Thôi đi, thôi đi, sao nào, một thiên tài phải thể hiện sự khác biệt về trí tuệ ngay từ lúc còn rất nhỏ, mà những đứa trẻ của tôi, chưa có đứa nào lên mặt báo. Tôi sẽ không để chúng được lên mặt kiểu như thế, tôi với Theobald được lên báo là quá đủ cho chúng tự hào rồi.’
Người đàn bà tội nghiệp, cô không biết rằng, sự vĩ đại khoác lên mình một chiếc áo tàng hình, và đến rồi đi với người ta mà không ai biết được; nếu nó không tự giấu mình đi, và giấu mình khỏi ánh mắt người ta trong suốt nhiều năm trời, thì sự vĩ đại đó chẳng mấy chốc sẽ biến dạng thành một thứ rất tầm thường mà thôi. Người ta có thể thắc mắc rằng trở nên vĩ đại có gì tốt? Câu trả lời là có lẽ bạn sẽ nhận biết được một điều cao cả tốt đẹp hơn nơi mọi người, dù còn sống hay đã chết, và bạn chọn một trong số đó rồi tận dụng cũng như nắm bắt được nó, từ đó bạn sẽ có thể đem hoan lạc đến cho cả những người cao quý nhất, và có thể sống trong cuộc đời cả những kẻ chưa được sinh ra. Người ta sẽ thấy được rằng chừng đó là đã đủ cho sự vĩ đại, mà chẳng cần phải thêm cái tham vọng muốn đè đầu cưỡi cổ người khác, cho dù tham vọng đó có giấu mình trong sự nhún nhường đi chăng nữa.
Tôi có đến nhà Theobald vào một ngày chủ nhật và chứng kiến sự nghiêm ngặt trong việc giữ ngày Sabbath mà vợ chồng anh dạy cho các con, chúng không được bỏ những việc thường làm và cũng không được vẽ vào ngày chủ nhật, và chúng thấy thật nặng nề, bởi những anh em họ bên nhà bác John được làm những việc đó. Những anh em họ của chúng được phép chơi tàu lửa đồ chơi vào ngày chủ nhật, chỉ có một điều là chúng phải hứa chỉ chạy đoàn tàu ngày chủ nhật, còn tất cả mọi con tàu khác đều bị cấm. Vào ngày Chủ nhật, với đám trẻ nhà Theobald, chỉ có một điều khác biệt được cho phép mà thôi, đó là tối đó, chúng được phép chọn bài thánh ca cho riêng mình.
Vào buổi tối, chúng tôi ngồi trong phòng khách, đám trẻ nhà Theobald hát thay vì đọc một vài thánh ca tặng riêng cho tôi, và tôi đã được nghe thấy giọng chúng tốt đến thế nào. Ernest hát đầu tiên, và nó chọn một bài về cây hoàng hôn. Tôi không phải là nhà thực vật học, và chẳng biết cây hoàng hôn là loại cây gì, nhưng bài hát bắt đầu như thế này, ‘Đến đây, đến, đến đây, đến với cây hoàng hôn bởi ngày đã hết, đã trôi qua.’ Giai điệu thật dễ thương, và Ernest say sưa với chúng, bởi nó có hứng thú đặc biệt với âm nhạc và giọng trẻ con của nó nghe thật ngọt ngào.
Tuy nhiên, nó rất chậm trong việc phát âm cho chuẩn từ ‘đ’, do vậy thay vì nói ‘đến’, nó nói thành ‘tến, tến, tến.’
Từ chiếc ghế bành trước lò sưởi, với hai tay khoanh trước ngực, Theobald nói, ‘Ernest, con không nghĩ là sẽ tốt hơn nhiều, nếu con nói ‘đến’ như người ta, thay vì ‘Tến’ hay sao?’
‘Con đã nói tến mà’ Ernest thưa lại, ý nó là nó đã nói ‘đến’.
Theobald luôn khó chịu vào tối chủ nhật. Cho dù là do cảm giác chán chường ngày chủ nhật giống như các giáo dân, hay do mệt mỏi, hay do bất kỳ lý do nào khác, thì có một sự thật là các giáo sỹ thường không có tâm trạng thật tốt vào buổi tối ngày này; tôi đã thấy những dấu hiệu đó nơi Theobald, và hơi lo ngại khi nghe Ernest nhanh miệng đáp lại ‘Con đã nói tến mà’ ngay khi cha nó vừa lên tiếng nhắc nhở.
Theobald nhận ra đứa trẻ đang cãi lại mình. Anh đứng dậy khỏi ghế và bước đến bên cây đàn.
‘Không, Ernest, con không được đọc như vậy,’ anh nói, ‘con chẳng đọc đúng gì hết, con nói ‘tến’ chứ không phải ‘đến’. Nào, bây giờ nói theo cha, ‘đến’.’
‘Tến,’ Ernest nói ngay, ‘vậy tốt hơn chưa?’ Tôi chắc rằng nó nghĩ là nó đã phát âm tốt hơn, nhưng thực ra không phải vậy.
‘Nào, nào, Ernest, con không chịu cố gắng; con không cố gắng cho đủ. Bây giờ là lúc con cần phải học để nói ‘đến’, sao ư, Joey có thể nói ‘đến’, đúng không, Joey?’
‘Dạ, con có thể,’ Joey trả lời, và rồi phát âm nghe gần với chữ ‘đến’.
‘Đó, con nghe chưa, Ernest? Chẳng có gì khó khăn cả, một chút cũng không. Nào, bây giờ đến lượt con, hãy nghĩ về từ đó, và nói theo cha, ‘đến’.’
Thằng bé im lặng chần chừ một khắc, rồi lại nói ‘tến’.
Tôi bật cười, nhưng Theobald quay sang tôi nóng nảy và nói, ‘Đừng có cười, anh Overton; như vậy sẽ làm cho đứa trẻ nghĩ rằng chuyện này vớ vẩn, nhưng đây là một chuyện quan trọng,’ rồi anh quay sang Ernest, ‘Nào, Ernest, ta sẽ cho con một cơ hội nữa, và nếu con không nói ‘đến’ được, thì ta sẽ biết là con ương bướng và hư đốn đến mức nào.’
Trông anh rất giận, và khuôn mặt Ernest thoáng hiện nét lo sợ, giống như con chó con lúc bị mắng mà chẳng hiểu duyên cớ vì sao. Nó thấy được điều gì sắp xảy đến, và e sợ, rồi nó cố gắng, nhưng tất nhiên, nó lại nói ‘tến’ một lần nữa.
‘Được lắm, Ernest,’ Theobald nói, rung rung đôi vai giận dữ. ‘Ta đã làm hết sức mình để dạy cho con, nhưng nếu con muốn làm như vậy, thì cứ làm,’ rồi anh lôi đứa trẻ tội nghiệp đang khóc vì sợ hãi ra khỏi phòng. Vài phút sau, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng thét từ phòng ăn, vang khắp sảnh ngăn giữa phòng khách với phòng ăn, và như thế có nghĩa là Ernest tội nghiệp đang bị đánh đòn.
‘Tôi đã cho nó đi ngủ,’ Theobald nói, lúc anh trở lại, ‘còn giờ, Christina, anh nghĩ là chúng ta nên gọi các người hầu vào để bắt đầu giờ kinh,’ rồi anh tự tay rung chuông, một việc đáng ra là của Christina.
Xác Thịt Về Đâu Xác Thịt Về Đâu - Samuel Butler Xác Thịt Về Đâu