Phượng Vĩ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 23/27
hượng bị cảm sốt và Phượng không về kịp vào ngày đi học. Phượng định viết thư báo tin anh biết từ hôm mồng bốn nhưng Phượng đã không thể rời khỏi giường bệnh. Anh Chương đừng nghĩ Phượng vô tình nhé! Chiều nay Phượng thấy khòe khỏe, Phượng ngồi dậy viết thư. Nhìn tấm lịch mới rụng rời. Ðã mồng bẩy. Thư tới anh phải mồng mười. Tết ở Hà Nội chán lắm. Nếu Phượng nói Phượng muốn ăn Tết ở Thái, anh Chương có tin Phượng không? Phượng gặp đông đủ bạn cũ. Phượng cho họ đọc huyền thoại ô mai của anh, lập tức, các hiệu bán ô mai đắt hàng ghê quá. Ấy là nhờ anh. Phượng khoe anh với họ và họ ước ao được về Thái học. Phượng tả đêm Giáng Sinh đi đếm bóng đèn điện, đêm tất niên đi đếm những cây hồi với anh, họ lắng tai nghe. Phượng cũng nói vào tháng Năm, hoa hồi sẽ thơm ngát. Mồng một, Phượng đi lễ ở đền Ngọc Sơn xin hai quẻ thẻ một quẻ cầu vận cho Phượng, một quẻ cầu... thi đỗ cho anh. Phượng nhờ ông thầy ngồi ở đầu cầu Thê Húc đoán quẻ giùm anh. Thánh bảo năm nay anh thi đỗ. Vậy anh nên mùng đi là vừa. Buồn cười ghê, anh Chương ạ, Phượng không xin thẻ tình duyên mà ông thầy cứ bảo thánh dạy Phượng duyên may tình đẹp làm Phượng xấu hổ đỏ mặt. Phượng đã đứng giữa cầu Thê Húc, dựa vào thành cầu nhìn xuống nước hồ Gươm. Lúc ấy, Phượng ao ước có anh đứng cạnh để nói chuyện gì đó...
Thôi đợi về Thái sẽ kể anh nghe nhiều. Anh đừng viết thư trả lời Phượng. Vì Phượng sẽ về, chậm nhất là ba bốn hôm nữa. Phượng đã mua sẵn một hộp dầu Con Hổ. Anh biết làm gì chưa? Lần này chắc phải bóp tay sau khi mượn vở của anh về chép bài. Phượng không hỏi anh Tết ở Thái có vui không đâu. Anh sẽ nói anh vui. Anh hay nói dối Phượng. Anh bảo anh không tiễn chân Phượng thế mà Phượng ngồi trên xe trông rõ anh đứng sau cột đèn điện hút thuốc lá. Nhưng Phượng cứ thích anh nói dối. Anh không là anh có. Chớ một lần nào anh có với Phượng, anh Chương nhé! Bởi anh có là anh không. Và Phượng sẽ buồn biết mấy. Ðêm Giao Thừa, Phượng đi hái lộc cho cả anh đấy. Phượng sẽ đem về biếu anh một nhánh lộc tượng trưng. Phượng có hàng trăm chuyện nói với anh. Hẹn gặp anh ở Thái. Phượng dừng bút đây. Chúc anh nhớ lời thánh dạy.
PHƯỢNG
T.B. - Hút ít thuốc lá thôi nhé kẻo vàng phổi, ho lao đấy.
Nhận thư Phượng sáng nay. Nàng gửi về trường. Nếu sáng nay tôi trốn học thì thêm một ngày buồn nhớ. Mồng mười rồi. Phượng tính đúng ngày thư tới. Tôi cầm thư, đọc tên người gửi, tâm hồn xao xuyến lạ lùng. Tôi nhét thư vào túi áo. Thư Phượng áp gần trái tim tôi. Không bao giờ ta nên bỏ thu của người yêu vào bóp hay túi quần. Tôi lại trốn học. Lúc này mới cần trốn học. Tôi không ra bờ sông nữa. Bờ sông thường quá. Bờ sông của các thi sĩ Văn Tùng, Ái Phượng, Hoài Phượng, những kẻ yêu và chắc chắn không được yêu. Tôi đến một phố vắng, ngồi dưới gốc cây hồi, bóc thư ra đọc. Tôi học thuộc lòng thư của Phượng. Tôi muốn bỏ thư vô miệng nhai nát và nuốt đi. Nhưng để dán vào nhật ký của tôi sướng hơn. Thư thì ngọt như suốt đời mộng ảo.
Tôi bỗng yêu mùa xuân. Tôi thấy tôi vừa được mừng tuổi xứng đáng. Xuân của tôi, bây giờ, là xuân hồng, xuân thắm. Tôi huýt sáo gió một bản luân vũ ca ngợi xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối. Tưởng như lá đã đầy cành và lá đang reo vui. Tưởng như chim đã về họp và chim đang nghe tiếng hót của tình yêu. Quanh tôi, trời đất mở hội. Tôi muốn phổ nhạc bức thư của Phượng. Ðể hát mỗi khi nhớ Phượng. Nhưng tôi đã thuộc rồi. Tôi hát hay tôi ngâm hay tôi lẩm nhẩm đọc cũng là tôi tụng kinh tình yêu của tuổi vừa lớn. Tôi bỏ gốc cây hồi, bước nhanh về trường. Ngôi trường đẹp quá. Gian lớp đẹp quá. Thầy giáo kính yêu quá. Bạn bè dễ thương quá. Kẻ trốn học đã tình nguyện trở về vào giữa giờ học. Tôi ngồi trên ghế gỗ ngỡ ngồi trên ghế đệm có lò xo. Êm ái. Lâng lâng. Tôi thả mắt qua khung cửa sổ. Khoảng trời quen thuộc của tôi lại đủ sắc mây. Thoang thoảng mùi hương tóc Phượng. Tôi mơ hồ thấy Phượng rực rỡ quay xuống, mỉm cười:
- Anh nhớ Phượng không?
- Nhớ nhiều.
- Khi nhớ Phượng anh làm gì?
- Tôi buồn khổ.
- Rồi anh làm gì?
- Tôi sợ Phượng chết.
Niềm vui đến với tôi bất ngờ nên rạo rực. Và tôi muốn phơi bầy niềm vui của tôi. Giờ ra chơi, tôi khoe Tùng:
- Phượng sắp trở lại Thái.
Tùng hớn hở:
- Bao giờ?
- Hai, ba hôm nữa.
- Mỗi chiều tôi sẽ ra bến ô tô đợi nàng.
- Nàng về bằng máy bay.
- Sao bạn biết?
- Nàng viết thư bảo tôi thế.
- Thư đâu?
- Ðây.
Tôi chỉ cho Tùng xem cái phong bì thư thôi. Tùng cám ơn tôi. Anh ta nói:
- Tôi sẽ ra sân vận động mỗi ngày. Chiều nay tôi phải tới chỗ bán vé máy bay.
Thị xã của tôi không có sân bay. Trực thăng của quân đội Pháp dùng sân vận động làm bãi đáp. Gần đây, hãng Cosara mở đường bay Hà Nội - Thái Bình, mỗi tuần một chuyến. Máy bay nhỏ bé của hãng Cosara có thể xuống sân vận động. Tôi nói dối Tùng. Tôi không muốn nói dối ai. Nhưng Phượng thích tôi nói dối.
- Bạn Chương!
- Gì đó?
- Xin phép bạn tôi được loan tin cho hai thi sĩ cả quỷnh Ái Phượng và Hoài Phượng biết.
Tùng bỏ tôi. Anh đi tìm Ái Phượng; Hoài Phượng. Tôi biết Tùng sẽ nói dối. Tôi biết Tùng sẽ bảo Phượng gửi thư cho anh và gạt Ái Phượng, Hoài Phượng ra bến ô tô đón Phượng. Tin Phượng sắp về Thái loan truyền rất nhanh. Học trò đệ tứ bàn tán về Phượng. Lại biến cố mới. Lớp học ấm cúng. Ðầy tiếng thầm thì nhắc nhở ngày về của Phượng. Sáng hôm sau, tôi đến lớp thật sớm, đã thấy ô mai và thư trong ngăn bàn của Phượng. Tôi mở một phong thư ra coi. Thấy anh học trò này tả nỗi nhớ Phượng giống hệt mình. Anh ta dám gửi cho Phượng. Còn tôi thì ngập ngừng. Tôi tịch thu hết chiến lợi phẩm, định bụng sẽ làm quà tặng Phượng. Hỡi các bạn tôi, các bạn bắt tôi lao mình vào cuộc chiến đấu êm ái. Các bạn sẽ thua trận. Bởi vì, con gái chỉ yêu những anh học trò ngây ngô, khờ khạo. Con gái lại dễ mắc mưu. Vậy muốn được yêu, ta nên giả vờ ngây ngô, khờ khạo. Như tôi. Thi sĩ dạy tôi điều đó. Anh là kẻ say mê nhưng nhút nhát.
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ