Chương 23
ôi bước hối hả. Chuông nhà ai bên đường điểm năm tiếng. Cái xóm bắt đầu nhộn nhạo. Tiếng gọi cái, tiếng vo gạo, tiếng múc nước xen lẫn tiếng gà gáy báo bình minh. Ngay khúc đường đổ ra phố chính, một ông lão đạp xích lô đang ngồi há mồm ngáy. Tôi gọi ông. Vừa tỉnh dậy ông đã nhỏm lên hỏi:
- Đi đâu?
- Cho cháu ra bến xe ngoại tỉnh.
Tôi đáp. Ông xích lô lúc ấy mới mở được đôi mắt kèm nhèm ra:
- Nào, ngồi lên.
Ông vặn lưng răng rắc vài cái rồi nhảy phóc lên yên đạp. Tôi ngồi trên xe, ngắm phố xá lúc tinh sương. Nhưng tôi cảm thấy lo ngại: Nhỡ ra cô Tâm không chờ được mình...
- Ông đạp dấn cho cháu với.
Ông xích lô quát:
- Đạp thế này là hết sẩy rồi. Mấy thằng trai trẻ cũng không đạp được nhanh như tôi.
Tôi nài:
- Cháu có việc gấp lắm.
Ông lại quát:
- Đã bảo là rất nhanh. Bảo đảm với cô là kịp chuyến xe thứ nhất... Tôi đành im, chờ đợi. Những đường phố lùi lại phía sau. Qua ngã tư, tôi lại nhẩm tính quãng đường còn lại. Ông xích lô nói đúng. Tôi tới bến xe khi nhà xe chưa thức, mà chỉ có chừng dăm khách chờ. Phải nửa tiếng sau, xe mới từ từ vào bến. Tôi đưa cho người phụ lái một số tiền gấp năm lần giá vé quy định. Tôi được ưu tiên ngồi ghế trên. Chuyến đi chóng vánh. Xuống bến, tôi gặp may lần nữa. Một đám xe đạp thồ đang ngồi chầu hẫu chờ. Tôi gặp lại người xe thồ lần trước đã thồ mẹ con tôi. Ông ta già đi nhiều quá. Tôi ái ngại nhìn ông:
- Bác có đèo được cháu tới bến sông không?
Ông đáp:
- Đèo được.
Thấy ánh mắt lo âu của tôi, ông nói thêm:
- Mỗi ngày tôi đưa những năm chuyến khách ra sông. Cô ngồi lên đi...
Lưng áo ông loang từng đám mồ hôi muối. Có lẽ, nhiều ngày không thay. Mùi mồ hôi theo gió tạt lại. Con đường năm xưa lăn dưới bánh xe. Những giải cát trắng và những ổ gà. Con mương nhỏ luồn qua nhịp cầu gỗ. Thi thoảng, một gò đất ven đường nổi lên bóng dáng cổ kính của một cây gạo hoặc một gốc si. Vẫn những đồng lúa bị phân cắt bởi các bờ vùng, bờ thửa, những ao hồ, những kênh thủy lợi hoặc những mảnh ruộng hoang lun phun cỏ dại... Vẫn như xưa...
Những buổi chiều ấy, lần đầu tiên về quê, tôi đã nép vào lòng mẹ với tất cả niềm yêu thương và tin cậy. Lúc ấy, tôi là một bé con, lúc ấy, tôi chưa biết cô Tâm... Một thiên đường bé xíu nở ra dưới chân cây buồm. Cánh buồm trắng rách vá, nhưng huyền diệu, cả người đàn ông đi đò thô lỗ, cả bộ mặt dửng dưng của người lái đò, cả dáng điệu nhu mỳ, nhẫn nhịn của người đàn bà gánh khoai. Tất cả,... tất cả hòa điệu lại, tất cả là một góc cái thiên đường bé xíu nở trong buổi chiều tuổi thơ. Gió sông thổi lạnh buốt. Tiếng sóng nước dạt dào. Màu tím rịm của ráng chiều là nơi chân mây. Và những đám xác vờ trắng nổi lềnh bềnh ven mép nước... Mẹ ơi... cái thiên đường ngây ngất của thời quá vãng...
- Tới nơi rồi...
Người đạp xe thồ nhảy xuống, rút khăn mặt quàng quanh cổ lau mồ hôi mặt. Ông nói tiếp:
- Cô cho tiền.
Tôi trả tiền ông, rồi từ từ đi xuống bến đò. Viên đá cũ đã mất. Thay vào đó là một ống cống xi măng vứt lăn lóc. Có lẽ khách chờ đò ngồi luôn nên mặt trên nó trở nên nhẵn bóng. Tôi đưa mắt tìm con thuyền với cánh buồm trắng năm xưa...
Có tiếng động cơ nổ. Từ bến sông bên kia, con thuyền quay mũi. Rồi chừng mười phút sau nó đã tiến đến trước mặt tôi, tiếng máy đuôi tôm ròn rã. Người lái thuyền có bộ mặt vô cảm không còn nữa. Con thuyền cũ được sửa sang lại, gắn máy, một chú bé trạc mười lăm tuổi điều khiển. Đám khách dưới thuyền nối đuôi nhau bước lên cây ván gỗ. Chờ họ lên hết, đám khách chờ xuống đò. Tôi là người cuối cùng. Cậu thiếu niên mặc quần Jin, áo sơ mi kẻ ô tóc để dài như kép hát:
- Các vị nộp tiền cho.
À, ra bây giờ đi đò trả tiền trước. Đám khách quá giang đã chuẩn bị sẵn bạc lẻ. Tôi phải nài nỉ mãi một bà mới đổi cho. Thu tiền xong xuôi, cầu lái đò giật dây cho máy chạy. Chỉ một loáng sau, chúng tôi đã tới bờ bên kia. Tôi bước lên cây ván gỗ, lần nữa ngoái nhìn dòng sông, thay cho một lời chào. Rồi tôi hối hả bước.
Cô tôi đang chờ tôi... Giơ tay đập cánh cửa, tim bỗng đổ dồn. Bao nhiêu phỏng đoán cùng lúc xô tới. Căn nhà im như ngôi miếu hoang. Cái im lặng khiến tôi dừng lại. Tôi nắm cả bàn tay đập cửa thình thình, chừng hai phút sau, có giọng nói cuống quýt bên trong:
- Đây... Nghe rồi... nghe rồi..i.. i..
Tiếng lách cách mở cửa then ngang hối hả, lập cập. Cánh cửa vừa hé, tôi đã xô vào:
- Úi giời ơi...
Bà Đũa cất tiếng kêu hớt hải, rồi nói:
- Ra là cô, mong cô mãi.
Tôi hỏi ngay:
- Cô tôi đâu?
Bà Đũa đáp:
- Trong nhà.
Và giây lát, bà nói thêm:
- Bà ấy vẫn chờ cô.
Tôi nhẩy qua bậc tam cấp, chạy xộc vào buồng. Các cửa lớn cửa nhỏ đều mở toang. Cô tôi ưa ánh sáng, khác nhiều nhà ở nông thôn, nhà cô có nhiều cửa sổ. Cô đang nhắm mắt như thiêm thiếp ngủ, đầu gối trên gối mây.
Tôi bật kêu:
- Cô.
Tức khắc, cô mở mắt. Một thoáng ngỡ ngàng, rồi đôi mắt sâu và đen chăm chắm nhìn tôi.
- Cô ơi, con về với cô đây...
Tôi nói.
Cô lặng im, mắt vẫn mở thao láo. Rồi từ hai hố mắt đen mênh mông, những dòng lệ nối nhau tuôn:
- Hằng...
Cô thì thầm:... Mày ra thế đấy hở con?... Người ngợm lép như con mắm, vú vế chẳng có, còn đâu là da thịt con gái?...
Khổ thân cháu tôi, đem thân làm cu ly tận nước người...
Cô nức lên từng cơn, đôi vai lép và bộ ngực lép run rẩy. Hai gồ xương mắt nhô cao trên bộ ngực gầy. Nước mắt, dòng nọ nối dòng kia, tuôn chảy mãi từ tấm thân khô kiệt. Tay cô đặt trên lưng tôi rơi thịch xuống giường. Cô yếu lắm, nhưng mắt cô như hai hòn than, không chịu tàn. Cô nói, thì thầm nhưng rành mạch từng tiếng:
- Tao ghét mẹ mày... Nó không thương đứa con rứt ruột đẻ ra. Nó đầy đọa tấm thân mày...
Tôi không dám cãi. Tôi vuốt nhẹ hai bàn tay cô, nói:
- Con xin cô. Cô đừng nói nhiều mất sức. Cô nghỉ đi...
Cô lặp lại, bướng bỉnh:
- Tao ghét nó... đứa em dâu trời đánh... nó...
Tôi vỗ nhẹ vào vai cô, kiên nhẫn dỗ dành:
-Con xin cô, nói nhiều mất sức lắm... Cô nghỉ đi...
Môi cô mím chặt. mắt chan chứa lệ nhìn đăm đăm vào một điểm giữa không gian vô ảnh. Trong đáy mắt, lóe lên ngọn lửa thù hận, rực rỡ và giá buốt. Tôi bất chợt rùng mình. Tôi gọi:
- Cô ơi...
Gương mặt cô như chùng xuống, mở mắt đi. Cô cất tiếng nấc và gọi:
- Hằng.
- Dạ.
- Cúi xuống với cô...
Tôi quỳ xuống bên giường, cúi sát mặt cô. Cô đưa bàn tay gầy héo rờ vai tôi. Khi chạm chiếc xương quai xanh trỗi trên bộ ngực khốn khổ của tôi, cô lại bật tiếng nấc to hơn, nước mắt trào ra đầm đìa:
- Khốn nạn thân con, Hằng ơi...
Lúc ây, mắt cô chìm trong bóng tối. Tia nhìn trở nên đứt đoạn run rẩy. Trong đáy hồ thăm thẳm, lướt qua chút ánh sáng yếu ớt khiến tôi se lòng... Cô ăn năn chăng?... Cuối cùng, cuộc chiến tranh giữa cô với mẹ tôi chỉ mình tôi gánh chịu. Trận đọ sức bất phân thắng bại chỉ đem lại nỗi bất hạnh cho số phận của riêng tôi...
Cô gọi:
- Hằng.
- Dạ.
- Cô thương con.
- Vâng ạ.
Cô giơ tay, cố xoa đầu tôi:
- Cô thương con... con biết không?...
Tôi nắm giữ bàn tay khô nhẹ như chiếc lá cuối đông lìa cành, nói:
- Con biết cô ạ... Cô an tâm.
Giọng cô bắt đầu chơi vơi, nhưng ánh mắt tỉnh táo:
- Cô đã cố chờ con... Cô phải nhìn thấy mặt con.
Tôi đáp:
- Con về, con sẽ chăm sóc cô... Cô sẽ khỏe mạnh như bình thường...
Mắt cô nhìn đâu đó, chứng tỏ cô không thèm nghe lời tôi nói, như đó chỉ là những điều nhảm nhí. Cô tiếp tục những ý nghĩ của mình:
- Cô chỉ có con, một mình con... trên đời.... Cô muốn con được sung sướng.. Hồi xưa, cô yêu bố con... như con bây giờ. Cô cõng nó trên lưng, bón cháo, ôm nó ngủ lúc bà đi cấy... Bố con không còn... Nó ở dưới cõi âm, lạnh lẽo...
Tới đó, cô rùng mình, nhắm mắt lại. Tôi xiết chặt tay cô, ghì riết tấm thân xương xẩu, teo tóp của cô vào mình. Tình yêu, sự đồng cảm, mối liên kết mơ hồ trong bóng tối âm u của máu huyết, niềm xót xa thâm hậu... tất thảy cùng một lúc vặn thắt con tim.
- Bố con ở dưới kia...
Cô lại tiếp tục thì thầm, mắt vẫn nhắm nghiền, chỉ hai lằn mi tím thẫm khẽ rung rẩy:
- Cõi âm lạnh lắm... nó không được như ở trên đời...Cô muốn ủ ấp con, che chở con... Vậy mà chính cô lại đày đọa con, cô hại con... Hằng, con có oán cô không?
Tấm thân nhỏ bé, khô kiệt run lên, theo từng hồi nấc nghẹn. Nước mắt cô lại tràn trên gò má, chảy xuống hai bên thái dương sâu hõm. Tôi ôm cô, nói:
- Cô ơi, đừng nói nữa, cô ngủ đi một lúc...
Cô không nghe tôi. Cô cất tiếng gọi:
- Hằng.
- Dạ.
Cô nói:
- Con ra xem bà Đũa đâu? Bảo bà ấy nấu cho cô nồi nước tắm.
Tôi chạy ra sân. Bà Đũa đang ngồi nhặt kê lép và cỏ hạt lẫn trong kê ra vừa đãi. Ở vùng này, người ta hay ăn kê nấu với đường cát và bánh đa. Có lẽ, thấy tôi về, bà Đũa chuẩn bị quà đãi khách.
Tôi nói:
- Bà nấu cho cô tôi nồi nước tắm.
Bà Đũa ngẩng lên:
- Quái lạ, tôi vừa tắm cho bà ấy hôm qua.
Đoạn bà bỏ rá kê, xăm xăm chạy vào buồng:
- Thưa bà, bà mau quên, tôi vừa đun nước tắm cho bà chiều qua.
Cô Tâm mở mắt, nói rành rọt:
- Tôi không quên... Bảo bà nấu nước thì bà cứ nấu, không cần hỏi lại... Nhớ bỏ cho tôi thật nhiều hương nhu.
Bà Đũa đáp:
- Vâng.
Rồi bà đi ra.
Cô tôi bảo:
- Con đóng kín cửa lại.
Tôi đóng kín các cánh cửa rồi tới ngồi bên giường. Cô tôi rút dưới gối vật gì đó, đặt vào lòng tay tôi. Vì tối, lát sau tôi mới nhìn ra hai chiếc chìa khóa được nối bằng một đoạn dây sa tanh chắc cắt ra từ chiếc quai nón.
Cô nói:
- Chiếc chìa khóa đồng là khóa tủ đứng. Trong đó cô cất tiền mặt để con lo lễ tang, cúng cữ ba ngày và bốn mươi chín ngày. Còn chiếc chìa khóa bằng kền của Mỹ là khóa chiếc hòm gian gỗ lim cô cất phía sau lưng tủ. Trong hòm, cô để ít đồ tư trang đã đánh sẵn cho con và giấy vẽ sơ đồ nơi chôn của. Rồi con sẽ rõ...
Nói xong, cô nhắm mắt. Tôi vuốt nhẹ tóc cô:
- Cô ngủ một lát cho dễ chịu... Cô ngủ đi...
Những nếp nhăn trên mặt cô giãn ra. Gương mặt cô trở nên thơ thái. Cô thở đều đều, hơi rất khẽ. Và cô thiếp đi thật... Tôi xuống bếp, ngồi bên bà Đũa:
- Cô tôi ốm lâu chưa?
- Bốn tháng hơn rồi.
- Ai đánh điện cho tôi?
- Ông Tám, người đi xe máy lần trước đón cô về.
- Cô tôi mắc bệnh gì thế?
- Tôi không rõ. Cả lang Tây lẫn lang ta tới nhà như chuột vọc mà chẳng biết bệnh gì. Bà ấy cứ héo dần đi...
- Cô tôi ăn gì thế?
- Bây giờ thì chẳng ăn gì cả. Hồi mới ngã bệnh, bà vẫn ăn cơm. Qua tháng thứ hai chỉ ăn cháo. Tháng thứ ba uống sữa bò với thỉnh thoảng đòi ăn chè đỗ xanh nghiền. Mấy tuần lễ nay, bà chỉ uống sâm... Ăn gì cũng nôn hết...
- Cô tôi trông vẫn tỉnh táo.
- Phải, bà ấy tỉnh lắm. Mà sạch sẽ đến kinh người. Cứ hai ngày bắt tôi đun nước tắm một lần. Có vài con ruồi bay vào phòng là bà ấy bắt tôi đuổi cho kỳ được.
- Cảm ơn bà nhé. Chắc bà vất vả nhiều vì cô tôi.
- Không. Việc gì cũng quen. Mà chẳng có bà ấy hồi trước tôi cũng đến bị gậy đi xin xứ người... Này, nước sôi ùng ục rồi đấy...
- Vâng. Bà để tôi tắm cho cô tôi...
Tôi sắp sửa để tắm gội cho cô. Tôi không tin lắm vào linh cảm, nhưng ý muốn của người ốm nặng cần phải tôn trọng. Cô Tâm, sau giấc ngủ đã thức dậy. Cô ngoan ngoãn để cho tôi tắm gội, thay quần áo. Sức yếu, nhưng tôi vẫn bê được cô một cách dễ dàng. Cô nhẹ bỗng như đứa bé. Mùi nước lá thơm tỏa khắp mấy gian nhà, thật dễ chịu. Tuy ốm, nhưng giường chiếu cô được thay giặt luôn nên không có mùi hôi lưu cữu như giường của những người bệnh khác. Tôi mặc cho cô một bộ đồ lụa trắng. Tôi lục thấy nó trong tủ. Cô đã may mà chưa bao giờ mặc. Bộ đồ ấy nằm giữa các xấp vải và các bộ quần áo khác, cũng nguyên nếp gấp. Tôi nói:
- Cô buồn cười thật, cất mãi làm gì?... Mùa này mặc quần áo nhạt màu cho đỡ nóng.
Cô im lặng, mỉm cười. Khoảnh khắc ấy, nỗi buồn sâu thẳm lướt qua đáy mắt cô. Nỗi thương tiếc mùa hè... Tôi cắt lát sâm chưng cách thủy với mật ong cho cô uống.
Những Thiên Đường Mù Những Thiên Đường Mù - Dương Thu Hương Những Thiên Đường Mù