Chương 23 - Dưới Cái Ô
rong khi Laurie và Amy đang đi trên thảm nhung, vừa dọn dẹp lại nhà cửa, vừa phác họa những dự kiến cho tương lai thì ông Bhaer và Jo đang đi trên những con đường lầy lội và những cánh đồng ẩm ướt.
“Mình luôn đi dạo vào buổi xế chiều và mình không hiểu vì sao mình không thể từ bỏ thói quen này chỉ vì mình thường gặp ông giáo sư trên đường khi ông đi ra ngoài.” Jo tự nhủ sau khi đã chạm trán với ông đôi ba lần. Thật ra thì có hai con đường dẫn đến nhà Meg, nhưng cô luôn chọn lấy con đường nơi mà cô tin chắc là sẽ gặp ông, lúc đi cũng như lúc về. Ông bước đi nhanh và dường như chỉ trông thấy cô khi ông đến sát bên cô, như thể đôi mắt cận của ông không nhận ra người thiếu nữ đang đi đến gần. Nếu như cô đi đến nhà Meg thì ông luôn có cái gì đó cho mấy đứa trẻ. Nếu như cô đi về nhà, thì ông chỉ đi dạo dọc bờ sông và có ý định ghé qua thăm gia đình March, trừ khi gia đình đã thấy chán vì những cuộc viếng thăm thường xuyên của ông.
Trong trường hợp đó thì Jo có thể làm gì khác hơn là chào đón ông một cách vui vẻ và mời ông bước vào nhà? Nếu cô đã mệt mỏi vì các buổi viếng thăm của ông thì cô che giấu nó thật xã giao và luôn luôn chú ý để ông có được cà phê vào bữa ăn tối vì “Friedrich” – ý tôi muốn nói ông Bhaer – không thích uống trà.
Ngay tuần lễ thứ hai, mọi người đều biết rõ chuyện gì đã xảy ra, mặc dù người nào cũng cố tỏ ra là mình không nhìn thấy những thay đổi trên gương mặt Jo. Người ta không hỏi vì sao cô lại hát trong khi làm việc, chải tóc ba lần trong ngày hoặc nhất định thực hiện các lần đi dạo buổi chiều của cô. Không ai có vẻ nghi ngờ là trong khi giáo sư nói chuyện triết lí với ông bố, thì ông cũng dạy cho cô con gái những bài học về tình yêu.
Jo không muốn dâng hiến trái tim mình một cách công khai, vì vậy cô cố che giấu tình cảm của mình. Nhưng vì cô không thể, nên cô có một cuộc sống khá bất yên. Cô sợ bị người ta chế nhạo đến chết khiếp nếu như cô đầu hàng sau khi đã có nhiều lời tuyên bố thật hăng về cuộc sống độc thân. Cô ngại nhất là Laurie. Nhưng nhờ Amy, anh cư xử rất đứng đắn. Giữa đông người, anh không bao giờ gọi ông Bhaer là “một tay già hết ý”, không bao giờ nói bóng gió về sự thay đổi của Jo và không tỏ ra ngạc nhiên khi tối nào cũng trông thấy cái mũ của ông giáo sư trên chiếc bàn ở phòng ngoài của gia đình March. Nhưng ở nhà riêng thì anh rối rít lên và nôn nóng chờ đợi cái ngày mà anh có thể tặng Jo một cái biển với hình con gấu và một cây gậy như là biểu tượng.
Trong hai tuần liền ông giáo sư đến đều đặn như một người đang yêu. Rồi không thấy tăm hơi ông suốt ba ngày liền. Ai cũng bị ảnh hưởng. Ban đầu Jo trở nên tư lự, rồi – rất tiếc cho câu chuyện tình! – cô giận dữ.
“Mình chán lắm rồi, ông ấy ra đi bất thình lình như khi ông ấy đến vậy! Không ảnh hưởng gì đến mình, dĩ nhiên, nhưng mình thấy là lẽ ra ông ấy nên có giáo dục một chút và đến để từ giã gia đình chứ!” Jo nghĩ khi vừa nhìn cánh cổng một cách tuyệt vọng, vừa thay quần áo cho buổi đi dạo thường ngày của cô, vào một buổi xế trưa trời âm u.
– Con nên cầm theo chiếc ô nhỏ, con yêu, có lẽ trời sẽ mưa đấy – Bà mẹ nói, khi nhìn thấy cô đội chiếc mũ mới và không để ý gì đến xung quanh cả.
– Vâng, thưa mẹ. Mẹ có cần thứ gì ở ngoài phố không? Con cần phải mua giấy. – Jo nói trong lúc đứng trước gương buộc quai mũ. Và như thế cho phép cô không phải nhìn mẹ.
– Có, mẹ cần chỉ bóng, một gói kim số chín và hai thước ruy băng màu tím nhạt nhỏ. Con có đi ủng và mặc cái gì ấm bên dưới áo măng tô không?
– Con nghĩ là có. – Jo đáp giọng xa vắng.
– Nếu tình cờ con có gặp ông Bhaer thì hãy mời ông ấy về nhà dùng trà. Lâu rồi bố không được gặp người đàn ông đáng mến đó. – Ông March thêm vào.
Jo nghe thấy, nhưng không đáp. Cô chỉ ôm hôn mẹ và ra đi vội vã, trong sự hăm hở biết ơn, mặc dù đang đau khổ: “Mẹ thật tốt với mình! Không biết mấy cô gái không có được một bà mẹ như thế để giúp họ khi chuyện không êm xuôi phải làm thế nào?”
Cửa hàng bách hóa không nằm trong khu phố của các ngân hàng và nơi buôn bán lớn, nơi mà phần lớn đàn ông hay tới đó. Nhưng Jo lại có mặt ở đấy trước khi mua bán các thứ, bước đi lững thững như thể cô đang chờ đợi ai đó, và ngắm nhìn các dụng cụ máy móc trong một tủ kính với sự quan tâm ít thấy ở phụ nữ. Cô vấp vào mấy cái thùng tô nô, suýt nữa thì bị ngạt thở bởi mấy gói to người ta ném từ trên gác xuống, bị đẩy đi một cách tự nhiên bởi những người đàn ông bận rộn và mấy người đó tự hỏi không biết cô đến đấy để làm gì. Một giọt mưa rơi trên má đưa cô trở về thực tại. Và vì trời tiếp tục mưa nên cô tự nhủ: nếu không thể cứu được trái tim, ít nhất cô cũng có thể cứu lấy cái mũ của mình. Cô nhớ lại cái ô nhỏ mà trong lúc vội vã cô đã quên không cầm theo. Bất lực, cô chỉ có thể mượn một chiếc ô hoặc nhận lấy một buổi tắm mưa.
Cô nhìn trời đầy mây và ruy băng màu đỏ của cô đã có những chấm đen, nhìn con đường lầy lội trước mặt, rồi nhìn vào một cái kho hàng dính đầy bồ hóng mang biển hiệu “Hoffmann, Swartz & co”. Sau cùng cô tự trách mình: “Cho đáng đời! Không hiểu sao mình lại có ý nghĩ mặc quần áo đẹp nhất và đi lững thững ở đây với hi vọng là sẽ gặp ông giáo sư? Jo, tôi xấu hổ vì cô đó! Không, cô không nên vào đấy để hỏi mượn một cái ô hoặc qua những người bạn của ông ấy hỏi xem ông ấy đang ở đâu! Cô phải đi khỏi đây và mua bán dưới mưa. Và nếu cô chết đi hay làm hỏng cái mũ của mình thì đó là cái cô xứng đáng được nhận. Chấm hết!”
Nghĩ như thế, cô lao ra đường thật nhanh và suýt nữa thì bị một chiếc xe ngựa đang chạy qua đâm phải và va vào một ông lớn tuổi đầy phẩm cách. Ông này nói: “Xin lỗi cô, thưa cô”, với vẻ bị xúc phạm kinh khủng. Khi bình tĩnh lại một chút, Jo dùng khăn mùi xoa để che các dải ruy băng và quên hết mọi thứ. Rồi cô bước đi thật nhanh. Chân cô ướt thêm và mấy cái ô đụng nhau trên đầu cô. Một cái ô màu xanh, khá tồi tàn, dừng lại trên chiếc mũ tội nghiệp khiến cô chú ý. Ngước mắt lên, cô trông thấy ông Bhaer đang nhìn xuống cô.
– Tôi có cảm tưởng như quen biết quý bà nhiều ý chí đã can đảm lao vào trước mấy con ngựa và bước thật nhanh vào con đường lầy lội. Cô làm gì ở đây vậy cô bạn?
– Tôi đi mua ít đồ.
Ông Bhaer vừa mỉm cười vừa nhìn hàng làm dưa chuột muối bên này và cửa hàng bán sỉ các loại da và đồ da ở bên kia. Nhưng ông nói thật lịch sự:
– Cô không có ô. Tôi được phép đi cùng cô và cầm các gói đồ cho cô chứ?
– Cám ơn anh.
Má Jo đỏ không thua gì mấy dải ruy băng và tự hỏi không biết bạn của cô nghĩ gì về cô. Nhưng đối với cô điều đó không quan trọng, vì cô đang bước đi cùng ông giáo sư của cô, khoác tay thân mật, như thể mặt trời đang chiếu sáng đặc biệt và thế giới lại trở nên tốt đẹp. Một phụ nữ hạnh phúc đang bước đi trong sình lầy.
– Chúng tôi nghĩ là anh đã ra đi. – Jo nói nhanh, vì cô biết ông đang nhìn cô.
Chiếc mũ không đủ rộng để che gương mặt của cô và cô sợ là ông sẽ nghĩ sự vui sướng mà cô thể hiện là không đoan trang.
– Cô nghĩ thật sự là tôi có thể bỏ đi mà không từ giã những người đã rất tốt với tôi hay sao? – Ông hỏi giọng trách móc khiến Jo nghĩ là cô đã xúc phạm ông.
– Không, tôi không nghĩ thế. Tôi biết là anh đang bận vì công việc của anh, nhưng chúng tôi thấy thiếu vắng anh, nhất là bố và mẹ tôi.
– Thế còn cô?
– Tôi rất hạnh phúc được gặp anh.
Trong sự lo lắng cần phải nói năng thật bình tĩnh, Jo tỏ ra khá lạnh nhạt và câu nói cuối cùng này dường như khiến ông giáo sư lo lắng và ông nói thật trịnh trọng:
– Cám ơn cô. Tôi sẽ đến một lần nữa trước khi tôi đi.
– Thế anh đi à?
– Tôi không còn gì để làm ở đây cả. Tôi xong việc rồi.
– Một cách tốt đẹp, tôi hi vọng thế? – Jo nói và cảm nhận được sự cay đắng của nỗi thất vọng trong câu trả lời của bạn.
– Tôi dám nghĩ là có, vì tôi đã có được khả năng kiếm sống và giúp đỡ nhiều cho mấy đứa cháu của tôi.
– Xin hãy nói cho tôi biết đó là công việc gì. Tôi muốn biết tất cả về… chúng. – Jo nói nhanh.
– Cô thật tử tế, tôi sung sướng được kể cho cô nghe. Các bạn của tôi đã tìm cho tôi một chỗ làm trong một trường trung cấp, nơi tôi có thể dạy học như ở nhà, và tôi sẽ kiếm được khá để có thể làm cho cuộc sống của Franz và Emil dễ dàng hơn. Tôi phải rất biết ơn về việc đó, phải không?
– Chắc chắn rồi. Thật là tuyệt khi anh làm được những gì anh thích. Và tôi sẽ rất vui nếu được gặp anh thường xuyên. Anh và mấy đứa trẻ! – Jo nhắc đến mấy đứa trẻ để biện minh cho niềm vui mà cô không thể che giấu.
– Nhưng chúng ta sẽ không gặp nhau thường xuyên được, tôi nghĩ thế. Chỗ đó ở miền tây.
– Ồi, xa thế kia!
Jo buông váy xuống mặc cho đám sình lầy bên dưới như thể số phận chúng giờ đây không còn quan trọng nữa.
Ông Bhaer nói được nhiều ngôn ngữ, nhưng ông chưa từng học ngôn ngữ của các bà.
Ông tự hào là đã hiểu rõ Jo. Tuy nhiên ông thật ngạc nhiên về các mâu thuẫn trong giọng nói, vẻ mặt và cử chỉ mà cô đã có trong ngày hôm đó. Khi cô gặp ông, cô có vẻ rất ngạc nhiên, trong khi rõ ràng là cô đến đấy vì mục đích đó. Khi ông đề nghị cô khoác tay ông thì cô nhận lấy với một vẻ mặt khiến ông thích thú. Nhưng khi ông hỏi, cô có thấy thiếu vắng ông không, thì cô lại trả lời một cách lạnh nhạt khiến ông thất vọng. Khi nghe tin về sự may mắn của ông, cô gần như vỗ tay reo mừng: cô chỉ mừng vì bọn trẻ thôi hay sao? Rồi khi nghe nói đến nơi ông phải đến thì cô lại nói: “Xa quá!” với một giọng đưa ông lên đến đỉnh của hi vọng. Nhưng ngay sau đó, cô lại làm cho ông rơi hẳn xuống khi cô nói như thể cô chỉ nghĩ đến việc ấy mà thôi:
– Tôi cần mua đồ ở đây. Anh có vào cùng tôi không? Sẽ nhanh thôi.
Jo khá tự hào về tài mua bán của mình và có ý định gây ấn tượng với người đang đi cùng bằng sự khéo léo và nhanh nhẹn. Nhưng vì cô đang bối rối nên mọi thứ đều sai bét cả. Cô làm đổ cái khay đựng kim, cô quên là chỉ coton phải là loại bóng, cô nhầm lẫn khi trả tiền và cô ngượng chín người khi hỏi mua ruy băng màu oải hương tại quầy bán vải. Ông Bhaer đứng đấy, chứng kiến cô đỏ mặt và sự nhầm lẫn của cô, ông nhận ra rằng vào những thời điểm nhất định, phụ nữ có thể giống như các giấc mộng, họ nói lên điều trái ngược lại những gì họ muốn nói.
Khi cả hai ra khỏi cửa hàng, ông cầm lấy gói đồ với vẻ vui sướng, và bước vào các vũng nước với một sự thích thú hiện rõ.
– Chúng ta có thể mua một ít đồ cho mấy đứa trẻ và mua vài thứ cần thiết cho buổi chia tay tối nay chứ, nếu như tôi đến thăm ngôi nhà thật thú vị của cô lần cuối? – Ông hỏi, dừng trước một tủ kính bày đầy những quả và hoa tươi.
– Thế chúng ta sẽ mua gì? – Jo hỏi và cô muốn hoàn toàn không biết đến đoạn cuối của câu ông nói. Cô hít thở các mùi hương lẫn lộn với một vẻ thích thú.
– Không biết chúng có ăn được cam và vải không? – Ông Bhaer hỏi với vẻ của một người cha.
– Chúng ăn ngốn ngấu những thứ đó nếu có dịp.
– Cô có thích hạt dẻ không?
– Như là một chú sóc.
– Nho vùng Hambourg, vâng, dĩ nhiên.
Jo nhíu mày trước cái ngông cuồng của ông và hỏi tại sao ông không mua một giỏ chà là, một thùng nho và một túi hạnh nhân. Sau đó ông Bhaer tịch thu cái ví của cô, lấy ví của ông ra và kết thúc cuộc mua bán khi đã mua vài cân nho, hoa cúc màu hồng và một lọ mật ong thật ngon. Rồi ông làm biến dạng các túi của ông với tất cả những thứ đã mua và giao hoa cho Jo cầm, ông vươn cái ô cũ ra và cả hai bắt đầu bước đi.
– Cô March, tôi muốn xin cô một ân huệ. – Giáo sư bắt đầu lên tiếng sau cuộc dạo chơi ướt át.
– Vâng, anh cứ nói?
Và tim Jo bắt đầu đập nhanh đến nỗi cô sợ người ta có thể nghe thấy.
– Tôi mạn phép mặc dù trời mưa, vì tôi còn ít thời gian quá.
– Vâng?
Jo gần như đè bẹp bó hoa nhỏ vì cô ôm nó quá chặt trong đôi tay.
– Tôi muốn mua một váy đầm cho bé Tina của tôi nhưng tôi quá ngốc để có thể làm việc ấy một mình. Cô có thể giúp tôi chọn không?
– Tôi rất sẵn lòng.
Jo cảm thấy mình bình tĩnh đồng thời cũng ớn lạnh bất thình lình, như thể cô bước vào một phòng lạnh vậy.
– Và có lẽ mua một tấm khăn choàng cho bà mẹ của Tina. Cô ấy nghèo quá và hay đau ốm, mà người chồng thì lại đem đến cho cô ấy bao nhiêu là phiền muộn. Phải, phải, một khăn choàng thật dày, thật ấm sẽ là thứ rất tốt cho bà mẹ trẻ.
– Tôi sẵn sàng giúp anh, anh Bhaer.
“Mình đi quá nhanh và anh ấy mỗi lúc càng thêm quý giá đối với mình.” Jo tự nhủ. Rồi cô tự mắng thầm trong bụng, cô bước vào cửa hàng một cách mạnh dạn khiến ai nhìn thấy cũng phải thích thú. Ông Bhaer để cho cô làm mọi thứ. Cô chọn một chiếc váy thật xinh cho Tina, rồi cô đòi xem các khăn choàng. Người bán hàng rất quan tâm đến hai người vì trông họ có vẻ như đi mua sắm cho gia đình.
– Có lẽ quý bà thích chiếc này hơn. Chất lượng tốt hơn và màu dịu hơn, rất nhã và thật thanh lịch. – Ông chủ nói rồi lấy một chiếc khăn choàng màu ghi ra và choàng lên vai Jo.
– Anh có ưng chiếc này không, anh Bhaer? – Cô hỏi và xoay lưng về phía ông, rất mừng là có thể che không cho ông nhìn thấy mặt cô.
– Tuyệt vời. Chúng ta mua chiếc đó đi, – ông giáo sư đáp, thầm mỉm cười trong khi trả tiền.
Jo tiếp tục lục lạo trong các quầy hàng như là một chuyên gia về đồ hạ giá.
– Giờ thì chúng ta về nhà chứ? – Ông hỏi, như thể câu nói đó làm ông thích thú.
– Vâng, đã muộn rồi và tôi cũng mệt.
Giọng nói của Jo thống thiết hơn là cô nghĩ. Mặt trời đã trốn rất nhanh như khi nó xuất hiện, mọi thứ đều trở lại lầy lội và khốn khổ. Lần đầu tiên cô phát hiện ra là cô bị lạnh chân, đau đầu, nhưng tim cô còn lạnh hơn cả đôi chân và đau hơn cả đầu cô. Ông Bhaer sẽ ra đi. Cô chỉ là một người bạn đối với ông. Cô đã nhầm ngay từ đầu và ông đi càng sớm càng tốt. Với những ý nghĩ đó trong đầu, cô ra hiệu thật bất thình lình cho một chiếc xe buýt đang dí tới khiến cho mấy đóa hoa cúc rơi xuống đất và bị hỏng rất nhiều.
– Đó không phải là xe của chúng ta, – ông giáo sư nói, vừa ra hiệu cho chiếc xe chạy đi và nhặt mấy đóa hoa đáng thương lên.
– Xin anh thứ lỗi, tôi không nhìn thấy rõ biển tên. Nhưng không quan trọng, tôi có thể đi bộ. Tôi quen lội bì bõm trong bùn rồi. – Jo vừa nói vừa chớp mắt thật mạnh vì thà chết còn hơn là lau mắt một cách công khai.
Ông Bhaer nhìn thấy nước mắt trên má cô, mặc dù cô đã xoay đầu đi. Ông rất cảm động. Bỗng ông dừng bước, hỏi giọng đầy ẩn ý:
– Bạn thân yêu, vì sao bạn khóc?
Nếu như Jo có chút ít kinh nghiệm về việc này, thì cô đã trả lời là cô không khóc, cô chỉ bị cảm thôi. Cô sẽ tìm ra một lời nói dối nào đó thật phụ nữ, hợp với hoàn cảnh. Thay vì vậy, thiếu phụ trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm kia đã đáp trong tiếng khóc không kiềm chế được:
– Vì anh sẽ ra đi.
– Ôi, Chúa ơi! Nghe mới hạnh phúc làm sao! – Ông Bhaer thốt lên, ông chắp hai tay lại, mặc dù đang cầm ô và mấy gói đồ. – Jo, tôi không có gì khác để cho em ngoài tình yêu. Tôi đã đến đây để xem em có chấp nhận không, và tôi muốn biết có phải đối với em, tôi còn hơn là một người bạn không. Em có thể dành cho lão Fritz già này một chỗ nho nhỏ trong trái tim em không? – ông nói liền một hơi.
– Vâng, có chứ! – Jo nói.
Và ông thật hạnh phúc vì cô ôm chặt cánh tay ông, ngước lên nhìn ông với nét mặt cho ta thấy cô sẽ thật hạnh phúc được đi bên ông suốt đời cả khi cô không có chỗ nào để núp hơn là chiếc ô cũ đó, một khi chính ông là người cầm nó.
Một cuộc tỏ tình thực hiện trong điều kiện thật khó khăn, vì ngay cả khi ông Bhaer có muốn đi nữa thì ông cũng không thể quỳ gối được vì mớ bùn kia. Ông cũng không thể đưa tay cho Jo, chỉ có thể theo nghĩa bóng mà thôi, vì cả hai tay ông đều ôm đầy các thứ. Ông lại càng không thể tỏ ra âu yếm được giữa đường, mặc dù ông sẵn sàng làm điều đó. Vì vậy ông chỉ có thể thể hiện sự sung sướng của ông bằng cách nhìn cô với một cái nhìn làm biến đổi gương mặt ông đến nỗi dường như có mấy cầu vồng nhỏ trong các giọt nước mưa đọng lại trên chòm râu của ông. Nếu như ông không yêu Jo thật nhiều, thì ông không thể làm điều đó lúc này, vì trông cô chẳng quyến rũ chút nào với bộ váy trong tình trạng thật thảm thương, đôi ủng cao su dính đầy bùn lên tận mắt cá và chiếc mũ hoàn toàn bị hỏng. Rất may là ông Bhaer thấy cô là người phụ nữ đẹp nhất trên đời. Còn Jo thì thấy ông tuyệt vời hơn bao giờ hết, mặc dù vành mũ của ông để rơi từng thác nước nhỏ trên vai và tất cả các ngón của đôi găng tay đều cần phải được mạng lại.
Những người qua đường có lẽ cho họ là những người kì quặc, vì họ hoàn toàn quên gọi xe buýt mà lại ung dung đi bộ, không quan tâm đến sương mù và màn đêm đang buông xuống. Người khác nghĩ gì đối với họ không quan trọng. Họ tận hưởng những giây phút hạnh phúc rất hiếm và chỉ đến có một lần trong đời, giây phút huyền diệu đã biến người già thành trẻ, người xấu thành đẹp, người nghèo thành giàu có và cho trái tim con người hưởng chút hương vị của thiên đường. Giáo sư có vẻ như đã chinh phục được một vương quốc và không mong đợi gì hơn nữa ở cuộc sống. Jo bước đi bên ông, cảm thấy là chỗ của cô tự bao giờ là chỗ này đây, và tự hỏi, sao cô lại có thể tưởng tượng một số phận nào khác. Dĩ nhiên, cô là người lên tiếng đầu tiên – rõ ràng, dĩ nhiên – vì những lời cảm động cô nói sau tiếng “vâng” hùng hồn không lấy gì làm mạch lạc lắm.
– Friedrich, tại sao anh không…
– Ôi, trời ơi! Cô ấy gọi cái tên mà không ai còn gọi tôi nữa từ khi Minna không còn nữa! – ông thốt lên, dừng lại ngay trong một vũng nước để nhìn cô tràn ngập vui sướng.
– Em luôn gọi anh như thế trong lòng em. Em đã quên phép lịch sự, nhưng em sẽ không làm thế nữa, nếu như anh phật ý.
– Phật ý ư? Đối với anh còn êm ái hơn là anh có thể nói ra.
– Như vậy có hơi tình cảm quá không? – Jo hỏi vì cô thấy tên đó thật tuyệt.
– Tình cảm? Vâng, ơn Chúa, người Đức bọn anh tin vào tình cảm và bọn anh giữ được sự trẻ trung nhờ nó. Em hãy gọi anh là Friedrich, em yêu của anh, đối với anh thật là quan trọng. – Ông Bhaer van nài, giống như một cậu sinh viên lãng mạn hơn là một giáo sư đầy phẩm cách.
– Vì sao anh không nói với em tất cả chuyện đó sớm hơn? – Jo hỏi rụt rè.
– Giờ thì anh cần phải cởi mở tấm lòng, điều mà anh vui vẻ làm, vì giờ đây, chính em là người phải chăm sóc nó. Em thấy không, Jo của anh – Ôi! Một cái tên thật nhộn – anh đã định nói với em từ hôm mà anh tạm biệt em ở New York. Nhưng anh nghĩ anh bạn đẹp trai là người dành cho em và anh đã không nói gì. Lúc bấy giờ em có nói “Vâng” không, nếu như anh hỏi em?
– Em không biết. Em rất sợ rằng không, vì lúc bấy giờ em không có tâm trạng nào cho việc ấy cả.
– Điều này thì anh không tin. Tim em đã ngủ cho đến khi hoàng tử của lòng em băng qua rừng và đánh thức nó. Ồ, phải! Mối tình đầu thật sự là mối tình đẹp nhất, nhưng anh không được hi vọng là mối tình đầu của em.
– Phải, mối tình đầu là mối tình đẹp nhất. Anh hãy hạnh phúc, vì em không có mối tình nào khác. Teddy chỉ là một chàng trai trẻ và ý nghĩ ngông cuồng của cậu ấy đã qua đi rất nhanh. – Jo nói, rất muốn xua tan sự hiểu lầm.
– Tốt rồi! Thế thì anh có thể ngủ yên và chắc chắn là em sẽ cho anh tất cả. Anh đã chờ đợi lâu quá, anh đã trở thành quá ích kỉ, như em sẽ thấy đấy, thưa bà giáo sư.
– Em thích danh hiệu đó. – Jo thốt lên, rất vui vì tên mới của mình. – Giờ thì anh hãy nói cho em biết cái gì đã đưa anh đến đây, lúc mà em cần anh nhất?
– Cái này đây.
Và ông Bhaer lấy từ trong túi áo gi-lê ra một mẩu giấy nhăn nhúm.
Jo mở nó ra và có vẻ hối tiếc, vì đó là một trong các đóng góp của cô với một tờ báo thường in những bài thơ, tờ báo cô thỉnh thoảng cộng tác.
– Nhưng làm sao bài thơ này lại có thể đưa anh đến đây? – Cô hỏi mà không hiểu ông muốn nói gì.
– Tình cờ anh đã đọc nó. Anh đã nhận ra các tên và các chữ đầu của tên, và trong đó có một câu dường như gọi anh đến. Hãy đọc đi. Anh sẽ chú ý không để em bước vào các vũng nước.
Jo vâng lời và đọc nhanh các hàng chữ mà cô đã đề tựa là:
Trong gác xép.
Bốn chiếc hòm nhỏ xếp ngay ngắn
Mờ vì bụi, cũ kĩ với thời gian
Lỗi thời và xếp đầy từ lâu,
Bởi những đứa trẻ nay đã lớn
Bốn chìa khóa treo cạnh nhau
Trên ruy băng đã phai màu, nhưng dễ thương và vui nhộn
Khi được buộc vào, với một niềm tự hào thật trẻ con,
Cách đây rất lâu, vào một ngày mưa.
Bốn cái tên bé nhỏ trên nắp hòm, khắc bởi một bàn tay vụng về.
Và bên dưới, giấu kín,
Những mẩu chuyện của nhóm trẻ vui vẻ,
Thỉnh thoảng chơi đùa hoặc nghỉ ngơi nơi đây,
Để lắng nghe các điệp khúc êm ái,
Reo trên mái nhà
Của mưa hè đang rơi.
“Meg”, trên chiếc hòm đầu tiên, nhẵn và đẹp.
Mắt yêu thương tôi nhìn vào trong.
Sắp xếp cẩn thận như ta biết,
Một bộ sưu tập,
Kỉ niệm của một cuộc sống thanh bình,
Những món quà cho đứa trẻ thật ngoan,
Một chiếc áo cưới, những bức thư cho một thiếu phụ,
Một đôi ủng thấp cổ rất thanh, một lọn tóc trẻ con.
Không một món đồ chơi trong hòm này.
Vì tất cả đã được lấy đi,
Cách đây không lâu, để một lần nữa giải trí
Một cô Meg bé nhỏ khác.
Người mẹ hạnh phúc!
Em biết chị nghe thấy
Như một điệp khúc êm ái,
Các điệu ru thầm thì
Của mưa hè đang rơi.
“Jo” trên nắp hòm thứ hai, trầy xước và cũ kĩ. Chứa đựng một bộ sưu tập ô hợp Búp bê mất đầu, sách đã bị rách,
Chim và thú không còn nói được;
Báu vật đến từ xứ sở thần tiên,
Chỉ bị đôi chân non trẻ giẫm lên.
Giấc mơ về một tương lai không bao giờ đến,
Kỉ niệm của quá khứ lúc nào cũng êm ái.
Bài thơ chưa viết xong, những câu chuyện điên rồ,
Thơ bạn bè, nồng ấm và lạnh nhạt,
Nhật kí của một đứa trẻ có ý chí,
Cho thấy một phụ nữ già trước tuổi
Một phụ nữ trong ngôi nhà cô độc,
Lắng nghe điệp khúc buồn:
“Xứng đáng với tình yêu, tình yêu sẽ đến,
Của mưa hè đang rơi.
Beth của chị
Bụi luôn được lau đi
Trên nắp hòm có tên em,
Bởi những giọt nước mắt yêu thương,
Bởi những bàn tay chăm sóc thường đến.
Cái chết đã phong một nữ thánh, ít trần thế hơn là thần thánh.
Và luôn luôn tràn ngập yêu thương chúng tôi đặt
Các di vật lên bàn thờ gia đình:
Cái chuông bạc nhỏ, ít được dùng đến,
Chiếc mũ bé nhỏ cuối cùng em đội,
Tràng hoa xinh xinh với thiên thần nhỏ bao quanh,
Treo trên cửa em;
Những bài hát em thường hát không buồn phiền,
Trong nhà tù đau đớn,
Từ từ lẫn vào
Tiếng mưa hè đang rơi.
Trên nắp cuối cùng nhẵn bóng
Huyền thoại ngày nay đã thành sự thật, rất đẹp
Một chàng hiệp sĩ thanh lịch cầm khiên
Với tên “Amy” bằng chữ xanh và vàng.
Cái lưới bao tóc đã từng bao tóc em,
Những đôi giày đã mòn vì khiêu vũ quá nhiều,
Những cánh hoa héo xếp rất cẩn thận,
Những chiếc quạt giờ đây không có gì để quạt.
Nhiều kỉ niệm vui về ngày lễ Valentine,
Những thứ nho nhỏ đã từng thật quan trọng
Trong những hi vọng và lo sợ của cô gái trẻ.
Những kỉ niệm của quả tim người trinh nữ
Giờ đây đang học những phù phép thật
Và nghe thấy, như một điệp khúc dịu dàng,
Tiếng trong như bạc của hồi chuông hôn lễ
Trong tiếng mưa hè đang rơi.
Bốn chiếc hòm xếp ngay ngắn,
Bám đầy bụi, cũ kĩ với thời gian,
Bốn phụ nữ qua việc làm và khó nhọc,
Học cách yêu thương, cho và trưởng thành
Bốn chị em gái, tách biệt một thời,
Nhưng không mất nhau.
Một người ra đi quá sớm,
Trở thành bất tử bởi sức mạnh của tình thương
Gần gũi và được yêu thương hơn bao giờ hết.
Ôi bao giờ các báu vật che giấu
Được bày ra trước mắt Đức Cha trên trời,
Mong rằng chúng chứa thật nhiều những giờ vàng son,
Những hành động càng thêm đẹp bởi ánh sáng,
Những cuộc đời mà khúc nhạc dũng cảm sẽ vang lên thật lâu,
Như một cố gắng làm tỉnh tâm trí,
Những tâm hồn vươn lên vui vẻ trong tiếng hát
Giữa mặt trời sáng chói sau cơn mưa.
J.M
– Thơ này thật là dở, nhưng lúc viết em đã rất thành thật, đúng hôm em cảm thấy cô đơn và đã khóc rất nhiều trên chiếc túi đựng vải vụn. Em không bao giờ nghĩ là các vần thơ này của em sẽ đi kể chuyện như thế. – Jo nói và xé bài thơ mà giáo sư đã cất giữ từ lâu.
– Hãy để cho nó bay đi. Nó đã làm tròn nhiệm vụ của nó, và anh sẽ có một bài mới khi anh đọc quyển vở màu nâu ở đó cô ấy giữ gìn các bí mật nho nhỏ của mình. – Ông Bhaer mỉm cười nói và nhìn mấy mảnh giấy nhỏ bay đi trong gió.
– Phải! – Ông nói tiếp thật nghiêm túc. – Khi anh đọc bài thơ, anh đã tự nói với mình: Cô ấy đang buồn, cô ấy cô đơn, cô ấy sẽ thấy được an ủi trong một tình yêu chân thành. Mình có một quả tim đầy ắp cho cô ấy. Vì sao mình lại không đến thăm cô ấy và nói: “Nếu đó không phải là một thứ quá ư nghèo nàn để tặng em và đổi lấy những gì anh chờ đợi nhận được từ em, thì hãy nhận đi, nhân danh Chúa.”
– Và thế là anh đã đến và đã phát hiện ra rằng thứ đó không quá ư nghèo nàn, mà là thứ quý giá nhất mà em cần. – Jo thì thầm.
– Ban đầu anh không đủ can đảm để nghĩ đến những điều như thế, mặc dù em đã tiếp đón anh thật nhiệt tình. Nhưng chỉ ít lâu sau, anh bắt đầu hi vọng và thế là anh tự nói với mình: “Mình sẽ có can đảm, ngay cả khi mình phải chết!” – ông Bhaer thốt lên vẻ thách thức, như thể bức tường sương mù đang bao bọc họ là một rào chắn mà ông phải vượt qua hoặc phá đổ một cách dũng cảm.
Jo thấy chuyện này thật tuyệt vời, và quyết định tỏ ra mình không thua kém người hiệp sĩ của mình, cả khi ông không phải đến trên lưng ngựa chiến và trong bộ quần áo đẹp nhất.
– Cái gì đã giữ anh ở xa em lâu như thế? – Jo hỏi, rất vui được đặt những câu hỏi riêng tư và nhận được những câu trả lời thật thú vị.
– Thật không dễ chút nào, nhưng anh không đủ can đảm kéo em ra khỏi tổ ấm hạnh phúc kia trước khi có cái gì đó để cho em. Sẽ có ngày, anh đã tự bảo mình sau một thời gian dài, có thể, và bằng lao động cật lực. Làm sao mà anh có thể đòi hỏi em phải từ bỏ bao nhiêu thứ vì một người đàn ông đáng thương không của cải và gia tài duy nhất chỉ gồm một ít học thức?
– Em thật hạnh phúc vì anh nghèo khó. Em không thể chịu được một ông chồng giàu có. – Jo nói vẻ quả quyết. – Anh đừng ngại sự nghèo khó. Em đã biết nó từ khá lâu rồi để có thể sợ nó. Em thật hạnh phúc được làm việc cho những người em yêu. Và anh đừng nói là anh đã già rồi, bốn mươi tuổi, đó là tuổi đẹp nhất. Em sẽ yêu anh cả khi anh đã bảy mươi!
Giáo sư thấy những lời nói đó thật cảm động khiến ông luống cuống tìm khăn tay trong túi áo. Vì ông không thể, nên Jo âu yếm lau mắt cho ông.
Cô vừa nói vừa cười và cầm bớt một, hai gói đồ giúp ông:
– Có thể em có ý chí, nhưng không ai có thể nói là hiện giờ em không làm đúng vai trò của mình, vì nhiệm vụ đặc biệt của người phụ nữ là lau nước mắt và mang những gánh nặng. Em sẽ mang phần của em, Friedrich à, và em sẽ giúp anh kiếm sống cho hai chúng ta. Anh hãy làm quen với ý nghĩ đó đi, nếu không em sẽ không bao giờ đến với anh. – Cô nói quả quyết và cố gắng nhận lại mấy gói đồ.
– Chúng ta sẽ chờ xem. Em có đủ bình tĩnh để chờ đợi lâu không, Jo? Anh phải ra đi và làm việc một mình. Trước tiên anh phải giúp đỡ mấy cậu bé, vì anh không thể phá lời hứa của anh với Minna. Em có tha thứ cho anh không, và sống hạnh phúc trong chờ đợi và hi vọng?
– Vâng, em biết là em có thể. Vì chúng ta yêu nhau, và cái đó làm cho những thứ còn lại dễ chịu đựng hơn. Em cũng có bổn phận của em, và công việc của em. Em không thể thấy hạnh phúc nếu em lơ là chúng, cả vì anh, vì vậy không cần phải vội và nóng lòng. Anh sẽ làm việc của anh ở miền Tây, em sẽ làm công việc của em ở đây. Cả hai chúng ta sẽ hạnh phúc và hi vọng những ngày tốt đẹp hơn, hãy để cho Chúa quyết định tương lai.
– Ôi, em cho anh bao nhiêu là hi vọng và can đảm, còn anh thì không có gì cho em ngoài một trái tim tràn đầy và hai bàn tay trắng. – Giáo sư xúc động kêu lên.
Jo không bao giờ có thể cư xử cho đúng mực. Vì khi ông nói câu đó trước ngưỡng cửa, thì cô đặt hai tay vào tay ông và nói khẽ thật âu yếm:
– Từ nay không còn là tay không nữa.
Và nghiêng người, cô hôn Friedrich dưới chiếc ô. Thật là kinh khủng, nhưng cô sẽ vẫn làm thế, cả khi mấy chú chim sẻ đậu trên hàng rào có là con người đi chăng nữa, vì cô đang ở thật xa, và không quan tâm đến tất cả những gì không phải là hạnh phúc của cô. Mặc dù chuyện xảy ra không rườm rà, nhưng giây phút này là giây phút đẹp nhất trong đời cả hai. Xoay lưng lại màn đêm, giông tố và sự cô đơn, để bước về phía ánh sáng, hơi ấm và sự bình yên của ngôi nhà, Jo đưa người yêu bước vào với câu “Hoan nghênh anh đến nhà!” và đóng cửa lại sau lưng họ.
Những Người Vợ Tốt Những Người Vợ Tốt - Louisa M. Alcott Những Người Vợ Tốt