Gỗ Mun epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Họ Không Thể Sống Khác
amed không lấy làm ngạc nhiên. “Đó đã là bản tính tự nhiên của chúng tôi” - anh nói, không chút hối tiếc mà còn có vẻ tự hào. Bản tính tự nhiên là một thứ không được phép chống lại, cố sửa đổi hay làm gì đó để không bị phụ thuộc vào nó. Bản tính do Thượng đế ban cho, bởi vậy nó là hoàn hảo. Hạn hán, các trận nóng, các giếng nước cạn và cái chết trên đường cũng là hoàn hảo. Thiếu chúng, con người sẽ không thể cảm nhận được niềm sung sướng thực thụ khi mưa xuống, mùi vị thiên đường của nước và cái ngọt ngào hồi sinh của sữa. Các con vật sẽ không biết hoan hỉ vì cỏ tươi ngon, không biết thích thú với mùi hương của cánh đồng. Người ta sẽ không hiểu được đứng trong dòng nước lạnh tinh khiết có nghĩa là gì. Thậm chí anh ta sẽ không nghĩ ra rằng đó đơn giản là đang ở thiên đường.
Ba giờ chiều, cái nóng bắt đầu dịu di. Hamed đứng lên, lau mồ hôi, sửa lại khăn xếp. Anh sẽ dự cuộc họp của tất cả đàn ông trưởng thành, gọi là shir. Người Somalia không có bất cứ quyền lực tôn ti nào trên mình. Quyền lực duy nhất chính là các cuộc họp như thế này, nơi mọi người đều có thể phát biểu. Trong cuộc họp, tất cả lắng nghe tin tức do đám do thám trẻ con đem tới. Vì trẻ con không nghỉ ngơi. Chúng khám phá, thăm dò vùng xung quanh suốt từ sáng: có thị tộc nào lớn và đáng gờm ở gần không? Cái giếng gần nhất mà chúng ta có cơ hội đến được nằm ở đâu? Ta có thể an tâm đi tiếp, không sợ bị gì đe dọa không? Tất cả những chuyện đó sẽ được bàn thảo tuần tự. Shir là một trận om sòm ầm ĩ, những cuộc cãi vã, hò hét, lộn xộn. Nhưng cuối cùng quyết định quan trọng nhất sẽ được đưa ra: đi tiếp theo hướng nào. Khi đó ta sẽ xếp hàng theo trật tự định sẵn từ hàng bao thế kỷ và lên đường.
Một ngày ở làng Abdallah Wallo
Ở làng Abdallah Wallo, các cô gái thức dậy trước tiên, và khi bình minh còn chưa bắt đầu, họ đã đi lấy nước. Đây là một làng quê may mắn vì có nguồn nước ở gần. Chỉ cần đi qua bờ cát dốc là xuống đến sông. Dòng sông tên là Senegal. Bên bờ Bắc là Mauritania, còn bên bờ Nam là đất nước mang tên chính dòng sông này: Senegal. Ta đang ở nơi Sahara kết thúc, bắt đầu dải đất xa-van được gọi là Sahel, rộng lớn, nóng bỏng, cằn cỗi, bán sa mạc mà đi thêm vài trăm cây số về phía Nam, theo hướng xích đạo, sẽ dẫn tới vùng rừng rậm nhiệt đới ẩm ướt và có bệnh sốt rét.
Sau khi xuống sông, các cô gái lấy nước vào những bầu sắt cao và xô nhựa, giúp nhau đặt lên đầu và cứ thế, vừa tán gẫu, vừa bám theo triền dốc, họ quay về làng. Mặt trời lên và các tia nắng lấp lánh trên mặt nước trong bầu, trong xô. Nước rung rinh, chao đảo và óng ánh như thủy ngân.
Bây giờ các cô gái tỏa về sân nhà mình. Từ sáng, từ khi đi ra sông, họ đã ăn mặc cẩn thận và tinh tươm, lúc nào cũng thế: váy hoa rộng dài chấm đất và che kín thân hình. Đây là một làng Hồi giáo, trang phục phụ nữ không được có bất cứ thứ gì có thể cho thấy cô muốn khêu gợi đàn ông.
Tiếng xô đặt xuống và tiếng nước vừa mang về sóng sánh cũng giống như tiếng chuông ngân trong ngôi nhà thờ nhỏ vùng quê: chúng hồi sinh tất cả mọi người. Trẻ con túa ra từ các túp lều, vì ở đây chỉ có lều. Bọn trẻ đông lúc nhúc, như thể làng là một cái nhà trẻ. Đám trẻ nhỏ đái ngay từ bậu cửa, theo bản năng, vào bất cứ chỗ nào, sang phải, sang trái, vô tư vui vẻ hoặc còn phụng phịu ngái ngủ. Vừa xong việc này, chúng đã nhao ngay đến xô để uống nước. Các cô bé, và chỉ có các cô bé, thì nhân tiện rửa mặt. Các cậu bé không nghĩ ra chuyện đó. Bây giờ đám trẻ nhìn quanh tìm bữa sáng. Nghĩa là tôi nghĩ vậy, nhưng trên thực tế, ở đây không có khái niệm ăn sáng. Nếu đứa trẻ nào đó có gì để ăn thì nó ăn. Đó có thể là mẩu bánh mì hoặc bánh quy, miếng sắn hay chuối. Nó không bao giờ ăn một mình, vì trẻ con chia cho nhau tất cả, thường là bé gái lớn nhất trong nhóm cố gắng chia đều cho mỗi đứa, dù chỉ một mẩu nhỏ. Thời gian còn lại trong ngày là cuộc tìm kiếm thức ăn không ngừng. Bởi lũ trẻ này lúc nào cũng đói. Bất kỳ lúc nào trong ngày chúng cũng sẽ nuốt chửng tất cả những gì có được. Rồi chúng lại tìm miếng ăn khác ngay.
Giờ đây, khi hồi tưởng lại các buổi sáng ở Abdallah Wallo, tôi nhận ra rằng ở đó không có tiếng chó sủa, tiếng gà gáy hay bò rống. Đúng vậy, vì trong làng không có con vật nào, không có sinh vật gì có thể gọi là vật nuôi - bò, gia cầm, dê hay lợn. Vì thế, cũng không có chuồng bò, chuồng ngựa, chuồng lợn hay chuồng gà.
Ở Abdallah Wallo cũng không có cây cối, rau cỏ, hoa lá, không có các bụi rậm, các mảnh vườn hay vườn cây. Nơi đây con người sống mặt đối mặt với mặt đất trần trụi, với cát xốp, đất sét giòn. Anh ta là sinh vật sống duy nhất trong không gian nóng bỏng như thiêu như đốt, luôn luôn phải vật lộn trong cuộc chiến sinh tồn, để sống dược trên mặt đất. Có con người và có nước. Ở đây, nước thay thế tất cả. Vì không có con vật nào, nước nuôi dưỡng và kéo dài sự sống; vì không có cây cối cho bóng râm, nước làm dịu mát, tiếng sóng sánh của nó giống như tiếng lá xào xạc, như tiếng rì rầm của cây cành.
Tôi là khách của Thiam và anh trai anh, Yamar. Cả hai đều làm việc ở Dakar, nơi tôi gặp họ. Họ làm gì ư? Nhiều việc khác nhau. Phần nửa người trong các thành phố châu Phi không có công việc rõ ràng, ổn định. Họ buôn bán gì đó, làm khuân vác, canh gác gì đó. Họ tràn ngập khắp nơi, luôn sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng để được thuê. Họ thực hiện công việc được giao, lấy tiền và biến mất không dấu vết. Nhưng họ cũng có thể ở lại với anh nhiều năm. Chuyện đó phụ thuộc vào anh, vào túi tiền của anh. Họ kể những câu chuyện phong phú về những việc họ đã làm trong đời. Họ đã làm gì? Hàng nghìn thứ việc, đúng ra là tất cả mọi việc! Họ bám lấy thành phố, vì ở đây sống dễ và thoải mái hơn, thậm chí đôi khi còn có thể kiếm tiền. Nếu họ có vài đồng, họ sẽ mua quà và đi về quê, về nhà, về với vợ con, anh em họ hàng.
Tôi gặp họ ở Dakar, khi họ đang chuẩn bị về Abdallah Wallo. Họ rủ tôi đi cùng. Nhưng tôi phải ở lại thành phố thêm một tuần nữa. Tuy vậy, nếu tôi vẫn muốn đến, họ sẽ chờ. Tôi chỉ có thể đi xe buýt tới. Phải ra bến xe từ tinh mơ, khi đó dễ kiếm chỗ nhất.
Vậy là một tuần sau tôi đi. Bến xe Gare Routière là một bãi rộng, bằng phẳng, vào buổi sớm vẫn còn vắng tanh. Ngay ở cổng đã có mấy cậu choai choai xuất hiện, hỏi xem tôi muốn đi đâu. Tôi bảo muốn đi Podor, vì làng tôi đi nằm ngay ở tỉnh mang tên ấy. Các cậu bé dẫn tôi ra gần giữa bãi và để lại tôi ở đó không nói một lời. Vì tôi đứng một mình giữa chốn không người, một đám người bán hàng còn đang run rẩy xúm ngay lại (đêm ở đây rất lạnh), vây lấy tôi, cố nhét hàng vào tay tôi, nào là kẹo cao su, nào là bánh quy, nào là xúc xắc đồ chơi cho trẻ sơ sinh, nào là thuốc lá bán từng điếu, từng bao. Tôi không muốn mua gì hết, song họ vẫn đứng đó, không có việc gì khác để làm. Người da trắng là một kẻ kỳ dị, một người từ hành tinh khác, có thể tò mò nhìn anh ta gần như không dứt. Nhưng lát sau, một hành khách khác xuất hiện trước cổng, sau anh ta là những người tiếp theo, nên những người bán hàng nhao về phía họ.
Cuối cùng, một chiếc xe buýt nhỏ nhãn hiệu Toyota chạy tới. Xe mười hai chỗ ngồi, nhưng ở đây họ lấy hơn ba mươi hành khách. Khó có thể tả được số lượng và cách sắp xếp của các loại ghế phụ, cơi nới, các băng ghế nhỏ bên trong một chiếc xe như thế này. Khi xe đầy, để một người có thể lên hoặc xuống xe, tất cả các hành khách khác đều phải làm vậy, vì những người ngồi trong xe được xếp khít khịt và chính xác như độ chính xác của đồng hồ Thụy Sỹ, mỗi người có chỗ phải biết rằng trong vòng vài giờ đồng hồ tới anh ta sẽ không cựa quậy được dù chỉ là ngón chân. Tồi tệ nhất là những giờ chờ đợi, khi phải ngồi trong cái xe buýt nóng nực và ngột ngạt cho đến khi bác tài lấy đủ khách. Ở trường hợp chiếc xe Toyota của chúng tôi, chuyện đó kéo dài bốn tiếng đồng hồ và khi chúng tôi đã sắp lên đường thì người tài xế tên là Traoré - một anh nông dân trẻ lực lưỡng, cường tráng - khẳng định rằng có người đã ăn cắp cái bọc anh để trên ghế gói chiếc váy bên trong. Những trò trộm cắp như thế này là chuyện thường ngày trên khắp thế giới, nhưng tôi cũng không hiểu tại sao Traoré nổi cơn thịnh nộ, điên lên, phát rồ, khiến mọi người trong xe co rúm lại vì sợ anh ta sẽ xé xác mình - những hành khách vô tội! Một lần nữa tôi lại tình cờ nhận thấy ở châu Phi, phản ứng đối với việc trộm cắp có một nét gì đó không tỉnh táo, nằm ở ranh giới của sự điên rồ, mặc dù ở đây trộm cắp đầy rẫy. Bởi vì ăn cắp của một kẻ nghèo xác, thường chỉ có một cái bát hay một chiếc áo tả tơi, thực sự là một việc phi nhân tính, cho nên phản ứng của anh ta đối với trộm cắp có vẻ như cũng phi nhân tính. Đám đông đánh đập tên kẻ cắp trong chợ, trên quảng trường, trên phố, có thể giết anh ta tại chỗ. Do đó, thật nghịch lý, ở đây nhiệm vụ của cảnh sát dường như không phải là bắt kẻ trộm cắp, mà là bảo vệ và cứu hắn ta.
Con đường thoạt đầu chạy theo bờ Đại Tây Dương, dọc suốt hàng cây bao báp thật lớn, đồ sộ, hùng vĩ, tựa như ta đang đi giữa những ngôi nhà chọc trời ở Manhattan. Cây bao báp trong giới thực vật cũng giống như voi giữa các loài vật, chúng không có kẻ ngang hàng. Chúng như thuộc về một kỷ nguyên khác, khung cảnh khác, thiên nhiên khác. Không gì có thể so sánh được với chúng. Chúng sống cho riêng mình, có quy trình sinh học riêng.
Sau cánh rừng bao báp dài hàng cây số này, con đường rẽ về phía Đông, theo hướng Mali và Burkina Faso. Tại Dagana, Traoré dừng xe. Ở đây có vài tiệm ăn nhỏ. Chúng tôi sẽ ăn trưa trong quán. Mọi người chia thành các nhóm từ sáu đến tám người và ngồi thành vòng trên sàn. Một cậu bé người của quán để cái chậu đựng lưng lửng cơm rưới thứ nước xốt cay màu nâu vào giữa vòng. Chúng tôi bắt đầu ăn. Mỗi người lần lượt dùng tay phải thò vào chậu lấy một nắm cơm, vắt cho nước xốt chảy xuống chậu và đưa miếng cơm nắm này vào miệng. Ăn từ từ, chăm chú, giữ tuần tự, để không ai bị thiệt thòi. Có một sự chừng mực và lịch thiệp tuyệt vời trong tục lệ này. Ai cũng đói, cơm thì có hạn, nhưng không người nào phá vỡ trật tự, không ai vội vàng, gian dối. Khi cái chậu đã hết cơm, cậu bé mang ra xô nước, mỗi người lại lần lượt uống một cốc to. Rồi rửa tay, trả tiền, đi ra và lên xe.
Một lát sau chúng tôi lại đi. Buổi trưa, chúng tôi đến một thị trấn tên là Mboumba. Tôi xuống xe ở đây. Tôi phải đi mười cây số đường đất ngang qua thảo nguyên xa-van khô hạn, trên cát tơi nóng bỏng và trong cái nóng trí mạng.
Và đây, buổi sáng ở Abdallah Wallo. Đám trẻ đã chạy rông khắp làng. Bây giờ người lớn ra khỏi lều. Đàn ông trải những tấm thảm nhỏ xuống nền đất cát và bắt đầu cầu nguyện buổi sáng. Họ cầu nguyện, tự khép mình lại, dứt khỏi các hoạt động xung quanh - trẻ con chạy nhảy, phụ nữ dọn dẹp. Vào giờ ấy, ánh nắng đã tràn ngập chân trời, chiếu sáng mặt đất, rọi vào làng. Người ta cảm thấy sự có mặt của nó ngay lập tức, trời nóng ngay lập tức.
Bây giờ lệ thăm hỏi buổi sáng bắt đầu. Tất cả mọi người đi thăm nhau. Đó là những cảnh tượng diễn ra ngoài sân, không ai bước vào nhà. Bởi các túp lều chỉ là nơi để ngủ. Sau khi cầu nguyện, Thiam bắt đầu đi vòng quanh thăm các láng giềng gần nhất. Anh bước đến bên họ. Cuộc hỏi đáp bắt đầu.
“Anh ngủ có ngon không?” “Ồ, ngon”. “Thế còn vợ anh?” “Cũng ngon”. “Còn các cháu?” “Ngon”. “Các anh em?” “Ngon”. “Còn ông khách?” “Ngon”. “Anh có nằm mơ không?” “Có”, vân vân và vân vân. Việc này kéo dài rất lâu, thậm chí càng hỏi lâu, những trao đổi xã giao càng cụ thể, ta càng tỏ ra kính trọng người đối diện. Vào giờ ấy, không cách gì yên ổn đi ngang qua làng, vì anh phải tuôn ra một chuỗi chào hỏi tràng giang đại hải với mỗi người anh gặp, mà phải chào hỏi từng người, không được chào nhiều người cùng một lượt, như thế là vô lễ.
Tôi đi cùng Thiam suốt cuộc thăm hỏi này. Rất lâu mới đi hết một vòng. Đồng thời, tôi thấy những người khác cũng đang lòng vòng trong quỹ đạo riêng của mình, cả làng nhộn nhịp, đâu đâu cũng nghe thấy những câu hỏi nghi lễ “Anh ngủ có ngon không?” và những lời đáp tích cực, khiến người ta an lòng “Ngon. Ngon.” Từ cuộc thăm hỏi quanh làng này có thể thấy trong truyền thống và hình dung của người làng không có khái niệm không gian ngăn cách, khác biệt, riêng rẽ. Khắp cả làng không có hàng rào, vách ngăn hay sợi dây nào, không có bờ giậu, tấm lưới, cái hào hay vạch ranh giới nào. Chỉ có một không gian chung, mở ngỏ và thậm chí trong suốt: ở đó không có các tấm rèm treo, những thanh chắn, đập ngăn hay tường, nó không giới hạn ai, không cản trở ai.
Bây giờ một số người ra đồng làm việc. Đồng ở xa, thậm chí từ làng không nhìn thấy được. Đất quanh làng từ lâu đã cằn cỗi, bạc màu, chỉ là cát và bụi. Ra xa hơn tận vài cây số mới có thể trồng trọt được gì đó, với hy vọng nếu trời mưa xuống, đất sẽ sinh hoa màu. Ở đây con người có sức khai khẩn được bao nhiêu thì có bấy nhiêu đất đai, vấn đề là ở chỗ không khai khẩn được nhiều. Cái cuốc là công cụ duy nhất, không có cày, không có vật kéo cày. Tôi nhìn những người đang ra đồng. Họ mang chai nước làm thức ăn cho cả ngày. Họ còn chưa đi đến nơi, trời đã nóng nực khủng khiếp. Họ trồng gì? sắn, ngô, lúa cạn. Trí khôn và kinh nghiệm dạy họ phải làm việc ít và chậm rãi, giải lao lâu, kiệm sức, nghỉ ngơi. Bởi vì đó là những người yếu sức, suy dinh dưỡng, không có sinh lực. Người nào làm việc cật lực, vất vả, tận sức, anh ta sẽ càng yếu hơn, người yếu và kiệt sức dễ bị mắc bệnh sốt rét, lao phổi và hàng trăm thứ bệnh nhiệt đới tiềm ẩn khác mà phân nửa gây chết người. Cuộc sống ở đây luôn luôn là một sự gắng sức, là cố gắng không ngừng để tìm được sự cân bằng luôn luôn mong manh, yếu ớt, lung lay giữa sống sót và tuyệt diệt.
Phụ nữ thì chuẩn bị bữa ăn từ sáng. Tôi dùng từ “bữa ăn” bởi vì người ta chỉ ăn một bữa trong ngày, cũng không thể dùng các khái niệm bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối, vì không có giờ ăn nhất định, người ta chỉ ăn vào lúc bữa ăn được chuẩn bị xong. Thường thì nó rơi vào buổi chiều. Người ta ăn một lần trong ngày và lúc nào cũng giống nhau, ở Abdallah Wallo cũng như khắp vùng này, bữa ăn là cơm rưới nước xốt cay gắt. Trong làng có người giàu kẻ nghèo, song họ không khác nhau ở mức độ phong phú của thực đơn, mà là ở lượng cơm. Người nghèo thì chỉ có một chút cơm, người giàu có cả bát đầy. Nhưng đó cũng chỉ là vào những năm được mùa. Hạn hán kéo dài sẽ đẩy tất cả mọi người xuống cùng một hố: cả người nghèo lẫn người giàu đều ăn từng chút, cốt sao khỏi chết đói.
Chuẩn bị bữa ăn chiếm gần hết ngày của phụ nữ, đúng ra là cả ngày. Vì buổi sáng họ phải đi kiếm củi. Không đâu có cây cối, chúng đã chết từ lâu và tìm được những miếng, mẩu, que nào đấy trên thảo nguyên xa-van là công việc khó nhọc, mất rất nhiều thời gian. Khi người phụ nữ rốt cuộc đem được một bó củi về, cô lại phải ra khỏi nhà lần nữa để lấy nước. Làng Abdallah Wallo có nguồn nước ở gần, nhưng ở nơi khác thì thường phải đi vài cây số, vào mùa khô còn phải mất hàng giờ đồng hồ chờ xe chở nước đến. Đã có củi và nước, cô có thể bắt đầu nấu cơm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy: trước tiên phải ra chợ mua gạo, hiếm khi trong nhà dư giả đến mức có gạo dự trữ. Cực nhất là đã đến buổi trưa, những giờ nóng nực tới mức mọi thứ đều ngưng lại, tê liệt, chết lặng. Việc cơm nước quanh đống lửa và đám nồi niêu cũng lắng xuống. Vào giờ ấy, cả làng vắng lặng, không còn sức sống.
Một lần, tôi lấy hết sức bình sinh và ra đường vào buổi trưa, đi từ lều này sang lều khác. Lúc đó là mười hai giờ.
Trong tất cả các túp lều, trên nền đất, trên chiếu, trên phản, người ta nằm im lặng, bất động. Mặt họ đẫm mồ hôi. Làng giống như chiếc tàu ngầm dưới đáy biển: nó nằm đó, nhưng không đưa ra dấu hiệu gì, câm lặng, bất động.
Buổi chiều, tôi đi cùng Thiam ra sông. Con sông đục ngầu, xám xịt chảy giữa hai bờ cát cao. Chẳng ở đâu có một chút màu xanh, cây cối, lùm bụi. Tất nhiên, người ta có thể đào kênh ở đây, tưới nước cho sa mạc. Nhưng ai phải làm chuyện đó? Tốn bao nhiêu tiền? Để làm gì? Con sông chảy như chỉ cho riêng mình, chẳng ai để ý, chẳng mấy ích lợi. Chúng tôi đi sâu vào sa mạc, khi trở về thì trời đã tối. Trong làng không có chút ánh sáng nào. Không ai đốt lửa vì sợ phí củi. Không ai có đèn pin. Vào đêm không trăng như đêm nay, người ta không nhìn thấy gì hết. Chỉ nghe thấy tiếng người chỗ này chỗ kia, tiếng nói chuyện, tiếng gọi, những câu chuyện mà tôi không hiểu, những lời càng lúc càng thưa thớt, nhỏ dần, bởi vì - tận dụng một chút mát mẻ - làng sẽ lặng im và thiếp ngủ trong vài giờ đồng hồ.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun